Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
679
116.701.313
 
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. (Phần 4)
Đỗ Nguyễn

 

 

                  Tình Yêu và tính Nhục Cảm trong văn xuôi.

                

      « Chúng ta phải yêu đàn ông rất nhiều, rất rất nhiều, phải thật gần gũi với họ để yêu họ vì nếu khác thế, họ sẽ trở nên vô cùng khó chịu ». 

    Marguerite Duras (1914-1996).           

 

    

     Trong văn xuôi của Nguyễn thị Hoàng, chủ yếu là những nhân vật nữ, nhưng cả nhân vật nam, dù trong vai trò nào, trong hoàn cảnh sống nào, từ Trâm của Vòng Tay Học Trò đến người vợ trong Cuộc Tình Trong Ngục Thất hoặc một Nhung trong Tuần Trăng Mật Màu Xanh, Chiêm của Đất Hứa … vẫn là những người phụ nữ sống tận cùng cho tình yêu, yêu độ lượng trong tâm trạng khắc khoải dày vò, với những suy nghĩ điên đảo triền miên bởi nghịch cảnh đầy oan trái mà con người phụ nữ của họ vẫn quyết liệt, mạnh mẽ, độc lập, cao thượng, chân tình và thảm khốc;  họ vong thân trong tình yêu và cũng được cứu rỗi từ chính sự vong thân đó. Giá trị một tác phẩm văn chương là sự hài hoà giữa văn phong độc đáo và tư tưởng mãnh liệt diễn đạt những trạng thái tâm hồn và thể xác của nhân vật, hai điều cùng có tác động tích cực và để lại dấu ấn sâu đậm và bền lâu trong lòng độc giả.

   

    Nhà thơ dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (1947-1921), đã dịch rất nhiều thơ của những nữ thi sĩ như Emily Dickinson, Chistina Rosetti, Bargriana Elisaveta … đã từng nói về sự chọn lựa làm công việc này của ông : « Bởi tình cảm của phụ nữ là thật ». Nhà văn Guy De Maupassant (1850- 1893) của Pháp đã có cùng tư tưởng : «  Chỉ có phụ nữ mới biết yêu là gì ».

   

    Cho đến thời gian đó, một số ít nhà văn nữ Á đông có viết về tình yêu và nhục cảm của người phụ nữ một cách sâu sắc và tinh tế như nữ sĩ Ayako Miura (1922-1999)  người Nhật mà chúng ta có biết ít nhất qua tiểu thuyết Hyõten, xuất bản năm 1964, (Freezing Point) được dịch giả Liêu Quốc Nhĩ chuyển ngữ là Băng Điểm.

     

 

 

 

Ayako Miura                              Nguyễn Thị Hoàng

 

 

  

     Nhà văn Nguyễn thị Hoàng của chúng ta, với tất cả sự nhạy cảm phong phú, khác biệt trong quan sát và nhận xét cảnh, việc, người, tình, đời … cũng như cái nhìn, cách diễn tả về tình yêu sâu đậm trong quan hệ vợ chồng chung thủy thật chuẩn xác và đẹp, cảm động, trích từ  Cuộc Tình Trong Ngục Thất :

   «  Em muốn anh ăn, em muốn anh sống! Lạy trời, con chỉ cầu xin còn lại mỗi một điều này thôi, là cả hai người còn sống … với chút hy vọng mỏng manh nguôi ngoai là một ngày kia, một trăm một ngàn năm sau, còn tìm thấy nhau trong đống xương trắng hếu của vạn lý trường thành cay nghiệt. »

   « Người đàn bà là mẹ chỉ đem đến những gì cho người đàn ông trong cung mệnh, nhưng người đàn bà là vợ làm thêm những phần sáng tạo và tham dự của cung thân hòa nhập vào cung mệnh trong bản tử vi người chồng … Cho nên chỉ cách nhau có mấy bước mà có cái gì không xong, cái gì sai lỡ. Cho nên chỉ cách nhau có một phiến cửa kính trong suốt đàng này đàng kia của phòng mà đã thấy chênh vênh heo hút nhớ nhung. »

