Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
789
116.692.471
 
Chân mây xa vời
Đỗ Nguyễn

                   

              Đà Lạt  -  Đầu xuân 1971.

   

          Cơn mưa nặng hạt đổ xuống bất chợt lúc Lệ tất tả trên lối về nhà, nàng đã quên mang dù nên tóc và quần áo bắt đầu thấm nước … Khúc đường Lệ đang đi qua là một khu nhà ở được xây thấp hơn mặt đường, mỗi căn nhà đều có vườn phía trước và cổng đóng kín nên nàng không hy vọng tìm được chỗ trú. Dù sao mình cũng không thể về trễ hơn, mặc kệ cho ướt luôn, may mà trời không lạnh lắm, miễn mình không ốm là được, lạ thật, đáng lẽ mùa này làm gì có mưa nhỉ. Lệ lẩm bẩm cùng lúc vội cúi xuống kéo cái túi nylon để che kỹ những thức ăn trong giỏ nặng mà nàng đã vội mua. Nàng đã mơ màng đến phong chocolat, những trái táo ngọt và chùm nho chín mọng cho con nhưng không thể đủ tiền, lúc đi ngang qua hàng bán đồ Tây ở chợ, cô bán hàng nhìn nàng từ đầu đến chân như để đánh giá túi tiền của nàng rồi mới cất tiếng chào mời, dù Lệ thỉnh thoảng ghé đến, nàng lưỡng lự rồi hỏi mua một gói bánh Lu ; cô ta hỏi có cần thêm gì không nhưng nàng lắc đầu mỉm cười cám ơn rồi vội đi thẳng đến hàng giò chả An Lộc trong góc chợ, nàng có cảm giác cô bán hàng không rời mắt nhìn theo … Áo quần của nàng dù đã cũ nhưng bằng hàng đắt tiền chất lượng tốt và kiểu sang, hiện đại, từ ngày nàng còn ở Sài Gòn, vẫn lôi kéo được cái nhìn của phụ nữ ở đây … Nàng thầm biết điều đó và cố gìn giữ số y phục cũ để mặc thêm một thời gian nữa vì hiện giờ, nàng không có nhiều tiền và phải lo gia đình nên cũng chẳng màng đến việc mua sắm chút gì cho mình vì đời sống trở thành đắt đỏ quá dạo này, những loại thức ăn xa xỉ mà nàng luôn muốn mua cho con lại tăng hơn nhiều. Mỗi năm, trước Tết, mọi thứ được đà cứ tăng thêm rồi qua Tết, giá không hề giảm … Nàng đành tính toán cho đủ mua những thứ cần thiết nhất. Bác bán hàng giò chả An Lộc là người Bắc di cư, đã quen với Lệ thường ghé mua giò lụa và bánh dày, bánh ít; bác thật tử tế, luôn cắt khoanh giò nhỉnh hơn một tí số trọng lượng một lạng mà nàng hỏi … Thế là với số tiền mang theo, nàng có một hộp sữa đặc, phong bánh Lu, ba cái bánh ít nhân thịt, năm quả trứng gà, hai bìa đậu hũ, một lạng giò lụa, hai con cá nục, một khúc cá thu, một nải chuối, cái cải thảo và cà rốt, khoai tây mỗi thứ một ít … tạm đủ cho hai mẹ con cho hơn hai ngày. Lệ mỉm cười, vui trong lòng dù lúc này toàn thân và mái tóc dài đã ướt sũng … Nàng đã luôn quen tính toán tiền nong thế nào để có thể đủ sống từ ngày mới lớn, do hoàn cảnh nghèo, thời gian duy nhất nàng được thoải mái về kinh tế là lúc còn làm vợ hờ cho một người đàn ông khá giả đã có gia đình, nàng được ông ta say mê yêu chiều và chu cấp đầy đủ ; nhưng rồi tình yêu chân chính ập đến vào một lúc nàng không chờ đợi, đã cho nàng điều kiện để có nhận thức đúng đắn và được sống cảm xúc chân thật của trái tim, nàng đã không do dự buông bỏ tất cả để sống cho người đàn ông trẻ của riêng mình. Và có riêng cho mình một người đàn ông ở thời đại này chiến tranh này là điều khó khăn biết bao! Đàn ông hy sinh cho chiến tranh quá nhiều và trở thành hiếm quý, hơn nữa, họ có quyền lựa chọn.

         Lúc đi xuống những bậc thang để về nhà, vì quá vội và cái giỏ quá nặng, Lệ suýt ngã vì thềm rêu trơn trượt, may mắn nàng lấy lại thăng bằng và dừng lại một phút để thở, mặc cho mưa tiếp tục trút xuống, sau đó nàng thận trọng đi tiếp từng bước vào cổng rồi thẳng đến con ngõ bên hông nhà chủ cho thuê để vào nhà mình và cười tươi khi thấy cô bạn nhỏ hàng xóm hơn mười một tuổi tên Ấu Thi cũng là con gái ông bà chủ nhà, đang ẵm con nàng, bé Mi, hai tuổi rưỡi, đứng đợi sau cửa sổ với vẻ trông mong ; vừa thấy mẹ, nó hét lên mừng rỡ, Thi cũng  mừng lắm, nó nói ngay :

        _ Mưa to quá cô ướt hết rồi!

         Thi đặt đứa bé gái xuống nhìn Lệ với vẻ lo ngại, và bé Mi chạy ào về phía nàng, đưa hai cánh tay nhỏ định ôm mẹ nó.

        _ Để mẹ thay đồ đã! Lệ kêu lên, sợ con ướt lấy nếu nó ôm chầm lấy mình, bé Mi khựng lại, vẻ lo lắng sợ sệt ; Lệ vội nói với Thi :

        _ Bánh ít trong giỏ ngon lắm, còn nóng hổi, cháu ăn nhé, lấy hộ cô bánh Lu cho em nữa, cô vào thay đồ rồi trở ra ngay.    

        Thi hớn hở cười tít mắt :

        _ Cháu đang đói ơi là đói, Mi cũng hỏi suốt bao giờ cô về, cháu cứ tưởng cô phải trú mưa chắc đợi lâu chứ. Mi ơi ăn bánh nè!

        Rồi nó soạn giỏ thức ăn, để các thứ lên bàn, lấy một cái bánh ít ăn nhồm nhoàm, không quên đưa cho bé Mi một chiếc bánh Lu trong lúc Lệ chạy vội vào phòng thay quần áo và tìm chiếc khăn lau vội mái tóc ướt. Ngoài trời mưa như dịu hẳn đi …

       _ Cháu pha sữa cho em hở cô?

        Thi cao giọng hỏi vọng vào, Lệ cũng to tiếng trả lời vọng ra :

       _ Để đấy cô làm. Cháu cứ ăn bánh đi.

        Nàng mau mắn trở ra, gọn gàng thoải mái trong bộ đồ màu tím nhạt có thêu viền chỉ màu trắng và những cánh hoa Pensée nhỏ rải rác đây đó màu tím sậm. Thi rất thích cô Lệ mặc bộ này, trông cô vừa trẻ vừa hiền dịu mơ mộng thế nào ấy; nhất là cổ áo hơi sâu để lộ sợi giây chuyền vàng trắng với hình trái tim bằng đá xanh ở cổ cô thật mỹ miều; đó là món nữ trang duy nhất cô có từ mẹ cô để lại. Chú Huy cũng thích nhất bộ này, Thi rất nhớ cô đã nói thế hôm lâu rồi. Cô Lệ đẹp lắm, tuy không diễn tả được cô đẹp thế nào nhưng Thi biết chú Huy yêu mê cô vô cùng, Thi đã có lần bắt gặp chú ôm hôn cô thật say đắm và nó đỏ mặt quay đi vờ như không nhìn thấy.

