Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
796
116.632.858
 
Nhìn qua về thơ tứ tuyệt của Yến Lan
Khổng Ðức

Từ những năm 1936 – 37 nhà thơ Yến Lan cũng đã làm thơ tuyệt – loại thơ 4 câu, mỗi câu 5 hay 7 chữ. Đó là thể thơ sở trường của Trung Quốc và Việt Nam. Tây phương không gọi là thơ tuyệt, nhưng họ cũng có một thể thơ gọi là tiểu thi, gần giống như thơ tuyệt. Từ xa xưa Platon đã làm tiểu thi để bộc bạch chí hướng  như bài vịnh sao sau đây :

 

Em không nhìn sao ư

Ngôi sao của em

Ta nguyền làm bầu trời

Để có vô số mắt em nhìn

 

Trước thời Platon Hy Lạp cũng có một thể thi , gọi là Thi Minh (Ep.Gramma.), đó là một thể thơ ghi trên các mộ bia, không những ngắn  mà còn nhiều ý vị triết lý. La Mã xưa cũng có thể thơ rất ngắn gọi là Ai Ca (Elegia) chỉ có mấy câu  lại có tính cách đối ngẫu, sau này các nhà thơ của Anh là  Coleridge va Tennyson ( thế kỷ 18, 19) đều mô phõng theo. Ấn Độ cũng có thứ thơ chỉ có ba bốn câu gọi là Giade, sau này kinh điển Phật thường dùng  gọi là những bài kệ. Nhật Bổn có Hài cú, một thể thơ đặc biệt  cũng chịu ảnh hưởng của loại tuyệt  Trung Quốc.

 

Thơ tuyệt của Trung Quốc  bằt đầu từ đời Hán và kéo dài đến Tấn Lương Nam Bắc triều (202 – 610 CN) gọi là cổ thể, vần điệu  tương đối tự do, đến Sơ Đường thì mới chính thức thành lập luật lệ nghiêm khắc gọi là cận thể hay thi luật. Tuyệt thi có người cho là  một bộ phận của thi luật cắt ra lấy nửa trên thì câu 3-4 đối nhau, lấy nửa dưới thì 1-2 đối nhau, lấy đoạn giữa thì  thành hai liên đối. 1 – 2 đối nhau, 3-4 đối nhau; lấy hai câu đầu và hai câu cuối thì không có đối. Nhưng cũng có người nói thơ tuyệt  là bắt nguồn từ Nhạc Phủ ca dao dân ca của dân gian rồi dần dần tạo nên một thể riêng biệt của nó. Khách quan mà nói nó là sự kết hợp  cả hai vừa Nhac phủ vừ thi luật. Tính chất Nhạc phủ thì lời lẽ bình dị đầy nhạc tính, còn tính chất thi luật thì lời thơ hàm súc, gần với tình người nhưng không được bộc bạch thổ lộ, cho dù có nói đến cảnh trước mắt, lời lẽ bình dân đi nữa cũng phải có dư âm dư vị… Thơ tuyệt Việt Nam có thể nói bắt đầu từ đời Lý Trần, nhưng thơ đời này hoàn toàn theo  đúng phép tắc cùa luật thi.

 

Nhà thơ Yến Lan vào những năm cuối đời hình như chuyên làm thơ tuyệt, cho nên có một số lượng đến 500 bài đủ loại đủ thể. Anh cũng từng tự bạch : 

 

Ta viết cho đời thơ tuyệt cú,

Bù vào đất chật những trường thiên

Quế hòe phóng ngọn trên  đầm cỏ

Đọng sóng tầng cao những nét riêng

 

Thơ tuyệt vốn có những ưu điểm chỉ có 4 câu ngắn gọn đơn giản dễ đọc dễ nhớ . Thoạt nhìn thơ tuyệt như có vẻ dễ làm, thật tế không phải thế; muốn đạt đến đỉnh cao của thơ tuyệt là chữ  phải tinh luyện, ý phải hàm súc uẩn tàng, ý tại ngôn ngoại; nói chung là lắm vấn đề, xuyên qua thơ tuyệt Yến Lan chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn. Dù là người làm thơ mới, nhưng khi trở qua làm thơ tuyệt Yến Lan hoàn toàn theo đúng luật thi.

 

Trước tiên thơ tuyệt dù chỉ có 4 câu ngũ ngôn hay thất ngôn cũng phải theo  thứ tự là Khởi Thừa Chuyển. Hợp.

