Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
811
116.691.836
 
Lời trần tình (phần 12)
Đỗ Nguyễn

 

Dịch thuật

 

DE  PROFUNDIS

OSCAR WILDE

 

      

     Vì ngài, chúng ta làm ra những tác phẩm và những nhân vật đa dạng. Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, Hoa Sầu của Beaudelaire, nét thương tâm trong những tiểu thuyết của Nga, Verlaine và thơ, những khung kính màu ở nhà thờ, những trang trí trên tường và những tác phẩm của Burne Jones và William Morris, thuộc về ngài không kém gì tháp của Giotto, Lancelot và Guinevere, Tannhauser, những tượng cẩm thạch thơ mộng và bí hiểm của Michelangelo, kiến trúc đột phá, và tình yêu của những đứa trẻ và những loài hoa. Nghệ thuật cổ điển không dành một chỗ nào cho trẻ con và hoa. Chỉ vừa đúng cho chúng được chơi và tăng trưởng, nhưng từ thế kỷ thứ XII đến thời đại này, chúng đã không ngừng biến đổi trong nghệ thuật dưới những hình thức phong phú và qua nhiều thời đại đa dạng, những sự xuất hiện cầu kỳ và được nhấn mạnh, như những đứa trẻ và những loài hoa có khuynh hướng thực hiện. Mùa xuân đã luôn cho ta cảm giác rằng những đoá hoa lẩn trốn và chỉ lộ ra trong ánh mặt trời, và trong nỗi lo sợ người lớn, trẻ con chán đi tìm sự khám phá và không tìm kiếm nữa, cuộc đời đứa trẻ không là gì hơn một ngày tháng tư khi mưa và nắng xen kẽ để thuận cho ý muốn của loài hoa Thủy Tiên.

 

     Sự mơ mộng của Christ được làm từ chất lượng tưởng tượng về thiên nhiên. Những hình tượng kỳ lạ của thảm kịch và điệu thi ca đã ra đời từ trí tưởng tượng của ai khác, nhưng từ trí tưởng tượng riêng của ngài đã tự tạo nên Christ của Nazareth. Tiếng kêu của Isaie không dự phần thêm hơn trong bước đến của ngài, không hơn tiếng ca loài chim chiền chiện trong lúc trăng lên - không hơn, nhưng cũng có thể không kém. Ngài làm sự phủ nhận cũng tốt như sự khẳng định trong tiên đoán. Cho mỗi hy vọng sẽ thực hiện, ngài tìm thấy ở đó một điều để phá hủy. « Trong mọi vẻ đẹp, ngài là một sự cân xứng lạ lùng », Bacon đã nói, và từ những gì phát sinh từ tinh thần - có nghĩa là những gì, như ngài, là những sức mạnh năng động - Christ cho rằng chúng như gió « thổi nơi nó muốn và không ai có thể nói được nó đến từ đâu và về hướng nào ». Vì thế ngài đã là nguồn cảm hứng cho biết bao nghệ sĩ. Ngài sở hữu tất cả những yếu tố của cuộc đời : Sự bí ẩn, sự lạ lùng, cảm xúc, truyền cảm, xuất thần, tình yêu. Ngài gọi đến tình cảm tuyệt diệu và tạo nên không khí này là điều duy nhất cho phép ta hiểu được ngài.

     Hạnh phúc cho tớ khi nhớ lại rằng nếu ngài được « hình thành hoàn toàn bằng sự tưởng tượng », thế giới chính nó là của cùng thực thể. Tớ nói trong Dorian Gray rằng những tội ác lớn nhất trên đời này diễn ra trong óc con người. Nhưng chính ở trong khối óc mà tất cả diễn ra. Bây giờ ta đã biết rằng ta không thấy bằng đôi mắt và không nghe bằng lỗ tai. Thật ra, đó chỉ là những phát tuyến dành cho sự truyền tin, đúng hay không đúng, những cảm tưởng về ý nghĩa. Ở trong khối óc mà đoá Coquelicot có màu đỏ, quả táo có mùi thơm, con chim sơn ca cất tiếng hót.

