Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
448
115.871.531
 
Lịch sử cải lương 9
Tuấn Giang

Sân khấu cải lương giai đoạn 1975 – 1985

  1. Sự phát triển của cải lương Bắc.

 

Sân khấu cải lương sau giai đoạn 1975, là bước ngoặt lịch sử trước sự hoà nhập cải lương Nam - Bắc, mỗi bên bổ xung cho  nhau những ưu điểm, những hạn chế dần khắc phục. Cải lương Bắc chuyển từ sân khấu thời chiến sang văn nghệ thời bình, hướng đề tài phản ánh cuộc sống đã thay đổi. Thay đổi nội dung, thay đổi nghệ thuật ca diễn, đáp ứng công chúng mới. Theo trào lưu văn học nghệ thuật cuộc sống con người hậu chiến, sân khấu đặt ra những nội dung hiện thực thời đại.

           

Sân khấu cải lương Nam chuyển đổi từ nghệ thuật thương mại sang phản ánh hiện thực cuộc sống mới, loại bỏ dần những lối diễn khoa trương, ca vàng vọt uỷ mỵ bi thương. Từng bước nâng cao nghệ thuật biểu diễn, nội tâm nhân vật, ca có nội dung ngọt mùi, từ bỏ cải lương quá khứ đổi mới sân khấu. Cải lương Nam – Bắc, từng bước hoà nhập vào dòng cải lương hiện thực xã hội, mỗi đoàn cải lương là một đơn vị văn hoá nghệ thuật vì lợi ích nghệ thuật dân tộc, xây dựng đời sống tinh thần cao đẹp cho công chúng. Qua các hội diễn không ngừng nâng cao nội dung vở diễn, trình độ nghệ thuật xây dựng sân khấu cải lương văn hoá, dân tộc lành mạnh. Mở đầu ngày đất nước thống nhất bằng các cuộc liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc, xiếc, sân khấu, nhạc giao hưởng năm 1975 trên 200 diễn viên các đoàn nghệ thuật Miền Bắc vào Nam, các đoàn văn công giải phóng, coi đây là trận tiến công thứ hai bằng sức mạnh văn hoá nghệ thuật xã hội chủ nghĩa được nhân dân hưởng ứng. Cuộc biểu dương văn nghệ cách mạng, sau chiến thắng mùa xuân, sân khấu cải lương Bắc có điều kiện đem đến đồng bào Miền Nam những thành quả mới của sân khấu xã hội chủ nghĩa. Sau những ngày hội văn hoá nghệ thuật, sự gặp gỡ giao lưu sân khấu cải lương Nam Bắc mỗi đoàn không ngừng nâng cao nghệ thuật theo hướng mới. Cải lương Bắc quá trình phục vụ đã ra đời thêm các đoàn ở một số tỉnh thành, mỗi đoàn có truyền thống phục vụ, đạt được những thành quả nghệ thuật riêng trong hoạt động sân khấu.

           

Nhà hát cải lương TW là Nhà hát hàng đầu của cải lương Bắc, dù về chất lượng nghệ thuật có lúc lên lúc xuống, có vở khá vở trung bình, nhưng về quy mô tổ chức đội ngũ, thực chất nghệ thuật... Là Nhà hát lớn mạnh.

           

Nhà hát cải lương TW tiền thân là Liên đoàn Ca kịch kháng chiến Thanh Hoá, ra đời ngày 17 – 4 – 1951 tại Hậu Hiền, Hậu Lộc – Thanh Hoá. Liên đoàn gồm 12 ban hát: Bạch Tường, Kim Thanh, Việt Hùng, Như ý, An Lạc, Thanh Kỳ, .... Nam Hoa, Hồng Kỳ, Quốc Hoa, Kiến Thiết, Tâm Tâm, Phụng Cát, hoạt động biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công, nhân dân vùng liên khu III. Nhà hát có đội ngũ diễn viên tay nghề cao, sau năm 1954, có bộ phận cải lương Nam Bộ trong Nhà hát, gọi là đoàn cải lương Nam Bộ trong Đoàn cải lương TW. Mỗi giai đoạn lịch sử Nhà hát có những vở diễn thành công như Du kích Thăng Long, Chiếc va ly, Tiếng gọi non sông, Quán Thăng Long, Mai nở hai lần... của tác giả: Vũ Đào, Lê Hậu, Nguyễn Phương, Lưu Quang Thuận. Gai đoạn 1960 đến 1980 có các vở: Mật đắng gươm thiêng, Bà mẹ phú yên, Đốm lửa núi Hồng, Chiếc nhẫn ngọc, Người công dân số một, Khuôn mặt đời trần... của các tác giả: Chi Lăng, Lưu Trọng Lư, Thế Kỷ, Tuấn Vinh, Hoài Anh, Trúc Đường... Giai đoạn 1980 – 2007, có các vở: Cô gái Phù tang, Hai dòng sữa mẹ, Nỗi đau tình mẹ, Điều không thể mất, ánh sao lặng lẽ, Thời con gái đã xa, Kẻ bạc tình, Cội xưa... của các tác giả: Văn Hà, Nguyễn Đỗ Lưu, Lưu Quang Vũ, Vũ Hải, Thu Phương, Hữu Lộc, Đức Hiền. Nhà hát đã dựng 142 vở cải lương từ năm 1951 đến năm 2007. Nhà hát có nhiều vở diễn nghệ thuật có tính học thuật, tính thẩm mỹ, phục vụ công chúng, mỗi giai đoạn có lớp nghệ sĩ tiêu biểu như: ái Liên, Sĩ Hùng, Vũ đào, Lê Thọ, Tiêu Lang... 4 nghệ sĩ nhân dân, 24 nghệ sĩ ưu tú. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nghệ sĩ các thế hệ diễn giỏi hát hay, được công chúng hâm mộ. Nhà hát luôn có những vở diễn tìm hướng thể nghiệm mới đến với công chúng cải lương trên các hướng đề tài.

           

Nhà hát cải lương Việt Nam là Nhà hát có số lượng diễn viên mạnh, nhiều vở diễn cách tân sân khấu, nghệ thuật diễn phục vụ công chúng hiệu quả.

           

Đoàn cải lương Vĩnh Phú thành lập 20 – 4 – 1962, tên đoàn là Đoàn Cải lương Bến Tre (Vĩnh Phúc), trưởng đoàn là ông Hồ Phải người Miền Nam tập kết. Tháng 7 – 1968, hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc gọi tắt là tỉnh Vĩnh Phú, hai đoàn cải lương Bến Tre, Long Châu Sa (Phú Thọ) hợp lại đổi tên thành đoàn cải lương Vĩnh Phúc đến năm 2005 tan rã.

