Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
441
115.871.709
 
Sruti (Thiên Khải) Và Smriti (Ký Ức)
Nguyễn Hồng Nhung

( Trích trong tập Scientia sacra-tiểu luận triết học)

HAMVAS BÉLA - NGUYỄN HỒNG NHUNG dịch từ bản tiếng Hung

 

Ở Ấn độ người ta phân biệt hai loại truyền thống cổ.

Một: Sự biểu hiện, lời tuyên ngôn (còn gọi là Đấng Biểu lộ). Ra đời cùng thế gian. Đấy là kinh Veda. Là THỰC THỂ ĐẦU TIÊN, là Brahman - CÁI NGÃ - được bảo vệ và gìn giữ. Là thứ không thể phủ nhận, trinh nguyên và luôn luôn có hiệu lực.

 

Hai: truyền thống thực tế, có ngay từ khi vũ trụ bắt đầu. Đấy là những ký ức hình ảnh nhắc đến sự hiện diện của thần linh, là sự tập hợp của những quy luật, những quy tắc, những sự kiện, những ý kiến có liên quan đến đời sống con người.

 

Dạng đầu tiên gọi là sruti(THIÊN KHẢI) và dạng thứ hai gọi là smriti (KÝ ỨC)

Sankara khi chú giải kinh Vedanta-đã nói, chỉ sruti mang tầm quan trọng, còn smriti trong chừng mực nào đó chỉ giải thích và bổ sung. Nếu truyền thống tách rời khỏi lời tuyên ngôn (Đấng Biểu lộ), nó sẽ bị biến mất không với bất kỳ điều kiện nào.

 

Bởi vì:”Sruti biểu lộ các nguyên nhân của sự sống”, còn” hiệu lực tồn tại của Smriti duy nhất chỉ là sự ứng dụng, sự giải thích và sự bổ sung; ví dụ:  đẳng cấp này trong khoảng thời gian này thể hiện như thế nào, nó cần điều chỉnh đời sống và hành vi con người ra sao, cho phép truyền bá kinh Veda cho ai, khi nào có thể coi một người là có học thức, và kẻ có học sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc đưa ra đạo luật.”

 

Lời tuyên ngôn (Đấng Biểu lộ) và ký ức truyền thống trong thời cổ khắp nơi người ta đều tách riêng. Sruti bị biến mất ở nhiều nơi, như ở người Kelta, hoặc một phần ở người Ai cập, những nơi cấm ghi chép lại. Ở Palestin nó còn lại trong hình hài bị bao phủ, giống như lời tuyên ngôn bị cất dấu trong văn bản của truyền thuyết và pháp luật truyền thống.

 

Sự cất dấu này xảy ra như sau: những từ ngữ hoặc sự kiện nhất định mang một ý nghĩa bí mật nào đó chỉ kẻ nhập định hiểu được.Trong những cuốn sách thánh Héber chúng được cất dấu dưới ba tầng.

 

Tầng cao nhất có thể thấy bằng mắt không mang ý nghĩa gì đặc biệt: đây là truyền thuyết và luật pháp. Dưới tầng thi ca và xã hội cất dấu lý thuyết về vũ trụ (kozmogonia) bí ẩn; dưới nó là tâm lý học; dưới nữa cất dấu những dạy dỗ về sự cai trị. Lý thuyết về vũ trụ và tâm lý học đối với các đệ tử vẫn còn có thể hiểu được. Nhưng tầng thứ ba chỉ giáo chủ và Vua hiểu được mà thôi.

 

Nhưng trong sách thánh còn cả tầng thứ tư. Sách Misna ( văn cổ Do thái) viết:” Về lịch sử hoàn chỉnh của tạo hóa, trong một thế hệ chỉ được phép nói cho hai người biết; còn Merkaba chỉ được phép nói cho một kẻ duy nhất có tư tưởng rộng lớn, kẻ từ những lời chỉ dẫn và những ẩn ý tự mình hiểu ra.”

Thời cổ Zohár là người viết bình luận về ý nghĩa bí ẩn này, thời gian sau này có sách của Maimuni, sau đó là sách Mysterium Magnuma của Jakob Bõhme. Từ những tác phẩm này con người có thể hiểu được những bí ẩn của Đấng Biểu lộ, tuy không dễ dàng.

 

Lời tuyên ngôn (Đấng Biểu lộ) bắt buộc phải dấu kín, ở đâu cũng vậy. Giữa các đệ tử, Pitago dạy những người theo phái Công truyền (exoterikus) ở một nơi và dạy những người theo phái Bí truyền (ezoterikus) ở một nơi khác.

