Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
835
116.690.724
 
Hoàng Diệp với Bích Khê – Nhà thơ tiền chiến
Trần Hoài Anh

 

(Nxb. Hội Nhà văn, H, 2017)

 1.Không phải ngẫu nhiên khi nhận định về đời và thơ Bích Khê,Chế Lan Viên đã cho rằng Bích Khê là một "đỉnh núi lạ" mà tài năng tỏa sáng ngay ở tập thơđầu, đến nỗi thi sĩ thiên tài Hàn Mặc Tử đã phải ngưỡng mộ ngợi ca:"Một bông lạ nở hương, một thứ hương quí trọng, thơm đủ mọi mùi phước lộc. Ta có thể sánh văn thơ Bích Khê như một đóa hoa thần dị."(1) Sự xác quyết về thi tài của Bích Khê từ hai thiên sứ thi ca: Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên đãxác tín giá trị thơ Bích Khê trong nền thơ ca dân tộc là điều không thể phủ nhận.

 

2.Ở miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, việc nghiên cứu, giảng dạy văn học lãng mạn trong đó có phong trào Thơ mới (1932 -1945) (mà ở miền Nam gọi là thi ca tiền chiến) luôn được chú trọng và là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân miền Nam, nhất là tầng lớp thị dân, trong đó có giới trẻ và giới trí thức. Trong các văn thi sĩ tiền chiến, Bích Khê là một trong không nhiều nhà thơ được biết đến như một thiên tài thi ca mà đóng góp của ông vào sự cách tân thơ Việt là một hệ giá trị cần được khẳng định.Vì vậy, trên báo Văn, một tập san Văn học có uy tín ở miền Nam trước 1975 số 64 ra ngày 15 tháng 8 năm 1966, trong lời tưởng niệm Bích Khê đã viết: "Mặc dầu mệnh yểu, từ trần khi sự nghiệp còn dang dở nhưng thi sĩ Bích Khê đã là nhà thơ lỗi lạc, có một vị trí rõ rệt trong lịch sử thi ca Việt Nam” (2) Và cũng ở số báo này, Bích Khê được giới thiệu một cách trân trọng với 8 bài viết đặc sắc của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học. Đó là các bài Đôi nét về cuộc đời Bích Khêcủa Quách Tấn; Bích Khê có khuynh hướng chính trịkhôngNhân nhớ Bích Khê và thơ Bích Khê bàn về thơ tượng trưng của Tam Ích; Người em Bích Khê của Lê Thị Ngọc Sương; Thu xà và phần mộ BíchKhê, Nhạc và họa trong thơ Bích Khêcủa Đinh Cường;Bích Khê thi sĩ thần linh của Hàn Mặc Tử; Lời bạt "Tinh huyết" của Hoàng Trọng Miên.Và sau đó cũng trên Văn số 66 ra ngày 15/9/1966 lại đăng bài Nhân đọc bài hồi ký của anh Hồ Hữu Tường của Ngọc Sương với lời giới thiệu đặc biệt của toà soạn: “Chúng tôi xin cống hiến bạn đọc thêm một tài liệu về thi sĩ Bích Khê. Mong bạn đọc coi bài dưới đây như một phụ đính cho Vănsố 64”. Còn trên tạp chí Văn học số chuyên đề về Bích Khê ra ngày 20/11/1974 có bài viết Bích Khê: Dòng thơ, khoảng thơ và thời gian của Phạm Hoài Việt; Tinh huyết của Bích Khêcủa Lê Huy Oanh và Thế giới thơ tượng trưng Bích Khêcủa Phan Kim Thịnh .

 