     Mới đây thôi, tớ đã chúi vào học một cách chuyên chú bốn bài thơ văn xuôi của Christ. Vào dịp Giáng Sinh, tớ đã xoay sở để có được một bản di chúc Hy Lạp, và mỗi buổi sáng, sau khi lau rửa căn phòng giam và những vật dụng của mình, tớ đọc những đoạn ở trong kinh Phúc Âm, khoảng mười hai đoạn ngắn tớ trích ra  một cách ngẫu nhiên. Thật là một cách tuyệt diệu để bắt đầu một ngày. Đối với cậu, kẻ có một cuộc sống bừa bãi xáo trộn, sẽ rất tốt để học như thế. Cậu sẽ được sảng khoái vô biên, và tiếng Hy Lạp rất đơn giản. Vô số những đoạn lập lại, cho chúng ta sự tươi mát, nỗi vô tư, cái duyên giản dị và thơ mộng của kinh Phúc Âm. Ta đã từng nghe đọc quá nhiều và thường là sai, và mọi sự lập lại là chống lại những gì về tinh thần. Khi trở về với bản bằng tiếng Hy Lạp, ta có cảm tưởng như vừa rời bỏ căn nhà chật hẹp để bước vào một khu vườn hoa huệ.

 

     Và niềm vui của tớ còn gấp bội lần khi có ý nghĩ rất có thể rằng chúng ta sở hữu những từ ngữ chính xác, những « ipsissima verba », được dùng bởi Christ. Ta đã luôn tóm lược rằng Christ diễn tả bằng tiếng Ả Rập. Renan cũng tưởng như thế. Nhưng giờ thì chúng ta biết rằng, như tất cả những người làng quê Ái Nhĩ Lan ngày nay, những người dân quê Galliée nói song ngữ, tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ được dùng hàng ngày ở xứ Palesine và thật ra, trong toàn bộ Trung Đông. Tớ đã không vui khi biết ta chỉ đọc những lời của Christ từ bản dịch này qua bản dịch khác. Thật là một hân hạnh khi tưởng tượng rằng, ít ra là về phần đối thoại, Charmidès đã nghe được. Socrate lý luận với ngài và Platon hiểu được ngài ; và tiếng nói cuối cùng của ngài, khi ngài la lên : « Tất cả đã xong, đời ta đã được thực hiện, đã hoàn tất ».

      Nếu đọc kinh Phúc Âm, đặc biệt của thánh John hay một trong những quyển đầu tiên về thuyết khổ hạnh, tớ thấy là sự khẳng định tiếp nối của trí tưởng tượng phải là cơ bản của suốt một đời sống tinh thần và vật chất. Đồng thời tớ cũng thấy rằng, với Christ, sự tưởng tượng chỉ là một hình thức của tình yêu, tình yêu là tối thượng trong nhận thức của ngôn từ. Cách đây khoảng sáu tuần, bác sĩ đã cho phép tớ được nhận bánh mì trắng thay vì loại bánh dở tệ, đen xì hay xám xịt của chế độ ăn uống khốn khổ nhà tù. Thật là một cao lương mỹ vị! Đối với bất cứ ai mà bánh mì khô lại là một cao lương thì thật lạ lùng! Nhưng với tớ thì nó ngon lành cho đến từng cuối bữa, tớ đã ăn một cách kỹ lưỡng những vụn bánh có thể còn lại trên cái đĩa bằng kim loại hay rơi rớt trên tấm khăn bằng vải thô dùng trải bàn. Và không phải vì đói mà tớ làm thế - thức ăn đến bây giờ đã là quá đủ - mà tớ muốn gìn giữ những gì được nhận đừng mất đi. Ta phải xem tình yêu cũng như thế.

