Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
739
116.716.757
 
Tả ngạn
Đỗ Nguyễn

 

 

         Trên bờ trái giòng Seine, buổi chiều vào thu, một giải nắng mong manh vừa ánh lên vùng trời xám lạnh, Khanh vẫn bước từng bước chậm ;  Rive Gauche … Rive Gauche … Nàng thì thầm, hai tay giấu trong túi áo khoác, nàng không biết mình đã đi bộ rất lâu mà vẫn chưa thấy mỏi chân. Rive Gauche, Tả Ngạn, cái tên in hẳn vào tâm trí nàng từ lần đầu nghe thấy và nàng yêu thích nó cũng như mọi thứ ở phía bờ sông này nhất là lúc không gian cảnh sắc lúc giao mùa. Nàng dừng lại trên cầu tên Pont Neuf, chiếc cầu lớn rộng vững chắc đầu tiên được bắc qua giòng sông nối liền Tả Ngạn và Hữu Ngạn với kiến trúc đặc biệt cổ kính hiện hữu từ thế kỷ thứ mười bảy nhưng giòng sông đã hiện hữu từ muôn kiếp. Giòng sông mênh mông với nguồn sống vĩ đại hẳn phải có một định mệnh lớn đầy những nghiệt ngã ở phiá sau vẻ đẹp huy hoàng … Dừng lại nhìn mông lung khung trời đầy mây đã như vui lên với chút nắng dịu và giòng nước xanh thẫm miên man xuôi chảy, hồn nàng gợn lên nỗi buồn vô hạn. Mắt hướng về lũ chim bồ câu hồn nhiên và bạo dạn đi trên đường như chen chúc với khách bộ hành nhưng tâm tư nàng như lạc lõng phiêu du tận cõi xa nào. Những tượng đá băng lạnh ngàn năm trong vườn đằng kia cũng quen biết người thiếu phụ trẻ từ lâu, đăm đăm nhìn thương xót và có lúc như gượng nụ cười thông cảm với tâm tư nàng.  Thời gian chuyên chở những mùa qua đi nhanh chóng ở nơi này, Khanh vẫn chưa nhận thức được những gì đã và đang sống từ hôm đầu tiên đến Đà Lạt gặp Ngân Bích ở phi trường, rồi gặp Viễn, sau đó, với bi kịch của họ, cho đến lúc rời Việt Nam … Giờ đây, một phần nào đó trong nàng như đã chết, một phần khác quằn quại trong dằn vặt hối tiếc không cùng mỗi lần nghĩ đến Ngân Bích, và giấc mơ hy vọng về Viễn còn như một nguồn sống nuôi dưỡng giòng tư tưởng nàng từng giờ phút … Nàng như không hề muốn trốn chạy bóng ma dĩ vãng. Và ký ức thường trải ra trước mắt nàng một cuộn phim đời mà trong một lúc nào đó nàng thấy mình chỉ là khán giả, rồi có lúc nàng muốn làm tác giả để  viết lại tất cả sự thật mà nàng đã sống như trong một giấc chiêm  bao.

 

         Câu chuyện ta đã sống cách đây bốn năm mà như hôm qua … Mùa thu định mệnh đó, ta đã lên Đà Lạt cư ngụ tại nhà bạn là Ngân Bích chỉ với mục đích nghỉ dưỡng để viết một chút nhưng rồi ta gặp Viễn, người yêu của Bích … Và Viễn đã bắt đầu yêu ta, ta cũng biết mình yêu chàng ngay phút đầu mà phải khước từ và trốn chạy vì không thể ràng buộc mình vào tội lỗi, chàng đã muốn rời xa Bích để đến với ta trong khi ta muốn lấy Paul và sang Pháp để giải quyết mọi điều. Rồi tới cái chết bất ngờ đầy bí ẩn của Bích là bi kịch cuộc đời Viễn khi luật  pháp quy chàng vào tội sát nhân. Nhưng Thu Dung, cô giáo dạy  nhạc của Viễn đã cứu chàng thoát khỏi vòng tù  tội, và Thu Dung cũng là người phụ nữ  luôn yêu chàng sâu đậm trong âm thầm … Rồi ta đã ra đi, để cho đến giờ đây con thuyền đời ta cập vào bờ bến hư vô và con thuyền đời Viễn vẫn lênh đênh bất định trên giòng sông thời gian miệt mài xuôi chảy … Dĩ vãng bi thương đó là ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của ta chỉ vì ta phải tiếp tục sống trong mặc cảm tội lỗi, tội lỗi vì nếu không có sự hiện hữu của ta thì Viễn và Ngân Bích đã xây đời  trong hạnh  phúc  êm đềm ở không gian sống tuyệt vời đó …

        Nước sông màu xanh thẫm lặng im chảy dưới cầu, thỉnh thoảng bị khuấy động bởi sự di chuyển của những chiếc tàu chở du khách ngang qua, ai cũng hân hoan đưa máy ảnh lên chụp  vội những cảnh sắc như sợ vẻ đẹp nơi này sẽ biến mau, như thể đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng đến thăm một nơi chốn trong mơ, vài người đưa tay lên chào vẫy Khanh, nàng mỉm cười vẫy tay lại, thấy lòng nao nao một chút. Họ là những người may mắn còn thiết tha với cuộc sống nhưng với ta thì  cảnh sắc này cũng như bất cứ nơi đâu cũng không cho ta nguồn  vui nào nữa  vì  ta là kẻ xa lạ với đời đã từ lâu.

 

        Mây đang dồn về một phía chân trời, vầng dương sắp lặn, nắng hoàng hôn mệt nhoài trên từng cơn sóng nhỏ, lòng Khanh lại nồng lên nỗi sầu muộn khi nghĩ đến khoảng trống mênh mông chế ngự cuộc đời. Nỗi sầu muộn sâu xa trở thành niềm đau đớn kinh niên, niềm đau gặm nhấm hồn nàng mỗi khi chiều xuống … Gần đây nàng biết tin Viễn cũng đã ra đi và đang sống ở Luân Đôn và có được cảm tưởng chàng rất gần mình, nhưng cùng lúc, chàng xa vời vợi thiên thu và tất cả đã hết, đã hoàn toàn chấm dứt với chàng. Từ những tháng năm thơ dại cho đến những mộng mơ ảo tưởng, tình yêu và đam mê đều chết đột ngột một cách phũ phàng cay đắng ; đó là cơn ác mộng trở thành một hình phạt  định mệnh đè nặng cõi hồn quá đầy mơ mộng của chàng.

 

        Viễn đã và đang sống thế nào một khi tất cả đã nát tan sụp đổ trong kinh hoàng ghê rợn như thế? Nỗi đau đớn kia làm sao chàng có thể vượt qua để tiếp tục đời sống bình thường? Không, chàng không thể sống bình thường … Khanh thở dài nhìn một cánh chim bơ vơ ngơ ngác trong khung trời, mắt nhòa lệ. Khi điện thoại về thăm mẹ, nàng luôn tỏ ra như bà mong muốn, hài lòng với đời sống mới, hạnh phúc bên người chồng thương yêu chiều chuộng mình. Mẹ nàng sung sướng và chỉ cần thấy nàng nhận thức được may mắn của đời nàng mà tiếp tục xây đắp tương lai. Giòng đời theo gót thời gian vẫn như nước sông lặng lờ xuôi chảy, nàng thấy mình vẫn còn ở phía bờ trái của giòng sông, xót đau mỏi mòn trong câm lặng, mãi mãi còn đơn độc trên mê lộ thăm thẳm mịt mù … Có những lúc nàng khao khát điên cuồng được gặp lại Viễn, dù chỉ một lần, để nói với chàng những gì ôm ấp trong lòng, và để biết thêm những gì đã thật sự xảy ra, biết rõ hơn tâm trạng của chàng từ lúc sống thảm kịch. Hình ảnh chàng lần cuối cùng gặp nhau ở Continental trung tâm Sài Gòn, vẫn rõ nét trong tâm trí nàng và mỗi lần nhớ đến, tim nàng như rách nát. Nhưng rồi nàng lại tự hỏi tất cả những điều này có giúp được gì cho cả hai, có thay đổi quá khứ hoặc làm gì được để có lại Ngân Bích và khoảng đời xanh ngọc của họ? Có những lúc nàng im lìm trong bóng tối, để mặc thần trí cũng như thân xác mình chết lịm đi trong mường tượng được thay Viễn chịu đựng hình phạt của định mệnh là nỗi đớn đau tuyệt cùng đó. Rồi có những lúc nàng như giá lạnh hoàn toàn với quá khứ, như một bản thể thứ hai của con người nàng, vờ quên tất cả để thản nhiên  mà sống cho qua từng tháng năm …

