Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
803
116.688.616
 
Vòng tay hư ảo (Phần 3)
Đỗ Nguyễn

 

 

       Mỗi tuần hai lần Minh Phượng được gặp người yêu, mỗi lần khoảng ba tiếng đồng hồ với người đàn ông là thầy dạy dương cầm rất nổi tiếng của nàng; họ cùng tập đàn và trò chuyện, nắm tay, hôn nhau lén lút vội vàng. Không bao  giờ họ dám hò hẹn nhau ở ngoài, vì ông đã có gia đình. Vợ và hai con. “ Marié, deux enfants ” chúng  mày ạ!  Lũ bạn thì thào sau lưng. Minh Phượng lặng lẽ  lùi vào góc tối riêng mình, nàng vốn ít nói, ít bạn, Tâm Giao là người bạn duy nhất mà nàng có thể nói nhiều. Tình yêu của nàng vô vọng. Hai trái tim đập cùng một nhịp trong khoảng cách lớn rộng, lặng lẽ đã như một bức tường kiên cố được dựng lên từ tiền kiếp.

      Minh Phượng không ưa Cẩm Thúy, nàng thì thầm với Tâm Giao, lúc cả hai nằm dài ở đồi Cù, bên gốc một cây thông, trong một buổi hẹn bạn gái.

      _ Đẹp thì có đẹp nhưng tính tình thì dễ ghét vô tả, lạnh như tiền, chắc chỉ “nóng” có lúc thôi, và “nóng” với ai  đó thôi ! Cậu mợ tao không chịu  đâu nhưng  không dám tỏ ra gay gắt, sợ anh Sĩ  nổi cơn sẽ xung  phong vào lính như  anh Sơn thì khổ  nên phải tỏ ra chiều chuộng ông ấy, để cho ông ấy muốn làm gì thì làm. Nhưng thế nào cũng có thay đổi cho xem, ông này đã bỏ rơi bao nhiêu em rồi ! Và tình yêu của họ có một chút gì ngậm ngùi, bất  trắc thế nào ấy. Trong  khi Oải Hương thì vẫn yêu ông ấy chân thành. Nhưng như mọi thứ, Oải Hương rất  hiện đại, và có một người  tình học Triết, gàn dở điên khùng,  lúc tỉnh lúc say là  khuynh hướng sống hiện đại của bọn gái  Pháp dạo sau này.

     Tâm Giao nghĩ  ngợi, cắn ngập răng một quả mận Trại Hầm ngọt và chua, hương vị của cây trái tuyệt vời, mắt nhìn những  cành lá thông đang đong đưa trên cành, gió nhè nhẹ hiu hiu. Với vẻ đẹp nồng nàn tàn nhẫn, Cẩm Thúy che giấu cảm xúc bằng bề  ngoài lạnh nhạt bất cần thì đúng hơn. Và Sĩ ? Chàng không nói gì với ai bao giờ. Chàng  không cần  ai hiểu mình và biết gì về mình. Chàng lãnh đạm, vô cùng cách biệt và  kín đáo.

    _ Anh Sĩ vẫn muốn vào lính à?

    _ Thì thế! Nhưng  vẫn chưa quyết  định được nên cứ loay hoay vò đầu bóp trán, rồi có lúc xuống tinh thần ghê gớm, lúc  say quá, ông  cứ lải nhải nói về việc này. Hôm rồi, anh ấy có vẻ cương quyết, thế là bà mẹ lăn đùng ra gào khóc, kêu khổ.  Cơ mà cậu mợ  tao khổ thật với mấy  ông con giai ! Anh Sơn thì bị thương, về từ Hoàng Sa, nằm ở Quân Y Viện mới ra, ở nhà bà cô tao Sài Gòn. Ông bà khổ sở chạy lo cho anh ấy sang Pháp du học mà trước ngày đi, anh ấy lại  trốn biệt rồi sau đó mò về để vào lính để bây giờ què quặt. Đời sống lúc nào cũng tối tăm. Tao nản quá, cứ vùi vào cái  đàn cho đỡ đau đầu thôi.

    _ Anh Sĩ bị dằn vặt, vì anh Sơn và nhiều bè bạn hy sinh. Tao hiểu.

    _ Đăng thì sao ?

    _ Chắc anh ấy sẽ xuất ngoại nếu có học bổng. Cũng là một cách ra đi nhưng có ngày về. Và tao sẽ phải đợi lâu nhưng làm thế nào được?

    _ Mày và Đăng cứ thế thôi à? Có màn gì hấp dẫn hơn kể nghe coi !

    _ Ừa, cứ thế, không  tiến cũng chẳng lùi, dậm chân tại chỗ, ông ấy cứ lờ đờ lơ lửng làm tao phát điên, chán lắm nhưng phải chịu. Tao yêu quá nên phải chấp nhận.

    _ Vẫn không có gì hơn thế à?

    _ Không! Vẫn từng í món thôi. Này Phượng, hôm nọ tao nói chuyện với Hạnh Đào, nó khoe lão bồ nó biết yêu ra phết! Nó đê mê hạnh phúc lắm đấy! Ngày nào chúng nó cũng phải gặp nhau.

