Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
484
115.866.573
 
Kỷ Niệm Tháng Tư
Nguyễn Hồng Nhung

 

( Ghi Chép )

 

Bạn anh có thể không tin điều bạn đọc này, tôi cần nhiều suy nghĩ, bài viết làm tôi băn khoăn cũng như người hỏi tôi : anh nghĩ gì 30 tháng 4? Tôi chỉ nhớ đến các bạn tôi đã chết, một nén nhang cho các bạn và ngậm ngùi như hôm qua...

Nguyễn Hòa vcv

 

Như thể tất cả người Việt nam sinh ra, hoặc chết đi trong tháng Tư.

Dội về ký ức tháng Tư, để hiện tại quay lại thành quá khứ. Đúng hơn, những mảnh vỡ tháng Tư khứa vào các giác quan, như một tiềm thức, nức nở, kể lể, thở phào, câm lặng, trầm ngâm…như thể tháng Tư năm ấy vừa là nó vừa chẳng phải là nó…

 

Sao vậy?

Tôi rất nhiều lần khua gót trên đường phố, nhấm nháp cảm giác: mình đang ở nhà mà, thành phố quê hương, nơi ta lớn lên từ tấm bé, nhưng… đâu rồi?

 

Dù hàng cây lim già vẫn xum xuê tán lá rợp trên con phố nhỏ, nơi xưa kia mỗi sớm ta hớt hải vung cặp chạy như bay đến trường trước khi tiếng trống thùng thùng vang lên, dù đầu phố nơi rẽ sang con phố nhỏ hơn vẫn lù lù một miệng cống, bạn bè thơ ấu ơi, mình thường đợi nhau ở đây, nắng trưa hè gay gắt sau ngần ấy năm vẫn làm nở mặt đường nhựa, khiến nó mềm oặt như một chiếc bánh gai đen…

Sao thế ?

 

Tất cả bởi tháng Tư? Tháng Tư gây nên cảm giác …đâu rồi? Từ tháng Tư  con người cảnh vật đã đổi khác trên đất nước này?

 

Như thể tháng Tư năm ấy có một phép màu nhiệm, xích toàn bộ tâm tư người dân đất Việt vào nhau, dù họ đang ở đâu, trên mảnh đất hình chữ S hay rải rác khắc nơi trên trái đất, cho dù mỗi mảng dân Việt là một mảng cảm xúc, dù ở thế hệ nào, và cách thể hiện ra sao. Tâm tư gì vậy, trạng thái gì vậy?

SỐNG SÓT!

 

Đã hơn ba mươi năm, nhưng dường như trạng thái, tâm tư mà tháng Tư mở màn  cho dân đất Việt vẫn giữ nguyên như thế: SỐNG SÓT.

 

Sống sót bởi chỉ có ký ức-trong muôn vàn hình thái- tồn tại trong suy tưởng. Còn hiện tại, như thể không phải là ta, không thuộc về ta, không do ta, không liên quan đến ta, hiện tại  nhức nhối và câu tự hỏi buộc thốt ra: phải chăng ta vẫn chỉ là dân của một đất nước SỐNG SÓT mà thôi?

 

Sống sót sau một cơn cướp đoạt, sau một cơn giết phá, sau một cơn chạy loạn, sau một cơn đầu độc, sau một cơn ngộ độc, và sau rốt: cố gắng sống sót nốt trong một cơn hấp hối.

 

Sống sót nghĩa là sau một hút chết chỉ cào cấu để sống, vơ vào để sống, tối tăm để sống, chưa từng một giây phút thanh thản để tự hỏi: đời sống này có xứng đáng với sự hút chết của ta hay không? chẳng nhẽ đây là sự sống người mà cả cái đất nước này từng mơ ước?

 

Tháng Tư mở ra xem lại những ghi chép sau những lần về nước, trầm ngâm suy nghĩ, và biết rằng: chỉ con người cứu được chính bản thân nó thôi, không có phép màu khác. Nếu con người không nhận ra điều này và không mang lại sự  thay đổi cho chính nó, những ghi chép suy tư chỉ để hằn sâu thêm những nỗi đau và sự bất lực, chán chường cho một hiện tại Việt nam mà thôi…

 

Những nhận xét về môi trường từ hôm về nước tới giờ:

-    Xã hội Việt nam  giờ đây là một xã hội có bề dày về tầng lớp, từ đủ các phương diện( tuổi, thành phần nghề nghiệp, mức sống...) Đây không phải một xã hội khuyết như thời kỳ sau chiến tranh, lúc đó cuộc chiến đã gây ra những lỗ hổng thế hệ và mức độ tàn phá của chiến tranh lẫn ý thức hệ đã tạo ra một xã hội Việt nam mỏng tang cả về chất lượng lẫn số lượng.

 

-    Xã hội Việt nam giờ đây bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi nền kinh tế thị trường, lối sống tiêu thụ quốc tế, trong khi đó các giá trị truyền thống gần như mất hết, hoặc chưa hình thành những giá trị thích hợp, phù hợp, hoặc ý thức hệ lỗi thời làm méo mó các giá trị cũ sót lại cũng như các giá trị mới vừa hình thành

 

-       Xã hội Việt nam hiện nay dân số rất trẻ, nhưng tầng lớp trẻ này có sự khác biệt quá lớn đối với các tầng lớp khác. Xã hội Việt nam như một bức tranh rất vui tươi vìsự biểu hiện ra ngoài  tất cả mọi mặt,mọi khía cạnh của đời sống rất xô bồ, rất phong phú, nhưng cùng lúc, mang một vẻ  rất hời hợt, không thể duy trì được lâu.

 

-      Nếu xét về góc độ một đời người, có lẽ đây là một giai đoạn khá sinh động của sự chuyển động của cuộc sống. Mọi khả năng đều có vẻ mở, nhưng cùng lúc có một cái gì đấy can ngăn nó lại, khiến tất cả mọi người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đều như cùng nhau tiến bước, chứ không gây ra những hiện tượng đột biến.

 

-    Một ví dụ: cùng lúc có thể bắt gặp tất cả các loại tổ chức xã hội, giáo dục Thế giới ở Hà nội, cùng lúc có thể thấy „tính chất quốc tế” có điều kiện đi sâu vào xã hội này, nhưng thực ra nó chỉ đi bên lề xã hội, vì có những bộ phận dân chúng không hề hưởng chút gì lợi lộc từ những tổ chức này. Nói đúng hơn, thế giới đến đây với các hình thức khác nhau vì nghĩ rằng kiếm được chút lợi lộc nào đó từ cái đất nước đông như kiến này mà thôi.

 

-    Đúng thế, đây là một cái tổ kiến cực kỳ đông đúc, là một chậu nước quá chật chội,  quá bẩn, chứa quá tải lũ cá lúc nhúc chen nhau. Vậy mà tất cả dường như đều sống sót, đúng hơn, buộc phải sống sót, không còn cách nào khác.

.

-    Trong mọi ý nghĩa của đời sống xã hội, con người ở Việt nam đều mang cái nội dung sống sót này. Không phải sống, mà như sống sót, bởi lúc nào tốc độ cũng vội vã, nhưng thực ra bên trong rỗng tuếch. Kỳ lạ thế chứ! Nếu đây được gọi là lối sống, thì thật xấu hổ cho các nhà triết gia, đúng hơn đây là một trạng thái sống sót, cả về tâm lý lẫn hình thức. Nhưng dường như dân tộc Việt nam  từ trước tới nay chỉ quen biết đúng một hình thức sống này, nên giờ đây họ tiếp tục nhởn nhơ, và chẳng hơi đâu nghĩ sâu, nghĩ nhiều, nghĩ lâu, hoặc có thể điều kiện địa lý và ý thức hệ đã quy định dân nước này lâu năm và sâu sắc đến nỗi, biến mọi cái quy định nhân tạo thành tất nhiên.