 Ngoài các số báo chuyên đề, Bích Khê còn xuất hiện trong các tuyển thơ như Thi nhân tiền chiến (quyển hạ) của Nguyễn Tấn Long (Sống Mới xuất bản, Sài Gòn, 1969); Thi ca Việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt (Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, 1965), hay trong các tác phẩm tiểu luận phê bình như Ý Văn 1của Tam Ích (Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1967);Đời Bích Khê của Quách Tấn (Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1971) Và hôm nay là công trình biên khảo của nhà thơ, nhà nghiên cứu Hoàng Diệp:Bích Khê – nhà thơ tiền chiến (Nxb. Hội Nhà văn H, 2017) mà lẽ ra nó phải được xuất hiện trong đời sống văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975.Tác phẩm này được Hoàng Diệp hoàn thành bản thảo từ năm 1970 sau khi ông cho xuất bản công trình biên khảoHàn Mặc Tử thi sĩ tiền chiến (Khai Trí xuất bản, 1968)và Chế Lan Viên thi sĩ tiền chiến (Khai Trí xuất bản, 1969). Giá công trình Bích Khê - nhà thơ tiền chiến của Hoàng Diệp cũng được ấn hành trong những năm trước 1975 ở miền Nam lúc ấy, thìchúng ta đã có được một bộ ba hoàn hảo với ba công trình biên khảo về ba đỉnh cao của Trường thơ loạn nói riêng và phong trào Thơ mới nói chung: Hàn Mặc Tử - Bích Khê – Chế Lan Viên.Nhưng muộn còn hơn không, vì sự hiện hữu của công trình này sẽ góp phần quan trọng giúp người đọc có thêm những cách nhìn mới, cách nghĩ mới về thơ Bích Khê.Bởi,đây là một công trình biên khảo nghiêm túc, cẩn trọng bao quát khá toàn diện về các phương diện trong đời và thơ Bích Khê mà Hoàng Diệp đã cảm nhận, đã chia sẻ theo cách riêng của một nhà nghiên cứu đồng thời cũng là một nhà thơ sống cùng thời với Bích Khê và các thi sĩ tiền chiến khác.

Thơ là thế giới của nhiệm mầu, của huyền diệu. Vì vậy, thưởng thức thơ là điều không đơn giản. Làm thơ đã khó mà cảm thụ thơ lại càng khó hơn. Là một nhà nghiên cứu văn học cũng là một nhà thơ, Hoàng Diệp rất có ý thức về việc nghiên cứu vàtiếp nhận thơ.Ý thức ấy được thể hiệnngay ở lời nói đầu của công trình biên khảo này khi ông xác quyết: “Đọc thơ, tìm hiểu thơ là cả một vấn đề, nói cách khác là cả một nghệ thuật. Người trồng hoa và kẻ thưởng thức hoa, phân lượng hương và nghiên cứu màu sắc là hai thế giới cách biệt cũng như Nam và Bắc cực…(...)  Vậy đối với thơ chúng ta phải đấu tranh bằng cách nào, phải chuẩn bị tâm hồn mình, sửa soạn thể xác mình theo một phương thức nào khi chúng ta đọc thơ, muốn tìm hiểu và thưởng thức thơ.”(3) Chính tâm thức này đã trở thành cảm hứng chủ đạo để Hoàng Diệp khám phá thế giới thơ mới lạ của Bích Khê trong một công trình đầy tâm huyết của mình.

 

 Là một nhà nghiên cứu có một nền tảng văn hóa phong phú, uyên áo và thâm hậu, am hiểu cả văn hóa Đông phương và Tâyphương, đồng thời cũng là một nhà thơ, lại là người sống cùng thời với các nhà thơ tiền chiến, đặc biệt là những nhà thơ trong nhóm thơ Bình Định và Trường Thơ Loạn như Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viện, Quách Tấn, Bích Khê, nên Hoàng Diệp dễ có sự chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu về thơ Bích Khê nói riêng và các nhà thơ trong nhóm thơ Bình Định và Trường Thơ Loạn nói chung. Vì thế, ngay từ những trang mở đầu phần“Thơ Bích Khê” ở công trình biên khảo này,Hoàng Diệp đã phản biện quan điểmcủa Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam cho rằng: “Thơ Bích Khê đọc hai ba lần cũng như chưa đọc”khi ông biện luận: “Chúng tôi không dám tự hào tìm hiểu được thơ Bích Khê, nhưng cũng không đồng ý về cái bí hiểm mà thơ Bích Khê đã chứa đựng là quá bí hiểm. quá tối tăm. Thơ Bích Khê không quá bí hiểm và quá tối tăm như người ta tưởng, vì cái nghệ thuật kỳ bí của Bích Khê là luôn luôn muốn đổi mới, đặt lại tất cả mọi vấn đề mà thi ca có nhiệm vụ. Cái đẹp cái hay, cái sâu sắc đến độ tối tăm, cái mới lạ xuất hiện trong thơ Bích Khê dưới nhiều hình thể mà người ta tự cho là kỳ bí, có khi chúng tôi cảm thấy cả một chứng bệnh thất thường gây bối rối không ít cho người đọc. Nếu người ta đem dùng những từ ngữ “gợi cảm” hay “lên men” để ám chỉ sức hấp dẫn, sức hút của thơ Bích Khê thì vẫn chưa đầy đủ và chưa được ổn lắm.”(4) Điều băn khoăn của Hoàng Diệp ngày nào đến hôm nay đã được giải mã qua các công trình nghiên cứu về thơ Bích Khê trong và ngoài nước ở những năm gần đây mà rõ nhất là các công trình nghiên cứu được trình bày trong hai Hội thảo Quốc gia về thơ Bích Khê, tổ chức tại Quảng Ngãi, quê hương Bích Khê vào năm 2006 và 2016 là một minh chứng.