    _ Còn gì nữa! Nó may mắn thật!

    _ Bởi vậy tao mới khổ vì Đăng quá e dè, tưởng tượng đi, chỉ có hôn thôi mà lại càng khó chịu, xiết thì không  đủ chặt, đến nỗi tao nghi ngờ  rằng anh ấy không  yêu tao lắm, tao thì thèm được giông bão  tơi bời cho no đủ phủ phê mà anh ấy yêu lặng lẽ, yêu trầm mặc, chỉ muốn tình bay lang thang trên mây cao thôi.

     _ Không  phải thế đâu! Anh chàng dè chừng để không đi quá xa. Ông Bô mày hung thế, Đăng cẩn thận cũng phải, anh ấy đã dám liều mạng sờ vào con gái út của ông Đại tá Tỉnh trưởng là can đảm lắm rồi, mày phải có tí óc để hiểu là phải kiên nhẫn. Nghe chưa? Chuyện đâu còn có đó, không cần phải nhắng lên như thế vì mày có tình yêu trong tay rồi, trong khi tao thì thảm ra sao?

      Minh Phượng muốn nhắc  đến chuyện chị lớn của Tâm Giao là Tâm Hằng cách đây vài năm, yêu và nằng nặc  đòi lấy một người thầy dạy đại học hoạt động cách mạng, thường xách động biểu tình chống chiến tranh, đã bị  ông  bố nàng xoay cho  vào lính và  đóng quân ở  tận quân khu 1. Rốt cuộc, Tâm Hằng cũng phải nhận lời lấy một  chàng bác sĩ  vừa tốt nghiệp  đã đứng chầu sẵn từ lâu. Đăng đã không hề biết gì về gia cảnh của Tâm Giao lúc bắt đầu đọc  những bài văn nàng viết và từ đó cảm mến nàng.   

     _ Thảm là tại mày! Phượng à, Hoàng yêu mày ai cũng rõ, type đàn ông đó cũng hay lắm chứ! Mày quá  mơ mộng thì nên có một ông chồng như thế mới quân bình cho cuộc sống. Cho Papa đi về với vợ con luôn cho rồi! Nếu không, mày sẽ hối  tiếc sau này. Hoàng rất được, đẹp trai, tính tình dễ thương, ngổ ngáo, đôi  khi tinh quái  nhưng  thông minh. Bọn con gái để  ý lắm đó. Hắn được  lòng các nàng, có vẻ thân với một nàng bên  lớp Sử Địa mà tao không  biết tên, trông cũng  xinh, nếu mày không quyết  định, hắn sẽ có nàng khác ngay. Thời buổi này, vớ  vẩn là không có chồng đâu, có được  đàn ông sao mà khó quá! Họ cứ như có phép tàng hình ấy!

     _ Mày nói đúng! Hoàng thực tế, dân Chính trị Kinh doanh mà, Oải Hương có khác ông anh nó nhưng cũng thực tế hơn hai đứa mình. Trong khi Papa là một nghệ sĩ. Chịu thôi. Tình yêu đến với người ta như thế, không giải  thích nào cả. Nếu dứt điểm, có nghĩa là tao bỏ luôn âm nhạc, mà âm nhạc là lẽ sống đời tao. Nói khác đi, âm nhạc và Papa  là lẽ sống đời tao. Không gì và không ai có thể thay thế được.

      _ Nhưng nếu họ không bao giờ  sẽ là của mình thì … Gớm! Yêu thế thì yêu làm quái gì? Này! Còn xí mụi không?

     _ Đây! Hốc cho lắm vào. Mặn chết khiếp. Cái miệng ăn vặt! Con này!

     _ Mày muốn tao phì  phèo thuốc lá như Cẩm Thúy à? Hút và uống không kém con trai.

     _ Điên! Bà  ấy cứ tự hủy thế chỉ vài năm nữa nhan sắc sẽ bị tàn phá hết.

     _ Khổ thật! Nhưng Cẩm Thúy gần như  muốn chết theo anh Quân. Tội quá!

     _ Đã có ông Sĩ  an ủi. Không  phải  việc của mày.

       Minh Phượng có một lẽ sống nhưng sống trong bình lặng cô đơn. Cô đơn. Cô  đơn tận cùng trong mênh mông ngày và đêm. Và  suốt cuộc đời còn lại. Tình yêu như  những nốt nhạc đục  trầm buồn bã, là một bản tình ca không  tận của  sóng biển. Tình yêu của nàng không ngùn ngụt rực  lửa đam mê, đó là ngọn nến lung linh nhạt nhoà, âm thầm suốt trong đêm dài của đời người mờ  tối.     

