Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
665
116.696.816
 
Bóng đời xa lạ (Phần 2)
Đỗ Nguyễn

 

 

      Mạc 5 tháng tuổi. Mẹ và anh. Ban Mê Thuột, tháng 9 năm 1959.

 

 

    Khung cửa hồn mở rộng, người đàn bà mỏi mê với nhìn theo những kỷ niệm ngút ngàn như từng hàng cây lá xum xuê được dựng lên tiếp nối theo nhau mãi hoài trên cung đường dĩ vãng về tận chân trời. Vọng lại những thanh âm mơ hồ xôn xao ngàn gió cùng tiếng hót hồn nhiên chim chóc mùa tình ngây ngất xa xăm đã không bao giờ im hẳn trong vùng mịt mờ vô thức. Những hình ảnh chồng chất bồng bềnh tràn lan trùng điệp … Ẩn giấu trong sâu thẳm bình yên đó là một tình yêu đau đớn mênh mông mà bước chân người ra đi đã lôi thốc theo cả đời sống, tim óc ruột gan cùng mọi khát vọng cũng như tháng ngày dịu êm đã nâng niu gìn giữ.

  

   Thật ra, với một sinh mệnh đầy tội lỗi như của Mạc, tội lỗi vì đã nhận được quá nhiều cho tồn tại bản thân, sống sót từ sự hy sinh của người khác và nhận lấy mối tận tình của bao người có tâm trong mùa lửa đạn, đã được cứu rỗi bởi chính sách nhân đạo trong thời vượt biển, đã đầy tràn hạnh phúc từ người tình tri kỷ, đã vay mượn hiện hữu hai đứa con để tồn tại. Có được đời sống mà Thượng Đế cho không. Bằng cách nào cũng là đời sống của riêng ta nhưng làm sao để không khắc khoải khi câu trả lời mãi chỉ là câu hỏi trong hơi thở dài chấp nhận, vẫn không xoa dịu được một phần những đớn đau : Biết sao được khi đó là số phận? 

   Đáng lẽ điều đơn giản và thích hợp nhất với Mạc là không có gì cả. Không hình hài không vóc dáng, không có gì trong tay trong đời hay trong trí nhớ, không thời gian không nơi chốn không điểm tựa, không tên tuổi không gì khác ngoài hư vô. Như đã là bụi khói tro tàn trước khi cái chết tìm đến. Mạc chỉ thấy linh hồn mình có lúc khát khao tìm kiếm để nhập vào một trong những xác thân nào khác không thuộc về mình.

   Đi qua đời sống là sa mạc ngàn năm. Bằng bước chân dọ dẫm, họ đi, áo cà sa lấm lem vàng màu cát bụi xóa nhòa hiện hữu, trong câm lặng, những vị tu hành khất đó. Hai bàn chân gầy nứt nẻ không giày dép lần theo dọc đường dài sỏi đá, hai tay bưng một quả tròn đựng gạo, họ đi rất chậm, không màng thời gian, mắt nhắm hờ, miệng lẩm nhẩm lời kinh. Họ từ đâu đến? Họ đi về đâu? Ta không biết. Nhưng những người chân tu khổ hạnh dấn thân đã được cứu rỗi ngay trong từng bước đi cùng tháng năm ròng rã an yên.

   Nơi xa nào đó, có một khu giống như bệnh viện cũng là nơi chốn cư ngụ của người bệnh cùi. Những người tu hành nữ điều dưỡng đó là ai mà phó thác đời mình, bỏ quên thương tích nỗi niềm riêng tư, vùi thân âm thầm trong sứ mệnh, cúi xuống lau rửa từng nỗi đau của người bệnh cùng khổ lạc loài? Nơi đó có Tình Yêu. Tình Yêu tạo dựng từ trái tim cho đi mà không cần nhận lại. Tình Yêu hoàn toàn thật của những con người yêu thương tha nhân hơn chính thân mình.