        Bóng chiều rũ xuống giòng sông lúc Khanh quyết định không đi qua Hữu Ngạn, nàng trở về và đi ngược hướng, rồi dừng lại trước những gian hàng sách cũ dọc bờ sông, ở bến Montebello, nhìn vơ vẩn những tấm họa, những bìa báo cũ và những carte postale một lúc, mỉm cười lắc đầu với người bán hàng hỏi nàng có cần gì không, rồi đi ngang qua chiếc cầu nhỏ có tên Petit Pont để vào một tiệm sách cũ hiện hữu từ một thế kỷ, khuất trong góc phố, rất gần nhà thờ Notre Dame, tiệm có vô số tác phẩm tiếng Anh Mỹ, nơi tập trung  nhiều người đam mê sưu tầm sách và những người muốn viết văn. Hôm trước cái tên Shakespeare and Company làm nàng  cười vì thiếu chữ « s » ở giữa, nó đã rơi tự bao giờ, những chữ còn lại mờ nhạt cũ kỹ, hôm nay phía trước tiệm và tấm bảng hiệu đã được tân trang. Shakespeare and Co là một nơi quen thuộc với nàng, bán những sách mới cũ, loại tiệm sách về ngôn từ của Shakespeare hiếm hoi ngay ở Paris này; khung cảnh tiệm rất cổ xưa và mấy ngàn quyển như ẩn giấu một kho tàng tư tưởng đã luôn hiện hữu qua những giòng chữ in đậm trên những trang giấy úa vàng, mà tư tưởng của loài người là một trong những điều có thể tồn tại vĩnh viễn, bao thời gian qua không thể xoá nhòa thiêu hủy … Đây là một nơi Khanh rất quý nhưng lại không thích cảnh đông khách chỉ vì tiệm nổi tiếng bởi lịch sử được thành lập cũng như tính cách của nó và tinh thần quái dị của người sáng lập, một ông chủ già người Mỹ tên là George Withman đam mê chữ nghĩa nên cụ có tư tưởng và cách sống kỳ lạ, suốt đời cụ chỉ ky cóp để dành tiền để tu bổ mở rộng hơn và có thêm nhiều sách và giúp những người muốn viết văn; nhưng cụ đã qua đời sau sáu mươi năm xây đắp vun vén tài sản tinh thần này và vợ chồng cô con gái thay thế từ ít năm nay. Trên một vách tường có ghi lại một câu tuyên bố hóm hỉnh của ông cụ :« Tôi cảm thấy mình gần gũi với Tolstoï và Dostoevsky hơn mấy người hàng  xóm . » Khanh rất tâm đắc câu nói này của cụ George, gần gũi những người mà ta cảm nhận được nguồn tư tưởng của họ thì bao nhiêu thế kỷ qua cũng đâu phải là cách biệt ? Còn những người ở ngay cạnh nhau mà chẳng hiểu nhau chút gì thì có khác nào họ và  mình ở khác hành tinh, khác thời đại ?... Điều đặc biệt mà nàng cảm được nữa là hồn cụ George vẫn như  phảng phất trong từng góc tiệm như để thăm dò và đo lường tình hình phát triển tri thức của bọn hậu sinh như nàng, dù cho giờ đây cụ đã mãn nguyện được sống vĩnh viễn giữa cái đám văn thi sĩ của bao thế  kỷ trước. Cụ George là người hiếm hoi chỉ nghĩ và sống để duy trì tư tưởng của những trái tim sầu muộn lạc loài, những tâm hồn vùi sâu trong vực thẳm suy tư để  ghi lại từng biến cố và xúc cảm họ sống. Cụ đã có can đảm và công  sức bảo vệ tài sản tư tưởng loài người  mà chẳng cần một sự  đáp trả nào từ ai.

 

       Phải chi cuộc đời này có nhiều cụ George? Bao kẻ cao ngạo ngoài đời kia bởi những thành công về vật chất tiền tài của họ đâu biết được rằng tấm lòng yêu quý nghệ thuật văn chương của cụ là vô giá? Cụ George là một huyền thoại, và huyền thoại là vĩnh viễn. Khanh nghĩ, thấy lòng vui vui, với tâm trạng như quên  hẳn  mọi vấn đề mỗi khi bước vào nơi chốn kỳ diệu này.

        Buổi chiều tiệm luôn vắng khách, chỉ có một nhân viên mà Khanh có quen biết, vẫn thay thế cô chủ giờ này, anh ta đang sắp xếp lại một kệ sách quay ra chào Khanh, lịch sự nhưng không tỏ ra quá vồn vã, thường mặc chiếc áo len màu lá cây, đan kiểu Ái Nhĩ Lan, anh có ánh mắt xanh biếc, bộ râu quai nón cùng màu nâu nhạt của tóc và nói tiếng Anh bằng giọng xứ mình, nặng và trầm, hơi khó hiểu nên ta phải lắng nghe ; nhưng nàng có cảm giác nó giống tiếng Việt trầm đục của xứ Huế mà nàng đã luôn nghĩ loại phát âm một cách dè dặt, chậm rãi đó như có ẩn chứa những điều sâu kín nào đó … Nàng trả lời bằng tiếng Anh với giọng Sài Gòn có âm Bắc nhẹ và thanh của mình. Cho dù trái đất quay ngược, sẽ chẳng bao giờ anh ta phát âm như nàng và nàng phát âm giống anh ta. Họ đã từng cùng nói đùa về việc này và cùng đồng ý rằng miễn họ hiểu nhau là được … Anh ta chào nàng, dù biết Khanh đã có chồng, vì đã có lần nàng đến đây cùng Paul, anh vẫn gọi nàng là « Mademoiselle  » và nói quyển thơ của Emily Dickinson nàng hỏi mua hôm trước vẫn chưa có, lần tới trong số sách anh đã đặt từ một tiệm sách cũ sẽ về từ Mỹ, cùng lắm bên Anh quốc cũng sẽ có vài bản. Anh quốc? Luân Đôn? Khanh lặng người, anh hàng sách ngạc nhiên vì vẻ thất vọng lạ lùng của nàng và hứa sẽ gắng lo xong việc tuần tới … Nàng bừng tỉnh, nói cám ơn với một nụ cười gượng rằng nàng  có thể đợi. Anh ta nhìn  nàng một lúc  rồi hỏi :

      _ Cô có vẻ cần tuyệt đối quyển thơ đó?

      _ Vâng, tôi thích sưu tầm những bài thơ tiếng Anh nhưng chưa  có quyển nào của Emily Diskinson.

      _ Chắc cô còn sưu tầm nhiều thứ khác? Vì ở Paris, hầu như ai  cũng có những bộ sưu tập nào đó, ít nhất là ba thứ.

       Khanh cười, tay mân mê chiếc khuy ở áo khoác, nàng không  biết nụ cười của mình rất buồn :

      _ Tôi còn có nhiều lọ nước hoa nhỏ xíu, mỗi lọ có hình dạng xinh  xắn và đặc biệt, thế thôi.

       Anh hàng sách gật gù :

      _ Tôi chắc cô còn vài thứ khác, thử nhớ lại xem!

       Khanh nhíu mày suy nghĩ rồi cũng gật đầu :

      _ Anh nói đúng! Tôi cũng sưu tầm thêm carte postale nữa nhưng cái này chắc ai cũng có, tôi cứ nghĩ sẽ thú vị lắm nếu một ngày nào được thấy ai đó có những tấm carte giống của mình, điều này chứng tỏ họ đã viếng thăm và thích một nơi chốn nào tôi  đã từng đến. Phải không?

      Anh hàng sách lộ vẻ thích thú khi biết mình có lý nhưng khựng lại vì chợt thấy nét mặt ủ ê của nàng, người thiếu phụ trẻ này thật dễ mến và hay cười nhưng dù cười đôi mắt to buồn vẫn phản ánh nỗi sầu muộn lạ lùng từ đáy tâm tư nàng … Anh ta hơi bối rối như vì áy náy, nhưng không thể làm gì khác hơn là lấy giọng  ôn tồn an ủi nàng về việc quyển sách trễ hẹn :

     _ Tôi thành thật xin lỗi đã không có quyển thơ đó cho cô hôm nay, nhưng cô cứ nhìn xem, có một số tác phẩm khác được chọn lọc cũng rất hay mà chúng tôi đã nhận bán từ đầu tuần này. Nào, để xem! Đây này, có một quyển của Vita Sackville West, cô biết tác giả người Anh này chứ? Bạn thân của Viriginia Woolf mà, bảo đảm là hay. Tác phẩm nổi tiếng này được xuất bản khoảng cuối 1920, từng chiếm giải gì đấy tôi quên khuấy nhưng cô không mua ngay bây giờ thì ngày mai nó sẽ biến đấy, tôi  vừa xếp  nó phía  kệ kia! 

