Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
490
115.870.383
 
Ngôn Ngữ Ước Lệ Biểu Diễn Tuồng
Tuấn Giang

Ước lệ, không phải thủ pháp nghệ thuật. Ước lệ là loại hình ngôn ngữ, quy chuẩn các trạng thái tồn tại nghệ thuật và cuộc sống, ước định hiện thực hoá tự nhiên xã hội. Ngôn ngữ ước lệ tĩnh và động, biểu trưng các dạng tồn tại không điều kiện, mặc nhiên toàn xã hội công nhận một hình thức diễn tả đời sống con người và trong các loại hình nghệ thuật.

 

Những hoạt động đời sống tự nhiên, xã hội, con người phát hiện ra phương thức ước lệ hiện thực. Uớc lệ ra đời từ đặc tính từng dân tộc, từng loại hình, thể loại nghệ thuật. Mỗi thời đại đặt ra đặc tính ước lệ riêng. Ước lệ sẽ biến đổi theo thời gian, mang khái niệm thẩm mỹ. Nói về tính ước lệ, nhà nghiên cứu Hồ Ngọc công bố cuốn sách: Tính ước lệ của sân khấu, nhằm phân biệt hai khái niệm ước lệ: Ước lệ đời sống và ước lệ nghệ thuật. Nhưng nhiều nhà lý luận sân khấu còn giải thích nhầm lẫn, họ đánh đồng hai khái niệm này là một. Nhiều người nói rằng: ước lệ là rút gọn hiện thực, quy ước, ước định… trong cuốn Từ điển Tiếng Việt trang 1091 viết: ước lệ là quy ước trong biểu diễn nghệ thuật. Ước lệ không phải là quy ước, ước định… mà là hệ thống ngôn ngữ mô tả hiện thực cuộc sống bằng nghệ thuật ước lệ. Những lý giải trên của các nhà nghiên cứu sân khấu thuộc phạm vi khái niệm ước lệ cuộc sống mang tính rút gọn hiện thực, quy ứơc biểu tả, ước định hiện thực như ngôn ngữ ngành giao thông mô tả đường gấp khúc… hoặc nhiều quy ước khác, hàng dễ vỡ vẽ cái cốc, hàng chống ướt biểu thị cái ô…. Những ước định, quy ước, rút gọn hiện thực, biểu trưng ấy là ước lệ cuộc sống. Còn ước lệ nghệ thuật không định lượng, không đồng nhất hiện thực, dù là ước lệ hình thức. Ước lệ nghệ thuật là phương pháp mô tả đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật, tồn tại, bất biến trong từng loại hình, thể loại nghệ thuật. Ước lệ sẽ mất đi, hoặc bị phá bỏ một số ngôn ngữ khi nghệ thuật cổ phát triển trong thời đại mới bằng các hình thức cải biên, mô phỏng, cái biến những chuẩn mực lâu đời các loại hình nghệ thuật. Ngôn ngữ ước lệ tồn tai phổ biến trong các hình loại nghệ thuật truyền thống châu Á, châu Phi, Việt Nam là tuồng chèo múa. Những hình thức nghệ thuật hiện đại, hậu hiện đại sử dụng ngôn ngữ ước lệ là vay mượn, hoặc kế thừa nghệ thuật truyền thống.

 

Ngôn ngữ ước lệ nghệ thuật biểu diễn tuồng là hệ thống động tác, biểu cảm nội tâm con người nhân vật tuồng, thành nghệ thuật kinh điển thông qua ước lệ động tác từng loại nhân vật. Nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống ước lệ mẫu mực:

-    Ước lệ hệ thống nhân vật.

-    Ước lệ hình dáng, màu sắc các hạng người trong xã hội.

-    Ước lệ các loại đào kép.

-    Ước lệ các nhân vật khác: lão văn, nông phu, bà lão, lính lệ…

-    Ước lệ các loại binh khí, đạo cụ, phục trang, trang sức cho từng loại nhân vật sử dụng.

-    Ước lệ giọng nói, ngôn ngữ động tác hình thể từng loại nhân vật…

 

Nghệ thuật tuồng hoàn chỉnh hệ thống ngôn ngữ ước lệ, diễn tả các hình mẫu, tính cách nhân vật trên tổng thể sân khấu nghệ thuật biểu trưng. Từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu tuồng viết nghệ thuật biểu diễn, khi đọc xong độc giả vô cùng thất vọng vì họ là người diễn tuồng, sống với tuồng mà không nói lên cái cụ thể tả thần, biểu ý. Không ít nhà nghiên cứu lỗi lạc viết dông dài, trích dẫn các bậc tiền nhân nói về biểu diễn tuồng nhưng cái bản thân tác giả muốn lột tả lại không đạt. Là người ngoại đạo nghiên cứu tuồng, xin trích ra nghệ thuật biểu diễn tuồng của nhà nghiên cứu Lê Văn Chiêu để mọi người chiêm nghiệm nghệ thuật tuồng, biểu cảm bằng hệ thống ngôn ngữ ước lệ.

