Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
457
115.866.849
 
Ghi chép November - 2013
Nguyễn Hồng Nhung

       

 

November bắt đầu bằng ngày Lễ dành cho những người Đã Mất. Thời tiết trong ngày đó thường cũng rất âm u, hoặc sũng nước vì màn mưa giăng suốt một ngày, hoặc nếu không mưa, giữa những cành cây trơ trụi lá, trầm mặc cúi đầu những mảng trời tranh tối tranh sáng…

Tháng 11, linh cảm tha về nỗi lòng trĩu nặng, những chiều chầm chậm bước về nhà, giữa những hàng dương cao vút, trụi lá…

Những năm trước, vào tháng này, tôi luôn luôn đụng trán Thần Chết. Hắn lẵng nhẵng theo sau từng bước, mong mỏi nhìn thấy tôi câm lặng nhiều ngày, không ăn không uống, vùi đầu vào công việc, đêm đêm hoặc thức trắng, hoặc chập chờn…

Hắn thừa biết, ai có thể vui trong cái không gian ứa lạnh của sự từ bỏ này, nhưng hắn muốn nhìn thấy: sự mòn mỏi xuất hiện và bám riết, bám chặt lấy những tâm hồn ưu uất vụt nhìn thấy cái hữu hạn của chính mình, khi nhớ lại phút lìa đời sống của kẻ khác.

Những năm trước tôi không nhận ra khát mong thầm kín này của Thần Chết. Tôi chưa biết rằng điều hắn muốn nhất từ con người là sự tuyệt vọng, vì rất rất nhiều người tưởng chết là hết. Tôi không tưởng thế, nhưng người thân mất ngay trên tay mình đã mang lại sự đổ vỡ tan tành trong tôi. Thế gian hết lành lặn, hết là một, chỉ còn là những mảnh vỡ rời.

Nhưng như thế nào đấy, người ta vẫn tiếp tục sống sót, mặc kệ mọi tình huống. Có điều, sống sót trong tư cách nào thôi.

November dạy con người cách sống sót, khi mở màn bằng một Lễ dành cho kẻ đã khuất. Đúng hơn, dạy con người biết cách nhớ lại, khi trong những ngày chớm đông, vắng mặt trời, trong âm thầm một khung xám đất trời ảm đạm, con người nếm lại những cảm giác không bao giờ nó còn muốn kinh nghiệm thêm lần nữa. Nhưng làm sao tránh được? Chôn vùi đi đâu sự đau đớn này khi nhớ lại chưa đủ, còn phải nghe tin một người mình quen biết cũng vừa ra đi.

Hành động đầu tiên của con người sau một cái Tang: chạy trốn. Vào bất kỳ cái gì. Để không cần chứng kiến thêm nhiều lần nữa sự ra đi của Chính Mình-đúng vậy, con người chợt nhìn thấy toàn bộ đời sống mình qua kẻ khác,  những niềm vui chập chững bước vào đời, những hạnh phúc ngắn ngủi không bao giờ lặp lại. Cùng nhau. Khi chia xẻ cùng nhau mỗi ngày sống.

 Và vì thế cái tát thức tỉnh đầu tiên sẽ là cái chết của những người gần gũi ngay bên cạnh. Mất đi cảm giác yên vui, những mối bận rộn tưởng chỉ vì lo từng ngày sống tiếp nổi, những tiếp xúc đầy giận hờn, thương yêu khắc khoải hoặc ngập tràn của mối quan hệ người.

Cái chết của người khác là minh chứng đầu tiên cho sự đau đớn vô hình của chính đời sống ta. Nếu hiểu ra điều này, con người dừng lại, nó không chạy trốn nữa. Những vòng hoa, bó hoa, chậu hoa, nến, hương, trầm trên những ngôi mộ là lời an ủi lẫn nhau giúp nhau, cho nhau của những xác thân đang cùng tồn tại. Với nhiều người, hơi ấm hữu hạn này là đủ. Với nhiều cuộc đời, sự gắn bó tiếp nối của cái hàng ngày là đủ.

Ôi! giá mà chỉ cần như thế!

Nó không chạy trốn nữa, nhưng nó hẫng hụt. Nó hiểu nó vẫn phải tiếp tục sống sót, không phải một cách vật vờ hờ hững mà phải quả quyết, trọn vẹn, đầy ắp tình thương yêu lo lắng và săn sóc- vì người khác. Đúng thế, VÌ NGƯỜI KHÁC. Một phần đáng kể ý nghĩa của đời ta là phải lo lắng trọn vẹn cho người khác- như một nghĩa vụ lúc nhận lấy từ tạo hóa đời sống này.

Nhưng gió vút cao trên những hàng dương trụi lá hai bên con đường dẫn tới nghĩa trang cũng vật vã như nến được thắp bên mộ chí cứ từng giọt, từng giọt tan ra,  rỏ máu…Nỗi đau vẫn vô hình và buốt giá. Dù hiểu rằng đây không chỉ là cái Tang cụ thể của từng con người cụ thể, từng ngày sống cụ thể, của một Ta cụ thể nữa rồi.

Nó khao khát thấy rõ nét một hình ảnh nào đó xa hơn trong xa xăm, đã an ủi nổi nó khi hơi thở điều hòa trở lại, sau một lúc ngồi thiền.

Cái gì vậy? Hình ảnh nào vậy?