 

-    Xã hội Việt nam này liệu sẽ đi vào chiều sâu tư duy không? Chưa chắc. Hình như thiên nhiên hùa vào với sự dễ dãi và buông thả của con người Việt nam từ lâu theo chiều dài của lịch sử rồi, để họ sống hết sức vô tư và thoải mái, như thể không cần biết gì hơn, chỉ cần biết phút này giờ này, tha thứ tất cả, chấp nhận tất cả, sống như…không sống. Nghĩa là chỉ chạy theo cái bên ngoài, bởi nội dung sống bên trong rỗng tuếch.

 

Mình gặp nhiều người bạn cũ, nghe nhiều lời khuyên, có nhiều phút suy nghĩ, phân vân, buồn bã cũng như mệt mỏi, nhưng  đọng lại chính lại là nhận xét của mọi người rất bất ngờ: tại sao mày vẫn còn lòng tin vào một sự tử tế, vào một cái gì đó tốt đẹp hơn trong cuộc sống? . (12.07.)

….

Về được chục ngày. Và lăn ra ốm nặng 3 ngày rồi. Vì sự ô nhiễm của môi trường này: âm thanh, khí hậu, thức ăn, tinh thần…Sự ô nhiễm này như một cái hũ đầy ăm ắp những rắn rết ngọ nguậy, các loại mùi tanh tưởi bốc lên. Tôi đang ở gần miệng hũ này, và lả đi vì khí độc từ đó bốc ra. Cơ thể chống chọi lại bằng cách lăn ra ốm. Ngủ mê mệt. Lúc nào tỉnh lại tôi phải đọc. Đọc để đừng chìm nghỉm vào cơ mê man của khí độc ô nhiễm này. Thật kinh khủng!(20.07.)

Tôi nhiều lần tự hỏi: tại sao những khuôn mặt ta gặp trên phố chẳng có chút sinh khí người, không chút hạnh phúc của sống? Chỉ: hoặc thản nhiên, hoặc cắm cúi xuống đất, hoặc nghênh ngang xấc láo, hoặc trơ trụi…y như giọng nói quanh ta: không một chút âm thanh vui vẻ, chỉ là ồn ào, hoặc càu nhàu gắt gỏng hoặc hô hố ha há, hoặc quát tháo.

 

Xe buýt: một vật cơ giới chạy huỳnh huỵch trên đường phố. Bến chỉ là nơi xe tạt vào vài giây, mở cửa trước hoặc giữa thật nhanh, để các con người chen lấn huých đẩy lẫn nhau trèo lên, lao xuống, dù chỉ hai ba người cũng chen lấn, người chưa lên hẳn xe đã chạy, lẫn trong những sấp chân lật đật sấp ngửa là tiếng thét hoặc quát của phụ xe về một cái gì đấy. Bình tĩnh đỗ lại đợi người khác lên xuống xe từ tốn là trạng thái không bao giờ có ở đất này, bởi cái văn hóa nháo nhào tạm bợ, coi thường con người là chủ đạo. Và kẻ bị đối xử cũng cảm thấy tất nhiên cần chịu đựng vì không có lựa chọn khác.

 

Xe mở nhạc theo „gu” của xế, lúc inh ỏi, khi thảm thiết não nề, lúc lải nhải dài dòng dạy dỗ hoặc giật gân thông báo tin giao thông thất thiệt trong thành phố. Lên xe một lúc, người ta mệt ù tai nhức đầu hoặc trở nên ngơ ngẩn vì tiếng hát tiếng đài mở hết cỡ. Xe buýt Việt Nam là tượng trưng rõ nét nhất của cuộc sống, lối sống  tạm bợ qua ngày, của một nền văn minh chắp vá, cha chung không ai khóc, của nỗi cam phận và sự hách dịch vô văn hóa nơi công cộng.

 

Tôi sợ nhất phải nghe dòng „nhạc trẻ” trên xe: một thứ âm thanh không sức sống, từ giai điệu đến nội dung( trừ anh, em ra không còn gì hết) một kết cấu nhạc nghèo nàn, gian dối xúc cảm đến mức chân tay không thể bải hoải, mắt không buồn ngủ, chỉ thấy bực mình. Đấy là khi tâm hồn tôi mạnh khỏe, còn lúc tâm hồn cũng ngắc ngoải y như thể xác, đờ đẫn chán chường và dửng dưng, lúc đó nghe thứ nhạc này tự dưng tỉnh, nhận ra sao cái xã hội này ô nhiễm toàn diện đến thế?

 

Ô nhiễm bắt đầu từ bầu không khí ta phải lấy oxy từ đó: bầu không khí này lúc nào cũng đục ngầu một màu bụi trắng nhờ nhờ. Nếu quãng đường nào không nhìn thấy bụi trắng cuồn cuộn bốc lên sau các làn sóng xe máy, xe tải xe hơi, thì cũng cảm thấy tắc thở, thấy phổi ứ nghẹn lại và tất yếu phải ho sù sụ hoặc ho khan, hoặc cổ họng tưng tức, ngứa, nghẹn lại. Trên mặt đường bụi đất dày đặc, rác vứt khắp nơi, tất cả những gì cần thải, người ta tống ra mặt đường. Xác chuột chết, những chất bẩn không tên ngày mỗi ngày sẽ biến dạng biến màu và bay lên cùng bụi.

 

Mỗi lần ra đường mỗi ngày là một lần sự ngao ngán cùng cực sẽ dâng lên tăng dần trong lòng, vì mỗi ngày quen mắt lại phát hiện ra nhiều rác hơn, nhiều bụi hơn, và cơ thể phản ứng càng dữ dội hơn.Tiêu diệt toàn bộ niềm vui ra phố. Nhìn những hình dạng người khẩu trang bịt kín mặt mũi, áo dài tay, cổ mặt che kín xấu xí, mũ bảo hiểm khư khư, lao xe từ giường ra ngõ ra đường, chỉ một mẩu đường nhỏ xíu cũng tắc nghẽn vì không xe nào nhường xe nào, mới thấy độ dửng dưng tại sao tăng dần theo ngày tháng.

 

Ô nhiễm trong tâm hồn người khi nhận ra cái gọi là lửa sống không hề có. Chỉ một nền văn hóa đối phó, trong đó con người biến thành những vật thể thụ động nhăm nhăm để đối phó. Như cái cách lên xe và xuống xe buýt, thật nhanh, chen chúc,xô đẩy, lặng im chịu đựng như một bầy súc vật. Như cách thức giao thông chen lấn trên đường. Hè phố dày đặc hàng quán, đầy người ngồi không ngẩn ngơ nhấp nháp nước trà, tán gẫu bâng quơ, từng đội xe ôm túm năm tụm ba mỗi góc phố. Những người nhà quê quang gánh bán rong hoặc đẩy xe đi tràn trên hè. Từ đám người làm công trong các tiệm ăn, quán cafe cho đến các nhân viên của hàng, sở, các siêu thị, vẻ dửng dưng hoặc trơ trụi không cảm xúc của họ lộ ra rất rõ. Đám học trò đợi ở các bến xe buýt trông cam chịu và nếu hỏi đến, chúng lắc đầu không biết gì hết, hay không buồn nói?

 

Tôi cho rằng có đến 50% sự „bất bình thường” của xứ này do thời tiết mang lại. Một cái nóng ẩm khó chịu vô cùng, khiến trong một ngày, anh có thể biến thành rất nhiều loại người từ cái dính nhớp nháp oi bức không vứt đi đâu được của thời tiết dán lên cơ thể anh. Bởi vậy anh chỉ thích ngồi trong cái không gian nhân tạo là  có máy điều hòa. và bởi thế anh cũng hóa nhân tạo nốt: lười biếng, ỳ ra và phụ thuộc hoàn toàn vào tiện nghi.