         Lệ vội vặn cái bếp dầu nhỏ đun nước sôi để pha cho con một tách sữa, nàng thấy đói và cũng ăn bánh ít như Thi và tự rót một tách trà còn nóng trong bình vừa uống vừa đút cho bé Mi từng thìa sữa, đứa trẻ ngồi gọn trong lòng mẹ, gặm chiếc bánh thơm phức mùi bơ trong khi  Thi uống ừng ực cạn cốc nước lọc.

       _ Cô cám ơn Thi nhiều đã qua trông bé hộ cô, làm mất thời giờ học bài của cháu quá, cô gửi lời xin lỗi mẹ cháu nhé.

       Lệ vừa hôn lên tóc con vừa nói, Thi toét miệng cười vô tư :

       _ Ngày mai cháu ít bài lắm, cô đừng lo ạ, với lại, cháu thích chơi với bé Mi mà.

       Lệ nhìn ra ngoài trời, ánh mắt mơ màng :

      _ Mưa buồn thật, ngoài đường không bóng người, mùa này năm ngoái đâu có mưa, nhưng ngớt rồi, cháu về ngay kẻo mẹ trông.

       Thi lắc đầu, kể lể :

      _ Mẹ cháu cho phép về giờ cơm mà cô! Về sớm chán lắm, mẹ bận đan, cháu phải chơi một mình cháu không thích, anh Hòa thì cứ ở trong phòng, học xong là anh ấy đọc truyện rồi viết nhật ký, bây giờ anh Hòa lớn rồi, anh chê cháu còn nhỏ và chỉ là con gái, chẳng biết gì …

         Lệ nhìn chiếc áo chemise màu xanh da trời của Thi, nhưng đó là áo cũ của anh nó, Thi thường lấy quần áo của anh mặc để chứng tỏ mình cũng có máu con trai và cũng “ biết ” như anh; nàng mỉm cười thông cảm với cô bạn nhỏ :

        _ Cô tin là cháu hiểu biết theo độ tuổi của cháu chứ, con trai hay con gái không quan trọng nhưng theo cô, bằng tuổi nhau thì con gái luôn chững chạc hơn.

         Thi yêu mến Lệ vì nàng luôn trò chuyện với nó theo cách đặt nó ngang hàng với mình, và nó không cảm thấy “ mất giá ” như ở nhà vẫn bị xem là trẻ con.

         Định mở miệng nói nhưng Thi im bặt vì cô Lệ chợt đưa ngón trỏ lên miệng « suỵt suỵt » và nghe ngóng, hướng ra cửa vì có tiếng giày nặng đang bước vào sân nhà, mắt Lệ bừng sáng, đôi môi hé mở, Thi cũng hồi hộp, tim nó đập mạnh …

         Một chiếc bóng cao hiện ra ở cửa lờ mờ sau bức màn trắng đục và Lệ bật lên tiếng kêu oà vỡ nỗi vui mừng và kinh ngạc :

        _ Trời ơi! Chú Huy về Thi ơi!

         Mắt Thi cũng sáng rực, nó lao ra mở cửa và la to :

        _ Chú Huy!

         Lệ đứng bật dậy, bế xốc con lên và vội đi nhanh ra đón người đàn ông của đời nàng, nàng xúc động run rẩy vì quá bất ngờ, mắt rưng rưng, môi mấp máy không thốt nên lời.

         Huy bước vào nhà, bước chân đầy tự tin vững chắc trong đôi giày lính, tay cầm chiếc nón sắt, lưng đeo ba lô và bên mình là súng. Đó là một người đàn ông trẻ khoảng hai mươi tám tuổi, gương mặt với những đường nét khắc khổ, gan góc và màu da sạm nắng, chiếc cằm vuông, trong bộ quân phục màu xanh lá rừng mà Thi thấy rất oai hùng và ngưỡng mộ lắm lắm, thêm nữa chú Huy đeo lon Trung úy chứ ít sao? Chú thuộc về binh chủng Biệt Động Quân, thứ dữ mà, Cọp Rằn mà, Anh Hùng Mũ Nâu mà! Anh Hòa của Thi vẫn xuýt xoa nói thế với vẻ khâm phục.

          Ánh mắt Huy nhìn thẳng nhưng buồn buồn dưới rèm mi rậm nhưng lúc này sáng lên niềm vui được về phép thăm người vợ chưa cưới và đứa con gái nhỏ. Ánh mắt đó thường rực lửa, xuyên suốt màn đêm, long lên một cách dữ dội vào những giờ phút giao tranh khốc liệt trong bóng tối trùng điệp để quạt từng loạt đạn, thiêu rụi những con thiêu thân mù quáng lao mình vào vòng lửa một cách tuyệt vọng…

          Chàng tháo và vứt vội chiếc ba lô nặng chịch xuống sàn, gác khẩu súng vào góc nhà và ôm ngay hai mẹ con Lệ vào vòng tay rắn rỏi, không nói được lời nào. Bé Mi nhận ra bố, cười tít mắt, vung bàn tay nhỏ xíu lên đập đập vào đầu bố nó, miệng nói bi bô, Lệ thì nghẹn ngào  thốt khẽ « Anh!»

        Thi máy móc lùi vào một góc nhìn cảnh tượng hạnh phúc bất chợt của họ, chớp mắt cảm động, nó nghĩ, thật không ngờ chiều nay chú Huy về phép, cô Lệ sung sướng biết bao! Mình phải báo  cho mẹ và anh Hòa biết. Cùng lúc Thi cảm nhận được sự có mặt của nó trong lúc này «kỳ kỳ, sao sao» ấy, nó đã luôn cảm nhận được một luồng điện vô hình mãnh liệt của người nam và người nữ hút lấy nhau một cách điên đảo kỳ diệu và cảm xúc rờn rợn ngất ngây thế nào giữa họ là điệu sóng rung động như lan truyền đến tận nó khiến nó rùng mình hoang mang, khó thở, đồng thời nó thẹn đến nhột người … Hai mắt nó nhíu lại với ánh nhìn vừa tò mò vừa ngại ngùng lẫn thích thú.

         Huy, một tay bế con, cánh tay khoẻ mạnh kia vòng ôm xiết lấy thân thể mềm mại khêu gợi của Lệ, đôi môi chàng gắn chặt vào môi nàng … Chàng vội vã tìm lại hương vị và hơi thở của tình yêu cho những lúc lịm hồn tê dại vì thiếu thốn nhớ nhung.

        Thời gian ngừng lại, không gian nồng nàn lắng đọng, nụ hôn của hai người trẻ yêu nhau mê đắm kéo dài trong tiếng nói u ơ của đứa con, những ngón tay bụ bẫm của nó mân mê cái hoa mai trên vai áo bố … Thi bỗng rụt rè lên tiếng :

         _ Cháu … cháu phải về ạ !