      Buổi học đàn dương cầm đầu tiên lúc Minh Phượng lên bảy tuổi, từ buổi tập đàn đầu tiên, lúc những ngón tay bé tí vụng dại được những ngón tay đàn ông vững chãi cầm lấy đặt trên phím, cho đến bây giờ là hai mươi mốt, trình độ của nàng đã vượt người thầy nhưng nàng vẫn đến để tập dợt cho những cuộc hoà nhạc. Bao nhiêu nốt nhạc  như ngần ấy giọt mưa khắc khoải  đã rơi trên cuộc tình lay lắt u hoài, lờ lững như giòng thời gian.

      Tuổi mộng của nàng trôi trên giòng nhạc tình say đắm nửa vời, mắt môi muộn phiền hoang hoải, một mình chới với giữa giấc chiêm bao huyền hoặc, một mình trên những bước chân tội lỗi hướng về nhà nguyện trong từng hồi chuông hối cải ăn năn. Thênh thang đời sống ngoài kia, khung trời bồng bềnh mây khói, cỏ hoa dâng khúc tự  tình cho mùa xuân thầm kín dịu dàng, cho đời người sẽ tàn phai giữa mênh mông chiều xuống.

      _ Kìa nó đến!

       Tâm Giao kêu to mừng rỡ khi thấy Oải Hương  vừa dựng chiếc xe máy Cady đời mới, màu trắng thanh lịch phía chân đồi, và chậm rãi đi lên, tay xách cái giỏ bằng mây. Minh Phượng bật dậy, trầm trồ :

      _ Sao hôm nay nó tươi thế?  Con nhà may Âu phục có khác! Lúc nào cũng à la mode. Ôi giời ! Quần cigare trắng, áo pull hồng! Trông mày xinh  xẻo tươi  mát như các nàng trong Salut Les Copains. Mới  cắt tóc hở? Được lắm  Hương! Tóc ngắn hợp với mày ghê!

     _ Mignonne quá đi mất!

      Tâm Giao nghiêng đầu, nheo mắt. Oải Hương bước  đến, tươi cười, lắc nhẹ mái tóc Sylvie Vartan, không trả lời, đặt xuống cái giỏ mây có chứa  đồ  ăn rồi mở  rộng cái khăn trải ra trên bãi cỏ. Tâm Giao nhìn Minh Phượng:

     _ Con này vẫn như bao giờ, chu đáo thật! Hai đứa mình đoảng, chỉ giỏi nói nhiều. Xấu hổ quá!

       Minh Phượng cười rúc rích :

     _ Và giỏi ăn nữa chứ !

       Oải Hương vẫn im lặng, sắp xếp các thứ ra cho bữa ăn xế. Tâm Giao xuýt xoa :

     _ Có bánh dày kẹp giò cơ à? Tao thích hơn bánh bao! Nãy giờ  tao tọng cho một đống mận với xí mụi đang xót cả ruột đây!

     _ Thì ăn đi, còn chờ gì? Hơn bốn giờ chiều rồi còn gì !

     _ Cho tao cái bánh dày với quả ổi là được rồi. Để chuối cho con Tép.

      Tép là tên Sĩ đặt cho em gái vì nàng rất gầy. Minh Phượng gật đầu :

     _ Mày nói đúng, tao cần lên ít nhất hai ký, ăn chuối tốt. Tao ăn bánh bao trước đã.

     _ Xực ngay đi tụi bay! Nói mãi. Có chè đậu ván nữa đây! Hai đứa mày phải ngoan tao mới cho.

      Oải Hương nói, rót cà phê từ cái phích nhỏ ra ba cái tách bằng nhựa màu trắng. Gia đình nàng sống trong một căn nhà  phố ở trung tâm, mặt tiền là một cửa tiệm may Âu phục nổi tiếng ở đường Minh Mạng, việc chợ búa  rất tiện lợi  nên mỗi lần họp mặt, nàng phụ trách việc mua thức  ăn xách đến. Cả ba ăn uống ngon lành. Mặt trời chếch về hướng Tây, những tàng lá  thông rì rào trong gió. Tâm Giao nhìn Oải Hương bằng ánh mắt biết ơn, thầm nghĩ cô nàng vừa  xinh vừa  đảm đang, lại học giỏi. Sĩ  không biết là chàng rất may mắn.

     _ Dạo này mấy ông anh thế nào? Cũng cả hơn tháng không đến nhà mày. Ai cũng túi bụi đủ chuyện nhỉ?

      Oải Hương hỏi Minh Phượng. Lần cuối cùng tụ tập, nàng đã không đến vì không muốn gặp Sĩ nữa nhưng vẫn  muốn nghe  nói về chàng và  tim vẫn nhói  đau. Yêu Sĩ, thường âm thầm khóc  và muốn bất chấp  liều lĩnh  buông mình vào cuộc chơi hun hút  đêm đen với chàng.  Dù  quá nhiều nguy hiểm. Nàng biết mình khó tồn tại với cái thú đau thương kỳ dị  đó. Thái độ  sống và yêu của  Sĩ  đầy bất trắc giữa vùng sáng chập chờn hư ảo và bóng tối  chao lượn rình chờ, chàng yêu với một trái tim chết và tình yêu với chàng là một bãi tha ma tuyết phủ, u uất băng lạnh. Hoặc  có một lúc nào đó, Oải Hương  có cảm giác lồng ngực chàng như rỗng hoác, không có trái tim. Tất cả đều vô định. Một  khởi điểm là một cuối cùng. Không phải kiếm tìm ý nghĩa gì cho cuộc đời chỉ có những gì hoàn toàn vô nghĩa.