     Như tất cả mọi nhân vật quyến rũ, không những Christ có quyền lực nói ra những điều đẹp mà ngài còn làm cho người khác nói lên điều đó. Và tớ thích câu chuyện thánh Marc kể lại về người đàn bà Hy Lạp, muốn chứng minh lòng tin của mình, khi Christ nói rằng ngài không thể cho bà ta bánh mì của trẻ con Do Thái, bà ta trả lời rằng những con chó nhỏ ăn những vụn bánh mì của trẻ con làm rớt. Phần đông loài người sống cho tình yêu và sự ngưỡng mộ. Nhưng chính vì tình yêu và sự ngưỡng mộ mà ta phải sống. Nếu người ta chứng giám cho tình yêu, ta sẽ phải nhìn nhận rằng ta tuyệt đối không xứng đáng. Không ai xứng đáng được yêu thương. Sự thể Thượng Đế thương con người chỉ cho ta thấy rằng, trong thứ tự thiêng liêng của những điều lý tưởng, được viết rằng một tình yêu vĩnh cửu sẽ được trao cho kẻ bất xứng một cách vĩnh cửu. Và nếu câu này có vẻ quá tàn nhẫn, cứ cho rằng tất cả mọi người sinh ra trên đời này đều xứng đáng có tình yêu, trừ loại người tưởng mình như thế. Tình yêu là một điều thiêng liêng mà ta sẽ phải quỳ gối và câu « Domine, non sum dignus », sẽ phải có trên môi và trong tim kẻ được nhận nó. Tớ mong mỏi đôi khi cậu nghĩ đến điều này. Cậu rất cần phải như thế!

 

     Nếu có khi nào tớ viết lại - nếu tớ được quyền, tớ muốn nói, tạo ra một tác phẩm nghệ thuật -, chỉ có hai chủ đề về đó và bởi đó tớ mong muốn diễn tả : thứ nhất là « Christ người tiên phong trong hoạt động thơ mộng cuộc đời » và thứ hai « Đời sống nghệ sĩ được đánh giá qua những liên hệ của họ bằng thái độ ». Tác phẩm thứ nhất, đương nhiên, cực kỳ hấp dẫn, bởi tớ thấy trong Christ không những mọi yếu tố chủ yếu của loại thơ mộng cực điểm, mà còn tất cả những biến cố, với sự ngang tàng của tính lãng mạn. Ngài là người đầu tiên đã nói với loài người « sống như những loài hoa ». Ngài đã thừa nhận câu nói này. Ngài đã lấy trẻ con làm mẫu cho người lớn những gì mà họ dự định cho bản thân họ. Ngài đã luôn đưa gương cho những đứa lớn nhất, điều luôn đối với tớ dường như là lợi ích chính cho trẻ con, nếu ngần ấy là hoàn hảo để có thể là một lợi ích. Dante miêu tả tâm hồn con người như được đến từ bàn tay Thượng Đế, « khóc và cười như một đứa bé », và Christ, ngài cũng thế, nhìn thấy tâm hồn mỗi chúng ta phải là « a guisa di fanciulla che piangendo e ridendo pargoleggia ». Ngài cảm thấy đời sống đầy cảm hứng, luôn biến đổi, linh động và để nó sao lập lại một cách máy móc dưới một vài hình thức sẽ là sự chết. Ngài đã thấy rằng loài người phải đừng xem trọng quá về quyền lợi vật chất thường ngày, rằng đừng có tinh thần thực tế sẽ là điều đáng kể, và đừng ưu tư quá về mọi chuyện trên thế gian này. Những con chim có bận tâm thế đâu? Tại sao ta lại phải như thế?

    Thật cao quý khi ngài nói : « Đừng lo nghĩ đến ngày mai. Linh hồn không hơn thể xác, thể xác không hơn quần áo hay sao? » Một người Hy Lạp có thể nói câu này, nó chứa đầy tình cảm Hy Lạp. Nhưng chỉ có Christ mới có thể nói cả hai và đi đến kết luận cho chúng ta về cuộc đời một cách hoàn thiện.

