Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
492
115.866.416
 
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 6
Tuấn Giang

2.3. Mô hình bảo tồn, phát triển ca nhạc cải lương.

Tìm mô hình bảo tồn, phát triển đúng hướng ca nhạc cải lương, hình như là một việc làm phi lý, bởi cải lương luôn thích nghi môi trường nghệ thuật mới, luôn đồng hành với các hình thức nghệ thuật hiện đại. Nghệ thuật cải lương là xứ giả của tương lai, là ngôi nhà chung của sự giao lưu, hội nhập nghệ thuật hiện đại toàn nhân loại. Sân khấu cải lương luôn đáp ứng công chúng, những gu thẩm mỹ mới lạ nhất, tiếp nhận bất kể một hình thức nghệ thuật xa lạ nào vào sân khấu cải lương. Tại Trường Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh  năm 2000, đã thí nghiệm đưa cải lương diễn chung với kịch câm thành sân khấu biểu hiện, kịch hành động, sân khấu kịch hình thể. Cải lương diễn khá hiệu quả, công chúng thấy sự khác lạ, nhưng vẫn gắn kết giữa cải lương với kịch câm có phần biểu hiện gần nhau, bởi những động tác kịch câm là mô tả, giống như những động tác ra bộ trong cải lương để minh hoạ cho lời nói… Cải lương khác tuồng, không ổn định một hình thức trình diễn ở một trình thức có tính quy phạm, nên thích nghi với các hình thức nghệ thuật mới. Sân khấu cải lương luôn biến động trên mọi phương pháp kỹ thuật sân khấu, nhưng không vì thế mà nghĩ rằng cải lương là “cái dạ dầy trâu”. Cải lương như một kẻ phàm ăn, hay một tên cơ hội, một con kỳ nhông luôn hoà mình biến đổi theo ánh sáng, giống như một kẻ cơ hội, xếp nào lên cũng được ưu đãi, trọng dụng. Người ta hay nghĩ những kẻ cơ hội là bọn quan văn từ xa xưa vua nào lên nó cũng ở bên cạnh, dù rằng ai cũng ghét cũng thấy cái xấu xa bỉ ổi, nhưng hắn đã có vua yêu quý. Những kẻ cơ hội là gió chiều nào che chiều ấy, bọn người ấy không bao giờ có chính kiến, nhiều người cho là những kẻ cơ hội không có cá tính bởi tính trung dung của nó bao giờ cũng chung hoà không làm mất lòng cấp trên. Nhưng những kẻ cơ hội rất có cá tính, một là không bao giờ bộc lộ chính kiến, hai là chỉ thu vén cho mình, không quan tâm bênh vực ai bao giờ dù thấy việc làm ấy là sai, ba là luôn nịnh cấp trên, làm vừa lòng kẻ dưới. Nên nhiều cơ quan vẫn tồn tại, những kẻ cơ hội lương cao mà trình độ, việc làm chẳng có gì… Nếu những hiện tượng trung tính như những kẻ cơ hội vẫn có bản sắc riêng, thì nghệ thuật cải lương sao lại không có bản sắc riêng ? Nhiều người coi cải lương là một thứ nghệ thuật trung tính, bởi có nguồn gốc từ chủ nghĩa cải lương (Repormisin), là một trào lưu chính trị trong phong trào công nhân, phủ định cuộc đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác và chuyên chính vô sản. Những người theo chủ nghĩa cải lương thoả hiệp với các giai cấp, mong muốn qua con đường cải lương, không phá vỡ nền móng của chủ nghĩa tư bản. Họ muốn biến chủ nghĩa tư bản thành một xã hội phồn vinh cho mọi người. Lênin nói: “ở Châu Âu, chủ nghĩa cải lương trên thực tế đã từ chối chủ nghĩa Mác, thay thế nó bằng nền chính trị xã hội của giai cấp tư sản(1). Nghệ thuật cải lương có sự chung hoà với nhiều hình thức nghệ thuật, ra đời trong hoàn cảnh chính trị nước ta có nhiều diễn biến phức tạp từ phong trào công nhân đến tư tưởng dân chủ tư sản, nhưng cải lương vẫn có bản sắc riêng không thể ghép vào một kẻ cơ hội. Sân khấu cải lương ra đời cùng phong trào cải cách xã hội, cải cách văn hoá, phong tục, cải cách hát bội… nguồn gốc sân khấu cải lương đã diễn giải là một hình thức sân khấu dân tộc, bản địa. Dù có những hiểu lầm về sân khấu cải lương, từ năm 1949 đến 1951, cải lương bị cấm diễn, cho là nghệ thuật tàn dư của chế độ phong kiến tư sản. Sân khấu cải lương đã được giải oan, nhưng những định kiến, miệt thị còn nhiều, có người đã cho rằng:  cải lương có phải là di sản văn hoá tinh thần dân Việt…? Sự biến động, nhạy cảm, hoà nhập của sân khấu cải lương, làm nhiều người khó nhận diện, cái hay, cái bản sắc của nghệ thuật cải lương. Tìm mô hình bảo tồn, phát triển cải lương trước nhịp sống mới là bảo tồn nghệ thuật cải lương trước thực trạng suy giảm công chúng hiện nay.

