Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
473
115.866.195
 
Sách mới xuất bản tháng 11 - 2014
Nguyễn Hồng Nhung

 

 

 

 

BA TRUYỆN NGẮN

I.                  

                         Người đàn ông của chợ

Trước đó mười năm, họ đã từng nhìn thấy nhau. Trong công viên thành phố. Người đàn ông ngồi trên chiếc ghế đá, lặng lẽ hút thuốc, ngắm nhìn những đứa con nhỏ vui đùa. Cô đang lang thang giữa những khóm hoa, chợt nhìn thấy anh, nhận ra người bạn học cùng khóa thuở nào. Anh mời cô ngồi, họ trò chuyện bâng quơ về  mọi đề tài, sôi nổi và đầy lo lắng.

-      Phải đi thôi, sống thế này ngột ngạt quá- anh bảo.

-      Tuần sau em đi, anh nói đúng, em luôn mơ về một chân trời khác…

Họ lại tình cờ gặp nhau, sau nhiều năm.

Vẫn người đàn ông hút thuốc, khói mờ bay, phủ kín đôi mắt nhìn xa xăm.

Một thùng sắt bưu điện chuyên dùng để chở hàng hóa, thường được gọi là côngtenơ mở toang, giữa chợ. Một chợ giời đông Âu. Những năm cuối của thế kỷ XX.

Anh ngồi một góc trong cái hộp kiên cố đó, trước mặt, sau lưng, bên phải bên trái la liệt hàng hóa, một người đàn bà châu Á, vợ anh, tay lăm lăm chiếc máy tính, mê mải đánh vật với cái đám đông lố nhố chen nhau chọn, bới trước mặt. Thỉnh thoảng, sau tiếng hét cuống cuồng của vợ, anh bật dậy, nhào ra tham dự vào công việc mua bán có vẻ không liên quan gì đến nét mặt dửng dưng, lãnh đạm của anh. Khi đám đông dãn bớt, anh lui về góc ngồi và lại hút thuốc.

Cô  thấy hình ảnh ấy ngay từ khi bước vào chợ.

-      Chào anh !

-      Em ? cũng ở đây à ?

-      Không, em sống ở tỉnh lẻ, anh có khỏe không ?

-      Cũng thường…

Anh tỏ ra không thích bắt chuyện, càng không muốn nhớ lại một thời quen biết. Cô vội vã bước đi, không quên được hình ảnh người đàn ông tựa cửa thùng sắt hút thuốc, cô cứ  thấy hình ảnh ấy  nhảy múa trước mắt, ngày nọ qua ngày kia, tháng nọ qua tháng kia, và lần lần, năm nọ qua năm kia.

Một cái chợ, bãi đất trống heo hút, ngẫu nhiên thành bến đậu cho nhiều mảnh đời hy vọng từ xa tụ họp tới. Những mảnh đời như lá, gió cuốn phăng bứt khỏi cành, bay tha thẩn tứ phương, mệt mỏi xoay tròn trước khi rơi xuống và bám chặt lấy đất, đất nào cũng được, miễn đủ cho một kiếp trú chân.

Đôi khi, anh và cô chạm trán nhau trong chợ, họ mỉm cười xã giao, nói mấy câu vơ vẩn, rồi ai việc nấy, biến mất. Dường như sự hiện diện của họ ở chốn này đã thừa đủ cho một nội dung bẽ bàng của kiếp tha hương, không cần ai lên tiếng. Nhưng cô luôn đau nhói trong lòng, khi nhớ đến chiều công viên xưa, nơi phác họa tương lai có màu xanh như bầu trời trên đầu họ lúc đó.

Năm tháng cứ thế trôi, người ta dần lãng xa ký ức của mình, lùi quên những cơn trăn trở và những nỗi đau gợi miền xuất xứ. Bởi cái chợ giời cùng những ngày nắng mưa vật lộn kiếm ăn, đã biến họ thành những nét vẽ trần trụi không phương che dấu, trong bức tranh lạnh lùng dửng dưng của cuộc sống hiện tại.

Dần dần  hình ảnh những người đàn ông khác trong chợ cũng len vào óc cô, đọng lại bên cạnh hình ảnh người bạn cùng khóa . Đây là gã béo tròn, kẻ bả lả với khách mua bên bà vợ nhấm nhẳng luôn tay giao hàng phía cổng chính của chợ, kia là anh chàng cao ngẳng, đang hò hét đám cửu vạn đẩy những xe hàng cao ngất ngưởng ra vào kho, một người đàn ông khác quần áo lôi thôi, ngáp ngắn ngáp dài, đầu và chân gác lên những thùng hàng to hơn người, ngổn ngang xung quanh gã, một cậu chàng đờ đẫn, nở nụ cười hiền lành ngây độn nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt… Họ là những người đàn ông của chợ.

Có những quãng đời đọng lại như một vũng bùn lầy sau cơn mưa, đất và nước nhào lộn vào nhau, dính bết tạo thành. Dường như trong đời mình, nhiều người đã vô tình biến thành những vũng bùn lầy như thế. Nếu niềm kiêu hãnh bẩm sinh không thức tỉnh, để một hôm người ta chợt nhận ra vị trí thật của mình, thì sau đó những cảm giác đau, như những cơn ốm vặt, sẽ quật họ ngã xuống, những cơn ốm không làm chết người, chỉ khiến cuộc đời họ trở nên què quặt.

Cô sửng sốt, không tin ở mắt mình khi gặp anh gật gù với chai rượu cạnh chiếc bàn bẩn thỉu, trong quán bufê đông đặc giữa chợ. Đã khá lâu họ không gặp nhau, anh không còn chút gì của người đàn ông cô biết xưa kia. Tóc anh bạc trắng, mặt mũi chỗ đỏ chỗ tái, sần sùi vì những vết xước nham nhở, như một người mắc bệnh cùi. Và điều khiến cô ngạc nhiên nhất, là khi xưa nói ít bao nhiêu, giờ đây anh lải nhải liên tục bấy nhiêu. Cô định bỏ đi, nhưng không kịp :

-      Em đấy ư ? Lại đây, lại đây uống với anh, bao lâu rồi chúng mình không gặp nhau.

-      Chào anh ! Em không ngờ…

-      Anh lại thế này, phải không ? Thôi, tao chán những trò đạo đức giả của đời lắm rồi, uống đi…

Hôm đó, cô bỏ một ngày để nghe thiên hạ kể về gia đình anh. Như những người ở chợ, anh cũng chuyển hết từ buôn mặt hàng buôn này đến bán mặt hàng kia, chuyển từ góc chợ này sang đứng góc chợ khác, cuộc sống gia đình anh quay cuồng với vài ba trục cố định : chợ, tiền, hàng, con cái, nhà cửa, giấy tờ…Từ đôi tay trắng, như mọi người, anh bắt đầu có những gì xưa kia hằng mơ ước : nhà, xe, tiền. Nhưng, như có sự dẫn dắt theo thứ tự của quỷ sứ, anh bắt đầu uống rượu.

 Cô thôi ngạc nhiên trước sự thay đổi mới mẻ này của anh, vì nhìn đâu cô cũng thấy những người đàn ông với những chai rượu, khắp chợ. Anh đã thành một trong những người đàn ông của chợ. Cô quan sát họ, từ mọi phía, từ nhiều góc độ, lặng im tìm lời lý giải, và bắt đầu viết. Khi đó, trái tim thổn thức của cô dịu đi.

Câu chuyện đầu tiên cô viết có hình ảnh một người đàn ông như sau :

- Giấc mơ ban ngày - 

Ông uể oải đứng nhìn vợ và hai người làm thuê dọn hàng. Chả ai để ý đến ông, mỗi người một việc. Thậm chí chả ai nói nửa lời. Bởi ngày nào cũng như ngày nào, công việc chỉ có thế.

Và ngày nào cũng như ngày nào, ông chỉ uể oải đứng nhìn. Vợ ông quen đã đành, vì mỗi ngày hai tư tiếng đồng hồ, nàng phải chịu đựng sự tồn tại của ông. Nhưng cả hai người làm thuê cũng quen nốt, cái cảnh chỉ có bà chủ hỳ hục. Còn ông chủ, y như một người thừa. Không, nói đúng hơn, chẳng có việc nào dành cho ông.

Thấy mọi người bày biện xong, ông bắt đầu chờ đợi, trong im lặng, chỉ thỉnh thoảng ngước đôi mắt thỏ non về phía vợ.

Cuối cùng, như bao lần khác - kẻ thua trận vẫn là vợ ông :

- Này đây, anh cầm lấy mà mua rượu. Uống vừa vừa thôi - nàng làu bàu.

Khi cầm cái chai bé xíu, trong vắt quay về, trông ông hý hửng như một cậu học trò vừa được mẹ cho tiền mua một thứ đồ chơi đang mơ ước.

Ông cẩn thận rót vào một cái cốc cũng bé xíu, chui vào góc ngồi quen thuộc mà ông yêu thích. Rồi vừa nhâm nhi, ông vừa vui vẻ đưa cặp mắt đã tinh nhanh lạ thường quan sát xung quanh. Ông âu yếm nhìn cả thế gian đột nhiên đầm ấm và quen thuộc xiết bao, một thế gian gồm những bà già lê đôi chân vừa ngắn vừa to như chân voi, những ông già mặt mũi khó đăm đăm, những cô gái mảnh khảnh xinh đẹp, đang nườm nượp kéo nhau vào chợ.

Sau chén thứ hai, những vần thơ bất thần từ đâu ập tới.

Trời ơi ! Ông muốn đọc cho ai nghe quá. Phải, giá có một người bạn tri kỷ ! chỉ cần một người thôi, để gật gù tán thưởng, hoặc cau mày ngẫm nghĩ, thêm cho ông vần này, bớt cho ông từ kia, đời sẽ hoàn hảo biết bao.