           

Đoàn có đội ngũ diễn viên tên tuổi được nhân dân địa phương quý trọng như: Thuý Lan, Trần Thị đào, Kim Oanh, Hồng Hà, Văn Kim... Lớp diễn viên thế hệ thứ hai: Ngọc Thắng, Đình Tiến, Huy Chúc, Duy Chung... Lớp thứ ba: Thu Bảy, Quỳnh Hoa, Bích Hồng, Văn Thường, Lệ Thuý, Mạnh Hùng, Đình Tiến...Đoàn đã dựng 38 vở cải lương phục vụ nhân dân từ ngày thành lập đoàn 2004. Đoàn tham dự các hội diễn sân khấu cải lương như Người con gái đất đỏ – Phạm Ngọc Truyền, Hai trẻ mồ côi – Trúc Đường, Mê Linh khởi nghĩa - Chí Vượng, Chuyện tình Âu lạc – Phùng Dũng... Từ ngày thành lập đến ngày nghỉ diễn đoàn đã phục vụ 5230 buổi ở trong tỉnh và các tỉnh bạn. Thành tích các hội diễn cao nhất là huy chương đồng vở Chuyện tình Âu Lạc, Vuông khăn xanh, ngoài ra còn được tặng bằng khen. Số diễn viên tham dự các hội diễn có 32 người đoạt 7 vàng, có hai nghệ sĩ được phong danh hiệu cao nhất của đoàn là danh hiệu: Nghệ sĩ Hùng Vương, Kim Oanh, Duy Chung năm 1983, năm 2000 Thu Bảy được tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Cuối năm 2005, đoàn nghỉ diễn.

           

Đoàn cải lương Vĩnh Phú là đoàn cải lương có truyền thống nghệ thuật, có nhiều diễn viên ca diễn được công chúng các tỉnh yêu thích, nhưng chưa được quan tâm đầy đủ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường đoàn không tồn tại.

           

Nhà hát cải lương Hà Nội, thành lập tháng 10 năm 1964, không phải năm 1959 như cuốn toàn cảnh sân khấu Việt Nam xuất bản năm 2004 đã công bố. Bộ văn hoá quyết định thành lập Nhà hát cải lương gồm: Đoàn Ca kịch Chuông vàng, Đoàn Ca kịch Kim Phụng, Đoàn Ca kịch Thanh niên hợp thành Nhà hát cải lương Hà Nội. Nhà hát mới thành lập thì cuộc chiến tranh nổ ra, năm 1966, uỷ ban thành phố Hà Nội quyết định tách nhà hát cải lương Hà Nội ra thành hai đoàn cải lương: Chuông vàng và Kim Phụng.

           

Đoàn Cải lương Chuông vàng, có ba giai đoạn hoạt động độc lập, giai đoạn một từ năm 1954 đến 1961, đoàn quản lý tập thể, đổi tên là Đoàn Tiếng chuông vàng Thủ Đô. Năm 1957, đổi thành Đoàn Chuông vàng, đến tháng 10 – 1965, chuyển thành Đoàn cải lương Nhà nước.

           

Từ năm 1954 đến 1965, đoàn có lớp diễn viên lâu năm như Tuấn Sửu, Thuý Mai, Mộng Dần, Trần Vũ, Kim Xuân, Tiêu Lang, Sĩ Tiến... Đoàn có những vở cải cách nghệ thuật như: Đêm hoa đăng, Sang hương đồng nội, Cánh chim hải yến... Năm 1964, đoàn sát nhập với đoàn Kim Phụng thành Nhà hát cải lương Hà Nội, đoàn có những vở diễn mới như: Cô gái đang yêu của Phạm Hoàng, Bất tử của Đoàn Giỏi, Trong lửa đạn của Nguyễn Bắc... Đoàn có lớp diễn viên trẻ: Bích Hạnh, Như Quỳnh (điện ảnh), Trần Bích, Thanh Dậu, Mạnh Duy, Sĩ Cát... lớp diễn viên diễn giỏi, hát hay. Năm 1964, nhập vào Nhà hát cải lương Hà Nội, năm 1966 lại tách ra hoạt động độc lập. Đoàn Cải lương Chuông vàng tiếp tục đổi mới nghệ thuật những vở diễn mới: Lửa diên hồng của Chi Lăng, xa lạ, Hồng Thế, Viên Ngọc nước, Văn Biển, Chạy trốn tình yêu của Phùng Dũng, Trái tim trên lửa hung tàn, Tất Đạt, Niềm hạnh phúc không tên, Thanh Hương, Tiếng thét trong đêm đen, Vũ Hải, Mười tám mùa lá rụng... Đoàn có lớp diễn viên trẻ: Ngọc Dung, Phương Khanh, Minh Hải, Chí Hùng, Quỳnh Châu...

           

Đoàn Cải lương Chuông vàng là đoàn nổi tiếng ở Thủ Đô, từ sau hoà bình lập lại, đoàn có dàn diễn viên nhiều người thuộc hạng sao cải lương Bắc, có dàn kịch mục 53 vở, phần lớn là đề tài lịch sử. Diễn cải lương lịch sử là thế mạnh của Đoàn Cải lương Chuông vàng, liên tục từ năm 1970 đến 2005, trong kíp diễn viên Chuông vàng sau chuyển thành Nhà hát chuyên diễn cải lương đề tài cổ. Đoàn Cải lương Chuông vàng để lại ấn tượng sâu sắc mạnh mẽ nổi tiếng trong cải lương Bắc, có thương hiệu: Cải lương Chuông vàng.

           

Đoàn cải lương Kim Phụng, ra đời ngày 10 – 10 – 1954 tại Hà Nội, tiền thân là đoàn cải lương của ông Đoàn Bá Chính diễn ở rạp Quảng Lạc, phố Tạ Hiền. Ông Ngọc Dư được phân công phụ trách chuyên môn có 40 người, là một ban hát lớn. Sau mấy tháng tiếp quản Hà Nội, đoàn đã công diễn mấy vở mới: Sức mạnh công nhân, Nhạc mùa xuân, Người anh hùng xứ Phổ Lan, tác giả Đoàn Bá Chính, đạo diễn Ngọc Dư.

           

Vở cải lương Người anh hùng xứ Phổ Lan, dàn cảnh tả thực, những toà lâu đài sừng sững trên sân khấu, những khẩu pháo nhả đạn, từơng vỡ từng mảng, nhà đổ nhào. Những khẩu súng máy vãi đạn, người ngã như sung rụng, đó là một nét hấp dẫn tả thực của cải lương Hà Nội, còn sót lại sau ngày giải phóng. Chỉ riêng cách tả thực như thế, tổ chức đạo cụ khá cầu kỳ, chưa kể phục trang loè loẹt, đầy hấp dẫn. Sau khi học tập ba cải, đoàn cải lương đã đổi mới nghệ thuật sân khấu và ca diễn. Giai đoạn từ 1954 đến 1964, đoàn có nhiều vở cải lương về đề tài cuộc sống mới, đây là thế mạnh của cải lương Kim Phụng. Đoàn có bốn vở tồn tại lâu, công chúng hâm mộ như Bà mẹ sông Hồng, Người con gái đất đỏ, Hương sen Đồng Tháp, Nhịp cầu thống nhất, Từ tuyến đầu tổ quốc... Năm 1964, nhập vào Nhà hát cải lương Hà Nội, đoàn dựng vở Luỹ thép trên hải đảo... Do chiến tranh, biểu diễn xung kích đoàn lại tách ra thành đoàn Nhà nước, diễn viên vào biên chế. Đoàn cải lương Kim Phụng diễn các vở: Những người quyết tử, Chiếc đàn T.rưng, Ba lần dũng sĩ... của Ngọc Căn, Huy Thành, Chi Lăng. Giai đoạn từ 1964 đến 1975, đoàn dựng các vở: Bông hồng gai, Trần Phùng, Cơn lốc, Trần Quán Anh, Trận đánh phía sau, Nguyễn Đình Quý... Ngoài ra đoàn còn dựng một số vở cải lương lịch sử, nhưng hướng chính, thế mạnh của đoàn là những vở cải lương đề tài cuộc sống mới. Giai đoạn 1975 – 1985, đoàn dựng tiếp những vở cải lương đương đại: Dòng suối trắng, Y Ban nàng tiên, Đến với bình minh, Dạ khúc tình yêu, ánh sáng trái tim, Hai phương trời thương nhớ... của các tác giả: Trung Đông, Việt Dung, Hữu Song, Lưu Quang Vũ, Thanh Hương. Đoàn có các thế hệ diễn viên Tuấn Nghĩa, Lệ Thanh, Minh đức, Kiều Oanh, Tùng Ngọc, Anh Đệ, Phạm Ty... Thế hệ tiếp theo: Nhật Minh, Vũ Quân, Huyền Thanh, Thanh Hằng, Huy Hùng, ánh Tuyết, Hoàng Thạch, Minh Nghĩa, Lê Chiến... đoàn cải lương Kim phụng giai đoạn mạnh nhất có 80 người, số vở diễn 65 vở, nhiều diễn viên cải lương xứ Bắc, giai đoạn đầu ở đoàn.