 

Hierocklés thu thập những lời dạy của Pitago cũng theo hai cấp độ khác biệt này. Cấp độ thứ nhất đào tạo ra con người tốt, là bài giảng nói về đời sống con người thế nào là tốt và đúng. Cấp độ thứ hai khi người Thày từ con người tốt đào tạo thành con người thượng đế. Đây là giáo huấn về sự sống tinh thần và sự sống thượng đế. Và ở Tây tạng, ở Peru, ở Trung quốc những kẻ nhập định cũng đều tuân theo hai cấp độ này.

 

Trả lời cho câu hỏi, tại sao cần thiết phải cất dấu bí mật của Merkaba, tại sao phải dấu diếm những bí mật của Bí truyền, và sau rốt tại sao lại cần cất dấu ý nghĩa của lời tuyên ngôn, cũng như cần cất dấu Sruti, câu trả lời như sau: sức mạnh của đời sống mà con người đang sống trong thiên nhiên vật chất rất ít ỏi.

 

Ít ỏi đến mức chỉ cần một chút tri thức, một chút quyền lực lớn hơn nó thôi cũng đã làm ảnh hưởng đến nó, thậm chí đánh bật nó ra khỏi vòng quay.Thiếu sự nhập định hiểu biết về sự thật rất nguy hiểm. Bởi vì tri thức của lời tuyên ngôn sẽ giải phóng một phần những sức mạnh của tạo hóa, thiếu sự chuẩn bị cần thiết, những sức mạnh này không thể chuyển nhập và làm thức tỉnh con người.

Một lần một người đến thăm Trang Tử và hỏi về bí mật của Đạo. Trang Tử trả lời, và khi người đó đi xa, một học trò của Trang Tử nói: Thày chưa bao giờ nói ra những bí mật lớn nhất bằng những ngôn từ đơn giản đến như vậy. Trang Tử suy nghĩ và nói: Ta đã làm họ bất hạnh cả đời.

 

Hiện tượng, khi một thế giới cao hơn xâm nhập vào một thiên nhiên vật chất nặng nề, sẽ lay động cả thiên nhiên, tạo mâu thuẫn với nó, làm nó dính mắc vào đó và trật tự của thiên nhiên bị sức mạnh của một trật tự cao hơn biến đổi trong giây lát, người ta gọi: đấy là điều kỳ diệu.

 

Điều kỳ diệu là sự biểu lộ của một thế giới cao hơn và mạnh mẽ vô tận, khiến cái trật tự vật chất nặng nề và thô thiển đơn giản là bị tan ra. Cái ý nghĩa ẩn náu trong ngôn từ là như thế, là sự biểu lộ của một sự sống tràn ngập những sức mạnh quyền lực, cực kỳ nguy hiểm với con người chưa được chuẩn bị, và điều này chỉ có thể chịu đựng được nếu con người bằng học tập và thực hành chuẩn bị tiếp nhận nó. Còn nếu không sẽ thất bại.

 

Giáo huấn đầu tiên về con người cổ như sau: là lời tuyên ngôn về linh hồn và ảo thuật của linh hồn. Đây là giáo huấn của kinh Veda. Còn tất cả những gì liên quan đến buddhi, đến ahamkara, đến manas, đến những tấm chăn phủ, chỉ là smriti, hay đúng hơn là chỉ nhắc nhở đến smriti.

 

Giữa những người giải thích kinh Veda, đáng tin cậy nhất là Sankara, kẻ tiếp nhận truyền thống, bởi từ Sankara không có gì mâu thuẫn với lời tuyên ngôn (Đấng Biểu lộ). Mọi truyền thống đều dựa vào lời tuyên ngôn này, bắt đầu từ thời cổ đến thời Platon. Bản chất thật sự của con người cổ là linh hồn; cái bao phủ linh hồn, bao phủ bản chất thật sự lại là lớp vỏ, lớp chăn, là ảo thuật. Linh hồn là thứ tồn tại; những thứ bao phủ nó là ảo thuật sẽ biến mất.

 

Lời tuyên ngôn trên ở tất cả các dân tộc cổ đều hòa tan vào những giải thích, hoặc bổ sung khác nhau. Những giải thích bổ sung này cho dù là truyền thuyết hay không, rốt cục vẫn giống hệt smriti Hindu. Siêu hình học được xây dựng từ dấu vết của kinh Veda, cần phải được quay lại dưới một hình hài nào đấy trong mọi truyền thống. Những lời giáo huấn về buddhi, ahamkára, manas, indrija, về các lớp vỏ linh hồn đều có thể bắt gặp trong Bön của Tây tạng, hoặc bắt gặp ở Trung Quốc, Iran và Hy lạp cổ.

 

Các truyền thống đáng nhớ của các dân tộc khác nhau, ngay từ đầu, cho dù thể hiện bằng hình ảnh thế gian sống động khác hẳn nhau đến mấy, cũng không bao giờ mâu thuẫn với nhau. Cái này không chỉ tồn tại cạnh cái kia mà một cách đặc thù, cái này nhấn mạnh cái kia, làm điểm tựa, củng cố và soi sáng cái kia.