Ca nhạc cải lương, là loại văn hoá, nghệ thuật phi vật thể, nhưng vì là một hình thức nghệ thuật sinh sau, nên còn nhiều nhân chứng để xác minh: ca nhạc cải lương có mô hình cần bảo tồn, đúng bản sắc ca nhạc sân khấu cải lương. Nhìn lại quá trình hình thành, phát triển ca hát cải lương, lúc đầu ca nhạc tài tử lên sân khấu cải lương chỉ vẻn vẹn có mấy bản nhạc lễ, một bản Oán làm chủ đạo của trò diễn ca ra bộ. Đến năm 1920, mới có bản Vọng cổ nhịp hai vào sân khấu cải lương, tới năm 1925 mới thay thế bản Oán. Nhưng từ năm 1920, cải lương bổ sung tiếp nhận những điệu lý, dân ca Nam, Trung Bộ vào ca nhạc cải lương. Sau đó, sáng tác tới 33 bản nhạc  mới trở thành bài bản cải lương, có những bản nhạc mang tên nhân vật, những bản nhạc Tầu, do các nhạc công sáng tác nhưng mang chất nhạc Quảng vào cải lương… Tính đến năm 1959, Thanh Nha, xuất bản tập nhạc Bản đàn cải lương, do Hội nghệ sĩ sân khấu phát hành, có 68 bản nhạc phổ biến. Thanh Nha gọi là bản đàn kìm, nhưng thực chất là những bài cải lương gồm các loại bài bản: Sáu bản Bắc, bẩy bản Ngự, ba bản Nam, bốn bản Oán, còn lại những bài giọng vặt (bài lẻ), bốn bài Vọng cổ nhịp hai, nhịp bốn, nhịp tám, nhịp mười sáu, thêm các bài: Văn thiên tường nhịp bốn, Văn thiên tường nhịp tám, Chiêu quân, Trường tương tư. Mấy điệu Lý: Thập tình, Chuồn chuồn, Ngựa ô Nam… Ngày nay, có nhiều điệu sáng tác mới: Đoản khúc lam giang, Lý Mỹ hưng, Lý qua cầu… Tính những sáng tác bài bản mới do ông Vương Hồng Sến và Trần Văn Khải thống kê, có khoảng trên 40 bài ca nhạc cải lương. Tính đến những năm cuối thế kỷ XX, số bài bản cải lương có khoảng trên 120 bài bản ca nhạc cải lương, chưa kể các thể loại ca ngâm: ngâm Bắc, Trung, Nam, các loại dân ca ba miền đưa vào cải lương trên 1500 vở cải lương mới sáng tác, khoảng 650 vở cải lương sáng tác từ năm 1918  đến 1975. Số lượng bài bản, ca ngâm cải lương có tới vài trăm bản, nhưng những bản đó không phải là cốt lõi của ca nhạc cải lương, càng không phải là cái gốc ca nhạc cải lương. Gốc ca nhạc cải lương là bài bản, ca ngâm, đàn ca tài tử, nên số vốn 68 bài bản đàn ca cải lương mà Thanh Nha công bố, là cái gốc, cái ruột, cái bản sắc đặc trưng ca nhạc cải lương. Bất kể một kịch bản cải lương nào, khi phân cảnh đều phải có, phải chọn nhiều bài ca trong tập bài bản ấy, tạo dựng lên kịch bản cải lương, nếu không sẽ không thành kịch bản cải lương. Còn hàng trăm, hoặc vài trăm bài bản, làn điệu khác chỉ là những bài nhạc sắc mầu, có cho đẹp cho hay, không có cũng không ảnh hưởng đến sự tồn vong của kịch bản cải lương. Do đó, cái cốt lõi cần có mô hình bảo tồn bản sắc ca nhạc cải lương đã tìm được nằm ở vốn ca nhạc, cổ nhạc cải lương. Mô hình bảo tồn ca nhạc cải lương là:

