Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
450
115.865.234
 
Nhập lưu hậu hiện đại kì 8.
Inrasara

Bài thơ tiêu biểu 05

 

Có thể nói, cái đặc trưng nhất của lối viết hư cấu hậu hiện đại là sự phá vỡ trật tự thời gian, sự phân mảnh, tính lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng, sự sáng tạo những cặp vòng tương tác,... thể hiện trong rối loạn ngôn từ của kẻ mang chứng bệnh thần kinh phân liệt (schizophrenia). Một rối loạn ngôn từ như thế từng xuất hiện ở Bùi Giáng, nhưng phải đến Phan Bá Thọ, nó mới được đẩy đến tận cùng của mâu thuẫn và rối loạn. Thử đọc bài thơ:

 

hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng

 

ông ấy là một người [mỹ] trầm lặng - ai cũng bảo vậy - với 60 % tính trầm tĩnh + 30 % tư chất của những con người thông minh linh lợi

 

từng đoạt chức quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương [từ vịnh con heo đến vịnh bắc bộ] chỉ mất 2 giây 10 %, bơi theo thể thức telephone internet card

về thứ 2 trong cuộc đua năm ấy: phan khôi, mất quãng thời gian [tính từ tình già đến lúc tình thôi xót xa] vị chi 80 năm chẵn lẻ

nguyễn quốc chánh với kinh nghiệm căn cước của ẩn dụ & đinh linh bơi với kỹ thuật của một chiến thắng nhỏ trên sự thả lỏng cán đích đồng hạng 3

 

thông minh, trầm tĩnh & bởi anh ta là ernest hemingway nên thay vì được phần thưởng là vào lăng viếng bác + bắt tay với fidel dũng cảm, anh ta lại lẻn lên điện biên nhập vào đoàn quân kháng chiến đánh đồn đờ cát, mà chẳng bị một ai phát hiện.

 

đề cạc thì ai cũng biết rồi [kể cả em bé chăn trâu & chị dậu đều biết. nhưng một điều kỳ lạ, nguyễn đình thi & hải triều thì đéo biết thằng chả là thằng khỉ khô cốc ổi nào]

ông ấy không phải là hạng xoàng nên, sau khi thất trận & hồi cố quốc, vì rảnh rỗi + với lương bổng của 1 thiếu tướng rất ư bảnh choẹ, ông đâm ra nhậu nhẹt & chơi bời đĩ điếm liên tù tì [cho nó hết mẹ thời gian + tiền bạc đi, nhưng cũng đếch xong, nên] thỉnh thoảng để đổi món cho đỡ nhạt mồm miệng, ông lại dắt ngựa đi đua, tiện thể quăng ra vài ba cuốn triết học [làm thế giới đảo điên lộn xộn cùng cực] chơi, đến độ đâu là vịnh con heo đâu là vịnh bắc bộ cũng chẳng có ma nào phân biệt nổi.

 

lại nói về ernest hemingway, sau khi cắm cờ trên nóc hầm đờ cát thì được tưởng thưởng & tung hô vinh hiển đủ thứ, được về hà nội ăn phở, nghe hẹn hò & bên cầu biên giới, được phạm duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí đến sình cả bụng, lại được mang họ mới [nguyễn ernest hemingway] & kết nạp vào hội viên hội nhà văn việt nam [sướng nhé]. 2 tháng chỉ đi lòng vòng quanh một cái hồ bé tẹo thì chán, thành thử nhiều hôm đóng cửa nằm nhà ngâm cứu sách vở, những cuốn sách do đỗ kh & nguyễn đăng thường vô tình lượm mót ở vỉa hè saigon gởi ra. nhưng nghiệt nỗi, trong cái mớ hổ lốn ấy lại có cả đề cạc hoa xoan bên thềm cũ & nguyễn ernest ta tất nhiên ngậm phải, nên nhiễm luôn vi trùng lậu giang mai mà lâm trọng bệnh rồi đâm ra tóc tai bạc trắng, da dẻ nhăn nheo nhìn thấy ớn. nhan sắc biến dạng gớm ghê nên cũng không đủ can đảm để đi lại thăm em út ở các động đĩ hà thành. lo các em hoảng sợ mà chết xỉu.