           

Đoàn Cải lương Kim Phụng có truyền thống nghệ thuật , luôn cách tân nghệ thuật ca diễn và đổi mới sân khấu. Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Dư là người chỉ đạo chuyên môn của đoàn suốt nửa thế kỷ tạo dựng phong cách cải lương có tính truyền thống và đương đại.

           

Đoàn Cải lương Hải Phòng, thành lập ngày 10 – 9 – 1959, tiền thân từ bốn đoàn cải lương hợp lại: Đoàn Cải lương Phượng Hoàng, rạp Mi Ma Đua đường Cát cụt, Đoàn Việt Hồng, phố Tám Gian, đường Đông Kinh, nay là đường Phan Bội Châu,  Đoàn Kim Thành, rạp Peugola, đường Pazssel nay là phố Quang Trung. Khi hợp lại ngày 10 – 9 – 1959, thành Đoàn Cải lương Phương Đông, năm 1964, đổi thành Đoàn Cải lương Hải Phòng.

           

Đoàn Cải lương Hải Phòng có một nghệ sĩ nhân dân: Phi Nga, 7 nghệ sĩ ưu tú: Lê Hải, Kim Luyện, Thanh Tùng, Thanh Thuấn, Đăng Toàn, Thu Huyền, Tô Hoàn. Mỗi giai đoạn lịch sử đoàn có những vở diễn tiêu biểu: Tiền và Nghĩa - đào Mộng Long, Bông Mai – Học Phi, Trái tim đứng gác – Thuỳ Linh, Hội sóng Bạch Đằng – Sĩ Tiến, Hòn Đất - - Thanh Tuỳên... Giai đoạn từ 1975 – 1985, đoàn có các vở: Nổi gió - đào Hồng Cẩm, Điều không thể mất – Lưu Quang Vũ, Pơliêm – Lưu Quang Thuận, Quạ thần và pho tượng đá - Ngọc Dư chuyển thể, Vẫn chưa muộn – Sĩ Hanh, Cô gái và chàng hoạ sĩ – Ngọc Linh... Đoàn có dàn kịch mục từ 1959 – 1985 là 50 vở, nhiều diễn viên đoạt huy chương vàng các hội diễn, tính đễn năm 2000 là 30 vàng cho các cá nhân. Những diễn viên được công chúng yêu mến như Minh Nghĩa, Hoàng Vương, Hoàng Anh, Văn Mậu, Kiềm Lộc, Bích Dần, Mộng Lan, Hồng Điệp, Lê Định... Thế hệ tiếp theo: Ngọc Thơ, Phi Nga, Kim Liên, Thu An, Hồng Căn, Mạnh Hải, Huyền Châu, Kiến Vinh, Mai Tư, Hoàng Thọ... Thế hệ thứ ba: Hữu Tường, Tô Hoàng, Hoài Việt, Huy Thụ, Xuân Trường, Văn Tới, Huy Thiệp, Vinh Dự, Khúc Thị Tứ... Thế hệ thứ Tư: Đăng Toàn, Thuỳ Ninh, Lê Hải, Đào Hải, Thanh Thuấn, Thanh Tú, Tô Hoàn... Lớp trẻ: Văn quý, Hoàng Vân, Kim Oanh, Kim Tuyến, Thuý Ngà, Dung Phí, Hoàng Anh, Quang Lâm, Minh Tuấn.

           

Đoàn Cải lương Hải Phòng là đoàn mạnh ở Bắc kỳ, có nhiều diễn viên, nghệ sĩ xuất sắc, nhiều vở cải lương nổi bật với dàn kịch mục 80 vở trên các hướng đề tài lịch sử, cách mạng, con người mới. Đoàn trải qua những giai đoạn khó khăn năm 1993, nhiều diễn viên bỏ nghề đi buôn, đoàm nghỉ diễn, sau năm 1995, phục hồi lại đến nay 2007 đoàn phát triển vững mạnh.

           

Đoàn Cải lương Quảng Ninh thành lập tháng 10 – 1960, tại Quảng Ninh. Đoàn có thành tích phục vụ trên quê than anh hùng, nhiều vở diễn kịp thời phản ánh cuộc sống con người vùng than sản xuất, chiến đấu, xây dựng cuộc sống mới.

           

Đoàn Cải lương Quảng Ninh, có nhiều vở diễn xuất sắc như Bỉ vỏ – Võ Khắc Nghiêm, Nếu như không có em - Đức Trung, Ân ái với kẻ giết người – Doãn Hoàng Giang, Người xót lại của rừng người – Nguyễn Quang Thiều (huy chương vàng năm 95), các diễn viên Thuý Nga, Thu Hương, Thế Sinh,Kim Oanh, Thu Hằng, Thanh Bình, Sĩ Hiến, Thu Thuỷ, Tiến Mác, Xuân Tần, Thanh Thanh, Kiều Loan...

           

Những danh hiệu, thành tích của đoàn còn khiêm tốn, nhưng đoàn đã có quá trình hoạt động nghệ thuật lâu năm, có dàn kịch mục 48 vở, nhiều vở được công chúng yêu thích.

           

Đoàn Cải lương Thái Bình, thành lập tháng 10 – 1954, là đoàn có truyền thống nghệ thuật mạnh, nhiều diễn viên được công chúng mến mộ. Đoàn có quá trình biểu diễn phục vụ đồng bào miền duyên hải, nhiều vở diễn phản ánh kịp thời nhiệm vụ sản xuất chiến đấu ở địa phương những năm chiến tranh ác liệt.