 

Đúng là thơ Bích Khê hôm nay không còn bí hiểm như Hoài Thanh đã từng phán xét trong Thi nhân Việt Nam. Bởi đằng sau những lớp ngôn từ tưởng chừng kỳ bí và mới lạ ấy là cả một tấm lòng yêu đời, yêu cuộc sống, yêu cái đep đến cuồng si của thi sĩ thiên tài mà có lẽ đương thời không chỉ có Hoài Thanh mà có thể còn nhiều người chưa bắt nhịp được với cảm quan trong thế giới thơ Bích Khê cũng có những suy nghĩ như thế. Vì vậy, những phản biện của Hoàng Diệp trong công trình này về ý kiến của Hoài Thanh theo chúng tôi là cần thiết, nó cho thấy tinh thần độc lập của một nhà nghiên cứu khi dám “đụng đến” những nhà phê bình vốn được xem là thần tượng của một thời như chính Hoàng Diệp đã chia sẻ: “Chúng tôi ngưỡng mộ Bích Khê trong lúc Hoài Thanh …lại muốn đưa chúng tôi xuống hố sâu chứa đầy bí mật.”(5) Và công trình biên khảo Bích Khê, nhà thơ tiền chiến đã thực hiện sứ mệnh xóa tan cái ý niệm về sự bí hiểm của thơ Bích Khê trong cảm nhận của người đọc và người yêu thơ Bích Khê để đưa thơ Bích Khê về gần hơn với cõi nhân sinh như Hoàng Diệp tâm sự: “Đề cập đến thơ Bích Khê, chúng tôi không dám nuôi hy vọng giới thiệu hay lột trần tất cả những gì sâu, kín thăm thẳm, bí ẩn mà thơ Bích Khê đã chứa đựng, cũng không dám nói đã hiểu thơ Bích Khê như Bích Khê đã hiểu (…) chúng tôi không tham vọng. Chúng tôi chỉ cố gắng tìm đến con người Bích Khê qua những huyền thoại của chàng, cũng như các phi hành gia đã tìm đến với cung trăng, mang theo ý định khi trở về, đem biếu quí độc giả thơ Bích Khê vài mẫu đá lạ.” (6)

 

Với công trình Bích Khê thi sĩ tiền chiến, Hoàng Diệp đã phân tích,luận giải sâu sắc, cụ thể và thuyết phụchành trình sáng tạo thơ của Bích Khê. Theo ông, Bích Khê đã đi từ cảm quan thi ca Đường thi qua việc “Thăm dò vòm trời Đường Tống” với những “quan niệm cố hữu về thơ ca thuần túy cổ điển” mà theo Hoàng Diệp “Đọc thơ Đường Bích Khê, chúng ta gặp lại những khung trời từng quen mắt, cảm lại những ý tưởng thân thuộc với lòng ta cũng như ta đã một thời đọc một Đỗ Phủ, một Nguyễn Công Trứ, và gần hơn nữa, một Cao Bá Quát, một Phan Sào Nam…” (7) đến cảm quan thi ca phương Tây. Trong hành trình này “sự can thiệp của Đạo sĩ Hàn Mặc Tử” có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi: “Với chiếc đũa thần, Hàn Mặc Tử đã thổi vào đầu óc Bích Khê một linh khí kỳ ảo, đã thấm nhuần thể xác Bích Khê với một chất toan thủy nhiệm màu có đủ thần lực làm cho cơ thể chàng rung động, trí tuệ chàng đổi sắc.” (8) Vì lúc này, đọc thơ Hàn Mặc Tử đối với Bích Khê là “Một khám phá vĩ đại về điểm tân kỳ diễm ảo, đượm cái thơm ở một thế giới nào, có sức mát ở suối ngọc của một tinh cầu nào, ở một cõi một xứ lạ đối với chúng ta.” (9) Xứ lạ đó chính là những ảnh hưởng của văn hóa và cảm quan thi pháp phương Tây mà Hàn Mặc Tử đã tiếp nhận và thể hiện hết sức tinh tế trong thơ mình. Và không chỉ có Thơ Hàn Mặc Tử làm tỉnh giấc mộng Đào Nguyên đắm chìm trong những ảo vọng đến diệu kỳ của Đường Thi trong Bích Khê mà theo Hoàng Diệp “còn có cảĐiều tàn của ChếLan Viên vàBến My Lăngcủa Yến Lan.Đây là Những yếu tố bất ngờ dồn đập đến luôn luôn quấy phá giấc mơ chàng, buộc chàng phải dang tay giã biệt giấc mơ tiên.” (10)