 

Khởi là câu  mở đầu thì phải  như :” Khai sơn kiến môn, đột ngột tranh vanh” ( nghĩa là mở cửa ra thì như thấy cả một không gian to rộng có núi cao vươn lên); hay là “ Nhàn vân tự xuất khinh dật tự tại” ( nghĩa là như mây từ hang núi bay ra nhẹ nhàng, nôm na là như áng mây bay nhẹ nhàng tự tại). Hãy xem một bài thơ của Yến Lan làm chuẩn :

 

Sông vẫn sông xưa nước đổi nguốn,

Uống vào khang khác vị quê hương

Chút vì tươi trẻ từng bơi lặn

Kỷ niệm hòa vào hóa nhớ thương

(sau một công trình thủy lợi)

 

Câu mở đầu vẫn nêu lên một hình ảnh tộng quát chứa đựng cả ý nghĩa của tổng đề. Và xin nhắc ngôn ngữ thơ luôn luôn mang tính hàm súc, nghĩa là ngoài nghĩa bình thường còn có một ẩn ý sâu xa…

 

Câu thứ hai là Thừa,thì phải như “Ly long chi châu bảo nhi bất thoát” (nghĩa là con ly  con long  ôm hạt châu mà không buông rơi; nôm na là nó phải mang một ý xác định  chắc chắn, cũng có nghĩa là câu thừa phải khắn khít với câu khởi. Hay nói như Dương Tải đời Nguyên trong “Thi pháp gia số” thì hai câu khởi thừa có khó nhưng chẳng qua cứ nói thẳng vào sự việc là hay, thung dung kể tiếp là đúng. như câu hai trong bài Dáng Mẹ ;

 

Tưởng tượng không ra hình dáng Mẹ

Đêm dài con thức vẽ chân dung

Thôi đành mượn nét xưa cha kể

Trên mũi kim còng một sống lưng .

 

Hay như bài Cửa Mở : 

 

Tờ tranh trên vách bỗng xôn xao

Cụm trúc tâm tư với nhánh đào

Trăng cựa đầu hiên khua thức giấc

Ô hay cửa mở tự khi nào

 

Câu thứ ba là câu Chuyển thì phải như “ vạn khoảnh hồng ba tât hữu cao nguyên” nghĩa là trong muôn khoảnh sóng lớn tất phải có gò cao nổi lên. Thật ra câu ba là câu uyển chuyển biến hóa, nó phải có một tác động mạnh đối với toàn thể bài thơ, đón tiếp hai câu trên và chuyển  xuống cho câu bốn là hợp, nếu câu này biến chuyển đúng thì câu thứ tư như thuyền trôi xuôi giòng. Thí dụ như câu thứ ba bài “ Dưới giàn trầu”:

 

Ngọn gió nam non lật khóm trầu

Chập chờn như mở thếp ca dao

Lá sầu lá thảm còn vang vọng

Tiếng mẹ hò trăng tự thưỏ nào

 

Câu thứ tư là câu Hợp thì phải  như “Phong hồi khí tụ,uyên vĩnh hàm súc”, nghĩa là  như gió quay trở về, khí tự hội lại, đầm sâu thăm thẳm chứa đầy nước. Như câu thứ tư bài Ao gấm :

 

Lỡ đường xe khách ghé Lăng Cô

Bà cụ lần khân đến bán sò

Khăn vấn cắt ra từ áo lễ

Gấm nhà thế tộc cũ kinh đô

 

Đọc bài  này lại nhớ đến bài Cố Hành Cung của Vương Kiến

Lưu lạc cố hành cung, Cung hoa tịch mịch hồng. Bạch đầu cung nữ tại, Nhàn tọa thuyết Huyền tông.Dịch xuôi: Chốn hành cung cũ tiêu điều, trong cung hoa màu hồng lặng lẽ. chỉ còn những cung nữ già nua bạc đầu, ngồi rỗi kể lể chuyện đời Huyền Tông. Đọc thêm  câu thứ tư trong bài Khói :

 

Đêm nao thế sự cũng dem bàn

Mẫu thuốc đầy vun cái gạt tàn

Nhẩm lại bao nhiêu câu hỏi lớn

Lẫn vào khói nhẹ gió xua tan

 

Ngoài những thể luật, người xưa còn đặt ra các Cách, là nhắm vào ý tứ hay nội dung của mỗi bài mà quy định. Sau đây xin nêu một đôi cách cách chính. Như bài  Qua Nhã Nam ;

 

Thanh đổ vun măng trúc

Hào ấp ủ mùn thâm

Đường xuất quân Đề thám

Đỏ ối nông trường cam.