- Bảo tồn 68 bài bản ca hát cải lương

- Bảo tồn kỹ thuật ca, ngâm, nói lối, hát cải lương.

- Bảo tồn dàn cổ nhạc cải lương.

 Đây là ba mô hình bảo tồn vốn ca nhạc cải lương, nếu đánh mất một trong ba mô hình trên, sân khấu cải lương sẽ là một thứ kịch hát hiện đại kế thừa cải lương, không phải kịch hát cải lương. Vốn bài bản cải lương là nền tảng chắp nối kịch bản cải lương mang đặc trưng ca nhạc cải lương, nhưng không có kỹ thuật hát cải lương, vốn bài bản ấy sẽ là ca nhạc tài tử. Ca nhạc phong tục, nhạc thiêng của dòng ca nhạc tài tử, dân gian Nam Bộ, hoặc là những hình thức hoà nhạc thính phòng đàn ca tài tử của đồng bào Nam Bộ, thưởng ngoạn trong gia thất, hay trên sân khấu ca nhạc. Bảo tồn kỹ thuật hát bài bản cải lương, là bảo tồn cả kỹ thuật ca ngâm các làn điệu ca ngâm, nói thơ, nói lối cải lương mà kịch bản cải lương không thể thiếu. Bảo tồn bài bản, các làn điệu ca ngâm, nói lối, nói thơ, hát, còn phải bảo tồn dàn nhạc cải lương. Mô  hình bảo tồn dàn nhạc cải lương là dàn cổ nhạc cải lương, muốn thay đổi bao nhiêu, dàn nhạc cải lương không bao giờ mất đi, gọi là dàn cổ nhạc (nhạc cổ) cải lương. Không có dàn nhạc cổ cải lương bất thành cải lương, đó là cái bản sắc, cái máu thịt cải lương. Dàn nhạc cổ ấy, cần có: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, ghita phím lõm, hoặc bầu, tranh, kìm, violon, ghita lõm, sáo, tiêu… Mỗi mô hình dàn cổ nhạc cải lương đều phản ánh bản chất ca nhạc cải lương, còn dàn tân nhạc có là hay, không có, dàn cổ nhạc cải lương vẫn hoà tấu cho hát và diễn tấu khí nhạc, đặc tả sân khấu cải lương thành công.

Bảo tồn ba mô hình ca nhạc cải lương, là phát triển ba mô hình ấy vào sân khấu cải lương đương đại. Bảo tồn, phát triển là hai cặp phạm trù song song tồn tại, bảo tồn trong bảo tàng là bóp chết ca nhạc cải lương. Bảo tồn vốn bài bản và dàn nhạc cải lương là vận động, phát triển phong phú vốn ca nhạc ấy trước cuộc sống mới. Ca nhạc sân khấu cải lương đang đứng trước những thách thức trong thời đại mới, hướng bảo tồn là phát triển tiếp cận các trào lưu nghệ thuật hiện đại. Bảo tồn là giữ lại những giá trị đích thực bản sắc ca nhạc cải lương, còn phát triển là tiếp nhận cái mới, những tinh hoa các nền nghệ thuật đương đại, làm phong phú vốn ca nhạc cải lương như tiến trình phát triển các bài bản, làn điệu ca nhạc và dàn nhạc cải lương.

