Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
879
116.636.868
 
HẬU HIỆN ĐẠI & THƠ HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT : Một phác họa. -2
Inrasara

Bằng sử dụng ngôn ngữ bình dân, đời thường đề cập các vấn đề thường nhật: cơm áo gạo tiền với cái lo lắng, ưu tư mang tính cá thể, đơn lẻ, vụn vặt, nhà thơ hậu hiện đại xóa bỏ khoảng cách phân ranh giới thơ cao cấp và thơ thấp cấp. Thơ ca không còn là món trang trí cho vua chúa hay giới quý tộc như nó đã từng gánh vác suốt lịch sử quỵ lụy của nó. Hôm nay, nó cũng/càng không chỉ dành cho giới hàn lâm, đại học hay thành phần trí thức bày biện nơi salon sang trọng với đọc ở các diễn đàn màu mè. Nhà thơ hậu hiện đại quyết đẩy thơ và người làm thơ rơi vào giữa lòng đời

 

Thơ bất kì đâu, bất cứ lúc nào và, ai cũng có thể làm thơ. Thơ như món hàng có thể sản xuất hàng loạt, xài rồi bỏ, hoặc lắp phụ tùng thay thế khác rồi xài tiếp và vứt! Rất tiện lợi. Bài thơ “khóc văn cao” của Bùi Chát là thế. Có thể thay thế Văn Cao bằng Trịnh Công Sơn, hay ông Xoài, bà Mít nào đó cũng chả sao. Bài thơ vẫn nguyên giá trị. anh văn ơi / hu hu hu…,(15) một sáng tác mang tính phá đám ấy, cùng với bài thơ “Gia tài” của Nguyễn Hoàng Nam khả năng công phá hiệu quả vào cái nghiêm nghị trịnh trọng đầy giả tạo của văn chương và xã hội Việt Nam, hơn bất kì bài thơ đả kích cổ điển nào khác.

 

Đến đây, độc giả có thể cho rằng mấy thủ pháp ấy chẳng có gì mới, các tác phẩm thuộc trường cổ điển đã biết đến chúng từ khuya rồi! Chế giễu, cắt dán, nói lái,… Hoặc gần hơn: hiện đại hay hiện đại hậu kì. Trào lưu cách li tính khách quan và sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản (sáng tác thuộc dòng ý thức, W. Faulkner cũng đã làm), nhùng nhằng giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và sự không liên tục, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/thấp, trí thức/bình dân của nghệ thuật,… được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.

 

Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã ít nhiều có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh phân giới hậu hiện đại với cái khác, là: thái độ và nền tảng triết học của nó. Nền tảng triết học đó là sự hoài nghi toàn triệt đối với đại tự sự và siêu tự sự (metanarrative), tức các hệ thống lí thuyết mang tham vọng thâu tóm thế giới đa tạp vào “một luận điểm rạch ròi và cứng ngắc”; hoặc các tự sự chủ đạo (master narratives), “tức là những câu chuyện mà một nền văn hóa tường thuật những thực tiễn và những niềm tin của chính nó”(16). Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại lại từ chối tham dự để dàn xếp, bình ổn chúng mà, tán dương chúng, chơi với chúng – khoái hoạt!.

 

Nên có thể nói, cái đặc trưng nhất của lối viết hư cấu hậu hiện đại là sự phá vỡ trật tự thời gian, sự phân mảnh, tính lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng, sự sáng tạo những cặp vòng tương tác,… thể hiện trong sự rối loạn ngôn từ của kẻ mang chứng bệnh thần kinh phân liệt (schizophrenia). Một rối loạn ngôn từ như thế từng xuất hiện ở Bùi Giáng, nhưng phải đến Phan Bá Thọ, nó mới được đẩy đến tận cùng của rối loạn: cái rối loạn chỉ có thể hiện hữu trong sáng tác hậu hiện đại:

 

hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng

 