 

Tại sao vậy? Bởi vì khắp nơi đều cùng nói về một sự sống, cùng nói về một sự chấn thương, một sự thay đổi. Truyền thống của Peru và Héber cho dù cách xa nhau cả về không thời gian, nhưng không tàn phá lẫn nhau. Cả hai đều nói về cùng một điều như nhau.

 

Giây phút khi linh hồn bất tử trong sự bí nhiệm của nó xảy ra một sự kiện, cái mà kinh Veda gọi là Maja, người ta gọi là: sự tạo dựng thế giới.

 

Con người là tạo vật cuối cùng của tạo hóa. Là sản phẩm cuối cùng và là sự tổng hợp, là chúa tể của thiên nhiên, là bản sao của Linh hồn tạo hóa, là bản chất siêu nhiên, chế ngự toàn bộ các thực thể, và là kẻ duy nhất có quan hệ trực tiếp với Tạo Hóa.

 

Thực thể người là toàn bộ những gì xảy ra trước khi có sự tạo dựng: là sự phản chiếu của các sức mạnh tinh thần, là các Quyền Lực vũ trụ, là bản chất của trời và đất, là tư tưởng của vũ trụ, là những đặc tính của các thực thể- thống nhất lại trong bản thân con người.

 

Thiên nhiên chưa từng là vật chất. Sự tạo dựng vật chất trong thế gian cũng chưa từng có bao giờ. Và như vậy thiên nhiên đầu tiên cũng chưa từng là thiên nhiên vật chất.

Thế giới là một tư tưởng tinh thần trong vắt, và con người là chúa tể của một thế giới tinh thần chứa đầy những sức mạnh này. Các bộ phận và bản chất của thế giới là sự biểu lộ (lời tuyên ngôn) của những đặc tính linh hồn thượng đế, và con người đứng trên đỉnh cao nhất của thế giới này. Con người cổ là ý nghĩa của thượng đế. Chúa tể của một thế giới tinh thần mở, tự do, sáng rực rỡ này là: ADAM KADMON - con người cổ, con người đầu tiên, là MỘT, là khả năng, là ý nghĩa cao nhất của linh hồn bất diệt.

 

Con người cũng từng là chúa tể của các QUYỀN LỰC. Các Quyền lực, tiếng Hy lạp là arkhai hoặc dünameis, là những sức mạnh vô hình, mà chỉ ai gọi được tên nó ra, người đó sẽ thống trị được nó. Các Quyền lực câm, nhưng bản năng và đặc tính của nó sắc nét hơn tất cả; chúng không biết nói, không biết lên tiếng, bởi vậy chúng không thể thống trị, chỉ phục tùng. Bên trong chúng không có sức mạnh của lời, bởi vậy chúng không biết đến sự khởi đầu.

 

Nhưng sức mạnh quyền lực là của chúng. Quyền lực thiếu lời của sự cai trị sẽ câm lặng và bất lực. Bởi vậy, cho dù các Quyền lực mạnh hơn con người rất nhiều, nhưng vẫn phải phục tùng lời của con người và con người ngự trị trên đầu chúng.

 

Giữa các Quyền lực có cái XẤU. Tạo hóa là cái hoàn hảo toàn bộ, bởi vậy cái xấu cũng cần có ở đấy. Nó là sự tiêu cực; nhưng cần phải có sự tiêu cực. Đây là điểm đen trong ánh sáng; nhưng trong sự tỏa sáng cũng cần sự u ám, trong sự toàn diện cũng cần sự phủ nhận. Đây là nguyên tử bị khóa lại duy nhất. Nhưng tạo hóa là sự toàn diện nên ở đó cũng cần đến nó.

 

Đây là điểm đen câm, là sự phủ nhận, nguyên tử khóa kín này là vị trí duy nhất trong Tạo Hóa, trong sự Tạo Dựng và ngoài Thiên Nhiên. Toàn bộ thế giới nằm yên bình trong Tạo Hóa; cái XẤU là sự tiêu cực duy nhất đứng bên ngoài. Đây là thứ mà sau này người ta gọi là: cái Độc Ác.

 

Độc Ác không hình hài, như mọi sức mạnh, như Quyền Lực. Nhưng tinh thần đã chấp nhận Độc Ác vào hình hài của nó: đã đồng hóa điểm đen này với bản thân tinh thần, cùng với sự phủ nhận, sự khóa kín, sự tiêu cực. Và tinh thần khi chấp nhận một thứ đứng ngoài tạo hóa, chỉ như một điều kiện, phi hình hài- nhưng vì được chấp nhận nó trở nên cái có hình hài, thành sức mạnh tạo dựng và có sức hoạt động. Thế là cái Độc Ác, sự tối tăm, sự phủ nhận, sự khóa kín trở thành Quyền Lực. Tinh thần đã cho cái Độc Ác sức mạnh độc lập, cho khuôn mặt và sự khởi đầu.