      Nhưng đồng thời nàng không muốn mình là một con số cộng hoàn toàn vô nghĩa  trên cái  danh sách tàn nhẫn mà chàng hững hờ  thêm vào đó nếu có thể. Hôm lâu rồi, Sĩ nằm bệnh viện vì một cơn đau dạ dày hành hạ ghê gớm. Oải Hương đến thăm chàng với bánh trái mang theo, bước vào phòng, nàng gặp  Cẩm Thúy ngồi đó, họ  đều cố giữ  tự nhiên, thăm hỏi trò chuyện bình thường; một lúc sau, một cô bồ cũ đến, Oải Hương đứng lên đi về, vừa ra đến cửa, một cô nữa xuất hiện, trên đường về, nàng lại  thấy một cô khác trên xe máy đang hấp tấp hớt hải rẽ vào lối bệnh viện, chận hỏi nàng có đúng như  tin vừa nghe là Sĩ phải nằm viện không?

     Oải Hương khóc nghẹn ngào, đau đớn  thầm hỏi tại  sao Cẩm Thúy có vẻ  như không hề  quan tâm đến tình trạng  đó?  Đó là cách duy nhất để giữ Sĩ ? Và tại sao những cô kia vẫn yêu chàng? Lão điên điên gàn dở  kia có cái gì để bọn con  gái mê mẩn đến thế?  Và mình cũng không thể nào gạt hắn ra khỏi tâm trí là sao? Từ năm mình  mười sáu tuổi, lần đầu nhìn thấy hắn đi lừ đừ  trong cơn mưa phùn  hiu hắt, vào lúc chạng vạng tối, bình thản trong cái  imperméable  màu xám, vẻ bất cần đời, cùng lúc như bị đời hắt hủi, chẳng nhìn  ai, tóc rũ xuống trán, khói thuốc vật vờ bay … Trông hắn như  một  Zombie thất thểu lạc loài, một oan hồn phiêu lãng bơ vơ, hắn là biểu  tượng của  nỗi cô đơn tuyệt  đối  đến xót  lòng, và mình xúc động, dù  mình  không lãng mạn  đến thế!  Chỉ muốn  được có hắn để săn sóc yêu thương, để  cho hắn hạnh phúc, nhưng hắn lại chẳng màng đến hạnh  phúc. Ta có mù lòa không khi  yêu một bóng ma hay một  xác chết? Tiếp tục yêu kiểu này, ta sẽ điên! Điên vì một gã điên! Không! Nàng cương quyết  với lòng  sẽ  dứt điểm, nhưng dường  như  Sĩ  càng lãnh đạm xa vắng, chàng  càng lôi  cuốn nồng nàn; vẻ im  lặng khắc khoải của  chàng như chỉ là hư vô và đồng  thời là một hứa hẹn cho  tất cả, từ  những  ngút ngàn đầy ắp cho đến những mất mát không  cùng. Đôi khi  Oải Hương thầm mong  Sĩ hóa kiếp thành một giọt mưa.

    _ Ai cũng bận học nhiều thôi.

      Minh Phượng bóc vỏ quả chuối, trả lời.  Oải Hương bật nói không suy nghĩ :

    _ Nhưng cũng nên có sinh hoạt khác chứ? Tuần tới picnic ở Suối Vàng đi! Chợt nhớ đến Cẩm Thúy, nàng tự hỏi mình sẽ ứng xử ra sao nếu Thúy có mặt, nhưng Thúy không thích kiểu sinh hoạt này nên chắc chắn sẽ không đi.

    _ Ngoài việc học là đọc sách báo, có phim hay thì cũng đi xem, vậy thôi! Ừ đúng picnic Suối Vàng! Mày luôn có sáng kiến và giỏi tổ chức.

     Tâm Giao nhíu mày trầm ngâm rồi nói :

    _ Bọn họ đọc nhiều hơn tụi mình nhỉ? Và  nhiều thể loại khác nữa.

      Minh Phượng ra vẻ hiểu biết :

    _ Tao thấy cả ba ông đều khoái đọc Bách Khoa, Văn, Ý Thức … nhưng giữa đống sách triết Nietzsche, Shopenhauer, và những Hess, Faulkner, Saint Ex, Proust, cho đến Remarque, Zweig cũng có cả D H Lawrence, Miller. Có lúc, cả ba ông rủ nhau chúi đầu vào tờ Playboy xem ảnh khỏa thân, nuốt nước miếng ừng ực, trầm trồ xuýt  xoa.

     Oải Hương cười xòa thông cảm :

    _ Mấy ông hư thật! Tụi mình ngoan hơn họ nhiều chứ nhỉ?