   Trong đời Mạc vô cùng bất hạnh, Mạc với tâm hồn bệnh hoạn cùi hủi, đã có một người, ngày nào tìm đến, cúi xuống hôn vào những vết thương đời lở loét đớn đau. Mắt Xanh!

   Và những phận người, như ta, phàm tục tầm thường, còn hoài lê bước lầm lỡ trên đường dài vô định, vẫn mù lòa cưu mang mệnh đời mê muội chừng như vô nghĩa.

  

   Thực tại sau này, Mạc vẫn loay hoay trong cô đơn với thân phận nhỏ nhoi của mình và nỗi sống chết không rời. Điều bí ẩn lung linh từ lúc ra đời cho đến lúc chết còn mãi xa xăm diệu vợi trong cuộc nhân sinh này. Với cảm nhận đó, những hoang mang ngờ vực dấy lên từ vô thức, Mạc ôm khát vọng đi tìm cho cái chết của mình có một ý nghĩa đẹp hơn kiếp đời đã sống. Và điều này như có câu trả lời thấp thoáng đâu đó từ một hiện thể mơ hồ, như khung cầu vồng kỳ diệu hiện lên phía cuối trời biền biệt với những màu sắc mông lung mắt thường không thể xác định. Cảm thức đó làm dịu êm những hỗn loạn nội tâm những lúc đơn độc chơ vơ trong tháng ngày vàng úa …

  

    Với thời gian, lớn lên trong sự khẳng định căn tính của hiện hữu chúng, hai đứa con càng lớn càng xa rồi sống riêng nhưng cũng gần lại người mẹ trong chiều kích khác về tinh thần. Cùng lúc, phần vô thức đến thời hạn khua động tiếng chuông âm vọng dĩ vãng ngân lên, đưa Mạc về cõi chiêm bao ảo mờ sương khói, vào lúc không còn mong đợi đổi thay nào cho kiếp người trầm uất nín câm, khi cơn đau dài đã làm liệt tê mọi cảm giác, tháng năm xưa nồng dịu bỗng tìm về trải ra nhẹ nhàng trên trang giấy trắng của đời lặng im.

    Đã bao lần Mạc muốn với bắt một làn khói ảo mờ chao bay trước mắt, nhưng rồi nó biến đi, tan bay vào hư vô, Mạc ở lại với những cơn sóng động khủng hoảng bên bờ hồn đau, hoang mang chìm đắm vào miền cô đơn trầm cảm, buông mặc cho mình trôi đi, phó thác linh hồn đi tìm ý nghĩa cho cái chết trong tình yêu thánh thiện vĩnh cửu, vừa là nỗi thống khổ đày đọa vừa là ánh sáng cứu rỗi, dẫn dắt Mạc vào khởi điểm cho một hành trình cô đơn về nơi ẩn trú, gạn lọc chắt chiu tạo dựng lại tâm hồn, thể xác con người đàn bà của tình yêu để ru đời còn lại bằng nhạc điệu biển trời rung cảm.

 

    Đời trong Bóng Tối. Một cánh cửa đóng lại. Hồn chia cách trăm năm. Hai thế giới khác biệt. Đã từ lâu. Từ hôm nay là một khởi điểm khác cho một cuối cùng.

   Người đàn bà lắng nghe. Tiếng chân người đàn ông về, và cách di chuyển, có lúc nhẹ như chiếc bóng, có lúc bước chân thật sự nặng nề mỏi mệt. Rồi là tiếng ho khan, thở ra bực dọc, khó chịu, lại mở cửa đóng cửa, tiếng va đập, nước chảy mạnh trong phòng tắm …

   Ngoài cửa sổ, mùa ly biệt dừng lại ngập ngừng trong lời chim ríu rít hồn nhiên, nhạc điệu thoảng bay hạnh phúc gọi mời; loại âm thanh cao quý của không gian màu xanh đó vẫn có từng ngày mà như chìm tắt trong ta đã bao năm dài, không như mọi tiếng khua động tầm thường nơi cõi sống này, làm tổn thương và đau đớn cuộc đời tâm linh.