 

Nhưng cũng vì khí hậu ẩm và nóng liên tục như vậy, ít nơi nào nhiều hoa nở như thành phố này, đủ các màu, từ cây cao to nhất đến những cây bé xíu. Chỉ tiếc màn bụi đã biến chúng thành những hàng cây bạc phếch. Cũng vì khí hậu, ở đây đủ loại hoa quả rau củ thơm ngon, ăn suốt đời chắc cũng không biết hết mọi chủng loại.

 

Nhưng tại sao về đây tôi mất hết tất cả các thể loại niềm vui? không niềm vui ăn uống, chẳng hứng vui chơi, chẳng thiết tha với bất kỳ đam mê nào bày ra trước mắt mình? có lẽ đầu tiên vì mức độ quá đông đặc của cư dân thành phố này. Như một cái hũ nút, chật chội và hổ lốn. (08.08)

….

Về nước lần này tôi nhận ra nền tảng chính của đời sống tinh thần của dân chúng trong xã hội này: đạo đức giả+ sự sợ hãi+ buông thả, phó mặc, và sau  cùng cuộc sống tinh thần thực chất chỉ là một sự loanh quanh.

 từ rất nhiều chuyện, tôi vỡ lẽ nhận ra chân tướng đạo đức giả trong cái xã hội này, mà  nếu chỉ nghe nó nhai nhải hàng ngày,  đấy là những lời đẹp đẽ và tử tế suông, bởi nó không đi đôi với hành động. Người ta không làm như người ta nói. Đúng hơn người ta chẳng làm gì cả, chỉ nói suông.

 

Tại sao? vì nếu hành động phải chịu trách nhiệm về hành động đó, ai dám chịu trách nhiệm ở cái đất này? nhất là khi hành động vì quyền lợi người khác?

 

Xin khiếu! xứ này người ta chỉ làm cho đúng bản thân người ta thôi, tại sao? vì không tin kẻ khác, không tin sự tử tế của kẻ khác. Tại sao thế? vì ai cũng nhận ra sự giả dối xung quanh mình, nói một đằng làm một nẻo, vậy tại sao tôi lại phải tử tế và chân thật với thằng khác?( .09.08)

 

Toàn bộ xã hội VN ngạt thở trong cái nền tảng đạo đức giả. Vì ngay lịch sử tạo nên đất nước này cũng chứa đầy sự giả dối. Điều này bây giờ nhiều người nhắc đến. Móng nhà là sự giả dối nên toàn bộ chất liệu xây nên cái nhà là một sự pha trộn hổ lốn của các nguyên vật liệu, với thời gian trôi đi, không biết đâu là thật giả nữa.

 

Điều này cực kỳ có hại cho các thế hệ. Lần này về nước tôi mới vỡ lẽ tại sao mình có thể mơ hồ lâu đến thế, về nhận thức. Bởi vì tôi sinh ra ở miền Bắc”cái nôi” của Cách Mạng  VN, đẻ ra đã nằm trong sự dối trá có thật nhưng mơ hồ về nhận thức sự thật. Bởi vì tất cả những gì người ta dạy cho trẻ con( từ hồi tôi sinh ra) về cách mạng VN đều không đầu không đuôi, bị cắt xén, bị bóp méo hoặc lấp lửng, hoặc hoàn toàn bị bưng bít. Bởi vậy toàn bộ thế hệ của tôi, và những thế hệ tiếp đều không biết tý gì hoặc không biết ra hồn chính lịch sử của đất nước mình.

 

Bây giờ tôi hiểu tại sao các bài viết của trí thức Việt Nam đều không có đầu, luôn luôn nằm ở đoạn giữa, luôn ở đoạn minh họa cho cái khung thể chế có sẵn. Ai cũng phải nhắc đến HCM để chứng minh một cái gì đấy cho mình( lạ thế chứ!).Vũ trụ này chỉ tồn tại với họ từ khi có ông HCM ra đời.

 

Chẳng khác nào hiến pháp của nước CHXHCNVN ( là cái đinh đối với cái gọi là hiến pháp) vì ngay câu đầu thừa nhận sự lãnh đạo độc tôn của đảng CSVN- một tổ chức quyền lực nhóm cao hơn cả hiến pháp của một nhà nước- cũng như vậy,  đường lối văn hóa văn nghệ công khai thừa nhận dưới quyền của đảng CSVN.

 

Bởi vậy bầu trời ở cái nước VN này chỉ có một cái lồng chụp vào mà thôi: từ khi có sự ra đời của đảng CSVN-một thứ lịch sử không viết thật như là nó- nhưng quyền hành độc tôn của nó trên đất này có thật. Toàn bộ chính quyền hiện nay của nhà nước VN dựa vào cái khung quyền lực này, những kẻ mang danh lãnh đạo trong các cấp đều nhờ quyền hành này để ăn cướp, từ dưới lên.

 

Ở đây cần phải nhớ có một lần tôi hỏi anh B. chuyên nghiên cứu lịch sử-xã hội  về bản chất cái xã hội VN xưa trước khi có đảng CS là cái gì? anh ấy bảo: giống như các xã hội châu Á khác, đấy là nhà nước toàn trị cộng đồng ăn cướp từ hàng quan lại bé nhất, thấp nhất, giữ lại một ít cho mình còn đâu mang cống cho quan trên để nịnh bợ, giữ ghế.

 

Anh B. cho rằng đây là một hình thức giải tỏa quyền lực độc quyền tự nhiên. Thảo nào những kẻ có chút quyền ăn cướp công khai đến thế.

 

Một buổi sáng, tôi đi qua chợ cóc họp trong con ngõ đối diện với ngõ nhà tôi, thấy mọi người hớt hải vội vàng cuống cuồng thu dọn dẹp sang hai bên. Cái ngõ vốn đã hẹp như thế, dọn làm sao gọn được?

 

Trong nháy mắt hiện ra một chiếc xe tải cỡ nhỏ, trên thùng xe để trần ba khuôn mặt hằm hằm xuất hiện, đằng trước thùng xe là hai cái loa bé gắn hai bên. Từ loa phát ra tiếng gằm gè a lô. Một trong ba bộ mặt hằm hằm nhảy phắt xuống, bê cả thúng rau muống đổ ụp vào thùng xe, co giật với một chị quang gánh rong định ném cả rổ dưa lên, chị này ra sức van xin.

 

Tôi đứng há hốc mồm xem và nghe: cần gì đọc từ sách?

Tôi hỏi chuyện mọi người ở chợ sau khi mấy cái mặt hằm hằm biến mất, lấy được một xe chiến lợi phẩm ăn cướp. Mọi người cho biết” chỉ thị chung” là không được phép họp chợ (bằng chứng là hai cái bảng Ở đây Cấm họp chợ to đùng trên đầu) nhưng mọi người góp tiền nộp” cho phường” nên vẫn” làm ăn” như thường, chỉ thỉnh thoảng phải chịu đựng cảnh”dọn dẹp vệ sinh” như trên. Trong nháy mắt, chợ lại dọn ra tưng bừng như thể không hề có gì xảy ra.

 

Thấy tôi tần ngần, mấy cái miệng đưa chuyện ra sức tả các cảnh cướp bóc: nào là đá tung thúng xôi của mấy bà chậm chân, nào là chị hàng trứng bị tung hê đi mà dọn đống vỏ lẫn ruột..

 

Tôi vội vàng rút lui bởi không thích thú gì văn học dân gian ở xứ này, tất cả đều có thể trầm trọng hơn hoặc tuyệt nhiên bịa đặt, tùy vào hoàn cảnh kể chuyện của thứ truyền thuyết hiện đại VN, khi ngay mấy anh xe ôm cũng thề bồi đã từng ngồi với ông ấy bà nọ nghe tin ấy tin này.

 

Một xã hội dư luận toàn đồn đại.

Hôm qua mẹ tôi hớt hải bảo” này con, ông K. mất rồi đấy, mấy ngày hôm nay rồi người ta đồn ầm cả lên sao mày không biết gì cả?” Tôi lẳng lặng sang viện nghiên cứu mà ông viện trưởng K, làm gì họ không biết tin này?