    _ Chưa chắc mình đã ngoan! Nhưng phải nhìn nhận là nếu so sánh, chắc tụi mình thua các nàng trong Playboy một bậc.

     Tâm Giao nói xong, cười khúc khích, Minh Phượng trợn mắt :

    _ Đừng nói với tao là mày cũng đọc D H Lawrence, Miller và xem Playboy! Con quỷ!

    Tâm Giao vênh mặt :

    _ Ai cấm được tao đã? Tao có quyền tò mò chứ. Mấy ông đọc công khai, tao lén đọc trong giường buổi tối. Hơn hai mươi tuổi đầu rồi, mày muốn tao đọc Tuổi Hoa Tuổi Ngọc, Tự Lực Văn Đoàn hoài sao?

     Minh Phượng gật gù, ánh mắt sâu nhíu lại  :

    _ Mày ghê thật nhỉ? Tao không ngờ đấy! Mày đã hoàn toàn thay đổi. Tâm Giao! Hồn mày bắt đầu vẩn đục mất rồi ! Có nghĩa là mày đang chìm vào bể khổ. Tao thương mày!

    _ Không cần mày thương hại. Tao viết mà, tao cần phải tham khảo đủ thứ, một nhà văn phải có tự do tư tưởng thì mới  sáng tạo được, văn chương nhờ thế mà phong phú, đa dạng, không bị gò bó. Mày cứ cắm đầu vào cái đàn thì biết quái gì cái khác? Nhưng mày cho là mấy tác giả đó ghê gớm, có nghĩa là mày cũng đã đọc mới rõ thế. Ha ha! Tưởng đây không biết?

      Minh Phượng bĩu môi :

    _ Tao thèm vào đọc loại văn chương dung tục ấy nhưng tao có nghe nói, nghe thôi đã rùng mình rồi chạy dài.

     Tâm Giao nghiêm trang :

    _ Tao khẳng định là tao đủ bản lãnh và trình độ để đọc mọi thứ mà không hề bị ảnh hưởng gì cả, chỉ để biết về tư tưởng con người thôi !

    _ Chưa  chắc! Đừng vội tuyên bố láo lếu nghe mày!

    _ Tao biết mà! Tao  như  đã được tiêm ngừa rồi! Đừng lo! Tao vẫn thích những tác giả cổ điển.

     Minh Phượng lắc đầu :

    _ Văn hoá đồi trụy thật tai hại cho tuổi trẻ ở cái thời đại khốn khổ này! Papa đã luôn nói với tao rằng cái thời đại mà con người phải chết vội vàng trong tâm trạng bất ổn hoảng loạn thật nguy hiểm. Chỉ vì tuổi trẻ không được  hướng dẫn nên lạc lối. Mày nên nghe nhiều nhạc cổ điển để đầu óc được minh mẫn trong sáng ra! Bach và Vivaldi, nghe nhiều vào, tốt  cho con người bị ám ảnh u mê bởi những tư tưởng hiện sinh như mày.

     Tâm Giao bực tức nhăn nhó, đặt mạnh tách cà phê xuống :

    _ Tép  ơi! Tao không có khuynh hướng đó, nhạc  thì có nghe đấy chứ nhưng với tao, đọc quan trọng hơn vì tao thấy mình trong những nhân vật, khám phá hiểu biết thêm về chính mình và tao cần sống thật với chính mình. Làm văn chương  mà không có tự do diễn tả thì bẻ bút còn hơn. Mày chủ quan và độc đoán lắm! Ý kiến của Papa luôn là ý kiến của mày. Tao còn lạ gì chứ?

    _ Im  đi để cho tao ăn! Ăn một miếng cũng không xong là thế nào? Oải Hương quát. Nàng thấy đến lúc phải can  thiệp vì hai cô bạn thân đã có lần giận nhau rất lâu chỉ vì bất đồng ý kiến, đưa  đến tình trạng nhạt nhẽo buồn  thảm cho cả lũ. Mỗi  đứa chúng mày đều có lý thì cứ giữ ý mình là được. Không cần phải gân cổ lên! Nghệ thuật  với tao là để giải trí, có chút nhạc chút thơ cho cuộc đời đỡ khô khan thôi. Đam mê như tụi bay dễ sa đà lắm! Rồi đừng hỏi tại sao lại khổ? Đủ rồi! Muốn ăn chè đậu ván thì im giùm nhé!

 

    

 

     _ Vậy thì anh chị khác nhau ở điểm nào? Điểm giống nhau thì … Tâm Giao hỏi, gõ nhẹ những ngón tay lên thành ghế.

     _ Thúy thích bè bạn đông, giao tiếp nhiều để vượt qua nỗi buồn. Với anh, tất cả những thứ đó mang tính hời hợt, anh yêu thích một đời sống êm ả, rất ít bạn và cần một nơi trú ẩn bình yên giữa thiên nhiên như một người già ẩn dật, trong rừng hay trên núi hoặc ngoài đảo … À một căn nhà nhỏ bằng gỗ trong rừng, bên một giòng suối trong xanh, như ông chú của anh có, đơn sơ những ấm cúng biết bao! Chừng nào hết chiến tranh chắc giấc mơ đó mới thành sự thật.

