Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
795
116.641.174
 
Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân* Sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh
Trần Hoài Anh

 

         1.  Không phải ngẫu nhiên, Tiến Đạt đặt tên cho tác phẩm của mình là Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân. Thoạt nghe nhan đề tập truyện tưởng đây là tập hợp những câu chuyện về vụ án hình sự ly kỳ nhưng thực ra không phải thế. Phủ lên toàn bộ tập truyện là một sắc màu huyền ảo và một chuỗi những giả định về thân phận con người trong cuộc sống đầy lo âu, bất trắc, biến ảo đã làm nên “linh hồn” của tập truyện. Cuộc truy đuổi ở đây không đơn giản là truy đuổi một con người hữu hình mà là cuộc truy đuổi tâm trạng, vốn là một thứ vô hình. Hơn nữa, mục tiêu truy đuổi lại là tâm trạng mỹ nhân nên tính chất huyền ảo lại càng tăng, tạo một sự hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm, khiến người đọc dễ bị cuốn vào cuộc truy đuổi tâm trạng mà tác giả dẫn dụ. Mượn màu sắc của thế giới huyền ảo, “siêu thực”, để chuyển tải thông điệp về hiện thực ngổn ngang thế thái nhân tình là cảm hứng và bút pháp chủ đạo của tập truyện ngắn này.

 

      Khi con người bị cuốn vào vòng xoáy của những cơn lốc trong đời sống thì việc truy đuổi tâm trạng ở đây không chỉ đơn thuần là cuộc truy đuổi tâm trạng mỹ nhân. Thông qua các câu chuyện, với một thế giới nhân vật sinh động, đa dạng, mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc, dường như điều mà tác giả khát vọng, muốn truy đuổi đến tận cùng đó là khám phá bản ngã của cái tôi hiện sinh, hay nói cách khác đó là cuộc hành trình đi tìm bản thể. Vì vậy,  Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân chính là sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh.

 

            2. Xuyên suốt tập truyện là 11 câu chuyện tình, vừa thực lại vừa mộng, vừa lãng mạn lại vừa trần trụi. Và tất cả những cảm thức ấy tan chảy / dung hợp trong một thế giới tâm trạng huyền ảo đầy ẩn dụ. Điều đó cho thấy tác giả có một cá tính sáng tạo cùng năng lực tưởng tượng khá phong phú. Trong các câu chuyện tình, ta thấy rõ sự đan xen giữa khát vọng tính dục với những đam mê rất Người, đó là những vấn đề thấm đẫm chất nhân sinh mang tính nhân bản sâu sắc. Phương thức miêu tả tính dục ở đây không nhằm kích thích vào những ham muốn bản năng tầm thường của con người mà việc miêu tả tính dục qua những câu chuyện tình với nhiều bối cảnh, hoàn cảnh, khung cảnh… khác nhau ấy là sự trăn trở về sự hiện hữu của số phận con người với những hạnh phúc / khổ đau, khát vọng / dục vọng, những được / mất của kiếp người… Nhưng bao trùm lên tất cả, đó là nỗi cô đơn của thân phận. Vì thế, việc khai thác các yếu tố tình dục trong tác phẩm chỉ là một phép thử để qua đó nhân vật bộc lộ tính cách và nhân cách của mình. Có thể xem đây như một yếu tố thi pháp được tác giả sử dụng khá nhất quán để chuyển tải những ý niệm triết học đầy tính nhân văn. Điều này cho thấy sự thâm nhập cuộc sống với một quá trình nghiệm sinh khá sâu sắc của người viết. Đây cũng là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình sáng tạo của nhà văn, kể cả những nhà văn có thiên năng / tài năng. Đọc 11 câu chuyện trong tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân của Tiến Đạt ta càng thấy rõ chân lý ấy.

