Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
444
115.867.164
 
Mùa xuân trở lại
Nguyễn Thanh

 

 

Những quầng sáng nhấp nháy chói chang cùng tiếng nổ pháo bông lụp bụp từ bầu trời đêm ba mươi Tết tắt dần trong bóng tối càng lúc càng đậm đặc. Chỉ còn lại tiếng trò chuyện lào xào của mấy nam nữ thanh niên đi chơi khuya đổ về nhà từ con đường bán hoa dọc bờ kè sông Cái Khế.

Văn có thói quen hằng năm, cứ sau giờ giao thừa dù mệt nhọc bận rộn công việc đến đâu, anh cũng cố ngồi vào bàn viết ghi mấy dòng kiểm điểm lại công việc năm qua. Anh dùng những khoảng khắc ít ỏi đó gọi là “khai bút đầu xuân”, để “tống cựu nghinh tân”, một thông lệ mà cha anh khi còn sinh tiền vẫn thường làm ở quê nhà thuở Văn còn thơ ấu chưa ra tỉnh học. Trang giấy trắng tinh khôi ngoan ngoãn mở ra trước mắt anh như sự mời mọc đáng yêu hay một mệnh lệnh tinh thần dịu dàng khiến Văn vốn tình cảm không thể nào cưỡng lại được. Cầm cây bút kim mới màu đen học trò lớp chủ nhiệm tặng mình nhân ngày Nhà giáo vừa qua, Văn ngồi thu mình trên chiếc ghế gỗ cạnh bàn viết trong một góc phòng. Ánh sáng mát dịu của chiếc đèn nê-on ba tấc cò chụp màu xanh lá mạ bên trên tập trung vào trang giấy như đang chờ đợi Văn. Dưới gầm bàn, bên chân anh, khoanh nhang muỗi nằm gọn trong chiếc dĩa sứ mẻ bốc mùi gay gay thơm nhẹ khiến Văn thấy dễ chịu như một cảm giác thân quen đang luồn vào tâm trí anh bao dòng suy nghĩ. Chưa mở đầu được chữ nào nhưng trong đầu óc Văn sớm dậy lên trập trùng con sóng chữ. Anh mơ màng, lim dim đôi mắt xa xôi, tâm tư rạo rực…

- Kìa mình,… anh say đó à? Như chợt tỉnh cơn mơ vì tiếng gọi của Anh Thư từ nhà sau đi ra khi biết chồng thường hay bần thần vì rượu trong những buổi tiệc cuối năm ở cơ quan với đồng nghiệp, bạn bè, anh nhẹ nhàng quay về phía vợ mỉm cười, âu yếm:

- Không mình ạ, anh chỉ đang nghĩ chút việc. Trả lời vợ, bất giác Văn nghe tâm hồn anh đọng lại dư thanh tiếng “mình” hai vợ chồng anh mới vừa gọi nhau. Tiếng “mình” thân thương dào dạt nghĩa tình chồng vợ mà Văn và Thư thường sử dụng với nhau khi tuổi tác của cả hai đã bước sang thế hệ “Em làm bà nội, anh ông ngoại”. Tiếng “mình” với thanh trầm êm ái ngọt ngào cũng mặn nồng như hai tiếng “anh, em” của thời trăng mật hai người mới yêu nhau, làm sống lại bao ký ức từ ba mươi năm trước.

Trời gần đứng trưa. Những tàng cây bên đường đổ từng vệt bóng hình ô voan yên lặng như vết dầu loang trên mặt lộ. Khách đi chợ còn tấp nập trên đường phố. Đi dạy học về, Văn đạp chậm xe lại để quẹo vào con hẻm nhỏ quen thuộc. Vừa đến cổng, Anh Thư từ trong nhà sau đi nhanh ra cửa, vồn vã đón anh khác hơn mọi ngày:

 

1

- Có giấy bảo lãnh của dượng Ba ở Mỹ gởi về cho vợ chồng mình rồi anh ơi! Em mới nhận được sáng nay.