     Căn nhà nhỏ bằng gỗ trong rừng, bên một giòng suối trong xanh! Không dễ khai thác được từ Sĩ những gì riêng tư, chàng luôn khéo léo hướng  về đề tài khác. Tâm Giao vắt chân chữ ngũ, cắn móng tay, mỉm cười nhìn Sĩ đang nhả khói thuốc, cử chỉ chậm rãi lười biếng, tiếng nói ấm áp ôn tồn, dáng đi lững thững trên con đường riêng, một lối đi riêng về đến cuối đời … Gia đình có điều kiện nên vẫn còn học thong dong, chẳng việc gì vội vã, trong khi mình, mới hơn hai mươi cái xuân xanh cả nhà đã bắt đầu quýnh quáng lo mình ế chồng. Cha mẹ chàng chỉ mong mỏi chàng đừng tình nguyện vào Hải Quân như Sơn.

      Nàng chợt nhớ đến tối thứ Bảy nào, sinh nhật Cẩm Thúy đã được tổ chức một cách khá rầm rộ, ban nhạc sống, nhạc ngoại quốc, nhiều bạn bè, rượu, thuốc  lá và bánh trái, áo quần xênh xang, nhảy nhót tưng bừng … và Sĩ đã tìm được cớ để về sớm.

     Sĩ nhìn Tâm Giao, qua làn khói thuốc nhạt mờ, người thiếu nữ vừa lãng mạn ngây thơ vừa lí lắc tò mò, dù có lúc bướng bỉnh, nàng vẫn dịu những đợt sóng lăn tăn trên mặt hồ chiều thu.

    _ Em khuyên anh phải làm gì đây, hở cô bé?

     Tâm Giao bật cười khúc khích rồi lấy vẻ nghiêm trang, tiếng nói thánh thót :

    _ Em nhỏ  tuổi hơn anh mà được anh mời làm cố vấn thì thích thật, em là bà Tùng Long gỡ rối tơ lòng đây. Lời  khuyên chân thành của em là anh mau lên … Hoa khôi mà, mấy anh trồng cây si đang ngóng ; tụi em xí như quạ  thì sợ ế chứ chị ấy thì đâu có lo. Anh thật may mắn lọt vào mắt huyền của người đẹp đấy. Về cách sống, anh chị nên dung hòa, không nên khép kín quá độ mà cũng đừng quá nhiều giao tiếp ồn ào.

      Sĩ  không trả lời, vẫn nhìn nàng với ánh mắt khó hiểu. Cùng lúc, Tâm Giao nghĩ đến thân phận mình, sau bậc trung học  đệ nhị cấp, bạn bè đứa nào không học tiếp thì lấy chồng, đứa nào chưa có bồ thì lo ra mặt, đứa nào có người yêu thì phải ôm giữ khư khư chàng của mình như kho báu mong ngày ra trường để lên xe hoa … Thời buổi chiến tranh khó khổ, nhìn quanh chỉ thấy toàn đàn bà con gái ; từ ngày Tổng Động Viên, các chàng trong quân đội cứ biến vào cuộc chiến, các chàng có điều kiện đã xuất ngoại du học, các chàng còn sót lại trở thành hàng hiếm, có nhiều lựa chọn, chỉ thích quen và yêu nhưng rồi để đấy, cứ lờ đi không muốn tiến tới với lý do không  biết ngày mai sẽ ra sao, có thể cũng sẽ vào lính. Và  Đăng cũng không hề nói gì với nàng dù họ yêu nhau đã gần năm rưỡi nay. Hôm trước dì Út sốt ruột, đã  giới thiệu cho cô cháu gái một nhà canh tác tơ tằm ở Bảo Lộc, có cơ ngơi, gia cảnh đàng hoàng, thu nhập rất cao, đang tìm vợ vì sắp đến tuổi ba mươi ; dì đưa ảnh Tâm Giao  cho ông ta xem và ông bằng lòng ngay, cô gái giãy nảy chê ông này già nhưng trong thâm tâm, nàng nghĩ đến việc tự tử nếu bị cha mẹ ép buộc phải lấy ai khác ngoài Đăng dù chưa rõ mình có can đảm thực hiện điều này  hay  không. Một  người anh trai hiện trong quân đội, đóng ở quân khu 2 nên cũng thường về thăm nhà, một người  khác  đã lập gia đình, cũng  may người chị của nàng vừa đi lấy chồng năm ngoái nên ông bà vừa trút được  một gánh  nặng, chưa có sức lo tiếp, hơn nữa  họ không  đến nỗi  bảo thủ  nên còn đủ bình  tĩnh để đối phó với  quả bom nổ chậm thứ hai còn trong nhà, Tâm Giao lại là con gái út, nàng được bố yêu chiều cưng quý nhất nên hy vọng mẹ nàng không đến nỗi nghe lời dì Út, hối thúc nàng lấy chồng ngay. Nàng có thể vừa học vừa chơi, thong thả với bạn bè và sẵn sàng chờ đợi Đăng vài năm nữa.