 

        Sáng tạo văn học bao giờ cũng là kết quả của một quá trình tích lũy vốn sống. Thiếu  vốn sống, tác phẩm chỉ là những cái xác vô hồn, không thể nào chiếm lĩnh được tâm thức  người đọc. Tiếp nhận văn học bao giờ cũng là tiếp nhận của những đồng cảm, những tri âm. Văn chương nói như J.P. Sartre bao giờ cũng là một sự vẫy gọi. Và sự vẫy gọi đó bao giờ cũng là sự vẫy gọi của tâm thức và tâm cảm từ tác giả đến người đọc và ngược lại. Nói như Cung Tích Biền “Trong thế giới văn chương, những truyện ngắn là những phiến ngà lấp lánh, đa thể và biến dịch từ mỗi người” **

 

            Đọc Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân của Tiến Đạt ta thấy mỗi truyện ngắn đều lấp lánh những thiên thể của một tâm thức hiện sinh. Đó là hình ảnh của nhân vật không tên chỉ có đại từ Anh thay thế mà sự chọn lựa dấu mình trong rừng nhiệt đới được xem như một sự chọn lựa của số phận. Hay hình ảnh Cô gái thọt chân mà ngay cả quê hương, gia đình cũng không nhớ, chỉ có một ước mơ “Một, em không thọt chân. Hai, gánh xiếc ăn nên làm ra. Ba, ông chủ không còn nghĩ ác đến đàn bà con gái” (Trường đoạn ghép từ rừng mưa nhiệt đới, tr.25). Tất cả các nhân vật trong truyện Trường đoạn ghép từ rừng mưa nhiệt đới đều không có một tên cụ thể. Họ chỉ được gọi theo danh xưng như: bà quản đốc, anh nhà báo / văn, nhân viên phục vụ khách sạn, ông chủ, ngài cựu chủ tịch, gã trung niên... Họ như là mảnh vỡ của những thân phận bị lưu đày. Việc họ ẩn mình trong lớp vỏ bọc đầy bí hiểm của mình cũng là biểu hiện cho thân phận lưu đày ấy. Nhưng đỉnh điểm của tâm thức hiện sinh ở đây là sự cô đơn của con người đã hiện hữu trong đời sống như một món hàng. Ta hãy nghe lời tâm sự của bà quản đốc “cũng chẳng có gì bí mật phải giấu anh. Từ lâu tôi mê kinh doanh sự cô đơn của con người. Tôi đã và đang biến nơi này thành điểm đến huyền thoại với những con người kỳ quặc và những sự kiện kỳ lạ, tất cả cũng chỉ để theo đuổi đam mê của mình” (Trường đoạn ghép từ rừng mưa nhiệt đới, tr.34). Kinh doanh sự cô đơn… Phải chăng đây là một ý tưởng táo bạo và mới lạ. Rõ ràng, trong một thế giới đầy bất an, con người muốn chạy trốn tất cả, kể cả chạy trốn chính mình. Và để chạy trốn như thế, có lẽ không có con đường nào khác là ẩn mình trong thế giới cô đơn. Vì vậy, nghề kinh doanh sự cô đơn có khi lại là một ứng xử văn hóa trong một thế giới đầy phi lý,  ở đó con người luôn bị vây bủa bởi bao toan tính đê tiện, độc ác, sẵn sàng thanh toán nhau để thỏa mãn tham vọng của mình. Phải chăng đây là một thông điệp đầy tính nhân văn toát ra từ tác phẩm mà tác giả muốn gửi đến người đọc.

 

            Song, nếu các nhân vật trong Trường đoạn ghép từ rừng mưa nhiệt đới là những con người luôn chạy trốn chính mình thì nhân vật trong Gái đẹp kho báu sông mê lại có một đam mê rất hiện sinh, được di truyền qua nhiều thế hệ như một dấu ấn của số phận đó là mê gái đẹp. Vì vậy, họ sẵn sàng “bỏ thành phố đi long rong để chứng tỏ với cô gái đẹp là tay nam nhi mạnh mẽ, phóng khoáng, thích lãng tử, chê cười vào những thứ vật chất phù phiếm?” (Gái đẹp kho báu sông mê tr.37). Bởi lẽ, với họ “sự trôi giạt đã thành định mệnh.” (Gái đẹp kho báu sông mê tr. 40). Thân phận lưu đày với nỗi ám ảnh của kiếp người bất định vốn là một trong những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh cũng được thể hiện qua tâm trạng của các nhân vật trong tác phẩm khi mà chính họ cũng không biết sẽ có một tương lai như thế nào? “Cũng như nhiều trường hợp khác, tôi không lý giải được tại sao mình lựa chọn như thế, hành động như thế mà không thể chọn cách khác. Cái thiếu nhất của tôi lúc này là tương lai.” (Gái đẹp kho báu sông mê, tr 41).