    Cùng với cảm xúc được diễn tả đẹp một cách tinh tế khi bắt được nguồn hy vọng thoát hiểm để về với đời sống : « Tóc bay. Chiều bay. Hồn bay. Những mảnh vỡ mịt mù trí não rạc rời cũng cuốn bay theo … Bay lên. Xa lìa quá khứ. Xa lìa ngục tù. Xa lìa ám ảnh mịt mờ trận địa … Một thoáng, nàng nhận ra, thật xao động nhưng cũng thật lặng lẽ, mùi tóc da và vai áo của người đàn ông ngồi gần lan chuyển vào tâm hồn và thể phách mình, như một hoà điệu kỳ diệu và lặng thầm giữa lá và hoa, giữa cây và cành, giữa sương và khói … Rồi bằng tất cả tâm hồn diễm tuyệt, bằng tất cả ý chí siêu phàm, bằng tất cả say đắm của lòng ta, đánh cướp lại đời, gắn hàn lại hạnh phúc. »

     « Em đã yên nghỉ hoàn toàn trên bến bờ tình yêu anh. Không còn miền thiên đường nào yên tĩnh và vĩnh cửu vô biên hơn nữa. » ( Ngày Tháng Đầu Đời )

    

     Tình yêu của người con gái cho người lính chết trận :

     « Còn mang theo khắp trên quần áo mỏng manh mùi vương vất của mồ hôi, cát bụi, hơi nóng và những thứ mùi không tên của đời lính. Và hình ảnh chàng, như một tượng tạc giữa công trường nào, yên tĩnh và bất biến … Tôi khóc bằng nước mắt một đời ước vọng không nguôi, những mộng mơ dạt dào, những thiết tha ngưỡng vọng, những hấp hối van xin … Khóc những giọt nước mắt tình yêu và sự chết, mừng tủi và khát khao cái gì không có trong tay không có trong đời không có ở nơi đâu. »  ( Đất Hứa).

   Tình yêu ngọt ngào, đằm thắm và đau đớn, cao thượng của một người nữ với một người nữ : « Thương như một đọt sao xanh trong vắt dẫn dắt cho Tịnh đây đó lạc đường vẫn còn về đây thấy hồn mình yên tĩnh một thứ tình dịu dàng và kỳ diệu vượt ra ngoài tất cả mọi quy ước và biên giới của lòng người, tình yêu và sự tầm thường. » (Mùa Xuân Lá Vàng).

    

     Khi viết về nhân vật nam, người lính rơi vào cảnh bế tắc tuyệt vọng của thời chiến, còn mong mỏi, nuôi hy vọng sống từ tình yêu của người đàn bà, Nguyễn thị Hoàng cũng diễn tả một cách chân thực và đầy tình người :

    “ Trong vườn cây, dưới tàn cây khế, người đàn ông ngồi tẩn mẩn xếp từng chiếc lá khô với nhau thành những hình ảnh rời rạc vô nghĩa. Nghe tiếng chân, anh nhìn lên. Hai tay buông, hai mắt không chớp, toàn thân như bất động thành tượng đá rong rêu đã nghìn năm ở đó … Có thật Nhung đó không? Nhung từ xưa trở về hay Nhung từ lần đầu tiên, trong mộng mơ tiền kiếp nào long lanh như nắng?

     Đông nhìn đăm đăm những xe tang chầm chậm đi qua và mặc cho hàng loạt mắt nhìn tò mò vây bủa xung quanh, anh quàng hai tay thân yêu quanh vai cổ Nhung, miệng trên tóc nàng thơm mùi hoa dạ hợp, ôm ấp lấy đời sống mong manh và dấu yêu tưởng như vừa tìm gặp lại sau trăm năm im ngủ dưới mồ. ”

(Tuần Trăng Mật Màu Xanh)

  

     Tính nhục cảm, là một trong những yếu tố của một tác phẩm văn chương, cần thiết ít nhiều, tùy vào chủ đề và nội dung. Trong văn chương của Nguyễn thị Hoàng, đây là điều được diễn tả một cách đẹp nhất, tự nhiên và tế nhị nhất, đến có thể hiểu rằng tác giả không hề cần đề cập, không hề tìm kiếm mà chỉ viết về con người và tình yêu với một ngôn ngữ đầy cảm xúc, giàu hình tượng và từ đó, người ta có thể cảm được những rung động xuất phát từ trái tim, từ tâm hồn và một cách đương nhiên, những rung động này sẽ dẫn dắt đến nỗi khát khao sống niềm xúc cảm bí ẩn nhất của tình yêu xuất phát từ ngũ giác quan trên thân thể con người. Nói khác đi, con người có những cảm giác về thể xác, những rung động trong tâm hồn và tình cảm trong trái tim là ba điều không bao giờ có thể tách rời nhau được. Xúc cảm là mạch nguồn của khát khao dục vọng và con người cần được sống nó vì người ta không thể phi thường hóa cảm xúc hay sống giả tạo nó. Nguồn xúc cảm là điều tự nhiên và thật nhất được nhà văn đề cập một cách vô tư.