           

Sau hoà bình bứơc vào thời kỳ đổi mới, đoàn biểu diễn nhiều vở diễn được công chúng yêu mến như Huyền Trân công chúa – Văn Trọng Hùng, Thằng ngố đòi nợ phật – Xuân Yến, Tiếng hát cao nguyên – Ngọc Thụ, Trần Thủ Độ – Xuân Yến, Vĩnh biệt thời lầm lỡ – Văn An, Đêm Tiền hải – Thuỳ Linh, Người đi trước – Lưu Quang Vũ... Đoàn đã dựng 80 vở diễn, phục vụ hàng triệu người ở tỉnh nhà và các tỉnh trên cả nước. Đoàn có lớp diễn viên được công chúng yêu thích như Đăng Trình, Thu Hoà, Hoàng Dũng, Bích Ngyệt, Thanh Thuỷ, Ngọc Thuỷ, Trần Hằng, Thu Hoà, Trần Oanh, Minh Vương... Nghệ sĩ ưu tú: Bích Ngọc, Xuân Vũ.

           

Đoàn Cải lương Thái Bình, có truyền thống nghệ thuật biểu diễn những vở cải lương cổ bài bản có tính truyền thống, nhiều vở diễn đạt giải cao. Hiện nay đoàn đang trẻ hoá đội ngũ diễn viên, hướng cải lương với sự nghiệp đổi mới phục vụ công chúng nhiều hơn.

           

Đoàn Cải lương Hoa Mai thành lập ngày 24 – 7 – 1957, tại rạp hát bên Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, tiền thân là Gánh hát Cải lương Kim Sơn năm 1954 diễn ở phố Khâm Thiên Hà Nội. Mỗi giai đoạn lịch sử đoàn luôn cách tân sân khấu và nghệ thuật ca diễn theo sát hiện thực cuộc sống.

           

Đoàn có những vở diễn cải cách nghệ thuật như Kiều hồi II, Tú Yên Giáng Kiều, Bên xác máy bay, Lam Sơn tụ nghĩa... những vở diễn giai đoạn đầu, diễn theo đạo diễn, chống diễn cương, sáng tác nhạc vào vở mới... Đây là chủ trương đổi mới nghệ thuật của đoàn theo chủ trương ba cải của Nhà nứơc, những giai đoạn tiếp theo, đoàn cách tân, đổi mới nghệ thuật mang tính hiện đại hoá những vở cải lương cổ, phục vụ lớp người mới. Đoàn có dàn kịch mục từ năm 1957 đến 2007 là 76 vở, nhiều vở đoạt giải huy chương vàng, bạc các hội diễn, hoặc những cuộc liên hoan sân khấu như Kiều hồi II, Lửa phi trường, Trong trắng cao nguyên, Phùng khắc khoan... Cải lương Hoa Mai, là đoàn mạnh vào hàng số một ở xứ Bắc, nhưng lớp diễn viên trẻ kế tiếp những năm đầu thế kỷ mới, khó giữ nổi truyền thống này. Những giai đoạn trước đoàn có lớp nghệ sĩ giỏi hát hay như Mạnh Tưởng, Huỳnh Kim, Thanh Tâm, Tuyết Sơn, Minh Đức, Kim Oanh, Tấn Nhạc... Lớp tiếp theo Thu Hoài, Trần Hà, Mỹ Bình, Thu Thuỷ, Gia Túc, Phương Nụ, Hoàng Long, Kiều Hương, Xuân Tăng, Đình Tư, Trang Nhung, Tô Hồng, Thu Hiền, Trần Sáu, Thái Vân, Tuấn An, Tường Lan, Quang Lan, Đức Tỉnh, Quế Hồng, Bảo Phiến, Ân Chinh..., các nhạc công: Hồng Tuyết, Thu Hương, Viễn Châu, Xuân Thoả...

           

Đoàn Cải lương Hoa Mai có truyêng thống nghệ thuật luông cách tân nhiều vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật, hiệu quả biểu diễn cao, có dàn nhạc mạnh, dàn diễn viên đồng đều. Lớp nghệ sĩ tài danh xứ Bắc đã nghỉ hưu, có một nghệ sĩ nhân dân: Mạnh Tưởng, 6 nghệ sĩ ưu tú lớp trước: Nhạc Tấn, Tuyết Sơn, Huỳnh Kim, Thanh Lâm, Kim Oanh, Minh Đức. Một nghệ sĩ ưu tú lớp sau Thu Hoài, còn lớp trẻ hiện nay đang phấn đấu học tập để tiếp tục sự ngiệp của đoàn. Đoàn Cải lương Hoa Mai, đang thực hiện xã hội hoá nghệ thuật, đổi mới phương thức hoạt động tiếp cận cuộc sống mới, nhằm giữ vững truyền thống của đoàn cải lương dân tộc.

           

Đoàn Cải lương Bông sen trắng Nghệ An, thành lập 1 – 1 – 1969 có tên gọi Đoàn Cải lương nhân dân Nghệ An, đến năm 1976, sát nhập tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh, đổi tên thành Đoàn Cải lương Nghệ Tĩnh. Năm 1990, tách tỉnh Hà Tĩnh ra khỏi Nghệ An, đoàn đổi tên là Đoàn Cải lương Bông sen trắng. Sau năm 2005 nghỉ diễn.

           

Giai đoạn chiến tranh đến 1975, đoàn dựng các vở:Bến Đò Sim, Mất xe của Nguyễn Đại, Hoàng tử Biển, Bà mẹ sông Hồng, Cha con người hát rong, Chạy trốn tình yêu... Đoàn có đội ngũ diễn viên ca diễn hấp dẫn công chúng khu vực thành phố Vinh như: Đào Quý Phi, Nguyễn Đạt, Phi Nga, Minh Goòng... Giai đoạn 1975 đến sau này có lớp trẻ: NSƯT Phi Ninh, Hoa Hạnh, Quế Chung, Ngọc Vinh, Thuỷ Kiên, Minh Tuệ, Minh Hùng, Lệ Huyền, Minh Hợi, Vân Anh... nhiều diễn viên của đoàn đạt huy chương vàng, bạc qua hội diễn, hội thi tiếng hát cải lương năm 1981 – 1994 – 1995 như: Vân Anh, Linh Lam. Thanh Hùng. Minh Tuệ, Phi Ninh, Lệ Huyền, Hồng Vân, Minh Hội. Mỗi giai đoạn lịch sử đoàn có những vở diễn  xuất sắc: Tín hiệu trái tim, Bông trang trắng, Đường lên phía trước, Đường phố Sài Gòn dậy lửa, Đường ra trận, Dòng suối trắng, Nhân danh công lý, Dệt gấm, Ngõ hẹp đời em, Dành lại đứa con, Người đàn bà trả hận, Tình là bể khổ, Xôn xao rừng quế, Mắt em là bể oan cừu, Ai người phán xử, Người mất tích trở về... Đoàn Cải lương Bông sen trắng, có dàn kịch mục 45 vở, phần lớn những vở đề tài cuộc sống mới, là thế mạnh của đoàn. Đoàn có phong cách đặc biệt khi các đoàn cải lương Bắc chuyển ca tiếng Bắc, đoàn vẫn ca cải lương tiếng Nam, cả đoàn cho đó là phong cách riêng vì đoàn ở vị trí địa lý đặc biệt giao thoa văn hoá, ngôn ngữ hai miền nên không từ bỏ lối ca tiếng Nam. Đoàn có thành tích phục vụ xuất sắc trên tuyến lửa Miền Trung, những năm chiến tranh ác liệt, những vở diễn của đoàn có hiệu quả động viên mọi người hướng tới hành động xây dựng con người mới.