 

            Vâng! “cái thiếu nhất của tôi lúc này là tương lai” và cái tương lai bất định ấy đã đưa nhân vật đến với bến sông mê, một bến sông mê cho dẫu có nhiều gái đẹp và kho báu thì nó cũng chỉ là một bến sông mê mà thôi!? Và khi con người đã lạc vào cõi mê ấy thì làm sao tránh khỏi bi kịch của thân phận. Câu chuyện vì thế đã thấm đậm một ý vị nhân sinh  sâu sắc, thức nhận cho chúng ta biết bao điều khi mà con người mãi bị đẩy vào vòng xoáy của những cám dỗ quyền lực, lợi danh, tình, tiền... Vì thế trong tâm thức của nhân vật xưng Tôi: “sông mê đối với tôi tựa như cái chết, mãi mãi bí ẩn không cùng” (Gái đẹp kho báu sông mê, tr. 45). Chính vì vậy, trong hành trình đi tìm bản thể, mỗi con người là một ẩn số mà lời giải không ai khác, chính mình phải tìm ra. Đó cũng là suy nghĩ của nhân vật xưng Anh trong truyện: Chuyện tình con gái ông chủ vườn mai: “cha mẹ sinh ra giữa đời với một ẩn số tự anh phải đi tìm, phải giải mã” (Chuyện tình con gái ông chủ vườn mai tr. 57). Nhưng để giải mã thân phận con người trong kiếp lưu đày giữa cõi đời này lại là một câu hỏi mà không dễ gì tìm được lời đáp!?

 

            Và bi kịch đời người là ở sự giải mã số phận. Nhưng không phải ai cũng muốn tường minh về sự hiện hữu của mình cũng như của tha nhân. Bởi trong con người luôn ẩn tàng tâm trạng lo sợ trước những sự thật nghiệt ngã và trớ trêu của số phận. Đó là cũng chính là cảm giác khi đọc câu chuyện đầy hấp dẫn với nhiều kịch tính mà tác giả đã dẫn dụ người đọc đi từ những lo âu này đến lo âu khác để rồi vỡ òa khi câu chuyện kết thúc thật bất ngờ, qua lời thú nhận của người cha về sự ra đi đầy bí ẩn của người mẹ trong truyện Không phải nàng mặc jupe: “Hôm nay cha muốn nói với con một trong những sự thật mẹ con bỏ nhà đi có lẽ vì sự nghi ngờ của cha. Đúng trong đêm sau ngày hình thành con, mẹ con đi ra khỏi nhà một tiếng đồng hồ, thời gian sau đó cha tìm mọi cách truy hỏi nhưng mẹ con không chịu nói. Bực mình, ghen tuông và nghi ngờ, công việc thất bại trong sáng tạo cha la toáng lên thứ đàn bà lăng loàn kia hãy cút ra khỏi nhà và khu vườn... Ba năm sau ngày mẹ con bỏ đi, qua một người bạn của bà ấy cha phát hiện ra trong đêm kia mẹ con tìm đến bệnh xá ngày trước cha dắt mẹ đến buộc phá bào thai lỡ có trước ngày cưới. Mẹ con đến đó thắp ba cây nhang, miệng khấn vái điều gì chỉ riêng mẹ con hiểu. Điều làm cha mất ngủ và giấu nỗi lo sợ hiện lên khuôn mặt phải giấu mình trong toilet có phải chính trong đêm mẹ con hoảng loạn giận dỗi lao ra khỏi nhà đã biến thành bóng ma” (Không phải nàng mặc jupe, tr.77). Và đây là một kết cục đầy bi kịch của phận người mà nguyên nhân của nó bắt nguồn từ sự đổ vỡ niềm tin và sự nghi ngờ một cách cực đoan, thái quá.

