Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
818
116.688.037
 
Bóng đời xa lạ (Phần 10)
Đỗ Nguyễn

 

 

    Bóng Tối, tháng 10 năm 2021, Busy Saint Georges, Pháp.

 

     Mùa đông chìm lịm của hiện hữu một xác chết lạnh và một bóng đen tưởng sẽ là bất tuyệt, với thời gian qua, quá khứ dần xa bỗng đột nhiên bị khuấy động cho sự thật nào thuộc về dĩ vãng, nằm chết âm thầm, bây giờ trở thành thực tại, rõ ràng minh bạch được phơi bày một cách lộ liễu dưới trời cao trên đất rộng, rồi quá khứ đó còn thuộc về cả ngày mai thì câu chuyện đời bi hài kịch mới được toàn vẹn đầy đủ, ở tình cảnh này, đời sống tinh thần của hai đứa con sẽ mang lại câu trả lời cần thiết trong tương lai.

    Ánh nắng ngày xuân bỗng rực sáng chiếu vào khung cửa ngục tối, soi rõ tận cùng đến đáy vực thinh lặng những điêu tàn vụn vỡ cả một vũ trụ hư ảo. Và bên ngoài, tuyết đã tan.

   

    Chuyện nhỏ. Như mọi vụ việc của đời thường. Từ mắt nhìn của người chung quanh và tòa án chỉ là thế, khi hai người chẳng có lý do nào để buông nhau nhưng chắc cũng không có lý do nào để giữ nhau. Thôi, thì thôi. Vậy là cũng không có gì phải làm ầm ĩ nhưng họ muốn ăn thua đủ, sát phạt nhau cho đến cùng dù phải bỏ mạng trong cuộc chiến bất phân thắng bại. Nếu lời phán xét cuối cùng thuộc về Thượng Đế thì khoảnh khắc vừa qua, vì quá bận rộn chu du khắp nơi trên địa cầu để đánh kẻ ác cứu người hiền, Thượng Đế đã bàn giao việc nhỏ này cho pháp luật, chính xác hơn là quyền phân xử tuyệt đối thuộc về bà chánh án tòa tiểu hình tại thành phố Meaux, ở ngoại ô của Paris, nước Pháp.    

 

   Một năm, dạo sau này, từ qua thế kỷ mới, trên khắp thế gian, tính ra, càng lúc con số người về hưu, có nghĩa là người già, đòi ly dị càng tăng vụt. Nguyên nhân thực tế chỉ đơn giản : người phụ nữ từ lâu đã có độc lập về tài chánh, người phụ nữ có hy vọng sống lâu hơn đàn ông và có thể kéo dài cuộc chơi một cách khác, không muốn tiếp tục phục vụ một người chồng không xứng đáng với tình cảm của họ, bất cứ độ tuổi nào, người phụ nữ vẫn có quyền nhìn lại tất cả và quyết định cho phần đời còn lại.

   Nhưng người đàn bà này còn có lý do khác, quan trọng hơn mà người đàn ông không thể hiểu cũng như mọi ai khác không thể biết : Từ quan điểm đã chết đi sống lại nhiều lần cho quá nhiều điều phi lý và bi thảm, ta không còn muốn chết đi lần cuối một cách vô nghĩa tối tăm như loài côn trùng nín câm trong đêm dài tịch mịch. Với từng nỗi khổ, thời gian và im lặng sẽ là câu trả lời kiến hiệu. Tư tưởng này không còn giá trị nữa một khi cả hai đã đến đích cuộc hành trình đứt đoạn một thời rồi nối lại, phải cùng nhau sống cho hết những hỉ nộ ái ố của một liên hệ nợ nần tình cảm chưa dứt được từ tiền kiếp. 

    Với người đàn bà, cái chết chỉ có ý nghĩa khi nó mang nét đẹp thiêng liêng của mệnh đời khổ đau và tình yêu vĩnh cửu.

  

   Người đàn ông bàng hoàng không tin nổi kết quả lúc đọc bản án của tòa mà vị luật sư giỏi có tiếng của anh vừa gửi đến. Anh đã có can đảm chi nhiều cho hắn với hy vọng phần thắng sẽ về tay mình. Hắn cũng đã hứa hẹn với anh một kết quả như ý. Thế mà …

    Chắc chắn đây là một nhầm lẫn của pháp luật hoặc có nhiều điểm mờ ám nào đó bên trong vụ việc.