           

Đoàn Cải lương Bông sen trắng, ra đời muộn nhất trên đất Bắc, có nhiều vở diễn đề tài cuộc sống mới thành công cao, được công chúng nhiều tỉnh biết đến, nhưng đã tan rã sớm. Đoàn cải lương Bông sen trắng là một hiện tượng trong nền kinh tế thị trường, khi không có công chúng tự tan rã, đó là sự phát triển hợp quy luật.

           

Qua 10 đoàn cải lương Bắc ra đời, phát triển giai đoạn 1975 – 1985, nhiều biến đổi, là bước chuyển nghệ thuật cải lương. Nhiều đoàn cải lương Bắc có truyền thống biểu diễn phục vụ công chúng, với lớp diễn viên đồng đều, dàn kịch mục nhiều vở diễn phản ánh phong phú các hướng cải lương. Giai đoạn hoà bình thống nhất, sân khấu cải lương phát triển mạnh, các đoàn dựng nhiều vở cách tân, đổi mới sân khấu, nghệ thuật diễn.

 

  1. Nghệ thuật diễn.

 

Những năm 80 của thế kỷ trước là bước chuyển nghệ thuật cả nước, chuyển từ giai đoạn nghệ thuật thời chiến sang hoà bình. Sân khấu những năm chiến tranh đề cao tinh thần chiễn đấu, ngợi ca người tốt, những tấm gương sống vì mọi người. Xây dựng mối quan hệ lối sống tập thể. Mọi tình cảm riêng tư bị coi là tư sản, tiểu tư sản, sau hoà bình ảnh hưởng nhiều điều từ cuộc sống mới, sang thời hậu chiến con người đòi công nhận những cái bị đánh mất trong quá khứ.

 

Sau ngày thống nhất, hàng chục đoàn cải lương Miền Nam ra Bắc diễn những vở cải lương cũ, tuy có nội dung nhưng hình thức ca diễn khác lạ thâm nhập vào công chúng một gu thẩm mỹ mới. Mặt khác toàn bộ những bài hát gọi là “nhạc vàng”, thực ra là những bản nhạc trữ tình của chế độ cũ, những cách hát của lớp ca sĩ cũ, ca sĩ hải ngoại thể hiện vàng vọt, bi luỵ, sướt mướt tan vỡ, thất vọng, toàn những bài hát anh em, yêu thương đẫm lệ, giận hờn vô lối... Những bản tình ca, những vở cải lương tình cảm, tạo không khí âm nhạc ảm đạm buồn tủi thê lương thành gu thẩm mỹ trong công chúng. Nhà nước có các ban, phòng chống văn hoá phản động, đồi truỵ, nhưng cứ lưu hành ngoài xã hội, trong các gia đình. Lối sống hưởng thụ, đòi công nhận những tình cảm riêng tư thành một nhu cầu mới. Những bài hát ngày ấy cho là văn hoá thực dân mới, hôm nay được phục hồi không xót một bài nào trên băng đĩa, phát trên mạng, nhạc số... Tuy nhiên, phong cách hát có hai hình thức, những ca sĩ trẻ hát tươi mới, thay vào nhịp điệu pop lê thê bằng nhịp điệu rock, rap, bolero, balad... Những ca sĩ Sài Gòn cũ, hoặc hải ngoại hát nguyên si chất vàng vọt, não nề, nghe cổ lỗ, nhưng đã lưu hành ở khắp mọi nơi, ai thích thì nghe, không thích chẳng bao giờ chúng xâm nhập được. Qua đó, lại nói lên một điều, có lẽ cần có cái nhìn cởi mở với các loại hình nghệ thuật thời nay. Hiện đang tồn tại một dòng nghệ thuật hậu hiện đại, hay là dân gian hiện đại, những bài tấu, những bản nhạc, những bài luận chiến, phát tán trên mạng, ở đó là sự dân chủ thông tin. Nhiều sách đen vô cùng độc hại, nhưng mọi người biết tự bảo vệ mình, xem mà không nhiễm, còn số xem nhiễm chắc là hư hỏng. Nhưng không thể cấm được, các học sinh lớp ba, lớp bốn đã xem phim sex, những chuyện nhảm nhí... Bây giờ mỗi gia đình, mỗi người phải tự bảo vệ mình, vì thế cần có cái nhìn mới. Khi nghệ thuật xuất hiện nhiều hình thức phục vụ mọi đối tượng, mọi nhu cầu con người, chỉ có điều phải xem đúng tuổi, đúng chỗ, đúng với mình. Nghệ thuật sân khấu không có một dòng, nhiều dòng chảy khác nhau, hãy chọn đúng dòng mình, còn những dòng khác là của người khác. Sân khấu cải lương những năm 80, các đoàn cải lương: Hương nùa thu, Nhạn trắng, Minh Cảnh, Tấn Tài, Hàm Luông, Sông Hiếu... diễn nững vở cũ phát triển hình thức đánh trưởng giật gân, những chuyện tình tay ba, tay tư, phục trang gợi tình, sex... Sân khấu phục hồi hình thức diễn thiếu nội dung, ca kỹ thuật chạy chữ, cải lương dung tục, ca Vọng cổ nhịp 64 thành mốt thời thượng... Trước tình hình ấy, cải lương Bắc bị mất công chúng, mất doanh thu, còn nhiều đoàn kiên định đi theo hướng của mình, ca diễn có nội dung. Nhưng các đoàn không thể cứng nhắc diễn theo nội dung cũ, hầu hết các đoàn thay đổi cấu trúc chương trình, nội dung vở diễn, dù là những vở phản ánh hiện thực mới phải tình cảm, đi vào cái tôi, cái tình cảm riêng tư con người, có một thời đánh mất nay phải công nhận. Đó là tâm lý công chúng, những đòi hỏi nghệ thuật mới của mỗi giai đoạn lịch sử phát triển cải lương. Các diễn viên cải lương Bắc, giấy lên phong trào ca diễn có nội dung, ca sát tình cảm nhân vật... hướng nghệ thuật ca diễn có nội dung. Sự ảnh hưởng cải lương Nam vào ca diễn cải lương Bắc, trước những thẩm mỹ khác lạ diễn hình thức, thiếu chiều sâu, lấy giọng ca hay và trang phục đẹp... chinh phục công chúng đã tác động đễn cải lương Bắc. Diễn viên cải lương Bắc tiếp nhận lối ca ngọt mùi cải lương Nam, những hình thức trang phục đẹp đặt đúng nội dung... Từ những cái quá đà cải lương Nam vào cải lương Bắc điều chỉnh hợp lý làm cho cải lương Bắc tiến bộ mới, phù hợp công chúng. Sân khấu đẹp, vở diễn tình cảm, ca diễn nội tâm sâu sắc ngọt mùi, là những ảnh hưởng tốt của cải lương Nam vào cải lương Bắc nâng cao thành nghệ thuật hiện thực mới. Các diễn viên Bắc tiếp tục ca diễn có nội dung, ảnh hưởng đễn cải lương Nam, từng bước cải lương Nam ca diễn sâu sắc hơn. Đạo diễn xử lý những nhân vật thông qua hành động đời thường mang biểu tượng ý niệm triết học, diễn tả cái linh hồn bên trong như cảnh Hoàng Diệu vào miếu thắp hương, Hoàng tiểu thư thắp lên ngọn đèn, là thắp sáng ngọn lửa yêu nước trong lòng dân hoặc Lan cắt đứt dây chuông là đoạn tuyệt mối tình trong vở Lan và Điệp... Sau một thời gian giao thoa giữa hai dòng cải lương đem đến những nhân tố tích cực: cải lương Nam ca diễn có nội dung, cải lương Bắc ca diễn ngọt mùi, giảm dần chất kịch nói hoá vào cải lương. Vào những năm đầu phát triển ca nhạc nhẹ, cải lương Bắc hỗn loạn, mất phương hướng, các đoàn thường cấu trúc chương trình chạy theo thị hiếu công chúng. Mở đầu ca nhạc nhẹ gọi khách, sau diễn trích đoạn, tấu hài hoặc vở ngắn. Vào những giai đoạn khó khăn ấy, có những vở diễn cải lương tình cảm như Chiếc nhẫn ngọc, Hai dòng sữa mẹ, Cô gái phù tang... đó là những vở diễn ăn khách ngoài sân bãi. Trên sân khấu hội diễn 80 – 85, các đoàn cải lương Bắc, có nhiều vở diễn đề tài lịch sử, cuộc sống mới lấy lại định hướng thẩm mỹ sân khâú cải lương. Hội diễn sân khấu 80, Đoàn Cải lương Thái Bình vở đêm Tiền Hải - Thuỳ Linh, Đoàn Cải lương Hải Phòng vở Hoa đất mặn – Ngọc Thụ. Nhà hát Cải lương TW vở: Minh Khai – Nguyễn Đức Thuyết, Đoàn Cải lương Kim Phụng vở Dòng suối trắng – Trung Đông. Hội diễn sân khấu năm 1980, tổ chức thành 4 đợt (5) có 38 đoàn tham diễn 38 vở. Kịch nói 8 vở, chèo 7 vở, tuồng 4 vở, cải lương 18 vở, kịch dân ca 1 vở, đó là vở Bông trắng – Nguyễn Trường Nhẫn – Nguyễn Khắc Phục. Đoàn Dân ca kịch Thuận Hải. Các đoàn cải lương Bắc có 4 đoàn tham diễn, 6 đoàn không có điều kiện tham dự, điều đó nói lên những khó khăn của cải lương Bắc sau ngày giải phóng phải đương đầu với giá lương tiền, lấy thu bù chi... các diễn viên, nhiều đoàn không có điều kiện biểu diễn. Những khó khăn chung ngày ấy, còn nhiều đoàn kịch dân ca đã vắng mặt trên sân khấu hội diễn.