 

Hay bài  Chói chang :    

 

Chặt hết hoa phương vĩ

Đừng để nở chói chang

Nhằm vào em soi mói

Ra sự tình nghi oan

 

Hai bài ngũ tuyệt vừa nêu trước sau một ý thông suốt nên gọi là Nhất Ý Cách.  Bài Đom đóm :

Mỗi khi Bắc Đẩu trở canh tàn

Lại nhớ giờ xưa động bước thang

Gác xếp không đèn đêm cuối tháng

Thương tình con đóm trước lan can

 

Và bài Đọc Trang Tử :   

 

Trưa đọc Nam hoa kinh

Tối nằm không hóa bướm

Mừng mình chủ được mình

Dậy thổi nôi khoai sớm

 

Bài Đom đóm cũng như bài Đọc Trang tử, hai câu đầu dương như không liên lạc gì với hai câu sau, nhưng ý rất mật thiết chặc chẽ, gọi là Chiết Yêu  Cách. Bài Đõ mật :

 

Trẻ lánh, già xa, tàu giặc bay

Đầy vườn hoa nở chẳng ai hay

Bầy ong chẳng phụ công trồng xới

Trên áng thư vun đõ mật  đầy

 

Toàn bài ý mạch lạc gọi là Liên Châu Cách. Bài Ven Đà ;

 

Nắng rẽ sông Đà hai dải sáng

Tối sầm non Tản  bóng mưa mây

Bên kia theo cá thôn chài vắng

Bò giỡn non tơ cỏ phía này

 

Câu ba ứng với câu 1, còn câu 4 ứng với câu 2 gọi là Phân Ứng Cách.Nói chung còn rất nhiều cách, chỉ nêu ra một số để thấy  Yến Lan khi làm thơ tuyệt rất  sở trường vế các quy luật  cổ.

 

Nhóm Bàn Thanh tứ hữu, ngoại trừ Hàn Mặc tử mất sớm, còn lại  Q. Tấn. Yến Lan . CLan Viên đều  có làm  thơ tứ tuyệt , nhưng mỗi người  đều có một phong cách riêng chẳng ai giống ai, chúng ta sẽ bàn về vấn đề này trong một dịp khac.. Hôm nay – ngày 5 tháng 10 là ngày tưởng niệm 10 năm nhà thơ về cõi vĩnh hằng ; nên chỉ nói đến thơ tuyệt của Yến Lan, mà rồi cũng chỉ lướt qua thôi chứ chưa có thời gian đi sâu hơn. Để kết thúc cho bài viết , chúng tôi  tạm mượn lời của Kim Thánh Thán yêu cầu đối với thi ca để nói về thơ của Yến Lan vậy: Ngữ ngôn giản khiết, kết cấu tinh nghiêm; nghĩa là ngôn ngữ trong thơ vô cùng   đơn giản sáng sủa, kết cấu hay bố cục rất chính xác chặc chẽ. Và “ tác thi tu thuyết kỳ tâm trung chi sở thành nhiên giả, tu thuyết kỳ tâm  trung chi sở đồng  nhiên giả. Tâm trung chi sở thanh nhiên giả cố năng ứng bút trích lệ, tâm trung chi sơ đồng nhiên giả cố năng sử độc giả ứng thanh trích lệ.” Nghĩa là làm thơ thì phải nói đến cảm xúc và tư duy  thành khẩn của thi nhân, và phải nói đến cái tâm đầy cảm xúc và tư duy mang tính phổ biến và đại biểu tính . chính vì nói lên được sự thành khẩn và phổ biến  đó mà khi cầm bút lên là như rơi lệ và độc giả đọc thơ cùng phụ họa theo đó mà thổn thức.Tất cả thơ tuyệt của Yến lan cũng như sự nghiệp thi ca của ông không ngoài ý nghĩa vừa nêu.

 

 (10-2008)

Khổng Ðức
Số lần đọc: 3783
Ngày đăng: 05.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng đa diện trong tiểu thuyết Trên mảnh đất này của Hoàng Văn Bổn - Phạm Ngọc Hiền
Nguỵ Quân Tử, Một thực tại sống ? - Nguyễn Vĩnh Căn
Thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ Trung Quốc, qua thơ Đường - Võ Phúc Châu
Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết dưới đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn - Phạm Ngọc Hiền
Phan Văn Dật không chỉ có Diễm Dương Trang. - Nguyễn Hùng
Viết ngắn 57. Vấn đề thơ tuyển - Inrasara
Văn phong tranh luận của Thiếu Sơn trên báo chí . - Võ Phúc Châu
Bên cạnh đời sống vật chất-1 - Huy Dung
Bên cạnh đời sống vật chất-2 - Huy Dung
Thần học về Thập giá - Nguyễn Hữu An
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)