Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
856
116.667.300
 
“Người đàn bà qua hai mùa tóc” * và tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng
Trần Hoài Anh

                  

 

 

 

                                                                                  

 

 

 

                                                                                    

 

    Nhà thơ Bùi Giáng, một trong những “quái kiệt” của văn chương miền Nam trước 1975 đã xem thơ là thế giới của mộng tưởng, của nhiệm mầu, của ám ảnh vô thức và tâm linh khi ông cho rằng: “Cõi thơ là cõi bồng phiêu”. Vì vậy, người làm thơ tất nhiên phải “phiêu bồng” trong cõi mơ tưởng ấy thì mới có thể sáng tạo nên thế giới thơ cho riêng mình, nếu không chỉ là sự tái tạo ra một sản phẩm tương tự như thơ chứ không phải là thơ, điều mà hiện nay đang tràn ngập ngổn ngang trong đời sống văn học, làm cho người đọc quay lưng với thơ. Và như vậy, vô hình trung giá trị của thơ đã bị hạ thấp, biến thành một món hàng ế ẩm trong siêu thị văn học của đời sống hiện đại.

Rất may, thơ Anh Hồng không rơi vào bi kịch ấy và thật sự là một giá trị khi chị biết tạo cho mình cõi thơ riêng – một điều rất cần cho sự sáng tạo văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Bởi, nếu không sáng tạo được cõi riêng cho mình thì nhà thơ sẽ tự đào huyệt chôn mình trong nghĩa trang thơ. Đọc Người đàn bà qua hai mùa tóc của Anh Hồng, cái cõi riêng ấy đã hiện hữu trong thơ chị như một tâm thức hiện sinh với những câu hỏi về thân phận, về hiện hữu, về bản thể, về nỗi cô đơn phận người mà không phải sống ở đời ai cũng ý thức về điều ấy. Bài thơ mở đầu như một tuyên ngôn mang tâm thức hiện sinh ám ảnh suốt tập thơ.

Từng mảnh Tôi

Từng mảnh Tôi

Tan vỡ

Chơi vơi

Tìm nơi náu mình

Trên ngọn cỏ...

...

Mặt đất lè tè

Ngọn cỏ thấp

Từng mảnh Tôi

Lặng lẽ...

Tìm Tôi...

                     (Mở)

       Việc trăn trở về sự hiện hữu của bản thể trong thơ Anh Hồng không phải là điều mới lạ. Bởi đây là vấn đề nhân loại luôn khát khao kiếm tìm và lý giải từ nhiều điểm nhìn triết học khác nhau. Và trong thơ vấn đề bản thể luận cũng được  nhiều thi nhân đề cập đến như một tâm thức hiện sinh. Nhà thơ Chế Lan Viên, trong Điêu tàn đã từng tự vấn: “Ai bảo giùm: Ta có, có ta không?”... Nhưng Anh Hồng lại tìm cho mình một cách thể hiện riêng về tâm thức hiện sinh. Nhà thơ không những đi tìm cái “Tôi hiện hữu” mà còn đi tìm từng “mảnh vỡ” của cái “Tôi” ấy. Và những mảnh vỡ của cái “Tôi” này đã hóa thân vào những phận người chảy dài trong dòng sông cuộc đời mà thi nhân trải nghiệm được thể hiện khá sâu sắc ở các bài thơ: Khúc ca về những dấu chân; Đêm Mường Bi, lắng nghe; Tương phản; Giọt nước mắt từ kinh Vu Lan; Ám ảnh; Đêm Lào Cai; Chiều đông, đồng Phú Thọ; Mảnh vỡ... mà khi đọc lên ta không khỏi thấy đắng chát cõi lòng.

... Muôn dấu chân đi, về...

Dấu chân in hoa lên đá

Dấu chân lấp lóa biển khơi

Dấu chân mang tiểu sử một kiếp người

Dấu chân lung linh hào quang huyền thoại...

Nội ơi!

Dấu chân nào của nội

Trong đêm biển cả tan hoang...

Chỉ có dấu chân đi không thấy dấu chân về?

                                            (Khúc ca về những dấu chân)

Đó là niềm khắc khoải khôn nguôi về thân phận con người với những nỗi nhọc nhằn như một định mệnh có từ thuở hồng hoang của nhân loại được nhà thơ cảm nhận một cách tinh tế với sự thấu thị của một tâm thức hiện sinh.