Hơi thở vẫn nhất định không chịu bỏ nó đi chứng minh sự hiện hữu của cái vô hình an ủi này. Một cách hoàn toàn vô hình, không thể nhìn thấy, không thể tiếp xúc. Cái trong sách người ta hay gọi là Linh Hồn? là sự Cứu rỗi? là Đức tin? là Thượng đế? là Chúa?

Nó chợt nhận ra: đối với nó, đấy là SỰ VỊN CHỮ.

Đúng vậy, ta ơi! chỉ vịn vào chữ, vào logos, vào tinh thần, ta mới bình tâm lại và biết suy xét.

Giờ thì nó hiểu tại sao bác Hamvas Béla không thể nào bỏ được Viết, dù bác đã thử nhiều lần, dù đã quẳng vào lửa tất cả những gì đã viết. Một con người đã nhắc đi nhắc lại trong các tiểu luận triết học của mình:” Chỉ thức tỉnh dương tính có logos”, „ Sự sống mở là sự sống không bị đứt đoạn giữa âm và dương, giữa thế giới bên kia và trần gian”- một người với logos riêng của mình, tinh thần riêng của mình như thế, ngôn ngữ đã trở thành công cụ duy nhất chuyển đổi và truyền tải đời sống của mình.

Trong nỗi cô đơn vịn chữ để khắc khoải tìm ý nghĩa từng ngày sống, nó không chỉ hiểu ra nhiều điều mà còn may mắn nhìn thấy kết quả của hành trình đơn độc này, dù ít ỏi, nhỏ nhoi.

Đấy là lúc -tình cờ hoàn toàn, hay có sự sắp đặt?- gặp những linh hồn, những người bạn đồng cảm trên chữ. Đấy là lúc, linh hồn đau khổ của mình vô cùng cần những xẻ chia tư tưởng, bỗng, như kẻ khát nhận được một làn nước mát,  một người bạn mới quen chìa về phía mình một văn bản tâm linh được tạo ra từ những giờ thiền định và suy tưởng của người ấy.

Nó đã sửng sốt đọc đi đọc lại những tâm đắc này trong một đêm November đầy tâm tư đau đớn và buồn bã. Rồi muốn gửi tiếp đi như một chia xẻ tiếp cái vô hình an ủi giữa con người với con người, chỉ con người làm được với nhau này.

                   CON NGƯỜI THỰC RA KHÔNG BAO GIỜ CÔ ĐỘC!

Cảm ơn người bạn đã nói với tôi một câu duy nhất:

-          Hãy Thiền và quan sát Cảm Xúc của mình. Sẽ vượt qua.

 

BA VECTOR CHÍNH CỦA TÍNH TÔN GIÁO

1.

Các Tôn giáo chính thống, các Tôn giáo thuần khiết, các Tôn giáo có Tính Tôn giáo cũng giống như Con đường của Gautama Buddha luôn có ba chiều: Từ bỏ, Tình yêu và Nhận biết.

Đó là ba chiều chính, giống như ba chiều không gian của toạ độ Descartes; giống như ba vector chính. Nếu có các chiều thêm, là sự mở rộng. Sự mở rộng để làm rõ hơn; nhưng không có nghĩa như sự mở rộng không gian; không có nghĩa là từ không gian ba chiều tới không gian bốn chiều, năm chiều,… như trong toán học và vật lý. Con đường của Gautama Buddha chỉ duy nhất có ba chiều: Từ bỏ, Tình yêu và Nhận biết. Không nên thêm vào, không thể bớt đi.

Ba chiều này, ba vector chính này, tạo nên Tính Tôn giáo cho Con đường của Gautama Buddha và cho các Tôn giáo thuần khiết khác.

2

Có nhiều người, là nhà học giả, nhà huyền môn, những đại sư, và cả các vị giáo chủ,… họ đã nói và viết về Tiểu thừa, Đại thừa và Kim cương thừa. Họ đã nói và viết theo các quan điểm triết học, họ phân tích về các phương pháp tu tập khác nhau, họ phân tích sự khác biệt về các quan niệm, về các giáo lý; họ đã phân biệt và họ đã khái quát,… Nhưng có cảm xúc và ấn tượng với tôi mạnh mẽ hơn cả, là nghe Osho nói, ông ấy đã nói bằng ngôn ngữ của Trái tim về Tiểu thừa, Đại thừa và Kinh cương thừa; có một khái quát như sau:

“…Ngôi đền vĩ đại mà Gautama Buddha xây dựng bao gồm ba lầu; giáo huấn của ngài có ba chiều cho nó, hay ba tầng. Và bạn sẽ phải rất kiên nhẫn để hiểu ba tầng này. Tôi nói vậy bởi vì chúng đã bị hiểu lầm suốt trong nhiều thế kỉ. Lầu thứ nhất giáo huấn của Buddha được biết là hinayana – tiểu thừa; lầu thứ hai được biết tới là mahayana – đại thừa, và lầu thứ ba được biết tới là vajrayana – kim cương thừa. Hinayana nghĩa là phương tiện nhỏ, con đường hẹp. Mahayana nghĩa là phương tiện lớn, con đường lớn. Còn Vajrayana nghĩa là phương tiện tối cao, con đường tối thượng, con đường siêu việt. Hinayana là sự bắt đầu còn Vajrayana là đỉnh cao, cực đỉnh…”

Ông ấy đã nói như vậy. Ông ấy không tách là ba ngôi đền. Ông ấy thống nhất ba thừa vào trong một ngôi đền; vào trong cùng một không gian ngôi đền của Gautama Buddha. Nhiều người có chung quan điểm này với Osho. Đó là điều quan trọng; và đó là điều đương nhiên. Ba thừa là chung một không gian trong ngôi đền của Gautama Buddha.