Một phần quan trọng khác trong công trình biên khảo này thể hiện năng lực cảm thụ thơ sâu sắc của Hoàng Diệp đã đem đến cho người đọc những mỹ cảm tốt đẹp trong quá trình cảm thụ thơ Bích Khê đó là phần viết về một số phương diện thơ Bích Khê như Hương, Tình; Lệ; Nhục dục mà ở phương diện nào ông cũng có những cảm thụ tinh tế. Cảm nhận vềHương trong thơ Bích Khê, Hoàng Diệp viết: “Đi tìm một mùi hương chúng ta qua ba bậc. Thứ nhất cấp bậc về cuộc đời, tiếp đến là từsự sống động của cảm xúc của tưởng tượng và sau cùng là cuộc sống ở miền tâm linh. ở vùng này con người luôn đối diện với hóa công vì chính hồn cũng đã diễn ra hương. Hồn vô hình và hương chỉ hữu hình. Bắt cái “vô hình trở nên cái hữu hình”, câu nói của Hàn Mặc Tử thật là chí lý và chúng ta không vội ngạc nhiên rối rít lên khi nghe nói thi ca Bích Khê là một đóa hoa “thần dị.”(11)Hoặc luận về chữ Tình trong thơ Bích Khê,Hoàng Diệp đã cho thấy một sự cảm nhận khá sâu sắc và mới lạ khi ông đi “phân chất mùi hương” trong thơ tình yêu của Bích Khê như một biểu hiện của tâm thức hiện sinh:“Tình đối với Bích Khê thật là nhiều, đậm và nồng say. Nhưng điều lạ lùng là chàng đã từ chối tất cả mối tình ở trần gian ... Tình yêu cao đẹp tình yêu mơ mộng của trai thanh gái lịch ở tuổi đôi mươi, tình yêu trăng nước trời mây... đối với Bích Khê chỉ là những hoạt động tầm thường thuộc ngoại diện của tâm linh. Chàng muốn tìm về với một thứ tình cao hơn núi, sâu hơn biển, mầu nhiệm hơn lời kinh tiếng kệ; Tình yêu âm thầm sâu kín đối với chính mình... Tình yêu mình đã đưa đến một thứ tình yêu quê hương nhỏ bé Việt Nam, xứ ở sỏi đá Quảng Ngãi và ngôi nhà mồ vắng lặng Thu Xà. Bích Khê đã tài bồi mối thâm tình ấy với tất cả những nguyên liệu tâm linh chàng sẵn có. Những nỗi niềm đau xót trộn lẫn những nguồn suối hả hê sản khoái:Rồi một mùa thu vô hạn thương / Trở về dưới biếc chập chờn hương (Nấm Mộ).”(12)

 

Khi phân tích vềLệ trong thơ Bích Khê, Hoàng Diệp cũng có một sự cảm nhận theo cách riêng của mình: độc đáo và thấu cảm của một tâm hồn đồng điệu khi ông xác quyết: “Đời khóc Bích Khê nhiều hơn Bích Khê khóc cho đời.” Và theo Hoàng Diệp: “Hình như tâm tư Bích Khê đã một lần bị thương nặng, giọt nước mắt chính đã do từ suối tâm linh đổ ra, nên nó không có một danh xưng rõ trong thơ Bích Khê.” (13) Vì vậy, lệ trong thơ của Bích Khê là những giọt lệ của thế giới tâm linh mà nếu không có một sự giao cảm tâm linh thì người đọc sẽ không thể nào giải mã được!?