Từ năm 1975, nghệ thuật phải chia thành hai hình thức trình diễn, một loại trình diễn ngoài sân bãi doanh thu, còn loại kia là sân khấu hội diễn. Hai hình thức nghệ thuật này từ ca nhạc đến sân khấu khác nhau, trình diễn ngoài sân bãi vì doanh thu chạy theo công chúng kiếm tiền để tồn tại, diễn trên sân khấu hội diễn có đầu tư của Nhà nước, các chương trình ca nhạc, những vở diễn nghiêm hơn, nghệ thuật coi trọng những sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng quá sạch sẽ được coi là “những tiết mục cúng cụ”. Nghệ thuật biên kịch, nội dung đề tài nhằm đúng công tác vận động tuyên truyền có tính chính trị, thời sự đang tồn tại sân khấu ngợi ca. Nghệ thuật ca diễn ngọt mùi, theo sát nội dung vở diễn mang tính định hướng thẩm mỹ nghệ thuật, nội dung đề tài phát triển cải lương... Còn sân khấu doanh thu, xô bồ mạnh ai tự làm, miễn là không vi phạm tới những điều cấm kỵ, còn đăng ký vở một đằng tới diễn vở khác để doanh thu là chuyện bình thường. Sân khấu sân bãi chạy theo công chúng, diễn hình thức, ca nhạc vàng khá nổi cận, bị dư luận lên án, không ít đoàn đánh mất mình chạy theo doanh thu. Thường những vở hội diễn xong xếp vào kho, các đoàn chạy theo cách làm ăn khác để tồn tại, nhưng mỗi lần hội diễn có ý nghĩa to lớn:

  • Lấy lại tinh thần sân khấu
  • Định hướng nghệ thuật
  • Nhìn nhận tình hình các đoàn, đội ngũ diễn viên

 

Hội diễn đem lại nhiều thông báo về hoạt động sân khấu, qua hội diễn bộc lộ những thuận lợi khó khăn, trình độ nghệ thuật, hướng đào tạo, nghệ thuật diễn... Hội diễn là những thông báo về sân khấu hiện tại, nhưng cái yếu nhất qua nhiều hội diễn lại chưa đi sát thực tiễn nghệ thuật của công chúng. Sân khấu hội diễn và công chúng luôn là khoảng cách, điều đó là yếu điểm của sân khấu hội diễn chưa dám nhìn thẳng

....................................................................................................................

(5) Theo công báo Cục Nghệ thuật biểu diễn

 

vào sự thật ở nhưng năm đầu xây dựng hoà bình, thống nhất đất nước. Các nhà quản lý còn chủ quan duy lý, áp đặt tuyên truyền đường lối, chưa coi trọng sân khấu giải trí, thậm chí chưa có văn nghệ, sân khấu giải trí. Quản lý chưa theo kịp thực tiễn xã hội, khi sân khấu sân bãi diễn một đằng chạy theo công chúng, hội diễn làm một nẻo để làm gương mà chẳng ai theo. Sau đó, dẫn đến sự phản ứng nhiều đoàn cải lương ngầm không tham dự hội diễn với lý do khó khăn... nhưng có nghệ sĩ, có đoàn nói thẳng: tội gì tham diễn để đổi vàng thật lấy vàng giả. Họ nói thế vì nhiều đoàn, nhiều diễn viên diễn doanh thu cao như các đoàn Minh Cảnh, Tấn Tài, Sài Gòn I, II, I

 

II... hoặc các diễn viên nổi tiếng nếu vào hội diễn có thể bị bạc hoặc không được giải gì, nên họ không tham dự là lối thoát bảo vệ uy tín cho họ, có tính thực dụng hơn.

 

Sân khấu cải lương có hai hình thức nghệ thuật diễn khác nhau, diễn trên hội diễn mang tính học thuật, diễn ngoài sân bãi mang tính thực tiễn, hợp công chúng doanh thu cao để cải thiện đời sống mỗi diễn viên và các đoàn cải lương.

 

Hội diễn sân khấu cải lương 1985, có 14 đoàn cải lương Miền Nam, Miền Trung tham diễn. Sân khấu hội diễn toàn quốc lần hai sau ngày thống nhất đất nước có 59 đoàn, dân ca 8 đoàn, kịch nói 14 đoàn (6), chèo 8 đoàn, tuồng 9 đoàn, cải lương 20 đoàn. Riêng hai trường sân khấu điện ảnh không dự thi, chỉ tham diễn chào mừng hai vở, tổng số vở diễn lên 61 vở của 61 đoàn sân khấu. Những con số tham diễn lần thứ hai, nói lên sự hùng mạnh sân khấu giai đoạn hoàng kim nghệ thuật.