Đêm Mường Bi

...

Nghe văng vẳng nỗi buồn lạc về từ miền cổ tích

Hoang hoải một cánh rừng

In dấu lên cái nhìn của Mẹ

Hằn vết trong khóe mắt của Cha...

...

Cuộc sinh nở chưa tròn...

Ôi! Những kiếp người dằng dặc mưu sinh...

                             (Đêm Mường Bi, lắng nghe)

Đó là hình ảnh những người chồng mất tích giữa biển khơi để lại trên cõi đời khốn khổ này những người vợ, những đứa con mà cuộc đời cũng tròng trành trong biển khổ của cuộc mưu sinh mặn đắng:

Ám ảnh

Một trưa nắng lửa

Hậu Lộc xứ Thanh

Những người chồng mãi mãi chìm sâu dưới đáy đại dương

                                                sau cuồng phong của biển

Những người vợ trên đầu trắng khăn tang

Quỳ gối trần trên lưng cát bỏng

Nạo vét mấy con ngao

Lũ trẻ con tóc cháy khét, mũi dãi chảy lòng thòng

Ráo cổ họng rao bán mấy bánh đa, vài gói bim bim kẹo lạc

Đôi mắt chúng đong đầy màu mưa nắng

Mây trời âm u

Ánh nhìn trẻ con già như biển cả

Trước những đồng xu lẻ leng keng...

  (Ám ảnh)

       Đó còn là hình ảnh những đứa trẻ H’Mông khốn khổ trên đỉnh Mãpìlèng đang vật lộn với thiên nhiên đầy khắc nghiệt của núi rừng để tồn tại mà dẫu có giàu tưởng tượng đến mấy chúng ta cũng không thể nghĩ rằng điều đó vẫn đang hiện hữu trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay!?

Chúng cởi trần giữa hai đợt lạnh tái tê buốt giá

Chân trần chạy trên đá tai mèo sắc nhọn

                                                    máu tươi rớt dưới chân ngô.

        hay hình ảnh những người đàn ông Phù Lá

Hoàng hôn phủ đầy ánh mắt

Héo hắt nụ cười.

       Cả đời không bao giờ bước chân rời khỏi hẻm núi  cheo leo...

     (Ám ảnh)

Những mảnh đời bất hạnh ấy luôn là niềm khắc khoải, ám ảnh tâm thức nhà thơ trong từng sát na của hiện hữu. Đó cũng là nỗi đau bất tận luôn dằng xé, cào cấu tâm hồn người viết, nỗi đau như giông bão triền miên tràn về mà khi đọc lên, ta không khỏi se sắt cõi lòng:

Giông tố quất vào hồn tôi mỗi chiều, mỗi đêm mỗi sáng,

      Mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi tối, mỗi đêm đêm...

                                                                  (Ám ảnh)

Nhưng có lẽ cái ám ảnh thường trực nhất, bao trùm nhất của tâm thức hiện sinh tạo thành cõi riêng trong thơ Anh Hồng đó chính là thân phận của Người đàn bà với những cơ cực, những khổ đau, những vui buồn, những đam mê và khát vọng, điều mà Nguyễn Du đã khái quát trong Truyện Kiều nổi tiếng:

                                    “Đau đớn thay phận đàn bà

                             Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

        Và chính điều này đã góp phần lý giải vì sao Anh Hồng lại lấy tựa đề cho tập thơ của mình là Người đàn bà qua hai mùa tóc.

Tôi rất ấn tượng với tên của tập thơ. Theo cảm thức thông thường để đếm bước đi của thời gian, người ta nói đến bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông chứ có bao giờ dùng “mùa tóc” để chỉ bước đi của thời gian!? Thế mà ở đây, bằng sự nghiệm sinh và sự cảm nhận tinh tế của Người đàn bà, Anh Hồng đã lạ hóa khái niệm về thời gian qua hình ảnh thơ đầy tính độc sáng: “Người đàn bà qua hai mùa tóc”. Mùa tóc ở đây không chỉ đơn thuần mang ý niệm thời gian mà còn chứa trong đó biết bao vinh quang và cay đắng, hạnh phúc và khổ đau của số phận con người...

