Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
465
115.865.584
 
NGHĨ VỀ CÁI CHẾT
Nguyễn Hồng Nhung

 

 ( Bài này là một fân-tích kinh-ngiệm cá-nhân rất tốt. Câu hỏi về "sự chết" là một câu hỏi TRỐNG RỖNG bởi câu hỏi đó không có nội dung cho câu trả lời làm chuẩn. Con người ham sống là con người yêu đời. Mọi câu hỏi chỉ có ý nghĩa trong sự sống bởi vì mỗi phút hay mỗi giây của sự sống cho chúng ta kinh nghiệm để trả lời câu hỏi. Và câu hỏi fải bắt nguồn từ cụ thể. Chúng ta đâu có kinh nghiệm về sự chết.- Nhận xét của Giáo sư triết học Nguyễn Quỳnh, Hiện giảng dạy tại EPC College, El Paso, TX, USA)

 

 

Điều làm tôi hôm nay sực tỉnh: mình đã sống như thế nào vài ba năm nay?

Khi bỗng nhiên nhận ra : mình đã đặt cái CHẾT ở vị trí nào trong đoạn đời này?

Mưa thút thít suốt ngày mùng một tháng mười một mở màn cho hai ngày lễ dành cho người đã khuất, theo phong tục của Cơ đốc giáo. Những ngọn nến thắp lên khắp nơi, trước hết trong lòng người. Người ta lặng lẽ mang hoa tươi, các vòng hoa, các chậu hoa, những bó hoa khô, những vòng hoa khô đến nghĩa trang, đặt lên các ngôi mộ và đứng im cầu nguyện thầm lặng trong đầu.

 

Tôi dẫn con trai út đến một ngôi chùa châu Á ở ngoại ô thành phố, thắp hương, im lặng tưởng nhớ đến người đã mất- bố của con trai tôi, người chồng của tôi. Cách đây ba năm tôi đã cố gắng hoàn thành mọi thủ tục trong bệnh viện thật nhanh để đúng hai mươi mốt ngày sau khi mất, chồng tôi được phát tang và làm lễ chôn cất ở quê nhà, nơi đã từng sinh ra.

 

Tôi mang tro của chồng tôi, niêm phong kín, đựng trong một bình gỗ về đặt tại Văn Điển, để chồng tôi được gần mẹ, người mà chồng tôi yêu thương nhiều nhất trong một đời sống ngắn ngủi. Mỗi người có một trọng tâm trong đời để đau khổ. Tôi biết, ở chồng tôi, đấy chính là bà mẹ .

Một người quen cùng quê hương ở đây theo một giáo phái đạo nào đó bảo tôi: tại sao không để xác chồng tôi ở xứ này- xứ người mà tôi đang nương thân- để con trai tôi được bố nó phù hộ? Tôi trả lời: chỉ người sống phù hộ được cho người sống bằng sinh hoạt khăng khít hàng ngày với nhau thôi. Tôi là ánh sáng hàng ngày của con tôi.

 

Vài ngày sau cái ngày mưa thút thít từ sáng đến đêm ấy, tôi nhận được tin một người bạn văn chương nơi quê nhà đang ốm nguy kịch. Hôm sau nữa, nghe tin một đứa bạn học cùng khóa ngày nào cũng nhập viện, sắp từ giã cõi đời vì bệnh ung thư.

 

Một chục ngày đã trôi qua từ hôm đó, tôi không biết từ ngữ nào có thể diễn tả nổi tâm trạng của mình nữa. Lơ lửng?  Ngơ ngẩn? lạnh buốt trong lòng, buồn bã đến mức tất cả  trong con người mình đều tách biệt nhau: cử động, sinh hoạt hàng ngày, giao tiếp với kẻ khác…vừa là tôi vừa không phải là tôi. Cứ như thể tôi đã biến thành một dây dẫn  truyền trực tiếp những cảm giác từ đời sống, nhưng cùng lúc một cái gì đó lại cố chối bỏ trong tâm tưởng. Một lần nữa, tôi lại bị ấn ngã dúi ngã dụi xuống bùn sâu của cô độc và câm lặng

Chỉ khi dạy học, tôi biến thành bài giảng, say mê tỉnh táo, quên hết, nhưng sau phút làm việc, tôi lập tức phân thân…

 

 Tôi bắt đầu hiểu tại sao trong mấy năm tang tóc vừa qua, tôi quay lại với CHỮ, với VIẾT một cách điên cuồng và tốc độ đến thế. Tìm cách làm dịu những vết thương bằng cách cào xé tâm trạng mình? Tìm một cái gì đấy, vứt đi một cái gì đấy, bám víu, buông lỏng…Một trạng thái chết đi sống lại nhiều lần của xúc cảm người.