- Vui mừng khấp khởi, Anh Thư vừa trao thư cho Văn, vừa nhanh nhẹn đưa tay nhận chiếc cặp da anh để lên kệ sách cũ dựng sát hông nhà. Văn mỉm cười, nhìn Thư biểu lộ sự đồng cảm với vợ mình. Thực ra lòng anh bây giờ thoáng dậy lên một nỗi bâng khuâng, bởi tính nhạy cảm của anh mỗi khi nhận được thư từ, nhất là điện tín của ai gởi tới. Cầm tờ giấy trắng mỏng trên tay, Văn vẫn cảm thấy nó nằng nặng như hơi thở anh lúc này không như tâm trạng của Thư từ ban sáng khi nhận được tin xa.

Nét mặt gầy ốm của Văn trở nên trầm lặng, đầu óc anh bắt đầu nặng trĩu bao nỗi nghĩ suy. Anh không thể phủ nhận lòng tốt của dượng Ba, em rể vợ anh đã quan tâm lo lắng tận tình cho gia đình anh. Sau giải phóng, đất nước chưa kịp ổn định, nhân dân còn gặp khó khăn trong cuộc sống, một số người dao động, dì dượng Ba liều lĩnh vượt biên sang Mỹ, mấy năm sau gởi giấy báo tin về cho gia đình Văn.

·   Cô giáo Thúy, vợ Văn dạy trường Nữ tiểu học Tỉnh lỵ đã mất vì bệnh ung thư hơn mười năm, để lại cho anh ba đứa con còn nhỏ dại mà đứa lớn nhất khi ấy chưa tới bảy tuổi, đứa bé nhất chỉ tròn hai tháng. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, hằng ngày đi dạy học, anh phải nhờ người chị ruột trông nom nhà cửa và chăm sóc các cháu. Đồng lương giáo sư Đệ nhị cấp* chỉ đủ để trả nợ và đóng hụi chết thay cho người vợ quá cố, trang trải một phần việc ăn mặc học hành cho những đứa con sớm mồ côi mẹ.

Bà con hàng xóm và nhiều đồng nghiệp của vợ chồng Văn thông cảm hoàn cảnh sâu sắc của cha con anh, đã xóa hết nợ và miễn cho Văn phải trả nốt các khoản tiền khác. Cảnh “gà trống nuôi con” của Văn khiến bạn bè thông cảm, càng thương và khen anh là người đàn ông giàu nghị lực, thủy chung với vợ, trái với bao người đàn ông khác, vợ mất chưa làm tuần trăm ngày đã có ý định “bước đi bước nữa”. Văn sống bình lặng với nghề dạy học và tình yêu thương, chăm chút của đàn con mất mẹ.

Nước nhà thống nhất chưa đầy một năm, Anh Thư tình cờ gặp lại Văn trong một kỳ triển lãm đồ dùng dạy học tại tỉnh nhà. Lúc đó, anh phụ trách thuyết minh cho các tư liệu văn học ở phòng trưng bày của trường anh. Thư công tác ở một ban giáo dục huyện, đang hướng dẫn đoàn giáo viên ra tỉnh tham quan. Anh Thư tình cờ nhận ra Văn khi anh đang làm việc và tìm đến thăm anh tại nhà. Anh Thư chân thành bộc lộ hết tâm sự đã sớm ấp ủ từ khi mình còn là một nữ sinh trường tiểu học huyện… Bình tĩnh lắng nghe, Văn nhận ra Thư đã để ý thương anh từ đó. Văn bắt đầu nghĩ đến người phụ nữ hai con, tuổi chưa tới ba mươi đang ngồi trước mặt mình. Anh Thư vẫn sắc sảo với khuôn mặt trái xoan dễ nhìn: đôi mắt đen lớn long lanh như hạt nhãn nằm trên đôi má làn da trắng mịn: vóc người khá tầm thước được tô điểm thêm bằng bộ áo bà ba trắng khéo may vừa vặn theo thân mình. Văn tự nghĩ “Nhà mình thêm ba người thì có sao đâu”. Sau khi đã trao đổi với các con, anh xin ý kiến công đoàn trường dù trong tâm trí Văn chợt lóe lên câu nói của người đời: “Mấy đời bánh đúc có xương”.

* Giáo viên THPT hôm nay

2

 

 

 

Gia đình nhà Anh Thư ở một huyện lỵ heo hút cách xa thành phố hơn năm mươi cây số. Ngày trước lộ xe còn gập ghềnh hoặc lỗ chỗ những ổ gà rất khó đi như “đường vào đất Thục”, nhưng Thư vẫn đến thăm Văn vào những chiều thứ bảy cuối tháng như một thông lệ, viện lẽ đi thăm bà con hay lo công việc nhà. Lần nào Thư cũng mang theo ít bánh ngọt và trái cây, ngồi nhờ nhà bên cạnh đợi anh đi dạy về. Có cơ hội là Thư chêm ngay vào câu chuyện với Văn để xóa tan trước tiên thành kiến lâu đời về hoàn cảnh những đôi vợ chồng chắp nối:

- Không phải mẹ ghẻ nào cũng ghét con chồng đâu anh.