   Những ngày sắp đến bầu trời sẽ nhiều mây xám. Mạc vẫn lắng nghe, bây giờ là vọng động trong lòng, một dạng thức ray rứt, buồn rầu hòa lẫn với nỗi nhẹ nhõm được trút bỏ, thoát bay …

   Người đàn ông đã đi ra khỏi phòng, sắp đi ra khỏi nhà, sẽ đi ra khỏi đời. Anh rất buồn. Hình như, mấy hôm nay, có lúc, trong phòng một mình, anh khóc. Lặng lẽ. Tuyệt vọng.

   Anh khóc cho thân mình, hụt hẫng, lo âu phải đương đầu với tháng ngày còn lại, cô độc với nỗi hoang mang.

   Trong phòng riêng, người đàn bà im lìm với khói thuốc, tâm trạng bình tĩnh nhưng tự biết vô cùng mỏi mệt sau mọi nỗ lực vượt khỏi sức mình … Khói thuốc lười biếng, gắng gượng vươn lên, ngậm ngùi trầm mặc, ngưng đọng trong không gian thanh vắng. Một điều gì bỗng dừng lại, âm thầm. Chết đi vĩnh viễn.

   Những gì phải đến đã đến và đã xong nhưng Mạc biết bên cạnh một điều chết đi vĩnh viễn vẫn có một chút gì không bao giờ là tận cùng. Một Chút Gì Đó mà người ta luôn vẫn cần có thêm thời gian để xác nhận. Về người đàn ông đã đưa ta vào cuộc sống vô vọng cũng như đã ném ta vào cuộc chết vô nghĩa. Bóng Tối!

   Khi giờ cuối cùng thật sự đến, hồi chuông thênh thang gióng lên vang động, ta có thể tự nhủ rằng đã được sống mọi cảnh ngộ cũng như mọi trạng thái tâm hồn và hoàn tất mệnh đời theo thiên ý. Nếu sự hòa điệu của hai tâm hồn là điều quý giá nhất để người ta có thể cùng nhau gánh vác kiếp đời, đi qua mọi cửa ải tội tình mà tồn tại trong tuổi hoàng hôn với lòng thanh thản và tình thương mến thì họ đã trượt ra ngoài phạm vi hạnh phúc từ quá lâu. Ngay từ đầu, hạnh phúc chỉ như bóng mờ, là ảo là không, là cụm từ không hiện hữu trong quyển tự điển cuộc hôn nhân này. Hai kẻ đồng hành trên hai đường thẳng song song càng dửng dưng xa lạ nhưng không thể bỏ cuộc vì phải đi đến trạm cuối cùng để định mệnh thỏa mãn đạt được mục đích.

    Sự thật chỉ có thể là chính nó, ta không thể bẻ cong nó theo ý tưởng. Đã đến lúc hoặc liều mình vong thân để chấp nhận tính phũ phàng, không bây giờ sẽ chẳng bao giờ; hoặc sống mòn chết câm trong tiếp tục giả dối phần đời mong manh còn lại.

 

   Từ hôm nhận được giấy hầu tòa, Mạc thấy trong ánh mắt lờ mờ buồn bã của anh còn rớt rơi vấn vương Chút Gì Đó, dường như vài giọt buồn ngưng đọng từ những lần xa xôi gặp gỡ … Một nơi chốn nào, một thời gian đã xa, những âm thanh và hình ảnh …

    Mạc nhìn anh. Nhìn mảng đầu hói. Ngày nào mái tóc dày tốt đó, đã từ lâu rụng dần để giờ đây … Nhưng mình cũng đã tạ tàn, có khác chi anh? Ngày nào làn tóc mây bay khói tím hoàng hôn mùa tình Đà Lạt. Ngày nào mắt nai ngơ ngác mộng đời thênh thang đường phố Sài Gòn, giây phút nồng say nhạc êm ru đời trong từng góc quán  …

