Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
662
116.695.126
 
Thơ Đỗ Trung Lai và những cảm thức về mùa thu…
Trần Hoài Anh

            

       1. Tự ngàn xưa, mùa thu đã là đề tài muôn thuở của thi ca nhạc họa. Song, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa một phạm vi phản ảnh cuộc sống, mùa thu còn là mỹ cảm, là nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh tạo nên dự phóng sáng tạo của người nghệ sĩ. Vì vậy, không lạ gì, trong âm nhạc Việt Nam đã tồn tại những tình khúc tuyệt đỉnh về mùa thu như: Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong; Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều, Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn -Từ Linh; Thu cô liêu, Buồn tàn thu của Văn Cao; Mùa thu chết, Nước mắt mùa thu của Phạm Duy; Thu vàng của Cung Tiến; Nhìn những mùa thu đi của Trịnh Công Sơn; Mùa Thu cho em của Ngô Thụy Miên; Thu hát cho người của Vũ Đức Sao Biển… Hay trong thi ca như: Thu ẩm; Thu Vịnh; Thu Điếu của Nguyễn Khuyến; Cảm thu – tiễn thu của Tản Đà; Tiếng thu của Lưu Trọng Lư; Đây mùa thu tới của Xuân Diệu; Nắng thu của Nam Trân; Thu của Chế Lan Viên; Chiều thu của Thái Can; Cây bàng cuối thu của Nguyễn Bính; Cuối thu của Hàn Mặc Tử, … Thế nên, không phải ngẫu nhiên, trong “Khúc ngâm mùa thu”, Đỗ Trung Lai đã viết những câu thơ với xúc cảm khá tinh tế, thể hiện niềm khắc khoải, ưu lo về sự hiện hữu và tồn sinh của mùa thu mà khi đọc lên ta không khỏi thấy nao lòng: “Ngàn năm xưa đã thu rồi/ Ngàn năm sau nữa đất trời còn thu/ Chỉ lo lòng đất không mùa/ Làm sao nghe được tiếng thu dịu dàng!/ Tìm đâu cho đủ hoa vàng/ Để ta kết chuỗi trang hoàng cho thu”?.

 

       Như vậy, đề tài mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai, không phải là điều mới lạ. Song, cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai mang những nét suy tưởng riêng, thủ pháp riêng, thể hiện nét độc đáo trong cá tính sáng tạo mang dấu ấn Đỗ Trung Lai, không lặp lại ai và cũng không lặp lại chính mình, điều quan thiết trong hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi, đối với sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật thi ca, việc lặp lại người khác hay lặp lại chính mình là tự đóng đinh mình trên cây thập giá văn chương. Cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai vì vậy, là một sáng tạo riêng có của thi nhân. Đó là một bức tranh đa sắc màu, đa chiều kích, mà ở mỗi bài thơ viết về mùa thu đều thể hiện một cảm thức, một cái nhìn riêng về thiên nhiên, con người trong cõi nhân sinh đầy biến động khôn lường. Mùa thu đã trở thành một không gian văn hóa – hiện sinh, một thế giới nghệ thuật ám ảnh tâm thức thi nhân. Thế nên, chỉ với ba tập thơ xuất hiện những năm gần đây của Đỗ Trung Lai như: Thơ – 30 (2013); Ơ thờ ơ (2013); Bảo dông dài ừ dông dài… (2019) đã có 18 bài thơ viết về mùa thu, chưa kể những câu thơ nói đến mùa thu trong các bài khác. Đó là các bài thơ: Khúc ngâm mùa thu; Thu cảm; Thu sang (Thơ – 30); Môi dịu dàng, ta gọi:“Bắc Giang thu!”; Thu tàn Tam Cốc; Tìm một mùa thu cũ;  Mùa thu uống rượu bên hồ Thiền Quang; Một chiều thu; (Ơ thờ ơ); Thu vào chơi Yên Tử; Thu qua cửa Bắc; Tết trùng cửu, cùng thu qua Chùa Hương; Thu, nhớ Lưu Trọng Lư; Thu, nhớ Quang Dũng; Thu về với sông Thao; Thu sớm; Đêm thu, dắt cháu vào phố cổ; Nhời thu đã cạn (Bảo dông dài ừ dông dài…). Có thể nói, mỗi bài thơ viết về mùa thu là một thi giới thể hiện một nhãn quan, một mỹ cảm riêng của thi sĩ, kết tinh thành cảm thức thu vừa truyền thống, vừa hiện đại mà các bài thơ nói trên là một minh chứng. Bởi, theo Max Jacob: “Cả một thế giới trong một con người, đó là nhà thơ hiện đại”. (1)