          Huy giật mình chợt phát hiện ra sự có mặt của đứa bé gái quen thân, chàng quay sang đặt bàn tay lên vai Thi, mỉm cười, nụ cười của chú Huy sao mà hiền thế, Thi nghĩ thầm. Lính mà hiền như chú Huy thì lạ thật, Thi không tưởng tượng nổi lúc xông pha ở chiến trường chú Huy ra sao? An Hòa thì quả quyết rằng chú phải hăng hái ghê lắm, tả xung hữu đột, nã súng xối xả, quát thét rầm trời, chưa kể đến lúc phải xáp lá cà nhé! …

         _  Ấu Thi ! Cháu cứ ở chơi, sao phải về ngay?

         Thi mân mê nút áo, không dám nhìn thẳng Huy, nó ngước lên nhìn Lệ :

         _ Cháu chơi cả buổi với bé Mi rồi ạ, bây giờ cháu phải về vì sắp ăn cơm chiều.

         Lệ, hai má ửng hồng sung sướng, nói xen vào, giọng nàng còn nguyên nỗi xúc động :

         _ Cô nghĩ cháu về thì hơn không mẹ lại mong, mai cháu lại qua lúc nào cũng được. Cô cảm ơn cháu nhiều. Thi ngoan lắm!

         Thi nghe lời, lấy áo mưa treo trên mắc áo mặc vào vì trời chưa tạnh hẳn, chào hai người lớn, tay vẫy vẫy bé Mi và đi ra cửa, Huy nói với theo :

        _ Chú gửi lời thăm bố mẹ nhé!  Chú sẽ qua chào bố mẹ sau.

          Ấu Thi dạ thật to và cắm cổ chạy biến đi … Trước cửa nhà, nó thấy An Hòa lúp xúp đi về từ xa, đứa anh trai của Thi cao hơn số tuổi mười ba của nó nhưng gầy tong, tuy là con trai, nó có đôi mắt to mơ màng, làn da trắng mịn của người mẹ và vành môi tươi hồng, sóng mũi thanh tú, nó còn nguyên vẹn nét hồn nhiên ngây ngô của đứa bé trai mon men rời bỏ tuổi thơ để sống tháng ngày mơ mộng; nét đẹp tinh khiết của nó gây xúc động cho người đối diện … Xúng xính trong chiếc áo mưa rộng choàng phủ kín tay, nó thận trọng ôm một túi nylon to, phồng lên, không cần hỏi, Thi biết Hòa đi mua bánh mì nóng dòn ở tiệm Vĩnh Chấn về, vì chiều nay mẹ nó nấu bò kho mà … Phía sau những ổ bánh mì nó còn che đậy cẩn thận hơn cho quyển báo Tuổi Hoa mà nó mong đợi mỗi hai tuần, cùng tờ báo Chính Luận cho bố và quyển Phụ Nữ Ngày Mai cho mẹ. Thi vội xoắn lấy anh nó, khoe ngay :

         _ Chú Huy về phép nè Hòa!

          An Hòa sáng mắt :

         _ Vậy hả? Bất ngờ ha!

          Gia đình chú Huy dọn đến sau khi chú Nam của tụi nó chết trận một thời gian, hai anh em Hòa chưa hết khủng hoảng thì lại được chiêm ngưỡng vẻ đẹp oai phong của người lính chiến mỗi khi chú xuất hiện. Hòa được nghe kể lại, phục chú Huy nhất là vụ Tết Mậu Thân, đang nghỉ phép ở đây, ghé thăm gia đình một người bạn, chú đã vùng dậy xách súng lao ra cửa và có mặt ngay trong chiến trường là trung tâm thành phố, tiếp tay với các địa phương quân, với tinh thần dũng cảm, đẩy lùi quân du kích của phe kia đã đột xuất tấn công và đã nhanh chóng giành chiến thắng vẻ vang, mang lại yên bình cho thành phố … Những dấu vết của trận chiến để lại không có gì ghê gớm nếu so với nhiều thành phố khác nhưng cũng đủ làm người dân từ bao lâu vẫn sống trong yên vui trở nên sợ sệt nghi ngại mọi điều, từ đó, họ có thái độ dè dặt lo nghĩ hơn, nỗi kinh hoàng vẫn chưa thật sự nguôi ngoai. Chỉ có lũ trẻ con trở lại với nguồn vui hồn nhiên thật dễ dàng. Nhưng Hòa đã biết suy nghĩ, từ sự ngưỡng mộ và quý mến nó bắt đầu nuôi mơ ước thầm kín được làm chiến sĩ oai hùng như chú Nam, chú Huy nhưng không dám nói với bố mẹ vì họ chỉ mong nó học giỏi để không đi lính nhưng nó biết qua tin tức rằng những thanh niên có một con đường vào binh nghiệp là do lựa chọn, đó là  trường Võ bị Quốc Gia để được đào tạo bằng kỷ luật sắt như các chú, để trở thành binh sĩ nghị lực can trường, đó là bổn phận của người đàn ông khi nước nhà nguy biến. Mỗi lần nhìn thấy một sinh viên sĩ quan là hình ảnh cao đẹp và oai hùng đó, cái mũ lưỡi trai, bộ đồ màu vàng nhạt ủi thẳng nếp, vai áo ngang thẳng, đôi giày đen mềm bóng, trái tim nhỏ của Hòa run lên bởi những cảm xúc khó diễn tả. Nhưng một sinh viên sĩ quan không ngừng ở hình ảnh, chú Huy đã giải thích cho Hòa hiểu thêm về môi trường sống đó là nơi mà những khả năng tiềm tàng của một thanh niên được khai thác và rèn luyện mọi mặt để tiến bộ thêm mãi, cho đến lúc hoàn tất khoá học, nhất là chí khí can đảm phải được tôi luyện trong khó khổ gian lao và phải không ngừng học hỏi cách chiến đấu …

         Hòa mỉm cười với ý nghĩ thế nào lát nữa mẹ cũng sai nó mang một tô bò kho và một ổ bánh mì qua biếu gia đình chú Huy và nó lại có dịp chào chú ấy, nó thích nghe chú kể chuyện ở quân trường, nơi tất cả xảy ra như trong những phim về chiến tranh mà nó đã xem ; dù đối diện người đàn ông ngang tàng khí phách đó, nó tự thấy mình “ dở ẹc ”, nó thường bối rối ngượng nghịu cho cái vẻ trẻ con thật vụng về và thầm giận cho khối óc non nớt của mình, nó thẹn cho sự thiếu hiểu biết và chẳng có kinh nghiệm gì về cuộc đời, nhất là cuộc đời quân ngũ với kinh nghiệm xương máu dạn dày … Nhưng nó có thời gian để lớn và để học hỏi.

 

  

 

        Tại sao cô Thanh và cô Tâm không thích cô Lệ? Thi cứ thắc mắc nhưng không dám hỏi mẹ, mẹ sẽ mắng cho nếu Thi cứ tò mò quá độ về chuyện của người lớn nhưng vốn là đứa trẻ tinh anh, Thi luôn quan sát và nhận định một cách vô tư để biết nhiều về thế giới và những gì xảy ra quanh nó.