Hinayana – Tiểu thừa coi Thực hành Quy y là pháp tu chính. Từ bỏ, Từ bỏ và Từ bỏ. Từ bỏ tiền bạc của cải, từ bỏ danh vọng, từ bỏ quyền lực, từ bỏ thú vui vật chất, từ bỏ những xúc cảm tiêu cực, từ bỏ những thói quen do xã hội môi trường áp đặt, từ bỏ dục, từ bỏ tham sân si,… Phải từ bỏ, từ bỏ là điều kiện tiên quyết, cho con đường tu tập. Tiểu thừa không chấp nhận người tu tại gia là nằm trong Tăng đoàn.

Osho có một cái nhìn tinh tế về Tiểu thừa. Ông ấy nói rằng, Gautama Buddha đã có một sáng tạo vĩ đại cho tâm thức Ấn độ, cho tâm thức nhân loại. Trước Buddha, tại Ấn Độ, tính chất sannyas đã là dành cho người già, già lão, gần như chết, một chân trong nấm mồ; chỉ khi đó người ta mới quan tâm tới sannyas. Sannyas Hindu là giống như thế: chỉ dành cho người già. Khi bạn không còn gì trong mình, thì hãy thử sannyas, đó là khoản mục cuối cùng. Buddha đã đưa vào một yếu tố mới, ngài nói điều đó là ngu xuẩn, chỉ người trẻ mới có thể thực sự mang tính tôn giáo, bởi vì khi năng lượng có thì người đó mới có thể cưỡi lên nó. Ngài đã giới thiệu tính chất sannyas cho người trẻ. Buddha nói phải trở nên mang tính tôn giáo khi đam mê còn sống động, khi ngọn lửa còn sống động, bởi vì chỉ khi ngọn lửa còn sống động thì nó mới có thể được biến đổi; chỉ có con người trẻ trung có thể cưỡi lên năng lượng này.

Và tất nhiên, khi giới thiệu sannyas cho người trẻ thì phải chắc chắn rằng họ không hướng tới dục. Với người già không cần bận tâm quá nhiều. Cho nên trong shastras Hindu, trong kinh sách Hindu, không tồn tại cái gì giống như Hinayana, bởi vì không có nhu cầu! Người già trở thành sannyasins; điều đó đơn giản. Không có gì phải lo nghĩ về họ. Họ có thể sống tuỳ ý. Nhưng khi người trẻ trở thành sannyasin, thì có nhiều quan tâm. Người đó có năng lượng, người đó có lửa, và lửa đó có thể bị tắt nữa; nó có thể đưa người đó theo hướng sai. Và người đó còn rất tươi tắn, không kinh nghiệm. Phải từ bỏ, từ bỏ là kỷ luật, từ bỏ là điều kiện tiên quyết. 

Mahayana – Đại thừa là tầng thứ hai. Hành giả của Đại thừa, họ đã kinh qua những kỷ luật, họ đã từ bỏ những điều cơ bản sau khi quy y, họ đã có những trải nghiệm, năng lượng trong họ đã biến chuyển lên cao, một tầm mới. Họ đã đầy năng lượng nhân ái, năng lượng yêu thương; họ có nhu cầu cho đi. Cho đi, đơn giản vì nó có và nó đầy.Nguyện phát tâm Bồ đề – Bodhicitta là cốt tuỷ của Đại thừa. Nguyện là một Bồ tát để cứu độ chúng sinh. Nguyện làm Bồ tát, người đã Chứng ngộ, từ chối bước vào Thiên đường, xin là người bước vào cuối cùng, khi đã giúp tất cả các chúng sinh hội đủ trong Thiên đường.

Thực hành Bodhicitta, là thực hành sáu Bà la mật – Pāramitā. Đó là Bố thí – dāna-pāramitā; đó là Giới – śīla-pāramitā; đó là Nhẫn – kānti-pāramitā; đó là Tinh tấn – vīrya-pāramitā; đó là Thiền định – dhyāna-pāramitā; và cuối cùng đó là Trí huệ – prajñā-pāramitā. Bố thí, cho đi đó là hạnh đầu tiên và quan trọng nhất của Đại thừa. Đại thừa dạy cho con người biết sống hoà hợp đem lại bình an cho mọi người. Căn bản của giáo lý Đại thừa là mang lại lợi ích cho hết thảy chúng sinh và Nhận thức Tính Không. Hành giả Đại thừa thực hành sáu Bà la mật, sáu Pāramitā mà không Nhận biết Tính Không thì không thể đạt Bodhicitta tuyệt đối. Bodhicitta tuyệt đối là sự Nhận biết của Tính Không của mọi hiện tượng.

Vajrayana – Kinh cương thừa, như một sự tiếp nối của Đại thừa, hành giả tu tập hướng tới lợi ích của chúng sinh. Nhưng cao hơn sự linh thiêng của kinh luận, với những hành giả quan tâm sâu sắc tới sự Nhận biết tối hậu, sẽ dược dạy pháp môn trong đó Niềm khát khao sẽ được vận dụng trong tu tập. Niềm khát khao mang lại lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Đây là điều đặc biệt của Kinh cương thừa. Niềm khát khao được bảo hộ bằng Năng lượng Từ bi và Năng lượng Phẫn nộ. Lòng khát khao, Năng lượng Từ bi và Năng lượng Phẫn nộ có thể đưa hành giả đạt Chứng ngộ ngay trong kiếp hiện tại.