 

Trong phần giới thiệu của kinh Védanta, Sankara đã nhấn mạnh tới một khả năng của linh hồn (atman) gọi là khả năng đồng hóa, hay còn gọi là khả năng truyền tải hoặc khả năng nhầm lẫn (adhjasa).

 

Đây là sự truyền tải: ” sự nhầm lẫn cần thiết…là thứ khi cá nhân chuyển giao bản thân mình ra một vật…một bản thân có thật thành sự hiện hữu-không thật…một bản thân chủ thể thành một khách thể” Khả năng chuyển giao này như thế nào?- Sankara hỏi. Câu trả lời:” Ký ức chuyển giao cho hiện tại một sự kiện đã xảy ra một khi nào đấy của một cái gì đấy trước kia.” – „Một cái (một kẻ) nào đấy không hiểu sự khác biệt giữa sự việc và thời gian, và như vậy đã truyền tải một sự việc từng xảy ra trước kia”.

 

Đấy là cái gì? Adhjasa. Avidja. Sự mê muội. Sự đờ đẫn. Sự sống suy thoái. Sự truyền tải để một người nào đó chuyển giao bản thân mình, chuyển giao một bản chất cá nhân có thật vào một vật-không có thật, không là gì khác ngoài sự vắng mặt của sự tỉnh táo.

 

Tinh thần đã từng trải qua, từng sống vượt qua những ảo thuật của linh hồn, của sự tạo dựng. Khi sự tạo dựng kết thúc bằng việc tạo ra con người hoàn tất, sự tạo dựng mang theo nó những sự kiện xảy ra trước đó vào sự mê muội của nó. Sự tạo dựng chính là việc linh hồn đồng nhất nó với thế gian.

 

Tinh thần nhớ lại điều này, và nó nhầm lẫn bản thân với cái Ác. Trong khoảnh khắc đó, sức mạnh của các Quyền lực sôi lên, và gán chúng vào những sức mạnh vô hình. Những Quyền lực đó là gì? Tên Hy lạp của chúng: Phhora, Thanatos, Eris, Penia, Hübris, Hamartia- Sự Trôi Qua, Cái Chết, Xung Đột, Nhu Cầu, Sự Ngạo Mạn, Sự Nổi Loạn. Sự truyền tải này phá vỡ cân bằng thế giới, một bộ phận của sự tạo dựng đứt đoạn, tách ra và tự khóa vào chính nó. Sự thống nhất chấm dứt. Thế giới chia làm đôi.

 

Đấy là một tai họa thế giới mà các truyền thống cổ nhận ra dưới cái tên gọi sự nổi loạn của các linh hồn.

 

Vị trí rơi xuống của các tinh thần bị thất bại: vật chất. Vật chất không phải  là sự tạo dựng. Chưa bao giờ có bất kỳ ai và cái gì tạo dựng ra thiên nhiên vật chất. Vật chất là một vị trí bị khóa kín, nơi từ sự tạo dựng tinh thần thất bại cổ xưa đầu tiên rơi rụng xuống những Quyền lực bị xua đuổi. Nó xuất hiện trong khoảnh khắc, khi một bộ phận của thế giới tách ra khỏi sự tạo dựng vĩ đại.

 

Tri thức thượng đế còn nằm lại trong thế giới tinh thần, nhưng không chống đỡ nổi sự thử thách của các Quyền lực, và thế là nó bị khóa vào thế giới vật chất. Đây là một tai họa, mà các truyền thống cổ gọi là sự phạm tội.

 

Con người hoàn toàn chìm ngập vào vật chất. Tri thức thượng đế bị đánh mất; con người quên mất ngôn từ của sự cai trị; nó bị câm bặt, đến ký ức mơ hồ về ngôi thứ của nó cũng biến mất.

Sự tỉnh táo của nó ngủ yên, và nó chìm đắm vào trạng thái đờ đẫn nghiêm trọng của vật chất nặng nề. Nó trở nên giống hệt các Quyền lực thất bại: trọng tâm tầm nhìn của nó giờ đây không phải là ánh sáng vĩnh cửu của Đấng Tạo hóa nữa, mà là tâm điểm riêng của nó, điểm bị khóa kín tách rời khỏi thế gian: đấy là cái TÔI. Và con người, là chúa tể của thiên nhiên, cũng lôi thiên nhiên theo nó. Thiên nhiên trong hình thái cổ đầu tiên là tinh thần; còn thiên nhiên bị lôi theo, chìm xuống theo con người mang tính vật chất hóa: chỉ là bản sao của thiên nhiên đích thực.