   Tóc đâu mắt đâu tình đâu nữa từ bao giờ cho đến bây giờ? Xa quá rồi phải không anh? Ngày tháng đó! Một thời sau cuộc chiến, giữa những chao đảo long đong, chúng ta còn tuổi trẻ và đầy hy vọng, hồn nhiên bên nhau tính chuyện đời sau. Và bé của anh đã nhìn thấy trong anh là tương lai, là đời sống. Để rồi … Ngày tháng đó. Và Mạc bần thần nhớ … Rồi như cuộn phim đời trải ra trước mắt, từng âm thanh hình ảnh linh động dần trở về trong trí tưởng lần đầu gặp nhau, mùa hạ năm 1977, tại Đà Lạt, nơi quê hương chốn sinh trưởng của Mạc bỗng thoáng qua trí não rồi rõ dần … Buổi hẹn thứ nhất, Mạc được hơn mười tám tuổi, vừa thi đậu phổ thông, vui mừng và hy vọng sẽ được học ở Cao Đẳng Sư Phạm. Thời buổi này, được ông nhà nước nuôi cơm là một hồng phúc, bớt một miệng ăn cho gia đình, rồi sẽ là cô giáo sau này cũng tạm nuôi được thân.

   Trong chiếc manteau màu rêu và chemise vichy màu xanh nhạt trên quần tây tím rịm, tóc dài quá vai thơm mùi cỏ dại (Mạc luôn cắt hái những cọng cỏ xanh tươi trong vườn, nấu lên với nước, để nguội và gội đầu, thêm vài giọt chanh cho tóc mướt), mặt thì được rửa bằng nước vo gạo cho mịn da, chưa biết trang điểm dù có một chút phấn son của mẹ đã dùng còn lại từ xưa; tay ôm mấy quyển sách, chân bước rụt rè đến nơi hẹn.

   Hôm qua, vào một buổi tối không trăng sao nhưng không mưa bão, từ Sài Gòn, trong chuyến xe đò đã chạy cà rịch cà tang suốt một ngày, anh đã mò lên tận nhà Mạc, ở số 24 A, dốc đường Bùi thị Xuân, trước kia là Võ Tánh. Anh đã gõ cửa, được mẹ mời vào và lịch sự ân cần tiếp chuyện, anh tự giới thiệu là bạn của Mạc đã biết nhau qua thư từ vào năm 1974, ngày Mạc hơn mười lăm tuổi và anh vừa vào đại học, nghĩa là hơn mười tám.).

    Đối với mẹ, anh ăn nói lễ phép, bẩm vâng thưa dạ đàng hoàng và mẹ có vẻ hài lòng với một lô câu hỏi theo cách tra vấn tìm hiểu lý lịch người đàn ông trẻ, gọi Mạc pha trà bưng ra mời khách; sau buổi nói chuyện thăm hỏi về gia đình anh, cũng người gốc Bắc di cư, và được biết bố anh cũng làm trong ngành giáo dục, còn anh đã là học sinh trường Pétrus Ký, đồng thời là học trò của ông bác, anh của mẹ là thầy Nguyễn Bá Kim. Thú vị với những chi tiết này về anh, đã như từ lâu quen biết, mẹ cũng tạm yên tâm, chấp nhận cho Mạc được liên hệ.

    Bây giờ, 1977, Mạc có lớn hơn từ biến động kinh hoàng vào tháng tư 1975 của riêng bản thân và gia đình. Không còn Bố. Mạc vẫn chao đảo, chỉ vừa kịp nhận thức từng chút về mọi điều trong thực tại mà sự thật nào đã trải qua đã chìm lặng vào vô thức, chỉ thấp thoáng hiện về trong ác mộng.