ông ấy là một người [Mĩ] trầm lặng - ai cũng bảo vậy - với 60 % tính trầm tĩnh + 30 % tư chất của những con người thông minh linh lợi

 từng đoạt chức quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương [từ vịnh con heo đến vịnh bắc bộ] chỉ mất 2 giây 10 %, bơi theo thể thức telephone internet card

về thứ 2 trong cuộc đua năm ấy: phan khôi, mất quãng thời gian [tính từ  tình già đến lúc tình thôi xót xa] vị chi 80 năm chẵn lẻ

 lại nói về ernest hemingway, sau khi cắm cờ trên nóc hầm đờ cát thì được tưởng thưởng & tung hô vinh hiển đủ thứ, được về hà nội ăn phở, nghe hẹn hò & bên cầu biên giới, được phạm duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí đến sình cả bụng, lại được mang họ mới [nguyễn ernest hemingway] & kết nạp vào hội viên hội nhà văn việt nam [sướng nhé]....

vì ernest chưa hoàn tất cuộc tẩy trần để trở thành nguyễn ernest hemingway chính hiệu nên sau đấy, ông gởi đơn tới tướng nguyễn sơn, xin đầu quân về khu 4, biên chế 50 % ở mặt trận văn nghệ 50 % ở các phòng karaoke máy lạnh hát với nhau. nơi đấy, cứ mỗi 2 chiều một lần ông lại lội ra bãi biển thanh hóa [do đã nhờ kafka hoá trang kỹ lưỡng thành một ông già biển cả hiền từ] vờ, ngồi câu cá thiền định. nhưng cốt chỉ để rình các o du kích mọi nhỏ tắm táp trần truồng cho…monroe…đỡ nhớ.

...& hemingway thì ai cũng biết: đích thị là một người Mĩ trầm lặng. nhưng hắn ta cũng đồng thời lại là một nhà văn việt nam bi bô & láo toét vào loại bậc nhất…(17)

 

Lối viết siêu hư cấu sử kí (historiographic metafiction, Linda Hutcheon, 1988) không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ, như chúng ta thấy nó xuất hiện ít nhiều trong vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, mà còn làm sai lệch các sự kiện hiện tại nữa. Hemingway, một người [Mĩ] trầm lặng, tư chất thông minh linh lợi hay Hemingway quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương, cũng được đi. Nhưng cho ông nhà văn tác giả Giã từ vũ khí được kết nạp vào hội viên nhập hội nhà văn việt nam hay cắm cờ trên nóc hầm đờ cát,… thì chỉ đến thi sĩ hậu hiện đại Phan Bá Thọ chúng mới lòi ra. Đây không là hiện thực huyền ảo kiểu Márquez nữa mà, một rối loạn ngôn từ trầm trọng, bất khả chữa trị. Phan Bá Thọ cố tình đẩy người đọc rơi vào tình thế nhiễu kép (double blind) khiến họ chìm trong vòng hư hư thực thực của sự thể. Liên tục lặp lại, tù mù thêm, rối rắm hơn nữa! Ta không biết đâu là thế giới bên trong/bên ngoài văn bản, không còn phân biệt đâu là hư cấu đâu là hiện thực nữa.

 

Như thế, nhà thơ hậu hiện đại có quyền tái chế tất cả chất liệu ngẫu nhiên rơi vào tay, thoáng qua mắt, để diễn tả ý nghĩ của mình ngay thời điểm đó. Có thể đó là một mẩu tin báo chí (như Lý Đợi thường làm, có trích nguồn hẳn hoi), biên bản một “Hội nghị thi đua” (Bùi Chát), bức thư, hóa đơn tính tiền, kí hiệu giao thông,… Khế Iêm ngộ chữ qua một từ bất chợt nhìn thấy của bảng hiệu quảng cáo thứ bia rất thông dụng ở Hoa Kì, nhất là trong số người Việt Nam ở đó: Budweiser. Anh đánh vần nó, phát âm bắt chước âm kêu của ễnh ương nơi quê nhà và, hướng dẫn gợi ý người đọc theo cách đó. Người đọc tham gia vào sáng tạo ý nghĩa bài thơ, từ đó nhiều ý nghĩa khác nhau phát sinh qua kí ức và trải nghiệm riêng tư của mỗi độc giả:

 

TV Kí

 

Bud            weis            er

 

Cách dùng:

Đọc theo âm kêu của ễnh ương (Bợt    wais    ờ). Tước đoạt nghĩa của chữ, cả đen lẫn bóng. Lập đi lập lại để nảy sinh hình và ý. 

