Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
774
116.677.324
 
Thương nhớ một người anh
Võ Quê

 

 

     Những ngày cuối tháng 6 năm nay, giới báo chí hân hoan mừng ngày Báo chí Việt Nam 21.6. Chứng kiến không khí này tôi bồi hồi nghĩ đến một người anh lớn trong giới báo chí, văn nghệ: Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, cây bút kỳ cựu, bản lĩnh một thời của tạp chí Sông Hương, tuần báo Thanh Niên…

     Nghĩ và thương về anh vì trong ngày hội vui chung này anh không còn nữa. Nhớ lại mười sáu năm trước khi ấy tháng bảy, mưa ngoi nam rơi trên thành phố Huế. Nhà thơ Thái Ngọc San, người anh em phong trào đã ra đi vào lúc 0 giờ 45 phút ngày 25.7.2005 trong ngậm ngùi tiếc thương của biết bao người.

     Ngậm ngùi và tiếc thương bởi nhân cách sống của Thái Ngọc San đã để lại cho đời vô vàn điều quý báu, đáng trân trọng và ngợi ca như nhà văn, nhà báo Nguyễn Hoàng Thu, đồng nghiệp báo Thanh Niên của anh đã tiếc thương khái quát: “Tôi đã mất người bạn thân một thời cùng viết văn, làm thơ yêu nước trước năm 1975; người bạn đã sống cùng nhau tại Sài Gòn, Qui Nhơn, Nha Trang... vào những năm tháng lận đận lao lung trốn tránh từng cuộc truy lùng của cảnh sát và quân cảnh chế độ cũ. Từ năm 1967 đến năm 1969, Thái Ngọc San đã 3 lần bị bắt lính và 3 lần đào ngũ, nhất quyết không cầm súng tiếp tục làm thơ đấu tranh cho đến năm 1972 từ thành phố Huế anh thoát li lên căn cứ cách mạng và được đưa ra miền Bắc. Tôi nhớ mãi bài thơ “Máu chúng ta một rừng biểu ngữ” của Thái Ngọc San đăng trên tạp chí Trình Bầy số 1 xuất bản tại Sài Gòn năm 1970, đã bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ ra lệnh tịch thu và truy tố ra toà. Đó là bài thơ âm vang hào hùng đầy khí khái đấu tranh, yêu nước. Tại thành phố Huế thời sinh viên học sinh đấu tranh, Thái Ngọc San đã cùng Võ Quê xuất bản chung tập thơ “Nguồn Mạch Mới” do Tổng hội sinh viên Huế ấn hành năm 1971. Sau năm 1975, tập thơ “Khát Vọng” của Thái Ngọc San chất chứa tình người tình đất nước được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Anh đã nhiều năm làm Thư ký toà soạn tạp chí Sông Hương, nhiệt tình và gắn bó hết lòng với công việc để góp phần lớn nâng tờ tạp chí văn học nghệ thuật của địa phương lên tầm cao của cả nước... Từ năm 1991 đến năm 2005, đại diện cho Báo Thanh Niên tại Thừa Thiên-Huế, anh đã viết hàng trăm bài báo đấu tranh chống tiêu cực và kêu gọi sự giúp đỡ đến với những hoàn cảnh khó khăn cay cực với bút danh Ngọc Thảo Nguyên. Cuộc đời Thái Ngọc San, dù với tư cách nhà thơ hay nhà báo, anh luôn sống trung thực, đầy đặn trách nhiệm với xã hội, nặng tình bạn và tình người. Anh không bon chen danh lợi cho mình.”

     Trong phong trào đấu tranh yêu nước đô thị miền Nam vào những năm 70, nhà thơ Thái Ngọc San đã là chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận đường phố. Cùng với bom xăng, thơ Thái Ngọc San ngời ngời ánh lửa chống bạo quyền, xâm lược. Thơ Thái ngọc San thành vũ khí sắc bén bảo vệ những tình tự quê nhà yêu dấu trước làn sóng ngoại lai. Thơ Thái Ngọc San luôn là Nguồn Mạch Mới giữa lòng dân tộc và ước mơ cháy bỏng về hòa bình, về một ngày mai đất nước mình thống nhất:

"Đã đến giờ chúng ta hành động

Nầy anh em

Nơi nào có bạo quyền

Chúng ta tới.

Anh vác loa đi đầu

Tôi cầm biểu ngữ theo sau

Nơi nào có tù ngục

Chúng ta tới..."