   Ngồi trước một người lạ hiện đến quá đột ngột, Mạc ngượng ngùng, rồi lúc anh đặt một số câu hỏi, mới phân vân nhớ lại đã trả lời những thư anh viết, lúc này, không có nổi tư tưởng nào để xác định về mối liên hệ đã nhạt phai trong tâm trí, có lẽ gọi anh là bạn thì không khác gì những bạn qua thư tín đã mến mộ khi đọc thơ văn của Mạc trong những báo cho tuổi vừa lớn và đã viết thư làm quen. Có nghĩa là anh không hoàn toàn xa lạ. Là một chút gì sót lại từ khoảng thời gian Mạc còn được sung sướng trong tuổi đời một thoáng qua nhanh rồi ngập chìm trong nước mắt từ lúc bố mất, những ngày vùng trời đổ sập trong cuộc di tản xuống vùng duyên hải … Đương nhiên, Mạc không thể biết, vào lúc này, anh là người vừa là chủ nợ vừa là con nợ đến từ tiền kiếp.

 

    Cuộc hẹn đầu tiên. Anh ngồi đợi, ở bậc thềm thư viện thành phố, phía bên kia là tháp chuông nhà thờ; một khu phố kiến trúc tây dạo ấy còn yên tĩnh và sang trọng … Và anh hút thuốc, có vẻ bình tĩnh, nhìn vơ vẩn rồi quay ánh mắt lúc nghe tiếng chân của Mạc bước đến.

   Sau vài câu trao đổi thông thường, cả hai cùng đi xuống con đường dốc. Buổi trưa về chiều, khung cảnh im vắng, Mạc nghe rõ tiếng giày tây của anh gõ cồm cộp trên mặt đường. Vào thời điểm người ta phải mang dép râu; bằng tiền đi làm kiếm được, để dành, anh tự hào đã tự sắm cho mình được một đôi giày tốt, một đôi dép da để lúc đi chơi, diện vào cho thích hợp với mấy bộ đồ ông anh đi tu nghiệp ở Mỹ mang về từ trước 1975. Trông anh bảnh trai, miệng tươi mắt sáng, cao ráo, khá thanh lịch trong quần tây sẫm màu và áo len cổ lọ màu beige với những mảng da màu nâu khâu phía trước. Có lúc nào đó, gió thổi tóc bay, anh ra vẻ ngang tàng, bất cần đời, thích tự do, bụi bặm, giang hồ lãng tử và Mạc biết mình cũng thích type con trai như thế, khi chưa biết đặt tiêu chuẩn rõ rệt nào về một người sẽ cùng mình tạo dựng hạnh phúc lâu bền.

    Lần đầu tiên bước cạnh một người lạ khác phái, mất tự nhiên, xiết mấy quyển sách vào ngực, im lặng, Mạc đi lóc chóc bằng đôi bàn chân nhỏ xíu của mình, trong đôi sabot màu đen, gót cao đến bảy phân mà mẹ thưởng cho hôm có kết quả thi phổ thông. Bụng của Mạc chưa tiêu hóa bữa ăn trưa gồm có một bát cơm và cá nục kho, canh đậu hũ nấu cà chua, rau cải thảo xào. Đấy là phần ăn của những đứa lớn, những đứa bé thì được hưởng thêm một chút thịt rim hoặc trứng chiên. Đứa nào đau ốm mới được uống sữa (vài hộp sữa đặc có đường mẹ luôn cất kỹ để dành). Thế mà sau đó, từng ngày qua, những bữa như thế càng giảm chất lượng cũng như số lượng hơn nữa. Bột mì, khoai sắn, bo bo, rau củ … đều được những cái bao tử bèo nhèo hoan nghênh tiếp nhận.