    Bà chánh án tòa tiểu hình kia đã phân xử một cách bất công và thất lợi cho anh đến có cảm giác trời đang sập xuống đầu : Toàn bộ tài sản ( hai căn hộ và tất cả tiền dành dụm ) sẽ thuộc về người đàn bà đã là vợ cũng đã là một loại nô lệ mà anh nỗ lực tranh đấu để giữ gìn và tận dụng nó; chưa hết, anh sẽ còn phải tiếp tục trang trải vô thời hạn hàng tháng những khoản linh tinh khác cho mụ ta như thuế nhà và phí quản lý, và thanh toán luôn cả tiền luật sư của riêng mụ. Hiểu theo cách khác, anh ra đi mà vẫn phải nuôi mụ cho đến chết. Luật pháp của một xã hội mang tính nhân quyền cho rằng con mẹ láo lếu tầm thường này đã hy sinh công việc, chấp nhận ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái là điều quan trọng nhất và thể loại phụ nữ bất tài vô tướng sống bám như loài cây tầm gửi đó còn xứng đáng được tôn vinh hơn bất cứ việc làm nào, thành công nào trong đời sống của những công dân tốt.

   Cũng tính theo luật, họ đã dựa trên sự khác biệt từ lương tháng của cả hai (mà lương của mụ đàn bà gần như là con số không), trừ đi rồi nhân lên cho con số ba mươi năm từ ngày lập hôn thú để tìm thấy kết quả là số tiền mà anh đàn ông phải bồi thường thiệt hại cho người phụ nữ đã luôn thiệt thòi.

   Luật lệ cũng như miệng mồm, do tế nhị, chẳng ai kiểm điểm, kể ra chi tiết cái số việc không tên tuổi mà loại phụ nữ dốt nát chết tiệt này phải đảm nhiệm : mang nặng đẻ đau, nuôi con, điều dưỡng, đày tớ và cũng là đầu bếp, thợ may, tài xế, gia sư không công, tối tối lại còn phải lết vào giường phục vụ ông chủ. Thời đại này dù có sự đảo lộn, đổi thay mọi vai trò trong xã hội nhưng ở Pháp, thể lọai đàn bà này vẫn hiện hữu khá là đông và chúng được cho là đã hy sinh nên xứng đáng được bồi thường. Bằng tiền. Vâng, bằng tiền của những gã đàn ông kiếm được một cách khổ nhọc cả đời.

   Ở xứ này, không ít đàn ông như anh, sau cuộc ly hôn, phải rời nhà, ra đi với một valise quần áo, có phước thì còn việc làm nuôi thân, lại còn trường hợp phải tiếp tục trả góp nhà cho mụ đàn bà, vô phước mà thất nghiệp rỗng túi nữa thì không khéo lại trở thành kẻ vô gia cư, lăn lóc đầu đường xó chợ, thân tàn ma dại, chỉ còn phương pháp kết bạn với chai rượu, khề khà nhâm nhi trong khi chờ đợi phép nhiệm màu cứu rỗi.

    Điều lạc quan duy nhất mà tên luật sư láu cá của anh thông báo là anh có quyền giữ tiền hưu trí cho riêng mình sau những phần trang trải. Thế thôi! Hắn phủi tay. Vốn đa nghi Tào Tháo, anh nghĩ rằng bọn này có thủ đoạn mờ ám gì đấy phía sau cái thối tha gọi là pháp lý công bằng. Anh đã bị lường gạt một cách trắng trợn và đau đớn bởi luật lệ của một quốc gia áp dụng gọi là một cách bình quyền mà oan uổng bất công hoàn toàn cho những tên đàn ông như anh, cả đời làm lụng góp nhặt ky cóp cho cọp nó xơi. Loại pháp luật bảo vệ che chở phụ nữ đã là động cơ thôi thúc chúng càng liên tục vùng lên đòi hỏi thêm quyền lợi. Nô lệ đã bứt tung sợi giây xiềng xích để vác cái mặt hỗn xược lên sống một cách đàng hoàng.