 

Lịch sử sơ lược của truyền thống đáng ghi nhớ không chỉ quan trọng bởi vì tất cả các dân tộc cổ của trái đất đều hiểu và nhận thức như thế, mà vì cơ bản nó mở ra hình ảnh về nguồn gốc kép của con người trong một hình dạng đầy kịch tính. Con người có nguồn gốc Thượng đế? Đúng. Có nguồn gốc vật chất? Đúng. Con người là Adam Kadmon, là Trí tuệ của Tạo hóa; nhưng cùng lúc con người cũng là thực thể của thiên nhiên vật chất.

 

Lời tuyên ngôn của Veda như sau:”Linh hồn nghĩ: ta muốn tạo dựng các thế giới. Thế là nó tạo dựng ra các thế giới. Những thế giới có sự sống riêng tách rời linh hồn chưa từng là hiện thực.Các thế giới là ảo ảnh (maja) của linh hồn. Và con người ban đầu là tri thức của tạo hóa; là sự hoàn thành hoàn toàn, là vương miện, và là tổng thể của sự tạo dựng.”

 

Nhưng trong hậu quả của sự thất bại nó chìm vào vật chất. Đúng hơn: nó chìm xuống và xuất hiện vật chất.

 

Nói như ngôn ngữ của smriti:” Khi bị thất bại con người đã truyền tải nhầm lẫn thứ mà tinh thần đã đồng hóa bản thân nó với điểm đen khóa kín, thụ động nằm ngoài thế giới. Con người đã lẫn lộn mình với các Quyền lực, những thứ con người từng là chúa tể của chúng.

 

Và con người đã lẫn lộn với cả một đội quân của các Quyền lực: không phải chỉ với một điểm đen duy nhất, mà với toàn bộ tổng thể hàng trăm triệu những điểm đen khác. Và thế là con người đưa những thứ sau đây ngự trị lên đầu mình: Nhu Cầu, Cái Chết, Cái Trôi Qua, Xung Đột, Sự Phân Vân, Cái Đói, Cái Đau…và những cái khác nữa.

 

Nhưng điều cơ bản hơn: CON NGƯỜI DUY NHẤT-Adam Kadmon- như người Hindu gọi: Manu, người Trung Quốc gọi: Hoàng, người Mexico gọi: Kecalkoatl, con người thượng đế cổ duy nhất đầu tiên, bản sao của TẠO HÓA DUY NHẤT đã biến thành sự đông đảo.

 

Đây là tai họa mà thời Trung cổ người ta gọi là sự cá nhân hóa (individuacio). MỘT con người duy nhất đã trở thành dân chúng, thành các cá nhân, vỡ tan ra thành hàng tỷ cái TÔI. Và bởi con người cũng là thiên nhiên, là chúa tể của thiên nhiên, nên đã nhấn chìm thiên nhiên cùng nó nên trong thiên nhiên cũng nảy sinh sự đông đảo. Sự đông đảo này là hằng hà sa số các vì sao, các loại thực vật, các loại đá, các con số, các hình ảnh, các số phận. Là sự đông đảo của các cái TÔI.

 

Khi con người lao xuống vật chất và tỉnh dậy, không như một con người duy nhất nữa mà như một nhân loại. Kẻ đầu tiên của nhân loại này không phải con người cổ Adam Kadmon nữa mà là con người thiên nhiên: Adam.

 

Adam sinh ra từ đất.Tạo Hóa- là truyền thống đáng ghi nhớ ngay từ đầu đã cho biết-tạo hóa đã nặn ra con người từ đất sét và hà hơi thở cho nó. Đấy là con người trái đất đầu tiên, và chỉ là bản sao, và là một mảnh của con người bầu trời. Sau Adam nhiều con người khác lần lượt tỉnh giấc và số đông đa dạng của nhân loại lần lần tỉnh giấc.

 

Còn một phương diện nữa của smriti cần nhìn cho rõ: đấy là thời gian. Ngay trong thời cổ, và từ bấy đến nay người ta đều hiểu các sự kiện siêu hình vũ trụ không phải diễn ra trong các giây phút và khoảnh khắc, mà trong hàng trăm năm. Nội dung của sự đổ vỡ diễn ra trong hàng triệu năm; sự nhấn chìm của nhân loại vào vật chất cũng diễn ra trong hàng trăm năm, và sự thức tỉnh cũng mất nhiều trăm năm nữa.

 

Veda không bàn về những gì liên quan đến thời gian. Lời tuyên ngôn, như Sankara nói, bàn về các nguyên nhân của sự sống. Ngoài ra không còn gì khác. Sự tạo dựng thế nào, sự nổi loạn của các linh hồn, sự phạm tội, quá trình vật chất hóa dài hay ngắn, kết quả sau cùng thế nào cũng được. Tại sao vậy? Tại sao lại xảy ra như thế? Thậm chí: tại sao sẽ đúng như vậy?