       Nàng lại cám ơn anh ta rồi bước về phía những kệ sách, thầm nghĩ anh ta không hề muốn dọa mình vì nàng rất rõ, có quyển nào hay và nổi tiếng về là thiên hạ mua rất nhanh. Nàng dừng lại ở kệ sách chuyên về thơ, ngước nhìn, hít ngửi mùi quen thuộc của những quyển sách cũ đã luôn quyến rũ nàng một cách kỳ lạ. Một phần tiền túi mà chồng đưa cho hàng tháng được nàng tiêu vào đó, phần tiền còn lại nàng đi chải tóc mỗi tháng, mua thuốc lá và sắm những thứ lặt vặt rất đàn bà, mua quà gửi về biếu mẹ. Paul đã quen lo tất cả những gì cần thiết của đời sống thực tế mà nàng không hề phải bận tâm … Tần ngần nhìn ngắm và lục lọi tìm được quyển thơ anh ta vừa giới thiệu, Vita Sackville West. Đây rồi! Mở đọc vài trang, thấy ngay những lời thơ tuyệt vời cũng như ý tưởng lạ lùng khác biệt một cách độc đáo của tác giả, lòng nàng như nguôi ngoai, dịu xuống, có cảm giác những gì đang đọc như vừa được tác giả diễn tả hôm qua. Từ bao năm trước, nhiều tư tưởng đã được viết ra mà sẽ chỉ được thông hiểu và nhìn nhận một khi tác giả không còn nữa  cùng với thời đại của họ tàn lụi theo … Và ngay hiện tại, có những mảnh hồn tan tác nào trên cùng  khắp vũ trụ này có thể thân quen với hồn ta từ trong tiền kiếp, sẽ tìm gặp nhau bằng sự sắp xếp của định mệnh, như một lần trong đời ta đã nghĩ như thế khi  gặp Viễn.

         Nhưng đó là suy nghĩ của một kẻ điên như ta cũng như tất cả những gì ta nghĩ cũng như những gì ta làm đều không có mục đích nào cụ thể, hèn nào Paul chỉ biết lắc đầu. Chợt giật mình khi nghĩ đến Paul và tự hỏi mấy giờ rồi, chắc phải về thôi, còn phải ghé tiệm bánh mì, trong lúc mắt liếc nhìn đồng hồ đeo tay của một khách hàng đứng cạnh, như thường lệ, lúc ra khỏi nhà  nàng  không bao giờ nhớ mang đồng hồ …

        Bên ngoài mưa bắt đầu rơi, thời tiết ở đây thay đổi từng giờ, nắng  mưa tùy mây nhiều hay ít nhất là mùa này.

        Lúc rời tiệm sách trong nỗi bâng khuâng Khanh vô ý đụng vào một người đi ngược chiều. Cả hai đều vội nói xin lỗi. Ánh mắt người đàn ông như chế riễu vẻ ngơ ngẩn của nàng, nụ cười của hắn để lộ chiếc răng khểnh bên khoé miệng … Trời ơi! Nàng than thầm, xiết quyển thơ vào ngực … Sao lại giống Viễn thế? Rồi ngượng ngùng nói xin lỗi và thở ra, vẫn còn trong cơn choáng váng, nàng cúi đầu đi thẳng. Đường phố khu này lúc nào cũng đông du khách và người đi bộ, họ cười nói với vẻ hồn nhiên, nhưng Khanh đã luôn có cảm giác những mặt người dửng dưng, những phố phường lãnh đạm, và nàng như hài lòng bởi  họ không thấy sự hiện hữu của mình. Ở ngã tư, nàng nhìn sững một đôi vợ chồng già dắt nhau đi rất chậm ; trong góc đường, một người vô gia cư ngủ mê mệt với chai rượu đã cạn lăn lóc bên cạnh… Khanh lại nhìn một lúc rồi máy móc băng qua đường một theo lũ người vội vã … Xuống trạm tàu điện ngầm Saint Michel gần đó, trong một góc, người ca sĩ lang thang rách rưới nào tạm dừng bước đang gẩy đàn hát nghêu ngao, ánh mắt của anh ta như dại đi, hướng về một thế giới khác ; nàng đứng lại lắng nghe một cách chăm chú … Feelings, for all my life I’ll feel it … You’ll never come again … Tay moi trong túi đồng bạc lẻ, nàng bỏ xuống cái thùng đàn mở ra dưới đất. Rồi trên thềm ga, nhìn thấy con tàu đang dửng dưng vùn vụt lao tới, mặc nhiên nghiến những bánh sắt trên đường rầy, tiếng rít lớn hiểm ác quái dị đó khiến nàng rùng mình với cảm giác như chúng đang nghiền nát những ngón tay lạnh ngắt của mình trong hai túi áo …

 

     

 

 

        Lúc Khanh về đến nhà trời sắp tối hẳn, Paul đang ngồi đợi nàng ở salon, căn hộ ở quận 14 của họ rộng vừa phải nhưng sáng sủa và tiện nghi nằm trong một công viên nhỏ đầy cây xanh. Phòng khách với những đồ đạc cổ điển mang vẻ hạnh phúc ấm cúng mà Khanh đã thay đổi cách bày biện trang hoàng ngay từ lúc mới về. Căn hộ có vẻ vắng và buồn của một người đàn ông độc thân trước đây đã trở thành một tổ ấm của đôi vợ chồng với kiểu trang trí đơn giản và yên tĩnh. Ngoài phòng ngủ lớn của họ, có một phòng ngủ nhỏ hơn còn trống và họ đã có dự tính sẽ thiết kế lại cho đứa con tương lai trong một vài năm tới.

          Paul đọc Le Figaro và uống Ricard, càm ràm trong miệng than phiền về việc chính phủ lại sắp tăng thuế, thế này thì chỉ có nước tiếp tục chính sách thắt lưng buột bụng à? Đi làm và trả nợ cùng với đóng thuế. Một mô hình nô lệ  kiểu mới dã man của những xã hội cứ tạm gọi là văn minh đã được tạo ra từ lâu để con người một khi đã bị hút vào đó như một khối nam châm để xoay vòng theo quả đất mà nếu ta tìm được cách thoát  ra có nghĩa là ta khẳng định ngay cách sống ngoài lề xã hội để rồi nhanh chóng bị đào thải vứt bỏ một cách tàn nhẫn ... Nghe tiếng động  ở cửa, chàng ngẩng  lên vui mừng khi thấy Khanh :

      _  Anh đã thu xếp về hơi sớm một chút chiều nay, để em có thời  giờ sửa soạn rồi mình đi ngay nhé !

      _ Mình đi đâu bây giờ hở anh?

       Khanh ngơ ngác hỏi, trong lúc bước đến cạnh Paul rồi cúi xuống cho chàng hôn, chợt nhớ đã quên ghé tiệm bánh mì ; đôi môi nàng thờ ơ, lạnh ngắt và tái nhợt. Paul cười, vuốt nhẹ má nàng :

      _ Em lại đứng cả buổi ở ngoài bờ sông phải không? Hôm nay sinh nhật ngày cưới mình đúng ba năm, anh có nhắc tuần trước, em quên rồi à ?

      Khanh hơi sửng sốt, nói ngập ngừng, nàng đã không bao giờ có trí nhớ cho những dịp như thế :

      _ Em không nhớ thật tình, ba năm? Sao lại nhanh thế? Nhưng mình có phải bắt buộc đi ra ngoài hay không? Tại sao không  ăn ở nhà hàng cạnh nhà mình cho đơn giản?

         Nàng cúi nhìn bình hoa hồng trên bàn thấp, mỉm cười :

       _ À lại có dịp cho anh ghé thăm cô hàng hoa với ý định mua hoa  cho em? Cám ơn anh nhiều!

        Rồi đưa tay sờ nhẹ những cánh nhung đỏ thắm. Đôi khi nàng đùa rằng Paul là người tình của cô gái chủ tiệm ở góc phố cạnh trạm tàu điện, vì rất thường xuyên chàng đến mua hoa. Và chàng cũng rất trung thành với bà chủ tiệm kẹo chocolat  cách đây  một khúc đường.

      Paul đặt tờ báo xuống bàn, gật nhẹ đầu :

     _ Anh đã đặt nhà hàng, chỉ có khoảng chục người, vợ chồng cô em họ của anh và mấy cặp bạn thân. Họ rất dễ thương và đã luôn mời tụi mình, đây cũng là dịp gặp nhau. Em sẽ vui vì có cả vợ chồng chị Trúc Ly, mình tới họ thường xuyên thì có dịp phải mời  lại mới hợp lý chứ!

        Chàng nhìn Khanh, nàng gần như không thật trong chiếc imperméable màu trắng với chiếc khăn quàng mỏng nhẹ màu đen và mái tóc dài rối bời vì gió sông vây quanh khuôn mặt, mắt nàng mông lung như chẳng thấy gì quanh mình, có thể nàng đã bỏ quên hồn mình ở đâu đó, bên bờ trái của giòng Seine, hay trong vườn Luxembourg cạnh bức tượng nào … Có nhiều lúc nàng như kẻ mộng du, lạc loài trong thế giới của riêng nàng và như muốn đi tìm kiếm những gì không hiện hữu. Nàng có cái nhìn cũng như có thể nói những điều ngông nghênh kỳ lạ về cuộc sống và con người. Cho đến bây giờ chàng còn tự hỏi tính cách bất thường phi lý đó là điểm đã lôi cuốn chàng nơi Khanh từ lần đầu tiên nhìn thấy nàng? Hay nét tình tứ trong những cử chỉ cùng vẻ gợi cảm từ mái tóc dài bồng lên cho đến những đường nét tuyệt diệu của thân thể nàng vô cùng phụ nữ? Chàng không xác định được vì đã luôn biết mình chỉ thích những gì rất thật ; nhưng một điều gì vô hình rất lạ cho chàng đã cảm thấy ngay đó là người đàn bà của đời mình … để rồi sau đó nhiều lúc chàng lại hoang mang với cảm giác mình đang giữ trong tay một  điều gì không thật, không bao giờ hoàn toàn thuộc về mình. Tại sao ở thời đại này còn có một số người như thế? Nhưng cũng có thể chính thời đại khốn khổ này đã tạo ra những điều kiện và môi trường sống quá nhiều tính thực dụng mà loại người đó không thể thích nghi và họ không thể làm gì khác hơn được là phải tiếp tục hiện hữu với một gương  mặt khác, hoặc họ cho ta cảm giác hiện hữu của họ là bóng  ma. Một cách nào đó, Paul thấy một phần con người mình nơi Khanh, phần con người mà chàng đã khước từ sống nó khi quyết định phải thực tế, học một ngành về  khoa học tự nhiên và lao vào cuộc sống với việc làm chiếm tất cả thời giờ đến không còn phải suy nghĩ gì khác. Nhưng chàng vẫn thầm biết không có gì đáng buồn hơn khi ta không  còn  điều kiện để mơ mộng.