   Suy nghĩ kỹ, anh thấy rõ là mụ đàn bà đã chẳng cần có chiêu trò gì ngoài cách ngồi im như chết, hoàn toàn bất động cũng như bất lực hoàn toàn nhưng thực chất, mụ đã đánh trên mọi mặt trận một cách thâm sâu ác liệt nhất mà ta chẳng ngờ : Từ chiến thuật tâm lý với hai đứa con, bình tĩnh giải thích và khuyên bảo chúng vẫn có tình cảm và sự tôn trọng với người bố, thế là mụ đạt thêm sự ủng hộ lẫn tôn trọng và tình yêu của chúng, cho đến cách nghiên cứu về mọi điều mà luật pháp áp dụng cho tình huống, gom góp thu nhặt giấy tờ linh tinh rồi cuối cùng, khi chắc ăn, mụ te te đi gặp luật sư để lo vụ việc. Mụ làm vẻ lờ đờ mờ mịt nhưng thật ra, chính là thứ giả ngu, nắm vững tình hình cũng như biết rõ về tâm lý con người của ta cũng như chiến thuật mà ta thì đã quá xem thường đối thủ cũng như chẳng có khả năng và thời giờ để tìm hiểu một mụ đàn bà điên để làm quái gì … Ta đã luôn yên tâm là như một xác chết, mụ không thể động đậy gì nữa, nhất là chúa ghét đụng đến giấy tờ, thủ tục hành chánh, mụ luôn run lên bần bật, tránh né không làm. Và trên hết, từ hồi nào tới giờ, mụ đã phó mặc việc tiền nong cho ta lo, chỉ tại cái đầu toàn chất thơ thẩn vớ vẩn của mụ, đã vốn như chuyên gia nhầm lẫn trong mọi tính toán.

    Chẳng lẽ mụ cương quyết đến liều mạng vong thân vì nỗi oán hận cay cực của bước đời dĩ vãng? Đàn bà nào chẳng thù dai nhỏ mọn? Nhất là mụ này vẫn hay nghĩ ngợi, vẫn thường âm thầm thương tủi lẫy hờn vô cớ, thêm vào đó, mụ còn có trí nhớ của loài voi, cái gì cũng nhặt nhạnh bỏ vào trong cái đầu nhỏ xíu để lưu giữ như kho lương thực giờ đã quá tải nên mới đổ điên, mang tâm bệnh, là nguyên nhân khiến mụ thường ở trong những trạng thái bất định, lúc sáng suốt khi hoang mê rồi hành động bậy bạ lung tung.

   Nhưng nhìn vấn đề từ góc khác, hành động lung tung của mụ đã cụ thể hóa và một cách nghiêm khắc, mụ đã dạy cho ta hiểu rằng từ sự giả tạo, con người không thể hủy diệt tận gốc một sự thật nào cũng như khi có tình yêu chân thành, một người phải nhìn bằng trái tim mới thấy được ánh sáng từ tâm linh người kia. Như từ xa xưa, trong một góc đời, ta đã nhìn thấy tâm hồn lung linh của người con gái như ánh sao xanh nơi vùng cao nguyên lặng lẽ. Trên nền trời tím hoàng hôn, in đậm vóc dáng u uẩn cô đơn cưu mang nỗi thảm sầu thân phận.

 

    Chưa hết đâu, mụ điên đột ngột quyết định tung hê tất cả, một lần một đời cho thỏa chí tang bồng, phơi mở nỗi niềm, trút bỏ giải bày tâm sự. Như để tự gỡ rối tơ lòng, mụ miệt mài viết lách, kể lể dông dài, đem đăng báo mạng, hú lên cho cả thế giới biết chuyện đời mình. Kể cũng lạ, từ một người sinh ra với tâm hồn chỉ lạc vào mây khói, chỉ sống âm thầm trong bóng tối, ôm giữ đời riêng như kho báu vô giá, chẳng hé răng bao giờ lại đột nhiên có thái độ kỳ quái, như kẻ khùng bị lên cơn đột ngột, tự châm lửa đốt nhà rồi khi thấy hỏa hoạn, lửa cháy đùng đùng thì hoảng vía, hét chói lói, la bài hải, kêu gào cứu hộ. Chắc do bị dồn nén phẫn uất âm ỉ từ quá lâu nên mụ kiên tâm ra tay trừng trị kẻ hắc ám ngu si và đánh một đòn duy nhất, cũng là trận cuối cùng trước khi gục chết thật sự. Đúng là điềm chết. Không chi khác. Nhưng từ đây đến lúc vào hòm, mụ cứ việc thong thả ngồi mát ăn bát vàng đã.