Nghe tôi hỏi, M. bạn tôi cười khì khì:” thế mà cũng tin. Ở VN cậu đừng tin gì cả, tin đồn ở VN thì khủng khiếp”  Nó quay số điện thoại nói chuyện với con trai ông K, đúng là  ông già chả làm sao, tôi gọi điện cho mẹ, mẹ tôi thở đánh phào. Thật đúng là!

 

Tôi và M. ngồi tán gẫu. Học triết ra, đầu nó ăm ắp ý tưởng phản biện, nhưng không viết. Cậu biết rồi đấy, tại sao tớ không viết? nó cứ cười khì khì. Này M.  mình đang nghĩ nếu ở VN cần phải biến thành ai ? Cầm biến thành kẻ câm lặng và dần dần cho những điều suy nghĩ riêng tư bay theo gió, hoặc thành đảng viên. Tớ biết rồi, tớ  có  những thằng bạn trước kia hùng hồn lắm, bây giờ”mua” chức lãnh đạo,  không đi học trường NAQ không được, thôi tốt nhất không gặp nhau, khỏi loanh quanh.

 

Cậu bạn tôi cười buồn: ở cái đất nước này cậu ơi, chỉ có cave (gái điếm) là thật thôi, còn là giả tất! ( đêm 11.08.)

Định đi Sài Gòn 10 ngày, nhưng đã ở lại thành gần một tháng.

Trước hết bởi khí hậu: thứ khí hậu khô ráo, nắng hoe hoe ấm áp, khác hẳn với khí hậu ướt ẩm Hà nội.

Thứ đến bởi sự hối hả hướng ngoại của dân SG. Hà nội cũng hối hả thôi, nhưng vẫn là thứ hối hả khép kín khi chỉ có ngần ấy công đoạn chăm lo cho bản thân và đời sống tinh thần nghèo nàn mỗi ngày.

 

Cũng có thể vì tôi không ở Sài Gòn nên không biết hết những”bí ẩn” đời thường nơi đây. V. bảo tôi: Sài Gòn dành cho bọn có tiền để tiêu. Bọn không có tiền không biết làm gì ở Sài Gòn hết. N.hãy nhìn kia kìa- hắn chỉ tay từ gác 2 một quán cafe xuống- ông lái xe ôm kia ngồi từ sáng đến tối để chạy khách, bà bán quán nước ngồi cạnh cái cống bên cạnh hít bụi ngày nọ qua ngày kia..

 

Cho đến ngày hôm nay, Sài Gòn khiến tôi ngấm mệt. Trước hết vì sự ô nhiễm âm thanh. Khỏi bàn về tác động của ô nhiễm bụi là đề tài quá nhàm, tôi phát hiện ra ô nhiễm âm thanh „cải biến” con người cũng rất hữu hiệu.

 Ồn ào đầu tiên làm mình không ngủ được, vì như một sự chọc ngoáy thần kinh. Ngày nọ qua ngày kia nó có tác dụng ngược lại: con người chỉ muốn ngủ. Có thể vì đã quá mệt, có thể vì tiếng động ồn ào không ngơi dứt từ sáng đến đêm của xe và người như tiếng sóng biển rì rầm(nhưng tuyệt đối không có gió lồng lộng và không khí trong veo của biến) khiến sự tỉnh táo của con người đầu hàng, nó lúc nào cũng chỉ muốn chìm vào sự thiu thiu gật gù.

 

Ngày của dân thành phố chỉ tỉnh táo theo đòi hỏi của các nhu cầu sinh học, sự tỉnh táo này không đủ độ cho linh hồn quay lại với chính nó để suy ngẫm và sáng tạo. Không, ở lâu trong cái thành phố ồn ào này người ta hết nhu cầu sáng tác, theo nghĩa tự làm một cái riêng mình ưa thích. Nghĩa là não ỳ ra và tốt nhất chỉ tiếp thu thụ động chứ không còn khả năng thu thông tin, ngẫm nghĩ và phát biểu thành ý kiến riêng nữa.

 

Không đủ sức lực, sự tỉnh táo và kiên nhẫn, người ta chỉ thích lao ra đường, đi đâu đấy, làm gì đấy lăng quăng, gặp gỡ ai đấy, để mệt phờ lăn ra ngủ, chập chờn trong cái li bì nông choèn trạng thái mà ô nhiễm âm thanh mang lại. Lâu dần sống trong cái ô nhiễm âm thanh này, hình thức của thể xác cũng biến đổi: ai nấy phồng lên như một quả bong bóng lợn và lảo đảo bay vật vờ. Đủ  giải thích cho tình trạng càng ngày càng béo phì và đờ đẫn của dân Vietnam từ Bắc chí Nam.( 20.10)

Chiều nay đến nhà một”vị quan” năm xưa, ngài than phiền: đọc thơ NHN chả hiểu nó muốn gì? nói gì? đâu rồi NHN ngày xưa gắn với một nước Hung thơ mộng và không thể quên được trong ký ức của bạn bè nó?

Nghe thương quá! Tôi cười phì bình thản. Vẫn là nó đây này. Trong mắt người nào yêu thích nó có vẫn một NHN thật thà và mơ mộng, chẳng nhẽ trong mắt ngài nó chỉ mang đặc tính ấy chia ở thời quá khứ? Lại vấn đề” vững tâm”. Đúng rồi!

 

Ngài than phiền: đất nước đang trên bờ vực, mọi giá trị lộn nhào, NHN hãy chỉ cho ngài một giải thoát nào đó để yêu nước, yêu đời, yêu sống, yêu người. Bằng thơ văn.

 

Tôi nhớ: khi ngài vẫn đang làm việc, lúc đó ngài yêu đời lắm, ngài phỉ nhổ các  nước đông âu”tiểu nhược” và ca ngợi những nước phương tây lớn mà ngài đã từng làm trong các đại sứ quán. Ngày xưa tôi nhớ ngài và bạn bè  vui tươi, vô lo, yên tâm với bổng lộc và lòng yêu nước.

 

Giờ đây, tuy về hưu đã lâu, nhưng con cái ngài đã cài vào cơ quan ngoại giao vẫn mang những loại thức ăn ngoại ưa thích thích về cho bố mẹ ăn, trong căn nhà 3 tầng của ngài đầy rẫy những đồ lưu niệm ngài tha khắp năm châu bốn biển về, vậy còn đau buồn về gì nữa nhỉ?

 

À, bây giờ đau buồn về tinh thần. Cũng đúng thôi. Thế hệ trẻ bây giờ chúng không viết nổi những điều thế hệ ngài đòi hỏi và mong ước, chúng không hiểu cái đầu chủ quan của người đọc, nên những điều chúng viết ngài không xài được.

 

Đây là những tấm lòng vĩ đại đau đớn với vận mệnh đất nước đây. Cứ y như  đất nước này ta không lo đến là hỏng. Rồi một ngày ngài nằm xuống, ngài có biết chắc chắn đất nước này vẫn cứ không hỏng hay không nhỉ? ngài có biết  đất nước này chả là của ai, chỉ của thượng đế, của sự sống vũ trụ. Giống như trước và sau khi có ngài, nó vẫn thế.

 

Ngài cáu lắm: thôi, thử  tóm tắt đúng một câu về cái quan niệm sống của cô  xem nào?

- Sự thánh thiện! cuộc sống của xã hội này trần trụi đến mức chẳng còn gì thiêng liêng nữa. Và vì thế không có một đời sống thánh thiện.

- Cô cứ việc theo một tà giáo nào đó để mà định nghĩa.

- Chính anh theo một tà giáo được gọi là”duy vật” để mà định nghĩa cho một cuộc sống không có sự thiêng liêng thánh thiện đấy chứ?

- Nó nằm ở đâu?