Không có ai hết. Hay nói đúng hơn, nhiều người xung quanh ông quá, mà chả ai để ý đến ông. Vợ ông mải đếm tiền, cô làm thuê mải trả lời giá của mấy cái áo, anh giúp việc mải khuân hàng, từ xe vào quầy, từ quầy xuống xe của một ông khách nào đó. Mấy bà già mải trầm trồ cái áo thêu, mấy cô con mọn mải ướm quần cho bé.

Ông cảm thấy buồn, mắt ông ươn ướt. Rồi ông gục xuống bàn, ông khóc hay ngủ ? Ai mà biết được ? Cũng chẳng cần ai biết.

Thực ra ông đang bước vào một giấc mơ.

Hôm đó là một buổi sáng chủ nhật kỳ lạ. Nắng rực rỡ từ rất sớm, chợ rộn ràng ngay từ khi chuyến tàu điện đầu tiên đi ngang qua hàng rào. Dường như cả thành phố đang đổ vào đây.

Vợ ông cũng vội vàng, nàng bảo :

- Hôm nay anh trông hàng hộ em, em phải đi có việc,  trưa mới về. Anh chỉ cần để mắt đến lũ ”con ở”, em đã giao việc cho từng đứa rồi.

Và nàng vội vã ra đi.

Ông ngồi sừng sững trong quầy. Vì quá vội, nàng đã cắt mất suất rượu buổi sáng, khiến ông rầu rĩ ngồi ngắm cái đám đông chuyển động trước mặt mình. Kỳ lạ thật, một đám đông đầy ắp người mua mà chả ai nói với ai một lời. Mấy bà già chỉ tay vào mấy cái áo, rồi hất hàm ra hiệu cho cô làm thuê. Cô này vớ lấy cái máy tính bấm tanh tách giơ lên, mấy bà già trả tiền, đi. Cô làm thuê đập vào vai anh giúp việc, anh này hiểu ý đi vào kho rồi lặng lẽ trải áo lôi từ một thùng đầy ắp lên bàn.

- Hừ, làm việc với cái lũ câm điếc này, rồi sẽ có lúc mình tàn tật nốt- Ông bực bội nghĩ thầm.

Không có rượu, ông thấy đời nhạt thếch. Biết làm gì cho hết hai tư tiếng đồng hồ đây ?

Đã từ lâu, rượu thành bạn tri kỷ của ông. Kẻ ngu trong đời không biết uống, cứ gọi đó là ”con ma men”, mà không hiểu đấy là một thiên thần vui vẻ. Anh ta không biết buồn là gì, càng không bao giờ biết chán. Khi nâng cốc lên môi, là ông gọi anh ta tới, rồi cả hai vật lộn với đống chữ nghĩa, vần điệu, viết ngoằn ngoèo lên trí nhớ xiên xiên của ông một bài thơ tùy hứng.

Một độc giả nữ nhí nhảnh bảo ông :

-      Em đọc thơ anh xong, em cứ muốn trồng cây chuối như hồi còn bé.

Một nhà thơ có bề dày kinh nghiệm, đứng đắn hơn lại bảo :

- Thơ ngài có hồn, nhưng phiêu lãng. Ngài định dừng lại ở chân trời nào vậy ?

Ông lộn ruột khi nghe vài kẻ đầy ghen tỵ bảo nhau :

- Đấy là rượu viết chứ có phải ông ấy viết đâu. Thử không uống viết xem nào ?

Tất nhiên là ông đã thử viết khi chưa uống, thơ ông lúc đó quả thật na ná giống bài thơ xổ số mà trẻ con thị xã quê ông hay hát.

Dù sao mặc lòng ! Rượu là thơ và thơ là rượu ! Cộng hai thứ đó vào sẽ thành ta !- ông khoái trá nghĩ thầm và vui vẻ hẳn lên.

Ông đứng lên, định đi loanh quanh cho đỡ mỏi, bỗng ông chú ý đến một khuôn mặt thập thò, lúc ẩn lúc hiện sau dãy áo treo. Ông đi tới : một cô gái có mớ tóc dài và đôi mắt đen nhánh như hai hột nhãn lúng túng nhìn ông.

- Em là ai ? Em tìm ai ?- ông hỏi.

- Dạ thưa chú, ấy chết, thưa anh, dạ…- Cô gái ấp úng.

Ông khẽ cau mày :

-      Em đẹp như Nàng thơ, trong thơ không có cháu có chú có bác. Tình yêu là vĩnh cửu. Anh và em là mùa xuân của cuộc đời. Hãy mạnh dạn lên xưng Em và gọi Anh !

-      Vâng, em đồng ý- Cô gái gật đầu- nhưng em đang đi trốn.

Ông giật nảy mình :

- Trốn ? Tại sao phải trốn, em trốn ai ?

- Suỵt, anh nói khẽ chứ, rồi em sẽ kể…

Cô thì thào :

- Anh có tiền không ?

Ông suy nghĩ và bảo :

- Chờ anh !

Ông chạy vào kho, may quá ông sờ thấy túi tiền vợ vẫn giấu trong tủ đá lạnh toát.

Cô gái đợi ông ngoài quầy, cô bảo :

- Anh có dám đi với em không ?

- Đi đâu ?

- Trước hết đi khỏi chỗ này, rồi em sẽ nói…

Ông ngẫm nghĩ, nhìn đồng hồ, vợ ông sắp về. Cô gái đẹp như một nàng thơ hiện hình, lúc khác ông toàn mượn hơi men đi tìm ý trung nhân, giờ đây nàng đứng trước mặt, lẽ nào không theo sao được ?

Thế là giống Bánh Tròn trong chuyện cổ tích ”Bỏ ông tôi đi ! Bỏ bà tôi đi !”

Ông cũng ”Bỏ vợ ta đi ! bỏ chợ ta đi !”

Hai người cùng bước ra đường.

Trong một quán ăn cô gái cho ông biết :

- Em trốn trại hai ngày rồi.

- Tại sao em rơi vào đấy ? - ông ngạc nhiên hỏi.

- Em tự nguyện vào, không phải bị bắt đâu.

Cô kể cho ông nghe, cô trốn khỏi quê nhà cách đây vài năm. Bởi cô muốn biết châu Âu như thế nào, thế giới ra sao. Cuộc sống của thế kỷ hai mốt khác gì thế kỷ hai mươi.

- Thế em thấy những gì ? - ông hỏi.

- Em thấy nhiều thứ lắm, nhưng em chả hiểu gì hết. Y như một người đứng trước một đống sắt vụn, nhận ra đủ loại phụ tùng ôtô, nhưng chịu chết, không hình dung nổi cái xe sẽ được lắp vào như thế nào.

- Thế rồi sao ? - ông sốt ruột.

- Thế là em cứ loay hoay từ ngày nọ qua ngày kia, tháng nọ qua tháng kia, em làm đủ việc, kể cả việc không thích, để sống. Nhưng hình như để hiểu một điều gì đó, em cần quay về.

- Về đâu ? – ông vội vã.

- Về lại nơi từ đó em ra đi, em cần gặp lại mảnh vườn của em.

- Mảnh vườn ? - ông kinh ngạc hỏi.

Cô gái cười bẽn lẽn, cặp mắt hạt nhãn sáng long lanh :

- Anh biết không, nhà em có một mảnh vườn thiêng lắm. Em cứ nằm ngoài vườn một ngày là em biết mình muốn gì. Hồi đi học, mảnh vườn bảo em học nốt, rồi cũng từ đó em quyết định trốn cha mẹ đi nước ngoài lao động.

- Bây giờ em muốn biết gì ?

- Em cần nằm dài một ngày ngoài vườn, rồi sẽ biết.

- Thế ở đây, em không thể biết được ư ? - ông buồn rầu hỏi.

- Không, ở đây tương lai là những câu tự hẹn ước ”mai sẽ nghĩ, để mai”Ở đây có mọi thứ, nhưng không phải là của em, trừ những ý nghĩ. Em đã tự vào trại xin về.

- Anh sẽ đi theo em - ông đột nhiên đề nghị.

- Từ lâu rồi, anh chả biết mình muốn gì nữa, rượu là bạn duy nhất, anh giống lão say trong „Hoàng tử nhỏ”. Một hôm Hoàng tử nhỏ đến một hành tinh, trên đó chỉ có một người duy nhất ngồi giữa đống chai.

- Ông làm gì thế ? - Hoàng tử nhỏ hỏi.

- Ta uống.

- Tại sao ông uống ?

- Ta uống để quên đi

- Quên cái gì ?

- Quên là ta uống.

-Đấy là anh, anh muốn gặp mảnh vườn của em, biết đâu nó nói cho anh một điều gì mới mẻ ?

Thế là họ cùng vào trại, xin về. Trong những ngày chờ đợi hồi hương, ông tuyệt nhiên không nhớ đến vợ, không nhớ đến chợ, mà cũng chẳng thèm rượu. Hình như có một nàng Thơ đã hiện hình, một mục đích nào đấy cụ thể là đủ, ông không cần phải đi tìm cảm giác và ảo ảnh nữa, ông đang sống trong thực tại.

Vậy mà khi về đến quê hương, bước vào mảnh vườn bé nhỏ của cô gái, ông lại ngỡ mình nằm mơ.

Góc vườn mảnh dẻ này mới quen thuộc với ông làm sao, với vài cây đu đủ đang đơm hoa, cạnh bức tường sắp đổ là khóm xương xông trổ những chiếc lá dài đầy gai. Một đàn gà con lông vàng óng đang nhớn nhác theo chân mẹ, và con đường mờ ảo dấu dưới vệt cỏ, chính là con đường dẫn ra bờ sông.

Phải rồi, vào một thuở xa xưa nào đó, ông đã dẫn một người con gái mình yêu thương về thăm quê, đã ngồi với nhau những buổi chiều trong góc vườn này, để nói những lời yêu đương cho một tương lai không đơn độc.