   Còn nữa, đã không bao giờ nói nhiều, tâm sự, bây giờ thì mụ kể hết cho gia đình, bỗng dưng trở thành liến khỉ, cái miệng chanh chách với kẻ lạ người quen. Bằng mọi cách. Nào là gọi điện khắp nơi, nào là tuyên bố trên mạng xã hội, nào là bẻm mép thèo lẻo với bất cứ ai ngay ở ngoài đường. Như thể bức xúc làm bốc hỏa đến loạn trí, mụ khỏa thân, thoát y vũ,  lột hết, trần truồng cho loài người chiêm ngưỡng một tòa thiên nhiên lồ lộ, nhìn ngắm thỏa thích những đường cong tuyệt mỹ và ai nghĩ sao cũng mặc. Khoe ra cái xấu thế mà lại nhận được toàn là sự thông cảm an ủi, hỗ trợ tinh thần khiến mụ càng hăng tiết không lùi bước. Kể ra một đứa khùng điên cũng có sự thông minh nào đó, của riêng nó và sự thật là mụ giả điên hoặc điên tùy lúc.

   Thây kệ, cho mụ được một lần tha hồ dè bỉu nói xấu ta để hả mối  hờn căm sâu sắc. Vì nói cho ngay, bao lỗi lầm của tên đàn ông cũng thật đáng mang xử trảm dù hiểu theo cách để khoan hồng, con người được sinh ra đã là một nhầm lẫn khó hiểu và nhận thức cũng như hành động cách nào của nó cũng mang tính tội lỗi và nó biết lắm chứ : tội gì nặng nhẹ rồi cũng sẽ được thứ tha. Vậy thì tội gì mà không cứ sống như ta thích sống?    

    Nhưng cách hành xử ngay thẳng của người đàn bà đã cho thấy rõ  sự tha thứ không là điều kiện để làm hồi sinh tình cảm đã chết theo cách chết một lần là chết vĩnh viễn đồng thời nợ một lần là nợ truyền kiếp. Kể ra thì tuy mụ mềm dịu tròn trĩnh trong tâm hồn nhưng sắc sảo gai góc trong lý trí, luôn với vẻ bình thản pha chút tự trào nhưng ẩn chứa một nỗi đắng chát đớn đau nào đó, cái nỗi mà ta đã chẳng hề quan tâm nhưng dù sao chỉ cần để ý một chút cũng biết rằng nụ cười của mụ là một hình thức buồn phiền não nuột.

  

   Cuối cùng, ngoài bản án của tòa mà phần lợi lộc hoàn toàn là phía phụ nữ, mụ đã đạt được điều mơ ước : đã cho ta biết mụ là ai, điên hay tỉnh, và nói cho ngay, bây giờ hiểu mục đích chính của mụ là thế, là buộc ta phải nhìn nhận rằng trí não mụ còn sáng suốt; và những thứ khác phải dính líu đến như tiền nong chỉ là những gì bắt buộc phải giải quyết từ một tương quan khi dứt điểm.

    Mụ đã cho ta biết thế nào là ngày tàn của bạo chúa, đồng thời ta đành tạm chấp nhận tình thế sau khi đã áp dụng mọi cách, đưa ra mọi hoạch định đều không làm mụ đổi ý. Bây giờ dù ta có xoay kế nữa, mong muốn được đổi vai trò, xin một cơ hội cuối cùng để làm kẻ hèn, nô lệ hầu hạ nữ chúa cho xong phần đời còn lại, ta sẽ gồng mình cố sức để nâng mụ như nâng trứng mỏng, hứng mụ như hứng hoa tươi, chắc chắn mụ cũng sẽ nguầy nguậy lắc đầu không chịu vì không tin gì nổi nữa ở gã đàn ông đã luôn dối trá. Quá muộn! Thế là hết. Vô vọng. Giờ đây, ta cảm thấy thật sự nể nang mụ. Và tiếc ngom ngỏm. Tiếc công lao tiền của. Tiếc mụ đàn bà còn xài được. Tiếc con ốc nhỏ hiền lành không sức kháng cự, chỉ cần được che chở yêu thương mà vì bao ngược đãi của định mệnh và loài người, đã trở thành loài rắn lột da chết đi sống lại cưu mang chất nọc độc giết người rất chậm.