Bàn về vấn đềNhục dục trong thơ Bích Khê trên cơ sở những lý luận khá chặt chẽ được nhìn từ nhiều bình diệnkhác nhau cả tâm sinh lý, đạo đức, văn hóa, Hoàng Diệp đã tranh luận với những ý kiến “kết tội” về cái dâm trong thơ Bích Khê của một số người khi ông khẳng định: “Cái đẹp thể chất, thuốc phiện, hơi rượu “hú ma” đã biến Bích Khê thành một Baudelaire đã tìm gặp trong cái say, cái tính dục cho đến trong cái chết, một niềm an ủi tâm hồn thi sĩ, một thành công trên con đường nghệ thuật, thì Bích Khê vừa bắt tay cái trần truồng khả ố, cái hữu thể gớm guốc ấy, vừa giã biệt chúng để tiến vào cõi siêu thoát:Ta là thơ! Phàm tục hãy qui y / Ta sáng suốt chiếu ra màu Phật Tánh.Hai câu thơ trên đã làm sụp đổ như những bước tường thành đua nhau sụp đổ tất cả những ý tưởng, những quan niệm từ trước đến nay về thơ tội lỗi, thơ dâm đãng của Bích Khê. » (14) Chính sự biện luận sâu sắc và khoa học này đã cho thấy tính hiện đại và sự tinh tế trong tư duy phê bình của Hoàng Diệp mà không phải ai sống trong khí quyển văn hóa cùng thời với ông, khi những quan niệm khắc khe của lễ giáo phong kiến vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đời sống xã hội, cũng có những suy nghĩ cởi mở như thế!?

 

Ở lĩnh vực nghệ thuật trong thơ Bích Khê,Hoàng Diệp đã bàn đến các phương diện như:Nhạc, Âm thanh; Hình ảnhNghệ thuật kiến trúc câu thơ với các vấn đề như cách dùng chữ, phép liên cú, cách ngắt hơi, lối đảo tự, phép điệp âm, dùng điển tích... mà ở phương diện nào người viết cũng có những luận giải thấu đáo. Khi bàn vềNhạcÂm thanh trong thơ Bích Khê, tác giả viết: “Nhạc phản chiếu hành động và tư tưởng của người cũng như Thơ (…) Những “Tỳ Bà”, “Hoàng Hoa”, “Nghê Thường”, “Nhạc”… của Bích Khê là những biểu tượng hùng hồn cho một lối kiến trúc mới, quá táo bạo đối với thi ca Việt Nam.”(15)Hay khi bàn về hình ảnh trong thơ Bích Khê, Hoàng Diệp đã chỉ ra những đóng góp của Bích Khê, một nhà thơ rất có ý thức cách tân trong hình thức nghệ thuật thi ca, khi ông xác quyết: “Những gì mà chúng tôi tìm gặp trong thi ca Bích Khê đã chứng minh thêm một điều là Bích Khê đã tỏ ra rất dè dặt, nghiêm chỉnh trong việc tìm kiếm, lựa chọn hình ảnh, biểu tượng. Từ cái nguồn mạch vô tận ấy thơ ca chàngphát triển sáng chói, sâu thẳm thêm. Bích Khê cũng không xem thường những điển tích cũ, hình ảnh xưa khi chàng viếng cảnh “Ngũ Hành Sơn” vì chàng đã thổi vào những hình tượng mốc meo từ ngàn đời ấy một linh khí hoàn toàn mới, làm cho người ta tưởng chúng vừa xuất phát ở giữa lòng thế kỷ.” (16) Và còn biết bao điều lý thú khác trong tập biên khảo này khi Hoàng Diệp khám phá thơ Bích Khê từ cái nhìn đối sánh với các nhà thơ phương Tâynhư “Một cuộc gặp gỡ ngược chiều POE & Bích Khê”, “Ảnh hưởng Paul Valery” đối với Bích Khê…mà chúng tachỉ có thể tìm thấy những điều ấy khi đọc công trình khảo cứu này.