        Khanh chán nản ngại ngùng khi nghĩ đến lúc phải qua một buổi tối đối diện với những người mà nàng không thể gần gũi, dù họ tỏ ra đáng mến và tế nhị, cả cô em họ của Paul mà nàng không thích mấy. Và mỗi lần, nàng đã luôn cố gắng nói cười một cách xã giao cùng lúc cảm thấy lạc lõng và trống vắng tận cùng. Nếu có Trúc Ly nàng sẽ có người nói chuyện được hơn nhưng ngay bây giờ nàng cũng không thấy ham muốn. Những dịp lễ và những buổi sinh nhật ăn mừng mọi biến cố hạnh phúc đều có vẻ lố bịch khôi hài với nàng. Nàng cảm thấy mọi người vui cười một cách ngô nghê và chính bản thân mình càng thêm nét kệch cỡm khi nội tâm héo rũ nhưng bên ngoài là lớp sơn bóng bẩy hào nhoáng … Và nàng đã cố gắng biết bao để hòa hợp vào đời sống mới. Paul không thể hiểu được những khó khăn mà nàng phải chịu đựng, chàng cho đó là điều đương nhiên, đương nhiên như bất cứ một sinh vật nào cần phải thay đổi chính bản thân nó để thích hợp với mọi môi trường sống : chỉ cần không khí, ánh sáng mặt trời và nước là ta không thể chết được. Nhưng nàng chết dần mòn từ bên trong bởi con sâu buồn phiền đục khoét dần cõi tâm linh mà chàng không nhìn thấy … Paul nhìn vợ, đoán biết ý nàng miễn cưỡng  qua nét mặt, chàng nói  giọng dỗ dành :

     _ Anh sẽ thu xếp viện cớ nói em không được khoẻ để mình về sớm, anh biết em không thích những bữa tiệc kéo dài ; nhưng tối nay chỉ nhỏ thôi, dù sao cũng là dịp để mình cùng ra ngoài một  chút. Bây giờ em sửa soạn đi, anh đợi.

         Khanh thấy ánh mắt xanh lục của Paul như sẫm hơn dưới ánh đèn vàng, nàng biết rằng trong giọng nói ôn tồn và nét mặt bình thản đó là một mệnh lệnh mà nàng không thể cãi lại, không thể làm gì khác hơn. Nàng im lặng đi nhanh vào phòng ngủ, lòng nặng nề buồn bã và chỉ muốn được yên ổn một mình, chìm trong bóng tối với một chút nhạc ; âm nhạc đã cứu rỗi nàng trong những lúc u sầu tuyệt vọng nhất, âm nhạc đưa nàng về một cõi tĩnh lặng mênh mông chỉ có mộng tưởng và yên bình  … Một nhà văn nào đã nói rằng chỉ có tình yêu và nghệ thuật mới có thể khoan dung cho sự hiện hữu của loài người. Nàng biết mình còn nhiều may mắn vì có điều kiện để thưởng thức những loại nhạc mình yêu thích, nhiều may mắn để trú ngụ mãi trong tháp ngà suy tưởng của riêng mình, được sống với  những xúc cảm mênh mang, dù chỉ là những cơn vui thoáng qua hoặc những  sầu đau có nguyên nhân hay những ngậm ngùi vô cớ ...

         Rồi Khanh bật đèn, đặt quyển thơ trên bàn trang điểm với một thoáng nuối tiếc không được ở nhà để có thể đọc ngay, nàng cởi áo khoác, ngồi xuống giường tháo đôi giày ủng màu đen trong lúc nghĩ đến Trúc Ly và tự nhủ cũng mấy tuần lễ nay nàng không được gặp người bạn duy nhất nàng có thể tin tưởng và trò chuyện được. Nàng chợt ghi nhận cánh cửa sổ trong phòng hé mở và nhớ lúc rời nhà mình đã đóng kỹ mọi cửa vì sợ mưa bất chợt có thể tạt vào ướt nhà. Paul đã mở cửa để hơi thuốc lá thoát ra ngoài. Nàng mỉm cười lắc đầu. Paul rất ghét mùi thuốc và kỹ càng thận trọng trong vấn đề sức khoẻ, thường xuyên nhắc nhở nàng phải bỏ hút và mỗi lần nàng ậm ừ cho qua rồi vẫn chứng nào tật nấy. Cách đây vài ngày, chàng đã phát hiện với nỗi kinh hoàng sự kiện những chai rượu trong tủ ở phòng khách đã vơi đi rất nhiều và Khanh cười ngặt nghẽo trả lời rằng con mèo hàng xóm đã sang chơi thăm nàng mỗi sau trưa, nàng mời nó cùng uống rượu tiêu sầu, cả hai nhâm nhi suốt và kết quả là họ đã tiêu thụ chừng đó rượu mạnh. Paul suy nghĩ và hăm dọa sẽ có biện pháp với nàng nhưng chưa thấy chàng có hành động gì cụ thể. Nhưng thường xuyên, chàng mua kẹo nougat bọc giấy bóng kính cùng những phong chocolat tuyệt hảo cho vợ, nàng để ngay cạnh gối và trên kệ sách, cùng những loại ô mai mẹ có dịp là gửi sang, rồi nàng  không ngừng ăn tóp tép vào ban  đêm, lúc ngồi viết  hay đọc.

        Sau khi tắm gội và sấy khô tóc, Khanh thấy nhẹ nhõm với mùi thơm dễ chịu của một loại Eau de Cologne vừa dùng. Nàng tươi mát thoải mái trong chiếc kimono màu trắng bằng sợi mềm mại được khâu viền quanh cổ áo và tay áo bằng satin màu xanh nhạt. Rồi nàng mở tủ, lưỡng lự nhìn, lấy một chiếc áo đầm kiểu cổ điển bằng nhung màu đen rất đẹp hở vai mà Paul vẫn thích nàng mặc mỗi lần đi chơi tối. Trải dài chiếc áo trên giường, tự hỏi nên đi đôi giày cao gót màu đỏ mới này hay đôi màu đen, rồi nàng nghĩ đến mẹ đã luôn lo lắng từ quần áo giày dép cho mình. Nhìn thấy bóng mình trong gương, nàng thoáng ngạc nhiên bởi vẻ diễm lệ của người đàn bà trẻ đó rồi thầm thương xót cô ta ; nàng thở dài, mình sẽ như thế này bao lâu nữa và để làm gì? Thể xác đó đến ngày nào cũng sẽ tạ tàn khô héo, tâm hồn kia đến ngày nào cũng sẽ mòn mỏi rã rời ; mà ta chẳng hề được sống và cảm được tận cùng những gì khao khát … Có lúc ta chỉ là một hình nộm vô tri vô giác trong tủ kính, hoặc một người mẫu biểu diễn thời trang. Nàng thì thầm lúc bới cao mái tóc và thấy mình lại như đang trở thành một người đàn bà khác với kiểu tóc mang vẻ giả tạo này. Phải chi ta hãy là người đàn bà kia, vô hồn trong thân xác đó, sẽ nhẹ nhàng đơn giản biết bao! Buông tóc ra, những sợi tóc sầu muộn chán chường đổ xuống bờ vai, cảm thấy chúng không thuộc về mình, nàng thừ người buồn bã ; kiểu tóc nào, quần áo nào cũng chỉ che đậy con người mình trong thoáng chốc, rồi mình lại lầm lũi trở về trong hiu quạnh, võ vàng câm nín trong cõi riêng với chiếc bóng hao gầy … Nàng đã luôn nghĩ tất cả những gì mình có, cuộc đời mình đang sống có thể cũng ý nghĩa một phần nếu mẹ được vui lòng. Mẹ đã không giấu được niềm sung sướng hãnh diện khi thấy cuộc sống của nàng đầy đủ hạnh phúc và dần trở thành người đàn bà như mẹ đã luôn thầm mong ước cho chính bà : yêu kiều và đẳng cấp, được che chở an toàn bởi một người đàn ông chững chạc có những điều kiện sống tốt đẹp. Và nàng  phải vui vẻ yêu đời, tin tưởng vào ngày mai.