 

VII.Điệu bộ (trích trang 120, Nghệ thuật sân khấu hát bội – NXB Trẻ năm 2008). Lê Văn Chiêu viết những ký hiệu ngôn ngữ ước lệ biểu diễn tuồng:

 

Diễn bằng đôi mắt.

-    Mắt ngó nghiêng xuống – suy nghĩ tính kế.

-    Mắt đảo lộn không ngừng – ngụ ý bị ma nhập – loạn trí, điên.

-    Mắt ngó mơ màng nhìn vào người khác – tượng trưng sự yêu đương.

-    Mắt trợn to – giận dữ.

-    Trừng mắt nhìn thẳng -  nghiêm huấn, nghiêm trị.

-    Trợn tròn mắt sững sờ – sự kinh hoàng, bất ngờ, đột biến.

-    Đôi mắt đảo tròn – hung dữ.

-    Mắt nhìn đằm thắm – hiền từ, cảm mến.

-    Mắt ngó nghiêng – khinh bạc.

-    Mắt liếc qua liếc lại - đùa rỡn…

 

Diễn bằng đôi tay.

-    Chỉ hai ngón tay úp thẳng trước ngực - chỉ người hoặc đồ vật ở gần cô đào, kép võ.

-    Chỉ một ngón tay úp thẳng trước ngực – chỉ đồ vật hiện có của đào, kép văn.

-    Chỉ hai ngón tay nghiêng thẳng chéo phía trước – chỉ người hoặc đồ vật ở xa.

-    Chỉ một ngón nhằm thẳng trước mặt người khác – dạy bảo họ.

-    Chỉ một ngón cạnh tai – lắng nghe.

-    Chỉ một ngón giữa miệng và cằm – tỏ ý xấu hổ.

-    Chỉ ngoa ngoa trước mặt mọi người – hăm doạ, ngạo nghễ.

 

Tay vuốt râu.

-    Vuốt một tay nửa chừng dừng lại – thắc mắc, suy tư.

-    Tay vuốt xuôi một cái - đã xong, thoả mãn mọi việc.

-    Hai tay đỡ bộ râu vuốt thẳng xuống – vui vẻ, thoả mãn…

 

Diễn bằng đôi chân chuyển động theo trụ bộ: Niêm thinh ký cầu.

-    Lão văn đi chữ đinh gối thẳng, đứng khép hai chân lại.

-    Lão tiên - đi thẳng chữ đinh.

-    Tướng võ - đi chữ đinh, kèm theo điệu bộ múa.

-    Kép văn - đi tự nhiên, nhẹ nhàng.

-    Đào võ - đi chữ đinh cùng điệu bộ múa.

-    Vai hề - đi hơi cường điệu, ngúng nguẩy, hài hước.

-    Đào văn - đi chữ nhất, nhẹ nhàng chậm rãi.

-    Bà già - đi chậm, lưng còng…

 

Điệu bộ sinh hoạt.

-    Vào nhà, hoặc đi ra ngoài cửa:

-    Chân trái nhún bước qua - đi vào nhà.

-    Chân phải nhún bước dài - đi ra ngoài.

-    Các tư thế ngồi chân thẳng, hai chân khép song song…

 

Từ hệ thống ngôn ngữ ước lệ này, cái roi ngựa là một tín hiệu ngôn ngữ tả người đi ngựa, không phải con ngựa như nhiều nhà nghiên cứu giải thích nhầm lẫn. Ngôn ngữ ước lệ diễn tuồng còn nhiều trạng thái biểu hiện khi công chúng yêu sân khấu đọc đôi điều về hệ thống tín hiệu biểu diễn này, thì bức màn bí ẩn nghệ thuật tuồng đã hé mở. Hiểu biết nghệ thuật biểu diễn tuồng sẽ thêm nhiều công chúng đến với loại hình sân khấu kinh điển, yêu quý vốn nghệ thuật dân tộc văn hiến Việt Nam./.

 

Hà Nội, tháng 8 năm 2010.

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3787
Ngày đăng: 06.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Câu Tục Ngữ: “Lệnh Ông Không Bằng Cồng Bà” - Phùng Thành Chủng
Lễ Cúng Đất (Cúng Lệ) Ở Nông Thôn Khánh Hoà Xưa (2) - Nguyễn Man Nhiên
Lễ Cúng Đất (Cúng Lệ) Ở Nông Thôn Khánh Hoà Xưa (1) - Nguyễn Man Nhiên
Lễ Tục Xứ Đồng Hương - Nguyễn Man Nhiên
Giải mã bài ca dao Thằng Bờm - Nguyễn Trọng Bình
Dẫn nhập – Kho tàng Truyện Dân gian Do Thái - Nguyễn Ước
Tục Thờ Mẫu Và Nghi Lễ Ngồi Đồng - Múa Bóng Ở Khánh Hoà - Nguyễn Man Nhiên
Thương yêu trong ca dao Việt Nam - Nguyễn Tiến Văn
Chiều 30 Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Tết Ở Đình Bảng Xưa - Nguyễn Khôi
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)