Đồng thời, hành giả Kim cương thừa Nhận biết Tính Không siêu việt ở mức cao hơn. Đây là điều quan trọng. Tính Không không phải chỉ sự phủ nhận hiện hữu trên cơ sở tự tính; mà là phủ nhận cả các phân tử, các nguyên tử vật chất, phủ nhận tất cả các vật chất, hình dạng ở mức độ cơ bản nhất; như phủ nhận cả các yếu tố phi vật chất. Đó chính là thể của Không, thể Không của nguyên tử vật chất, thể Không Siêu việt vật chất.  Đó là điều cốt lõi, điều cốt lõi này là cái sâu thẳm nhất nằm trong các pháp linh thiêng và thần bí của Mật tông, của Kinh cương thừa; điều cốt lõi này là nền tảng tạo nền Tầm nhìn Mật tông, Tầm nhìn Kinh cương thừa; điều cốt lõi này là ngòi nổ đưa Nhận biết lên mức Siêu việt; Thể của Hiện hữu.

Tầm nhìn Kinh cương thừa là Thể Không siêu việt vật chất, vượt lên sự Nhận biết Nhị nguyên. Tất cả đều Không. Tất cả đều Không, vậy thì đâu còn phân chia, phân biệt; vậy thì đâu còn hai mặt đối lập của thế giới Nhị nguyên. Tất cả là thống nhất. Không còn ánh sáng, không còn bóng tối; không còn phải, không còn trái; không còn đúng, không còn sai; không còn tiêu cực, không còn tích cực. Chuyển hoá, chuyển hoá và chuyển hoá. Cái xấu là hạt mầm cái tốt. Tiêu cực là khởi nguồn của tích cực. Bóng tối mở màn cho ánh sáng.

Pháp Tịnh hoá là pháp thực hành của Kim cang thừa, thông qua các tantra và mandala. Đây chính là Vajrayana, là phương tiện tối cao, là con đường tối thượng, là con đường siêu việt. Nghiệp chướng, cái tiêu cực, cái ác,… tất cả cùng với Phúc lành, cái Tích cực, cái Thiện là không khác nhau. Nghiệp chướng, cái tiêu cực, cái ác,… là hạt mầm của Phúc lành, cái Tích cực, cái Thiện… Hôm nay nó là Nghiệp chướng, cái tiêu cực, cái ác,… ngày mai nó sẽ là Phúc lành, cái Tích cực, cái Thiện,… Kinh cương thừa không chối bỏ nó. Kinh cương thừa chuyển hoá nó. Kinh cương thừa thừa nhận cả những năng lượng xấu; chuyển hoá những năng lượng xấu này thành năng lượng tốt. Kinh cương thừa làm nở các hạt mầm. Kinh cương thừa vượt lên quy luật Nhị nguyên Thần thánh, đạt tới Cái Một vô song. Tantra và Mandala là phương tiện thực hành sự Chuyển hoá và phát triển Tâm thức.

Hướng tới Cái Một, là một sự chuyển hoá vĩ đại về Nhận biết. Không còn hai vế đối lập Nhị nguyên. Tất cả là thống nhất, không còn phân chia. Không còn Ánh sáng và Bóng tối. Không còn phân biệt Tiêu cực và Tích cực. Chuyển hoá, chuyển hoá và chuyển hoá. Hạt mầm. Cái xấu là hạt mầm cho cái tốt. Tiêu cực là hạt mầm của Tích cực. Sự Nhận biết đã siêu việt lên tầng cao mới!

Ba thừa, nó là như vậy. Nhưng trong lịch sử Phật giáo, nhiều người họ đã hiểu sai đi. Họ có những phân biệt; phân biệt về con đường nhỏ, về con đường lớn; phân biệt về tu cho bản thân, về tu cho tất cả chúng sinh… Điều này không nói ở đây, không nói lại nữa.Nhưng khái quát như trên, có vẻ như Tiểu thừa là Từ bỏ; Đại thừa là Tình yêu (Từ bi); Kinh cang thừa là Nhận biếtĐiều này cũng không phảiTiểu thừa, Đại thừa và Kinh cang thừa là chung trong một ngôi đền của Gautama Buddha, là chung một không gian Tôn giáo. Tiểu thừa, Đại thừa và Kinh cang thừa đều có ba chiều chính, có ba vecter chính; đó là Từ bỏ, là Tình yêu, là Nhận biếtMỗi thừa không thể thiếu, cũng không thể thừa một chiều nào, trong ba chiều đó.

3

Con người thường lầm lẫn về những hiểu biết cơ bản. Lầm lẫn về những giá trị cơ bản. Lầm lẫn về giá trị của bản thể. Con người lầm lẫn đồng nhất bản thể mình với những cái không phải, không thuộc về nó. Con người lầm lẫn đồng nhất mình với của cải vật chất. Con người lầm lẫn đồng nhất mình với cơ thể và bản năng sinh lý. Con người lầm lẫn đồng nhất mình với suy nghĩ và tư tưởng. Con người lầm lẫn đồng nhất mình với cảm xúc. Đó chính là những cái, mà dường như rất nhiều người luôn lầm lẫn. Đó chính là các dạng lầm lẫn cơ bản đồng nhất chúng thành bản thể của mình. Tiểu thừa bắt đầu bằng sự phá bỏ sự lầm lần đồng nhất này. Tiểu thừa dường như lấy Từ bỏ làm trọng tâm. Từ bỏ, Từ bỏ và Từ bỏ. Tiểu thừa lấy kỷ luật làm trọng. Nhưng dường như không chỉ có vậy trong Tiểu thừa.