- Cô nói bình tĩnh, tự tin, nhìn thẳng vào mắt Văn như muốn thể hiện một lời tự thú chân thành. Có lần, Thư sụt sùi, nghẹn ngào với anh:

- Cha em hoạt động bị địch bắt giam, đánh đập. Gia đình thương cha, bắt em hy sinh, hứa gả em cho người giúp cha em ra tù. Là chuyện hệ trọng duy nhất trong đời người con gái nhưng hôn nhân lần đầu của em chỉ là bổn phận. Nó chính là một sự đổi chác, chứ không phải tình yêu. Vì nghĩa vụ, em phải lấy chồng theo sắp xếp của gia đình…

Nhìn Văn đăm chiêu yên lặng, Thư được thế, gần gũi hơn:

- Hồi em học lớp năm tiểu học, mỗi ngày em đều lén nhìn anh đi dạy ngang qua nhà. Có khi em phát ghen thầm với các cô giáo trẻ thường tới lui tập dượt văn nghệ với anh… Sau khi gia đình quyết định rõ ràng ngày gả em, em đã lặn lội ra tỉnh mấy ngày, nhờ một người bạn gái cùng đi tìm anh ở các trường học với ý định… nhưng chẳng được tin tức gì.

Dù là một sự chắp nối, Văn và Thư vẫn cử hành hôn lễ đúng thủ tục ở gia đình và trước chính quyền địa phương. Thư và hai con riêng về sống chung với cha con Văn trong cùng một nhà. Thư nghỉ việc vì không xin đổi được nhiệm sở để theo chồng. Anh Thư đi mua bán lặt vặt trái cây mỗi ngày tiếp Văn xoay sở việc chi tiêu trong gia đình. Các con đứa nào cũng đi học và yêu thương nhau như cùng một cha một mẹ. Căn nhà nhỏ không mấy đủ tiện nghi vẫn ấm áp tình thương.

Sống vất vả trong cảnh túng thiếu, nhìn chồng sáng chiều đi dạy hoặc làm công tác ở trường, Thư không thể vô tư. Mỗi lúc nhìn vợ chồng và cả đàn con nhường nhau từng chén cháo loãng hay tô cơm độn khoai độn bắp, Thư cảm thấy vô cùng đau xót trong lòng mà không biểu lộ cho ai biết:

- Hay là để em nhờ dượng Ba vận động lo giấy tờ cho gia đình mình định cư bên ấy. Dì dượng Ba đã ổn định cuộc sống ở Mỹ, có cơ sở làm ăn, vợ chồng mình sang đó chắc cũng sống được.

- Thư thủ thỉ nhỏ to với Văn khi thấy anh ngồi tư lự trầm ngâm một mình bên cửa sổ. Lắng nghe vợ nói nhưng Văn chưa trả lời. Anh nhận ra lời nói Thư chậm rãi, nhẹ nhàng mà sao đầu óc anh trở nên nặng trĩu, tâm hồn anh dậy sóng băn khoăn.

- Mình phải tính lại thật kỹ đó em. Bảo lãnh thân nhân là cả một vấn đề. Trước tiên là tiền nong. Người đứng ra bảo lãnh bên ấy trước hết phải có tiền gởi ngân hàng đủ số quy định dự trù cho thân nhân sang định cư, rồi lại phải lo tiền mua giấy

 