Cô gái thành phố cười nói suốt ngày vì vui sướng. Chỉ đến tối, khi hai người dạo chơi trên con đường nhỏ đầy sao dẫn ra dòng sông, cô mới im lặng và bật khóc.

- Em làm sao vậy ? - ông thiết tha hỏi.

- Em sợ- nàng trả lời.

- Em sợ cái gì ?

- Tương lai ! Em sợ chúng mình sẽ không chịu nổi những bão tố của cuộc đời ! cuộc đời dài lắm anh ơi !

Ôi người đàn bà bé bỏng, những ý nghĩ gì đã đến với nàng trong lúc ấy ? ôi cái tâm hồn nhạy cảm bất hạnh này ?

Ông ôm lấy người vợ tương lai của mình, nâng cằm nàng lên và nhìn vào mắt nàng :

-      Dù có bất kỳ điều gì xảy ra trong đời, anh cũng không để em buồn đâu. Nhất là phải buồn vì anh thì không bao giờ, em có tin không ?

Nàng gật gật đầu, nhưng nước mắt vẫn tuôn, làm ướt đẫm tay áo ông.

Ông rùng mình tỉnh dậy, vợ ông đang đứng cạnh. Nàng khẽ đưa tay vuốt tóc ông và buồn bã nói :

- Về nhà đi anh, tan chợ rồi !...

Mẩu truyện của cô như một ngọn lửa cháy lan trong chợ. Những người đàn ông chợt nhận ra mình, hoặc nghi ngờ tìm dấu vết để so sánh câu chuyện. Họ đoán già đoán non, đặt nhiều giả thuyết. Rồi đi tìm cô. Một người mời cô vào côngtenơ trò chuyện, muốn trọn vẹn, anh đóng cửa hàng sáng hôm ấy, anh pha trò và kể những câu chuyện rất có duyên. Một chàng khác đột nhiên thích đi theo sau lưng cô để ngắm, khi cô chợt quay lại, anh ta lảng sang hướng khác. Chàng nọ tâm sự với cô rằng, anh cảm thấy thương yêu vợ hơn, sau khi đọc truyện ngắn này. Vài ba người khác nhắn tin.

Chỉ người đàn ông học cùng khóa thuở nào không hề lên tiếng.

Một hôm, bắt gặp anh bên chai rượu cạnh bàn bufe bừa bộn, cô muốn bỏ đi thì đột nhiên anh gọi :

-      Ngồi xuống đây một tý đi em ! Em sợ anh à ?

-      Không…- cô nói, ngồi xuống, và lập tức đứng lên ngay.

Khi anh rút thuốc, châm lửa, hút, khói mờ bao phủ đôi mắt buồn xa xăm. Khuôn mặt sần sùi xấu xí bỗng rạng một nét cười, rồi thoắt vụt tắt.

Cô bỏ đi, còn nghe sau lưng giọng anh cất cao, lè nhè như một kẻ say chính cống :

-      Tao yêu mày ! Tao yêu mày vì tâm hồn mày trong suốt như pha lê, biết chưa em  ? biết chưa ?...

Cô tiếp tục giam cầm mình vào những trang giấy, như vậy dường như cô bớt buồn hơn, bớt suy nghĩ và bớt cô đơn.

 Cô viết một truyện ngắn khác :

„ Hoa trắng

Mỗi lần cầm bút lên, ngồi trước tờ giấy trắng, cô không phải là mình nữa.

Giống như một ngọn núi khi chiều tà, màn sương ập xuống. Vẫn mờ mờ hình dáng ngọn núi ấy, nhưng những rừng cây xanh bên triền núi, con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo dẫn lên tận đỉnh, chỉ còn là những dấu chấm phẩy mờ nhạt. Màn sương đã vẽ lên một bức tranh huyền bí, ai nhìn vào cũng vương vấn một nỗi niềm bí hiểm và trầm tư, quả thật có gì sau rặng núi đầy sương ấy ?

Quả thật, sau những trang giấy đầy chữ, ai biết gì về cô ?

Suốt ngày cô nói cười vui vẻ, cô hoan hỷ và hài hước. Trái tim cô mở toang như cánh cửa sổ đón nắng ấm và gió, để mặc cho từng tiếng động của cuộc đời tràn vào. Cô sống như một công dân gương mẫu nhất, làm tất cả những việc phải làm, chỉ cảm thấy thân xác rã rời khi đặt lưng xuống ngủ.

Nhưng giấc ngủ tưởng chừng sẽ đến trong giây lát không tới.

Nó lùi dần, nhường chỗ cho một giấc mơ từ thuở còn thiếu nữ, tái hiện lại trong trí não cô…

Một con đường dài tới vô tận, hai bên đường toàn hoa trắng nở rộ. Một chàng trai cao lớn, thanh mảnh chạy phía trước, thỉnh thoảng lại ngoái đầu về phía sau, nhìn cô cười khúc khích, đôi khi chàng đứng lại và chờ đợi, thậm chí còn giơ tay cho cô nữa. Nhưng cô cứ chạy tụt đằng sau, càng cố gắng càng tụt lại xa hơn, đôi khi tưởng đôi tay vươn ra phía trước sẽ chạm vào tay chàng, nhưng không , cô vẫn bị tụt lại. Cô chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt tươi cười, xiết bao yêu dấu trong giây lát, rồi cái ảo ảnh ấy biến mất, chỉ còn mình cô vẫn chạy một mình trên đường. Ôi con đường toàn hoa trắng, và một bóng hình thân thương…

Thế là cô nhảy ra khỏi giường, ngồi vào bàn, và cầm bút.

Những câu chuyện từ đâu trôi đến, những mẩu đời chả liên quan gì đến cô cứ hiện dần trên giấy. Chẳng lẽ vì những điều ấy, cô mất ngủ ?

Cô tuyệt nhiên không nhớ đến giấc mơ hoa trắng của mình.

Nó chỉ tái hiện khi cô buông bút, chui vào chăn và chập chờn thiếp đi.

Đôi khi trong đêm, mắt cô đẫm ướt, và lòng cô tự hỏi :”ta đi tìm ai ?”

Nhưng sáng ra, khi mặt trời rọi nắng vào cửa sổ, cô tỉnh dậy và thoáng mỉm cười vì lũ chim cãi nhau chí chóe ngay bên tai.

Cô lại hăm hở bước vào một ngày mới, với tất cả nhiệt tình của dòng máu hừng hực chảy trong tim.

Bỗng một hôm, đi qua một con đường nhỏ, cô  thấy một thùng thư với dòng chữ bên dưới : ”Ở đây nhận đăng các loại bản thảo đã viết. Xin ghi số điện thoại để tiện liên hệ.”

Thế là cô ném tất cả đống giấy cô đã viết vào đấy. Cô giữ lại làm gì kia chứ ? Chỉ một bóng hình trong mơ cô còn chả nắm bắt được, nữa là bao nhiêu mẩu đời sống, cô đã từng biết và sao chép? 

Cô cảm thấy lòng nhẹ nhõm, y như thuở còn thơ bé, hay thả lá xuống dòng nước, để chúng biến thành những con thuyền trôi đi thật xa…

 Rồi ngày ngày, cô đều đặn tới thùng thư. Ngày nào cô cũng phải viết, bởi sau một ngày hoan hỷ, cô không thể không thông báo với thế giới, cô tồn tại để làm gì.

Cho đến một hôm, từ đầu giây điện thoại, một giọng nói trong trẻo báo với cô rằng : họ đã biên tập tất cả những bài viết của cô, in vào một quyển. Ban biên tập muốn được trao tận tay cô cuốn sách, và chút phần thưởng họ dành cho cô.

Cô náo nức chờ ngày được hẹn.

Trong đêm mất ngủ cuối cùng, chẳng hiểu sao, cô viết lại toàn bộ giấc mơ hoa trắng của mình. Một giấc mơ thanh xuân có dáng hình người con trai tươi trẻ, cô chưa một lần với tay tới anh, để cùng  nhìn vào gương mặt rạng rỡ của nhau mà cười phá lên, y như những buổi ban ngày vui vẻ, chụm đầu soi mắt nhau, rồi tay trong tay tung tăng trên con đường vô tận trải đầy hoa trắng…

Cô cắp tập giấy vào nách và rón rén đi đến nơi hẹn.

Đấy là một tòa nhà đồ sộ, với cánh cửa cao vút đầy song sắt. Cô bấm chuông. Có tiếng nói cười lao xao bên trong vọng ra, khi cửa bỗng vụt mở. Cô ngước mắt nhìn những người đàn ông trong Ban biên tập đang nhất loạt đứng trước mặt cô, mỗi người một vẻ. Người thì có dáng bệ vệ với cái bụng phệ, và cái đầu hói. Người  nở nụ cười thật tươi, khi quầng mắt sụp xuống đã viền những đường vòng cung. Người thì xộc xệch trong bộ quần áo nhàu nát, dấu tích của công việc không ngơi tay…

Cô không thể nhìn rõ họ có bao nhiêu người, với những bộ dạng như thế nào nữa, cô nức nở khóc. Những giọt nước mắt rơi lã chã xuống tập bản thảo.

Một người hoảng hốt kêu lên :

- Cô làm sao thế ? Ai đã bắt nạt cô ? Ai đã xúc phạm đến cô, hãy nói cho chúng tôi…

- Không, không ! - cô cố gắng kìm cơn nức nở. –Không phải đâu…chỉ tại trong này - cô chỉ vào tập bản thảo- nhân vật chính của tôi đã chết !...

Một dòng sông lại len lỏi chảy khắp chợ. Đấy là câu chuyện cô vừa viết.

Những người đàn ông của chợ bỗng hoang mang đôi chút.  Một cái gì đó họ chưa thực sự nắm bắt được, chưa hiểu hết được, trong đó có đàn bà. Cô biến thành nỗi bí hiểm, chứa sức hút và tạo ra những nỗi niềm tâm sự khác nhau, xô đẩy những tình cảm trái ngược gập gềnh trong trái tim những người đàn ông chợ. Họ rì rào trò chuyện, và lặng ngắt khi gặp cô.