     Đạo đức của ngài đầy thiện cảm, hoàn toàn đúng như cái mà đạo đức phải có. Nếu ngài chưa hề nói những chữ này : « Những tội ác đã được tha thứ bởi đạo đức vì đạo đức đã thương quá nhiều », đáng lý ngài xứng được chết đi vì đã thốt ra câu đó. Công lý của ngài đầy chất thơ, hoàn toàn đúng như công lý phải có. Người hành khất đi chầu trời chỉ vì anh ta đã từng khốn khổ. Ta chỉ có thể nhận định lý do tốt nhất để gửi anh ta đi. Những người đã làm việc một tiếng đồng hồ ở vườn nho trong cái mát mẻ của buổi chiều tối sẽ lãnh lương như những người bị trừng phạt suốt một ngày dưới mặt trời gay gắt. Và tại sao không? Có thể là không ai xứng đáng gì cả. Hoặc chỉ vì đấy là những sinh vật mà bản chất khác nhau. Christ không khoan dung với những nguyên tắc u tối cứng ngắt đối xử một cách độc đoán con người như những đồ vật, theo cách rập khuôn. Với ngài, những nguyên tắc không hề hiện hữu, chỉ có những ngoại lệ một cách đơn giản.

     Trong nghệ thuật lãng mạn, với ngài, điểm chế ngự là căn bản của đời sống tự nhiên. Ngài không thấy gì khác. Khi người ta mang đến trước mặt ngài một người đàn bà phạm tội bị bắt quả tang, người ta chỉ ra điều phán quyết trong luật và hỏi ngài điều phải làm, ngài vẽ điều gì đó trên cát như thể ngài không nghe thấy; người ta bèn thúc giục người trả lời, ngài ngước mắt lên và nói : « Ai đã chưa từng phạm tội thì hãy ném hòn đá đầu tiên vào bà ta! » Ngài đã phải sống để có thể  nói điều này.

     Như tất cả mọi bản chất thơ mộng, ngài thương những người thất học. Ngài biết rằng, trong tâm hồn một người thất học, luôn có chỗ cho một tư tưởng lớn. Nhưng ngài không chịu đựng được những kẻ ngu ngốc, nhất là những kẻ mà chính học thức đã làm cho ngu ngốc, những kẻ nhiều ý kiến mà không hiểu được một ý nào dù là nhỏ : loại người đặc biệt tân tiến mà Christ kết luận như kẻ sở hữu chìa khoá của sự hiểu biết, chỉ xử dụng cho bản thân mình và không cho phép những người khác được dùng, dù cho nó có thể mở được những cánh cửa vương quốc của Thượng đế. Ngài nhắm vào nhất là những kẻ vô văn hoá. Đó là trận chiến mọi đứa con của ánh sáng phải tham dự. Sự  vô văn hoá là dấu hiệu của thời đại và cộng đồng thời điểm Christ còn sống. Với sự nặng nề của tư tưởng họ có, tính cách thiếu sinh khí, tính chính thống giáo tẻ nhạt, thành công trong văn hoá một cách rẻ tiền, sự quan tâm tuyệt đối về đời sống vật chất và những ý tưởng lố bịch cùng tầm quan trọng của nó ; những người đạo Do Thái ở Jérusalem, thời gian đó, giống hệt như sự vô văn hoá nước Anh thời đại này đây. Christ chế nhạo « những mộ phần được gột rửa » của những trách nhiệm và ngài khẳng định lời nói đó. Ngài cho sự thành công về vật chất là một điều hoàn toàn đáng khinh. Ngài không thấy ở đó chút gì là hay ho cả. Ngài xem sự giàu có là vướng bận đối với con người. Ngài không muốn nghe nói đến sự hy sinh của một đời sống cho một tư tưởng thời thượng hay đạo đức nào đó. Ngài tuyên bố rằng những quy ước và lễ lạc được làm cho con người chứ không phải con người cần sống cho những lễ lạc và quy ước. Ngài quan sát về ngày nghỉ cuối tuần của người Do Thái và cho là không cần thiết. Việc từ thiện gượng ép, sự hảo tâm phổ biến một cách phô trương, hình thức phiền toái quý giá với những đầu óc tầm thường, ngài kết tội mọi thứ đó với một sự khinh rẻ vô cùng. Đối với chúng ta, cái gọi là chính thống giáo chỉ là một sự thỏa thuận dễ dàng và ít thông minh, nhưng đối với họ, đó là một cách áp dụng sự chuyên chế bạo tàn khủng khiếp và bại liệt. Christ vứt bỏ nó. Ngài chỉ định rằng chỉ có tinh thần là giá trị. Ngài thú vị làm cho họ thấy được dù họ lúc nào cũng đang đọc về Luật và Sấm Truyền, họ chẳng thể có nổi tư tưởng nhỏ nào là những điều đó muốn nói gì. Trong sự phản kháng lại những phiền phức của cuộc sống từng ngày bởi những thông lệ nhàm chán của từng nguyên tắc, như chất bạc hà trộn với hoa nhài, ngài khuyên ta hiểu một tầm quan trọng lớn để sống  hoàn toàn cho phút giây hiện tại.