  

 Ánh mắt của Mạc đăm đăm nhìn những ngón tay run của mình bấu vào mấy quyển sách, rồi lại vơ vẩn hướng lên những lá thông mảnh mai đong đưa hồn nhiên trong gió, hoặc về phía bên kia đường, nơi có cây Mimosa với tàng lá trắng bạc lóng lánh trong nắng … Rồi cả hai cũng đến tận phía cuối đường, bờ hồ yên tĩnh để vào ngồi cà phê Thanh Thủy do anh đề nghị, bấy giờ được quản lý bởi nhà nước.

    Cô nhân viên đặt trước mặt hai người hai tách cà phê đen không đen lắm cũng như không được nóng lắm. Cà phê loãng, vô vị, không khí nhạt, nước ngoài hồ cũng có vẻ lạnh tanh. Vài con ruồi ốm đói đảo qua đảo lại. Mạc ngần ngại không dám nói với anh là ở trên phố, có quán Anh Đào mình thường ngồi với bạn bè, đã không có ruồi mà lại có nhạc Pháp, hoặc phía Thủy Tạ cũng được hơn với nhạc cổ điển … Lúc ấy Mạc co ro cúm rúm dù trời nóng, hai tay bỏ trong túi áo, nhìn đăm đăm mấy quyển sách để trên bàn rồi ngơ ngác nhìn ruồi bay, lí nhí ấp úng trả lời nếu anh hỏi gì đó, không dám đuổi con ruồi vừa đậu xuống miệng tách, không biết đặt câu hỏi nào, xấu hổ thẹn thùng, bực dọc với sự vụng về nhút nhát của mình, cù lần lửa đến vô duyên, không biết nói chuyện. Anh thì cởi mở hoạt bát, nói cười luôn miệng, rồi bật lửa đốt thuốc, sau khi phà khói, đuổi ruồi, anh bắt đầu nói về mình và các dự định, tuyên bố sẽ chuồn biến nếu điều kiện cho phép, mục đích sống là phải vượt biên để có tương lai … Dù ra vẻ láu tôm láu cá nhưng chưa biết nghĩ quá nhiều đến tiền, dù lộ vẻ tự mãn từng trải nhưng tiếng nói giọng cười còn thoáng chút ngại ngùng, hoặc vì lúc này anh còn rỗng túi không tình nên chưa dám vây vo. Vâng, thời gian xưa, nơi chốn đó, làm sao Mạc ngu ngơ kia có nổi khái niệm rằng sự nông cạn hời hợt của anh được ngụy trang bởi vẻ khôn ngoan hoạt bát? Mạc khù khờ đến độ không phân biệt được anh nói thật hay nói xạo, không quan tâm đến đặt câu hỏi nào thêm về những gì nghe thấy.   

    Anh búng mẩu tàn thuốc xuống sàn, ra xa rồi nhìn Mạc, cười duyên và hỏi : bé nghĩ gì thế; giật mình, ấp úng dạ không, không gì cả … Mắt nhìn ra ngoài, theo dõi chiếc xe ngựa của một nhà vườn đang ì ạch chậm chạp đi ngang; chiếc xe ngựa này đang trên đường từ chợ về nhà; mỗi ngày đều băng qua con đường vắng nhà Mạc, rất sớm, từ rạng đông, trong giá lạnh; để chở rau ra chợ. Tiếng động lọc cọc làm Mạc thức giấc, nằm trong giường, lắng nghe như nhịp đời mòn mỏi. Mạc thường trở dậy đến bên cửa sổ nhìn ra vùng sương mù. Chú ngựa già cô đơn hao gầy đến tội nghiệp, cúi đầu, uể oải lê vó, trong một vẻ chịu đựng phận mình không lời ta thán, đã luôn khiến Mạc quặn lòng xót xa, cũng như tiếng rao hàng khan giọng của mấy đứa trẻ bơ vơ buổi tối mưa phùn gió lạnh, bán bánh mì nóng hoặc bắp nướng, đậu phụng rang trong lúc anh em Mạc được ở trong nhà, ấm áp, ngồi học, miệng ra rả đọc bài, tay đập muỗi liên tục.