 

Câu trả lời đơn giản: kể từ khi phạm tội, con người đã lầm lẫn nó với những điểm đen -không tồn tại nằm ngoài thế giới (có tên gọi) là những cái TÔI.

 

Đây là một sự truyền tải nhầm lẫn (adhjasa);con người lao vào sự nhầm lẫn này sâu bao nhiêu, nó càng mạnh mẽ và phức tạp bấy nhiêu. Cái TÔI phản chiếu  trong cá nhân một lần nữa quy chiếu lại vào thế giới của con người, và như vậy bản thân các Quyền lực hữu hình hóa được bảo vệ và hiệu lực hóa.

 

Sự truyền tải nhầm lẫn này có thể diễn ra trong thời gian và cả ngoài thời gian nữa: có thể trong hàng thiên niên kỷ dài không thể tưởng tượng được, nhưng có thể chỉ ngay trong một giây duy nhất.

 

Cái gì là sự truyền tải nhầm lẫn, cái gì là sự nhầm lẫn, sự nhầm lẫn là cái gì vậy?- Là trạng thái thiếu vắng sự tỉnh táo. Ảo ảnh. Không có nhiều cái TÔI, không có hàng triệu năm. Bởi vì con người vượt qua mọi sự đồng hóa, bên trong bản chất thật của nó là LINH HỒN và là MỘT. Sự đông đảo của nhân loại là ảo ảnh, đúng như lịch sử thế giới hàng thiên niên kỷ. Là ảo ảnh, là maja: ảo thuật.

Kẻ tỉnh táo, là kẻ nhìn thấy hiện thực, biết rằng, nếu nói đến vở kịch được trình diễn trong thời gian dài hay ngắn, là chỉ tăng thêm sự phức tạp của đời sống diễn ra trong ảo ảnh. Thời gian dài cũng ảo ảnh đúng như thời gian ngắn. Đối với linh hồn kẻ đã thức tỉnh, sự tạo dựng, sự nổi loạn của các linh hồn, sự phạm tội như thế nào, xảy ra trong bao lâu và bao lâu nữa, thế nào cũng được, hãy xảy ra.

 

5.

Theo giáo huấn của sách thánh Heber, Tạo Hóa đã nặn con người vật chất đầu tiên từ đất và thổi linh hồn vào nó. Ở Peru người ta nói, Pacsakamak đi đến tận cùng trái đất, đánh thức những tảng đá, và từ những tảng đá bị đánh thức thành những con người. Theo người Manicheus, Manu là kẻ đầu tiên đánh thức những con người bị chìm ngập vào vật chất thức dậy lần nữa. Nhưng con người đây không phải là con người đầu tiên. Con người đầu tiên là con người cổ, Adam Kadmon, con người trời. Con người thứ hai rơi vào vật chất, là thực thể đờ đẫn. Con người thứ ba là con người tỉnh giấc từ vật chất: Adam.

 

Trong con người này những mức độ được dạy dỗ và các lớp chăn phủ có cùng một chỗ: linh hồn, lớp chăn phủ đầu tiên (anandamaja), tri giác thượng đế (buddhi) cái TÔI- BẢN NGÃ (ahamkara), sự phân chia giác quan bên trong và bên ngoài (manas), các cơ quan cảm giác (indrija) và thân xác vật chất nặng nề (annamaja).

 

Truyền thống của các dân tộc cổ đều nhận biết về hai loại con người này: con người đi từ trên xuống và đi từ dưới lên. Đấy là nhận biết về Kain và Abel. Một con người vào thời kỳ đầu, rơi xuống khi phạm tội, và giờ đây đi từ dưới lên, từ tăm tối, nhận dinh dưỡng từ vật chất, và một con người, như Adam Kadmon, biểu hiện của tinh thần thượng đế.

 

Và lời giáo huấn duy nhất của truyền thống các dân tộc cổ cũng là điều này. Người Trời, con người-tinh thần- Toth, Zarathura, Brahman- Henoch nói: trong egregoros- trật tự của thế giới phụ thuộc vào sự thống trị của con người này. Chừng nào con người này biết hiệu lực hóa những tia sáng chiếu từ trên cao xuống trái đất, chừng đó đời sống của nhân loại còn trật tự, sáng sủa và có quy luật.

 

Nếu con người đi từ dưới lên, thực hành những bức xạ tầng thấp của vật chất, nhân loại sẽ là con mồi của sự tăm tối. Truyền thống cho con người biết đến những chấn thương, mà hậu quả của sự thống trị đi từ dưới lên của nhân loại đã gây ra không biết bao nhiêu tai họa. Một trong những tai họa đó là nạn hồng thủy. Về nạn hồng thủy này những người Papua sống ở đảo Phục sinh, người Csimu ở Peru, người Toltek ở Mexico, hay như kinh thánh Heber, như Manu hoặc Phật đều nói như nhau.