Cô càng lặng lẽ hơn khi đến, lặng lẽ quan sát và rồi lại đi.

Một hôm, cô nhận được mảnh bao thuốc lá. Cô mở ra, đấy là một bài thơ :

- Hoa trắng - 

Người thiếu nữ với giấc mơ hoa trắng

Lạc loài vào cõi trần gian

Nàng dâng hiến trong một giây rực rỡ

Giờ đây ca khúc riêng mình. 

Người ơi ! Người ơi !

Trinh trắng hát tình ca hoa trắng

Vời vợi

Xa vời

Chới với

Chơi vơi.

Vào một đêm những bông hoa trắng

Nức nở trên đống trắng hoa

Trời đất thương em đổ mưa nổi gió

Giao hoan bất tận nhợt nhòa.

Thế rồi cũng đến bình minh

Nhìn sao khát nước hôn tình mắc oan.

Cô tựa lưng vào một gốc cây, tim buốt đi vài giây lạnh toát. Bài thơ của người bạn cùng khóa. Anh đã nhấn chìm anh vào chai rượu, nhưng thơ anh không say.

Không còn nghi ngờ gì nữa, có một người đàn ông đã đến và đã hiểu.

Từ một góc chợ giời của những năm tháng buồn tủi, những linh hồn quằn quại sống, giãy giụa sinh tồn,  muốn dựa vào chữ để an ủi mình, an ủi nhau, để cùng nhau choệch choạng bước tiếp …Có phải vì thế lịch sử về con người luôn đau đớn và bất diệt ?

Một thời gian sau, cô nghe tin anh đã bỏ về quê hương, nơi có những cơn sóng biển hiền hòa và những gốc dừa lao xao nắng.

Để nghiền ngẫm tiếp chăng, những gì anh và cô đã bàn luận buổi chiều nào  : đến bao giờ kiếp sống của anh, của em, của người quê ta mới thôi trôi dạt theo thời thế ?

                                                Nguyễn Hồng Nhung (Budapest. 2008.03.04)

II.                   

                              NHỮNG ÁNG MÂY TRÔI ĐI

    - Vào đây em, anh chị đợi em mãi!

Chị Mai vồn vã dắt chiếc xe đạp của tôi vào sân, chồng chị thập thò bên cửa, tay cầm chai rượu, nhoẻn miệng cười, khi tôi hướng về phía anh, chào.

Trên chiếc chiếu trải giữa nhà, mâm cơm đã được dọn ra, mùi gạo mới, mùi thức ăn thơm ngon bay ngào ngạt. Một vài người lạ đứng, ngồi xung quanh,  cười lạ lẫm, gật đầu khi tôi bước vào

Chúng tôi ngồi quây quần bên mâm cơm, chị Mai giới thiệu từng người một với tôi, và tôi với họ. Lúc đó tôi mới để ý đến một cô gái tóc xõa vai, có đôi má rám và cặp mắt đẹp tuyệt trần đang hướng về tôi, nhìn chăm chú.

-        Người có biết rằng, tôi đã yêu người ngay từ cái nhìn đầu tiên không?

 Vi tựa lưng vào gốc thông, nhìn tôi nằm xoài dưới chân nàng, hai tay tôi gối dưới đầu, ngắm những giọt nắng lung linh nhảy nhót trên vòm lá kim.

Đây là quê Vi, một vùng biển, nơi có những rẻo cát chạy nhấp nhô, trước khi dẫn ra biển mênh mông xanh ngắt.

Tôi, mới bước vào tuổi ba mươi, chưa qua hẳn thời thanh nữ, nhưng cũng không còn rụt rè ngốc ngếch, nhất là sau hai năm làm vợ, tôi đã kịp bước ra khỏi  một cuộc hôn nhân với nhiều nỗi đắng cay.

Đôi mắt đẹp của Vi luôn nhìn tôi trìu mến, như khi người ta ngắm một bức tranh dịu mát vẽ phong cảnh thiên nhiên.

Nàng nhìn thấy gì ở tôi, một cô nàng với cặp kính trắng và đôi tay luôn đút túi quần bò ngạo nghễ, kẻ luôn tìm cách lẩn ra khỏi đám đông để ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây?

Nàng nhìn thấy gì ở tôi, đứa không thích mở miệng chỗ đông người, nhưng lại rành mạch đọc tên từng loại cây cỏ, hoa lá, khi được tung tăng chạy giữa rừng xanh, hay dạo thênh thang trên con đường mòn phủ đầy hoa cỏ dại?

Chúng tôi nằm lăn trên bãi cát trong rừng thông, nghe biển ì oạp xa xa, nghe gió mơn man êm ả trên lá, trên mặt, trên những cánh tay để trần. Tôi nằm ngửa, mắt nhắm nghiền, lắng nghe tiếng biển rì rào.

 Vi ngồi duỗi chân bên cạnh, ngắm nhìn tôi không rời mắt, mái tóc xõa trên bờ vai tròn trịa, đôi môi hé nở một nụ cười dịu dàng, trong sáng như những giọt nắng đang hồn nhiên nhảy nhót trên vòm cây.

 Lúc đó tôi không hề biết rằng, hình ảnh nàng êm ả trong hạnh phúc bình yên bên tôi, sẽ vĩnh viễn cứa vào lòng tôi một nỗi đau không trao trả nổi, nỗi đau của một kẻ không dám nhận ân sủng quá lớn lao của thượng đế ban cho mình.

 Tại sao?

Con người tại sao đôi khi quay mặt đi với nỗi hiến dâng mà suốt đời nó tìm kiếm?

 Vì hèn nhát? Vì lương tâm day dứt? hay chỉ đơn thuần vì nó quá trân trọng những cái đẹp hư vô, đang muốn thoát thai biến dạng hình hài?

 Vi rủ tôi về quê, vài ba tháng sau bữa ăn giữa trưa hè nóng nực ở nhà chị Mai.

 Trong bữa ăn đó, nàng ngồi cạnh, luôn tay gắp thức ăn cho tôi, và quay sang tôi mỉm cười, khi tôi trả lời câu hỏi của những người khác. Ai cũng tò mò muốn biết cái thế giới châu Âu tôi đã đi qua ra sao, tôi làm gì ở đó, tôi có hạnh phúc không, con người ở đó có giống ở đây không.

 Tôi không cần giãi bày sự so sánh thầm kín trong lòng, giữa ấn tượng về một thành phố mình đã sống, xa xôi hiện đại, với cảm giác ấm áp trong một căn nhà ngoại thành đơn sơ, giữa những người mang danh là dân thành thị, nhưng thực ra chẳng khác gì dân vùng quê.

Tôi dễ chịu giữa họ, vì không cần giãi bày nỗi lòng mình ra hết, nhưng cũng chẳng cảm thấy cô đơn, như khi ở xứ người.

Vi ăn rất ít, và mặc kệ nỗi ngạc nhiên ngày càng dâng lên của tôi, nàng uống hết chén rượu này sang chén rượu khác, thứ rượu trắng nấu rất đậm đặc ở  quê, mà tôi vừa nhấp một hụm đã thấy trời đất liêu xiêu quanh mình.

 Mặt nàng không hề đỏ, thậm chí tái đi, khiến những vết rám trên má càng đậm hơn, như những vết mực chưa tẩy sạch trên giấy. Đôi mắt long lanh, nàng cười cười nhìn tôi, một lúm đồng tiền nhỏ hằn bên miệng cười xinh, người con gái này quả là một nhan sắc lạ khiến người khác phải chú ý.

Sau bữa cơm, chuối, cam được dọn ra, và một chiếc ghi ta bỗng xuất hiện. Một người trong bọn cầm lấy chiếc đàn, lơ đễnh gảy, những âm thanh sắc mảnh vang lên như tiếng gió vui tươi, gọi những tiếng cười nói ồn ào nổi lên ngay lập tức.

Vi cười hoan hỉ, chạy ra nói gì với chị Mai, rồi biến mất.

 Chị Mai trả lời câu hỏi của tôi, rằng nàng đi đâu ?  bằng một câu trả lời bâng quơ, đượm vẻ lo lắng:- hôm nay Vi nó vui quá!

Lát sau, Vi xuất hiện, với một túi chanh, và một túi đá. Nàng cẩn thận vắt, pha đường, bỏ đá và đưa tôi cốc nước  thơm, mát lạnh

-         Người uống như một em bé ấy, người có biết không, tôi rất buồn cười khi thấy người liếm láp cái thìa.

Nàng thì thào bên tai, hơi thở nàng phả ra nóng hổi. Tôi giật mình mở mắt nhìn sang người bạn gái đang úp mặt vào má tôi. Hàng mi dài của nàng không động đậy, viền một đường đen sẫm mờ mờ trong bóng chiều chạng vạng đổ xuống khu rừng thông chúng tôi đang nằm.

Rồi đột nhiên, nàng quàng tay ôm chặt lấy tôi, đôi tay mềm mại của nàng xiết cứng vào eo tôi, ghì chặt. Tôi nằm cứng đơ người, ngạc nhiên đến mức không  nói nên lời.

-         Trời ơi, người có một cái eo tuyệt vời! người có biết người thông minh đến thế nào không? Tôi yêu cái trí tuệ của người quá!

Nàng thì thào, và bắt đầu vuốt ve cánh tay tôi.

Không hiểu sao, tôi đột ngột ngồi nhỏm dậy. Nóng bừng mặt, không nhìn nàng, tôi đứng phắt lên, rồi vừa co giò chạy, tôi vừa hét về phía sau:

-         Chúng mình ra biển đi!

Tôi lao vun vút về phía bờ biển, nghe tiếng cười vui vẻ của Vi đằng sau. Vừa chạm vào bờ cát mềm lún ướt, tôi dừng chân, quay lại, đã thấy mái tóc Vi xòa vào má mình.