Tiến trình phát triển ca nhạc cải lương có nguồn gốc ca nhạc, dân gian Nam Bộ, xuất hiện từ thuở những người dân xứ Bắc vào khai khẩu miền đất mới phương Nam. Trải nhiều thế kỷ, họ tạo dựng phong tục tập quán riêng của người Nam Bộ, có truyền thống văn hoá nghệ thuật ca nhạc mang tâm lý, bản ngữ, người đất phương Nam. Từ ca nhạc dân gian tiến lên ca nhạc tài tử, hình thành nhạc phong tục, nhạc thiêng. Từ nhạc phong tục phát triển thành hai hình thức sinh hoạt âm nhạc đàn ca tài tử, một loại ca nhạc tài tử phong tục, nhạc thiêng, không bao giờ lên sân khấu, là nhạc nghi lễ. Còn một hình thức nhạc tài tử phát triển thành dòng ca nhạc, tài tử thính phòng, đàn ca ở các nhà quan vui chơi, giải trí. Từ vui chơi thính phòng lên sân khấu hoà tấu, tiến lên ca có điệu bộ, một động tác, ra trò làm vui lòng công chúng, khác với ca nhạc thính phòng nghiêm khắc. Từ sân khấu ca nhạc doanh thu, năm 1914 đến 1918, xuất hiện trò diễn ca ra bộ ở mức cao hơn, thành trò diễn có đối thoại, có ca, nói dặm, đối thoại giữa các nhân vật, hình thành trò diễn xướng dân gian mang tính sân khấu. Trò diễn ca ra bộ có tính sân khấu, trở thành một hình thức trình diễn hấp dẫn công chúng, đến năm 1918, ra đời sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương ra đời có hai vở công diễn cùng thời gian, vở đầu tiên là Lục Vân tiên, kịch bản Trương Duy Toản, vở thứ hai Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản, nhưng ông Năm Tú chọn vở Kiều công diễn, treo bảng hiệu độc quyền gọi là: Gánh hát cải lương Châu Văn Tú”. Ông nghiêm cấm không ai được lấy tên bảng hiệu cải lương, ông cho là một phát minh độc đáo về một hình thức sân khấu.

Nhưng sau gánh hát Năm Tú, ông không thể cản nổi bước tiến của sân khấu cải lương, năm 1919, ra đời hàng loạt các ban hát cải lương. Họ không xưng danh là cải lương, họ cứ gọi là các ban: Sĩ đồng du, Kỳ lân ban, Tân Phước ban, Văn hý ban, Tân Thịnh, Tập ích ban, Phước Cương ban, Trần Đắc ban, Tân hý ban, Văn Võ hý ban, Hề Lập, Nam Phi, Phụng Hảo, Mộng Vân, Việt kịch Năm Châu, Sao Mai, Nhạn trắng, Hậu Tấn… Sợ ông kiện về bản quyền, nên họ mang cái tên có khi là một diễn viên, hoặc nhiều diễn viên, hay một biệt danh nào đó.