Người đàn bà qua hai mùa tóc

Đôi mắt nâu mang theo ánh nhìn của biển chiều đông

Giông bão lật tung những giấc mơ chở đầy màu tro của đất

Với tay, không kịp túm lại chút mong manh còn lại

Mặt trời lẫn vào đêm...

Người đàn bà tự dắt mình bước qua định mệnh

Từng nhích nhích hao mòn

Từng ngón gầy xanh xao mỗi ngày bừng giấc mơ lạ lùng

                                                                          mê hoặc...

Ngỡ chạm búp non...

                                     (Người đàn bà – những giấc mơ)

   Và đây là cảm hứng chủ đạo, bao trùm tâm cảm thi nhân, quán chiếu trong cả tập thơ làm nên một cõi riêng trong thơ Anh Hồng như một ám ảnh của tâm thức hiện sinh. Vì vậy, trong tập thơ có nhiều bài nói về cuộc sống của Người đàn bà với những cảnh đời, những số phận, những vui buồn, những đam mê và khát vọng khác nhau... Đó là các bài thơ Tương phản; Thèm; Lời muốn nói; Những dòng tin để lại; Người đàn bà – những giấc mơ; Người đàn bà trên cao nguyên đá; Người đàn bà với trò chơi tiếp sức; Tình yêu; Nguồn sống; Giấc ngủ của em anh cất giấu nơi  đâu?; Người đàn bà ngồi bên ô của sổ; Ghép chữ... Và mỗi bài thơ như có một mảnh vỡ của cái “Tôi” thi nhân tan hòa trong đó. Vì vậy, cái nhìn của Anh Hồng về số phận những Người đàn bà trong thơ là cái nhìn sẻ chia, đồng cảm, đồng điệu trước những bất hạnh mà họ gánh chịu... mà khi đọc lên lòng ta không khỏi quặn thắt một nỗi niềm trắc ẩn.

Nhẫn nại bước chân đi, về

Người đàn bà xóm Bến

Gò lưng kéo những chuyến hàng thuê

......

Người đàn bà – chiếc áo không màu – chiếc xe cũ nát.

Chìm lấp giữa những âm thanh xanh đỏ phố phường

.....

Đôi vai mỏng run run làn áo mỏng

Bóng xiêu xiêu đổ về phía mặt trời

                                                   (Tương phản)

Người đọc bắt gặp trong thơ Anh Hồng hình ảnh Người đàn bà H’Mông trên cao nguyên đá đang lặng lẽ âm thầm oằn lưng gánh “lũ ống, mưa rừng” và “ nắng hạ sém da, rét đông tê tái” với bao hiểm nguy để gieo mầm sự sống. Chính họ là những người đã truyền lửa cho cuộc đời nối tiếp cuộc đời ở một vùng núi cao, xa mờ, hoang sơ với thiên nhiên nghiệt ngã. Nếu không có một sự thấu cảm thì nhà thơ không thể nào viết được những câu thơ đầy ám gợi...

Người đàn bà H Mông lặng lẽ âm thầm

Đếm từng hạt đất màu treo trên từng kẻ đá

 .....

Người đàn bà H Mông

Nhẫn nại...

âm thầm...

nâng niu từng hạt đất...

Chắt chiu mầm sống

lớn lên...

                             (Người đàn bà trên cao nguyên đá)

       Hay hình ảnh Người đàn bà đang đánh đu cuộc đời với những đỏ đen của “trò chơi số phận” mà Anh Hồng đã khái quát thật tinh tế và đầy chất nhân văn qua “trò chơi tiếp sức” trên truyền hình mà nếu không có tấm lòng cảm thương trước những được mất của phận người thì không thể nào nhận ra điều bi kịch ấy.

Người đàn bà đôi vai mỏng như lá lúa

Đánh cuộc

Thảng thốt

 Với từng nhấc tay

Trắng đỏ trắng đỏ...