Hai khuôn mặt chúng tôi chạm sát vào nhau, cùng hơi thở dồn dập. Lúm đồng tiền bên khóe miệng Vi hằn xuống, nở nụ cười xinh đẹp rạng rỡ, nàng đưa tay vuốt má tôi:

-         Người có biết đôi mắt của người đẹp như thế nào không? Vô ích dấu sau gọng kính, tôi vẫn nhìn thấy đôi mắt đẹp của  người buồn bã  làm sao…

Tôi gạt tay Vi, rồi quay lưng, tôi bắt đầu chạy dọc bờ biển.

Mặt trời đỏ rực phía xa đang từ từ lặn xuống sau biển nước mênh mông xanh thẳm, những đợt sóng trắng xóa tràn vào bờ.

Tôi sải chân chạy vun vút trên bờ cát, nghe gió vi vu bên tai, nghe một nỗi kinh hoàng dội lên trong lồng ngực, bối rối đến cùng cực, tôi lao về phía trước vun vút, không hề nghĩ mình định chạy đi đâu.

Vi đuổi kịp theo tôi, nắm áo tôi, nàng giật mạnh. Cả hai chúng tôi ngã lăn ra bãi cát, Vi chồm dậy bên cạnh tôi.

Không hiểu nét mặt tôi lúc đó như thế nào, tôi chỉ nhận ra đôi mắt mở to, ngạc nhiên cùng cực của nàng nhìn tôi, rồi một nét đau đớn lộ trên đôi mắt đen mượt như nhung, nàng vẫn mỉm cười, nhưng không phải nụ cười hạnh phúc trước đấy nữa, mà là một nụ cười thẫn thờ từ nét môi tuyệt đẹp.

 Bỏ tôi đang chống khuỷu tay ngồi đăm đăm trên cát, nàng quay lưng đi xuống biển. Nhấp nhô giữa những đợt sóng trào dâng, dội tới tấp vào bờ, nàng bơi mỗi lúc một xa hơn trên mặt biển từ từ chuyển sang màu ghi, trước khi màn đêm ụp xuống.

Tôi nhỏm dậy, hoang mang đưa mắt nhìn quanh, bỗng thấy từ phía biển đi lên một bóng hình thiếu nữ, quấn áo ướt đẫm dính sát người, in rõ bộ ngực tròn trặn nhô cao, cặp đùi thon thả uyển chuyển bước từng bước nhẹ nhàng đi về phía tôi.

Nàng dịu dáng lướt qua từng đợt sóng tung trắng xóa, ào mạnh vào bờ rồi lại vội vã rút ra xa, dáng thon thả và nụ cười nhợt nhạt mỗi lúc một tới gần của nàng chợt làm tôi buốt giá trong ngực, và cảm giác đau đớn từ đâu bất thần ập đến.

Tôi rất hay bắt gặp mình chợt lặng đi buồn bã trong khoảng khắc như thế, nhất là trong khoảng thời gian, sau khi bước ra khỏi một cuộc hôn nhân ngắn ngủi.

 Những lúc đó, tôi cảm thấy mình nghẹn thở, tai như nghe một nét nhạc êm ái cuối cùng dừng lại cuối bản nhạc du dương, mắt như vừa ngơ ngác nhìn thấy mặt trời hoàng hôn đỏ ối, vừa một tích tắc trước còn hiển hiện, giờ đã không thấy đâu, và trái tim đau buốt cảm giác chia ly, với tất cả những gì vừa mới đây còn là sự sống, trong giây phút đã vụt tắt…

Bữa cơm ở nhà chị Mai kéo dài đến tận tối.

Tôi vừa nhấm nháp cốc nước chanh Vi đưa cho, vừa ý tứ ngồi khuất vào một góc, khi đám bè bạn của chị Mai nâng ghi ta, bắt đầu mời nhau đàn hát.

 Nhiều người ở đây làm trong một nhà hát. Tôi chưa hề xem họ biểu diễn, nên không biết ai, có chuyên môn gì, nhưng cách thức chuyền tay nhau cây đàn của họ, thành thạo chẳng kém gì những người thợ bên cỗ máy, hay người nông dân với cái cuốc, khiến tôi vừa sung sướng vừa trân trọng.

Vi ngồi phía bên kia chiếu, gần đối diện với tôi, nàng cười rất nhiều, luôn tay làm một việc gì đó: lúc thì giúp chị Mai bày ra giữa chiếu một mâm khác toàn lạc và mực nướng xé nhỏ thơm phức, lúc tiếp thêm cốc, để chuyền tiếp vào một chai rượu „cuốc lủi” còn lớn hơn chai lúc nãy.

Cánh đàn ông bắt đầu hát.

Một người vừa gảy vừa đập vào thùng đàn, đệm cho cả bọn hát inh ỏi những bài ca vui vẻ nào đấy. Không khí náo nhiệt như ngày hội chỉ lắng xuống, khi trời đã tối sập, làn gió từ đầu thổi về mát rượi.

 Chai rượu vơi đi quá nửa, mọi người đã tự nhiên hơn, người dựa vào tường, kẻ xoải chân ra chiếu, có người còn nằm sau lưng một người khác ngồi che đi.

Ai nấy nằn nì mời Vi hát. Tôi ngồi cạnh chị Mai, lưng dựa vào tường, nhìn nàng con gái tóc xõa, cười rất xinh nâng đàn, ngồi ngay trước mặt mình, có cảm giác như mình đang xem một bức tranh lạ.

Một trong bốn cô Tố nữ vừa bước ra khỏi tranh, duyên dáng nắn nhẹ dây đàn, như thể từ một đám mây hồng hững hờ vừa bay qua cửa sổ, trong tầng mây lấp ló, ẩn hiện một đóa hoa xinh tươi…

Vi búng vào dây đàn, khẽ cất tiếng hát.

Một tiếng than? Đâu phải. Một nỗi buồn? Nhẹ quá.

Nếu cảm giác buồn chỉ là làn gió mơn man trong đêm, thổi phần phật qua những tàu lá chuối…

Nếu nỗi buồn chỉ là từng giọt sương, đọng long lanh trên từng ngọn cỏ, ta bắt gặp trong nắng ban mai le lói…

 Không, đây là một nỗi lòng, đã tan thành vị buốt của bờ môi, chạm vào những vết thương không bao giờ liền sẹo, chỉ là nỗi đau sâu thẳm và dịu dàng, hãy lấy những giọt nước mắt nhau, xoa dịu đi nỗi bỏng rát, ứa máu của một niềm đau.

Lòng tôi lặng đi, khi bất chợt nhận ra thông điệp gửi gắm trong giọng hát của Vi. Tại sao tôi lại nhận ra? Bởi với tôi, những nỗi đau chưa bao giờ xa lạ.

Một ngày, con người sửng sốt tự hỏi mình: tại sao mình ở đây? Mình sinh ra để làm gì? Sao mỗi ngày sống cứ dài dằng dặc và cô đơn thế? Sao những buồn đau cứ tích tụ ngày mỗi nhiều hơn?

-         Người biết không, vừa gặp người tôi đã biết, đây chính là người tôi tìm kiếm suốt ngần ấy năm tháng. Đôi mắt của người làm tôi tin chắc, tôi không cần nói gì, người vẫn hiểu hết…

Vi hát, mọi người im lặng lắng nghe. Còn tôi, thấy lòng mình buồn bã.

Giọng hát của Vi chạm vào một linh cảm, mà tôi đã từng biết. Đấy là cảm giác bị chối bỏ, chưa hẳn một nỗi cự tuyệt, chưa hẳn một sự từ chối thẳng thừng, nhưng chắc chắn, đấy là một cử chỉ chối bỏ. Linh cảm về cảm giác này, đã từng đẩy tôi rơi xuống vực.

Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm ấy.

Mưa rất to, gió đập ầm ầm. Tôi đang trên đường về nhà, phải dừng lại bên một mái hiên, không thể đi được nữa. Trước đấy, để tránh cơn mưa, tôi cắm đầu chạy, không để ý, mình đã đi lạc vào một dãy phố lạ.

Trong căn nhà tôi đang trú dưới mái hiên, có tiếng bát đĩa va chạm nhau, tiếng cười nói, một ánh đèn hắt ra. Tôi tò mò nhìn vào khung cửa sổ thấp, che một tấm rèm mỏng. Và sửng sốt nhận ra: đây chính là nhà của anh.

Cả nhà đang quây quần xung quanh mâm cơm, anh, vợ anh và hai đứa trẻ. Khuôn mặt anh vẫn mang vẻ bình thản, như lần đầu tôi gặp và quen.

 Thuở đó tôi là một con ranh chưa đầy hai chục tuổi” như một nhành phong non, lúc nào cũng sẵn sàng rung lên bần bật bởi tất cả mọi ngọn gió thoảng qua…”- anh trêu tôi như thế.

 Như thể chỉ có tôi phát hiện ra anh xong là lập tức mê đắm, còn anh, đứng xa xa, cười cười, như một ông anh cần trông chừng cô em gái tinh quái, sợ nó nghịch ngợm rơi xuống nước.

Lúc đó anh đã có vợ, còn tôi, một cô gái trẻ, chưa biết rằng ngọn lửa táp của cảm xúc có thể làm con người cháy xém như một sợi tóc hơ trên lửa.

Tôi lao vun vút đến anh, với sự nũng nịu của bọn con gái mới lớn, cứ tưởng thế giới này phải cúi đầu khuất phục trước nhan sắc trẻ tươi long lanh của tuổi trẻ như những cánh hồng mới hái cắm vào lọ.

 Và rất ngạc nhiên thấy anh không gục ngã. Anh chiều chuộng, lắng nghe mọi đòi hỏi của tôi, nhưng không khuyến khích bất kỳ sự khiêu khích nào của một trái tim mê muội, lúc giận hờn, khi ngoan ngoãn, lúc khùng lên vô cớ như một con thú nhỏ.