 

      Những người được ngài cứu khỏi tội lỗi được sống những thời gian đẹp của đời họ. Mary Magdalene, khi gặp gỡ Christ, đã đập vỡ chiếc bình pha lê trắng mà một trong bảy tình nhân của bà đã tặng và làm đổ tràn hương thơm lên những bàn chân của Christ mệt mỏi bám những bụi đường. Và từ giây phút này bà sẽ ở mãi mãi với Ruth và Beatrice giữa những vòng hoa hồng màu trắng của thiên đường. Tất cả những gì Christ nói với chúng ta dưới hình thức cảnh cáo kín đáo là mỗi giây lát của đời sống phải đẹp, rằng tâm hồn phải luôn sẵn sàng cho bước đến của tình yêu, luôn chú tâm nghe tiếng nói của người tình, sự vô văn hoá chỉ là mặt đơn giản của bản chất con người không được thắp sáng bằng sự tưởng tượng. Ngài thấy mọi ảnh hưởng của vẻ đẹp trên đời sống như những nguồn ánh sáng; sự tưởng tượng tự nó là thế giới của ánh sáng. Thế giới được làm bởi nó và tuy vậy, nhân loại không thể hiểu được nó, và điều đó chỉ vì, một cách đơn giản, trí tưởng tượng chính là sự khơi dậy của tình yêu. Tình yêu và khả năng yêu phân biệt một con người với một con người khác.

     Nhưng trong cách cư xử của ngài với kẻ có tội, Christ tỏ ra thơ mộng nhất, theo nghĩa thật sự của từ ngữ. Nhân loại vẫn luôn yêu vị thánh như người gần nhất của sự hoàn hảo của Thượng đế. Christ tài hoa của bản năng thánh thần, như lúc nào cũng thương kẻ có tội như người gần nhất của sự hoàn hảo con người. Sự mong muốn tối cần thiết của ngài không phải là thay đổi con người, không hơn là xoa dịu niềm đau khổ. Biến đổi một tên trộm láu lỉnh thành một kẻ đần độn không phải là mục đích của ngài. Ngài đã không làm lớn chuyện về Liên Hội Trợ Giúp Tù Nhân và những hoạt động mới khác kiểu này. Sự biến đổi một người đảng Cộng hòa thành một người đạo Do thái đối với ngài không là một thành công lớn. Nhưng bằng một cách mà nhân loại còn chưa hiểu nổi, ngài nhìn tội phạm và đau khổ như những gì vốn có tự con người cùng những điều đẹp và thánh thiện và những điều kiện của sự hoàn thiện.

    Chính đó, dường như, là một tư tưởng nguy hiểm : nó nguy hiểm. Đúng như thế. Tất cả mọi tư tưởng lớn đều nguy hiểm. Sự tin tưởng vào Christ phải không là một ngờ vực nào. Đó phải là  niềm tin thật sự. Tớ không thể nghi ngờ chính mình được.

    Chắc chắn, kẻ phạm tội phải hối lỗi. Nhưng tại sao?