(Đã đến giờ chúng ta hành động)

     Trong báo giới, từ 1975 về sau, ngọn bút nhà báo Thái Ngọc San - Ngọc Thảo Nguyên cũng sáng lấp lánh ánh thép trên những trang báo Sông Hương, Thanh Niên. Trái tim nhân hậu của nhà thơ thường cháy lên nỗi Khát Vọng vô bờ về sự bình yên trong cuộc sống ngày thường của người dân. Những bài báo của Thái Ngọc San rất nhân văn khi trang trọng ngợi ca cái thiện và cũng rất quyết liệt, không khoan nhượng khi đấu tranh đẩy lùi cái ác. Nhà báo Thái Ngọc San thường quan tâm chú ý viết về những gương sáng trong lao động, học tập nhưng lại bất hạnh, khó khăn, trở ngại trong xã hội nhằm khẩn thiết mời gọi cộng đồng tìm cách giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, vượt lên số phận.

     Từ nước Mỹ xa xôi, ngay sau tin nhà thơ Thái Ngọc San đột ngột từ trần, nhà văn Trần Kiêm Đoàn đã xúc động viết bài Nhớ Về Thái Ngọc San trong đó nhấn mạnh điều chí cốt về nhân cách của Thái Ngọc San: "Người ta đón San vì thơ đã đành, nhưng trong vòng bè bạn thân tình mọi người đón San, thương quý San vì nhân cách. Từ thuở học trò, Thái Ngọc San đã sống một cách chân tình và thẳng thắn như cây sậy cô liêu. San nghệ sĩ nhưng không buông thả, nhạy cảm nhưng không thuần cảm tính, hừng hực lửa đấu tranh nhưng cũng đầy ắp yêu thương. Sự đam mê mang đậm tính nghệ sĩ của Thái Ngọc San là dám bất chấp quên mình vì nghĩa lớn. San sống cho niềm tin trong sáng của mình. Và tôi tin trong vòng bè bạn - những cô cậu học trò e ấp ngày xưa bây giờ là những ông cụ, bà cụ lục tuần - nhớ đến Thái Ngọc San như một người bạn chí tình: Chí tình với quê hương yêu dấu, chí tình với Huế, chí tình với bằng hữu và chí tình với niềm tin son sắt của chính mình. Sự chí tình đó một thời là chất keo buộc chặt tâm hồn chúng tôi với nhau trong những phong trào học sinh sinh, viên tranh đấu. Cái hào khí tuổi trẻ lan tỏa trên quê hương chẳng đội một chiếc nón nào vừa vặn…”

 

     Điều đáng trân quý nơi anh là tâm thế, nhân cách sống của anh đã có một ảnh hưởng lớn với sức tác động đến đời sống anh em bằng hữu, gia đình. Tình yêu thi ca của anh được tiếp truyền qua hiền thê Phan Lệ Dung mà hiện nay chị thành một nữ tác giả thơ của Huế. Và hai người con của anh chị đều theo nghiệp báo chí của anh: Người con trai đầu đang là biên tập viên thể thao báo Thanh Niên với bút danh Tây Nguyên quen thuộc; Thảo Nguyên, người con gái út bây giờ là họa sĩ phụ trách trình bày thiết kế mỹ thuật tạp chí Sông Hương.

     Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San - Người anh lớn của tôi đã ra đi nhưng dòng chảy văn chương báo chí của anh không ngừng nghỉ. Nguồn Mạch Mới trong anh còn xanh mát luân lưu nhân ái trong mái ấm gia đình và giữa đời thường.

 

 

Huế 21.6.2021.

 

 

Võ Quê
Số lần đọc: 714
Ngày đăng: 25.06.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thần khúc thời bốn chấm không - Chu Mộng Long
Một cuộc “Phật sự” - Nguyễn Anh Tuấn
Covid 19 và phương pháp đào tạo từ xa - Elena Pucillo Truong
"Trò Chuyện Với Thiên Thần" Tác phẩm một đời của tác giả để người đọc một đời. - Nguyễn Văn Sâm
Một nhà thơ “làm thơ” bằng màu sắc và hình khối - Nguyễn Anh Tuấn
Huyền thoại nước trong tập thơ Dòng Thiêng của Nguyễn Linh Khiếu - Lê Nam Linh
Mịch Quang – một bậc Quốc sĩ của nghệ thuật dân tộc - Nguyễn Anh Tuấn
Trịnh Công Sơn một thời đã qua - Võ Công Liêm
Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, giống và khác - Nguyễn Hoàn
Kinh nghiệm tư tưởng - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)