Nếu trước kia, khi chưa biết thế nào là cảm giác trực tiếp về cái chết, chỉ lơ mơ nếm trải vài ba cảm xúc buồn đau hụt hẫng, lúc đó ta có nhiều cách để tự an ủi lắm. Trốn vào: thiên nhiên, mối quan hệ với người khác, các nghĩa vụ, sự giải trí chốc lát…

 Trốn vào các ảo ảnh xoa dịu của khoảnh khắc. Rồi quên đi.

 

Nhưng tất cả sẽ bị phanh phui bản chất khi đối mặt với thực tại duy nhất giờ đây là hiện thực trần trụi không an ủi hàng ngày. Tất cả những gì trước kia tưởng là đẹp đẽ, vỗ về và làm mi sung sướng, giờ đây rơi xuống chân mi rách nát như những tiếng nấc vụn.

Lúc đó ai cũng rơi xuống vực thẳm. Vực thẳm của sự bấu víu. Tôi đã bấu víu vào sức mạnh bản năng tinh thần của mình, chỉ biết VIẾT ra.

Dường như ai cũng có một vũ khí riêng thượng đế ban tặng lúc ra đời để khi trơ trụi nhất, đơn độc nhất có thể sử dụng chống lại sự hủy diệt.

 

Nhưng: tôi đã LẦM khi xác định đối tượng tuyên chiến.

Tôi đã đặt cái CHẾT ngang hàng với sự SỐNG!

Rất lâu, trong vài ba năm, có lẽ cho đến tận ngày hôm qua, tôi mới vỡ lẽ ra sự lầm lẫn khủng khiếp này của mình.

„Cái chết là sự ám ảnh không bao giờ có lời giải đáp!” -  Đúng!

Trong khi đó đời sống lại là một phạm trù đã quy định. Với tất cả những quy tắc nghiêm ngặt dành cho người sống với nhau, lẫn nhau, cùng nhau, vì nhau, cho nhau.

Vậy là chúng khác hẳn nhau, còn tôi đã đồng hóa chúng.

 

Tôi ngẫm nghĩ lại những lúc mình đã SỐNG bằng sự CHẾT.

Thực ra, trong quá trình này tôi đã làm được rất nhiều việc, trước hết cho bản thân. Có lẽ làm được nhiều việc vì tôi đã chủ động từ bỏ tất cả những gì mình hay làm từ trước tới nay: nghe đài, xem tivi, nghe nhạc, bạn bè đàn đúm, đi chơi đi bời, thậm chí lòng thiết tha với ăn ngon, mặc đẹp, thưởng thức phim ảnh, tôi vứt hết.

 

Có lẽ lúc đầu như một sự ruồng rẫy kỷ niệm. Vì đau quá. Sau đó đến cảm giác tê liệt hờ hững, vì nguội lạnh quá. Tôi lao vào ôm ấp chữ, luồng điện tinh thần duy nhất mang lại cảm giác ấm áp, để quên đi, để sống tiếp, để yêu…dù giờ đây tôi mới biết: chỉ để sống và yêu tiếp một cái ÂM như bản thân sự CHẾT.

 

Hỡi ôi! nếu bạn chưa ở trạng thái và cảm xúc như tôi, bạn khó có thể hiểu được điều này. Cũng chỉ là một biến tướng của biểu hiện đời sống người? nhưng nó quá đặc thù ở chỗ, nó đòi hỏi một trải nghiệm xương thịt, một hiến tế hoàn toàn tự nguyện, như cảm giác tìm một người yêu, tìm một cái gì ham thích mà người ta suốt đời tìm kiếm , nghĩa là rất có thể, trải nghiệm này chỉ có được ở những kẻ có một LÝ TƯỞNG, luôn đi tìm một cái gì đó cao hơn bản thân mình, ở ngoài bản thân mình.