    Rất đơn giản bởi vì nếu hắn ta cảm nhận khác đi, hắn sẽ không thấy được điều đã làm là gì. Giây phút ăn năn là giây phút của sự khai tâm. Thêm vào đó, là điều kiện để ta thay đổi quá khứ. Người Hy Lạp cho rằng đây là chuyện không thể được. Họ nói thường xuyên trong những  châm ngôn đạo đức : « Trời cũng không thay đổi được quá khứ .»

     Christ khẳng định rằng một kẻ phạm tội tầm thường nhất có thể thay đổi được quá khứ, rằng đó là điều duy nhất hắn có thể làm được. Nếu người ta đòi hỏi hắn ta làm, Christ đã nói thế. Tớ thì quả quyết một cách tuyệt đối về điều đó. Đối với nhiều người, đấy là một tư tưởng khó hiểu. Tớ dám nói là phải đi vào tù mới hiểu được. Trong trường hợp này, có lẽ vào tù kể ra cũng nên lắm!  

     Ở Christ, có một điều gì độc nhất! Đương nhiên, như mọi điều, có một rạng đông giả tạo trước bình minh thật sự và những ngày mùa đông đột nhiên ngợp nắng đến có thể lừa được cây nghệ và làm cho nó kỳ diệu hoá màu vàng trước thời điểm, hoặc làm cho con chim ngớ ngẩn nào lên tiếng gọi bạn để xây tổ ấm trên những cành cây trụi lá, nghĩa là có những người cơ đốc giáo trước Christ. Chúng ta  cần phải tỏ ra biết ơn họ. Khổ  nỗi là sau đó chẳng còn ai nữa. Tớ cho rằng thánh Françis of Assisi là một ngoại lệ. Nhưng Thượng đế đã cho ngài sinh ra  với một tâm hồn thi sĩ, và chính ngài, khi còn rất trẻ, đã có một hôn lễ huyền bí, đó là sự kết hôn với nghèo khổ. Và với một tâm hồn thi sĩ trong thân xác kẻ hành khất, ngài đã tìm thấy dễ dàng con đường hoàn thiện. Ngài hiểu Christ và trở nên như Christ. Chúng ta không cần « Liber Conformitatum » để hiểu Imitatio Christi thật sự, bài thơ so sánh với quyển sách như thể tựa đề chỉ là thơ văn xuôi.

     Thật ra, tất cả những điều đó nói rằng, sự quyến rũ của Christ ngự trị ở nơi nào như một tác phẩm nghệ thuật. Ngài thật ra chẳng dạy chúng ta điều gì cả, nhưng bởi những gì từ sự hiện diện của ngài mang đến,  chúng ta trở thành một điều gì đó. Và mỗi người trong chúng ta được có duyên tiền định với sự hiện diện của ngài. Ít ra một lần trong đời, mọi con người đều đi trên một đoạn đường với Christ về Emmaus.

     Về chủ đề « Đời sống nghệ sĩ hướng dẫn một con người. » Sự lựa chọn của tớ hẳn sẽ làm cậu ngạc nhiên. Người ta chỉ thẳng tay vào nhà tù Reading này và nói : « Đấy đời sống nghệ sĩ đã đưa ta đến đâu. » À nó có thể dẫn dắt ta đến những nơi tệ hơn thế nữa cơ. Những con người đầu óc thực tế, mà cái đời là một thứ đầu cơ tích trữ, biết thận trọng thiết lập trên một sự tính toán tỉ mỉ con đường để đi theo, luôn biết họ sẽ đi về đâu và đạt đến mục đích cuối cùng. Thấm nhuần niềm khát khao lý tưởng để trở thành kẻ phụ giữ nhà thờ, và trong một vài phạm vi mà họ tìm thấy nhau, họ tụ tập lại để trở thành kẻ canh giữ nhà thờ và không thể là gì khác hơn. Một thằng không mong được là gì hơn ngoài chính bản thân nó, hoặc một ngài đại biểu Quốc hội, một gã lái buôn, một bác luật sư danh tiếng, hay một cụ chánh án, hay một cái của nợ gì đó thật nhàm chán, đều sẽ đến đích cuộc đời một cách không thể khác được. Đấy chính là cái hồng phúc của họ. Những thằng nào muốn có một cái mặt nạ thì phải chịu khó đeo  nó vào mặt chứ sao!