         Hai cô giáo tiểu học này chơi thân với nhau, cả hai cũng trạc bằng tuổi cô Lệ, thế mà từ hơn một năm nay, từ lúc cô Lệ dọn đến đây họ chẳng bao giờ bắt chuyện với cô, đã thế họ còn nói về cô với vẻ « thế nào ấy », như không mấy thiện cảm. Cô Lệ có vẻ cảm thấy điều này và cũng không nói chuyện với họ, cô tập trung lo cho con nhỏ, lúc đứa bé ngủ là cô vội ngồi vào bàn máy may, cô may hàng cho khách chủ yếu là áo đầm và chiếc áo đầm màu đỏ Thi mặc hôm Noel là cô đã mua vải, đo kích thước và may tặng Thi. Cô hiền và đáng mến như thế thì với Thi, cô là nàng tiên mặc cho ai có ý kiến khác thế nào.

         Một lần, Thi nghe hai cô Thanh và Tâm thì thầm với nhau rằng cô Lệ ngày trước ở Sài Gòn làm nghề vũ nữ rồi gặp chú Huy ở vũ trường, hai người yêu nhau, và cả hai bỏ thành phố Sài Gòn lên đây sống, chú đã cãi lại gia đình, cha mẹ chú phản kháng mối tình của họ nhưng chú quyết tâm, cả hai lấy nhau và có con là bé Mi nhưng họ chưa làm đám cưới. Lúc chú Trụ hàng xóm dắt họ đến hỏi thuê nhà của bố mẹ Thi, bé Mi đã biết đi nên họ cần không gian rộng hơn, gia đình Thi có thêm một căn nhà nhỏ bằng gỗ hai gian, phía sau căn nhà chính và cách một khoảng sân vườn rộng đã luôn cho thuê để có thêm thu nhập khi ấy còn trống, thế là bố mẹ Thi vui vẻ chấp nhận ngay. Mẹ Thi vốn có cảm tình với những người lính, vì theo bà, không ai phải chịu gian khổ hy sinh hơn những con người can đảm đó, đó là những người phải chấp nhận cái chết dễ dàng để bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Đương nhiên là Thi mừng lắm, nó thích bé Mi quá, từ bao giờ nó chỉ mong có em để bế ẵm và vui đùa, quyết định của bố mẹ nó thật hay và hợp ý nó, thế là từ lúc gia đình này dọn đến, rảnh chút nào là Thi chạy qua sân vườn sau để đến nhà cô Lệ.

         Mẹ Thi rất thương gia đình nhỏ này nên nếu có thể là liên hệ và giúp đỡ, chú Huy và cô Lệ cũng quý mến gia đình Thi; gia đình chú Trụ, bác Tư hàng xóm cũng thân tình dễ dãi … nói chung ở con phố này, người ta đều quen biết nhau và cuộc sống đơn giản trong một môi trường đầy thiên nhiên hiền hòa. Có thể dần dà cô Thanh và cô Tâm cũng sẽ đổi ý, sẽ kết bạn với cô Lệ chăng?

 

 

         Ấu Thi nhón chân, xoay mòng mòng quanh mẹ nó, tay phải nó bận rộn với cái nhíp, tay trái vạch sột soạt những chân tóc của bà; vành môi trên của nó cong tớn lên hở cả hai cái răng cửa to như răng thỏ, đôi mắt một mí của nó cố mở rộng, hau háu, soi mói tìm những sợi tóc ngắn và cứng trên đầu mẹ để nhổ trong lúc mẹ nó vừa đan thoăn thoắt, vừa hát ư ử bản “ Tình Anh Lính Chiến ” … Bỗng Thi ngừng tay, như nhớ ra chuyện gì, ngập ngừng một chút trước khi hỏi :

           _  Mẹ  ơi! Vũ nữ là gì hở mẹ?

            Mẹ  ngừng đan, chau mày, giọng như cố gắng bình thường :

           _ Con nghe ở đâu cái từ này?

           _ Con nghe cô Thanh nói với cô Tâm rằng lúc ở Sài Gòn hồi trước, cô Lệ là vũ nữ, trước khi lấy chú Huy.

           Mẹ có vẻ bực mình, trả lời gần như cộc lốc :

          _ Hai cô ấy lạ nhỉ? Nhưng việc người lớn con không nên biết, đừng hỏi lôi thôi!

           Thi vẫn cố hỏi thêm :

          _ Trước khi lấy bố, mẹ cũng là vũ nữ hở mẹ?

          _ …

          _ Hở mẹ?

          _ Không!

          _ Thế mẹ làm gì?

          _ Tao bán hàng trong một tiệm sách. Thế thôi!

            Giọng mẹ dấm dẳng như bực bội nhưng con chẳng để ý, hai tay mẹ lại tiếp tục đan nhanh, con nhổ phứt thêm một sợi tóc quăn tít, cứng đơ trên đầu mẹ, miệng liến láu :

           _ Rồi sau đó bố có đến mua sách ở tiệm của mẹ không? Chắc có chứ hở mẹ?

            Mẹ như vui hẳn lên, tươi cười :

           _ Con này ghê thật! Sao mày biết?

           _ Con đoán thôi, vì bố dạy học thế nào cũng cần nhiều sách thì phải mua chứ!

            Mẹ cười hú hí, lấy làm thích thú :

           _ Đúng thật, con này giỏi đấy, cũng vì thế mà bố mẹ quen nhau, đúng là duyên nợ nhờ mấy quyển sách ấy.

           _ Rồi bố mê mẹ tít thò lò, đúng không mẹ?

           _ Không, vừa vừa thôi! Mẹ mày thì đẹp đẽ gì?

           Mẹ cố che giấu niềm vui sướng bằng giọng khiêm tốn, An Hoà đứng ở ngưỡng cửa, đã nghe cuộc trò chuyện, nó vừa đi học về, lên tiếng, ra vẻ sành sỏi :

           _ Thi vô duyên quá à! Mê vừa vừa thì còn đất sống, mê tít thò lò thì tiêu luôn á !

           Thi cãi ngay :

           _ Hòa khờ lắm, chẳng biết gì hết! Con dám cá là chú Huy mê tít thò lò cô Lệ đó mẹ, mà không tiêu đâu, vẫn sống tỉnh bơ đó!

           _ Sao Thi rành quá vậy?

           Hòa quẳng cái cặp xuống, trợn mắt.

           _ Hông biết, thấy vậy đó, thấy sao nói vậy à!

          Thi cười toe toét với vẻ tinh quái trong khi Hòa nhìn em, nhăn nhó. Mẹ chúng can thiệp, giọng ôn dịu :

           _ Thôi nào! Chúng bay im đi! Trẻ con biết gì chứ! Hòa con nhịn em một tí đi hộ mẹ! Gớm khiếp tôi ăn gì mà đẻ ra ông bà lắm chuyện thế!

          Hòa vừa đi mau vào phòng nó, vừa cố nói vọng lại :

           _ Thế mà Thi biết hết đó mẹ! Nó ghê lắm! Con ranh này!

           _ Vậy sao còn chê tui con gái ông ơi!

          Thi vừa cãi vừa cười tủm tỉm, nó nghĩ đến những gì Hòa viết trong nhật ký mà nó đã lén đọc được; thật vô cùng hấp dẫn, ngoài giấc mơ được vào trường Võ Bị Quốc Gia để trở thành sĩ quan sau này, anh chàng bắt đầu để ý đến một bạn gái hàng xóm, theo anh tả thì nàng xinh lắm, hiền lắm nhưng học không giỏi lắm … Như Lan! Mình phải theo dõi kỹ lưỡng xem sao, trước sau gì chắc cũng “tít thò lò” mà, anh nó viết tới đâu, nó lén đọc tới đó …

          Rồi nó bận rộn với những câu hỏi còn lại trong đầu, cố nhớ để hỏi cho thỏa sự tò mò :

         _ Mẹ à, sao cô Lệ không treo ảnh cưới trong phòng như mẹ ?