 

vì ernest chưa hoàn tất cuộc tẩy trần để trở thành nguyễn ernest hemingway chính hiệu nên sau đấy, ông gởi đơn tới tướng nguyễn sơn, xin đầu quân về khu 4, biên chế 50 % ở mặt trận văn nghệ 50 % ở các phòng karaoke máy lạnh hát với nhau. nơi đấy, cứ mỗi 2 chiều một lần ông lại lội ra bãi biển thanh hóa [do đã nhờ kafka hoá trang kỹ lưỡng thành một ông già biển cả hiền từ] vờ, ngồi câu cá thiền định. nhưng cốt chỉ để rình các o du kích mọi nhỏ tắm táp trần truồng cho…monroe…đỡ nhớ.

 

vì là nhà văn hội viên duy nhất đoạt chức vô địch bơi lội, nguyễn ernest được vinh dự đọc tham luận tại đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2004. thay vì ngậm nước hoa trong mồm, phun vào mặt mũi quan khách & hội viên em nhỏ cho lấm lem cho bớt phần căng thẳng cuộc cấu xé. thì đàng này ernest lại tuyên bố hùng hồn [nước miếng văng tùm lum]: viết vẽ hay làm cái đéo gì thì cũng phải như câu cá vậy mới được. phải như câu cá [câu này hô to 3 lần] dẫu con cá đó có là nguyễn du cô nương - là đức hùng vương em nhỏ - là gì gì gì gì cũng thế

 

ừ, thì kết quả của cái là gì gì cũng thế: ernest bị ném hơn 4000 viên đạn ghim vào người. [nhưng, thằng họa sỹ a nhìn thằng nhà văn b - thằng phê bình c nhìn thằng d nhà thơ nhìn mỏi cả miệng lưỡi cũng chẳng biết được đứa nào trong cái đám hội ấy thủ phạm]. nguyễn ernest vẫn chưa chết hẳn [là theo cách dàn dựng của đạo diễn thế lữ] ông ta lồm cồm ngồi dậy, cố cười một cái thật duyên rồi sống tiếp thêm 10 năm hì hì. sau đó còn rinh về cho việt nam cái giải nobel văn chương [quá đã] với tác phẩm có tựa đề lạnh gáy: lời của tớ có thể sai & đúng, nhưng stalin - mao thì đừng hòng.

rené descartes tư duy [theo kiểu một cái bóng của thượng đế nhảy múa] còn de castrie thì hiện hữu [như một võ sỹ quyền anh hạng ruồi quanh năm thất nghiệp] – ấy là theo lời bẻm mép của một chị bán cá rỗi hơi.

 

& hemingway thì ai cũng biết: đích thị là một người mỹ trầm lặng. nhưng hắn ta cũng đồng thời lại là một nhà văn việt nam bi bô & láo toét vào loại bậc nhất.

 

(Phan Bá Thọ, “hemingway & bướm - nguyễn & xe tăng”, Tienve.org)

 

Lối viết siêu hư cấu sử kí (historiographic metafiction) không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ, như chúng ta thấy nó xuất hiện ít nhiều trong vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, mà còn làm sai lệch các sự kiện hiện tại nữa.