Lầm lẫn đồng nhất mình với suy nghĩ và tư tưởng; lầm lẫn đồng nhất mình với cảm xúc,… là con người lầm lẫn đồng nhất mình với Tâm trí. Sự đồng nhất tâm trí, đã tạo ra một màn ảnh làm mờ nhạt, làm biến dạng các khái niệm, hình ảnh, từ ngữ, phân chia, phân biệt, phán xét và các định nghĩa phong tỏa các quan hệ đúng đắn. Nó chen vào giữa Con người với Bản thân Con người. Nó vào giữa tâm trí và Tâm thức. Nó chen vào giữa Con người và các Con người khác. Nó chen vào giữa Con người với Xã hội. Nó chen vào giữa Con người với Tự nhiên. Chính màn ảnh ý nghĩ này tạo ra ảo tưởng của sự riêng biệt. Ảo tưởng rằng con người rieng biệt với Con người khác, rieng biệt với Xã hội, rieng biệt với Tự nhiên.

Từ bỏ được quyền lực, từ bỏ thú vui vật chất, từ bỏ những xúc cảm tiêu cực, từ bỏ những thói quen do xã hội môi trường áp đặt, từ bỏ được suy nghĩ, từ bỏ được những tư tưởng,… Vậy thì, gần như phá bỏ được sự lầm lẫn đồng nhất Bản thể mình với Tâm trí. Vậy thì Ánh sáng đang tới. Con người không còn vướng chấp, không còn ảo tưởng, không còn thấy sự riêng biệt, không còn thấy sự phân biệt,… Hiện hữu gần như không bị mây mù Tâm trí che phủ. Vậy thì sự Nhận biết đã lên cao.

Khi đã từ bỏ của cải vật chất, khi đã từ bỏ quyền sở hữu, khi đã từ bỏ các thú vui vật chất, khi đã từ bỏ danh vọng, khi đã từ bỏ quyền lực, khi đã từ bỏ tham sân si, khi đã từ bỏ gần như tất cả,… Năng lượng không bị tiêu hao vào tất cả những thứ vớ vẩn đó. Vậy thì năng lượng đã tràn đầy. Năng lượng tràn đầy, thì sẽ trào ra, sẽ cho đi và dâng hiến. Tình yêu thuần khiết, tình yêu vô điều kiện tuôn chảy và vận hành. Vậy thì Thế giới đổi khác. Thông qua con mắt của Tình yêu, Hiện hữu bắt đầu có màu sắc mới, hình ảnh mới, hương vị mới và ý nghĩa mới. Sự chuyển hoá đó là phép màu của Tình yêu. Tình yêu nâng cao tính cảm thụ của con người, chấp cánh cho sự nhậy cảm, vị tha cho những lầm lỡ, nó mở rộng bầu trời của Tâm thức. Hoa Từ bi bừng nở và toả hương.

Từ bỏ chính là nền tảng cho Tình yêu và Nhận biết. Tình yêu và Nhận biết luôn tràn đầy trong sự Từ bỏ linh thiêng đó đó. Tình yêu và Nhận biết luôn tràn đầy trong sự Từ bỏ đẹp đẽ của Tiểu thừa. 

4

Kinh điển Đại thừa có một tác phẩm vĩ đại, một tác phẩm minh triết; không biết bao nhiêu con người cao quý, không biết bao nhiêu câu chữ, trong nhiều thời đại đã luôn ngợi ca;  không biết bao nhiêu hành giả luôn trăn trở tu tập trong quán chỉ miệt mài; các bậc chân sư luôn cao hứng và xuất thần mỗi khi truyền đạt, dù là truyền đạt trong sự Im lặng; đó chính là Tâm kinh.

Trong Tâm Kinh, Avalokita thuyết giảng cho Sariputra. Đó là hai con người đã ở tầm cao khác. Họ không giống con người, họ ở tầm cao hơn con người rất nhiều về mặt Tâm thức, họ có Trí huệ cao hơn rất nhiều.

Avalokita hay còn gọi là Bồ tát Quán Tự tại, hay còn gọi là Bồ tát Quan Thế âm. Ông ấy là Bồ tát, ông ấy đã Chứng ngộ, và ông ấy bay lên cõi Thiên đường. Thiên đường rộn tiếng chim ca, đàn sáo du dương, hương thơm ngào ngạt, không gian tràn đầy Phúc lạc, các Buddha hoan hỷ đứng bên cổng, chờ đón người đã Chứng ngộ. Avalokita cúi chào các Buddha, và xin phép không bước vào cổng Thiên đường. Không bước vào cổng Thiên đường, nguyện làm Bồ Tát, nguyện ở lại để giúp đỡ chúng sinh, nguyện là người sau cùng bước vào cổng Thiên đường, khi các chúng sinh đã vào hết. Avalokita chỉ còn một bậc nữa thôi, là sẽ tỉnh thức tới chứng ngộ chính đẳng, chính giác và toàn hảo. Một bậc nữa Avalokita sẽ thành Buddha.

Sariputra hay còn gọi là Xá lợi phất. Ông ấy là một trong Mười đại đệ tử của Gautama Buddha. Ông ấy có Trí huệ cao và được mệnh danh là Trí tuệ đệ nhất. Tương truyền chỉ mười lăm ngày sau theo làm đệ tử cho Gautama Buddha, ông ấy đã giác ngộ. Cũng tương truyền chỉ có Gautama Buddha, còn không một ai có Trí tuệ bằng ông ấy.