            Hình như từ trong sâu thẳm của bản thể, con người luôn ẩn chứa những hoài nghi và khát vọng. Khát vọng thì kích thích con người khám phá cuộc sống và khám phá chính mình. Nhưng tư tưởng hoài nghi thì khiến cho con người nghi ngờ tất cả, kể cả chính mình. Và những điều tưởng chừng như như đối lập này lại luôn hiện hữu trong mỗi con người, nó tạo nên tính bi kịch của thân phận, điều mà chủ nghĩa hiện sinh rất quan tâm khám phá. Đó cũng chính là tâm thức hiện sinh mà ta tìm thấy trong Gái đẹp vào đền, khi người đàn ông trong câu truyện đã tự thú “sau chuyến ra đi của H.T.V, anh nghiệm ra một điều: cuộc sống đề phòng những bất ngờ trong bản thể sâu thẳm” (Gái đẹp vào đền, tr.79). Và trong suốt câu chuyện là hành trình giải mã những bí ẩn trong tình yêu và cuộc đời. “Đền” trong câu chuyện đã trở thành một biểu tượng của tình yêu, của cái đẹp mà con người nhiều khi phải từ bỏ tất cả để khám phá, để chiếm lĩnh, nhất là khi chúng ta bước vào ngôi đền của tình yêu. Đúng như lời tự vấn của người con gái trong câu chuyện “Nếu tình yêu nào cũng lý giải được, có lẽ đời sống chẳng cần phải chờ đợi điều gì” (Gái đẹp vào đền, tr 86). Bởi lẽ, trong tâm cảm của mình, cô ấy đã nhận ra một sự thật “Em có cảm giác anh chẳng yêu em, người như anh chẳng bao giờ yêu ai chân thành, nhưng nhiều khi đó lại là thế mạnh của anh khi chinh phục phụ nữ, Em nói đúng không?” (Gái đẹp vào đền, tr.89)

            Quả thật lời trần tình của cô gái như một con dao phẫu thuật một cách lạnh lùng trái tim của những người đàn ông mà nhiều khi tình yêu đối với họ chỉ là một thứ phương tiện để thỏa mãn dục vọng trong cuộc sống. Và chính điều này đã làm cho họ tha hóa / vong thân, bán linh hồn cho quỷ. Thế mới biết, nhiều khi, những tham vọng, dục vọng có sức hủy hoại tâm hồn và nhân cách của con người như thế nào!? Vì vậy, khi Anh đến nhà “cúi rạp người ngỏ lời cầu hôn, đề nghị đưa nàng đến trụ sở ủy ban nhân dân phường kính nhờ các đồng chí làm giấy hôn thú. Nàng từ chối bằng chất giọng trong veo” (Gái đẹp vào đền, tr.91). Lời từ chối trong veo này là sự khẳng định của nhân cách và nhân phẩm. Bởi lẽ, tình yêu chân chính không có cửa cho những kẻ tha hóa / vong thân.

 

            Đọc Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân, truyện cuối cùng và cũng là truyện được lấy làm tựa đề cho tập truyện, ta thấy sự ám ảnh trong tâm thức hiện sinh ở đây được thể hiện qua hình tượng ẩn dụ đầy tính huyền ảo luôn đồng hiện trong tác phẩm đó là hình tượng sông Hoang và Chùa. Có thể nói tâm thức hiện sinh trong truyện này đã mang một hệ giá trị mới. Nó chính là kết tinh của những giá trị hiện sinh được tác giả đề cập trong các truyện ngắn trước đó của tác phẩm. Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân vì thế, có thể được xem như là tuyên ngôn nghệ thuật của tập truyện ngắn này, một tuyên ngôn chứa đầy tâm thức hiện sinh của sự trải nghiệm cuộc đời trong xã hội hiện đại. Nhân vật xưng Anh thẳng thắn thú nhận: “Anh nghiệm ra, chính quan hệ băng nhóm, bè phái chứ không điều gì khác, tạo lập ra các thứ giá trị thực, ảo. Tính dục cũng băng nhóm. Những người đàn ông giữa đám đông  tranh nhau nói rượu ngon, gái tơ bằng thứ ngôn ngữ khoái cảm. Điều gì xảy ra nếu một ngày đẹp trời những người đàn ông băng nhóm nhìn thấy anh sóng bước cạnh nàng? Chắc chắn, trong số các em trẻ đẹp thơm tho liên quan đàn ông băng nhóm, nàng không có ý nghĩa về mặt thể xác, nghệ thuật ngả ngớn, kinh nghiệm chăn chiếu. Nàng hơn họ vì khoác gương mặt trong suốt” (Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân, tr.118).