         Mẹ không muốn nghĩ đến những gì con gái thiếu, vì bà cho rằng khoảng trống tình thương của người cha trong Khanh, mẹ đã đắp vào đầy ắp ; trái tim đầy thương tích của nàng, Paul đã chữa lành ngay đó. Khanh biết mình không có quyền than vãn, nhưng chồng càng yêu chiều nàng càng thấy đớn đau buồn tủi, vì ta không xứng đáng được thế, bởi những gì ta có được phải do ta tự tạo nên mới thật sự có giá trị? … Ngồi xuống trước bàn trang điểm, chải lại mái tóc dài, định tâm không bới lên nữa, tâm trí Khanh như vẫn phiêu du ở một chân trời nào. Nhìn sững vào tấm gương, nàng thấy người đàn bà trẻ đó nhìn lại nàng bằng ánh mắt hững hờ xa lạ. Ta đã đánh mất biết bao điều, mất cả những gì đã có thể ở trong tầm tay, đời sống này chỉ là hư ảo, và ta là một Uyên Khanh nào khác, ở trong một vai trò không thích hợp trên sân khấu giả tạo này, ngày qua ngày ta ấp ủ một hạnh phúc sắc màu hư không. Nàng biết mình chỉ có thể thực tế năm phút mà đã như đuối sức, biết bao giờ mới thật sự như người khác? Có lẽ chẳng bao giờ, vì bản thể mỗi con người rất khác nhau và nó chỉ có thể đổi khác trong một lúc nào đó để phù hợp thích nghi với từng hoàn cảnh rồi lại trở về như trước khi có điều kiện … Thế mà mẹ đã tưởng ta hoàn toàn đổi khác! Tội nghiệp cho mẹ đã vụng tu nên mới có đứa con như mình … nhưng dù sao mình đã có cố gắng để làm mẹ vui lòng hơn xưa. Thầm nghĩ lan man lúc mở to mắt và miết những ngón tay trên hai má để làm đều lớp phấn nền trên làn da nhung mịn, nàng chợt nhớ chưa viết cho mẹ tuần này. Tối nay mình viết kẻo mẹ sốt ruột lo lắng, và chắc chắn đó là những lời để mẹ yên tâm để trả lời lá thư gần nhất của bà ; dù nội dung thư là gì mẹ cũng đều kết luận bằng câu mà nàng đã thuộc lòng là : « Con phải nhớ là con có nhiều may mắn lắm trong hôn nhân, Paul là người  chồng rộng lượng và rất tốt … ». 

        Khanh bỗng thừ người, lẩm bẩm : « Tốt thì có tốt thật, nhưng cũng ma le tinh quái như một con khỉ, làm mọi cách để lấy lòng mẹ khiến mẹ chỉ bênh anh ấy chầm chập, mình không thể nói cho mẹ biết rằng anh ấy cũng có khuyết điểm đấy chứ, thật chán ! Với mẹ thì Paul  là con người hoàn hảo tuyệt vời và luôn có lý, còn mình chỉ là đứa con hư đốn cứng đầu với mọi thói hư tật xấu của mình ». Nàng thoáng nhớ đến những lần cả hai cùng về thăm mẹ, nếu vào dịp có bóng đá, nàng thường ngồi trong một góc, lạnh lùng hút thuốc lá nhìn mẹ và chồng cá độ hào hứng trước màn ảnh truyền hình sôi động, sau đó, dù ai là người thắng cuộc, Paul cũng là người chi trả  bữa ăn khao, và đương  nhiên, mẹ hết sức hài lòng.

        Hết tuần lễ này sang tuần lễ khác, cho đến gần đây, sinh hoạt của nàng trong tuần gần như đơn điệu, nàng đi học thêm tiếng Pháp ở Alliance Française mỗi ngày và dự tính sẽ tìm một việc nhỏ để làm khi tiếng Pháp đã khá, và nàng vẫn tiếp tục viết … Người bạn duy nhất mà nàng trò chuyện được là Trúc Ly, lớn tuổi hơn nàng và cũng sống ở Pháp lâu năm hơn, chồng của Trúc Ly làm cùng sở với Paul, tình cờ trong một buổi nói chuyện sau đó, nàng được biết Trúc Ly cũng từng sống ở Đà Lạt một thời gian lúc học đại học ở đó và quen biết cô giáo dạy nhạc tên Thu Dung. Quả đất luôn nhỏ và tròn hơn người ta thấy … Đó cũng là lý do nàng cảm thấy có một điều gì mang Trúc Ly đến gần nàng, và mỗi lần gặp bạn là một hiện thân của dĩ vãng nàng như được sống lại một điều gì không diễn tả được, một rung cảm lạ lùng đến từ quá khứ thân yêu hoặc là một hẹn hò nào rất mông lung về ngày mai còn quá xa xăm diệu vợi. Khanh miên man nghĩ về phần đời xa cũ sau mỗi lần nói chuyện với Trúc Ly về thành phố đó. Và không biết mình sẽ còn khắc khoải đến bao giờ … Nàng không nguôi đặt câu hỏi liệu Thu Dung có vẫn liên lạc với Viễn và tình yêu của họ tiếp tục như thế nào? So sánh mình với Thu Dung, nàng cho rằng Thu Dung có nhiều may mắn hơn nàng, và may mắn hơn cả Ngân Bích rất nhiều.

     _ Em xong chưa? Có cần anh giúp gì không?

       Tiếng Paul hỏi ân cần, Khanh đang kẻ mắt, hốt hoảng giật mình ngưng tay, có cảm giác chàng vừa đọc được những tư tưởng của mình, nàng quay lại trả lời, dạo sau này nàng đã nghe lời mẹ dặn, cố gắng nói  tiếng Pháp với chồng :

      _ Em sắp xong rồi, chỉ còn thay áo nữa là đi thôi.

        Cũng nhớ lời mẹ dặn, mỗi lần đi ra ngoài, nàng cố làm đẹp, sửa soạn để vừa lòng chồng. Paul ngồi xuống mép giường, im lặng ngắm Khanh trang điểm, đây là lúc nàng mang vẻ phụ nữ hơn bất cứ lúc nào ; chàng thích nhìn cử chỉ dịu dàng khéo léo, rất đàn bà của nàng lúc kẹp cho đôi lông mi cong thêm, lúc cầm thỏi son thoa lên môi, hay sửa lại viền bút chì trên mắt … Nàng có vẻ đáng yêu cũng như đáng thương lúc ngồi yên lặng trang điểm tỉ mỉ hàng giờ, tỏ ra muốn mình đẹp thêm và muốn giữ gìn tuổi trẻ. Nhưng cùng lúc, nàng như xa vắng lạnh nhạt với chính mình, thờ ơ với bóng thời gian lặng lẽ ngoài khung cửa …

        Paul mỉm cười nhìn những vật dụng làm đẹp cũng như nữ trang nàng có. Tất cả đều nhỏ nhắn xinh xẻo và thơm thơm được nàng sắp xếp gọn gàng trong những hộp bằng gỗ để đầy trên bàn, cạnh những lọ nước hoa bé tí nàng sưu tầm được và yêu quý. Nàng nghĩ đó là tinh chất của những loài hoa hay khác hơn đó là linh hồn nồng hương của chúng được chứa đựng giữ gìn kỹ lưỡng trong những chiếc lọ nhỏ xinh trong vắt. Một người đàn bà luôn có và cất giấu cho riêng mình nhiều thứ nho nhỏ và nhiều điều bí mật mà đàn ông không có và không thể hiểu được … Và họ không cần cũng như không muốn tìm hiểu. Đơn giản vì họ đã chiếm giữ và sở hữu được những gì cụ thể nhất, đó là thể xác và cuộc đời người đàn bà. Thuộc về họ và trong tay họ phải là những gì thiết thực. Và ý nghĩa toàn bộ đời sống tinh thần kia, họ không nhìn thấy và  không thể biết đó là một kho tàng, một kho tàng phong phú là bao kỷ niệm, bao ý tưởng của một tội lỗi riêng tư nào thầm kín bí ẩn, là những của cải vô giá được chôn giấu nâng niu, để trở thành những giọt mưa bất chợt, có thể nuôi dưỡng tâm hồn sa mạc của người đàn bà đang sống đời sống hôm nay và thường xuyên mở lại xem xét những trang đời xa cũ. Và cho dù cảm được sẽ không bao giờ có hoàn toàn người đàn bà, họ như không màng đến sự thể phải cố gắng với tay để đạt đến một độ cao vời vợi vô hình của nàng, điều sẽ không ảnh hưởng gì lắm đến tình yêu của họ. Họ cũng không có nổi tư tưởng đó. Chỉ vì họ dễ yêu và mau quên, dễ mỏi mệt và chỉ muốn dừng lại ở một trạm chưa phải là trạm cuối của chuyến xe đời. Trong khi yêu đối với người đàn bà là một thử thách, là cuộc hành trình trên con đường thăm thẳm không ánh sáng như mê lộ và nàng như không biết về những gì chờ đợi mình ở cuối đường : Niềm vui mong manh trong tầm tay với hay nỗi trống vắng thiếu hụt hoàn toàn trong cô đơn? Và cụ thể hơn là đối với họ, người đàn bà chỉ đáng được yêu mà không cần được hiểu. Và yêu, họ có thể có khả năng yêu người đàn bà theo cách của họ, hoặc họ chỉ yêu khi cần yêu, nhưng họ không thể cho người đàn bà sự tương ứng với những gì họ nhận từ nàng một cách dễ dàng đến độ họ thường mang cảm giác những gì họ có được là thật đương nhiên … Và thêm nữa, với họ, mọi người đàn bà đều như nhau dưới một góc độ nào đó, với sự nhượng bộ một cách rộng lượng mà  không  cần khẳng định chính mình.