     “ Cô đong đưa trên những đỉnh hoa hồng. Cô vừa sợ vừa muốn những cái gai dưới lá. Tại sao?

Thật giản dị, có gì đâu, tại sao lại tránh cả những việc rất “người”?  Đó là những gốc rễ mọc sâu trong vui thú khoái lạc của con người.

Chính cô, cô vừa muốn giữ mức độ đó, vừa muốn vọng tưởng tới những hình ảnh tăm tối và lôi cuốn khác để hâm nóng cuộc vui thầm kín trong tưởng tượng.”   (Tuần Trăng Mật Màu Xanh).

   

    Từ bản thể nhà văn có nguồn xúc cảm tràn đầy lai láng như giòng sông lớn đã tạo thành sự quyến rũ gợi cảm khơi tình từ ý tưởng diễn đạt qua văn phong. Các nhân vật của bà sống động, quyến rũ và sống bình thường, sống tự nhiên con người và tình yêu của họ với khối cảm xúc thật. Từ cách dùng cảnh sắc làm nền cho tính nhục cảm, cho đến sự diễn tả từng suy nghĩ, từng cử động, ánh mắt, cách biểu lộ và đối thoại. Tất cả được diễn tả bằng một cách tinh vi, dịu nồng, nhiều rung động nên những lời văn hình thành đoạn viết thật cảm động và gợi cảm, vô cùng ấn tượng và đầy hình tượng lãng mạn trong nền văn chương đương đại chưa từng có.

     « Cho em hôn khắp người anh, từ đầu vầng tráng phẳng cho đến cuối gót chân thon, cho môi em xóa hết bụi đường trên thân thể anh khi trở về. » (Ngày Tháng Đầu Đời)

     « Những ngón tay tê cóng run rẩy, những sợi giây thần kinh bé bỏng đầu ngón tay chuyền cảm giác đi khắp thân thể Trâm như những đoàn quân nồng nhiệt đi chiếm đóng một quê hương dần hàng phục bị trị …

    « Từng ngón tay Trâm đột nhiên run rẩy bám vào chéo gối … », « Mùi thơm phảng phất, hơi khói nồng nồng quen thuộc từ phía Minh len lén bay qua phả lên mặt nàng như một gửi trao liều lĩnh. »  (Vòng Tay Học Trò).

     

     Nhà phê bình Thụy Khuê giải thích : « Thi pháp của tình yêu và đam mê đã dẫn ta tới nguồn cội của cảm giác ».

  

     « Hậu vùi đầu tóc Chiêm vào khoảng ngực áo chưa cài … Lửa trút qua môi, hương nồng tẩm áo, họ nhắm mắt dìu nhau lên cao, chơi vơi trên đỉnh trời ngập tràn màu đỏ chót vót của cảm giác. Thoáng ru ngủ say nồng bay vút qua mau cho tay rời tay môi rời môi »  (Đất Hứa).

   « Đêm cựa mình giữa lời nàng thở nhẹ. Và nàng còn nhớ răng Minh nở đều trong tóc mình vướng rối. Nàng còn nhớ má Minh thơm và ấm mùi rượu nho ngày hội lớn nào. » (Vòng Tay Học Trò).  

    « Thôi thì đời còn chị để thương em. Một người con gái thương một người con gái cũng đành, và cho chị hôn em, cho chị ôm em, cho chị nhắm mắt lắng nghe những bước tình lỡ làng thoảng qua trí nhớ. Chỉ còn có em thôi phải không Thương? Và rồi một ngày kia em cũng đi về đời sống khác. Còn chị ở lại một mình … Thương gục đầu vào giữa hai hạt nút áo mở của Tịnh. Tịnh giữ đầu Thương rất lâu trong ngực mình và nước mắt bỗng dưng chảy dài ràn rụa. Từ đó đêm nào vắng mái tóc thơm của Thương trong ngực mình, Tịnh nghe trong lòng hao hụt mênh mông và thức trắng đêm. » ( Mùa Xuân Lá Vàng).

   

     Nhục cảm cũng được sống một cách dày xéo giữa nỗi khổ của linh hồn và thân xác, giữa tội lỗi và hạnh phúc một cách u trầm như tư tưởng nhà thơ Pháp Charles  Baudelaire (1821- 1867), mà người phụ nữ của thời chiến đã chỉ kiếm tìm mong mỏi một hạnh phúc thuần khiết, thanh thoát trong những đọa đày của tù ngục chiến tranh.