Avalokita và Sariputra họ đã giảng cho nhau khi hành trình đi sâu vào Prajnaparamita. Xin hiểu Prajna là Trí huệ, còn paramita là Bờ bên kia. Prajnaparamita nên hiểu là Trí huệ của Bờ bên kia. Bờ bên kia của họ, của hai người đã giác ngộ và chứng ngộ, đó là Niết bàn. Họ đã nói với nhau theo Hệ quy chiếu của họ, Hệ quy chiếu mà tại đó chỉ còn một bước nữa là tới Niết bàn. Điều này là vô cùng quan trọng, nó rất sâu sắc, nó rất tinh tế.

Với họ, trong Hệ quy chiếu của họ, Tình yêu và Từ bi là tràn ngập, sự Nhận biết đã siêu việt, là từ trên cao soi xuống. Từ Hệ quy chiếu đó, họ đã thấy những điều mà con người chưa thể thấy: Hình dạng là Không, Không là Hình dạng. Hình dạng không khác gì Không. Không không khác gì Hình dạng. Dù Hình dạng là gì, đấy cũng là Không; dù Không là gì, đấy cũng là Hình dạng,… Rồi, Avalokita vẫn giảng giải cho Sariputra rằng:

“Do đó này Sariputra! Bởi không sự thành đạt của mình mà Bồ tát trong quá trình hoàn hảo của Trí huệ, nên tâm không vướng mắc; vì không vướng mắc nên không sợ hãi; vượt qua những điều gây rối trí, nên cuối cùng đã đạt tới Niết bàn. Chư Buddha ba thời đều tỉnh thức tới chứng ngộ chính đẳng, chính giác và hoàn hảo. Bởi vì họ đã tiến tới và đạt được sự hoàn hảo của Trí huệ.”

Tại cái nơi mà Tình yêu và Từ bi là tràn ngập, sự Nhận biết là Minh triết, là Siêu việt; một vị Bồ tát tràn đầy Từ bi, một vị Tôn giả đại diện của Trí huệ, họ vẫn nói với nhau về Từ bỏ. Từ bỏ luôn không tách rời Tình yêu và Nhận biết. Từ bỏ luôn ẩn chứa trong Tình yêu và Nhận biết. Để cho Tình yêu thuần khiết, để cho Nhận biết siêu việt, Tù bỏ luôn có đó.

5

Với hành giả Kim cương thừa, tầm nhìn Tâm thức của họ là hướng về Cái Một vô song.  Sự Nhận biết đã siêu việt lên tầng cao mới. Vũ trụ họ hướng tơi, không còn hai vế đối lập Nhị nguyên. Thế giới của họ là thống nhất, là không phân chia. Không phân biệt ánh sáng và bóng tối. Không phân biệt tiêu cực và tích cực. Không phân biệt cái thiện và cái ác. Không phân biệt cái tốt, không phân biệt cái xấu. Cái tốt bao hàm cái xấu. Cái xấu bao hàm cái tốt. Cái tốt ẩn kín trong cái xấu, không nên và không thể vứt bỏ cái xấu. Không thể tiêu diệt cái xấu. Cái xấu phải được đi lên, đi lên để thành cái tốt, cái tốt hơn. Cái xấu, cái tốt đều ngập tràn trong tim. Khi Tình yêu vận hành, cả xấu cả tốt đều chuyển động. Tình yêu thúc đẩy sự chuyển hoá. Tình yêu nẩy mầm cái tốt trong cái xấu. Tình yêu chuyển hoá cái xấu thành cái tốt, cái tốt hơn.

Trong Hệ quy chiếu với Tầm nhìn đó, một lần Gautama Buddha đã giảng Kinh Kim cương, cho những vị Bồ tát nghe, lời của Tôn giả Ananda kể lại:

Đây là những gì tôi đã được nghe vào thời ấy. Buddha ngụ tại thành Sravasti. Buổi sáng sớm ngài mặc trang phục, khoác áo cà sa, cầm bình bát đi vào thành Sravasti khất thực. Khi trở về, ăn xong, ngài xếp gọn y bát, rửa chân và ngồi vào chỗ dành cho ngài, hai chân xếp chéo, thân ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước. Lúc ấy các tu sĩ, từng nhóm đông, tiến tới cung kính đảnh lễ Buddha xong đi vòng ba lần qua bên phải ngài rồi ngồi xuống.

Lúc ấy tôn giả Subhuti cũng đang ngồi giữa hội chúng. Ông đứng lên, vắt một vạt áo lên vai, quì gối phải xuống đất, chắp hai tay hướng về Buddha mà thưa rằng: ‘Bạch Thế Tôn, thật là kì diệu, hỡi Diệt Độ, vô cùng kì diệu sự hộ trì mà Như Lai đã ban cho các vị bồ tát, những sinh linh thượng đẳng! Vậy, Bạch Thế Tôn, hành giả đi theo con đường của bồ tát phải làm sao để an trụ tâm, làm sao để hàng phục tâm?’

