Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
485
115.866.591
 
Thư Gửi Nguyễn Thị Từ Huy
Nguyễn Hồng Nhung

Thật tình tôi không muốn viết những giòng này, nhưng cuối cùng phải viết, xứ sở Hung đang quay lại làm một thứ độc tài khác, đã cho NHN một cách nhìn, nhưng chưa thoát hết mọi ý nghĩ về mặt chính trị xã hội, nếu không muốn nói là, đừng chỉ nhìn toàn bộ thế giới qua lăng kính Hung và một số quốc gia mới nỗi dậy gần đây. Vai trò của Nhân dân chống lại và lật đổ độc tài là cần thiết, vai trò xây dựng chính thể mới lại là vai trò của chính trị gia do nhân dân ( có tỉnh táo hay không ) lựa chọn, việc lựa chọn này quan trọng như chính việc đánh giá chính phủ đã bị lật đổ. Bạn đọc dễ ngộ nhận khi đọc lá thư này.

 

Và dĩ nhiên, chính trị khác tôn giáo và chính trị học không là siêu hình học, chuyện sinh tử của con người và chuyện sinh tử của dân tộc không thể nào đồng hóa được Nguyễn Hồng Nhung ạ.

Nguyễn Hòa vcv

 

Budapest 2011.07.08

Từ Huy thân mến!

 

Chắc bạn vẫn còn nhớ tôi - một ngày cuối năm gặp nhau tại Sài gòn, thậm chí sau đó còn đi ăn trưa với nhau- ngoài việc trước đó có thể chúng ta đã gặp nhau trên trang web Ăn Mày Văn Chương?

 

Ấn tượng của tôi về bạn: đây là một người biết suy nghĩ độc lập. Có lẽ thế đã đủ cho một tư cách trí thức.

 

Trong những ngày hè này, tôi gặp lại Nguyễn Thị Từ Huy từ những nỗi Đau trăn trở sống nơi quê nhà. Tâm sự của bạn toát lên từ những dòng nhật ký hoặc trong những dòng thơ vừa đau buồn vừa cay đắng vừa thảng thốt, như thể một tiếng thét thầm không ngưng nghỉ trong tâm tưởng, như thể một nhận biết xót xa về chính mình và môi trường sống quanh mình…

 

Tôi nhận ra chính xác tâm trạng của bạn bởi tôi cũng đã từng ở trong tâm trạng ấy, rất có thể  không chỉ tôi, mà nhiều người bạn khác của tôi đang ở Việt nam cũng thế.

 

Đấy có phải sự bất lực không?

Không, đấy không phải trạng thái bất lực của một cá nhân trước tác động của môi trường xã hội họ đang sống, đấy là sự nhận biết chính xác cái hiện thực bất lực chúng ta đang cùng trải thì đúng hơn.

 

Người ta thường nghĩ rằng sau nhận thức là cần phải làm gì ngay để hiện trạng thay đổi, bởi nếu không nhận thức để làm gì? Đấy là xu hướng tư duy chung của số đông, phải không Từ Huy?

 

Tôi đã trầm ngâm suy nghĩ lâu về điều này. Và quyết định viết thư cho bạn, để viết ra đây một vài ý kiến nhỏ của tôi.

 

Tôi còn nhớ những năm tháng đầu tiên của thập kỷ 90, khi các nước Đông Âu thay đổi thể chế chính trị xã hội, lúc đó tôi đang có mặt ở châu Âu. Tôi nhận thấy: cái đảo lộn đầu tiên khiến con người bối rối là hệ tư tưởng chính trị nào có thể mang ra trưng bày trước bàn dân thiên hạ mà không bị chửi rủa và tẩy chay đây? Bởi vì lúc đó người ta chán ghét ( tuy chưa vỡ mộng hoàn toàn) về đời sống chính trị cũ, nhưng không một ai biết cái mới là cái gì và  nó ra sao, có tốt hơn không?