 

Tôi chính là cái lý tưởng, cái ảo ảnh ấy, nhưng điều đáng nói là nó mang hoàn toàn màu sắc âm thế.

Điều đầu tiên trong xúc cảm tang tóc tôi đã nhận ra: tất cả đều CÓ THẬT.

Kỳ lạ, té ra tất cả những gì mình từng trải từ trước tới giờ không hề có thật. Nó là cái gì vậy? Chỉ là những kinh nghiệm dò dẫm theo gương bắt chước người khác thu được. Nhưng không thông qua con người mình. Rõ ràng mình làm kia mà? Hay chỉ vì những lúc ấy, tôi chưa ĐƠN ĐỘC, nên chưa nhận ra chính mình?

Vậy là ấn tượng đầu tiên về cái chết: sự đơn độc. Và có thật hoàn toàn.

Như người lính trước khi nhận mệnh lệnh xung phong giữa bom nổ đạn réo và giọng người hò hét tiến lên hay quay đầu, bỗng ngã ngửa người nhận ra: ngay bây giờ đây mình sẽ hoặc chết hoặc sống. Không còn hiện thực khác

 

Trong sự đơn độc có thật này, lần lần tôi đã CẢM được tất cả những gì trước kia mình chỉ đọc, học, biết qua những khái niệm chưa thấm vào cơ thể, vào tận tim gan như một hôm bị bỏ quên giữa cánh đồng hoang mưa rơi đằng đẵng không nơi ẩn trú, ướt thấm đến tận xương!

Szabó Lőrinc bỗng nhiên không phải là một nhà thơ xa lạ khó hiểu như thuở sinh viên tôi ngồi học hàng giờ mãi không thể hiểu nổi nữa, Szabó đã biến thành tôi, một kẻ bất kỳ lúc nào cũng xúc động dạt dào, đang vui hân hoan rạng rỡ vì sắc đẹp của một bông hoa nhỏ xíu bên đường, bỗng ỉu xìu vô cùng chán ngán bởi một cái gì đấy tầm thường của kẻ sống bên cạnh, ta chợt phát hiện. Szabó Lőrinc bỗng nhiên thành bạn tri kỷ  bởi sự nhạy cảm quá đỗi giống nhau giữa tôi và chàng trong những lúc tôi hết sức bơ vơ. 

 

 

Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng vào một ngày đẹp trời, mình sẽ hiểu thứ ngôn ngữ châu ngọc của Szabó Lőrinc viết về đời sống, tình yêu, sự quằn quại người, nỗi cắn rứt lương tâm khi vượt qua những quy định chuẩn mực sống trong xã hội người. Cũng như từ từ  đọc và hiểu ra một loạt người cầm bút tiết kiệm lời, chỉ sổ tung những giọt máu đau đớn từ trái tim ra biến thành thơ.

 

 Lạ kỳ hơn nữa, hơn quá nửa đời người, ngọn bút tôi lần đầu tiên ngập ngừng, rồi sau đó ào ạt viết ra những bài thơ. Điều này ta không bao giờ có thể biết trước, dù ta có chấp nhận lý thuyết luân hồi của kiếp người đi chăng nữa, bởi nội dung cụ thể không phải do lý thuyết chấp bút. Chỉ duy nhất một thứ có thể tạo ra niềm cảm hứng: TÌNH trong lòng người- dù là người âm trong cõi âm

 

Dường như tôi đã tìm thấy một ý trung nhân âm thế của tôi. Mỗi dòng chữ  viết ra rơi xuống trang sách, đều biến thành thể âm, đều biến thành số phận. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi lắp thành vài ba năm đã trôi qua của mình, tôi đã hạnh phúc biết nhường nào với cái chết của chính mình, như một mối tình trong sạch, hiến dâng hoàn toàn với một người tình âm phủ.

 

Có lẽ vì sống trong tình yêu âm thế trong trắng này, tôi mới từ từ hiểu ra tất cả những lý thuyết triết học về sự sống vũ trụ, về đời sống người, về các tôn giáo, về những điều vô hình mà con người đang nằm trong nó nhưng vẫn ra sức khích bác nó, vì sợ hãi, vì không nhìn thấy nó, những điều khi còn là người dương thế, rất khó khăn để nhận thức ra.