 

Nguyễn Đăng Thường chơi trò khác: nhà thơ lượm một tấm bưu ảnh ngẫu nhiên (cũng có thể anh tạo ra bưu ảnh giả) và sáng tạo trên đó. Họ tên người gửi người nhận, ba dòng chữ O K / SPEDISCI / QUALITA vô nghĩa, rồi dấu niêm phong,… tất cả tạo sự bí ẩn cho bài thơ. Một phong kín ý nghĩa như chính bản thân tấm bưu thiếp bị niêm phong. Phần sáng tạo tháo gút mở ý nghĩa bài thơ chủ yếu nằm ở chú thích(18). Chú thích được coi như một phần của tác phẩm là thủ pháp thường được dùng trong loại truyện siêu truyện. Thủ pháp này được Bùi Chát dùng lại trong bài thơ khóc văn cao của anh: bài thơ chỉ có sáu tiếng nhưng đến hai trang chú thích, và hứa hẹn còn nữa!

 

Nguyễn Hoàng Nam bày trò khác nữa! Đối diện với “Những ngày rỗng”, Inrasara còn có hứng làm thơ, đến phiên Nguyễn Hoàng Nam, đụng phải Những ngày vô cảm”, anh bày ra bàn cờ tướng: một bàn cờ lạ đời gồm toàn quân chốt, với chỉ mỗi quân mã và một quân không ra hình dạng nằm án ngữ tại vị trí quân tướng. Một hư cấu phi lí! Bài thơ không nói cái gì cả nhưng gần như gợi ra tâm trạng vô cảm của tâm hồn trải qua những ngày dài dặc đối mặt với nỗi trống rỗng. Bàn cờ của Nguyễn Hoàng Nam vẫn tạo cho ta một cảm xúc đặc biệt, nếu chúng ta cứ muốn thơ ca phải xúc động lòng người!

 

Các mảnh đời vụn ấy, tưởng phi lí vô nghĩa nhưng chúng lại tràn đầy ý nghĩa. Đó chính là ý nghĩa của vô nghĩa. Nhà thơ hậu hiện đại không từ khước hay chống báng mà sống chung với nó. Đỗ Kh đã làm được như thế trong suốt cuộc lữ hành dài với hàng lô mảnh ca khúc bình dân (ta quen gọi là “sến”). Chúng cứ lải nhải, rỉ rả vào lỗ tai anh, bài này sang bài khác, cuộn băng này đến cuộn băng khác. Một trí thức “hiện đại” sẽ rất khó chịu với loại ca từ quá đỗi bình dân, âm điệu sáo mòn như thế. Có thể đã không ít lần anh ta kêu bác tài tắt mẹ cái đài chết tiệt ấy đi! Nhưng Đỗ Kh chẳng những chấp nhận mà còn thấy rất thú vị nữa! Anh biến chúng thành thơ:

 

Liên khúc đường dài

 

Em khóc đi em khóc nữa đi em!

Nước mắt theo em đi về với chồng giá băng cơn mộng. Đêm này gặp nhau lần cuối thương nhớ biết bao giờ nguôi
(người)
phụ tôi rồi có phải không Một mình tôi bước
(đi)
âm thầm Người đi đi ngoài phố nhớ dáng xưa mịt mùng Nhìn vào phố vắng tôi quen nhìn vào ngõ tối không tên Chạnh lòng nhớ đến
(người)
yêu Này em hỡi con đường em
(đi)
đó con
(đường)em theo đó sẽ Đưa em sang sông chiều xưa Nghiêng bóng
(dài)(19)

 

Nghĩa là tất tần tật mọi thứ trên đời đều có thể nên thơ!