 

Hội diễn cải lương qua 5 đợt, đợt một tại Thanh Hoá, đợt hai Thành phố Hồ Chí Minh, đợt ba Quy Nhơn, đợt bốn Thành phố Vinh, đợt năm Thành phố Cần Thơ. Cải lương Bắc có 6 đoàn tham diễn: Đoàn Cải lương Chuông vàng vở Trái tim trên lửa hung tàn – Tấn Đạt, Đoàn Cải lương Kim Phụng vở Hai phương trời thương nhớ – Trung Đông, Đoàn Cải lương Hà Nam Ninh vở Hoa đá – Trung Đông, Đoàn Cải lương Thanh Hoá vở Ngôi sao trong đêm – Nhật Tân, Đoàn Cải lương Hải Phòng vở Tiếng gọi – Nguyễn Đình Chính, Đoàn Cải lương Thái Bình vở Người đi trước – Lưu Quang Vũ. Hội diễn sân khấu 1985, bùng nổ sân khấu tâm sự đồng hành cùng công chúng. Những vở cải lương, kịch nói, chèo, dân ca nói thẳng nói thật, phản ánh những bất công xã hội người ngay sợ kẻ gian, lối làm ăn quan liêu, cổ hủ. Những vở diễn thể hiện một xã hội bưng bít thông tin, lớp quan lại ô dù che chắn những việc làm tội ác, sân khấu xuất hiện một mảng hiện thực xã hội đen tối. Đây là những vở diễn được công chúng vô cùng hâm mộ, bởi lâu nay không ai dám nói sự thật được che đạy như bóng đêm giữa ban ngày. Sân khấu đã nói hộ cùng công chúng, công chúng chạy đến

..........................................................................................

(6) Theo công báo Cục nghệ thuật biểu diễn

 

Sân khấu dốc bầu tâm sự, là bước đột phá mở đầu sự nghiệp đổi mới đất nước vào năm 1986. Những vở diễn tại hội diễn chấn động dư luận như Người tốt nhà số 5 – Lưu Quang Vũ, Đoàn Chèo hà Sơn Bình, Lý Nhân Tông kế nghịêp, Đoàn Chèo Tổng cục Hậu Cần, Dốc sương mù - Lê Duy Hạnh, Đoàn Văn công Thành phố Hồ Chí Minh, Ký hoạ người đồng bằng - Lê Duy Hạnh, Đoàn Cải lương Cửu Long, Người đi trước - Lưu Quang Vũ, Đoàn Cải lương Thái Bình, Tiếng gọi -  Nguyễn Đình Chính, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Người giữ mộ – Phi Hùng, Đoàn Cải lương Đồng Tháp... Hàng chục vở diễn nói về cuộc sống mới như gió đổi chiều. Sân khấu hội diễn hướng mọi người đổi mới, ủng hộ “ những người đi trước”, những người dám nhìn thẳng vào sự thật, hành động vượt rào, đó là lớp trẻ hôm nay như những nhân vật trong các vở cải lương, được công chúng đón nhận. Tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Tào Mạt, Phi Hùng, Lê Duy Hạnh... là những người mở đường đổi mới sân khấu. Sân khấu hội diễn không phải là những tiết mục cúng cụ, là sân khấu đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Tuy trong số 61 vở tham diễn chỉ có 15 vở phản ánh hiện thực mới, Lưu Quang Vũ có nhiều vở phản ánh hiện thực như Tôi và chúng ta, Nhân dânh công lý, Người đi trước, Người tốt nhà số 5... gây chấn động dư luận. Những vở kịch nói, chèo, cải lương của Lưu Quang Vũ tại hội diễn là bước đổi mới phương thức sân khấu phản ánh hiện thực xã hội.

           

Sân khấu cải lương Bắc có những khoảng thời gian công chúng không quan tâm, dù nghệ thuật diễn đổi mới, nguyên nhân từ tác phẩm sân khấu, qua hai đợt hội diễn sau ngày thống nhất đã nói bước chuyển đổi thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Hội diễn lần thứ nhất, công chúng không quan tâm bởi có “những tác phẩm cúng cụ”. Hội diễn lần thứ hai, công chúng hào hứng đón nhận, vì nói lên những điều họ đang mong đợi. Nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội, đây là bước chuyển sân khấu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật. Nghệ thuật diễn sân khấu cải lương có hai hình thức, diễn ngoài sân bãi chạy theo công chúng, tính học thuật không cao. Những vở diễn trong hội diễn thường là định hướng các mặt của sân khấu, đôi khi còn cách xa công chúng, nhưng đã có những hội diễn hoà nhập cùng ý nguyện khán giả. Tuy vậy, sân khấu cải lương luôn có hai hình thức biểu diễn, hình thức biểu diễn trên sân khấu hội diễn đổi mới, nâng cao nghệ thuật ca diễn. Mỗi lần hội diễn sân khấu cải lương có những tiến bộ qua quá trình diễn giữa các đoàn, qua dư luận báo chí, giúp các đoàn nhìn nhận rõ hơn. Nghệ thuật diễn cải lương Bắc từ hội diễn lần thứ hai năm 1985, có những tiến bộ, diễn nội tâm sâu sắc, nói đài từ, ca mùi hơn. Nhiều vở diễn hướng tới công chúng, nghệ thuật diễn thể hiện hình tượng, tính cách nhân vật có ngôn ngữ cải lương, kết hợp với trang trí sân khấu về âm nhạc. Sau hoà bình thống nhất, cải lương Bắc đã đổi mới nghệ thuật.

           

1.2.Âm nhạc, mỹ thuật.

a. Âm nhạc.

           

Ca nhạc cải lương Bắc thường cách tân đồng bộ theo nhạc, gọi là cách tân nhưng chưa có ca sĩ nào được suy tôn là những giọng ca vàng dù họ đã đoạt giải vàng. Những giai đoạn 30 – 54, còn nhiều diễn viên gạo cội, càng về sau ca cải lương Bắc chuyển sang hướng khác ít có sao dẫn đến không có diễn viên hạng sao về ca.

 

Nhiều thập kỷ ca diễn tự do những năm 65 – 2007, các nghệ sĩ diễn viên luôn cách tân ca nhạc nhưng tập chung vào các hướng ca các điệu lý, các bài dân ca Bắc Bộ vào cải lương, ca bài Vọng cổ xoay quanh các điệu lý, nói lối... Cách tân ca nhạc liên tục nhưng không diễn viên nào bứt phá về kỹ thuật ca bài Vọng cổ. Những thành công bứt phá cao, thường xuất hiện các diễn viên cải lương Nam, nhiều người gọi tên bài Vọng cổ với tên diễn viên. Đây là sự khác biệt kỹ thuật ca cải lương Nam - Bắc. Ca cải lương Bắc tập chung ca theo tâm trạng nhân vật, chưa chú ý riêng kỹ thuật ca, từ những năm 1990, nhiều đạo diễn vào cải lương lại phá bỏ các ngôi sao, dựng vở theo lối đồng diễn tập thể, kỹ thuật ca cải lương và bài Vọng cổ ít phát triển, không có diễn viên ngôi sao sáng về nghệ thuật ca. Ca cải lương Bắc đi cùng dàn nhạc, nặng về tính hoà tấu nhịp điệu dàn nhạc, vào những thập niên 60 – 80, nhiều đoàn có dàn nhạc từ 15 đến 20 nhạc công. Đó là giai đoạn hưng thịnh cải lương Bắc, đề cao nhạc đan tộc, dàn nhạc có đủ loại như ghi ta lõm phím, nguyệt tranh, cò... nhiều đàn dân tộc khác cùng hoà tấu bài bản.