      Nhưng cuộc  sống của Đăng vừa bận rộn cho hiện tại vừa đầy dự tính tương lai và tình yêu của nàng không kéo chàng lại gần hơn. Nỗi khao khát được ngập chìm trong hạnh phúc của nàng chỉ được nuôi dưỡng bằng hy vọng, triền miên hy vọng và những ước mơ thầm kín bí ẩn, tơ sầu mong manh.

      Như đoán biết ý nghĩ Tâm Giao, Sĩ nói :

     _ Đăng vắng mặt lần này sẽ … hơi lâu.

      Tâm Giao hơi sững  nhưng lấy vẻ bình thường, tay hất nhẹ ra sau vai một nhánh tóc vừa rơi xuống, nàng chớp mắt.

     _ Em hy vọng rằng không quá một tuần, sau công việc ở Sài gòn, anh ấy lại lên ngay đó mà, ở dưới ấy làm gì, nóng điên người.

      Sĩ hơi bối rối lúc bắt gặp ánh mắt dò xét của nàng, chàng nhìn khói thuốc, chuẩn bị tinh thần để nói sự thật. Nàng vội hỏi :

     _ Em có cảm giác như anh muốn nói thêm với em điều gì về Đăng? Sao tự nhiên em thấy sốt ruột quá!

      Sĩ tìm cách nói vòng vo :

     _ Anh biết Đăng rất rõ, nó có nhiều đam mê.

     _ Em biết!  Nhưng anh ấy tự buộc mình phải luôn thực tế.

      Sĩ thở nhẹ ra :

     _ Em nói  đúng. Đăng rất cương quyết trong đời sống. Khi đã vạch ra một hướng đi, nó phải đi đến đích. Nó luôn  chín chắn, khôn ngoan, trưởng thành trong cách suy nghĩ, dù có sôi nổi lãng mạn.

     Tâm Giao mở lớn mắt, cảm thấy bất an :

     _ Sao tự nhiên anh nói với em những điều này?

      Sĩ  trầm ngâm :

     _ Tại vì … anh phải nói.

      Tâm Giao hoang mang, nàng cắn môi.

     _ Anh ấy dặn anh nói với em chuyện quan trọng gì đấy, phải không?

      Sĩ vẫn đi lòng vòng :

     _ Gần  đây, Đăng đã trải qua một thời kỳ giao động nội tâm dữ dội vì nó phải quyết định lựa chọn nhưng tất cả đã không dễ dàng, chỉ vì một dứt khoát chưa phải là lối thoát mà sẽ còn là một ám ảnh vĩnh viễn. Tụi anh đã nói chuyện rất nhiều với nhau. Anh rất hiểu Đăng và quyết định của nó.

      Đàn ông phức tạp thật. Tâm Giao nghĩ. Dưới bên ngoài bình thản, ánh mắt rất ít lộ cảm xúc, sau vẻ mặt tươi cười của họ luôn là hố sâu tư tưởng đầy uẩn khúc, với bao mâu thuẫn dằn vặt tâm tư. Một người đàn ông có những  nguyên  tắc riêng và khắc khoải trung thành với những nguyên tắc đó. Họ luôn cần phải sống với đam mê, làm  một điều gì hữu dụng để khẳng định  chỗ đứng của mình trong xã hội và không hổ thẹn với gia đình, với  dân tộc, để cuộc đời không trống rỗng. Họ khắc nghiệt với bản thân để bị dày vò xâu xé nhưng thà như thế còn hơn chấp nhận an nhiên trong lòng.

      Nàng đã luôn biết Đăng có nhiều giằng xé riêng tư nhưng ít khi bày tỏ với nàng. Tại sao hôm nay Sĩ có vẻ bất  thường như thế? Nhưng  nếu đó là chuyện giữa  bọn họ nói với nhau, nàng  cũng không muốn biết, cũng như chuyện của đám phụ nữ với nhau, không liên hệ đến họ chút nào.

     _ Anh Đăng đã quyết định cái gì? Em chẳng biết.

     _ Điều anh sắp nói với em thật không dễ cho anh, anh mong em hiểu.

      Sĩ lên tiếng, ngập ngừng ; Tâm Giao nhận ra nét băn khoăn khó hiểu trong mắt chàng, nàng nhíu mày, tim đập mạnh :

     _ Vậy sao? Anh Đăng có nhắn gì thêm với anh à?

     _ Đăng sẽ vắng mặt lâu cho chuyến đi này.

     _ Anh đã nói hồi nãy rồi, em cá với anh là anh ấy lâu nhất là một tuần thôi mà.

      Sĩ lại lắc đầu :

     _ Không, lần này khác.

     _ Nghĩa là … anh ấy lại có việc gì khác nên ở lại đó lâu hơn?

     _ Đăng  phải đi rất xa.

      Tiếng nói của Sĩ rất nhẹ thoảng rơi vào hư không. Tâm Giao mở to mắt, lập lại máy móc :

     _ Rất xa?