  

   Có lúc, mụ điên đã từng buồn buồn tâm sự rằng tuổi tác chỉ là khái niệm về những con số không nói lên được một phần những gì ẩn chứa trong tâm trí một người. Mụ soi gương, ngắm nghía tìm tòi trên khuôn mặt quen thuộc, nếu còn gì chăng nữa thì chỉ là một tí duyên ngầm sót lại, cái trời cho đó phát tiết từ tâm hồn qua hai khung mắt dù ảm đạm vẫn ngời lên một ánh sáng lạ lùng, không thể tàn phai như những đường nét mong manh đã đổi thay đến mất mát của bề ngoài. Còn bên trong, chừng như gia sản của mụ cao ngất ngưởng, ngồn ngộn đầy lên đến ngạt thở, bởi đã lo vun đắp từng ngày từ đam mê nghệ thuật ... Ngoài ra, mụ bỏ chút thời gian săn sóc tâng tiu con mèo, trò chuyện với nó, chăm cho mấy cái cây xương rồng. Mụ ở trong căn phòng có cửa sổ lấy ánh sáng và một cửa đi ra ngoài balcon mà phía đó mụ cho chim ăn mỗi ngày. Thế thôi. Mụ thì chỉ thế.

   Thường xuyên xốc xếch xiêm y, tóc tai tơi tả nhưng thi thoảng nữ tính ngo ngoe, lại ngồi tỉ mỉ điểm trang, lặng đi, ngắm nhìn kỹ lưỡng, thở ra nhè nhẹ, có ý tiếc nuối tuổi xuân, có khi mụ cao hứng, tô son đỏ choét, móng tay dài nhọn sơn màu máu quỷ, rồi diện vào, trông nhí nha nhí nhảnh như loài điếm thối. Kể cũng tội. Chắc vẫn mơ đến tình yêu.

 

    Mụ điên khiêm tốn cho rằng trong một cuộc ly dị chỉ toàn là kẻ thua cuộc và riêng định mệnh là được thỏa mãn? Không đâu, toàn thắng trên mọi phương diện, mụ ăn mừng chiến công. Vẻ mặt thản nhiên lạnh lùng nhưng chắc là trong bụng đang sướng rên mé đìu hiu … Những tưởng yến tiệc linh đình gì hóa ra chỉ là bữa bánh bột lọc bọc nhân tôm mà mụ lui cui lách cách tự làm, đây là món khoái khẩu nhất của mụ; mỗi khi hài lòng tâm đắc chuyện gì, mụ bỏ thời giờ làm, tự đãi mình món này và vui thú thưởng thức nó như một hạnh phúc riêng biệt, không thể chia cho ai khác … Kể cũng là người gốc Bắc đấy, nhưng vì sinh trưởng ở cao nguyên Trung phần, một nơi có nhiều dân Huế, Quảng nên mụ chỉ thích chén nhiều món của vùng này.

    Mụ dọn bữa, không mời ai, tự biên tự diễn, pha tách trà gừng nóng, ngồi chễm chệ một mình trước một đĩa bánh ụ lên, màu tôm cam đỏ ẩn hiện dưới lớp bột trong, dai và mềm, loang loáng những hành mỡ trông thật hấp dẫn. Hấp dẫn như bao nhiêu món ăn mà mụ đã luôn nấu cho cả nhà, món Tây món Việt đều được làm với tình yêu và nghệ thuật, biến mỗi thức ăn thành nguồn lạc thú thiêng liêng sẽ in đậm hương vị vào tim óc hai đứa con, một phần văn hóa cũng như sẽ là kỷ niệm đời đời của chúng mà người đàn ông bạc nghĩa vô tình đã không hề thấy đó là điều quý giá. Đơn giản là mụ đã được hưởng cái thú đó ngay từ bé trong gia đình, bởi bà ngoại bà mẹ.

   Gần đây thì đã chán, và mệt. Nhất là từ lúc hai đứa con đã lớn và ở riêng, mụ không còn hăng hái như xưa. Nhà cửa bếp núc đều kém phần tươm tất sạch gọn, cũng không quan tâm quá nữa, mụ tập trung vào công việc đã luôn đam mê yêu thích, cày cục làm thợ viết; mỗi ngày đều có ra ngoài, lộ trình chỉ là giữa chỗ ở và nhà thờ, cái thư viện thành phố, đi dạo ven hồ nước ngắm nhìn lũ vịt, hoặc lặn lội ra tận phía rừng bên kia, mụ đi theo tiếng hót của những loài chim, tiếng xạc xào của những tàng lá, theo lời gió gọi … Đời chung tình riêng, tình chung đời riêng. Trời đã ban tặng cho người đàn bà một trái tim đa cảm thì đương nhiên, suốt một kiếp chỉ là nạn nhân của những rung động khắc khoải có được từ đó.