 3

phi cơ… và bao nhiêu ràng buộc linh tinh khác. Vả lại, con cái còn nhỏ trong khi hai vợ chồng mình đã lớn tuổi, qua bên ấy làm sao cáng đáng nổi gia đình. Văn cố giải thích để Thư yên lòng. Kỳ thực, tự thâm tâm anh hình thành một quyết định từ lâu, trước cả khi anh gặp lại Thư dù cuộc sống gia đình anh không phải là không gặp khó

khăn, túng thiếu. Sinh ra từ chốn ruộng đồng, lớn lên đi học ở trường làng rồi mới ra

tỉnh, Văn vốn đã yêu thương nơi quê cha đất tổ từ bấy lâu thấm đẫm mồ hôi nước mắt của cha ông với bao kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Phần mộ thiêng liêng của tổ tiên, cha mẹ anh, của người vợ yêu thương quá cố một lòng tận tụy lo lắng cho chồng con, là một phần xương thịt không thể tách rời khỏi quê hương anh, cuộc đời và tâm hồn anh. Do vậy, Văn miệt mài phấn đấu mỗi ngày dạy nhiều hơn, làm việc nhiều hơn để tăng thêm thu nhập cho cuộc sống mọi thành viên trong gia đình được khấm khá, thoải mái phần nào, với hy vọng Thư quên đi chuyện rời bỏ quê nhà. Không ngờ, Anh Thư đã âm thầm viết thư nhờ dượng Ba… và nhận được giấy bảo lãnh sáng nay.

- Thương anh, em không muốn thấy cảnh các con mình, cả anh và em phải mãi sống thiếu thốn, chật vật. Em đã cân nhắc cặn kẽ qua nhiều đêm trằn trọc không ngủ. Nếu anh không đồng ý, em và hai con em cũng phải đi.

- Thư vừa nói, tay vừa lau nước mắt. Nhưng giọng Thư đột nhiên trở nên chậm lại, rắn rỏi ở mấy lời sau cuối.

- Anh không còn biết phải tính sao hơn.

- Tiếng Văn lắng đọng, nhẹ nhàng như muốn nói tiếp: “thôi tùy em vậy” nhưng anh im lặng.

Sau khi ly dị Văn dứt khoát để chờ hoàn thành hồ sơ xuất cảnh sang Mỹ, Anh Thư và hai con dọn đồ đạc đi thuê một căn nhà ở riêng, cách gia đình Văn không xa mấy. Dì dượng Ba vẫn liên lạc thư từ với Thư, động viên cố gắng chờ đợi vì thời gian làm xong hộ chiếu, phỏng vấn theo đúng thủ tục có thể kéo dài nhiều năm. Càng lúc, Thư càng tiếp nhận được nhiều thông tin về thực tế cuộc sống tại Mỹ. Hai năm sau, cha mẹ ruột Thư về thăm quê hương cũng tỏ ra ngao ngán. Người lớn tuổi suốt ngày chỉ quanh quẩn trong những ngôi nhà bưng bít hoặc phải sống cách ly với con cháu ở các trại dưỡng lão. Giới trẻ tuổi hay vắng nhà vì mỗi ngày phải lái xe có khi mấy trăm cây số đi làm việc. Cha con, ông cháu ít khi được gặp nhau trong lúc loài vật như chó, mèo… lại được quan tâm săn sóc đặc biệt, khác lạ hơn ở quê nhà. Hiểu rõ thực trạng ấy, Thư bắt đầu thất vọng, chán chường. Mọi việc diễn ra ở nước ngoài không suôn sẻ, tốt đẹp như ý nghĩ của Thư trước kia. Trong hoàn cảnh chờ đợi, không có việc làm, Thư phải thường xuyên đối phó với sự thiếu thốn về vật chất và mệt mỏi về tinh thần những khi ở nước ngoài chưa kịp gởi tiền về. Khoảng khắc cô đơn, lo lắng trập trùng đầu óc trong căn nhà thuê xa lạ khiến Thư cảm thấy lòng mình đau đáu một nỗi ân hận ngấm ngầm. Lúc ấy, Thư bâng khuâng nhớ lại kỷ niệm xưa với những tình cảm, ước mơ hồn nhiên trong sáng của người con gái thơ ngây lần đầu biết rung động vì tình yêu. Thư như nghe lại hồn mình chếnh choáng với hạnh phúc ảo trong buổi đầu mới gặp Văn và hạnh phúc thực khi tái ngộ với Văn,

4

được sống với anh trong tình nghĩa vợ chồng theo mơ ước của trái tim mình. Càng nghĩ, Thư càng thêm ân hận, xót xa…