         Lúc nghiêng đầu loay hoay đeo vào tai đôi hoa kim cương, gương mặt nàng quyến rũ diễm tuyệt dưới ánh đèn … Paul biết nàng thích điều gì hay món đồ nào là vì vẻ đẹp hoặc ý nghĩa của chúng hơn là giá trị thực tế là tiền, vì nàng vẫn như chẳng để ý gì đến đời sống với những điều kiện của nó … Khi cần sửa soạn đi chơi tối, Paul luôn kiên nhẫn đợi nàng hơn một tiếng đồng hồ và không bao giờ phàn nàn ; với chàng, đó là khoảng thời gian đáng quý, êm ái thú vị của đợi chờ khi người đàn ông không còn dịp đợi chờ người đàn bà lúc hò hẹn gặp gỡ, như những tháng ngày chưa phải là chồng vợ. Đôi khi Khanh có cảm giác hạnh phúc của chàng là chờ đợi nhưng chàng chỉ chờ đợi một hạnh phúc khi biết chắc nó là lựa chọn của mình, nó sẽ đến và sẽ thuộc về mình, không cần gì phải vội vã lo âu. Nhưng thế nào là chờ đợi một hạnh phúc sẽ không bao giờ đến? Nếu được hỏi câu này, có lẽ chàng sẽ trả lời nếu biết nó sẽ không bao giờ đến, chàng  sẽ không bao giờ chờ đợi. Khanh bật cười một mình với ý nghĩ lẩn thẩn đó và gọi chàng đến cạnh để nhờ một việc nhỏ mà chàng  sẽ không  từ chối.

        Paul nhẹ nhàng giúp Khanh gài những nút sau lưng áo sau khi hôn lên gáy nàng, bỗng chàng vòng  tay ôm gọn lấy vợ, hôn thêm  lần nữa và thì thào :

      _ Bây giờ anh lại tiếc đã tổ chức mời tiệc, biết thế mình đi ăn bên cạnh rồi ở nhà với nhau. Khanh, em  có biết rằng anh yêu em bao nhiêu hay không?

      Yêu, yêu nữa và yêu mãi ! Hình như mỗi ngày chàng đều đặt câu hỏi này. Người Âu Mỹ nói “ yêu” dễ dàng như thở. Nàng gật đầu cười thành tiếng :

      _ Em biết. Và em cũng yêu anh to bằng cái nhà này. Đó là điều  nàng đã luôn nói với cha mình ngày bé như  mọi đứa trẻ.

        Chàng xoay gương mặt nàng lại, đắm đuối nhìn vào hai hồ mắt long lanh, hít ngửi mùi nước hoa nồng hương trong tóc nàng :

      _ Mình đi trễ một chút nghe em!

         Khanh im lặng một lúc rồi đẩy nhẹ Paul ra, nàng chợt cảm thấy tủi thân, bị tổn thương và muốn khóc nhưng chàng đã giữ chặt nàng trong vòng tay và hôn lên đôi môi đã thoa son  của nàng  rồi kéo nàng  ngã xuống giường. 

         Bên ngoài, trời lại đang mưa một cơn mưa rào nhỏ … Mỗi lần có mưa nàng vẫn lịm hồn nhớ đến buổi chiều mưa phi trường chia tay cùng Viễn. Và mưa đã rơi biết bao lần từ những tháng ngày nàng rời xa phần đời đó, bỏ lại sau lưng thành phố đó và những con đường êm ả mộng mơ, nụ cười răng khểnh, đêm trăng dịu dàng hiu hắt … cho đến nỗi chết sầu thảm trong hồn Viễn mà nàng cảm nhận được đến tận cùng … Nàng nhắm hờ mắt nghe tiếng gió đập nhẹ vào khung cửa sổ với cảm giác mọi điều đến và qua đi trong mơ hồ . Đã bao lần trong vòng tay người đàn ông yêu thương mình, Khanh thầm nói đó là hạnh phúc mình sống, rất thật và ngọt ngào vừa đủ, chỉ vừa đủ cho nàng ở giữa lưng chừng mọi cảm xúc. Nhưng nàng vẫn biết mình còn có thể bay xa hơn nữa, còn có thể cho đi thêm nữa nếu đừng chờ đợi tìm kiếm gì cho phần hồn, để mặc cho nó thất lạc ; nếu chỉ buông trôi, để mặc cho những tế bào sống tận cùng những gì cần sống … Từng cảm xúc lênh đênh đó không đủ cho nàng cuồng dại ngất ngây và nàng biết rõ ở tận đáy vực sâu thẳm người đàn bà mình còn một điều gì thật sự đã luôn hiện hữu, lặng lẽ và kiên nhẫn đợi chờ, như tiếng vọng đau đớn, vời vợi thiết tha, vô cùng mãnh liệt và trọn vẹn, có thể sẽ rất dài lâu và cố định, có thể sẽ vĩnh cửu với thời gian, như một cách sống nào tận cùng cho tình cảm và nhục thể hoàn toàn của riêng mình, mà nàng còn muốn ôm ấp gìn giữ cho đến một ngày … Có thể nào nàng còn ôm hoài bão đợi chờ một hạnh phúc sẽ không bao giờ đến? Một hạnh phúc tội tình vẫn như món hàng quý hiếm quá đắt giá mà nàng với tìm mãi đến tuyệt vọng, đến rã rời tê mỏi hồn xác; đó là một điều gần như tuyệt đối, bí mật đến không nhận diện được nhưng diệu vợi âm thầm dìu ta vào cơn mê đắm tuyệt vời để hồn xác được siêu thoát trong một thoáng giây … Nhưng chiếc bóng hạnh phúc đó lờ mờ ẩn hiện, mong manh sương khói, lả lơi mời mọc, chập choạng chờn vờn như muốn đến với nàng, có lúc như thách thức, đùa cợt, rồi lại biến lặn đi, chết ngay đó, khi ánh sáng mộng tưởng lung linh mơ màng nào vừa phụt tắt trong ngút ngàn tuyệt vọng … và nỗi khát khao được vỡ òa tan tác như dòng thác tuôn chảy từ chính mình cho đến được vắt kiệt, ráo khô, lại đang dần chìm lắng vào hoang vu đời  nàng…

        Vòng tay xiết lấy chồng, hơi thở của nàng lành lạnh, nụ hôn của nàng buồn buồn thầm lặng, những ngón tay sầu muộn của nàng không đủ ấm … Nàng mở to mắt nhìn lên màu trắng xoá của trần nhà và thản nhiên mặc cho giông bão kéo về, từng đợt sóng lớn phũ phàng ập tới kéo nàng ra khơi, đẩy lại nàng vào bờ, vùng biển đêm tối đen bát ngát muôn trùng … Rồi bóng hoàng hôn chụp xuống, thủy triều dâng mênh mông cho đến lúc nước rút dần đi và nàng thấy thân xác mình ngắt lạnh bẽ bàng trôi giạt. Và đợt sóng cuối cùng hung hãn vừa ném tung cái xác đàn bà trơ trọi với mảnh hồn tơi tả lên bãi vắng hoang liêu … Nàng im lìm rơi vào hụt hẫng, không muốn bấu víu, níu kéo một chút gì cho riêng mình lúc Paul nói  yêu nàng  trong nhịp thở  hụt đi và cắn vào bờ vai nàng …

        Tiếng động của chiếc kim đồng hồ vu vơ một nhịp, như nhịp đập trái tim nàng nhẹ và đều, không vui không buồn, không hững hờ không tha thiết; chiều xoay của hai chiếc kim đó là vòng tròn thời gian vô tận, như vòng vây định mệnh lạnh lùng không  biết đến nỗi đớn đau hãi sợ của loài người bất hạnh …

         Ngoài khung cửa, không gian đìu hiu trĩu nặng u ám trong ánh mờ lặng lẽ của những ngọn đèn vừa sáng lên ở vườn cây. Paul úp mặt vào tóc nàng thì thầm hỏi thăm một câu như thường lệ và nàng trả lời, nói điều mà chàng muốn nghe vì không thích chàng phải xin lỗi, nhưng đầu óc vơ vẩn lan man nghĩ đến chuyện khác. Bao ngày rồi không thấy nắng, bao đêm rồi không thấy trăng? Phải chi ngay bây giờ ta được chìm trong biển nắng lóng lánh hay đắm vào vũng trăng não nùng để được nguôi khuây? Khanh nghĩ thầm với cảm giác lồng ngực trống rỗng và thân xác không còn thuộc về mình; rồi gượng ngồi dậy với tay lấy cái sắc nhỏ, mở ra lục lọi tìm thỏi son màu đỏ máu và chiếc gương, không ngạc nhiên thấy đôi mắt lạnh lẽo của mình trong gương đang dửng dưng nhìn mình; nàng bình thản trang điểm lại rồi xem xét một cách thật chăm chú những đồ lặt vặt trong đó, lẩm bẩm đếm đi đếm lại như để định thần, tất cả là chín thứ cần thiết cơ mà, nhưng chỉ có bảy là sao? Thiếu cái gì nhỉ? Nàng sực nhớ, lùa tay dưới gối lấy gói thuốc lá Fine Menthol xanh lục và cái bật lửa cùng màu rồi để thêm vào sắc dưới ánh mắt của Paul có vẻ không bằng lòng. Nhưng chàng không nói gì về việc này và mở  tủ lấy chiếc áo lông  màu xám khoác  lên  vai cho nàng : 

     _ Em mặc áo này nhé vì mình về trễ ban đêm trời sẽ lạnh hơn.