Như vậy, trong xã hội toàn cầu hóa trở thành làng toàn cầu này, “nơi mỗi người đàn ông trở thành một công dân thế giới và mỗi người đàn bà là một cá nhân được giải phóng; nơi sự lẫn lộn và lo âu trở thành tâm thế chủ đạo và sự bắt chước trở thành một hình thức phổ thông của nền văn hóa đại chúng” (Ch. Jencks, 1996).

 

Khi mọi đề tài, mọi hình thức nghệ thuật đã bị cạn kiệt, họ thoải mái xài lại cái đã có, cắt dán chúng đầy ngẫu hứng, không chỉ ngôn từ mà mọi chất liệu bất kì, tước bỏ cơ sở mĩ học của sản phẩm gốc bằng thủ pháp phỏng nhại, giễu nhại để làm thành tác phẩm khác. Và khi không còn tin vào trật tự đẳng cấp hay hệ thống ưu tiên nào trong cuộc sống nữa, họ coi ngôn ngữ như là một trò đùa, đúng hơn: con người chỉ là trò chơi của ngôn ngữ; họ không than thở bi quan mà tham dự vào cuộc chơi. Hết mình và – không vấn đề!

 

Lâu nay, tâm lí cầu an ngại mạo hiểm trong sáng tác lẫn thái độ mang màu sắc gia trưởng hay xu phụ trong phê bình-nhận định thơ, góp sức không nhỏ đẩy thơ Việt rơi tõm vào cõi trung bình tai hại. Cõi trung bình, và ta yên vị. Trấn an mình và người xung quanh rằng thơ chúng ta đang chuyển động. May, nhà thơ hậu hiện đại Việt không nghĩ thế!

 

Có thể các sáng tác hậu hiện đại được sơ khởi bày ra ở trên, tạo cảm giác cho người đọc rằng chúng chỉ là những thử nghiệm dị hợm, một thái độ phá phách không hơn không kém. Cũng có thể lắm thế hệ nhà thơ hậu hiện đại hôm nay chưa nẩy nòi ra “tác giả” tài năng để tạo ra “tác phẩm” hậu hiện đại lớn. Thực tế, thơ hậu hiện đại Việt có đó, không thể chối bỏ. Nó đã khởi động. Nó đang xảy ra. Như một sinh thể vừa tự ý thức, thơ hậu hiện đại Việt đa phần chỉ như là một phản ứng lại lề thói thơ, nếp nhà xã hội đang gò bó nó. “Chủ nghĩa hậu hiện đại đúng hơn là một tiến trình đang tiếp diễn của sự kháng cự lại ý thức hệ chủ lưu”(20). Nó chưa là thành tựu, và “chưa đi đến đâu”, như vài phán định dễ dãi về nó như thế. Nên, chưa thực sự xâm nhập vào dòng chính lưu để chính nó trở thành chính lưu. Nhưng sự xuất hiện của nó buộc chúng ta nhìn lại quan điểm về thơ ca.

 

Không có chuyện gò từng câu chữ trong một bài thơ hậu hiện đại, để người đọc có thể nói rằng chữ này đã làm sáng lên câu thơ kia, hay đây là câu thơ hay nhất trong bài. Thơ hậu hiện đại Việt không từ chối cái “hay”, cái “đẹp”, nhưng đó là cái hay, đẹp đã rất khác. Khác hẳn quan niệm cũ về thơ. Cái đẹp, cái hay đó ít được thể hiện ở các dạng thức như: câu, chữ, cảm xúc, nhịp điệu… mà nó nằm ở toàn cục. Do đó, thơ hậu hiện đại Việt cần phải được xét ở đơn vị cụm bài hay tốt hơn – cả tập. Không thể khác. Thay đổi quan điểm mĩ học về thơ, nó buộc lề thói phê bình thơ cũng phải thay đổi.