 

          2. Điều nhận biết trước tiên, khi giải mã cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai đó là sự hoài niệm về không gian văn hóa thu của Thăng Long hiện hữu  từ ngàn năm, có thể mất đi bất cứ lúc nào trước sự thờ ơ, vô cảm của chính những con người đã/ đang/sẽ sống ở đất kinh kỳ như một lời tự vấn đến tê buốt!?: “Có một Thăng Long xa lắm/ “Lối xưa, xe ngựa, hồn thu…/ Có một Thăng Long đang thở/ Bên ta từng phút từng giờ/ (…) Có một Thăng Long răng trắng/ Cắn vào quả sấu đầu thu”. (Thăng Long) Hoài niệm về những ký ức lịch sử, văn hóa Hà Nội hiện hữu trong thơ viết về mùa thu của Đỗ Trung Lai, còn là sự cảm nhận từ tinh thần mùa thu cách mạng Tháng Tám năm nào khi “Tám mươi năm vong nô/ Giờ thành dân độc lập/ Lòng ai không mở cờ/ Tái sinh cùng giời đất”, để rồi: “Nay cùng thu bình thường/ Dạo bên thành Cửa Bắc/ Nhớ về thu năm xưa/ Lòng tự nhiên hành khúc”. (Thu, qua cửa Bắc) Hay là cảm thức hiện sinh về sự hiện hữu của mùa thu qua biểu tượng: “một chiếc lá bàng vàng mơ… trỏ về cuối thu…” và những suy niệm giàu chất triết luận với diễn ngôn mang tính chất vấn về những vấn đề nhân sinh không dễ trả lời: “Ông ơi! Lá vàng tên gì? / Lá vàng tên là hữu hạn/ Ông ơi hữu hạn là gì? / Nghĩa là rồi xa muôn dặm (…) Là cháu không còn ông dắt!/ Sao cháu lại không còn ông”. (Đêm thu, dắt cháu vào phố cổ) Và, cuộc “đối thoại” giữa “ông - cháu” đó là cuộc “đối thoại” giữa hai thế hệ kết thúc bằng một câu thơ bất ngờ nhưng hợp logic và thú vị: “Kìa! Khéo lá vàng bay mất!”… Thông điệp của bài thơ đã rõ: Hãy biết trân quí những gì hiện hữu dù đó chỉ là “chiếc lá vàng” cuối thu còn lại, không nên đi tìm những gì viễn mơ, chẳng có ích cho cuộc sống. Tâm thức hiện sinh nhân bản cũng bắt nguồn từ những điều bình dị ấy!?

 

        Luận bàn về phẩm tính của nhà thơ, Friedrich Schiller xác quyết: “Tiềm thức hợp với suy tưởng, tạo thành nhà thơ”. (2) Như vậy, tiềm thức có vai trò quan trọng trong sáng tạo thi ca và đây là điều thể hiện khá rõ ở cảm thức mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai, khi phần lớn các bài thơ viết về mùa thu của Anh luôn bắt nguồn từ trong “tiềm thức và suy tưởng” mà cảm thức hiện sinh mang màu sắc triết luận là một bình diện thể hiện khá sâu sắc vấn đề nầy. Đó là không khí Phật đài mang sắc màu huyền ảo và thiền định ở bài thơ “Tết trùng cửu, cùng thu qua chùa Hương”: “Gác gió, chuông chùa buông đủng đỉnh/ Sơn Thủy đồng sàn cùng vô thường/ Phật điện đồng môn tam –tứ phủ/ Tục lụy xa dần, gần thiên lương …”; Là những hoài niệm đang xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa xưa và nay với những lời tự vấn đầy trăn trở trong “Mùa thu uống rượu bên hồ Thiền Quang”, một danh thắng của Hà Nội ngàn năm: “Thiền Quang xanh dưới thấp/ Da trời xanh trên cao/ Thu phân rồi đấy nhỉ? Người xưa giờ ra sao?", để rồi, điều còn lại trong tâm cảm thi nhân là những hoài vọng xa mờ về một thời quá vãng: “Ly này ai vừa rót/ Ta rót vào hồ thu/ Người xưa là chiếc bóng/ Ngày xưa là sương mù”. Bởi, nói như Huỳnh Phan Anh: “Thơ ở giữa có và không, thực hữu và hư vô, mời gọi và từ chối”.(3)