Bạn sẽ hỏi: tại sao hôm nay tôi quả quyết đấy chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi của một cuộc tình âm phủ, khi tôi đã nhầm lẫn đặt cái chết lên ngang hàng đời sống của tôi?

Bởi trong đó không có chút lễ nghi, không có mảy may một quy tắc, một quy định nào như trong đời sống trần thế. Tôi không có một người tình xương thịt, không có một khung cảnh ấm êm dương thế trực tiếp vỗ về che chở, tôi chỉ còn lại tôi…

 

Trong chính tâm tưởng đau đớn của mình, tôi đã tạo ra một thế giới riêng, bằng chữ, cùng chữ, cùng những kẻ cầm bút khác, có thể đã mất, có thể đang còn sống, nhưng chắc chắn không có gì trực tiếp cùng tôi, cùng những tháng ngày dò dẫm tự mình đi tìm mình đau khổ.

Hôm nay tôi nhận ra sự nhầm lẫn đã sống như một kẻ đã chết của mình, khi bất ngờ nhìn thấy hết sức rõ ràng: tâm trạng của tôi không phải tâm trạng của kẻ khác, bởi vậy đôi khi hành vi của tôi làm người khác bực mình, làm họ cảm thấy bị xúc phạm, tôi đã đổ toàn bộ cái tôi của mình lên người khác, như một kẻ đã chết muốn trừng phạt người sống bằng sự đau xót kéo dài… giá mà vĩnh viễn!

 

Hỡi ôi!

Sau những ngày mưa lê thê buồn bã, hôm nay trời hửng nắng, bầu trời xanh cao vút, không khí lành lạnh hiu hiu như một sáng mùa xuân, nhưng lá vàng rơi khắp nơi pha đất trời thành một màu vàng úa đang hủy hoại…

 Bước qua những vũng nước đầy xác lá, bùi ngùi…

Nhưng lạ chưa kìa, những xác lá mang những hình thù khác hẳn nhau, dù tất cả đều trải rộng, nằm sóng soài như những bàn tay xòe, những thân hình úp sấp giang rộng chân tay. Tôi cúi nhìn chăm chú những dáng vẻ của lá: cái như những đồng tiền vàng nho nhỏ, cái như một bông hoa nhiều cánh, cái như một ngôi sao nhiều tua, và có những cái lá rất to, mỗi góc mang một hình thù khác.

Ngước mắt nhìn lên rặng dẻ dại chỉ một màu vàng sẫm, tôi nhận ra những chiếc lá còn lại trên cành cũng đã khô héo, sự lụi tàn ngay trên một thân cây sống…

Hàng cây trông rộng hẳn ra, cách xa nhau bởi những tán cây lưa thưa dần, trông xa xa chỉ là những cành khẳng khiu lắc rắc điểm vài ba chiếc lá vàng úa…

Nhắm mắt lại, tưởng như thấy hình ảnh của mùa xuân, cũng lơ thơ trên cành chỉ vài chiếc lá thôi, nhưng là những chiếc lá xanh non tơ, e ấp dịu dàng…

Vậy đó ta ơi, hãy trở lại với ĐỜI SỐNG bằng chính sự lụi tàn của từng KHOẢNH KHẮC đang trôi đi của chính mi!

 

 

                                                                       

                                                                      ( Budapest. 2012-11-15)

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2913
Ngày đăng: 20.12.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
MỘT TẤM LÒNG THƠ VÌ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG - Nguyễn Nguyên Phượng
Thả Tình - Thụy Vi
Mùi - Giang Kiều
Thư Gửi Cho Người Biệt Tích II - Tuyết Linh
Nghĩ Về Nơi Chưa Đến - Thụy Vi
Trương Thìn - Đỗ Hồng Ngọc
Chạy Mất Dép - Vũ Ngọc Anh
Miên man giữa vườn hoa Phật pháp - Hồ Dụy
Ghi Chép Đầu Thu - Nguyễn Hồng Nhung
TomTom - Vũ Ngọc Anh
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)