Phần thay lời kết luận viết về “Ba nhà thơ phản kháng: Hàn Mặc Tử - Chế Lan Viên và Bích Khê” cũng khá công phu với một cái nhìn đối sánh về ba nhà thơ này giúp cho người đọc hiểu và cảm rõ hơn, sâu hơn về thơ Bích Khê mà nhận định sau đây là một minh chứng: “Bích Khê mở rộng những cánh cửa to tướng, nặng nề, chúng ngăn cách âm dương, phân giới hạn giữa thực thể và vô thể, giữa hữu thức và vô thức. Chàng tiến đến vị lai, tìm một đời sống thực, Ở đây không có thiên đàng của Hàn Mặc Tử, không có địa ngục của Chế Lan Viên. ở đây con người đời đời không phải sống ngoài không gian thời gian, mà chính con người đã chứa đựng, ấp ủ chúng có thể làm cho không gian thu hẹp lại, thời gian trôi chảy êm như một thời khắc phụ thuộc. Bây giờ con người ấy không biến thể, một con người đầy đủ tất cả., tự do hoàn toàn: ở cõi siêu thế giới vô thủy vô chung ấy, con người đã trở nên một thần tính.”(17)

 

Một vấn đề không thể không nói đến khi đọc công trình biên khảoBích Khê, thi sĩ tiền chiến của Hoàng Diệp đó là chất“mượt mà” đầy “cảm xúc” ở văn phong phê bìnhkhi luận giải các luận cứ, luận chứng trong một công trình mang tính học thuật vốn được xem là lý luận khô khan. Chẳng hạn, khi bàn về những hình ảnh có tính chất ảo giác trong thơ Bích Khê, Hoàng Diệp đã tạo nên những diễn ngôn phê bình khá ấn tượng mà nếu không có một tâm thức giàu mỹ cảm thì không thể kiến tạo được: “Có những hình ảnh không gây được ảnh hưởng trực tiếp đối với giác quan, nhưng đã tạo nên một cảm giác mới, nó thuộc về loại ảo giác. Bích Khê đã mất một ngày trọn để dõi theo cái bóng đen chảy dài trên cát ở động Huyền Không. (…) Chàng đã mơ tưởng qua nhiều đêm trắng đến đường đi nước bước của một làn hương từ dưới đất bay lên trời (…) Trong sự giao cảm với thế gới thần bí, thi nhân đã thấy và nghe những gì? Không ai biết được. Trong sự run rẫy của một chiếc lá, trong cái màu xanh của một ngọn cỏ, trong hình thể của một viên sỏi,trong tiếng phập phồng của một cánh dơi, trong ánh sáng lung linh của một hạt sương,trong tiếng than của gió, của nước, trong những mùi không tên từ núi, từ biển thoang thoảng… Trong tất cả đã phát hiện một rừng ý tưởng chồng chất lên nhau, âm hưởng nổi loạn.” (18) Và từ những luận giải đầy tính khoa học này ông đã đi đến xác quyết: “Thi ca Bích Khê xuất hiện như một quyền lực tinh thần. Nó tạo nên xung quanh thơ chàng một làn không khí khác thường (…)  Chúng ta sẽ quá vội vàng và thiếu khôn ngoan nếu chúng ta có ý muốn chỉ trong phút chốc sau khi đọc thơ Bích Khê, nếm cái chất ngọt bùi, mùi vị thơm mát, kết quả của nhiều năm tâm luyện và suy tưởng về hoa trái thi ca mà Bích Khê đã dày công ươm cây, ướm nụ.” (19) Mặt khác, việc kiến tạo các diễn ngôn phê bình của Hoàng Diệp ở công trình này cũng có những hạn chế khi tác giả dùng khá nhiều các từ ngữ theo lối viết cũcủa những năm đầu thế kỷXX,như: “Quan niệm cổ hũ về thơ ca”, “Sự can thiệp của một đạo sĩ: Hàn Mặc Tử”, “âm thanh nội băng”, “đối chọi trong thừa trạng”, “phép liên cú”, “lối đảo tự”…khá xa lạ với văn phong phê bình hiện nay nên phần nào gây trở ngại đối với sự tiếp nhận của người đọc, nhất là những người đọc trẻ. Hay có những nhận định, đánh giá nhiều khi còn ngẫu hứng, chưa thật thuyết phục về mặt học thuật như: “Vừa lọt lòng mẹ Bích Khê đã là thi sĩ rồi. Chàng nghiên cứu luật Đường Tống để biết và xa lánh chúng. Muốn thắng kẻ thù phải biết lực lượng của chúng. Khi đã cảm biết sức nặng nề phức tạp của hình thức, nó thường cản trở bước tiến của nghệ thuật, Bích Khê không ái ngại vượt lên trên nó để hướng nghệ thuật đến chỗ hoàn toàn tinh vi, điêu luyện.”… (20)