       Đây chính là sự cảnh báo đối với đời sống của xã hội hiện đại: Khi mà mọi thứ lợi ích đều là sự liên kết của những băng nhóm kể cả trong tính dục thì cuộc sống con người tất sẽ không tránh khỏi rơi vào bi kịch. Đó là bi kịch của nghệ thuật, bi kịch của tình yêu, và trên hết đó là bi kịch của hiện hữu, bi kịch của thân phận. “Tại sao anh không ước là người đầu tiên được hôn môi thơm cô ấy, lại chọn đúng ngày cuối cùng tự do thời thiếu nữ của nàng? Em đoán thâm tâm anh không bao giờ tin nàng đọng chút cảm tình với anh. Đấy là khi cô ấy biết xung quanh anh lấp lánh hào quang và vây bọc mỹ nhân lắm chiêu nhiều lực. Sau này, khi bức họa cuối cùng anh vẽ khuôn mặt cô gái còn dang dở được bán đấu giá lúc giới truyền thông rầm rộ đưa tin anh đột tử, trái tim nàng chết lặng” (Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân, tr.125). Và tình yêu trong cuộc đời cũng chỉ là những hư hao của thân phận lưu đày trong số kiếp con người. Vì vậy, sự hiện hữu của con người và tình yêu trong hành trình của đời sống cũng chỉ là những ánh chớp của số phận như lời tự thú của người con gái trong Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân: “Em liên tưởng mối quan hệ đứt gãy giữa đường của hai bậc sinh thành dưỡng dục. Anh phân tích, ái tình giữa đàn ông và phụ nữ như một cuộc rượt đuổi bất tận, kết cục khi cả hai đã thấm mệt kịp phát hiện công sức lao lực dành cho cuộc đuổi bắt là phù vân” (Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân, tr.127).

          Phần kết câu chuyện đầy tính huyền ảo này lại là mở đầu của một không gian đầy huyền ảo khác. Thế giới tâm thức hiện sinh ám ảnh trong Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân suy cho cùng cũng là một thế giới đầy huyền ảo nhưng đó không phải là sự huyền ảo được xây dựng trên sự huyễn hoặc mà nó được kết tinh từ hiện thực cuộc sống hiện đại. Yếu tố huyền ảo đan xen trong các câu chuyện được tác giả sử dụng như một bút pháp nghệ thuật mang tính ẩn dụ, có hơi hướm của thi pháp hậu hiện đại, tạo ra hiệu ứng thẫm mỹ / nghệ thuật đặc biệt nơi người đọc để làm rõ một sự thật cay nghiệt – một sự thật không thể phủ nhận hay chạy trốn như con người vốn thường chạy trốn thực tại: “Anh rời tửu quán không thông báo và chia tay chú khách cùng sư phụ anh ta. Khoác hành lý, anh thả bộ theo con đường gấp khúc cùi chỏ hai bên ken đầy loài hoa dại nở bung vàng. Dấu hiệu vòng sinh tử của mùa... Trước khi nhảy lên chiếc xe bò cọc cạch trở đến đón khách đưa xuống thị trấn dưới chân núi, anh dụi mắt, vươn vai nhìn kỹ dưới lòng vực hun hút nơi có dòng suối vắt qua. Một người khỏa thân hai tay vẫy làn nước, hoặc cố gọi ai đó hoặc chỉ làm động tác điệu đàng khấy động âm thanh hoang vu. Anh nghĩ đến tiếng kêu không ai nghe thấy” (Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân, tr.128). Một tiếng kêu như tiếng vọng sâu thẳm của kiếp nhân sinh!?  Vì vậy, mỗi câu chuyện trong tập truyện Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân của Tiến Đạt là một số phận, thậm chí là một chuỗi số phận, thức nhận trong ta biết bao điều về cuộc sống và con người với những giá trị và phi giá trị, văn hóa và phi văn hóa, truyền thống và phi truyền thống. Nhưng bao trùm lên tất cả là sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh: Đó là cảm giác trống rỗng, hư vô, lo âu, trong nỗi cô đơn của thân phận cùng với những sự tha hóa / vong thân đến lạnh lùng và tàn nhẫn của con người trong xã hội hiện đại với đầy sự phi lý / vô cảm này. Vì vậy, Khát vọng truy đuổi đến tận cùng bản ngã / bản thể của mình là khát vọng luôn thường trực trong tâm thức hiện sinh của con người.