         _ Mẹ không biết! Ai muốn treo ảnh gì tùy họ, cứ gì phải ảnh cưới?

         _ Cô Lệ có ảnh của cô và chú Huy chụp chung đẹp ghê nhưng cô mặc đầm thường chứ không phải áo cưới mẹ ạ, còn chú Huy thì đóng quân phục trông oai ra phết mẹ ạ!

          Mẹ ậm ừ :

         _ Có khi đám cưới người ta cũng mặc thường thôi, thời buổi chiến tranh, chú rể mặc quân phục càng hay chứ, miễn họ hạnh phúc là được thôi con.

        Thi bèn “ tới luôn bác tàỉ ”:

         _ Mai mốt con cũng thế, đám cưới con mặc đồ bộ cũng được phải không mẹ?

         Mẹ lườm Thi, mắng yêu :

         _ Ừ mày nói hay đấy, con ngu! Thế cho đỡ tốn tiền nhé!

         _  Cô Lệ cũng không đeo nhẫn cưới như mẹ.

         _ Việc gì đến con? Đeo cái gì là quyền của cô ấy, con không nên tò mò! Tuyệt đối con không được hỏi gì cô ấy nghe không? Mẹ sẽ phạt nặng đấy!

         _ Vâng ạ!

         _ Phải nghe lời mẹ dặn đấy! Không được tọc mạch tò mò!

         _  Lớn lên nếu con đẹp như cô Lệ, con cũng làm vũ nữ, con không muốn làm ở tiệm sách như mẹ.

         _ Con còn bé chưa thể biết sau này con thích nghề gì, thôi đừng lắm chuyện nữa. Trẻ con không được dòm chuyện người lớn! Bài vở ngày mai con làm xong chưa?

         Thi dạ nhỏ, xụ mặt nhưng không dám cãi lại, nó hí hoáy đếm những sợi tóc ngứa đã nhổ được rồi reo lên :

         _ Mười lăm sợi mẹ ơi! Vậy là con lại kiếm được mười lăm đồng.

         _ Ừ con cứ ghi sổ cuối tháng mẹ sẽ trả hết. Hôm nay mẹ không có tiền lẻ.

         Thi lại cặm cụi ghi vào quyển sổ nhỏ chi thu của riêng nó để trên bàn và lẩm nhẩm cộng lại … Nó thích chí với số tiền kiếm được bằng mọi việc lặt vặt cũng như tiền thưởng của bố mỗi tháng nếu nó được lãnh bảng danh dự. Nó định cuối tháng này sẽ mua cho bé Mi một chiếc xe tăng bằng sắt chạy pin. Ý tưởng này khiến nó sung sướng quên khuấy những thắc mắc khác về chuyện người lớn.

         _ Bà ơi! Cho xin lon gạo!

          Giọng gọi khàn khàn từ cổng vọng vào khiến Thi giật mình nhìn ra, nó thấy ông già ăn mày rách rưới thường hay đến, ông rất già yếu và càng ngày càng gầy, lưng còng xuống, bước đi rất chậm, ông đeo một cái túi để đựng gạo xin được khắp xóm … Thi quay sang nhìn mẹ chờ  ý kiến như mỗi lần, mẹ đã nghe tiếng ông, nhưng đang suy nghĩ, vẫn cặm cụi đan, không ngẩng lên, nói với Thi :

         _ Con vào lấy cho ông một lon gạo đi con!

          Thi vâng lời, nó chạy vụt ra cổng chào ông cụ rồi cầm lấy cái bị gạo đã đầy phân nửa của ông, chạy vụt vào bếp, múc hai lon gạo đổ vào đó thay vì một như mẹ nó dặn, nó trở ra, mẹ vẫn đang cúi xuống với đôi kim đan …

 

 

 

         Hôm sau, lúc mẹ Thi vừa đan vừa dò bài cho Thi, mắt nhắm tịt như để tập trung, mồm nó leo lẻo oang oang như lệnh vỡ đọc bài học thuộc lòng dài “ thoòng loòng ” đến hai lần và mẹ gật gù tỏ ra hài lòng vì nó đã thuộc làu ; cô Lệ và chú Huy ghé qua, đương nhiên có cả bé Mi … Thi ngừng bặt, há mồm nhìn hai người trong khi bé Mi chạy ào đến ôm nó. Chú Huy vẫn trong bộ đồ lính đầy vẻ nhẫn nhục và oai hùng nhưng không mang nón sắt, cô Lệ thì đẹp hơn nhiều trong chiếc quần ống rộng màu đen và áo pull màu hồng bó sát thân thể tuyệt mỹ, tay cô cầm một chiếc áo khoác cũng màu hồng, cô trang điểm thật nhẹ nhàng  khéo léo nhưng Thi có cảm giác cô đẹp hẳn và không giấu được vẻ yêu đời … Thi bế bé Mi, ngây ra nhìn cô, mẹ Thi đặt đồ đan xuống, đứng lên ân cần vui vẻ chào hỏi họ, cả hai người lễ phép chào mẹ và những câu hỏi mẹ vẫn có như mỗi lần, đại khái chú về phép mấy ngày, dạo này mọi sự ở mặt trận ra sao, chú có phải dời đơn vị đi nơi khác hay không, chú có được gặp bố mẹ chưa …

         Chú Huy trả lời, nhưng từng cái tên địa lý xa lạ mà Thi chỉ nghe đến lúc bố nó nghe tin tức ở đài, đối với nó chẳng đẹp đẽ hay ho gì và thật khó nhớ.

         Thi vui đùa với bé Mi nhưng mắt nó cứ nhìn cô Lệ, cô nói chuyện với mẹ nhưng thường nhìn lại nó với một nụ cười thật tươi …

         Mẹ nói cô chú cứ yên tâm để bé Mi ở đây và đi ciné, đi ăn tối thoải mái, và thêm :

         _ Nếu cô chú về trễ thì cháu Mi ngủ ở đây với Ấu Thi, không phải lo gì cả!

         Hai người cám ơn mẹ, chú Huy cười với Thi và cô Lệ vui vẻ nói :

         _ Cô chú sẽ mua bánh cho mấy anh em nhé!

        Thi bẽn lẽn gật đầu, nó cảm thấy sung sướng vì giúp được cho cô chú giữ bé Mi để họ có những giờ phút thư  giãn quý hiếm bên nhau.