 

Phần dàn nhạc cải lương Bắc, hoà tấu dàn nhạc cả dàn nhạc dân tộc, lấy số đông các nhạc cụ dân tộc hoà tấu coi đây là thành công theo đường lối phát triển ca nhạc dân tộc. Nhưng thực chất người ta đã xoá những đặc tính riêng của dàn nhạc cải lương, với dàn nhạc dân tộc, đó là hai đặc tính khác nhau. Từ dàn nhạc nhiều vở cải lương viết nhạc dân tộc theo lối hoà tấu dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch opera, opretter, có thời định giao hưởng hoá ca nhạc sân khấu dân tộc, và nhạc dân tộc. Những sai lầm này, làm cho ca nhạc cải lương Bắc chậm phát triển đặc tính dân tộc trong ca nhạc cải lương. Sau năm 1985, ca nhạc cải lương Bắc phát triển loại bỏ dàn nhạc dân tộc, bỏ lại sự phát triển dàn nhạc cải lương. Phần ca, dàn nhạc cải lương Bắc luôn cách tân nhưng không đúng hướngvì có những thời chạy theo các nhà chính trị, tiếng nói chuyên môn đành im lặng. Những ưu điểm ca nhạc cải lương Bắc đạt được viết nhạc nghiêm chỉnh từng vở diễn, tư duy giai điệu diễn tả sâu sắc, hoà tấu dàn nhạc, hoà thanh phối khí hiện đại. Ca hát - hoà tấu nhạc – nghệ thuật diễn đồng biểu cảm tình huống sân khấu, tâm trạng nhân vật, đó là đặc điểm ca nhạc cải lương Bắc. Dù có những giai đoạn, những vở diễn viết nhạc, hướng phát triển dàn nhạc lầm lạc, nhưng các đoàn sớm nhận ra trả lại  ca nhạc cho cải lương  là sự diễn tả vở diễn.

 

Ca nhạc cải lương Bắc những năm hoà nhập cải lương Nam đã trả lại ca nhạc sân khấu cải lương, ca diễn ngọt mùi, dù lấy nghệ thuật đồng diễn tập thể làm chính, cải lương Bắc có những vở diễn, những đoàn thành công. Đây là sự khác bịêt hai dòng cải lương Nam – Bắc, mỗi dòng có thành công riêng về ca nhạc.

 

b.Mỹ thuật, phục trang.

 

Mỹ thuật cải lương Bắc đổi hướng mới theo hướng chính quy hiện đại, mỗi đoàn mỗi vở diễn có những thành công riêng. Mỹ thuật cải lương Bắc hướng tới sân khấu hiện đại, trang trí mảng khối như kịch nói.

 

Mỹ thuật sân khấu nhiều cách tân khi có bàn tay các nhà đạo diễn kinh nghiệm, sáng tạo ngôn ngữ hành động nhân vật... Sân khấu trang trí mảng khối với những phối cảnh phức tạp như cảnh Thi Sách bị treo trên cổng thành luy lâu trong vở Trưng Vương, ngoại cảnh, nội cảnh qua các mảng trang trí mở ra, khép lại, chuyển đổi không gian... Có những thử nghiệm sân khấu quay, tạo hai mảng diễn quá khứ, hiện tại, bên này, bên kia như đồng hiện cùng nghệ thuật diễn. Sân khấu giảm đi những hình thức chuyển cảnh, tạo ra cảnh mới bằng sân khấu quay, nối quá khứ với hiện tại. Cảnh trí ước lệ một cái cầu, một dòng sông có thể diễn các cảnh đi qua thời gian và hiện tại. Trang trí mỹ thuật cải lương những năm 80, tả thực – ước lệ, nhưng tiến bộ cao hơn xử lý không gian, cải tiến đạo cụ cảnh trí, kỹ thuật sân khấu, kết hợp cơ khí thủ công đem lại cảm thụ chân thực, mới lạ. Nhiều vở diễn trang trí mỹ thuật hoành tráng như vở Lý Thường Kiệt, Cải lương Hoa Mai Dòng suối trắng – Cải lương Kim Phụng, Khi thành phố lên đèn – Cải lương TW... Mỗi vở diễn một hình thức trang trí cách tân sân khấu, mục đích làm mới sân khấu cải lương hấp dẫn công chúng. Vở Lý Thường Kiệt, cảnh trí cao rộng, sâu thẳm, hoạ sĩ Phùng Huy Bích trang trí mô típ tả thực, sân khấu không đóng màn. Các cảnh diễn liên tục từ đầu đến kết thúc vở, phần nội ngoại cảnh không chuyển cảnh theo lối đóng màu, sử dụng dây kéo dòng dọc chuyển cảnh. Lại có vở thay đổi cảnh trí bằng chiếu phim trên phông hậu, khi chuyển cảnh thả phông xuống... Sân khấu cải lương giai đoạn hoà bình thống nhất đổi mới trang trí, đạo cụ và kỹ thuật san khấu cơ khí, thay cho sân khấu thủ công. Tuy chỉ là những thử nghiệm, nhưng nhiều vở diễn thành công hé mở hướng mới, phát triển kỹ thuật sân khấu, mỹ thuật ánh sáng, phục trang... Nhưng chỉ tiếc là những sáng tạo ấy không trở thành một khuynh hướng sân khấu của một đoàn có tính bền vững. Mỗi hình thức đổi mới mỹ thuật, kỹ thuật sân khấu chỉ ở một số vở diễn có tính thử nghiệm. Nhưng từ khi thế hệ đạo diễn phát triển mạnh vào sân khấu, những tên tuổi như Ngọc Dư, Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Lê Chức... xông vào cải lương, sân khấu cải lương đã đổi mới. Sân khấu cải lương những năm cuối thế kỷ XX, sân khấu của đạo diễn, nghệ thuật diễn, mỹ thuật phục trang, âm nhạc... chuyển hoá theo đạo diễn. Từ đây không thể không kể đến tên tuổi các tác giả, đạo diễn sân khấu cải lương.

 

Sân khấu cải lương Bắc đổi mới toàn diện, mỹ thuật phục trang thể hiện đặc tính nhân vật, hiện thực lịch sử, sự thật xã hội ít được coi trọng, sân khấu cải lương đang chuyển hoá tìm những thử nghiệm mới.

Tuấn Giang
Số lần đọc: 4432
Ngày đăng: 28.10.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử cải lương 8 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 7 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 6 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 5 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 4 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 3 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 2 - Tuấn Giang
Lịch sử cải lương 1 - Tuấn Giang
50 năm trong một liên hoan - Hiền Lương
Trò chuyện giữa Ea Sola và Hoa Hạ - Nguyễn Thị Minh Ngọc
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)