Lời giáo huấn về hai loại người là một trong những giáo huấn bí ẩn nhất và huyền bí nhất của truyền thống. Tư tưởng trọng tâm của những kẻ nhập định trong mọi truyền thống là: Adam, người  TRỜI xuống từ trên cao với thiên tính – đứng một bên; bên kia là con người đi từ dưới lên với sự mê muội trong sự sống bị thoái hóa bởi các Quyền lực.

 

Con người đi từ trên xuống là một giống người bí ẩn, như Evola viết” là con người toàn diện mà tất cả các thế hệ thời cổ đều biết đến”- là kẻ mà con người vật chất luôn luôn đầu hàng. Bí ẩn của người Trời lớn hơn cả, khiến toàn bộ tri thức thu thập được cho đến nay của người đời đều không thể chạm tới và hiểu được.

 

Có thể nói ngắn gọn như sau: Mối quan hệ của con người bị lao xuống với người Trời thực ra không bị đứt đoạn. Người Trời và con người vật chất vẫn là MỘT, chỉ sự THỐNG NHẤT này bị chìm xuống sâu đến nỗi phần lớn trong con người vật chất không có sự thức tỉnh.

 

Con người đi từ trên xuống là con người bên trong nó toát lên tri thức thống nhất. Con người đi từ trên xuống là một bến đỗ của con đường của CON NGƯỜI VĨNH CỬU, từ bến đỗ này chiếu rọi những sức mạnh trên cao xuống các tầng dưới thấp, và nâng thế giới thấp lên cao.

 

Đấy là các khách thể thần thánh thời cổ, là bí ẩn của vua, nhà thơ, giáo chủ, nhà tiên tri, thày tế, nhà khổ hạnh. Đấy là con người, trên ngưỡng cửa của thời kỳ lịch sử vẫn có thể chiêm ngưỡng được, để sự hoàn hảo của họ không phải là không tiếp cận được đối với con người lịch sử: Orpheus,Pitago,Empedokles,Zarathura, Toth, Buddha,Lão tử, Khổng tử, và sau cùng, trong một hình hài nhợt nhạt hơn: Platon.

 

6.

Truyền thống nêu sự khác biệt giữa con người primer (đầu tiên) và con người nguyên thủy (primitiv).

Con người primer là con người cổ có thể nhận ra từ hình dáng của các khách thể thần thánh: đây là thực thể tinh thần, là vua, là linh mục, nhà thơ, nhà tiên tri. Là con người thượng đế.

 

Đối diện với từ primitiv mà phần lớn các truyền thống đặt tên cho người rừng, mà trong các truyền thống khác còn được đánh dấu bằng các tên súc vật. Trong thời gian lịch sử, nhất là thời hiện đại một lần nữa người ta lại nhầm lẫn: lộn ngược ý nghĩa gốc của sự vật, người ta tưởng rằng con người tinh thần cổ là người rừng nguyên thủy, và gốc gác của người nguyên thủy là con vật.

 

Sự thật là, như Evola viết:”Người nguyên thủy không phải là tổ tiên của con người ngày nay, mà là một thứ thoái hóa của một trạng thái tinh thần rất xưa.” Đây là sự sống bị „chìm đắm trở lại” muộn mằn.

 

Wallace nói: „Con người cổ và trước thời kỳ lịch sử không phải là con vật hoang dã, không phải là thực thể ở mức độ phát triển thấp, mà là bản chất sáng sủa, và con người nguyên thủy ngày nay là kẻ bản chất sáng sủa này đã tắt.”

 

Baader viết như sau:” Trạng thái đầu tiên của con người không phải là sự hoang dã súc vật, trạng thái hung tợn là biểu hiện cho con người lạc hậu và quay ngược đắm chìm xuống.”” Không có con người sinh ra đã hung tợn, chỉ trở nên hung tợn mà thôi.” Cuối cùng: „Trong vũ trụ đầy rẫy những thực thể lạc hậu và không có khả năng bước tiếp trên đường.”

 

„Nguyên thủy không phải là trạng thái cổ của con người; cái ngày nay người ta gọi là nguyên thủy, là kết quả của sự chìm trở lại, phát triển ngược trở lại.”

 

Các dẫn chứng thế là đủ. Truyền thống đôi khi đưa ra đầy đủ những tri thức cổ có liên quan đến sự lạc hậu và hình thành ngược của linh hồn.

 

Từ truyền thống Iran có thể đọc thấy rằng, từng có những tai họa tập thể, khi toàn bộ „nhân loại” đứt rời và quay ngược rơi trở lại vật chất. Con người không chịu nổi ánh sáng của sự thức tỉnh về những gì đã quên, họ bị chặn lại ở một chỗ, và quá trình ngược lại với sự thức tỉnh, sự tăm tối dần dần này khiến nhân loại phát triển ngược lại.