  

   Bây giờ, hiện trường này, mụ ăn tem tẻm, hít hà, xì xụp chén nước mắm ớt thơm cay. Ta thấy thòm thèm bèn hỏi xin một miếng. Mụ không cho. Ăn sạch bách. Xong xuôi đâu đấy, pha tách cà phê, ra đứng nơi cửa sổ, châm một điếu Dunhill xanh, phì phèo nhả khói với vẻ ung dung, ta đây bất cần đời, hai con mắt lim dim mơ màng rồi lại mở lớn nhìn trời ngó đất, miệng bỗng chiêm chiếp gọi mấy con chim sẻ … xem như người đàn ông không hiện hữu nữa.

   Vốn ăn uống chẳng bao giờ ra bữa, đói lắm và gặp món tủ mới ăn khá, không thì vặt vãnh cho qua ngày. Thi thoảng, làm như cũng biết rượu thịt, nhậu nhẹt như ai, mụ quyết định quất một cái đùi gà rô ti to vật vã, cưa một chai vang đỏ loại chiến, uống chút cognac kèm tách cà phê với khói thuốc. Thế thôi. Từ đã lâu năm. Mụ thì chỉ thế.

   Thật ra, nuôi mụ thì cũng chẳng đến nỗi tốn kém quá, muốn vui ta biết ý, cũng chiều chuộng, chỉ cần mỗi năm một lần cho quy cố hương cũng đủ khiến mụ hí hửng. Mua được vé, thích lắm, thế là mụ tơm tớp tơm tớp để đi Việt Nam. Lúc vui vẻ, trông mụ ghê ghê thế nào, quái dị kỳ khôi, có thể vì ta đã quen thấy mụ câm lặng buồn rầu và hồn vía phiêu lạc như bị quỷ ám ma nhập, điều này phải thích hợp hơn với một người sinh ra đời để chịu khổ và ý thức được rằng hạnh phúc nơi cõi này là được có những niềm đau.

    Mỗi lần được tung tăng tung tẩy như thế, trước tiên, mụ đáp xuống Hà Nội thăm bà con họ hàng, vào đến Sài Gòn, việc chính cũng thăm gia đình đã dọn xuống đó từ lâu, rồi mụ tót lên Đà Lạt vui thú bạn bè xưa cũ, cà phê cà pháo. Bạn mụ thì một đám mặt mẹt thân nhau từ Tiểu học Trung học Cao đẳng không dứt ra được … Lúc trở về, mụ thường vác theo vài cái bánh chưng, ô mai, ít đặc sản để dùng dần, đặc biệt là mụ mê tít mấy con tôm khô; mấy con khô mực để lai rai nhắm, và ở phi trường, mụ không quên mua thêm cây thuốc lá để hút trong vài tuần. Thế thôi. Nhưng sao dạo sau này có vẻ không hứng thú lắm để về như trước nữa, chừng như bắt đầu thấm mệt vì những chuyến bay.

   Mệt thế tại sao mụ còn lên cơn, thu hết sức lực để vùng lên đánh một trận tơi bời hoa lá, một mất một còn? Như thể ta với mụ là loài bò sát nào đó, đói khát đến cuối cùng phải ăn thịt lẫn nhau để tồn tại. Vọng động nào đã làm thức tỉnh trong cõi lòng u mê quạnh quẽ của mụ nỗi đời dĩ vãng đó, đã làm bùng lên ngọn lửa âm ỉ không thể lụi tàn? Mụ đã luôn có khuynh hướng nghĩ rằng không gì thú vị bằng thực hiện những ý tưởng ngông cuồng rồ dại. Rồi mụ sẽ hối tiếc.