 

 

 

 

        Lúc chiếc xe đen bóng của họ lướt trên đại lộ thênh thang còn loáng nước dưới ánh đèn đường, mưa đã tạnh nhưng Khanh biết bầu trời chùng xuống rất thấp và còn nhiều mây xám, nàng đã luôn thấy trời Paris ảm đạm như thế, như cõi hồn mình. Nhưng Paris tuyệt diễm vào những mùa trời đẹp và nàng đã luôn nhìn ngắm vẻ đẹp của cảnh sắc nơi này với trái tim trĩu nặng hoang mang cùng lúc thầm hỏi ngay giờ đây, ở nơi này, có bao nhiêu tâm hồn đang thật sự hạnh phúc? Hạnh phúc ảo có thật sự vẫn khó chịu đựng hơn là bất hạnh như Viễn đã nói? Nàng không biết mình lại đang lạc loài trên giòng tư tưởng mông lung trong lúc tiếng nhạc vọng ra từ máy một điệu Nocturne nào của Chopin.  Paul điềm tĩnh lái xe và hỏi :

     _ Em bằng lòng sẽ gặp Trúc Ly tối nay chứ? Anh biết đó là người  duy nhất em có thể muốn gặp.

          Khanh sực tỉnh quay sang nhìn chàng, vẻ biết ơn :

     _ Vâng, em cám ơn anh đã nghĩ đến điều này vì không có chị ấy  chắc em cứ im lặng không biết nói gì với ai.

     _ Chị ta thật khả ái và hay cười, nói chuyện rất dễ chắc em cũng nhận thấy? Em thì cần phải cởi mở hơn và em sẽ thấy đời sống vui hơn, thú vị hơn. Anh có lý khi đã hy vọng em hợp với chị ấy. Người ta không cần có nhiều bạn, chỉ vài người nhưng chất lượng là quá đủ. Em nên đi với chị ấy đến những viện bảo tàng, những buổi triển lãm hội hoạ, những buổi hoà nhạc cổ điển để thư  giãn và hiểu biết thêm ; điều này chỉ tốt cho trình độ văn  hoá  của em mà thôi.  

         Paul nhíu mày lách vội chiếc xe qua tay mặt lúc có một chiếc moto vụt sát xe của chàng rồi lượn qua để biến nhanh như một làn chớp, chàng lắc đầu lầm bầm chửi rủa … Khanh đã luôn thấy chồng bực bội cáu kỉnh mỗi lần vì cách chạy ẩu của bọn lái moto. Nhẹ đặt bàn tay trái lên vai Paul và gương mặt chàng  dịu lại, nàng mỉm cười nói điều mà Paul muốn nghe và sẽ hài lòng :

     _ Anh nói đúng, Trúc Ly thật tốt với em, cách đây mấy tuần chị ấy đã dắt em đi xem buổi triển lãm tranh lớn nhất thế kỷ của Claude Monet ở Grand Palais, em rất thích, lần đầu tiên em được ngắm những bức hoạ giá trị như thế, nhất là những bức thất tán lưu lạc khắp thế giới từ lâu lần này cũng được gom về để trưng bày … Lúc về, chị ấy lại khao em một chầu bánh crêpe ở phía Montparnasse ngon thật ngon, em thích món này ghê, em có thể ăn thường xuyên mà không ngán đâu. Em may mắn có bạn như thế là quý lắm rồi, em không dám đòi hỏi gì hơn vì ngay từ lúc ở bên nhà, em đã không có nhiều bạn để tâm sự. Hoặc  họ tâm sự với em dễ dàng hơn  là em nói với họ về  mình.

           Paul vui vẻ trở lại :

     _ Anh công nhận em rất kín đáo, anh cũng tự hỏi nhiều lần đến bao giờ em mới nói thật nhiều về mình cho anh nghe. Có một nét đẹp nào lẩn trốn dưới vẻ đẹp bên ngoài của em mà anh còn  chưa được thấy, một điều gì đầy bí ẩn, đúng không nào?

           Khanh tư lự, cắn móng tay, nói nhỏ :

     _ Em không biết. Nhưng từ bao giờ anh muốn tìm hiểu về em? Có lẽ anh không nên biết nhiều quá về em vì anh sẽ thất vọng, anh  sẽ không yêu em nữa đâu.

           Paul nhếch môi, cười khó hiểu :

      _ Anh sẽ không bao giờ hết yêu em. Cho dù em phản bội anh, anh sẽ vẫn yêu em, dù anh đau khổ … Vì yêu là yêu ! Thế thôi. Sẽ quá dễ dàng khi vì một điều gì đó hay vì lỗi lầm nào của ai mà ta không còn yêu họ nữa. Anh không rành về thi ca lắm nhưng thích câu thơ đơn giản này từ ngày đi học : « Chaque jour je t’aime davantage, aujourd’hui plus qu’hier et bien moins que demain!». Anh đố em thơ của ai? Em mà biết thì anh phục lăn … em không thể biết tác giả câu thơ nổi tiếng này đâu, nhưng anh cá là mẹ em biết. Thế hệ của bà khác xa thế hệ bây giờ. Thi ca giờ đây không còn đất sống vì người ta chỉ giỏi in tiểu thuyết rẻ tiền để bán nhiều và bán nhanh, người viết thì thiếu tư tưởng cho đến từ ngữ, vô cùng bi thảm! Một thời đại mà tâm hồn thi sĩ bị ruồng bỏ trong khi vẻ đẹp cuộc đời chỉ có thể hiện hữu nếu ta có hồn thơ và nhìn đời bằng ánh mắt của thi nhân … Ấy em làm gì thế? Nào nào! Thôi đừng cắn móng tay nữa! Làm ơn đi mà! Lúc cắn móng tay em có vẻ như băn khoăn nghĩ ngợi làm anh không yên tâm. Hơn nữa, đáng lẽ em phải để móng tay dài rồi sơn màu cho đẹp như chị Trúc Ly thay vì gặm cho cùn hết đi như thế, trông ghê quá! Anh cứ thắc mắc tại sao em thờ ơ với sắc đẹp của đôi bàn tay trong khi em chăm chút cho mọi thứ khác. Em đúng là type đàn bà kỳ cục và khó hiểu, nhưng anh phải nhìn nhận là người đàn bà đơn giản lại chẳng khác gì đứa trẻ con ngô nghê khờ khạo, bằng lòng ngay với những bánh kẹo, mãn nguyện ngay với  những quà cáp, chẳng có gì để lôi cuốn. Người đàn bà quyến rũ là người mình không thể nắm bắt, không thể  có được một cách hoàn toàn. Em đồng ý chứ? Hay chính anh mới kỳ quái với quan điểm của mình? À anh đang nói gì cơ? Anh sẽ kiên nhẫn để khám phá thêm về em chứ, anh cần có thêm  thời gian vì ba năm chẳng là gì cả, phải không  cưng?

     _ Chẳng là gì cả ba năm, và ba mươi năm hoặc suốt một đời người cũng  sẽ chẳng là gì đâu anh.

        Khanh thì thào và xe tạm dừng ở đèn đỏ, nàng mở lớn mắt ngơ ngẩn nhìn một cặp tình nhân nắm chặt tay nhau đang băng qua đường, họ tươi cười rít rít trò chuyện trông thật hạnh phúc, và bất chợt, họ dừng ngay giữa đường để hôn nhau, thản nhiên và vội vã rồi lại đi nhanh, tiếp tục nói cười … Nàng đã nghe lời chồng vội bỏ tay xuống, cười buồn, rồi mân mê chiếc nhẫn cưới. Từ ba năm nay, Paul phải thay mẹ nhắc nhở suốt nàng phải làm gì và đừng làm gì, ta vẫn như đứa bé lên mười, chẳng thay đổi gì được, vẫn như ngày nào còn ở với mẹ. Ngày xưa, sau khi bỏ được cái tật tự cào cấu mình nàng đã bắt đầu tật gặm nhấm móng tay, từ lúc không giết những con côn trùng nữa, nàng lén mẹ hút thuốc lá … Vì có lẽ ta ương ngạnh không muốn đổi thay. Ta đã luôn trung thành với những gì của riêng mình, ngay cả đó là những khuyết điểm, và ta có đầy khuyết điểm mà khuyết điểm lớn nhất chính là ta như một loài hoa tầm gởi chỉ có thể sống dựa vào một thân cây vững chắc … Rồi nàng nghĩ đến những lúc mẹ và Paul đàm đạo về văn chương Pháp, họ thích thú vui mừng vì khám phá ra có người hợp gu nhưng lúc nàng có ý kiến là thơ Pháp chưa chắc đã hay như họ nghĩ, cả hai đã kinh ngạc và đều không giữ được bình tĩnh rồi tỏ ra thương hại nàng với trình độ kém cỏi về văn học Pháp. Nhưng thật ra, nàng biết mình không có lý vì cảm nhận của mỗi người là điều không thể chia sẻ. Không! Nhưng trên con đường dài vô tận của định mệnh, người ta vẫn có thể tình cờ gặp ai đó trong đời này có cùng một cảm nhận khi nói về một tư tưởng, khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, và chỉ thế ta đã thấy mình không còn cô đơn trong sa mạc cuộc đời thênh thang này. Nàng lại miên man nghĩ về Viễn.