 

Một số “tác giả” còn quyết liệt đẩy quan niệm thơ về phía cực đoan hơn nữa! Các khái niệm: hay, đẹp, có hồn, rất thật…, cần phải bị biến mất mà thay vào đó là những khái niệm mới: vui, buồn cười, quái chiêu… Bùi Chát là người đầu tiên ở Sài Gòn phát động: thơ là phải vui, và anh thực hành tất cả tập thơ của mình theo chiều hướng ấy. Từ Xáo chộn chong ngày (2003) cho đến Tháng tư gẫy súng (2006); hay Lý Đợi: Bảy biến tấu con nhện (2003), Trường chay thịt chó (2005); và Phan Bá Thọ: Chuyển động thẳng đứng (2001), Đống rác vô tận (2004) cũng vậy. Một không khí tạp nham, hỗn độn, rối mù mù nhưng… vui vẻ!

 

Nữa! Xưa nay, chúng ta từng ban cho thơ hàng đống tính, đặt lên vai nó bao nhiêu chức năng nặng nề, ngoại trừ chức năng cơ bản nhất của nó: giải trí. Giải trí – từ cao cấp đến thấp cấp. Hiện tượng thơ hậu hiện đại Việt cực đoan về quan điểm văn hóa thơ: nó đòi hỏi ta nhìn truyền thống như một thực thể sinh động chứ không là cái kho báu cho ta khư khư ôm lấy hay gánh nặng để ta còng lưng mang vác; cấp tiến ở thái độ nhìn nhận sự tồn tại của văn bản văn chương: từ đó ta xét thơ có thể tồn tại bằng nhiều dạng thức chứ không riêng gì trên trang báo hay tập sách; bình đẳng ở ý hướng đặt thơ đứng ngang hàng với bộ môn nghệ thuật lẫn các loại hàng tiêu dùng khác, chứ không là sản phẩm đặc biệt gì; dân chủ trong ứng xử ngôn ngữ, nó làm phong phú vốn từ “văn học” của chúng ta. Đã làm ta giật mình.

Đấy là cái gì mới, lạ… và, cần thiết.

 

Sài Gòn, 08.2006.

_____________________________

Chú thích:

* Phần 1&2, tổng hợp từ các cuốn sách:

- Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, California: Văn Nghệ, Hoa Kì, 2002.

- Nguyễn Hưng quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000.

- Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.

- J.-F.Lyotard, La Condition postmoderne: Rapport sur le savoir, Editions de Minuit, Paris, 1979.

- Fredric Jameson, Postmodernism. or, the Culture Logic of Late Capitalism,

Durham: Duke University Press, 1993.

(1) Nguyễn Hưng Quốc, “Văn bản và liên văn bản”, Tienve.org, 2006.

 (2) Hoàng Ngọc-Tuấn, “Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại” trong Văn học hậu hiện đại thế giới, Những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003, tr. 231.

(3) - Văn học hậu hiện đại thế giới, 2 tâp: Những vấn đề lí thuyết và Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới,, NXB Hội Nhà văn, H., 2003

(4) Paul Hooner, “Giới thiệu thơ hậu hiện đại Mĩ”, trong Sách đã dẫn, tr. 376.

(5) Chủ yếu xuất hiện trên Tạp chí Thơ (Hoa Kì), Tạp chí Việt (Úc).

(6) Báo Thể thao-văn hóa số 2, 06.01.2004 & 06.01.2004.

(7) Martin Heidegger, Questions I, Gallimard, Paris, 1968, p. 182.