- Ở chất Người. Và chất người nằm chính trong sự biến đổi của sự vật, mà anh gọi là sự hỗn loạn vô giá trị ấy. Em nghĩ rằng cần hiểu sự biến đổi tất yếu đấy mà cứ việc làm cái gì mình thích, một cách có”tình cảm”. Anh đọc thơ em bằng tình cảm đấy chứ?

- Tất nhiên, nhưng tình cảm mỗi người một khác, không ai giống ai.

- Vâng, vậy thì vấn đề ở đây là gu khác nhau, trình độ khác nhau, em thấy trong xã hội Việt Nam  bây giờ cũng thế, ai muốn trình bày mình thế nào cứ việc…

- Phải theo một giá trị nhất định chứ, tùy tiện là thế nào…

Và thế là cứ quanh quẩn giải thích lẫn nhau.( th. 11)

 

Nhận thư lãng tử, với anh những dòng viết của tôi là kinh nghiệm tâm hồn có đôi cánh tự do chỉ bay đến một chân trời cô độc, chứ không cứu vớt được ai!

 

Lãng tử có biết tự do chính là cô đơn không?và cô đơn chính là để nhập định quay về với linh hồn người. Đời sống người chỉ được cứu vớt bằng tâm linh.

 

Tôi để ý, những người bạn tôi  ở Việt Nam đều ít nhiều có tư tưởng tự do- ít nhất ở thái độ phản kháng của họ. Nhưng họ quay về đâu?

 

L. là một điển hình. Nó quay sang tâm linh bói toán, xem tay, bói bài, xem đất, xem mồ mả, xem và bói tất cả những gì liên quan đến phần âm của đời sống, những khía cạnh không kiểm chứng được, vô hình như chính khái niệm”tâm linh”.

 

Với cái dáng gù gù, đi đổ về phía trước, người tròn  xoay có xu hướng mỗi lúc một cong lại như một miếng cau khô, với mái tóc bù xù và cặp mắt tinh nhanh long lanh có xu hướng ngày mỗi híp dần lại như mắt chuột, nó gợi nhớ đến hình ảnh một con culi. Sẽ có ngày nó tròn vo lại như một cuộn len.

 

Tôi dạy nó tập joga, để xương sống nó duỗi ra, dáng đi thẳng lại và đỡ chấp chới.

Nhưng khi quan sát nó bói tay cho một người nào đó, hoặc cặm cụi trải quân bài ra chiếu, hiểu ngay tại sao nó cứ cuộn mình lại và mắt ngày càng díp lại như một khe nước.

 

Xem bức ảnh thời thiếu nữ của nó mà sửng sốt: chẳng còn chút liên quan nào. Cô thiếu nữ trong ảnh có cái nhìn sắc như kim xuyên buốt kẻ đối diện, và một vẻ duyên dáng thầm kín nào đó cứ mỉm cười lấp ló sau nụ cười mỉm và ánh mắt sáng ngời.

 

Giờ đây thoạt đầu mới gặp, nó giống một củ ấu màu nâu, xù xì, nước da xám và dáng đi chúi về phía trước, chả có gì đặc biệt. Chỉ trong lúc trò chuyện, nó bắt đầu tháo tung tâm hồn, hoặc vì cái vẻ lắng nghe chăm chú của tôi( mà nó đặc biệt thích vì theo nó ở đây người ta không nghe nhau như thế), nét duyên dáng thầm kín của nó đột ngột xuất hiện, khiến nó nở bừng lên như một nụ hoa súng giữa đầm nước.

 

Nó  thích gặp tôi để trò chuyện, như nó nói sau một người, tôi là người thứ hai”tri kỷ” hiểu và ứng được với tâm hồn của nó. Nhưng tôi để ý, trước sau thể nào nó cũng quay về cõi âm của nó, với những bí ẩn có giời kiểm chứng. Nó tin sâu sắc, sùng kính và mê muội.

 

Thơ văn của nó đầy chất âm như thế, nhưng tôi hiểu khác hẳn cách đánh giá của các nhà”phê bình văn học Việt Nam”. Họ toàn viết nhảm nhí,  chả hiểu gì cả, đọc xong mấy cái phê bình đó, tôi bảo L.” cậu vứt mẹ nó hết đi. Nhảm nhí. Bọn này chả hiểu gì.”

 

Thơ văn của nó đột ngột nảy ra những câu, những tứ, những ý rất riêng- lũ người mê muội quen sống theo công thức chẳng hiểu nên sắp xếp những ý tứ này vào phạm trù đã „quy hoạch” nào đây?- thế là họ hót như mấy con vẹt: nào là chất thiền, chất nữ tính đằm thắm, chất quê hương, chất sáng tạo…

 

Những văn bút nô lệ đấy không hiểu những câu thơ văn này chỉ bật ra từ một tâm hồn tự do, có thể tự do chết đứng như Từ Hải, có thể tự do chết chìm như mặt trăng dưới hồ nước, có thể tự do bay vút lên bầu trời như cánh chim, nhưng chắc chắn không phải một lời than nô lệ la liếm mặt đất.

 

Cô bạn tôi cực kỳ tự do, theo kiểu của nó, một kiểu khói u uất bay vương vất trên những mái nhà tranh, từ ngọn lửa rơm rạ, từ ngọn lửa của đống lá khô ẩm ướt quét từ sân chùa, không bao giờ bay thẳng và thơm tho lên trời như làn khói khô của gỗ chất đống ngoài sân thênh thang, bởi vì đời của nó gắn chặt với mảnh đất bị tù đày kìm hãm này.

 

Nhưng nó vẫn là những lời ca tự do-chỉ có điều với tôi, đôi khi tự do này thật lạ lẫm- là một dạng thăng hoa của tự sát.

 

Tại sao tôi phải dành nhiều lời nói về cô bạn thiên tài  đến thế? vì nó là một dạng sống nổ tung cả bên ngoài lẫn bên trong, thuần chất quê hương mà tôi không tài nào có nổi, L. chính là cái đất Việt Nam của tôi mà lần này về nước tôi đặc biệt phát hiện ra.

 

Đúng! một dạng thăng hoa của nỗi tự sát!

Đất nước này đang tự chết, đang tự giết bản thân nó, có thể để chuẩn bị chuyển sang một cái gì đó khác hẳn , bởi nó không thể nào tìm ra cách tiến hóa nào mới hơn.

 

Xã hội này đang hấp hối theo tất cả các dạng vẻ cho phép.

 

Chính quyền mafia hóa, ăn cướp bằng tất cả các khả năng cho phép, xã hội là một đường cống ngầm chằng chịt, dưới sâu lòng đất, bẩn thỉu, hôi thối, nhầy nhụa. Trên bề mặt, xã hội này là một sân khấu trình diễn loại văn hóa Nổ, ngắn ngủi như một giây thăng hoa của sự tự sát, bởi đấy là hình thức duy nhất chứa đựng nổi cái nội dung sống vừa giả dối vừa ngu muội vừa nô lệ này.

 

Tôi đã tự hỏi: cái gì là nhân tố chính làm nên xã hội VN hôm nay? sự thấp kém của dân trí? Ý thức hệ toàn trị của chủ nghĩa cộng sản? sự chuyên quyền của một tổ chức xã hội độc nhất được gọi là đảng? hậu quả của chiến tranh liên miên dẫn đến cuộc sống tạm bợ đủ bằng lòng của lối sống sống sót? sự lười biếng của toàn xã hội khi từ môi trường thiên nhiên đến tâm lý, tình cảm của con người VN hôm nay hoàn toàn bị ô nhiễm?

 

Đúng! chỉ cần một từ duy nhất diễn tả thực trạng hôm nay của xã hội Vietnam: Ô NHIỄM.

 

Ô nhiễm toàn thân, toàn diện, về mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực. Một lát đời sống hữu hạn của vũ trụ bị bệnh, một dải đất của thượng đế đang đổi màu bệnh hoạn.