Hemingway, một người [mĩ] trầm lặng, tư chất thông minh linh lợi hay Hemingway quán quân trong cuộc bơi xuyên đại dương, cũng được đi. Nhưng cho ông nhà văn tác giả Ông già và biển cả được kết nạp vào hội viên nhập hội nhà văn việt nam hay cắm cờ trên nóc hầm đờ cát, kết bè cùng phạm duy đi hút thuốc phiện… thì chỉ đến thi sĩ hậu hiện đại Phan Bá Thọ chúng mới lòi ra. Không là dạng độc thoại nội tâm như W. Faulkner từng thể hiện hay hiện thực huyền ảo kiểu G. Márquez nữa mà là một phá bỏ biên giới giữa sự kiện có thật và hư cấu. Triệt để. Đây là thủ pháp hoán vị (permutation) hậu hiện đại. Các nhân vật xuất hiện ngẫu nhiên, các chi tiết bị tháo rời, chồng lắp, xen kẽ, tù mù thêm, rối rắm hơn nữa! Không dừng lại tại đó, Phan Bá Thọ cố tình nặn ra hàng loạt thông tin dư thừa không cần thiết rồi nhét bừa vào bài thơ, làm người đọc quá tải. Qua đó anh đẩy người đọc rơi vào tình thế đối mặt với trạng thái lấp lửng giữa thực vào ảo. Văn bản nội tại và thế giới ngoại tai, nghĩa bóng/đen trộn lộn. Ta không biết đâu là thế giới bên trong/bên ngoài văn bản, không còn phân biệt đâu là hư cấu đâu là hiện thực nữa.

 

Mâu thuẫn toàn triệt. Bằng thủ pháp này, Phan Bá Thọ đã khiến người đọc mỗi lúc mỗi ngưng lại “đối chiếu” để tìm mối liên quan nào đó giữa sự thật và hư cấu. Ít ra họ cũng chờ đợi một khai phá mới về cuộc đời đầy sôi động của nhà văn này. Rốt cục họ nhận ra bài thơ không phản ánh hiện thực gì cả: ở đó bao nhiêu sai lầm với nghịch lí. Người đọc không còn tin vào văn bản nữa. Hơn thế, họ biết đây chỉ là một hiện thực giả (simulation) làm đầy thêm hiện thực (hyper-reality) trong một thế giới phi căn nguyên (image-without-an-original)! Thành công của Phan Bá Thọ là giải thoát người đọc khỏi sự bị hút đắm vào câu chuyện “như thật” như đã từng xảy ra ở hầu hết lối viết cũ, để họ biết rằng họ đang đọc văn bản. Bài thơ chỉ là một trò chơi của ngôn ngữ, một diễn ngôn mảnh “thực tại của cuộc sống” như là mớ hỗn độn như nó vốn là thế.

 

Chắc chắn sẽ có phản ứng: thơ như thế mà “khó” gì, cứ xáo bừa mọi hình ảnh/ngôn từ/ý tưởng như nhà cái bầu tôm xóc dĩa làm thì cũng xong cái bài thơ. Chúng ta hãy nhớ phản ứng của

 

Xuân Diệu trước “thơ điên” của Hàn Mặc Tử hơn nửa thế kỉ trước! Hoặc một người bạn thơ của tôi khi nhận tập thơ tặng Người đàn bà gánh nước sông từ tay tác giả Nguyễn Quang Thiều vào mùa hè 1996, đã phát biểu khá ngây thơ rằng: “Thơ như vầy em làm mỗi ngày 20 bài!”.

 

 

Inrasara
Số lần đọc: 3140
Ngày đăng: 20.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mối tình đầu của CHẾ LAN VIÊN - Khổng Ðức
Bàn về Thơ - Nguyễn Đức Thiện
Suy nghĩ về Hậu hiện đại - Nguyễn Đức Hiệp
Nhập lưu hậu hiện đại kì 7 - Inrasara
TRẦN ĐĂNG KHOA: Nói với con gà mái - Đợi mưa - Đối thoại cùng Chân dung! - Lê Xuân Quang
Nhà phê bình, người là ai ? - Bùi Công Thuấn
Thử phác họa về văn học Trung Quốc thế kỷ 21 - Trần Hiểu Minh
Những nỗi tương tư của Thuý Kiều - Nguyễn Hoàn
Nhập lưu hậu hiện đại kì 6. - Inrasara
Sáng tạo cái mới trong nhãn quan các nhà lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại - Phạm Quang Trung
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)