       Paul đang nhíu mắt chăm chú nhìn phía trước, đọc tên đường, phàn nàn quên mang kính cận, không nghe rõ lời Khanh nói,  chàng hỏi lại :

     _ Hở? Cái gì? Em nói gì cơ? Sao giọng em nhỏ thế? Em lại bị  viêm họng đấy à? Thuốc lá quả là tai hại !

     _ Không, em có nói gì đâu! Mà em nói gì kệ em, em viêm họng kệ em,  anh cứ lo lái xe đi không lại lạc đường giống hôm nọ rồi mất thì giờ chạy tìm loanh  quanh làm em chóng mặt khổ lắm!

       Khanh nhăn nhó gắt, đôi khi những chăm sóc chu đáo và chú ý vồn vã hơi thái quá của Paul làm nàng khó chịu như bị xúc phạm và đã có lần nàng liều mạng trả lời một cách xấc xược : « Ông không phải là bố tôi! Ông hơn tôi mười hai tuổi thì đúng nhưng tôi không phải là đứa bé con! ». Thật thế, Khanh đã hai mươi bảy tuổi. Và Paul để nàng yên sau đó, nhưng chỉ một thời gian ngắn, rồi mọi điều lại như  cũ, lại nhắc nhở, răn đe. Dù trong thâm tâm Khanh biết nàng đã tìm thấy nơi Paul thấp thoáng đâu đó hình  bóng  người cha đã rời khỏi tầm tay từ bé. Nhưng càng lúc, nàng càng có khuynh hướng làm cách mạng để có độc lập, dù chỉ là trong suy  nghĩ và những việc nhỏ không  đáng  kể.

        Paul rẽ vào một con đường nhỏ và hạ giọng đề cập đến chuyện khác, với thái độ nhượng bộ khi biết nàng nổi cáu :

     _ Phố xá càng lúc càng nhiều xe, thủ đô này vừa là thiên đường vừa là địa ngục, anh rất muốn dọn đi nơi khác. Nhưng anh chưa bao giờ biết ý kiến của em về Paris, em thấy đời sống ở  thành phố này ra sao?

     _ Thành phố này à? Nó tuyệt vời theo cái nhìn chung nhưng em  nghĩ chắc để yêu thích một nơi chốn nào hay một ai, có lẽ ta cứ  phải ra đi và ở xa thì đó chính là điều kiện để ta nhung nhớ và  còn có thể yêu  hơn  nữa.

         Khanh cũng dịu giọng nhưng đã phát âm tiếng Pháp chữ « tuyệt vời » không đúng văn phạm vì quên phối hợp tĩnh từ với danh từ. Paul sửa lại và đã không chú ý đến câu nói sau của nàng, nhíu mày thử nhớ lại địa chỉ của nhà hàng. Có những lúc từ ngữ tiếng Anh và Pháp viết giống nhau mà nàng vẫn quên, phát âm theo tiếng Anh thay vì tiếng Pháp. Và Paul, nhiều khi đặt câu hỏi nhưng lúc Khanh  trả lời thì chàng lại không  nghe thấy  vì  lý do nào đó …

 

        Khanh đã quen với tật đó của chồng, nàng lại cười nhẹ sau khi nói cám ơn ông thầy, rồi yên lặng nhìn ra ngoài cửa kính, đêm đã phủ xuống thành phố vừa lúc Paris thắp đầy ánh sáng, tháp Eiffel sừng sững trong vẻ đẹp tráng lệ kiêu kỳ đầy tự tin như một phụ nữ biết chắc chắn nhan sắc lộng lẫy của mình đã luôn tồn tại cho cả vũ trụ ngưỡng mộ và sẽ bất diệt với thời gian. Sắc đẹp của nàng ta là loại ánh sáng kết hợp của ánh sáng mặt trời lẫn mặt trăng có thể làm lòa mắt nhân loại. Nhưng với Khanh, chiếc áo khoác muôn màu rực rỡ của kinh đô vẫn xa lạ … Paris với quá nhiều ánh sáng nhân tạo, quá nhiều khoảng cách và quá nhiều những mặt người dửng dưng, quá nhiều cửa tiệm hàng hiệu, quá nhiều du khách, quá nhiều quán cà phê, quá nhiều nơi triển lãm nghệ thuật và cũng quá nhiều những gì người ta còn muốn tìm hiểu, khám phá … như những đại lộ thênh thang đầy gió lạnh, một đời sống có thể đã không đổi khác nào từ nhiều năm qua, cạnh những điều tốt quá nhiều là những gì tiêu cực nhất … Như mọi thành phố lớn trên thế giới này có quá  nhiều nỗi chết ẩn giấu trong nhịp sống loạn cuồng đầy tiếng động. Nàng đã thầm hy vọng sẽ yêu Paul cũng như nước Pháp, dữ dội và sâu đậm, điên mê và say đắm. Tình yêu đó và thời gian qua sẽ xoá nhòa đi trong trí nhớ nàng phần đời đã sống, sẽ dập tắt được ngọn lửa yêu thầm lặng cùng nỗi đớn đau lạ lùng về Viễn. Giờ đây nàng nghi ngờ và biết mình gần giống như một trong những nhân vật của một trong những tiểu thuyết nào đó … Và  cố gắng yêu một cách tuyệt vọng có lẽ là điều thô bạo và tàn nhẫn nhất cho trái tim con người. Trái tim đó sẽ như dở sống dở chết và tình trạng này mọi điều còn thê thảm hơn là để cho nó chết vĩnh viễn.

 

         Khanh ngẩng lên, nhớ là không được cắn móng tay nữa, nàng ấp những ngón trơ gầy buốt giá vào hai má, nhìn đăm đăm khung cửa kính xe nhạt nhòa màn mưa ; trong một thoáng giây chợt cảm thấy sầu tủi và hận Paris, ghét người đàn ông của đời mình, người đàn ông mà sống với anh ấy ta không có gì để sợ hãi vì anh ta đầy tự tin cũng như hoàn toàn tự chủ. Còn ta? Vấn đề của ta là gì? Ta đã quá rời xa chính mình nên đành chao đảo chới với trong không cùng, nên ta như đang dần tự hủy và không thể yêu. Không yêu Paris là một cái tội? Hay một khuyết điểm? Nhưng một khi đã yêu Đà Lạt, làm sao người ta có thể yêu nơi nào khác? Paris xa lạ như tất cả thuộc về nó sẽ mãi mãi xa lạ, như chính nàng và mọi điều hiện hữu trong một thế giới sẽ không  bao giờ thuộc về mình.

 

          Paul không muốn nghe nhạc cổ điển nữa, đã đổi sang đài « Nostalgie » để nghe những bản nhạc của những năm 1960, một bản nổi tiếng thời đó mà nàng có biết. «  Je ferai de nous deux mes plus beaux souvenirs ; je reprendrai la route, le monde m’émerveille … Dis, quand reviendras- tu ? Dis, au moins le sais- tu … ». Nước mắt dâng lên, Khanh cắn môi để không bật khóc, Paul như cảm nhận được nỗi xúc động của nàng, mỉm cười ; một bản nhạc như thế của Barbara, ai không nhìn nhận là tuyệt vời thì thật tình mình chẳng biết nói gì hơn ; chàng đắc ý, lái xe chậm lại và huýt gió theo điệu nhạc trong lúc Khanh lại nhìn ra cửa, cảm thấy xót xa nhớ mẹ vô  cùng, thầm gọi mẹ ơi mẹ ơi với  cõi hồn  đau  nặng …

        Bên ngoài, hình như trời lại mưa.

 

 ( Trích truyện dài  Tả Ngạn ) 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 989
Ngày đăng: 14.08.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảnh giới mong manh (tiếp theo và hết) - Nguyễn Thỵ
Chênh vênh - Nguyễn Thị Kim Lan
Cảnh giới mong manh - Nguyễn Thỵ
Đứa em sinh đôi - Lê Hứa Huyền Trân
Đóa hoa về khuya - Lê Hứa Huyền Trân
Ngọn gió nào… - Đỗ Nguyễn
Giấc của mùa lá phong - Nguyễn Thị Kim Lan
Soái hồ - Nguyễn Thỵ
Ma còn biết yêu - Nguyễn Thanh Huyền
Cố chấp - Lê Hứa Huyền Trân
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)