 

      3.  Cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai không chỉ có những hoài niệm, ký ức đong đầy không gian văn hóa về thu Hà Nội, mà còn có thi giới thu ở nhiều vùng văn hóa khác của đất nước. Đó là một thi giới đầy ám ảnh với những dấu ấn khó phai mờ của sự quyện hòa giữa mộng và thực, giữa hiện hữu và hư vô kết tinh thành những suy niệm đầy tính triết luận thấm đẫm không gian thiền học: “Cuối đường hun hút cỏ/ Đền hai Vua chập chờn/ Nợ anh hùng trả hết/ Về đây ngồi tham thiền”. (Thu tàn Tam Cốc) hay: “Lá chạm tay người dường tay Bụt/ Tán oan, phổ độ cả mười phương/ Nâng lão mai trà là thu ẩm/ Thiền đàm, Phật pháp được hoằng dương” (Tết trùng cửu, cùng thu qua chùa Hương). Sự kết tinh tư tưởng triết luận nầy được thi nhân biểu đạt khá uyên áo trong bài “Thu vào chơi Yên Tử” với việc sử dụng câu hỏi tư từ như một thủ pháp độc thoại: “Hỏi ai người lục thức/ lục căn/ hiếu tử/ minh quân/ nghiêm phụ…/ Hỏi ai người thiền nhân/ Hỏi ai người thi sĩ/ Hỏi ai ngang thánh thần” và kết thúc bằng câu trả lời mang chất thiền luận: “Không người, đành hỏi gió/ Gió thổi vào Trúc Lâm”. Còn ở bài thơ “Thu tàn Tam Cốc” là niềm trăn trở về những giá trị văn hóa tốt đẹp từ truyền thống vọng về: “Sen Tam Cốc tàn rồi/ Chờ người người chẳng tới/ Một trời thu vô duyên/ Ta quay về bến đợi/ Đá muôn tuổi làm núi/ Nước muôn năm làm đường/ Thu tàn muôn năm khói/ Đò đi về trong sương”. Bài thơ là một lời tự vấn đầy khắc khoải về quá khứ, không dễ trả lời luôn ám ảnh tâm cảm thi nhân: “Sơn hà đầy trong mắt/ Người của ta đâu rồi?/ Mặc ba ngàn du khách/ Ta cùng thu gọi người”.

 

      Mặt khác, trong cảm thức về mùa thu, cùng với không gian văn hóa, lịch sử ở các danh thắng, Đỗ Trung Lai còn dành tình cảm đặc biệt cho các nhân vật lịch sử của dân tộc. Đó là hình ảnh người anh hùng Đề Thám và những nghĩa quân Yên Thế đã hy sinh đời mình cho tổ quốc trong bài thơ “Môi dịu dàng, ta gọi: “Bắc Giang thu!”, mà mỗi câu thơ đều mang sức nặng của tình yêu nước: “Nắng nhuộm vàng cây, lúa trải đỏ đồng/ Thu thắng trận, thu hòa đàm, thu thất thế/ Thu chết tướng, thu tan quân, thu yên nghỉ/ Thu lộng lẫy, thu hào hùng, thu giản dị/ Chuốc rượu dưới quân kỳ, bao cung bậc thu qua/ Chuông thu không, rừng động dưới trăng già/ Tiếng trống trận, tiếng tù và đã tắt/ Nhưng tiếng hát thì không bao giờ chết/ Tiếng hát giữa lòng người, tiếng hát giữa non sông/ Rằng: “Muôn năm dòng máu anh hùng!”/ Rằng:“Vạn tuế giống dòng hào kiệt!”/Thời gian trôi, thời gian trôi mãi miết/ Dạ ngọc gan vàng chói lọi giữa thiên thu”. Hay hình ảnh ông Kim Ngọc, người đem ấm no cho nhân dân Vĩnh Phú trong cải cách nông nghiệp – nông thôn thời bao cấp ở miền Bắc, mà cuộc đời phải chịu bao oan khuất: “Hoa như bảo: Kim phải tôi trong lửa/ Gió như kêu: Ngọc nát cũng cam lòng/ Nhà muôn nóc giờ thơm cơm Việt/ Nơi suối vàng, hoa cải có vàng không?” (Thu, về với Sông Thao)