         Chiều  nay trời nắng đẹp lạ lùng. Chú Huy thật bình thản vòng cánh tay rắn rỏi ngang eo cô Lệ, vẻ rộng lượng và che chở, hai người bước bên nhau thật đẹp đôi, bầu trời cao màu xanh dịu, mây như trôi giạt về một phương xa lắc … Thi chợt thầm mơ ước mây cứ đọng lại ở một chân trời nào để họ đi chơi cho đến tối mà vẫn không mưa. Nó nghĩ hôm nay là một trong những ngày hạnh phúc nhất của chú Huy và cô Lệ. Nhưng ngoài đôi uyên ương này, trên đường phố cũng có nhiều cặp trai gái khác đi chơi và hạnh phúc bên nhau dù trong nỗi hân hoan ngắn ngủi nhưng giữa khung cảnh êm đềm và thời tiết bao dung mang đến sự tin yêu, họ như quên hết những đe dọa của chiến tranh, những mỏi mòn của đời sống … Họ thường đi ngang qua nhà Thi để đến con đường vòng quanh hồ rộng, lúc trời xanh như hôm nay, nắng sáng trong làm cho mặt nước như một tấm gương bằng ngọc phản chiếu những cây lá trồng quanh bờ, cạnh đó là đồi cỏ mênh mông, xa xa là rừng núi thơ mộng chập chùng … Những sinh viên Sĩ Quan Võ Bị, Chiến Tranh Chính Trị đẹp và oai, những phụ nữ trẻ thướt tha trong những tà áo đủ sắc màu. Tình yêu như hiện hữu trong từng làn gió, trên từng nụ xanh, trong dáng vẻ bình yên của một thành phố thi vị và lãng mạn …

         Giá chú Huy được ở nhà suốt với vợ con nhỉ? Thi mơ màng. Vì cô Lệ yêu và cần chú biết bao! Đã có lần nó bắt gặp cô nức nở lúc đọc thư và bài thơ chú làm cho cô, nó hỏi tại sao thì cô trả lời : “ Tại cô là đàn bà, là đàn bà nên cứ phải khóc Thi ạ! ”. Thi không hiểu gì mấy ý cô muốn nói nhưng nó thấy thương cô chú vô cùng.

         Nhưng vẫn có một chút gì não nề hơn là nỗi buồn, quay cuồng như cơn lốc mịt mờ cát bụi, đó là sự bi thảm và điêu linh trong đời sống chiến tranh và định mệnh của hai người trẻ yêu nhau đó, cùng cam chịu số phận của họ ở một thời đại điên đảo chất ngất đau thương mà vẫn khao khát thiết tha được sống tràn đầy tình yêu của họ …

    

      

 

         Hôm nay, rạp Ngọc Lan chiếu phim “ Trà Hoa Nữ ”, một phim rất nổi tiếng mà nhiều người mong đợi. Lệ đã đọc quyển tiểu thuyết được dịch ra tiếng Việt này, nàng luôn yêu thích những chuyện tình buồn và dang dở, và nàng cũng chờ được xem phim mới công chiếu hôm đầu tuần, thật may mắn Huy về kịp lúc và đưa nàng đi. Lệ đã khóc lúc đọc bản dịch từ quyển tiểu thuyết tiếng Pháp,  xem phim  nàng càng cảm động, thổn thức trong lòng và thút thít  trên vai Huy; đó là câu chuyện tình của một người đàn ông trẻ, con nhà quyền quý với một nàng điếm thượng lưu nhan sắc nhưng mắc bệnh lao, họ trải qua thật nhiều khổ đau trắc trở và kết cuộc cái chết của nàng đã làm khán giả rơi nước mắt … Huy không thích lắm loại phim này nhưng chàng luôn chiều Lệ, từ ngày quen nàng, chàng luôn đưa nàng đi xem bất cứ phim nào nàng muốn; dạo sau này, chàng càng yêu chiều nàng hơn nữa, chỉ vì những giây phút sống bên nhau càng lúc càng hiếm quý và đối với chàng, gần hai tiếng đồng hồ trong rạp tối, điều quan trọng là cánh tay chàng luôn vòng ôm lấy Lệ để mái tóc nàng ngủ trên vai chàng, vùi mặt vào hương tóc người mình yêu, chàng suy nghĩ mông lung, không cần biết đến diễn biến chuyện phim ra sao cho đến lúc đèn bật sáng.

          Bóng chiều như choàng ôm lấy họ trong nắng vàng êm dịu còn trải rộng trên mặt đường, Huy đưa Lệ đi ăn miến xào cua ở một quán ăn ở cạnh rạp ciné. Từ lâu lắm họ không đến tiệm này chỉ vì giá cả luôn vượt quá túi tiền của họ nhưng thức ăn đặc biệt rất ngon. Đồng lương Trung úy của chàng và một chút thu nhập từ việc may áo của Lệ, sau khi trả tiền nhà là tiền chợ dư một chút là phải nghĩ đến việc để dành lo cho bé Mi vì nó còn nhỏ nên khó tránh chuyện bác sĩ, thuốc men … Mỗi lần về phép họ cố gắng đi chơi và tiêu lậm một ít vào đó rồi Lệ lại lo giành dụm lại. Ngày mới yêu nhau, có lúc Huy cháy túi nhưng Lệ vô tình không biết, nàng nằng nặc đòi đi xem một phim hay mà nàng mong đợi, Huy lúng túng nghĩ kế, chàng đã phải tìm cớ thoái thoác hoặc xoay sở mượn được của bạn hoặc xin anh chị mình.

         Nhưng hôm nay đặc biệt Huy vừa nhận được tiền, như một món quà đến từ người anh là thầy dạy Anh văn ở Hội Việt Mỹ Sài Gòn; anh kiếm rất khá, ngoài việc dạy học, anh còn dịch thuật hồ sơ cho một cơ quan của Mỹ, vợ cũng dạy học nên gia đình hai con sống một cách thoải mái. Anh Hải là người duy nhất trong nhà hiểu chuyện tình cảm của Huy và Lệ, lúc đầu, anh không tán thành, nhưng khi biết tin Lệ có thai và đã bỏ nghề, anh đứng hẳn về phía Huy để thuyết  phục gia đình cho phép họ lấy nhau nhưng cha mẹ họ vẫn cương quyết nói không; một gia đình tử tế không thể chấp nhận có con dâu với quá khứ là vũ nữ,  hoàn cảnh đáng thương của cô ta chẳng gây được nỗi xúc động thương tâm nào cho cha mẹ chàng : mẹ mất sớm, bố bỏ đi lấy vợ khác và cô gái phải lăn lóc tự  nuôi thân từ thuở mới lớn rồi phải kiếm sống trong một môi trường mà họ nhìn với ánh mắt đầy nghi hoặc. Không nghi ngờ gì khi cô ta đã dùng cảnh ngộ mình như điều kiện làm vũ khí để quyến rũ con trai họ vốn đa cảm, đang thất tình cô người yêu cũ, cho chàng trai vào mê hồn trận, làm chàng mê muội đắm chìm đến mất cả lý trí và cuối cùng là cột chân chàng bằng đứa con. Những ưu điểm của nàng (rất đẹp, hiền lành, tình cảm, biết lo xa …) mà anh Hải nêu ra chẳng làm suy giảm thành kiến mà họ có với loại người ấy. Bản thân Lệ không có tuổi thơ ngọt ngào, không có những giấc mơ hồng thời con gái … Lúc gặp Huy, dù yêu chàng chỉ sau một thời gian ngắn, Lệ vẫn hoang mang sợ hãi tương lai, không hề dám mơ ước gì, vì nàng còn lo sợ mình chỉ mang lại đau khổ cho Huy, lúc ấy nàng còn là tình nhân của một người đàn ông có vợ ; nhưng khi hiểu được Huy chân thật và cả hai không thể tiếp tục đời sống không có nhau, nàng dứt bỏ người kia một cách dễ dàng và sau đó để cho Huy quyết định mọi điều …