       Sĩ bối rối dụi tắt thuốc lá trong gạt tàn, chàng ngẩng lên, thu hết can đảm nhìn vào mắt nàng, nói với tất cả bình tĩnh đến ngạc nhiên với chính mình.

      _ Nó về để hoàn tất thủ tục để đi Anh trong tháng tới. Cũng lạ vì mình là giữa năm học nhưng nó sẽ có thời giờ để  học thêm tiếng Anh  chuyên cho  ngành đó, cho  đến đợt khai giảng tới.

      _ …

      _  Chiều hôm qua anh đến Đăng để chở cái valise qua anh, nó ngủ nhà anh và sáng sớm nay, anh đã  đưa nó xuống Liên Khương.

       Choáng váng như vừa nghe lầm, Tâm Giao bật đứng dậy nhưng lại tự buông người xuống ghế, hai mắt càng mở  rộng trừng trừng nhìn Sĩ, nghe đầu nhức bưng lên. Những mảnh thủy tinh cứa tim nhói buốt. Nỗi nghẹn ngào theo nước mắt dâng lên rồi chảy dài xuống má. Một điều gì vừa xé toạc trái tim nàng, ruột nàng như bị thủng ra. Một điều gì rã nát bời rời trong toàn thân khiến nàng mềm lả đi. Mặt đất như sụp xuống.

    _ Đăng đã không dám gặp em để từ giã vì sợ em sẽ quá khủng hoảng nhưng …

     Sĩ nói nhỏ, nghe lòng ăn năn ray rứt như chính chàng là kẻ có lỗi.

    _ Đăng đã không cho em biết là phải đi gấp và em hiểu tại sao. Tâm Giao nói như hụt hơi vì cảm xúc. Từ lúc bố  em tỏ ra khó khăn, anh ấy có vẻ lo buồn. Và dạo sau này anh ấy không muốn gặp em thường xuyên, như muốn giữ một khoảng cách, rồi phải lựa chọn. Nhưng mọi điều gấp rút như thế anh ấy lo sao nổi?

    _ Em yên tâm, Đăng giỏi mà, cái gì nó cũng giải quyết được.

    _ Yên tâm? Em biết đi du học là cái cớ, nhân tiện Đăng muốn dứt với em chỉ vì gia đình em … Và bao giờ anh  ấy trở về? Hay chẳng bao giờ nữa? Vì có việc làm sau khi học thông thường người ta sẽ ở luôn bên đó. Sao anh không cản Đăng? Ôi trời ! Anh … đáng lẽ …

     Sĩ  im lặng móc túi áo lấy ra một phong bì gấp đôi trao cho Tâm Giao, nàng vội cầm lấy, tay run rẩy, mắt mở to rồi xé ngay ra đọc ngấu nghiến trong bấn loạn.

 

                                        Đà Lạt, ngày … tháng … năm 1974.

 

       “ Bé yêu của anh,

        Anh xin lỗi em thật nhiều, anh không thể viết dài nhưng em hiểu cho anh.

        Trong nỗi khổ tâm ngần nào chỉ anh cảm nhận, nhưng anh biết em cũng vô cùng đau đớn về lựa chọn này của anh.

        Nhưng anh không thể làm gì khác hơn. Anh đã tin tưởng với tình yêu, người ta có thể vượt qua mọi khó khăn, nhưng có những trận cuồng phong hung hãn có thể tàn phá tất cả mà chúng ta chỉ là con người, mà sức người  luôn có hạn.

       Anh phải ra đi để lo cho tương lai và em cũng hãy yên tâm để học và lo cho đời sống của em sau này. Anh tin  rằng một nét đẹp trong sáng còn lại trong hồn người sẽ là điều giúp cho chúng ta tồn tại và thấy đời sống luôn  còn  ý nghĩa. Dù mình đã không giữ được nhau, dù xa nhau đến ngàn trùng và bao thời gian nữa sẽ qua đi, tình yêu  sẽ còn mãi, một cách nào đó, đã rất đẹp vì mình đã sống thật với mọi cảm xúc mà mỗi lần nghĩ đến, dù xót xa, cả em và anh sẽ vẫn còn có thể nhìn lại những gì mình đã có một cách trìu mến.  

                                                                            

        Vũ Minh Đăng ”

        ( Còn tiếp )

                                     

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 767
Ngày đăng: 06.05.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 12) - Lê Ký Thương
Vòng tay hư ảo (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (phần 1) - Đỗ Nguyễn
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 11) - Lê Ký Thương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 10) - Lê Ký Thương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 9) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm : Tiểu thuyết (Chương 46: Đi tìm ca sĩ) - Võ Anh Cương
Thung lũng trăm năm : tiểu thuyết ( Chương 45: Hai nửa con người) - Võ Anh Cương
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 8) - Lê Ký Thương
Thung lũng trăm năm: Tiểu thuyết (Chương 44: Rebel, Kẻ quấy rối) - Võ Anh Cương
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)