 

Những cuốn sách cổ của Iran coi các nhà nước kiến là nhân loại bị phát triển ngược lại. Nhà nước kiến là linh hồn con người bị chặn lại và phát triển ngược  trong một trật tự nhà nước hợp lý và thực dụng. Đây là  trường hợp khi ý nghĩa tinh thần của công việc hoàn toàn bị đánh mất, trở thành một sự máy móc hoàn toàn. Có trật tự, nhưng là thứ trật tự giết chết toàn bộ tinh thần trong con người.

 

Sách thiêng cổ cho rằng, có sự phát triển ngược của cá nhân: đấy là sự vật chất hóa cá nhân. Con rắn là cá nhân đã bị hung tợn hóa và phát triển ngược lại, hay nói cách khác: đây là tri thức thượng đế phát triển ngược.

 

Truyền thống Ai cập cho rằng ở dân Majm, nhất là dân Pavian là những nhóm mà ngày nay  có thể nhìn rất rõ sự chìm đắm của một dân tộc, một giống loài. Dân Pavian từng là một giống người có tri thức thượng đế- nhưng bị lạc hậu trở lại, và đánh mất sự tỉnh táo. Ngày nay chỉ còn sót lại một tia lửa duy nhất lay lắt trong con người họ, mà dấu hiệu của tia lửa này là mỗi khi thấy mặt trời mọc, họ quay về phía mặt trời và giơ lòng bàn tay họ ra.

 

Con người, như một tổng thể nhân loại( đàn kiến), như một giống nòi và một dân tộc, một giai cấp(Pavian), như một thực thể cá nhân hóa( con rắn)đều có thể lạc hậu trở lại. Sự lạc hậu trở lại không có nghĩa là con người dừng lại ở một điểm và cứng đơ, mà có nghĩa là họ phát triển ngược.

 

Thực thể lạc hậu trở lại, phát triển ngược, trở nên tăm tối là người rừng nguyên thủy, là người da đen hoặc người Papua sống trong rừng, là người da đỏ Amazon hoặc ở bắc-Mỹ. Người Fellah Ai cập, người Maja vùng Yucatan, người Csimuja và Csibahaja ở Peru trong thời kỷ vẫn còn nhớ ký ức tổ tiên họ đã từng là các dân tộc sáng suốt, nhưng từ bấy đến nay một lần nữa họ lại bị chìm đắm vào sự hoang dã và rừng rú.

 

Toàn bộ các dân tộc sống như người nguyên thủy hiện nay, giống như người Ai cập và Maja, đều gặp phải các tai họa thiên nhiên như nhau. Nhưng số phận các cá nhân cũng bị sự lạc hậu trở lại đe dọa. Sự tách biệt và chủ nghĩa tư hữu chắc chắn dẫn đến sự thoái hóa. Thậm chí trong cuộc sống của con người, cái mà tôn giáo gọi là sự phạm tội không là gì khác, ngoài:”Sự mong muốn quay trở lại thái độ vô trách nhiệm tăm tối của sự sống vật chất.”

 

Kẻ phạm tội đặt bản thân mình ra khỏi ánh sáng, và vì tách mình ra khỏi nhân loại vũ trụ, nó rơi vào sự tối tăm. Đây là sự tối tăm bên ngoài, mà hậu quả của nó là sự thoái hóa của linh hồn, sự sụp đổ và lạc hậu trở lại.

 

Truyền thống cho rằng hình thức sự sống của phần lớn loài vật là sự suy thoái của các hình thức sự sống con người đầu tiên. Kẻ nào dừng lại, kẻ đó biến đổi. Trong thế giới siêu nhiên những quái vật biến đổi như Dákini ở Tây tạng hoặc Gandharva ở Ấn độ.

 

NGUYỄN HỒNG NHUNG dịch từ bản tiếng Hung

( Budapest 2012-01-16)

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2586
Ngày đăng: 02.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hòa bình theo Nho học - Nguyễn Đăng Trúc
Edmund Husserl - Suy-Tư Trong Tinh-Thần Descartes- 4 - Nguyễn Quỳnh USA
Ludwig Wittgenstein, Cương-Lĩnh Luận-Lí Và Fê-Bình Triết-Học - Nguyễn Quỳnh USA
Hòa bình theo Lão học - Nguyễn Đăng Trúc
Friedrich Nietzsche: Lập-Ngôn Của Zarathustra - Nguyễn Quỳnh USA
Xã hội học đời thường và Hiện sinh xã hội - Lê Hải*
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 14 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 13 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 12 - Nguyễn Đăng Trúc
Tiếp Cận Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Triết Học 11 - Nguyễn Đăng Trúc
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)