         Trước sự cương quyết và độc đoán của cha mẹ, Huy đành âm thầm thuê nhà để sống chung với Lệ vì đã yêu nàng đến cực điểm. Họ cố gắng thu xếp để có đời sống tạm ổn và Lệ không đến vũ trường nữa, nàng ở nhà, nhận may đồ cho hàng xóm rồi sinh con. Cuộc sống của nàng tuy bận rộn bình lặng với con nhỏ và những ngày dài chờ Huy về phép lại qua nhanh. Nhưng nàng nơm nớp lo sợ một ngày nào đó, cha mẹ chàng sẽ tìm đến nói chuyện; tư tưởng một ngày nào Huy phải nghe lời cha mẹ để lấy một cô gái khác, bỏ rơi mẹ con nàng là ám ảnh ghê gớm nhất dù nàng biết chàng yêu thương nàng vô cùng, nỗi lo này lấn át cả nỗi sợ hãi chàng bị hy sinh một sớm một chiều trong bất cứ cuộc đụng độ nào ngoài chiến trận. Thêm vào đó, điều kiện sống trong căn gác nóng ngộp chật chội trong Sài Gòn không tốt cho sức khoẻ đứa con nhỏ. Sau đó, chính anh Hải là người đã đưa ý kiến và giúp Huy một món tiền để chàng đưa Lệ đi xa mà xây tổ ấm. Huy đã sống và học trường Võ Bị Quốc Gia cả bốn năm ở vùng đất sương mù này, chàng yêu thích thành phố đầy mơ mộng luôn cho chàng cảm hứng để làm thơ, đã có ý một ngày nào có điều kiện trở về đây cư ngụ, nên chàng quyết định đưa vợ con lên thành phố này để tìm một chỗ ở tương đối tốt và rộng rãi.

         Rồi thỉnh thoảng, anh Hải cũng gửi tặng cho Huy một món tiền để tiêu thêm vì rõ hơn ai hết hoàn cảnh em trai. Như hôm nay, cùng với số tiền Huy còn nhận được thư anh viết báo cho chàng biết một tin vui đột xuất và chàng định  sẽ nói cho Lệ biết tối nay, ăn xong, chắc chắn họ sẽ đi uống cà phê và đó là lúc thư giãn nhất để báo tin này với nàng.

        _ Anh định nói với em chuyện gì nào?

          Lệ vừa hỏi vừa bỏ đường vào tách cà phê của mình, khuấy nhẹ, sau khi châm cho Huy một điếu thuốc, mùi Pall Mall thơm quyến rũ lạ lùng mà nàng yêu thích, giọng nói miền Nam của nàng ngọt và thanh, êm và hiền dịu, gần đây thường thêm vào những chữ  “ nào, nhỉ, nhé, thế đấy … ” như Huy. Chàng uống cà phê đen không đường, lắng nghe  điệu Sérénade  của Schubert lãng đãng buông xuống từ máy nhạc của quán và hỏi Lệ có nhớ bản này không, Lệ nhẹ gật đầu nhưng trong lúc này, nàng không thể nhớ tựa của khúc nhạc là gì ; tim nàng như đập những nhịp bất bình thường từ lúc Huy về, nàng có cảm giác thời gian qua nhanh gấp ba lần so với những lúc chàng vắng mặt, mỗi phút qua đi là nàng như xốn xang thêm và cứ nhìn đồng hồ thường xuyên …

        _ Bản này làm anh nhớ đã nghe lần đầu anh đưa em đi uống cà phê ở Sài Gòn, trong một quán có décor thật đẹp, hôm đó em mặc chiếc áo màu đỏ, cộc tay, cổ hở sâu làm anh phát điên.  Huy nói nhỏ và nhả khói thuốc thành vòng tròn, ánh mắt buồn mơ mộng của chàng nhìn vòng khói nhẹ chơi vơi.

        _ Anh hay nhớ những điều mà em đã quên. Lệ cười, nàng hiểu tâm hồn Huy thật nhạy cảm và hoài niệm, bản thân nàng dường như có khuynh hướng thực tế hơn.

         Tay mân mê cái bật lửa Zippo của chàng, ánh mắt Lệ long lanh trong màu đèn vàng dịu, hai má nàng như đầy hơn và hồng hơn, nàng nhìn Huy âu yếm, nhận thấy ngoài vẻ sung sướng chàng như có vẻ tự tin hơn bao giờ … Nàng cố giữ bình thản uống cà phê và đợi cho Huy nghe dứt bản nhạc mới hỏi lại việc chàng muốn nói là gì.

        _ Em thử đoán xem nào!

         Huy cười và Lệ lắc đầu, dí tay vào má chàng, nũng nịu :

        _ Anh ác thật, em làm sao đoán được chuyện gì chứ? À … chắc anh lại có thơ được đăng báo  Chiến Sĩ Cộng Hòa? Hay là anh được lên lon? Hoặc anh sắp được giải ngũ? Nhưng đây là phép nhiệm màu, còn hơn bất cứ niềm vui nào.

         Huy im lặng một lúc lâu, chàng lại nhìn khói thuốc, Lệ nóng lòng :

        _ Anh nói đi mà, bắt em chờ mãi.

        _ Ừ anh nói đây!

         Lệ xoay hẳn người qua phía Huy, nhìn thẳng vào mắt chàng, đột nhiên nàng thấy hồi hộp đến gần như run lên, cố trấn tĩnh, tay nàng bẻ lại cổ áo cho chàng và kìm một hơi thở mạnh. Huy lại trầm ngâm một chút rồi nói rất chậm sau khi nhả một vòng khói thuốc, giọng chàng ấm áp :

       _ Chắc em không ngờ đâu nhỉ? Anh nhận được tiền của anh Hải gửi kèm với thư của anh ấy. Trong thư anh báo tin là bố mẹ anh đã thay đổi ý kiến và chấp nhận cho tụi mình lấy nhau, có nghĩa là mình có thể nghĩ đến việc làm đám cưới và bé Mi được ông bà nội nhìn nhận. Em đọc thư anh ấy này!

          Lệ bàng hoàng ngồi lặng, tay run rẩy cầm lá thư Huy trao nhưng không dám đọc ngay, vẫn đăm đăm nhìn Huy nhưng gương mặt chàng bỗng nhòa đi vì nước mắt nàng dâng lên, nàng như không thể tin được điều chàng vừa nói nhưng lúc tay Huy nắm lấy tay nàng và xiết rất mạnh, nàng chợt hiểu đó là sự thật, vẫn nghẹn ngào không nói gì được nhưng nước mắt tuôn chảy dài trên hai má … Nàng vẫn tưởng hạnh phúc của họ chỉ đến thế và nàng đã luôn chấp nhận mọi nỗi khổ vì yêu Huy, nhưng từ lúc bé Mi chào đời, nàng càng cảm thấy khổ tâm hơn và có lỗi với đứa con thơ vô tội. Có những đêm trăn trở thương nhớ Huy và nhìn con ngủ, Lệ âm thầm khóc những giọt nước mắt tủi cực khi nghĩ đến cảnh ngộ cô quạnh của mẹ con nàng cùng đời lính gian khổ của chàng. Hơn nữa, chỉ vì sống với nàng mà Huy phải cắt đứt liên hệ với cha mẹ là điều chàng rất khổ tâm. Nàng có thể chịu đựng nhiều hơn nữa, nhưng bé Mi lớn dần lên sẽ hiểu biết và đau đớn cho thân phận nó không được gia đình nội nhìn nhận, gia đình ngoại thì không có ai. Những ưu tư triền miên này khiến nàng luôn có cảm giác chơ vơ giữa dòng đời, những lúc Huy về phép, thời giờ bên nàng và con quá ít và quý giá để có thể chia sẻ với chàng những điều cực đoan nên nàng cố vui và chỉ giữ những suy nghĩ đó trong lòng; lúc chàng lên đường hành quân, nàng lại sống trong tâm trạng lo buồn hãi sợ. Giấc mơ bình yên vật vờ trôi nổi ngoài tầm tay, như loài mây nào đọng tận cuối trời hút xa tầm mắt mà nàng sẽ không bao giờ bước tới … Huy đã sống thật với trái tim chàng, đã can đảm nhận lãnh trách nhiệm và có nghị lực để tôn quý người đàn bà chàng yêu nhưng cuộc sống thực tế vẫn đầy ưu tư với bao khó khổ mà hạnh phúc của nàng như quá mong manh và tương lai của bé Mi đầy đe dọa. Nàng chỉ mong mỏi cuộc sống và tình yêu của họ được chấp nhận, như được hợp thức hóa với gia đình chàng và xã hội để bé Mi có thể lớn lên rồi đến trường trong sự tự tin.