 

     Đi tìm cảm thức mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai, không thể, không nói đến những ưu tư về đời thơ của Lưu Trọng Lư và Quang Dũng trong “Thu, nhớ Lưu Trọng Lư” và “Thu, nhớ Quang Dũng” mà bài thơ nào cũng thể hiện sự tài hoa, hướng thiện trong hành trình đến với nghệ thuật của người nghệ sĩ. Đó là một Lưu Trọng Lư với những câu thơ đầy mỹ cảm trong Tiếng thu đã chất chứa bao niềm trắc ẩn về thân phận người thi sĩ: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức” Người làm thơ, từ lâu/ Đã không cần giấy mực/ Em không nghe mùa thu/ lá thu kêu xào xạc/ Người làm thơ, từ lâu/ Lá vàng là thân xác/ Em không nghe mùa thu/ Dù ta còn hay thác/  Gió thu vẫn qua rừng/ Kêu những chiều diệp lạc”. Hay ảnh hình Quang Dũng, một thi sĩ tài hoa mà tài năng và số phận luôn ám ảnh trong mỗi câu thơ, khi đọc lên không thể, không xa xót: “Thơ ứa mỗi vần như máu ứa / Quê hương mờ mịt sau lưng người … Độc mộc trông hoài sao chẳng thấy/ Mỹ nhân, thi sĩ phận như vôi …Thu cũ vàng trong màu lúa mới/ Lúa mới vàng trong thu cũ rơi”. Và ẩn trong niềm tưởng nhớ Lưu Trọng Lư và Quang Dũng qua cảm thức về mùa thu, Đỗ Trung Lai đã “ngộ” ra phận số của người thi sĩ cũng bạc mệnh như mỹ nhân. Vì vậy, Nguyễn Du, khi hiện hữu vẫn lắng lo than thở: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”!?. Bởi, nói như Apollinaire: “Các thi nhân bao giờ cũng tiêu biểu cho một hoàn cảnh, một dân tộc”. (4)  Mùa thu là mùa của vàng úa, của phôi phai. Phải chăng, mùa thu gợi cho Đỗ Trung Lai nhớ đến phận số người thi sĩ!?

 

      4. Một bình diện khác khi luận giải về cảm thức mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai, ta thấy thi nhân vẫn sử dụng những thi liệu quen thuộc trong văn học dân tộc đã thành điển phạm khi viết về mùa thu như: lá vàng, gió heo may, con đò, dòng sông, bầu trời… và những tâm cảm vốn có trong các bài thơ thu như: hoài niệm về quá vãng, về tình yêu, về nỗi buồn, niềm cô đơn của cái tôi bản thể. Song, điểm khác biệt ở cảm thức mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai, là anh nói đến những ưu tư về nỗi cô đơn phận người, nhất là những con người dấn thân cho sự sống còn của đất nước và sự tồn sinh của các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mà các bài thơ: “Thu, vào chơi Yên Tử”; “Thu tàn Tam Cốc”; “Mùa thu uống rượu bên hồ Thiền Quang”; “Tết trùng cửu, cùng thu qua chùa Hương”; “Môi dịu dàng, ta gọi: “Bắc Giang thu!”; “Thu, qua cửa Bắc”; “Thu, về với Sông Thao”; “Thu, nhớ Lưu Trọng Lư” và “Thu, nhớ Quang Dũng” … là một minh chứng.