   Nhìn mụ, giây phút này, ta vẫn như chẳng biết chút gì về người đàn bà vướng mắc đời mình từ xa xưa thế kỷ trước, từ năm 1974, lúc mụ còn là đứa con gái mới lớn, mười lăm tuổi ở nữ trung học Bùi thị Xuân Đà Lạt, còn ta chỉ mười tám, mới rời trường Pétrus Ký Sài Gòn để vào Văn Khoa. Ta đã hì hục đạp xe lên tận tòa sọan báo Chính Luận để xin địa chỉ của mụ đặng viết thư làm quen, lúc mụ viết cho trang báo Mai Bê Bi ấy mà … Gần năm mươi năm rồi. Cái gì đã khiến ta cứ ròng rã đi kiếm mụ, ánh sáng mà cũng là cục nợ, để cột vào mình với sợi giây bền chắc thì mới yên tâm mà sống, mà chính mụ cũng để yên cho bị cột dù khó chịu bực dọc cho rằng chẳng phải là dây duyên, để cuối cùng, đã điên tiết lên cơn, sùng sục cắt bỏ nó đi không thương tiếc.

       

    Bỗng thấy bàng hoàng thầm hỏi có thật đã xong hay chưa? Sao tất cả như không hề có khởi điểm mà cũng chẳng đi đến tận cùng? Xót xa cho hai hiện hữu tội tình, tuổi trẻ và bao biến động một kiếp sống lưu vong. Thuyền và biển. Những lục địa. Những nơi chốn. Những chuyến đi. Thêm một điều gì quý giá mà ta đã vừa đánh mất trong hắt hiu buồn, đánh mất trước khi có được. Một nỗi gì đã lỡ từ buổi đầu tiên nên gần gũi đó mà đã mãi hoài cách trở xa xôi cho một đời rồi cũng đành qua đi, mất dấu. Sài Gòn, Đà Lạt … những không gian, những thời gian đó, như tuổi trẻ và mái nhà là nơi chốn sinh trưởng, một lần rời bỏ là vĩnh viễn không còn, là mãi mãi bất an. Chỉ hai đứa con là điều trong sáng duy nhất cho ta cảm giác được gửi trả về một thời tuổi nhỏ.

   Người đàn bà vẫn vấn vương một chút gì không bao giờ hoàn toàn dứt bỏ. Bao thời gian, vết tích kỷ niệm nào chưa phai trong hồn như  mảng rêu buồn trên phiến ngói vỡ ẩm mốc sương gió từng mùa. Bao sự thể đã sống suốt một đời như từng bóng mây qua, còn lại là những giòng chữ trào lên trang viết, từ bao chấn thương nội tâm đã tạc vào kiếp người.

    Còn người đàn ông thì đã từ quá lâu không còn gì nữa. Những giờ tha thiết đã quên, những phút nồng nàn chẳng nhớ. Chẳng nhớ gì nữa cả. Không gì nhọc nhằn đau đớn bằng hồi tưởng và ăn năn nhưng dù cố quên để tự giải thoát khỏi những buồn phiền, âm vang một thuở như tiếng khóc nghẹn ngào chìm tắt đã từ lâu đắm vào dĩ vãng cũng có lúc tự nhiên thức tỉnh. Ta đã vô tình cũng như cố ý giết đi con người thật của mình và không còn xứng đáng với tình cảm mà ta đã xem nhẹ hơn bao điều vô nghĩa khác. Chỉ có điều, mụ đàn bà phải nhớ cho rằng ta đã vì mụ, và suốt đời chưa vì ai khác mà đã từng khóc ròng như đứa trẻ nít, đã điên đầu loạn óc không nguôi.

   Bỗng dưng bây giờ lại cảm nhận như còn đâu đó là bao giăng mắc hoang mang, vất vưởng bùi ngùi trên tháng ngày buồn bã lênh đênh mà đời người sắp hết. Luôn sống chẳng cần triết lý nào hoặc cái triết tốt nhất là quên đi, quên đi cũng là một lẽ sống ở đời và sự quên lãng dần cũng là thói quen, biến ta thành kẻ lạnh lùng, tàn độc lìa xa ngay cả với chính mình, nên cố yêu đời mà sống, chấp nhận mọi điều đến như đương nhiên nhưng hiện trường này, loại triết đó sẽ không thể áp dụng vì rõ ràng ta không thể chấp nhận điều phũ phàng vừa xảy ra. Một cảnh ngộ không hình dạng không tên tuổi khiến ta thật tình chới với như rơi vào khoảng đêm mù lòa. Rồi như ngạt thở khi mường tượng thêm cảnh vắng buồn u ám của một chỗ ở nào đó, trong những ngày tới, không bóng dáng người đàn bà ra vào, không mùi vị những món ăn ngon, không tiếng động nhẹ của bước chân đi lại … và những gì lặt vặt, dấu vết nho nhỏ nào khác, từng thứ đã như tạc vào đời, in đậm vào không gian sống tiện nghi từ bao nhiêu năm mà ta đã vô cùng hờ hững …