·   Buổi sáng đầu tuần, dáng xuân tươi thắm chan hòa trên sắc hoa, màu áo, rộn ràng trong sinh hoạt khắp phố phường. Dư vị ngày Tết thanh bình còn bàng bạc mọi

nhà, tiệm ăn, quán nước… Bà con quen biết khu xóm hai bên nhà Văn bỗng vui mừng tở mở khi nhìn thấy Anh Thư và Văn, mặt mày rạng rỡ, tay trong tay, sánh bước bên nhau. Họ đi ra từ văn phòng Ủy ban phường sau thủ tục đăng ký kết hôn lại. Đứng trước nhà, một bác trọng tuổi, mắt hướng về Anh Thư, ra vẻ biết chuyện, chân thành: “Người vợ hai lần cưới”. Trong khi đó, một chị trẻ tuổi đang ngồi uống nước trong quán, dáng dấp nghệ sĩ, văn chương hơn:

- Thuyền xưa về bến cũ.

Đường phố bỗng rực rỡ tươi vui hơn dưới ánh nắng mai ấm áp, trong âm thanh rộn rã quen thuộc của một ngày mới lại bắt đầu…

Xuân Mậu Tý. Ba mươi ba năm sau ngày giải phóng. Buổi họp mặt đầu năm tại nhà Văn rôm rả tưng bừng như ngày hội khác hơn mọi khi vì có dì dượng Ba lần đầu trở về thăm quê hương. Văn mở tủ, lấy ra chai rượu sâm banh để dành từ lâu, rót mời dượng Ba và mọi người. Tiếng mời rượu và chúc Tết xen lẫn với tiếng cụng ly, cười nói huyên thuyên, cộng với tiếng vòi vĩnh đòi “lì xì” của trẻ nhỏ tạo nên một bản giao hưởng ngày xuân vui nhộn. Sắc vàng rực rỡ của hoa “sao” miền Nam, màu hồng dịu của hoa đào đất Bắc, làm rạng rỡ chân dung Bác Hồ ngự trên tường cao giữa nhà, đang nở nụ cười thân ái với mọi người. Văn tiếp tục cụng ly với dượng Ba, rồi quay sang nhắc Anh Thư:

-Em nhớ tối nay nhắc lại chủ xe Mai Linh cho tài xế sáng mùng sáu đến mình đúng bảy giờ đưa dì dượng Ba về Vị Thanh viếng mộ ông ngoại “sắp nhỏ”, để sau đó dì dượng Ba còn kịp lo hoàn tất thủ tục và hợp đồng mở công ty tại tỉnh Hậu Giang.

 

                        02. 2016

                                                                                               

 

 

 

 

 

 

5

Nguyễn Thanh
Số lần đọc: 3498
Ngày đăng: 20.04.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoa anh đào mùa đông - Sâm Thương
Bản âm - Tru Sa
Từ một trang văn - Nguyễn Thanh
Tám phút mười chín giây - Chế Diễm Trâm
Khó quên những ngày Tạ Chí Đại Trường ở Phan Thiết! - Phan Chính
Những trang viết rời: Bình Định, nỗi nhớ - Nguyên Minh
Xuân muộn - Nguyễn Thanh
Giấc mơ giữa đời thường - Trần Lệ Thường
Chuyện tình trên cao nguyên - Xuân Tuynh
Mưa rừng thông - Phạm Hoài Vũ
Cùng một tác giả
Bóng chiều hôm (truyện ngắn)
Bông vông đỏ (truyện ngắn)
Bâng-briêu mùa xuân (truyện ngắn)
Chờ đò (truyện ngắn)
Miên man quê chị (truyện ngắn)
Trong ngôi nhà ma (truyện ngắn)
Rứng chuối xôn xao (truyện ngắn)
Đồng đất thở dài (truyện ngắn)
Chợ cuối trời (truyện ngắn)
Quanh co Rạch Giếng (truyện ngắn)
Vắng vẻ chợ hoa (truyện ngắn)
Đá trắng (truyện ngắn)
Xuân muộn (truyện ngắn)
Từ một trang văn (truyện ngắn)
Mùa xuân trở lại (truyện ngắn)
Danh họa Picasso (hội họa)
Xoài khô Nam bộ (truyện ngắn)
Học trò chủ nhiệm (truyện ngắn)
Hè về (tạp văn)
Bài thơ định mệnh (truyện ngắn)
Hạt mùa sau (truyện ngắn)
Hệ lụy văn chương (truyện ngắn)
Mối tình xa cách (truyện ngắn)
Yêu chờ (truyện ngắn)
Tranh thờ Nam Bộ (nghệ thuật)