 

Đang viết tới đây thì một ông anh họ hàng”bắn đại bác bảy ngày không tới” đến. Một đôi mắt cực kỳ sắc sảo nhìn tận gan ruột xã hội Việt Nam hôm nay. Ông anh bảo: lũ nắm chính quyền không ngu đâu cô ơi, nhưng thằng đẻ ra cái chính quyền ăn cướp này đã là một thằng lưu manh, không biết tổ chức dân mà chỉ biết dùng chiến thuật đi ăn cướp lẫn nhau, dưới những khẩu hiệu thuần túy đánh vào tình cảm con người( lưu manh đến thế đấy). Bởi vậy cái xã hội này từ lâu thoái hóa, u nhọt bệnh hoạn.

 

Ông anh rất đắc ý với nhận xét của một thằng Mỹ : dân tộc Việt Nam chúng mày không đủ trình độ để nghĩ đến quyền lợi của người khác. Ông  nói điều này khi tôi kể về buổi gặp mặt với một cô bạn điêu khắc, kẻ chuyên đi dựng những tượng đài „người chết” liệt sĩ, thanh niên xung phong ở các tỉnh, các vùng. Cô bạn tôi kể: địa phương chỉ có 6 tỷ đồng thôi, nhưng hoắng lên tuyên bố làm tượng đài 14 tỷ- tại sao thế?-tôi hỏi. Để chia chác phần trăm cho nhiều, nên cậu đừng lạ nếu tượng đài ở DB mới làm đã gục, chất lượng rùng rợn.

 

Ông anh bảo:  đừng quan tâm đến những đứa như cô bạn điêu khắc của cô, chúng nó thỏa hiệp và nói dối, với ngay bản thân mình, vì anh không bao giờ coi đó là nghệ thuật, anh làm vì tiền, sòng phẳng, ngay từ đầu, vì phải nuôilũ nhân viên trong cái công ty  của anh, vì anh cần phải sống.

 

Muốn tượng đài thanh niên xung phong phải chỉ tay lên trời như lãnh tụ, chân dài mặt đẹp như diễn viên Hàn quốc, có ngay, tượng lãnh tụ đứng, ngồi, nằm, nhìn thẳng nhìn ngang, có ngay, nhưng không có tên tôi trong đó. Vì tôi đã nhận tiền. Xong. Giống làm tượng lãnh tụ  bán thân, hàng loạt, làm một đầu nung ra vạn đầu, quan tâm làm gì. Chỉ đừng quên lũ diều hâu rỉa ăn theo vong linh thằng chết.

 

Nhưng  không ai xuống đường vì một bức tranh, một bức tượng hay một bản nhạc, mà xuống đường vì một câu văn. Một bài thơ, một đoạn văn lật đổ một chính quyền. Bởi thế chúng kiểm duyệt gắt gao, chúng không ngu đâu, nhưng chúng yếu, nên không thể làm khác ngoài cách đấy. Một lũ bệnh hoạn, yếu hèn, sâu bọ lên làm người nên quyết không cho ai làm người hết. Họa và nhạc nhắc nhở thân phận người-nhưng mấy ai hiểu? 

…………….  

 Đột ngột vang lên hồi 7h sáng và 5h chiều giọng nam cao:” Đảng là cuộc sống của tôi, mãi mãi đi theo người,” xuyên qua những lỗ thủng lỗ chỗ của tấm tường bẩn thỉu tróc hết vôi vữa lộ gạch nham nhở của khu tập thể, xông vào cửa sổ mỗi nhà, ngày nào cũng vậy. Sau đến một giọng nữ nhập nhựa đọc các bảng thông cáo. Đây là đài truyền thanh phường.

Một tập luyện hệ thần kinh dẫn đến đờ đẫn kinh niên…

 

Chọc ngoáy vào tận gan ruột, khiến người ta lúc đầu buồn cười, sau đó bắt đầu ngấm ngầm bực bội, cuối cùng cáu, chửi thầm, và sau cùng cố tảng lờ như thể tai điếc.

 

Âm thanh thứ hai là tiếng dạy học mỗi tuần 4 buổi từ cửa sổ tầng hai vọng lên. Lúc đầu tôi kinh ngạc vì tưởng âm thanh này từ trường vọng đến. Sau mới biết đây là các lớp học thêm. Một thứ âm thanh hoặc quát tháo vì bực của cô dạy toán, hoặc tẻ ngắt đều đều lên bổng xuống trầm như đọc kinh cầu nguyện của cô dạy văn. Trời ạ, học tất cả các tuần, các mùa, quanh năm, tất cả các lớp các lứa tuổi.

thêm một tập luyện dẫn tới đờ đẫn kinh niên…(6.12)

Biết trước cảm giác gì sẽ tới ở mùa đông châu Âu. Những ngày cuối hè, cuối cùng ở xứ nhiệt đới gió mùa, xứ bụi, xứ đông đặc người, xứ của triền miên chuỗi ngày sống hỗn náo và đảo điên.

 

Biết trước vào những sớm ban mai thanh bình như thế này đây- khoảnh khắc ngắn ngủi trước lúc bắt đầu một ngày nóng nực, oi ả, bức bối, rã rượi, vì độ ẩm bám vào da thịt dai dẳng và tiếng ồn của một không gian hấp hối.

Biết trước cảm giác một mình mênh mang giữa xứ sở châu Âu vắng ngắt- trái ngược với mật độ dày đặc tắc thở của cư dân nhung nhúc nơi đây.

 

Biết trước nỗi cô đơn tất yếu khi thể xác một mình cặm cụi và linh hồn chỉ biết thỏ thẻ tâm sự một mình. Không chỉ vì sống giữa châu Âu rộng mênh mông, mà còn vì bầy đàn Việt nơi ấy chưa bao giờ quyến rũ gọi tôi đến được với họ, và bởi vậy bao giờ tôi cũng một mình.

 

Bầy đàn đất tổ tiên mang một vẻ man rợ tươi sống. Bầy đàn  nơi tha phương giống như một lũ diều hâu tụ tập xó nghĩa địa, không rỉa xác mới chết, mà nhảy nhót ca múa xung quanh bóng của những thây ma lủng lẳng. Dưới hào quang  của một nền văn hóa( được mệnh danh) là nền văn hóa sứ quán- được các nhân viên sứ quán -lũ rối đi từ đất tổ tiên đến với sứ mệnh vặt lông lũ diều hâu xa nhà và nhân danh những bảo bối ghê rợn của ý thức hệ cai trị trong nước, cùng sắp đặt  trình diễn những màn hề buồn nôn với lũ phường chèo sống xa quê.

Đây là những dòng được viết nên bởi một tâm tư hằn học và uất hận?

 

Không! tôi tỉnh táo viết ra những nhận xét này. Một người dân Việt, sống nhiều năm trong một thể chế( được gọi là CHXHCNVN), sau nhiều năm sống ở nước ngoài, và sau cùng, vì tôi luôn luôn cảm thấy mình không hề thuộc về đâu.

 

Tôi chỉ còn biết ngắm nhìn, suy xét, ngẫm nghĩ và viết…

Cái không gian giả dối của một màn kịch độc quyền cai trị trong nước , đã biến dân chúng thành những tâm hồn sợ hãi, giả tảng đóng kịch làm ngơ trước những điều họ căm ghét, khiến những kẻ muốn tẩy rửa linh hồn chốc lát thì chửi vung chí mẹt, số khác lom khom im lặng, còn đại đa số dân chúng-nhất là những người dân làng quê hiền lành chất phác- sống trong một sự đờ đẫn kinh niên.