 Cho đến một lần, hôm đó là ngày lễ, anh bằng lòng đi chơi suốt một ngày với tôi, anh thả lỏng anh trong những tiếng cười nói ríu rít của một con bé đầy mộng mơ, trong sự chiều chuộng cũng như những ánh mắt âu yếm dành cho tôi, khiến tôi hạnh phúc đến mức chợt nghĩ rằng đây chính là tình yêu mình mơ ước, hôm nay đã gặp.

 Nhưng như thế nào đấy, có thể trời sinh ra thế, tôi luôn luôn là một con bé ngoan, kể cả khi cái đầu thích nổi loạn của tôi điên cuồng nhất, tôi vẫn là một đứa con gái rụt rè.

Sau suốt một ngày lang thang vui vẻ, anh đưa tôi về. Tôi chỉ dám ngước nhìn anh với đôi mắt ngây thơ của tình cảm trong sáng, nhưng đắm đuối không thể hiểu nhầm được, khi đặt tay lên nắm đấm cửa phòng trong ký túc xá của mình.

 Anh đứng trước mặt tôi, mắt nhìn âu yếm, nụ cười dịu dàng, thoáng một chút đăm đăm, thoáng một chút bâng khuâng, hình như thoáng cả một tiếng thở dài nghèn nghẹn, rồi bất chợt anh xáp lại gần sát tôi, đặt một nụ hôn lên trán tôi, thì thào: „Chúc em ngủ ngon, cô bé!”. Quay lưng, anh đi xuống cầu thang, bình thản, chậm rãi.

Rất nhiều nước mắt rơi trong đêm đau khổ đầu tiên bởi đàn ông của tôi. Tôi không hiểu gì về họ, tất nhiên rồi, có lẽ đàn bà và đàn ông chả bao giờ hiểu nhau, không lý giải nổi, tôi rút ra nhận xét.

Nhưng có lẽ cảm giác bị chối bỏ đọng lại, mạnh hơn cả cái tri thức hiểu hay không hiểu, khiến con người ta đau. Bị chối bỏ, khi nghĩ rằng mình đang hiến dâng, mình đang cho đi những gì đẹp nhất mình có, sự chối bỏ này mạnh ngang với một cái tát trực tiếp giáng vào mặt.

Chỉ năm tháng trôi qua, khi cuộc đời càng ngày càng ngắn lại, vì những nỗi đau khổ, sự từng trải dài ra, và hạnh phúc ít ỏi nhận được ngày càng ít ỏi hơn, lúc đó con người mới có đủ thời gian ngẫm nghĩ, và nhận ra rằng cái gì cũng có lý do riêng của nó, kể cả sự chối bỏ  lẫn sự hiến dâng ngay tức khắc của người nọ với người kia.

 Tuy nhiên, cái bướng bỉnh đọng lại trong thâm tâm vẫn luôn là một cảm giác khó tha thứ, vì con người ta trước tiên yêu bản thân mình hơn cả.

 Đứng dưới hàng hiên trú mưa, ngắm gia đình anh qua tấm mành mành trên khung cửa sổ, thấy những đứa con anh ríu rít, thấy bà vợ mệt mỏi của anh ôm khư khư một rổ thuốc trong lòng sau bữa ăn, bắt đầu chọn từng hộp, còn anh mang một cốc nước to đến ngồi bên cạnh, tôi lẳng lặng nhớ lại cảm giác bị xúc phạm ngày xưa của mình.

Sau ngày lễ đầy sự kiện ấy, tôi tránh mặt anh, lòng nguôi dần theo năm tháng và theo cả cái tin nghe được, anh có một người vợ thần kinh ốm yếu, người đàn bà, lúc đến với anh hoàn toàn khỏe mạnh, và ở lại cùng anh khi đó, lúc cuộc đời anh khốn khó nhất.

Cái gì làm con người phục hồi lại sau những cơn đau, cũng như cái gì làm con người chọn nghĩa tình xử sự, cao hơn cả những mơ ước riêng tư?

Tôi không biết. Nhưng tôi biết, những cơn đau chẳng bao giờ bỏ ta mà đi, trái lại nó chỉ đợi dịp là trỗi dậy.

Giờ đây cơn đau của tôi trỗi dậy theo tiếng hát của Vi. Nàng đang dành cho tôi cơn đau của nàng. Để san sẻ, để giải bày, thổ lộ.

 Vì nàng linh cảm tôi là người hiểu nàng trọn vẹn – từ hiểu một nỗi buồn thân phận  chỉ thượng đế giải thích được nguyên nhân, như tại sao hôm qua vừa nắng chang chang, hôm nay đã mưa tầm tã? đến hiểu cả ngọn lửa cảm xúc của nàng- cái tinh túy nhất của vũ trụ, giúp con người linh cảm, biết ai là mẫu người mình yêu trên đời, ai là người có liên quan đến mình, ai là người nếu gặp được, ta sẽ mỉm cười mãn nguyện một ngày ra đi…

Linh cảm của nàng về tôi- không nhầm- đã buộc hai chúng tôi vào với nhau một cách tình cờ như thế đấy.

Buổi hát hò hôm đó kéo dài đến tận khuya, Vi tiễn tôi về với nỗi lưu luyến của một tình nhân với một tình nhân.

Liên tiếp những ngày tháng sau đấy, nàng chăm sóc tôi bằng những món quà, những cuốn sách, những băng nhạc, những lời nhắn nhủ, những mẩu thư vội vã  những nụ cười gặp lại và những  niềm hạnh phúc trào dâng  đoàn tụ, dù chỉ giây lát.

Đối với Vi, đấy là chuỗi ngày nàng được bộc lộ mình toàn vẹn, dù chỉ thể hiện trong việc nàng chiều theo hết thảy mọi yêu cầu của tôi, một cô nàng đã bước vào tuổi ba mươi nhưng vẫn trẻ thơ, bởi bao ý thích kỳ quặc thiên hạ không hiểu nổi.

Chẳng hạn tôi yêu thích đi dạo chơi lang thang trong nghĩa trang, để hưởng cảm giác bình yên không nơi nào có giữa những ngôi mộ, giữa những hàng chữ khắc trên bia chí, và nghe những rặng cây xanh tỏa lao xao, rì rào, như thể muốn kể tiếp, những điều người nằm dưới đất chưa kịp nói hết với người đang sống.

Chẳng hạn tôi sẵn sàng đọc sách nghiến ngấu ngày nọ qua ngày kia, tháng nọ qua tháng kia, vứt hết mọi sự khác, như thể sinh ra trên đời chỉ để đọc hết những gì người khác đã viết ra.

Hoặc không làm gì hết, ngoài nghe nhạc, nghe suốt đêm, nghe đi nghe lại những âm thanh mỗi lúc lại gợi đến một niềm cảm xúc khác nhau, như thể trên một đôi cánh, kẻ thưởng thức đang bay vòng quanh trái đất, đến những miền địa lý khác hẳn nhau.

Tôi và Vi đã hưởng cùng nhau nhiều kỷ niệm lạ lẫm, trong những vai trò kỳ lạ nhất mà tạo hóa có thể mang đến cho con người: đúng thế, Vi đã yêu tôi bằng một thứ tình yêu giới tính lạ lẫm, mà cho đến tận phút quen Vi, tôi cứ tưởng, trên đời này chỉ tồn tại từ  mỗi một phiên bản.

Trong buổi chiều cuối cùng bên bờ biển, khi mặt trời dần dần tắt trên bầu trời vừa tím vừa đỏ quạch, từ những ngọn sóng bạc quay về bờ, Vi sải những bước dài tiến về phía tôi, tấm thân tròn lẳn với bờ vai xuôi và cặp đùi tròn trĩnh, mái tóc ướt đẫm nặng trĩu, nàng từ tốn đến trước mặt tôi, dừng lại, không cười mà nhìn tôi với đôi mắt buồn bã của một con thú nhỏ bị thương, không thể chống cự thêm được nữa.

 Nếu cơ thể con người có thể sống như một loài lưỡng thể, vừa trên cạn, vừa dưới nước, hoặc vừa biết bay vừa đi bằng chân như một số loài vật, có thể nhân gian này giảm đi nhiều nỗi đau không được đền bù của con người hơn chăng?

Hay trên con đường tiến hóa thành người- trở thành thứ sinh vật cao cấp nhất- con người bắt buộc phải từ bỏ nhiều mối liên hệ trực tiếp với thiên nhiên, đầy rẫy những yếu tố hoang sơ chưa hề giải thích hết, nằm ngay trong sự bí ẩn lớn nhất: bản thân con người?

Có lẽ những lý lẽ lập luận này, sau này tôi mới nghĩ đến, khi tất cả đã trở thành ký ức, thành những điều đã qua trong một đoạn đời, như những áng mây lững lờ trôi đi trên bầu trời, bỗng một hôm ta bất thần nhớ lại.

Vì, trong  buổi chiều tà trên bờ biển hôm ấy, tôi không nghĩ gì hết.

Tôi nhìn cặp mắt bị thương của Vi, người con gái đẹp tuyệt mỹ luôn kỳ lạ với cư dân quanh nơi nàng sống, bởi nàng không yêu một anh chàng nào hết, khi xung quanh nàng hàng tá chàng chờ mong, đợi nàng ban ân sủng.

 Tôi nhìn thấy tình yêu của nàng với cô bạn cùng giới, cho dù, đối với tôi là cả một sự kinh ngạc và nỗi hãi hùng chưa bao giờ biết đến.  Tôi chưa bao giờ có một bản năng yêu như thế, nhưng tôi hiểu, thật lạ kỳ, tôi cảm nhận được tình yêu này.

Tôi cảm nhận được sự hiến dâng trọn vẹn và trong sạch con người nàng với một cái gì đó nàng yêu từ con người tôi, rất tự nhiên và thanh khiết, như nắng mặt trời chiếu xuống thế giới cây cỏ để nó nhú mầm, ra lá và nở hoa.