Phần phụ lục của tập sách với một số bài viết về nhà thơ nhà, nghiên cứu Hoàng Diệp mà đặc biệt là hai bài viết “Hoài Niệm về Ba” của Kim Thư và bài: “Nhà thơ Hoàng Diệp – vụ kiện “Trích Thơ Hàn Mặc Tử” của Bùi Kim Chi cũng góp phần giúp cho độc giả hiểu thêm về cuộc đời và văn nghiệp của một nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học, vốn chưa phải đã được nhiều người biết đến.

3.Công trình biên khảo Bích Khê nhà thơ tiền chiến của nhà thơ, nhà nghiên cứu Hoàng Diệp với những vấn đề đã khái quát ở trên là một công trình nghiên cứu văn học có giá trị khoa học và thực tiễn, phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy và nghiên cứu thơ Bích Khê trong nhà trường cũng như các viện nghiên cứu. Nó góp phần quan trọng bổ khuyết vào vùng tư liệu nghiên cứu về đời và thơ Bích Khê ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 vốn không còn nhiều và cũng không phải dễ kiếm tìm. Vì vậy, sựxuất hiện của công trình biên khảo Bích Khê nhà thơ tiền chiến(Nxb. Hội Nhà văn, H, 2017)do gia đình nhà thơ, nhà nghiên cứu Hoàng Diệp cùng với nhà văn Nguyên Minh, chủ biên tạp san Quán Văn hợp tác in ấn, phát hành là một điều rất có ý nghĩa. Và ý nghĩa ấylại càng sâu sắc hơn khi công trình biên khảo này ra mắt đúng dịp cả nước đang tổ chức Ngày Thơ Việt Nam để tôn vinh những giá trị của thơ ca Việt. Cơ Duyên này, thiết nghĩ sẽ làm ấm lòng hương linh của cố nhà thơ Bích Khê và nhà thơ Hoàng Diệp– những con người suốt cả cuộc đời dấn thân và tận hiến cho thơ. Bởi, nói như Cyprian Norwid, một nhà thơ Ba Lan: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái... không còn gì khác”.

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 4/3/2018

Chú thích

  1. Nhiều tác giả (2003), 70 năm thơ Bích Khê, Nxb Thanh Niên, H, tr. 100.
  2. Văn số 64 ra ngày 15/8/1966, tr.01

(3) (4) (5)(6) (7) (8) (9) (10)(11) (12)(13) (14) (15) (16)(17) (18) (19)(20) Hoàng Diệp (2017), Bích Khê – nhà thơ tiền chiến, Nxb. Hội Nhà văn H, tr.7,8; tr.10; tr.12; tr.14; tr.19; tr.35; tr.30 ; tr.84;  tr.113;  tr. 114-117; tr.120; tr.126; tr.128,137; tr.164- 165; tr.232;tr.173-174; tr.175 -176; tr.136

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 1486
Ngày đăng: 20.12.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Gã thi sĩ hoang” – Thơ lắng lọc tâm hồn - Hoàng Thị Thu Thủy
Đọc “kháT/kháC” *của 18 Tác giả - Như Quỳnh de Prelle
Holderlin (II) ”Những vần thơ trữ tình và bi khúc” - Võ Công Liêm
Mùa Xuân và những khúc hoan ca trong thơ Xuân Diệu thời thơ mới - Yến Nhi
Holderlin “Thi ca tư tưởng” - Võ Công Liêm
Nhất thể đa dạng văn hóa thời toàn cầu hóa Về kế thừa phát triển sân khấu dân tộc - Tuấn Giang
Hồn tôi đã hóa con đò ấy - Hoàng Vũ Thuật
Puskin và Nguyễn Du – hai nhà tiên tri* của hai dân tộc - Nguyễn Anh Tuấn
Con ruồi trong chai nước ngọt hay Nguyên tắc “người láng diêng” - Phan Tấn Thiện
Nguyễn Minh Nữu và “Lời ghi trên đá” - Phan Trang Hy
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)