Nhiều mức độ của đờ đẫn kinh niên:

 

Đám trí thức cầm bút biến thành một lũ bâng quơ, viết những điều lăng nhăng, những con kiến bò quanh miệng chén. Khả năng gọi tên đích danh sự vật, sự việc bị nỗi sợ hãi mơ hồ của đàn áp biến họ thành những ngòi bút tắc nghẹn trong lọ mực. Chỉ còn lại những buổi chè chén gặp gỡ hoặc thì thào, hoặc chửi đổng hoặc phỏng đoán vô căn cứ hoặc đồn thổi, những tin đồn mới cũ về tất cả những gì được gọi là các thế lực „kìm hãm ngòi bút của chúng ta”.

 

Gặp gỡ đám trí thức này xong, tạm biệt họ đi về nhà sẽ thấy một lần nữa mình lại thò chân vào cái màng nhện bùng nhùng, ngày mỗi bùng nhùng và không lối thoát hơn do chính cái đám người ấy dệt ra, như một cứu cánh của mỗi ngày sống trong giả dối tự hài lòng, trong mơ hồ nhận thức, và trong một cái gì đó như sự quẫy đạp tự vệ cuối cùng của tuyệt vọng.

 

Có lẽ đám trí thức chỉ khác những tầng lớp dân cư khác ở chỗ họ biết cách tự huyễn hoặc mình một cách tương xứng với trình độ của mình. Dùng một từ ngữ khác: đám trí thức chxhcnvn là một lũ thủ dâm xứng đáng, tự sướng một cách không chê trách vào đâu được, cho dù giữa hai dòng lệ lã chã hay giữa những cơn mây mưa trai gái vụng trộm hay giữa những dòng chữ luồn lách uốn éo như lươn…

 

Chỉ ra biển,  chỉ cả ngày nằm ngập ngụa trong những đợt sóng trào dâng táp lên người, ngửa mặt ngắm trời xanh ngắt vô tận hay đêm lồng lộng sóng lân tinh nhấp nhoáng- chỉ lúc đó mới cảm thấy dịu đi nỗi nhức nhối đất liền –mà mỗi ngày sống ở đất quê hương mang lại. Chỉ lúc đó mới thấy tự do là khái niệm hoang dã nhất, vô dụng nhất ở xứ sở này, khi linh hồn chưa biết đến trạng thái lang thang về nơi vô hạn…

 

Tại sao tự do là khái niệm vô dụng nhất ở đất này? vì nỗi sợ hãi là cái cùm vô hình tròng lên cổ mỗi người. Ai cũng có một lý do để sợ hãi, sợ hãi chính cái xã hội tạo nên sự tụ tập của họ. Bởi vậy niềm vui bé nhỏ nhất của tự do người là được sống không có hình thức để thể hiện. Đâu đâu cũng chỉ thấy sự bắt chước.

 

Động từ: sống mòn mỏi

trạng từ: chết dần chết mòn, ngắc ngoải

tính từ: xám ngoét một màu bình yên giả dối

danh từ: ôi, quê hương ngơ ngác!

 

Nỗi sợ hãi làm tôi đau. Bạn bè của tôi lúc nào cũng muốn gặp tôi để thì thào những cơn thần kinh của chúng nó. Hình thành bởi một chuỗi sống trong sợ hãi. Hình như hiện tượng này là sự thử thách của thượng đế trong những ngày ngắn ngủi tôi sống ở quê nhà.

 

Tôi nhận ra những người bạn  tôi đã biến thành kết quả của sự sợ hãi kinh niên. Bạn bè  đều muốn gặp tôi để trút những hậu quả của sự sợ hãi suốt đời lên đầu tôi, để họ nhẹ đi, vơi cơn đau đớn, để nhìn thấy một hy vọng: sự sợ hãi ít nhất không giết chết một kẻ trong đời họ đã gặp.

 

Cùng lúc họ muốn tống khứ tôi ra khỏi cái đất này ngay lập tức, như thể muốn cứu vớt  nỗi hy vọng  mong manh về sự thật họ cho rằng vẫn có sẽ không bị dập tắt. Trạng thái này giằng dai như một cái giẻ rách.

Đáng lẽ những con người có tâm hồn hướng thượng, cảm nhận được cái đẹp, gặp nhau để cùng thưởng thức một khoảnh khắc sống –ít nhất đấy là ý đồ của thượng đế khi tạo ra con người- đáng lẽ phải như thế. Nhưng không, chúng tôi gặp nhau để chia xẻ nỗi sợ hãi. Do chính sự độc ác của con người tạo ra.

 

Bởi vậy, ta ơi, ta biết trước vò xé tâm can mình trong những ngày sống cô độc sắp tới ở châu Âu, chính là những giây phút cái đẹp bất thần ập tới, giữa mảnh đất khiến ta vừa rơi nước mắt vừa buồn bã vừa đau vừa bực bội, vừa không thể nào chịu nổi, vừa gắn bó vừa muốn vĩnh viễn đi xa vừa làm ta chết đi sống lại, vừa lạnh lùng dửng dưng mỗi phút trôi qua…

 

Lúc đi ngang qua một mái đình dừng chân ngắm thật kỹ, ve vuốt bằng mắt từng tảng rêu, từng búp hoa đại cánh trắng cuống vàng, từng rễ si rủ hờ hững bên cánh cửa gỗ đỏ nặng phai màu lẩn quất cùng mùi hương trầm thoang thoảng…

 

Lúc nấu bếp chợt nhìn ra sân thấy cô bạn nằm xoài trên chiếu, đầu gối lên chiếc ghế thấp tè, say mê giở từng trang sách chụp nhà thờ, các hang động, các cảnh thiên nhiên châu Âu, miệng xuýt xoa hỏi lấy hỏi để: sao đẹp thế hả cậu? chẳng nhẽ có thật trên đời? tại sao tớ không được sinh ra ở đấy? tại sao,tại sao,tại sao…

lúc đi qua những cánh đồng lúa khom lưng những tấm lưng gieo mạ, những con trâu đen thủng thỉnh gặm cỏ bên bờ đê, hay về  quê ngoại gặp những người họ hàng nhà quê đen đủi, quắt queo, trốn ra sau vườn ngắm rừng cọ bát ngát, những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn lên đồi, bãi sắn phơ phất chiều tà, chiều trung du mang một vẻ hắt hiu không thể tả được…

 

Ôi, tôi sẽ đau tim mà chết vì những trạng thái tình cảm trái ngược này( đêm cuối năm)

….

Có thể tóm gọn trạng thái tinh thần cảm xúc những ngày này bằng một từ: VẤT VƯỞNG

Trong cái thành phố bụi- lạnh như cái tủ lạnh mở toang này- có gì để viết về nó?

Quá quen với toàn bộ khung cảnh người, xe, hàng, gánh nháo nhào, quen nhìn cuộc sống xô bồ quanh mình,  như quen với chính sự hiện hữu nhàm chán không thể khác của bản thân sau nửa đời tồn tại, người ta mất hứng giãi bày.

 

Linh hồn lủi thủi trong đống khăn áo mũ dày cộm, đi ra đường vì không thể chỉ ngồi ở nhà chịu cái lạnh thấu xương của thời tiết khắc nghiệt, thứ thời tiết biến xứ sở vô tư như con trẻ này thành một hình dáng Người duy nhất: trong nhà -ngoài đường- trên giường -ai nấy diện đầy đủ áo xống khăn mũ tất găng từ sáng đến tối…,  chính xác hơn, chỉ mỗi trên giường không cần đi giày.

Nhưng ra đúng đến đầu đường  lại chỉ muốn về nhà.

 

Vì: phố phường ơi ngập ngụa hiện sinh… cướp giật! Cướp giật cái gì, không gian, thời gian hiện hữu cho chính những giấc phù du xứ này? Biết chăng ta ơi? nhưng chắc chắn đây không phải trạng thái  êm đềm tồn tại!

 Nhận ra dửng dưng trong hồn vo ve tiếng ruồi bay, muỗi khua không buồn xua đuổi. Như cái xác dở sống dở chết lưu đày cõi vẩn vơ…

Bèn quyết tâm ra đi.