(8) Chúng ta cứ sợ cái gi đến từ phương Tây là phản truyền thống. Thậm vô lí! Cứ xem Tân hình thức Việt được nhà thơ Khế Iêm khởi xướng trên Tạp chí Thơ có đến vài chục thi sĩ các nơi hưởng ứng, cũng đủ biết. Thủ pháp chủ yếu của tân hình thức là tái sử dụng đủ các thể thơ truyền thống Việt: từ 5-7 chữ cho đến tận lục bát. Nghĩa là: cứ muốn đậm đà bản sắc! “Tân hình thức là một cuộc hòa điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tự do, giữa nhiều nền văn hóa khác biệt, và ở phần sâu xa hơn, hóa giải những mầm mối phân tranh đã ăn sâu vào kí ức, chẳng phải của một dân tộc mà của cả nhân loại từ hàng trăm năm trước. Chúng ta với thời gian hơn một phần tư thế kỉ, có may mắn cận kề và học hỏi những cái hay của nền văn hóa bao quanh, áp dụng những yếu tố thích hợp vào ngôn ngữ, để làm giàu cho nền thơ Việt (Tạp chí Thơ, số 20, Hoa Kì, 2001, tr. 75). Ít ra đó là ý hướng chủ quan của những người chủ trương tân hình thức Việt. Còn các nhà thơ hành xử với nó tới đâu thì còn tùy cơ duyên và tài năng của họ nữa. Cũng nên chú ý thêm: Tân hình thức Việt cần có đủ thời gian để chín.

(9) Xem thêm Nguyễn Hưng Quốc, bình bài thơ của Bùi Giáng:

Ngẫu hứng

Một hôm gầu guốc gầm ghì

Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm

Bôm ha? đạn hả? bao gồm

Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen.

trong “Bùi Giáng và ngôn ngữ thơ”, Sđd, tr. 103-104.

(10) Bùi Chát, cai lon bo di, Giấy Vụn xuất bản, Sài Gòn, 2004, tr. 43-45.

(11) Nguyễn Hoàng Nam, Tạp chí Thơ, Hoa Kì, số 7, Mùa Thu 1996. Xem thêm lời bình của Nguyễn Ngọc Tuấn: “Mỗi kì một bài thơ: Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, Tạp chí Việt, số 2.

(12) Lý Đợi, “Yêu đương khi”, Talawas.org.

(13) Đinh Linh, “Thơ song nghĩa”, Tienve.org.

(14) Nguyễn Hoàng Nam, “Baggage Y2K”, Tạp chí Thơ, số Mùa Xuân 2002; Bùi Chát, Xáo chộn chong ngày, Giấy Vụn xuất bản, Sài Gòn, 2003, tr. 20.

(15) Xem thêm: Inrasara, “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Tienve.org, 17.03.2005.

(16) Nguyễn Ước, “Một hồ sơ về chủ nghĩa hậu hiện đại”, trong Văn học hậu hiện đại…, Sđd, tr. 492.

(17) Phan Bá Thọ, “hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng”, Tienve.org, 2004.

 (18) Ba bài thơ đăng trên Tạp chí Thơ, số mùa Thu 1996. Xem thêm lời bình của Phan Tấn Hải: “Thơ Chụp Bắt”, Tạp chí Thơ, số Mùa Xuân 1997.

(19)  Đỗ Kh, “Liên khúc đường dài”, Tạp chí Thơ.

(20) Paul Hooner, “Giới thiệu thơ hậu hiện đại Mĩ”, trong Sách đã dẫn, tr. 376.


Đăng lại từ inrasara.com.

Inrasara
Số lần đọc: 3993
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
VĂN CHƯƠNG TRẺ SÀI GÒN ở đâu ? - Inrasara
VĂN CHƯƠNG TP. HỒ CHÍ MINH THỜI HẬU ĐỔI MỚI, KHỞI ĐẦU CHO MỘT KHỞI ĐẦU - Inrasara
Tác phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần - Phạm Quang Trung
Rất cần một hệ thống lý luận văn chương dành cho nhà văn - Phạm Quang Trung
Thơ hậu đổi mới,và…đang khủng hoảng - Inrasara
Về một đặc trưng của trường ca qua “NGƯỜI CÙNG THỜI” của MAI VĂN PHẤN - Phạm Quang Trung
Về những cuốn tiểu thuyết “khó đọc” - Hào Vũ
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)