 

     Mùa thu là mùa của ký ức, hoài niệm, nhớ nhung. Viết về mùa thu mà thiếu những xúc cảm tha thiết nầy, sẽ là khoảng trống về mỹ cảm thi ca khó chấp nhận. Vì vậy, bên cạnh những cảm thức về văn hóa, lịch sử, về phận số con người, trong thi giới  thu, Đỗ Trung Lai cũng dành một không gian tâm tưởng cho làng quê, gia đình, cho “cô láng giềng” xa xưa của thuở thiếu thời mà từ trong vô thức những tình cảm ấy luôn ám ảnh thi nhân. Đó là khung cảnh gia đình trong “Thu sớm” với những câu thơ đầy sức ám gợi: “Heo mây về quanh nhà/ Gia đình là có thực/ Em gương lược trong phòng/ Thu đầy trên mái tóc”. Hay ảnh hình một “Cô láng giềng” nào đó, dẫu không “đứng bên hàng tường vi” như “Cô láng giềng” của Hoàng Quý và dù đã xa xôi, vẫn không làm cho thi sĩ thôi “xao lòng” mỗi độ thu về: “Ở một phương nào đó/ Em còn nghe thu đi?/ Phương nầy trong ngõ nhỏ/ Buông bước sầu, anh về”. (Nhời thu đã cạn) Hay nỗi day dứt trong khúc biệt ly đầy luyến nhớ không dễ mờ phai mà đọc lên lòng ta không khỏi xốn xang trong thi phẩm “Một chiều thu”: “Ngày đi theo cánh chim đi/ Mây chiều hấp hối sau đê/ Đò đưa em sang bờ bắc/ heo mây từ đó bay về!” Mùa thu vì thế, là nơi tâm thức nhà thơ luôn tìm về những ký ức thu xưa trong cuộc đời mình mà hôm nay chỉ còn là những ảo ảnh xa mờ của một thời quá vãng dù thi nhân muốn “đếm ngược thời gian” hay “đi vào trong mơ” để “tìm một mùa thu cũ”, nhưng “Chỉ thấy thu nay về/ Thu xưa còn đâu nữa!” (Tìm một mùa thu cũ). Còn đây là nỗi nhớ đến quặn lòng, sự ân hận về tình cảm nhạt nhòa với quê hương là sự tự thú rất thực, không chỉ của thi nhân mà của nhiều người, khi hàng ngày bị cuốn vào cuộc sống áo cơm chốn thị thành, khiến ta cứ xa dần nguồn cội. Bài “Thu cảm”, vì thế đã gợi bao niềm thao thức, ưu lo về cố hương: “Muống già tiết trời lạnh/ Nhà vắng, ta ngồi nhớ quê/ Quê cũng không xa là mấy/ Mà dăm bảy tháng chưa về … Nhớ quê thơ làm dăm khổ/ Ngồi buồn ta đọc Thu nghe”. Và lúc này, Thu đã hóa thân thành người tri kỷ để thi nhân giải bày tình cảm đối với cha mẹ, với người thân, với gia đình. Giá trị nhân bản của thi ca nhiều khi bắt nguồn từ những câu thơ viết về các điều bình dị như thế!?

 