Đi đâu? Nhìn quanh: thiên hạ đổ phăng phăng muôn hướng: siêu thị, chợ hoa,chợ cây cảnh, chợ giời, chợ điện tử, chợ hàng tươi sống, chợ quần áo, chợ bia rượu, chợ hàng mã hương nhang, chợ… biếu xén dâng lộc lẫn nhau.

Gần nhất có một cái siêu thị nhỏ như mắt muỗi.

Nhìn qua cửa kính,  bên trong đông đặc người như  đi biểu tình, thấy một đôi mắt vợ long lên sòng sọc mắng cái mặt chồng bã bượi cúi xuống bên xe hàng đầy ắp:

- Dở hơi à? lấy cho lắm vào! bảo lấy cái này thì lấy cái kia!

Ừ, đúng, dở hơi à? mua gì bán gì đi đâu về đâu?

Phút này nhận ra cái đắc ý quái quỷ của Karinthy Frigyes trong những tiếu lâm đời: KHÔNG THỂ CHỊU ĐỰNG TIẾP ĐƯỢC NỮA! CÁI THẾ GIAN NÀY!

 

Bèn: thấp cao nhấc chân dạo lang thang phố bụi, vô đích, trong tiếng gầm hét của các loại còi xe trôi như rùa giữa lòng đường, tiếng í ới, kèm cái vẫy tay muôn thuở của”xế ôm”:”đi đâu em?””xe nào!”, trong tiếng nhạc như  xé tai nhức óc từ một  cửa hàng  „naptop, mobil khuyến mại giảm giá …”

Lách giữa các bác bảo vệ cửa hàng da nâu màu đồng quê  mặc đồng phục có gù vai như lính canh vương triều, ngơ ngác giữa hai làn nhạc chát chúa từ hai bên đường giao thoa thẳng vào màng nhĩ:

một bên Đàm Vĩnh Hưng đau đớn”thôi em về đi!!!”

 một bên sôi nổi ABBA” mani! mánì! maní ”

 

Rình tại bến xe, đợi chiếc buýt đỏ da cam lừ lừ đi tới, chỉ ba mống khách đợi nhưng vẫn phải chen nhau( đặc tính sống sót của dân tộc thoát chiến tranh?), hai đứa rúc lên cửa cùng một lúc,  xiên xiên lạng người, đứa thứ ba một chân còn dưới đường đã thấy xế dậm pê đan.

 

Bước lên xe buýt là ngã dúi ngã dụi như  mèo non vừa mở mắt vì vịn cả tay lẫn chân vẫn không „lại” với những „cú” phanh gấp của xế, hồn chưa kịp”hoàn” đã buộc phải hòa lẫn với âm thanh hết cỡ của loa gắn trong xe. Âm nhạc phụ thuộc vào nhu cầu, thị hiếu, sự gắt gỏng lẫn nỗi cao hứng bất thần của xế. Một ngày nắng chang chang có thể nghe Chế Linh nẫu ruột ướt nhớt hay mưa phùn gió bấc tai đành chịu  nũng nịu ngây thơ khô ran:” Ứ ừ …hổng zdám đâu!” Cũng như đậu lại lấy khách hay bỏ bến phụ thuộc vào đường tắc hay đường thông…

Bèn: thở hắt ra vì không muốn đi tìm nguyên do của sự việc.

 

Xứ sở này, có mà tìm đến mai. Vì quá nhiều và cũng vì duy nhất.

 

Đất Việt giống một cái chai đóng nút, thả ra giữa biển, trong có một mẩu giấy đề dòng chữ: Chớ Mở Ra Nguy Hiểm Chết Người!

 

hắc khí hay thiên khí không biết, chỉ biết thứ chứa trong chai ấy không hề giống nơi nào, không nơi nào có. Kín mít trong chai.

 

Cũng như vậy: tâm trạng VẤT VƯỞNG người không nơi nào sản sinh ra được, chỉ từ xứ này ra mà thôi.

Từ từ quan sát đến suy ngẫm, sẽ thấy muôn sự ở đất này đang phục vụ cho đúng một từ:

TIỆN! ĐẠI TIỆN! ĐẠI ĐẠI TIỆN!

hahahahahahahaha!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

 

Mổ xẻ thử một bến xe khách cạnh một cái chợ to nhất nhì Hà…lội xem chữ TIỆN ấy nằm ở đâu nhé?

Nơi ấy có một cái vỉa hè, trên vỉa hè là một cái cửa ngách đi vào chợ: nhìn vào bên trong tối om, dù lập lòe đèn xanh đỏ, từ trong chợ  nhìn ra …tăm tối mặt mày. Vì hàng và người đông đặc quá.

Này nhé: ngay ngách cửa ra vào ba chủ hàng sát…đít cạnh nhau:

- Bánh giò lóng đây! –một bà ngồi ghế đẩu luôn tay bóc, thập thò mẩu bánh e lệ bốc hơi nghi ngút từ nắm lá rền, để dăm em „mắt xanh mỏ đỏ” (tiếng Việt lung linh thật!) xì xụp xúc xung quanh.

 

Sát cạnh là cô hàng „sấu dầm bốn mùa đây!”kèm theo mít bóc múi không cần đậy lồng bàn”Thái nan ngon nắm!”- kèm thêm một nắm người chổng mông chọn chọn chỉ chỉ…

 

nữa là hàng…tả pí lù, cái gì cũng có: từ chai nước mắm đến hộp Coca, kính thưa các thể loại chai!( ông bán hàng ngồi ghế đẩu chìm nghỉm sau lưng vợ gói gói buộc buộc ,thích nhất câu tự bông đùa này) nhưng chai lọ chỉ được xếp cao vất vưởng ,cấm dàn hàng ngang, dù đã tiến đến sát rãnh nước vỉa hè

 

Bên tay phải ngách dẫn vào chợ là một cửa hàng „bách hóa „mini khác, hộp lớn bé đùn ra chiếm nửa cái vỉa hè. Nhưng điều „không thể quên” nhất là trước mặt cửa hàng này là một đống rác vĩ đại, kéo dài từ một BẾN ĐỢI xe buýt đến hết rãnh nước bẩn thỉu hôi thối dẫn đến một miệng cống đen ngòm.

Chữ TIỆN trong tiếng Việt lúc này chỉ một khoảng không-thời gian nhất định, cùng lúc, một loạt hành động xảy ra…cùng tiện lợi như nhau.

 

Này nhé: bên cạnh, bên trong, đắng sau, trước mặt…đống rác, người ta có thể ăn, uống, nhai, kể lể( ngồi lê mách lẻo) chọn mua hàng, nghe những lời mắng chửi và chửi mắng lẫn nhau từ sáng đến tối, sau rốt, khi đã ù tai chóng mặt không hiểu Ta là ai trên đời này, sẽ có xe buýt( sau mấy chục phút ) đến đón đi( Nhanh!lên nhanh!-phụ xế quát). Lên xe chưa kịp bám tay vào chỗ nào đã nghe „nhạc trẻ” du dương nổi lên bên tai…lại bắt đầu lại từ đầu một chuyến du hành trên đất Việt…

ÔI-GIỜI ƠI!

 

( Budapest.2012.04.30)  

 

                                                                                                                                                                     

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2553
Ngày đăng: 30.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàu Trắng lung linh sắc nắng - Phan Chính
Ký ức Tam Kỳ - Nguyễn Quang Chơn
Sơn La Ký Sự 2 - Nguyễn Khôi
Ngồi lại với ký ức về An Phú - Nguyễn Hùng
Sơn La Ký Sự 1 - Nguyễn Khôi
Chút Huế: Vườn xưa - Hà Thủy
Thời Áo Trắng - Cẩm Loan
Cái Chết Bức Bối Của Một Nhà Thơ - Phạm Nga
Tháng Ba, Vía Bà Ngũ Hành - Phạm Nga
Thấp Thoáng Trong Mây Bắt Gặp Bà Bà - Minh Nguyễn
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)