          Huy xúc động ôm choàng lấy bờ vai Lệ, kéo nàng về phía mình và nàng vùi đầu vào ngực chàng khóc nhỏ, bằng những giọt nước mắt vui mừng lẫn tủi thân … Một lúc lâu sau, qua cơn cảm xúc, đọc thư xong, nàng nhỏ giọng thì thầm :

        _ Em không thể tin được nhưng đó là sự thật phải không anh?

        Huy gật đầu :

        _ Anh cũng nuôi ít nhiều hy vọng nhưng anh không dám nói với em.

        _ Theo anh thì vì đâu mà bố mẹ anh đã đổi ý ?

        Huy mỉm cười, ôn tồn trong lúc ánh mắt sâu buồn của chàng như sáng lên :

        _ Anh có gửi ảnh cho anh Hải hôm trước và anh ấy đã cho bố mẹ xem ảnh của bé Mi, một tấm chụp nó hôm đầy năm, một tấm anh mặc quân phục bế nó cách đây ít lâu, em nhớ chứ? Nhìn ảnh con mình, ông bà nội nó đã khóc vì cảm động và đổi ý ngay.

        _ Làm sao em không nhớ? Mình đâu có điều kiện chụp nhiều ảnh, tất cả ảnh của tụi mình và bé Mi ở trong một tập album nhỏ thôi. Em ước ao có ảnh con mình chụp với tất cả mọi người gia đình anh, nhất là với hai con của anh chị Hải.

         Hạnh phúc ngập trái tim, Huy ôm xiết Lệ và hôn khắp mặt nàng, bất kể những người khách đối diện tò mò đang nhìn họ một cách kín đáo nhưng đầy cảm tình.

         _ Rồi mình sẽ có những ảnh đó nhưng tối nay mình sẽ viết thư cho bố mẹ và gửi thêm một tấm ảnh chụp cả ba người nhé em.

         _ Vâng anh nói đúng, phải viết thư ngay, anh Hải của anh tốt và thương tụi mình quá, em mang ơn anh ấy vô cùng.

         _  Nếu em biết lúc anh khoảng mười lăm tuổi, anh ấy đã hai mươi ba và bắt đầu yêu chị, anh là người đưa thư và bao che mọi điều cho anh ấy lúc bị bố phát hiện.

         _ Bố anh cũng không chấp nhận mối tình của anh chị ấy sao?

         _ Bố anh hy vọng anh Hải đi tu nghiệp ở Mỹ, nếu lập gia đình anh ấy sẽ bị khó khăn, sau cùng, anh ấy không được vào danh sách nên bố anh cũng đành chịu phải cho họ tiếp tục quen nhau rồi lấy nhau.

          Lệ mơ màng :

         _ Thế là rốt cuộc những người cha mẹ vì thương con và chấp nhận tất cả. Em đã không dám mơ đến ngày hôm nay có tin này, em cũng chẳng mường tượng được đời mình lại có đám cưới, dù nhỏ.

          Huy trả lời nàng bằng ánh mắt yêu thương ắp đầy niềm vui, cho đến gần đây, chàng vẫn còn nuôi dưỡng hy vọng được có ngày mang Lệ và bé Mi về để ra mắt cha mẹ, chàng luôn nghĩ nếu mẹ con nàng được nhìn nhận bởi gia đình chàng là điều làm chàng yên tâm vì đứa trẻ cần được vây bọc bởi tình gia đình là điều kiện tinh thần quan trọng nhất. Lệ đã lựa chọn và chấp nhận tất cả để sống hoàn cảnh này, nhưng con họ thì không và nó hoàn toàn vô tội. Từ khi dọn lên Đà Lạt, chàng đã không về thăm gia đình vì không muốn phải chịu đựng không khí khó thở với thái độ cực đoan của cha mẹ và các cô chị gái em gái, thay vì sự tiếp đón vui mừng nồng hậu mỗi lần về phép trước kia, khi chàng chưa quen Lệ. Cạnh đó còn những bà cô bà thím, chị họ em họ sẵn sàng giương móng nhọn cào cấu bươi móc, nói ra nói vào và xem cảnh sống của chàng như một sự cố đặc biệt để nghiên cứu bàn tán, lấy làm thú vị. Và mẹ chàng vì thế mà đau khổ.  Ôi thôi giòng họ cả hai bên cha mẹ chàng rất đông đúc đã rùng rùng kéo vào Nam từ ngày di cư và đương nhiên, người Bắc vốn bảo thủ vẫn nỗ lực duy trì tất cả những phong tục cũng như văn hoá và cách sống nề nếp của gia đình nên chàng chỉ mong muốn bố mẹ chấp nhận cảnh sống của mình để được giải thoát khỏi những vướng mắc tinh thần khi nghĩ đến vợ con và mang đến cho Lệ sự che chở yên ổn mà nàng khao khát. Nàng khốn khổ đến phải cố gắng bắt chước cách phát âm tiếng Bắc của chàng, đến cách diễn tả câu kệ theo lối Bắc và học hỏi thêm về cách làm bếp của người Bắc từ mẹ của An Hòa và Ấu Thi …Và thêm vào đó, ánh mắt của mẹ chàng diễn tả nỗi đau đứt ruột của bà như một ám ảnh không nguôi mà chàng không thể chịu đựng, ánh mắt đó đã luôn hiện đến trong tâm tưởng mỗi lúc chàng thấy mình bị đẩy vào gần cái chết từ những phút giao tranh … Nhưng trong thâm tâm, dù mọi điều sẽ ổn, chàng muốn cho vợ con nương náu ở thành phố êm ả này để tránh gặp gia đình họ hàng quá thường xuyên …

        

                                                                 ( Còn tiếp … )

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 935
Ngày đăng: 06.03.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xập xòe én liệng - Nguyễn Đức Tùng
Nhớ một mái hiên - Lê Hứa Huyền Trân
Xa quê - Diệp Hồng Phương
Bà chúa hời - Khuất Đẩu
Màu hồng của tôi - Đỗ Quý Dân
Rất may bên tớ còn có cậu - Lê Hứa Huyền Trân
Những đêm trắng - Khuất Đẩu
Bức thư của người mẹ trẻ - Trương Văn Dân
Cô bé có tràng hoa quấn cổ - Nguyễn Anh Tuấn
Nối dõi - Lê Hứa Huyền Trân
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)