 Ba đứa con thơ bệnh tật giày vò

Đang chờ mẹ

Với trò chơi Tiếp sức

Để chơi tiếp

Trò chơi số phận

   Nghiệt ngã... mông lung

                              (Người đàn bà với trò chơi Tiếp sức)

Tuy nhiên cái tâm thức hiện sinh làm nên cõi riêng trong thơ Anh Hồng không chỉ dừng lại ở những nỗi đau với những vất vả lo toan từ cuộc sống thường ngày của Người đàn bà mà ẩn sâu trong đó còn có nỗi cô đơn thân phận với những đam mê cháy bỏng trong tình yêu mà chúng ta thường bắt gặp trong thơ Nữ Việt hiện đại với những gương mặt tiêu biểu như: Vy Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Cát Du, Đoàn Ngọc Thu, Ngô Thị Hạnh... Và cũng như trong thơ của các nhà thơ Nữ Việt hiện đại dấu ấn của thuyết “Nữ quyền luận” cũng hiện rõ trong thơ Anh Hồng. Phải chăng, chính cảm thức “Nữ quyền” này đã giúp Anh Hồng nói riêng và các nhà thơ Nữ hiện đại Việt Nam nói chung có thể vượt qua những rào cản đạo đức khắc nghiệt của một thời để nói lên những “khát vọng thành thực” (từ dùng của Hoài Thanh- TM) từ bản thể của mình.

Nhà thơ Vi Thùy Linh đã từng xác quyết trong thơ mình cái khát vọng sống và yêu của người phụ nữ thật mãnh liệt:

Khu vườn ắng lại chỉ còn anh và em

Khởi đầu phận sự thiêng liêng

Những cặp chân khóa  chặt nhau khước từ chân lý

                             (Anh sẽ ru em ngủ - Đồng tử)

Đây cũng chính là những biểu hiện mạnh mẽ nhất tâm thức hiện sinh trong cõi thơ Anh Hồng với bao khát vọng kiếm tìm vốn là một yếu tính của tình yêu.

Tìm đâu, tìm đâu

Không – Cô – Đơn ?

Cô đơn  nhảy múa điên cuồng

Muốn thiêu ta thành tro bụi

Chỉ muốn bay lên

Bay lên... thăm thẳm... bay lên...

                                                             (Trạng thái)

         Và chính trong trạng thái cô đơn đến rợn ngợp này đã làm bùng cháy những khát vọng yêu đương đầy nhục cảm nhưng rất nhân bản của con người. Vì vậy, khát vọng ái ân ấy không hề tầm thường mà chứa đựng một giá trị nhân văn sâu sắc. Nó như một thông điệp tình yêu vừa thực lại vừa mộng.

Thèm một cái ôm ghì siết của anh

Để phiêu diêu vào cõi thiên đường

Của Eva và A Đam

Thèm anh ở trong em thăm thẳm

Thiêu đốt tận cùng bằng ngọn lửa

Ăn cắp của thần Dớt trên đỉnh Olympus

Nếu một ngày...

Không còn thèm gì nữa

Có nên quẳng đời vào Recycle Bin ???

                                                                (Thèm)

       Vâng! Con người có rất nhiều thèm khát. Nhưng vấn đề là ta có dám nói ra những thèm khát của mình một cách thành thật hay không, hay cứ che đậy những thèm khát ấy dưới những mặt nạ đạo đức để rồi thực hiện nó trong bóng tối!? Thơ Anh Hồng đã nói lên rất thành thực nỗi khát khao của Người đàn bà trong cuộc sống. Bởi hơn ai hết Anh Hồng đã ý thức rất sâu sắc về sự mỏng manh và hư hao của kiếp người trong cuộc đời mà sự hư hao ấy ở Người đàn bà lại càng vô cùng cay nghiệt và đớn đau.

...Nửa yêu thương dành lại cho mình

Là chiếc bóng chập chờn trong hoang hoải

Lặng  lẽ quỳ giữa hai mùa tóc

Em bối rối ... giật mình

Tro hoa hồng lả tả trắng không gian...

                                                             (Dành lại cho mình)

       Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng dòng sông”. Và cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần. Vì vậy, khi con người ý thức về sự hiện hữu của mình trên cõi đời thì sẽ trân quí hơn cuộc sống và khi đó mọi cái đi qua đời mình đều trở thành những giá trị. Điều này ta cũng bắt gặp trong thơ Anh Hồng khi nhà thơ ý thức rằng sự hiện hữu của thân phận cũng vô cùng mong manh và hư ảo và những gì đi qua trong cuộc đời rồi cũng hư hao theo năm tháng  của kiếp phù sinh.

             Qua đi, qua đi những khoảnh khắc mong manh như lá

             Qua đi , qua đi những ánh chớp vui, buồn...

            Để một ngày chợt ngắm vầng trăng khuyết

            Biết hao gầy thao thức giấc chiêm bao...