Sau những lời này Buddha bảo Subhuti: ‘Vậy, Subhuti, lắng nghe cho rõ và chăm chú! Hành giả đi theo con đường của bồ tát cần phải nghĩ rằng: Tất cả các loài chúng sinh trong vũ trụ, dù nhiều vô lượng, ta phải dẫn dắt họ đến niết bàn, nơi chẳng còn để lại cái gì ở phía sau. Tuy nhiên, mặc dù vô lượng vô biên chúng sinh đã được dẫn dắt vào niết bàn, nhưng thật ra không có chúng sinh nào được dẫn vào niết bàn cả. Và tại sao? Bởi vì nếu vị bồ tát còn có ý nghĩ về chúng sinh thì không thể gọi là bồ tát. Tại sao vậy? Bởi vì, nếu một ai đó còn có ý nghĩ về ta, về người, về linh hồn, về mạng sống, thì không phải là bồ tát.’

Gautama Buddha đã nói với các Bồ tát như vậy, nói với các ‘sinh linh thượng đẳng’ như vậy. Các sinh linh mà Tinh yêu, Từ bi tràn ngập trong Tim họ; các sinh linh mà sự Nhận biết đã siêu việt, siêu việt ở mức còn một bước nữa họ tới Niết bàn, tới Thiên đường. Ngài vẫn nói, nói về sự Từ bỏ: các Bồ tát cần phải Từ bỏ suy nghĩ về ta, về người, về linh hồn, về mạng sống,… Các Bồ tát cần phải Từ bỏ dù một chút tâm trí còn vướng vấn lại, dù một chút rất nhỏ nhoi. Từ bỏ, Tình yêu và Nhận biết là luôn gắn kết với nhau; chưa khi nào tách rời.

6

Ai tát má con bên này, thì đưa cả má bên kia.

Không chỉ những người Thiên Chúa giáo biết câu nói này. Nhiều người biết câu nói này. Phần lớn nhân loại biết câu nói này; đó là lời dạy của Jesus Christ.

Nhưng ít ai hiểu hết các chiều của lời dạy này. Rất nhiều người đã bỏ lỡ sự sâu sắc của Jesus Christ, trong lời dạy đó. Tôi đã nghe, không dưới ba lần, của ba người khác nhau, họ là mục sư, họ là giám mục; họ đã giảng rằng, này các tín đồ hãy vì lòng Kính yêu Chúa mà chìa má bên kia. Hãy vì lòng Kính yêu Chúa, yêu thương cả kẻ thù của mình. Họ không sai. Nhưng họ đã bỏ lỡ, bỏ lỡ sự sâu sắc của Jesus Christ, bỏ lỡ sự uyên bác và vị tha trong tư trưởng của ngài.

Lời dạy này, nằm trong Kinh Phúc âm, cả khổ như sau:

“Ta bảo các ông đang nghe đây: Các ông hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai tát má các ông  bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của cac ông, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì cac ông hãy cho và ai lấy gì, thì đừng đòi lại. Các ông muốn người ta làm điều gì cho các ông, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các ông yêu những kẻ yêu các ông, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các ông làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các ông, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các ông cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

Vậy các ông hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các ông bấy giờ sẽ lớn lao, và các ông sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

Vậy các ông hãy ở nhân từ như Cha các ông là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các ông sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các ông khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các ông sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các ông; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các ông. Vì các ông đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

Ngài đã dạy như vậy.

Tôi thấy rằng, trong lời dạy đó, có cả ba chiều của Tính Tôn giáo; ngoài Tình yêu nó hàm chứa lòng bao dung trong sự Từ bỏ; nó hàm chứa một tầm nhìn siêu việt của Nhận biết.

Nếu không có thái độ Từ bỏ mạnh mẽ; từ bỏ cảm xúc đau đớn của thân thể; từ bỏ ý nghĩ bị chiếm đoạt quyền sở hữu; từ bỏ cảm xúc mất mát; từ bỏ cảm xúc sỹ diện bị xúc phạm; từ bỏ cảm xúc danh dự bị trà đạp… với Tâm thức bao dung, làm sao mà có thể chìa má bên kia, làm sao có thể nếu ai lấy cái gì, thì đừng đòi lại… Không, không có thái độ mạnh mẽ Từ bỏ những cái đó, thì phản ứng sẽ là khác, sự giận dữ, lòng căm hờn và rồi thân thể sẽ phản ứng, và rồi bạo hành sẽ tiếp diễn. Đó là lẽ bình thường của Tâm trí.Chìa má bên kia và đừng đòi lại, Jesus Christ đã dạy, đã yêu cầu các đệ từ của ngài, phải Từ bỏ; phải Từ bỏ cái bản ngã của mình; phải Từ bỏ những cái đã lầm lẫn đồng hoá: ý nghĩ, cảm xúc, hành động… Không đồng hoá bản thân với cái đó, thì Tình yêu sẽ tràn đầy. Vì đơn giản, năng lượng không hao tổn, không mất đi vì những thứ lầm lẫn đóKhi Tình yêu tràn đầy, không phải Chúa, mà bất kỳ ai, là kẻ thù cũng được ban tặng.

Trong những lời dạy của ngài, tinh thần Từ bỏ còn nhắc lại ở nhiều lần khác. Trong Kinh Phúc âm Matthew, cũng ghi lài lời ngài với tinh thần này:

“Đúng vậy, ta nói cho các ông biết, trừ phi các ông biến cải và trở thành như trẻ con, không có cách nào các ông có thể vào Thiên đường.”

Trẻ con, trẻ con có gì đâu, ngoài sự trong trắng thuần khiết. Người lớn trở về trẻ con, là một hành trình vĩ đại; phải từ bỏ tất cả, nhưng giáo lý, những thói quen, những lề thói đạo đức xã hội, nhũng chuẩn mực ràng buộc; từ bỏ những suy nghĩ, từ bỏ những hệ tư tưởng, từ bỏ những cảm xúc; từ bỏ tất cả các tri thức đã thu nhận trong hành trình cả cuộc đời;… Tù bỏ tất cả, để về với sự trong trắng và thuần khiết; để về với trẻ con. Cùng với giao giảng về Tình yêu, Jesus Christ luôn giao giảng về Từ bỏ.