   « Một đôi môi chết đuối trên môi, một cánh hồn chập chờn theo hồn và vòng tay chằng chịt muôn đời vây bủa rừng tình thăm thẳm. »  (Đất Hứa)

   

     Từ những ẩn ức về tinh thần, từ những tình cảm tiêu cực cho đến những đòi hỏi dục vọng từ yêu đương và khao khát sống của từng nhân vật, nhục cảm trong một số tác phẩm của Nguyễn thị Hoàng được thi vị hóa bởi những ẩn dụ qua văn phong luôn uyển chuyển và sắc sảo.

   « Với nỗi đớn đau không cùng thầm lặng trong say mê nghiến ngấu, nỗi linh cảm dấy lên từ ngọn cây xanh hạnh phúc nắng tràn về chia xa trong đoàn tụ, giây phút giữa dài lâu, tang thương trong bất biến, bất an trong êm đềm. Cảm giác đó vẫn chen lấn, thôi thúc, dồn đuổi Chiêm lăn mình vào cơn say ngất ngây mê sảng của những lần tới đó. » (Đất Hứa)

    « Nàng nhìn Minh. Đăm đăm quấn quýt dại khờ. Một thoáng Minh cũng nhìn lại nàng như thế, và cả hai cùng cảm thấy có con sóng lớn luồn khắp thân thể mình. Hoặc : «  Trâm nhìn khoảng cườm chân trắng nõn của Minh hé lên giữa ống quần và tất đen. » (Vòng Tay Học Trò).

  

     Bằng sự nhạy cảm tột độ cùng với cách thấu hiểu cực chính xác và tinh nhuệ về tâm sinh lý, Nguyễn thị Hoàng là một nhà văn hiếm hoi đã đề cập đến và phân tích nhục cảm mang tính phức cảm của một người đàn bà yêu một người đàn ông từ cảm nhận và qua một người đàn bà khác :        

   « Mùi thơm từ ngực áo Ý Lan phảng phất trong vầng tóc Nhung mù rối. Một cảm giác kỳ dị, tức tối pha lẫn bực tức không đâu vấn lên khắp người Nhung. Nàng nhìn ngấn cổ trắng ngần của người đàn bà kẻ một đường trũng xuống ngực áo quên cài. Loáng trong hai mắt khép che một ảnh hình choáng váng tới gần. Nhung nghĩ thầm, hình như mình thích bà ta, có phải không, từ lần đầu nhìn thấy, vẫn tưởng tượng bà ta với Đông đã như thế nào, mấy hôm nay, đầu tiên mình tưởng vì sự ganh tức, hờn lẫy. Không phải! Mình thích người đàn bà, vô lý, tại sao lại như vậy, hình như nghĩ đến người đàn bà, mình cảm thấy muốn đến với Đông. Lần đầu tiên trong đời Nhung nhận ra một điều kỳ dị mà có thật. »  (Tuần Trăng Mật Màu Xanh, tiểu thuyết, xuất bản năm 1973)

    Nhà văn Marguerite Duras của Pháp, tác giả tiểu thuyết Người Tình (L’Amant), trong tác phẩm, có đề cập đến trạng thái này. Nhưng quyển Người Tình được sáng tác sau, vào năm 1984.

   

    Hoặc trong một lúc nào đó, người đàn ông quân nhân trong cơn thống khổ tuyệt vọng, sống trạng thái hụt hẫng từ suy sụp tâm sinh lý. Điều này cũng được Nguyễn thị Hoàng phân tích một cách chuẩn xác với tất cả niềm cảm thấu và tình người.

    « Rồi thì một nỗi xót xa, thương thân không đâu làm lòng anh chùng héo xuống và trái tim như chìm lặng đi trong lồng ngực phẳng lặng như tờ. Nỗi vui thú đã không tới như mong muốn. Trái lại là một nỗi lạnh lẽo, nhàm nhạt, làm buồn chán ủ ê cả tâm hồn thể xác. Người anh như chìm tan đi trong một nỗi thất vọng tận cùng. 

    _ Em đáng yêu vô cùng, nhưng mà không còn gì trong lòng tôi cả, thật uổng phí cho em.