 

            Từ tập truyện ngắn đầu tay Có con chim lạ trong thành phố (Nxb Trẻ - 2003) đến tập truyện Tội lỗi tự nhiên (Nxb Trẻ - 2006), rồi đến tiểu thuyết Thể xác lưu lạc (Nxb Hội Nhà văn - 2009) và nay là tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân (Nxb. VHVN, 2014), trung bình cứ hơn 3 năm Tiến Đạt trình làng một tác phẩm. Không biết đây có phải là một sự lập trình trong sáng tác hay không? Nhưng dù đó có là sự lập trình chăng nữa, thì tôi nghĩ rằng sự lập trình này không chỉ đơn thuần mang thời gian tính mà đó chính là sự lập trình của một sự trải nghiệm cần thiết trong sáng tạo của nhà văn. Đó là sự lập trình của một độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn. Vì đây là một điều kiện tất yếu của sáng tạo văn học.

 

            3. Văn chương không chỉ là niềm đam mê mà là một nghiệp chướng mà khi đã dấn thân vào thì rất khó thoát ra được. Thế nên, việc Tiến Đạt đã không ngừng sáng tạo để lần lượt cho ra đời những đứa con tinh thần của mình như đã nói ở trên không chỉ cho thấy tiềm năng và triễn vọng của Anh trong quá trình sáng tác mà đó còn là hành trình giải nghiệp văn chương. Bởi sự lựa chọn văn chương là sự lựa chọn của định mệnh. Đó là định mệnh của sự dấn thân, sự tận hiến, tự đốt cháy mình để sáng tạo nên tác phẩm.

          Và Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân, tập truyện ngắn, tác phẩm thứ 4 trong hành trình sáng tác hơn mười năm cầm bút của Tiến Đạt là một định mệnh của lao động và sáng tạo. Đây cũng chính là một tâm thức hiện sinh của tác giả gửi đến người đọc.

                                                       Xóm Đình An  Nhơn, Gò Vấp, 1 / 4 /2014

  *Tập truyện ngắn của Tiến Đạt, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, 2014

 * * Nhiều tác giả, Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, Nxb Sóng, Sài Gòn, 1974, tr.32

      

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 2566
Ngày đăng: 22.12.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hư cấu và không hư cấu - Võ Công Liêm
Hư vô phản kháng - Võ Công Liêm
Đọc lại Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp - Đoàn Huyền
Đám đông cô đơn trong" ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối của Patrick Modiano" - Trần Thị Ty
Tư tưởng phản kháng - Võ Công Liêm
Lại ngạc nhiên với Chân Phương - Nguyễn Hồng Nhung
Chất lượng cao của Thơ: Đích bắn chứ không phải tiếng nổ - Yến Nhi
Tâm thức Bồ-Đề-Đạt-Ma và Huệ-Khả - Võ Công Liêm
Cuối tuần với Modiano - Chân Phương
Thấy gì trong tác phẩm Hiện Hữu và Hư Không của Jean-Paul Sartre - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)