   Những thanh âm gọi sống một cách đau mòn đó sẽ ngân vang suốt đời trong tâm tưởng như phản ảnh từng vọng niệm sâu kín về kiếp đời vô định của riêng Mạc.

   Anh cười phê bình nếp sống ở Đà Lạt sao mà chậm rì, từ người đến ngựa, mười giờ sáng hay ba giờ trưa, ai cũng như còn buồn ngủ là sao … Mạc ngượng nghịu không dám nói gì dù muốn lên tiếng bênh vực chú ngựa khốn khổ và người làm vườn nhọc nhằn lam lũ. Anh là người sinh trưởng ở Sài Gòn, trước kia thủ đô, hòn ngọc Viễn Đông cơ mà, cục cưng của Mỹ nhưng hiện tại lại là thành phố mang tên Bác! Chỉ cần anh dọa vài chiêu là Mạc sợ điên lên, nào là Sài Gòn hoa lệ vẫn còn lộng lẫy dù ở thời điểm này đang nhiều biến đổi nhưng dưới vẻ hào nhoáng đó là bao nguy hiểm không ai đoán biết, hễ mà Mạc có về đấy thì phải có anh đưa đón, tuyệt đối không được thò mặt ra ngoài một mình … vân vân và mây mây! Mạc xanh mặt, thỏ thẻ hứa sẽ nghe lời trong cảm giác với loại đàn ông dám thách đố đời sống này, đương đầu với mọi hiểm nguy, ta chẳng còn phải sợ hãi bất cứ điều gì.

   Sau đó, Mạc đánh bạo nói nhỏ rất thích nghe nhạc Pháp, anh à lên một tiếng trả lời anh có biết chỗ nọ chỗ kia ở Sài Gòn, từ quận ba đến quận một, nhạc Pháp rất hay, có quán sân vườn của tư nhân chỉ thuê con trai phục vụ. Mạc ngạc nhiên, yên lặng nghe anh, cao hứng tuôn ra, nói tiếp nhiều chuyện lạ ở Sài Gòn. Anh có vẻ thật rành rẽ lắm thứ, ngõ ngách nào, quán ăn gì ở đâu khu Bàn Cờ khu Chợ Lớn, Phú Nhuận, Thanh Đa, chỗ nào anh cũng biết. Rồi khoe có cả những người bạn lớn tuổi hơn anh, văn hóa tuyệt vời, anh lại còn quen cả đống dân Đà Lạt ngày trước 1975 xuống học ở đó.

   Mạc chớp mắt cảm động khi biết anh cũng là học trò của thầy Trần Châu Hồ ngày nào ở Pétrus Ký. Thầy Trần Châu Hồ, người thầy Anh Văn, là một nhà văn nhân ái trầm lặng mà Mạc yêu kính và ngưỡng mộ, là người đã có ảnh hưởng lớn cho nguồn tư tưởng văn chương của Mạc. Định mệnh là đây! Anh từng là học trò, anh xuất hiện và đang nói về người thầy đáng kính nhưng lúc Mạc hỏi về những tác phẩm văn chương của thầy, dù dã chỉ xuất bản rất ít, anh ngơ ngác trả lời rằng đâu biết là thầy có viết văn?

   Cuối cùng, anh hứa chừng nào Mạc về đó anh sẽ đưa đi nghe nhạc Pháp. Và anh đã giữ lời cũng như anh luôn đúng hẹn, và sẵn sàng đợi để đưa đón Mạc, không bao giờ để Mạc đi đâu một mình.

 

(Còn tiếp)

 

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 288
Ngày đăng: 25.05.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng đời xa lạ (Phần 1) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần cuối) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 8) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 7) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 6) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 5) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 3) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 2) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 1) (Tiếp theo Nhịp Tim Vĩnh Cửu) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)