7

Một chiều khác, hàm chứa trong lời dạy của Jesus Christ, đó là sự Nhận biết. Nhận biết về Cái Một.

Cá thể và Tha nhân, là chủ đề mà Jesus Christ hay nói tới, Hãy yêu thương như anh em. Dù là kẻ trộm cắp, nghèo hèn; dù là phạm nhân, tội đồ; dù là kẻ giàu sang quyền quý; dù là nhà Khoa học; dù là nhà Văn, nhà Thơ, dù là kẻ tâm thần… tất cả đều là anh em con một Cha.  Ngài luôn nói như vậy. Đó là cách ngài nói. Ngài đã nói về Cái Một, một cách không tường minh; Cái Một luôn được hàm chứa. Con người chưa thể hoà thành một với vũ trụ. Con người chưa thể là một với dòng sông, với đỉnh núi, với những vì sao. Con người chưa thể là một với người khác, với kẻ thù. Nhưng tất cả hãy là anh em con một Cha. Đó là hàm ý của ngài, đó là hàm ý của Jusus Christ.

Và có những khi, sự hàm ý này được thể hiện qua bản thân Chúa.

Một vị linh mục đã từng kể về một câu chuyện thế này:

Có một tu sĩ người Ái Nhĩ Lan, một đêm nọ xuyên qua cửa sổ, ông ấy bỗng nhìn thấy vị thiên thần đang ngồi viết vào cuốn sách vàng. Vị tu sĩ vui mừng, rón rén tới gần và lên tiếng hỏi: “Ngài đang viết gì trong quyển sách này?” Không buồn nhìn vị tu sĩ, thiên thần trả lời: “Ta đang ghi tên những ai yêu mến Chúa”

Vừa lo lắng, vừa hồi hộp, ông hỏi tên mình có trong quyển sách đó không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng, nhưng không thấy tên của ông. Dù vậy, câu trả lời của thiên thần không làm cho ông thất vọng. Chân thành, ông nài nỉ: “Xin Ngài ghi tên tôi như một người lúc nào cũng yêu mến Tha nhân.”

Thiên thần chiều theo ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng. Tối hôm sau, giữa ánh trăng sáng, thiên thần lại hiện ra một lần nữa, và mở cuốn sổ vàng cho vị tu sĩ xem. Lần này, ông thấy tên của mình dẫn đầu trong danh sách những người yêu mến Chúa.

Sau này, khi vị tu sĩ già qua đời, các anh em trong tu viện xem lại nhật ký của ông, thấy dòng chữ đầu tiên là:  “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” Tiếp theo, ông ghi chú như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và Linh hồn tôi”.

Người Thiên Chúa giáo luôn được dạy rằng khi từ chối Tha nhân cũng là từ chối Thiên Chúa. Con người không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa một cách mơ hồ, mà là nơi chính Tha nhân. Thiên Chúa và Tha nhân hòa hợp làm một trong lòng của mỗi Con người. Con người yêu Tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi Tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu thương Tha nhân đến vô cùng. Trong Chúa, Con người nhận ra những Con người khác là anh em con một Cha, là hình ảnh Jesus Christ đang lê bước trong cuộc đời. Trong Chúa, Con người nhận ra phẩm giá đích thực của một Con người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân, một người giàu sang hay một người nghèo hèn, một người mất trí. Tình yêu thực sự với Thiên Chúa đưa Con người về với những Con người khác, dù đó đã là kẻ thù. Tình yêu thương đòi Con người chìm sâu trong Thiên Chúa, để múc lấy nơi Ngài nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao, một sự hiến trao vô hạn. Cuối cùng tình yêu ấy phải quay trở về với Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự Hợp nhất toàn hảo mà Jesus Christ đã ao ước thực hiện giữa Thiên Chúa, chính Ngài và các kẻ tin.

Người Thiên chúa luôn hướng về sự Hợp nhất toàn hảo này, ngụ ý của Cái Một, một Nhận biết vĩ đại.

Xin đừng bỏ lỡ những điều mà Jesus Christ đã dạy, ngài luôn nói về Tình yêu, Từ bỏ và Nhận biết, dù tường minh, dù không tường minh và thậm trí dù im lặng, không lời.”

………………………….

                                                     

           ( Budapest. 2013. november 19.)

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2377
Ngày đăng: 11.12.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
- Nguyễn Hồng Nhung
Ở đó sông có một mùa buồn - Ngọc Vinh
Đại-hội Triết-học Thế-jới kì 23 tại Đại-học Athens, Greece từ 4 tới 10 tháng 8 - Nguyễn Quỳnh USA
Cách mạng tháng Tám ở quê tôi - Lâm Bích Thủy
Buổi ra mắt sách Đại nguyện của đá & tác giả tác phẩm Người đồng hành quanh tôi - Minh Nguyễn
Ký Ức Vĩnh Cửu - Nguyễn Hàng Tình
Về An Giang thăm núi - Diệp Hồng Phương
Tháng sáu ký ức về NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐIÊN - Đặng Hà My
Gió bụi từ núi xa về - Nguyễn Hàng Tình
Đọc báo 3 - Lê Văn Thiện
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)