     Đông nói, tiếng nói như ở hẳn ngoài anh, không can dự vào phần hồn xác lười biếng. Rồi thì, theo nhịp đò trôi những ngón tay người đàn bà dịu dàng vờn trong tóc Đông, dỗ dành. Hồn Đông rưng rức buồn như cơn mưa không dứt bên ngoài, tan loãng dần cho đến khi tất cả thiếp mê trong giấc ngủ. »

     Người ta có thể thấy cả tính gợi dục trong cách tả tinh tế một phụ nữ quyến rũ đài các bởi văn phong bay bướm như sau :

     « Trong khung mắt vương buồn, người đối diện vẫn tìm thấy lấp lánh một ánh sắc tươi vui, hân hoan như ánh đèn lồng hò hẹn trong vườn cây tăm tối sao mờ, dấu hiệu của một giờ tự tình đằm thắm. Nét mày cong thỉnh thoảng cau lại như hỏi han ân cần, như giận hờn nũng nịu, như vòi vĩnh van lơn làm nõn nà đôi gó má cao phơn phớt một thoáng hồng man mác toả xuống đôi môi san hô non mấp máy giấu che hai hàm răng màu lựu non he hé từng lời nói tiếng cười. Giọng nàng nhỏ, thanh, nhưng rõ như tiếng vang xa được lọc qua những tầng thanh khí trong vắt vắng im, nghe xa vời, như từ cõi nào vọng vang, mà gần gũi như thủ thỉ gần kề bên gối. » (Tan Theo Sương Mù)

   « Quần tay bó sát vào cặp đùi dài thuôn lẳn, áo len đen cổ hình trái tim khoét rộng xuống một phần ngực đầy, tấm khăn lụa buộc mớ tóc ngắn bồng bềnh cũng màu đen chạy một đường viền cong từ chân tóc trước trán đến nét gáy trắng lơ thơ tóc măng dâng lên phía trước nét mũi đều thanh tú và đường môi cong vẽ xuống góc miệng duyên dáng gọi mời. Ngà đi thoăn thoắt từ bàn này sang bàn khác, những né tránh nhảy nhót vươn đường cong mềm mại của thân hình, những vẫy tay những nhún chân gợi lên trong mắt nhìn tò mò ngạc nhiên của một đám khách ăn đông đảo hình ảnh của một vũ nữ luống tuổi trình bày những khúc điệu cám dỗ nhất một lần cuối cùng trước khi gục xuống sau màn sân khấu âm u … » (Bọt Biển)

  

     Nhà văn có cách miêu tả và so sánh một cách thông minh tinh tế kỳ lạ khi viết về khuynh hướng nhục cảm kín đáo với những hình tượng đẹp và tự nhiên.

    « Cái cuống tím màu hồng nhạt và mềm yếu của cây nho, mảnh mai và dịu dàng như một thứ dây trang điểm kín đáo của đàn bà. Những trái xanh tròn nuốt và láng màu cẩm thạch gợi nhớ hàng răng ngời sáng cắn sâu rợn lên trên môi người mường tượng thứ nước chua thơm ngát và lạnh ngắt đến rùng mình nghe lắng …

     Giải mây biến thành chiếc khăn lụa thơm nức mùi nước hoa là đà bay xuống cổ tôi. Và khi đưa tay lên mân mê, chiếc khăn đã là cánh tay nuột nà mát dịu vòng quanh hai vai mình chết ngất. »

   

    Tình yêu và nhục cảm là tự do cá nhân phải được sống thật với bản thể. Con người phụ nữ cần chối bỏ định kiến luân lý, trốn chạy sự giả tạo và ngộ nhận của thế lực xã hội, đương đầu số mệnh trong cô đơn mà vũ khí duy nhất là bằng năng lực nội tâm để che chở cuộc sống và thế giới riêng tư, tìm tòi khát khao giải phóng nhân tính  mà vẫn gìn giữ nguyên vẹn bản thể của cá nhân và trách nhiệm với cuộc đời. Nguyễn thị Hoàng đã viết và làm sống động những điều thuộc về nhân bản một cách hoàn toàn sáng suốt và nhạy cảm.

 

           

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 721
Ngày đăng: 08.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ ( Phần 3). - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Đọc lại Hoàng Cầm - Nguyễn Đức Tùng
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. - Đỗ Nguyễn
Tu thiền - Võ Công Liêm
Bàn về đi du lịch ngày Tết - Hoàng Xuân Hoạ
Bỏ tết để…văn minh. - Thiếu Khanh
Chọn tuổi xông nhà – vài lưu ý cần biết - Đặng Xuân Xuyến
Bản tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực - Võ Công Liêm
“Hồn mộng” Nguyễn Du trong thơ chữ Hán - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)