    Nhưng về  những sức lực năng động của đời sống và những người mà ở họ những sức lực này nhập thể, là điều rất khó. Những ai có ước vọng duy nhất là tự thực hiện sẽ không bao giờ biết được nơi nào đi đến. Họ không thể biết được. Bằng một ý nghĩa nào đó của từ ngữ, đương nhiên là cần thiết, như lời sấm truyền của Hy Lạp, rằng tự biết lấy mình, đó là sự hoàn chỉnh đầu tiên của hiểu biết. Nhưng nhận biết tâm hồn của con người, một điều không thể biết được là sự hoàn chỉnh tối thượng của khôn ngoan. Bí mật cuối cùng là chính ta. Khi ta đã cân được mặt trời trên cái bàn cân, ước lượng được tuần trăng, vẽ được bản đồ của bảy tầng trời từng ánh sao, còn lại là bản thân ta. Ai là người tính được quỹ đạo của tâm hồn? Khi Saul lên đường để đi tìm những con trừu nhỏ của cha mình, ông không biết được rằng một người của Thượng  Đế chờ đợi mình với nước thánh và hồn ông đã là hồn của một vị vua.

    Tớ hy vọng còn sống được khá lâu để còn có thể sản xuất được một tác phẩm có tính chất mà tớ có thể nói vào lúc hấp hối : « Vâng! Đúng đấy là nơi mà đời sống nghệ sĩ đã dẫn dắt con người đến ». Hai cuộc đời hoàn hảo mà tớ gặp trong kinh nghiệm của chính mình là cuộc đời của Verlaine và hoàng tử Kropotkine. Cả hai đều đã trải qua những năm dài tù ngục. Người đầu tiên là thi sĩ công giáo duy nhất từ thời Dante, người thứ hai có tâm hồn của Christ giống da trắng, dường như đến từ nước Nga. Và từ bảy tám tháng nay, ngoài một loạt những khổ não lớn lao đã làm tớ ngưng nhận thấy mọi điều gần như liên tục diễn ra từ đời sống bên ngoài, tớ đã bắt đầu liên hệ thẳng với một tinh thần mới, người đã đến nhà tù này của con người và những điều khác, đã giúp đỡ tớ nhiều đến không kể hết được. Thế mà năm đầu tiên trong này, tớ đã chẳng làm nên tích sự gì - ít ra nếu tớ còn nhớ - tớ đã chỉ xoắn những ngón tay mình vào nhau thành một nỗi tuyệt vọng bất lực và kêu thầm : « Hết rồi! Một kết thúc thật ghê rợn! », giờ đây tớ thử nhủ thầm, đôi khi, lúc tớ không đang dằn vặt mình : « Một khởi đầu! Một khởi đầu tuyệt diệu biết bao! ». Và chỉ có thể thật sự như thế. Có thể trở thành như thế. Trong trường hợp này, tớ mang ơn nhiều lắm con người mới này đã biến đổi cuộc đời từng kẻ sống nơi đây.

   ( * Tác giả muốn nói đến vị sĩ quan  Nelson đã lấy quyền làm giám đốc trại giam Reading từ tháng bảy, năm 1896 và góp phần nhiều trong việc giảm tội cho ông, giao cho ông đặc biệt việc quản thủ thư viện và cung cấp thêm giấy để viết quyển De Profundis mà đáng lẽ ông bị cấm viết. )

   (  Còn tiếp )

     

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 380
Ngày đăng: 28.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
NĂM 1924 Wladyslav Reymont (Balan, 1867 – 1925) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 11) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 10) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 9) - Đỗ Nguyễn
William Butler Yeats - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 8) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 7) - Đỗ Nguyễn
1922 Jacinto Benavente (Tây Ban Nha, 1866 – 1954) - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 6) - Đỗ Nguyễn
Tác phẩm "Suối Nguồn Tâm Thức" Một Đời Thơ của nhà thơ Thái Tú Hạp - Trần Yên Hòa
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)