   Ngày nào tuổi trẻ với thế giới lớn rộng trong tầm tay, người ta đâu biết thế giới sẽ dần thu nhỏ lại để giờ đây tan bay trong tầm mắt. Người đàn ông bỡ ngỡ nhận ra mình còn đang níu kéo một cách tuyệt vọng điều gì trống rỗng trong âm thầm.

   Đã luôn tinh ma quỷ quái, tự tháo gỡ mọi vấn đề, thấy được ngay cách giải quyết trước khi vấn đề hiển hiện; giờ phút này, người đàn ông hơn bao giờ cảm thấy mình thô kệch méo mó ngay với chính mình và trước mọi người, trước cuộc đời. Đã luôn hãi sợ cảnh nhàn rỗi, chợt thèm khát được tận hưởng khúc đời còn lại bằng sự lười biếng, thong dong, phất phơ như gió … hoặc sẵn sàng làm kẻ tàn phế, hết thời, co cụm khúm núm, chịu cảnh ở tù, với mụ đàn bà trong vai trò cai ngục nhân từ ban bố cho kẻ khốn đốn này mỗi bữa một bát cơm, mẩu bánh mì, ly nước lạnh từ lòng thương hại … vẫn còn hơn là như con sư tử lãnh chúa già, còm cõi trong nhục nhã, kiệt sức và tuyệt vọng, sẽ gom góp tàn lực lê lết trốn chui trốn nhủi vào trong một góc rừng vắng, và sẽ hấp hối trong ngậm ngùi đớn đau, để chết dần mòn, chết dấm dúi trong đơn độc.

    Nhìn ra cửa sổ, tấm màn đã vén lên, ngoài khung kính, trời thẫm tối từ bao giờ, ánh trăng lưỡi liềm mờ nhạt chênh vênh như dửng dưng hắt vào hồn ta một nỗi gì héo úa. Thôi là hết.  

   Tuần lễ đầu, sau khi có bản án, người đàn ông đã hoảng hồn, toát mồ hôi, nhưng sau đó, dần dà thấy nguôi đi, không biết tại sao, lại bị xâm chiếm bởi ý nghĩ lạ rằng rõ là tiền bạc hay mọi điều khác đều chẳng có gì ghê gớm đến thế, mà điều chính là ta không biết làm sao để tiếp tục một nhịp sống hoàn toàn khác từ bao nhiêu năm nay. Trong một cuộc ly dị, có thể được mất cũng chỉ là một cách nghĩ, một cách cảm nhận để thấy lòng bớt xót đau. Người ta thường lấy con cái và tiền bạc của cải để chọi nhau, ném đá nhau đến vỡ đầu sứt trán để sau cùng, biết rằng sự thiếu hụt trống vắng vây quanh là điều đáng sợ hơn hết. Vẫn biết sau những cuộc vui kiếm tìm suốt một đời sẽ chỉ là phù ảo qua mau chính vì vậy ta chỉ còn người đàn bà để giữ cho đời đỡ khổ, thế mà bây giờ …

 

(Còn tiếp)

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 226
Ngày đăng: 19.07.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng đời xa lạ (Phần 9) - Đỗ Nguyễn
Bóng đời xa lạ ( Phần 8) - Đỗ Nguyễn
Bóng đời xa lạ ( Phần 7) - Đỗ Nguyễn
Kỳ 7/7(Tập truyện ngắn:Không phải lần đầu: Ngày tân hôn) - Huyền Văn
Kỳ 5/7(Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Bóng đời xa lạ ( Phần 6 ) - Đỗ Nguyễn
Kỳ 6/7(Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Trò chơi trốn tìm) - Huyền Văn
Bóng đời xa lạ ( Phần 5 ) - Đỗ Nguyễn
Bóng đời xa lạ ( Phần 4 ) - Đỗ Nguyễn
Bóng đời xa lạ (Phần 3) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)