        5. Không hiểu mùa thu có một ma lực mầu nhiệm như thế nào mà luôn ám ảnh tâm thức của các văn nghệ sĩ, đến nỗi Chế Lan Viên đã tiếc nuối sự tàn phai của mùa thu đến nỗi ông đã mong ước đến phi lý, khi muốn nhặt lá vàng của mùa thu để ngăn lối xuân về: “Ai đâu trở lại mùa thu trước / Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?/ Với của hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang!” Rồi thi nhân xác quyết sự gắn kết hồn mình với mùa thu trong nỗi nhớ mong ngút ngàn: “Ai biết hồn tôi say mộng ảo/ Ý thu góp lại cản tình xuân?/ Có một người nghèo không biết Tết/ mang lì chiếc áo độ thu tàn ? (…) / Chao ôi! mong nhớ! ôi mong nhớ/ Một cánh chim thu lạc cuối ngàn”. (5) Còn Đoàn Chuẩn - Từ Linh thì “tự thú” một cách đáng yêu đầy chất nghệ sĩ tính trong tình khúc “Thu quyến rũ” với những lời ca chứa chan cảm xúc và giai điệu đẹp đến lạ thường về mùa thu: “Anh mong chờ mùa thu, dìu thế nhân dần về chốn thiên thai. Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay, mùa thu quyến rũ anh rồi”. Có lẽ, Đỗ Trung Lai khi viết về mùa thu cũng không đi ra ngoài từ trường mỹ cảm nầy. Vì vậy, cảm thức bao trùm trong thơ viết về mùa thu của Đỗ Trung Lai vẫn là những hoài niệm, những nuối tiếc về thu xưa với những giá trị văn hóa truyền thống lịch sử của dân tộc quyện hòa trong tình yêu làng quê, gia đình cùng những giá trị nhân văn làm nên phẩm tính văn hóa Việt mà thi nhân lo sợ sẽ mất dần trong xã hội hiện đại như chia sẻ của thi sĩ trong “Khúc ngâm mùa thu”: “Tìm đâu đủ khói lam mờ/ Thả vào đồng đất bãi bờ, rừng cây?/ Tìm đâu vài hạt mây bay/ Để trời bớt nỗi ngày ngày thiên thanh?/ Tìm đâu ra lá sen xanh/ Để còn bọc cốm cho mình gửi ta/ Tìm đâu móc với sương sa/ Để vai mình lạnh, để da mình mềm?/ Tìm đâu lá lạc bên thềm/ Để than van những nỗi niềm biệt ly?”. Điều mà Đỗ Trung Lai khao khát đi tìm là những tín hiệu mỹ cảm làm nên cảm thức về mùa thu trong thơ của thi nhân nhưng đó cũng chính là những hệ giá trị văn hóa truyền thống làm nên vẻ đẹp của tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai, vì thế không chỉ là những khát khao tìm về những mỹ cảm của mùa thu xưa để nuôi dưỡng nguồn cảm hứng của một nghệ sĩ mà đó còn là khát khao tìm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để nuôi sống tâm hồn của một công dân nước Việt để không bị tha hóa, vong thân ngay trên đất nước mình. Bởi, nói như Guillaume Apollinaire: “Nhà thơ là kẻ tìm ra được những hứng thú mới, dẫu hứng thú đó khó chịu đựng. Có thể thành nhà thơ ở mọi lĩnh vực: miễn là thích phiêu lưu và đi khám phá”. (6)

     Cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai là những mỹ cảm mang tính khai phóng, nhân bản, dân tộc, nên có ý nghĩa dự báo khá sâu sắc. Bởi, trong tâm cảm thi nhân luôn hiện hữu một tâm hồn Việt Nam mà ở đó: “Có một Thăng Long thương nhớ/ Người đi mở cõi mơ về/ Có một Thăng Long thon thả/ Khép hờ vạt áo ngoài kia”. Cảm thức về mùa thu trong thơ Đỗ Trung Lai là những cảm thức mang niềm trắc ẩn khôn nguôi về đất nước quê hương mà anh đã tự nguyện dấn thân trong tư cách một người Lính – một Công dân - Thi sĩ. Bởi, “Mọi sự đều qua – chỉ có nghệ thuật mạnh mẻ mới có sức muôn năm trường cửu” (Théophile Gautier). (7)

 

  Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp; Những ngày đại dịch Covid

  Sài Gòn, 10/8/2021

 

Chú thích:

(1) (2) (4 ) (6) (7)  Đoàn Thêm, Quan niệm và sáng tác thơ, Viện Đại học Huế,1962, tr.41; tr.189; tr.78; tr.44; tr.95

(3) Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Nxb. Hoàng Phương Đông, Sài Gòn, 1968, tr.104

(5) Chế Lan Viên, Điêu Tàn, Hoa Tiên xuất bản, Sài Gòn, 1967, tr.55

 

                    

 

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 909
Ngày đăng: 19.10.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Linh Khiếu, nếu ta có một nắm đất - Nguyễn Đức Tùng
Ngôn ngữ nghệ thuật trong tập ''Dòng Thiêng'' của Nguyễn Linh Khiếu - Lê Nam Linh
Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” của Hàn Mặc Tử - Phạm Ngọc Thái
Phạm Ngọc Thái và thiên tình ca mùa thu - Tuyết Thúy
Đọc “Tình ca mùa đông” của Trần Đình - Nguyễn Tiến Nên
Đất nước đứng lên – một bộ phim vụng về giả tạo - Nguyễn Anh Tuấn
Cảm quan sinh thái văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ* - Trần Hoài Anh
“Khi được thư bạn cũ” – bài thơ không năm tháng - Nguyễn Nguyên Phượng
Về người con gái sống giang hồ trong thơ Phạm Ngọc Thái - Trần Đức
Vài chuyện ngoài lề: bài thơ “đừng đi” - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)