Nhưng cùng lúc, một linh cảm gì đấy trong lòng nhắc tôi chối bỏ tình cảm này, bảo tôi hãy chạy trốn, hãy ra đi…vì tôi không muốn, hay vì nó khác điều tôi hằng mường tượng về tình yêu, hay đơn thuần chỉ vì tôi không yêu nàng như nàng đã yêu tôi?

Lúc đó tôi không nghĩ hết, chỉ giơ tay nắm lấy bàn tay nàng đưa cho mình, để nàng kéo tuột tôi đi.

Tôi và Vi chạy xuống biển, nắm tay nhau nhảy theo những con sóng, có lúc cười khanh khách như hai đứa trẻ, có lúc quay đầu nhìn nhau, mắt long lanh ướt, để cuối cùng nắm tay nhau chạy lên bờ, nằm vật ra bãi cát, cảm thấy cát lún dưới lưng mình, cảm thấy dã tràng bò cựa quậy nhột nhột, buồn buồn, thấy những đợt sóng lấp lánh vệt lân tinh càng về đêm càng sáng lấp lánh…và sau cùng, nghe những tiếng thở gấp thì thào bên tai và cảm nhận những cái hôn…

Thêm một lần từ giã, bạn ơi, linh cảm chối bỏ nhau của con người lại kéo đến đến, để chia tay nhau không một lời giải thích, như thể muốn cưỡng lại những  mơ hồ xui khiến, của cảm xúc, của bản năng…

 Linh cảm vô hình, cứ muốn ta dò dẫm theo nó, như dò dẫm theo một đốm lửa bé xíu lay lắt cuối đường ngầm, dẫn ta về phía trước, để ta luôn luôn thử lấy lại thế thăng bằng bước tiếp trên cây cầu mong manh, trơn tuột, cây cầu của sự sống…

 Để làm gì, tôi không biết, không ai biết, hình như chỉ để sống tiếp và nhận thức nốt những gì sẽ gặp trong một kiếp người?.

                                             Nguyễn Hồng Nhung (Budapest. 2009-06-23)

 

III.

                                PHỤC SINH

 

Tôi không biết những ngày này tôi là ai và muốn gì nữa? bởi vì dường như tôi sống bằng hy vọng: rằng ông Anti sẽ không chết.

 Ai cuối cùng mà chẳng chết?

 Nếu ông  khỏe lên, đi lại như người bình thường, sống và làm mọi việc như trước đây  tôi đã gặp, chỉ cần kéo dài thêm chút thời gian nữa thôi, sẽ củng cố LẠI TỪ ĐẦU niềm vui sống của tôi (có lẽ thế?)

Còn bây giờ: tôi không biết, ông đang ở trạng thái nào?

hấp hối? giẫy giụa? đợi chết? hay sẽ qua khỏi? sẽ khỏe lên? sẽ sống tiếp?

Ôi Chúa ơi!  giờ đây tôi mới nhìn rõ đến thế LINH HỒN chảy như thế nào trong thân xác.

 Có một điều kỳ lạ nhất, ông đã không”chuyển động” trước mặt tôi như một kẻ đang bị ung thư.

Những kẻ khác, rời bệnh viện về nhà (mấy người đòi về như ông?), họ sẽ nằm liệt giường, chăm bẵm cái cơ thể đang bị hủy hoại từng ly từng tý, chắc chắn họ đêm ngày rên xiết, hơn bao giờ hết họ cần sự chăm sóc của người thân, họ cần tình thương và sự nâng niu từng giây phút.

Không, ông Anti không thế.

Cái bóng gầy guộc giơ xương của ông nhẹ bỗng lay lắt trước mắt tôi, khi ông tự lái xe trở về ngôi nhà trên ngọn đồi đầy cây ăn quả mà ông yêu mến. Bóng ông chấp chới  từng bước từng bước trước mắt tôi, nghiêng ngả xiêu vẹo bước xuống các bậc cầu thang, khất sau rặng cây, tôi mường tượng ông lại xiêu vẹo bước  tiếp lên các bậc cầu thang nữa, vào nhà,  nhẹ ngồi xuống ghế trước khung bàn ngập giấy, sách, bản thảo đầy chữ in, chữ viết tay, xếp cao như núi…

 Còn tôi, tôi đang ở trạng thái nào của tình cảm?

đau đớn? buồn sâu thẳm? tuyệt vọng? câm lặng?

Không đủ sức để kinh ngạc, hay đúng hơn, từ mùa đông sau những ngày gặp ông trong bệnh viện trở về, tôi đã tê liệt.

Tôi đang sống trong những ngày chờ đợi, bởi nỗi khủng khiếp đối mặt với thần chết ẩn náu trong tấm thân gầy sụt ba mươi kg của ông đã khóa miệng tôi lại. Tôi lặng lẽ theo dõi bộ xương vô hình vác lưỡi hái, một ngày sẽ mượn thân xác ông hiển hiện, như một hình ảnh cụ thể trước mắt tôi, như lá vàng bay từ cành rơi xuống đất, hoặc như một sáng tháng hai, hồ nước biến mất, chỉ còn lại mặt băng cứng lạnh toát khứa vào tim những tiếng hú liên hồi của gió đông…

Lần đầu tiên tôi biết ông Anti vào một chiều tháng sáu. Tôi gọi điện, và được ông hẹn gặp tại một ngôi nhà nằm cao trên núi. Lúc đó, ông đã bắt đầu bị bệnh, nhưng tôi không biết. Có lẽ dấu hiệu không bình thường duy nhất của ông là sắc da tái nhợt, và đôi khi đang đi đi lại lại trò chuyện trong phòng, ông xin lỗi tôi để ngồi quỳ hai đầu gối xuống một chiếc ghế kỳ lạ, trông như một cái xe trượt tuyết. Ông bảo ông đau cột sống, và một chân ông đôi khi tê dại, mất cảm giác.

Chuyện  trò với ông cực kỳ lôi cuốn. Với giọng nói dịu dàng, ông giống như một linh mục giảng đạo, để con chiên ngồi trước mặt là tôi há hốc miệng lắng nghe. Sau này tôi mới biết, ông học thần học ở trường dòng, nhưng đức tin và tri thức không thuyết phục được ông, ông bỏ giấc mơ trở thành linh mục thiên chúa giáo, rồi một ngày, người ta thấy ông nhập một tu viện phật giáo Nhật bản.

Tôi và ông chưa bao giờ đủ thời gian để tự nói về nhau. Tôi đọc các bài ông viết trên tạp chí, trên internet hoặc trong sách. Cả những bài viết sơ lược về tiểu sử của ông. Dường như tất cả những thông tin này chỉ là một lớp bụi phủ lên một cá nhân, như lớp phấn phủ lên làn da căng của quả táo, không liên quan gì để mùi, vị, hương thơm bên trong của quả.

 Bởi mỗi một lần gặp ông và chúng tôi trò chuyện, tôi không tìm thấy mối liên hệ của cái thế giới thông tin bên ngoài về ông, với toàn bộ nội dung những câu chuyện chúng tôi trao đổi. Những câu chuyện của chúng tôi  là một thế giới khác hẳn, không hình, không nói về bất kỳ cái gì cụ thể, nhưng lại sống động và trực tiếp nhất vì bàn về tất cả.

Sau này tôi gọi tên được sự khác biệt này: đấy là linh hồn trò chuyện với linh hồn. Vẫn về đời sống ta đang ở trong đó, nhưng không bị cắt ra vụn vặt, từng mảnh rời như quả táo bị cắt thành từng miếng riêng rẽ, mà chỉ như một ngọn tay vô hình di trên làn da căng của quả táo dường như cũng vô hình , nhưng khiến ta nhìn rõ từng tế bào riêng biệt tạo nên quả táo đó, tròn căng, toàn vẹn.

Có lẽ từ bé tới lớn, ta chỉ quen xé nhỏ, càng nhỏ càng tốt, toàn bộ hiện thực sống của mình. Như thể ta và hiện thực đó đứng bên cạnh nhau để xé. Và ngụp lặn, chìm nghỉm vào một biển tối mênh mang không hiểu từ đâu ra, mà trí tưởng tưởng cùng toàn bộ những điều được dạy dỗ từ tấm bé bảo ta đấy là số phận. Chưa ai kịp hiểu cái gì, ra sao, thời gian đã hết, những mảnh, mẩu người rơi rụng xung quanh nhau như nấm rời cuống, ơ thờ và lạnh lùng. Đấy là hết kiếp. Vì chưa bao giờ ai dạy ta về linh hồn. Để nhìn thấy dòng chảy.

Khi linh hồn trò chuyện với linh hồn, ta nhìn thấy dòng chảy. Không phải những mảnh chắp của sự vật sự việc xé nát, mà kỳ diệu một dòng chảy vô tận. Bởi lần đầu tiên, ta nghiệm ra linh hồn và thân xác.

Tôi gọi điện cho ông Anti, báo cho ông biết tôi vừa dịch một bài viết của ông. Lúc đó là cuối mùa thu, lá vàng bắt đầu rơi đầy gốc cây. Ông hẹn gặp tôi tại một ngôi nhà nằm trên một đồi đầy ắp cây ăn quả. Khi đến cổng, tôi nhìn thấy một bóng người cao gầy bước rất chậm giữa những hàng cây, tóc bạc lơ thơ lất phất bay trong gió.

Trái với nỗi thấp thỏm lo âu dày vò tôi và sự tàn lụi trông thấy của ông, chúng tôi cứ gặp nhau là mỉm cười,  dí dỏm đùa, và dịu dàng trò chuyện. Đúng hơn, sự bình yên bao giờ cũng bắt đầu từ ông. Ông có thói quen nói rất chậm rãi, từ tốn một điều gì đó, giữa chừng, ông chợt dừng lại, và mỉm cười. Như thể bình an là lan tỏa nhiệt từ một cái gì đó vô hình  trong cơ thể, tỏa ra ngoài. Linh hồn mạnh hơn thể xác khi cố giữ thăng bằng cho nỗi bình yên.