Đến năm 1919, sân khấu cải lương phát triển nhiều ban hát, nghệ thuật biên kịch ra đời, xuất hiện nhiều vở diễn cải lương đề tài cuộc sống con người đương thời: Cô Ba lưu lạc, Tham phú phụ bần… Ca nhạc vẫn sử dụng dàn nhạc tài tử, có bàn Oán chủ đạo, đến năm 1920, xuất hiện bài Vọng cổ, nhịp đôi song song tồn tại chủ đạo trên sân khấu ca nhạc cải lương. Năm 1921 đến 1925, xuất hiện các dàn nhạc Tầu, nhạc Tây, dàn nhạc tài tử. Các nhạc công cải cách nhạc khí xuất hiện ghi ta lõm, ghita Hawai cùng bài Vọng cổ, có thêm đàn violon lên dây cải lương. Bài Vọng cổ nhịp 8, nhịp 16, làm chủ sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương phát triển mạnh, ca nhạc cải lương có nhiều mô hình dàn nhạc mới xuất hiện, nhưng đã tồn tại lâu dài là dàn nhạc cải lương, dàn nhạc mới. Đây là hai dàn nhạc xuất hiện đồng thời trên sân khấu cải lương, hoà tấu ngang nhau, hoặc có lúc dàn nhạc nọ lấn át dàn nhạc kia. Cuối cùng hai dàn nhạc đã có chức năng trên sân khấu cải lương, dàn cổ nhạc hoà tấu bài bản, làn điệu cải lương, dàn tân nhạc đệm cho ca khúc, hoà tấu khí nhạc chuyển cảnh, cao trào, diễn tả tính kịch… Sân khấu đã ổn định chức năng hai dàn nhạc, bên cạnh đó phát triển kỹ thuật ca: hát bài bản, ca làn điệu, hát tân nhạc. Kỹ thuật hát cải lương phát triển đỉnh cao là nghệ thuật hát Vọng cổ, kỹ thuật nói lối gối bài ca, chắp điệu, xoay quanh các điệu lý, nói lối bắc cầu hát ca khúc mới, kỹ thuật hát tân cổ dao duyên, đáp ứng công chúng yêu cổ nhạc và tân nhạc. Nghệ thuật cải lương có ngôn ngữ sân khấu đặc trưng ca và bộ, có mô hình kỹ thuật hát cải lương, dàn nhạc cải lương. Đó là những thành tố có tính ổn định, tồn tại bản sắc, phong cách sân khấu cải lương, dù rằng quá trình phát triển cải lương có nhiều biến động, nhưng phong cách, ngôn ngữ cải lương không bao giờ thay đổi. Nếu thay đổi kỹ thuật hát, kỹ thuật hoà tấu dàn nhạc cải lương, nghệ thuật cải lương sẽ là một hình thức sân khấu khác. Quá trình phát triển sân khấu cải lương, là quá trình tạo dựng ngôn ngữ nghệ thuật từ đơn giản đến phức tạp, từ sự tiếp nhận các loại hình nghệ thuật ngoại lai vào cải lương nguyên xi đến gạn đục khơi trong, tiếp nhận tinh hoa, cải lương hoá các trào lưu ca nhạc hiện đại toàn nhân loại, làm phong phú vốn ca nhạc cải lương, dàn nhạc cải lương.

Sự hình thành, phát triển ca nhạc cải lương đã hoàn chỉnh phương pháp cấu trúc các làn điệu, bài bản ca nhạc là một hình thức âm nhạc sân khấu dân tộc, bản địa. Có ngôn ngữ đặc trưng ca nhạc cải lương, phương pháp hoà tấu dàn nhạc, kỹ thuật hát cải lương định hình một thể loại sân khấu dân tộc. Ca hát cải lương, dàn nhạc cải lương, là những thành tố hợp thành kịch bản sân khấu cải lương trong hướng bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương trước cuộc sống mới. Nghệ thuật cải lương là trung tâm của sự giao lưu, hội nhập sân khấu ca nhạc đương đại, vẫn giữ vững bản sắc sân khấu cải lương.

 



(1) Theo Từ điển Tiếng Nga, tập 3 trang 712.

 

Tuấn Giang
Số lần đọc: 2911
Ngày đăng: 02.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 5 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 4 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 4 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 4 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 3 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 3 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 2 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 1 - Tuấn Giang
Bảo tồn nghệ thuật cổ ca Hát Bội phải là một quyết tâm. - Trịnh Thanh Thủy
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần IV: Những lá bài và kết quả của sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm - Nguyễn Lệ Uyên
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)