             Để một ngày lặng nghe lòng buốt xót

             Hiểu cát cũng buồn nếu không biển mênh mông

   (Để một ngày)

        Chính vì ý thức qui luật của hiện hữu trong cuộc đời hư ảo với một tâm thức hiện sinh mạnh mẽ nên khát vọng của người đàn bà trong thơ Anh Hồng nhiều khi cũng bùng nổ những cảm xúc mãnh liệt mà nhà thơ gọi đó là những “nguồn sống”. Bởi lẽ, nếu không có những đam mê rất Người này liệu cuộc sống sẽ còn có ý nghĩa gì? Và lúc đó con người sẽ tự cật vấn là mình đang tồn tại hay đang sống!? Bởi nói như Phạm Công Thiện:“Thơ làm tôi sống lại – Thơ giải thoát tôi ra khỏi vòng tù hãm nhọc nhằn của cuộc sống. Thơ đặt tôi trước cuộc sống.”(1)

            Rất muốn

Mỗi khi trong em cảm giác sắp nổ tung thành muôn mảnh

Được gục đầu vào anh chỉ thoáng chút thôi...

Nhắm mắt

Hít mùi nồng nàn quen thuộc

Ôm bờ vai anh

Và thấy mình phiêu diêu, phiêu diêu...

...

Bờ vai anh

Nồng nàn, hăng hắc

Rất - đàn - ông

Đã mang đến cho em

Nguồn sống

(Nguồn sống)

       Và khát vọng tình yêu đó không chỉ là “nguồn sống” mà còn là nội lực làm nên sức mạnh giúp Người đàn bà vượt lên những muộn phiền, những đớn đau của thân phận để được sống đúng nghĩa với hai tiếng Con Người

Xiết chặt thân thể nhau trong vòng tay êm ái

Đêm choàng áo dịu dàng

Anh hút chặt em vào miền quên lãng

Gột rửa ưu phiền

Chỉ còn lại

Tiếng thì thầm mộng mị như  nhung

Em!

Anh!

Em!!!!!!

                                                    ( Tình yêu)

         Như vậy, tâm thức hiện sinh trong thơ Anh Hồng không chỉ thể hiện những vật vã, đau đớn của con người trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn với bao thân phận nổi chìm mà còn bộc lộ rõ khát vọng cháy bỏng, đê mê trong tình yêu, chạm vào những điều sâu kín nhất trong bản thể con người. Đây chính là những giá trị nhân bản là yếu tính làm nên tâm thức hiện sinh trong tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc của Anh Hồng. Bởi theo sự xác quyết của Cyprian Norwid: “Thế giới này rốt cuộc chỉ còn lại hai thứ, chỉ hai thứ thôi: Thi ca và lòng nhân ái... không còn gì khác”.

Phải chăng tâm thức hiện sinh trong cõi thơ Anh Hồng ở tập thơ Người đàn bà qua hai mùa tóc cũng chính là một trong những phẩm tính của thơ ca còn lại với thời gian và cuộc sống...                     

                                Xóm Đình An Nhơn, 11 / 2014

 

* Người đàn bà qua hai mùa tóc, Thơ Anh Hồng, Nxb. Hội Nhà văn, 2014

 

    

 

 



(1). Phạm Công Thiện Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Nxb. An Tiêm SG. 1970, tr. 217.

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 3108
Ngày đăng: 05.06.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc "Có một con mọt sách" của Đỗ Hồng Ngọc - Huyền Chiêu
Bàn tay nhỏ dưới mưa, Một Tấm Lòng - Kiệt Tấn
Những đứa con rải rác trên đường – Hiện thực không ranh giới - Trần Thị Ty
Nguyễn Thánh Ngã, người đắm chìm trong thơ Haiku của riêng mình. - Trần Hòang Vy
NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH "Hành hương về phía nhớ" - Lê Ngọc Trác
Hình tượng Hoa Mai trong thơ ca - Lê Thành Văn
Thơ chữ Hán Nguyễn Du: Cảm hứng từ một dòng sông - Yến Nhi
Vết bùn trong kẽ móng chân Mẹ tôi - Lê Thành Văn
Tình sử Ao Thu & Chim Bói Cá - Nguyễn Khôi
Cảm nhận về một bài thơ lạ: "Noel không có Chúa" - La Thụy
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)