Ông cố gắng dạo trong vườn, lúc bứt một quả táo đưa cho tôi, lúc lượm một cành khô khư khư giữ lấy mang về cuối vườn vứt vào một đống lá đã vun. Nhưng những câu chuyện vẫn cuốn hút như thế. Giờ đây, bệnh tật là nỗi vô hình trong cái cơ thể gầy guộc kia, chứ không phải linh hồn nữa.

Tôi vẫn giữ mãi giọng trò chuyện dịu dàng và nụ cười dừng lại trên môi hé mở của ông trong trí nhớ, đến mức vào lễ Giáng Sinh đến thăm ông, tôi gần như bật ngửa người ra phía sau khi thấy ông chôn chân trên ghế. Vẫn nụ cười dịu dàng trên khuôn mặt đã hốc hác đi nhiều, ông xin lỗi vì không thể tiễn khách ra cửa. Đấy là khoảnh khắc tôi gặp lại thần chết, kẻ ngạo mạn nhăn nhở cười buổi nào, khi thấy tôi trân trân nhìn vào khoảng trống trước mắt, và tê tái cúi đầu.

Vài hôm sau, vợ ông thất thanh gọi điện báo cho tôi biết ông Anti đã nhập viện. Tôi hớt hải đến thăm. Lần thứ nhất, vẫn thấy ông cười bình thản. Lần thứ hai, gặp một khuôn mặt hốc hác ghê người. Lần thứ ba, đầu ông nằm im trên gối không động đậy, và từ đôi mắt xanh biếc nỗi buồn mênh mang  tỏa khắp căn phòng. Ông bảo ông muốn nắm tay tôi một chút. Bàn tay ông lạnh ngắt.

 Tôi bước ra khỏi bệnh viện, tuyết trắng phủ kín phố phường vắng ngắt. Thần chết nhăn nhở đi bên cạnh tôi, khi tôi lang thang không đích trên đường vắng, mặc mưa tuyết rơi ướt đẫm thân mình.

Vài hôm sau, tôi đến thăm ông Anti lần nữa. Căn phòng mở toang, không một bóng người. Chưa kịp hoàn hồn sau một phút tái ngắt, tôi nhìn thấy người ta chở ông Anti vào. Không phải người nữa, một cái xác bất động. Hai người hộ lý hai bên, đặt cái xác xuống giường, phủ hờ chăn và đẩy xe đi.  Còn lại tôi và vợ ông Anti, mỗi người một bên hỳ hục kéo chân, kéo tay cho ông nằm lại ngay ngắn.

Tôi xếp lại đôi chân sưng phù, lạnh buốt của ông rồi thu cánh tay ông cũng lạnh ngắt xuống lớp chăn. Phía bên kia vợ ông vừa sụt sịt vừa đắp cổ, phủ ngực cho ông. Cánh tay bên kia của ông thò ra ngoài lớp chăn ngắn, tôi tìm một chiếc khăn bông, phủ lên trên, rồi kéo vợ ông ra cửa, sau khi nhìn một lần nữa khuôn mặt im lìm, bất động tái nhợt trên gối.

Vợ ông nói rất nhiều, tôi không hiểu gì hết, chỉ sực tỉnh khi bà nhắc đi nhắc lại: tao sẽ sống với ai? với ai, nếu Anti chết?..Tôi giữ vai bà, nói to từng tiếng một: VỚI TAO.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một người vừa cười vừa khóc trong cơn tuyệt vọng chưa? Đấy là lúc linh hồn vẫn còn biết thổn thức. Vẫn chưa biết đau.

Ra khỏi cổng bệnh viện, tôi không đi về phía bến xe mà đi ra hồ nước, nằm trong một công viên rất lớn cạnh bệnh viện. Tuyết rơi xiên xiên trên tóc. Tôi đứng trước một mặt băng đóng cứng, trắng xóa, rộng mênh mông bởi những bụi cây xung quanh hồ đã biến mất, chỉ còn lại một màu trắng tinh khiết, lạnh toát, lặng câm.

Tôi đứng không nhúc nhích, mất cảm giác hay nỗi đau xé như  tan ra trong  thét gào im lặng từ lồng ngực: Tại sao?

Tại sao cần chứng kiến những cảnh này? Tại sao chết khi đang sống? hay phải chết ngay khi đang sống mới đúng là sống? ta còn sống? hay thực ra chết rồi?

Tôi biết tôi phải làm một cái gì đó ngay lập tức, để có thể sống tiếp.

Tôi mở laptop, gõ phím.  Viết hai bài thơ:

1.   NGHI LỄ

Thuở thơ ấu  ngồi ngắm hàng giờ

lũ kiến khuân về tổ một con giun chết,

chúng xếp một hàng dài, trang nghiêm trịnh trọng

vác trên đầu vừa là ân nhân, vừa nạn nhân

chiếc  quan tài thương tiếc

nghi lễ tang thích thú ngây thơ

đến bây giờ mới hiểu.

 

2.  EM CỐ NÂNG ANH THÀNH KÝ ỨC

 Lát thành con đường sẽ hồi xuân, cây đâm mầm tý tách

 đá dưới chân mềm đi, thiu thiu ngủ trong lời tình tự

đôi bồ câu gù gù

nắng ấm xoa má hồng thiếu nữ,

mát lạnh trời xanh vút khúc cầu hồn.

Em cố nâng anh thành ký ức

 vẽ thành cuốn truyện tranh

rất nhiều hình, rất nhiều lời

giải thích, rất nhiều đối thoại ngây ngô, rất nhiều sắc màu,

rất nhiều âm thanh  ẩn ức..

 vẽ đêm đêm tấm tức rễ trở mình,

nước  nguồn nào chậm rề  róc rách

 khát nắng, đùn sương, gặt trước

 ban mai.

Em cố nâng anh thành ký ức

nấp dưới gầm giường con bệnh ra đi không lời từ biệt

trốn sau trang sách bạc phếch tóc muối tiêu

hào phóng chia đôi ngày nốt

 lang thang  chờ cõi vô tình.

Khoảng một tuần sau, vợ ông Anti reo lên trong điện thoại: mai, Anti sẽ về nhà.

Sao? ông ấy vẫn còn sống? Mày không biết đâu, mũi ông ấy thổ ra từng vắt huyết. Mai, chúng ta sẽ về nhà.

Tôi đã lặng lẽ theo sau cái bóng gầy guộc vật vờ lên nhà, xuống vườn cùng ông Anti nhiều tuần lễ. Ngồi đối diện với ông bên chiếc bàn làm bằng những tảng cây xẻ đặt giữa vườn, ngắm nắng nhảy nhót trên vai, trên tóc ông, nhìn nụ cười xiêu vẹo trên khuôn mặt méo mó, để rưng rưng tận đáy lòng khi nghe giọng nói vẫn ngọt ngào và chậm rãi cất lên.

Ôi! linh hồn! chỉ linh hồn người mang lại cảm giác bình an ấy, bởi linh hồn luôn khao khát trò chuyện với linh hồn.

„Ông thấy trong mình ra sao?”- tôi hỏi.

„ Tôi không có năng lượng”- ông dịu dàng trả lời.

„ Mỗi ngày ông hãy nhận năng lượng từ mặt trời nhé, và từ tiếng chim hót nữa, từ màu vàng, màu tím, màu  hồng của hoa, ông hãy ngủ trong nắng ấm, được không?

Ông Anti mỉm cười.

Có những chập tối, tôi đứng rất lâu bên cửa sổ trong căn phòng không bật điện, nhìn ra vườn cây ngoài kia, nơi những thân cành gầy guộc giơ cao những cánh tay trơ trụi lên bầu trời tối sẫm, như một bộ xương người cố vươn lên, vươn lên không gục ngã…

Tôi biết rằng, chỉ cần sáng mai thôi, bình minh lên, những tia nắng yếu ớt đầu tiên sẽ soi rõ cho tôi thấy từng nụ xanh e ấp đang phủ đầy cành cây gầy guộc đêm qua, để một vài hôm nữa, lá xòe tung, lan khắp cành, và cảnh tượng sẽ là những vòm cây xum xuê xanh ngắt, hãnh diện khoe mình trong nắng, dưới những gốc cây, hoa dại vàng, trắng , nũng nịu ngả đầu bên những bụi cỏ âu yếm gió mơn man…

Tôi biết rằng không thấu kính nào lừa ta hết, dòng chảy bất tận của đổi thay cứ nhào nặn trái tim ta khi thì rỉ máu, lúc hăm hở hát ca, lúc âm thầm gục khóc.

Mùa xuân đang tích góp dòng nhựa sống hộ ta chăng- hỡi sinh linh nhậy cảm nhất hành tinh này?

 

     ( Budapest. 2012-04-06)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2964
Ngày đăng: 11.12.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự nhập cuộc trôi chảy - Dạ Ngân
Tản mạn về tập thơ đầu tay của Tương Giang - Trần Dzạ Lữ
Ghềnh V - Nam Dao
Đọc lại Machiavelli - Chân Phương
Giọt nước mắt màu đất và những ngụ ý - Yến Nhi
Những giai điệu thơ Tiệp Khắc *) - Đọc sách “Tuyển tập thơ Séc & Slovakia” của Do.honza Đỗ Ngọc Việt Dũng - - Đỗ Quyên
Thơ và trường ca Nguyễn Anh Nông: Lung linh qua bè bạn - Nguyễn Anh Nông
Bạt - Trần Văn Nam
Giới thiệu sách: “Thơ Tân hình thức Việt - Tiếp nhận và sáng tạo” ở Sài Gòn - Hồ Đăng Thanh Ngọc
Trích dẫn văn của Yukio-Mishima(Thiền Và Kim-Các-Tự Rực Rỡ Bên Cạnh Phân Tích Tâm-Bệnh-Lý Kiểu Tây Phương) - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)