 

Nhưng cái bối rối còn lớn hơn cả là quan niệm về đời sống văn hóa. Không ai muốn đọc những cái đang có nữa. Các nhà xuất bản ngược xuôi kêu gọi: nào, ai đã viết cái gì( khác)  hãy đưa ra đây cho chúng tôi in!  Kết quả ( mà sau này người ta buồn rầu thú nhận) chẳng có bao nhiêu những tác phẩm  đã từng ’’ngược dòng”để giờ đây có thể xuôi dòng một cách hoan hỉ.

 

Thế đấy, có lẽ con người chỉ là ’’sản phẩm của môi trường sống” ( thiên về vật chất ) như Karl Marx nói chăng?

 

Tất nhiên, một loạt các tác phẩm văn chương, triết học và các tác phẩm khác mang tính xã hội, chưa bao giờ được biết đến hoặc chỉ lưu truyền một cách bí mật trước đó lần lượt in thành sách. Rất nhiều tác giả ’’đám đông” chưa nghe thấy tên bao giờ, mặc dù có những người đã từng nổi danh trước hai cuộc chế chiến. Phần lớn tác giả của những tác phẩm đó bị cố ý ”đánh chìm” vào quên lãng, khi thể chế xã hội đương thời đang ’’khoe” vũ lực. Điều đáng chú ý ở những tác giả này là hệ tư tưởng, nhận thức chính trị-xã hội của họ vượt lên trên thời đại họ sống, đồng nhất với một cái gì đó chung,  thể hiện trong những tác phẩm kinh điển của văn học, văn hóa nhân loại.

 

Thế là, cùng với thay đổi chính trị, tưởng chừng những thay đổi về văn hóa xã hội cũng mang lại một thế gian tích cực hơn cho đời sống người.

 

Vậy mà, bạn Từ Huy, sau hai chục năm một thể chế chính trị xã hội khác được thành lập trên cái đất đông Âu này, một lần nữa, dân chúng đông Âu tiếp tục ”vỡ mộng” về hệ thống chính trị hiện hành, như thể cái gọi là ”chuẩn mực” xây dựng một xã hội tử tế dành cho con người chỉ là một trêu ngươi bông đùa của tạo hóa.

 

Thực chất, đấy chỉ chứng minh một chân lý khách quan: gốc rễ cuối cùng để xây dựng một thể chế chính trị-kinh tế-xã hội cho tử tế chính là phải xây dựng từ một nền văn hóa Người tử tế.

 

Xã hội Việt nam của chúng ta thiếu cái gì, chắc Từ Huy( giống như tôi) bắt đầu nhìn rõ. Tôi đọc sách, dịch và hiểu thêm một điều: sự biến đổi không nằm trong đám đông, chỉ nằm trong sự biến đổi của từng cá nhân. Không có đám đông thức tỉnh, chỉ có cá nhân thức tỉnh. Và văn hóa chung của xã hội xây dựng từ sự thức tỉnh của từng cá nhân này.

 

Như một thực thể xã hội, sự tham gia của những cái đầu biết độc lập suy nghĩ vào xây dựng một nền văn hóa chung của một quốc gia hay của cả nhân loại rất cần thiết. Nhưng hỡi ôi, để thể hiện điều này trong một môi trường sống cụ thể, trong một vị trí địa lý cụ thể, trong một xác thân cụ thể, quả thật không dễ dàng chút nào. Nhưng chính vì thế cá nhân cần phải tỉnh, để lựa chọn những mức độ tham gia cụ thể cho mình.

 

Tôi nhớ có một lần, một người quen từng hỏi tôi một câu rất ”thiết thực” như sau: Xã hội Việt nam bây giờ ai đọc sách? Chị dịch sách làm gì, cho ai? ai đọc?. Tôi đã trả lời: tôi dịch cho các thế hệ  biết đọc tiếng Việt.

 

Thế đấy Từ Huy ơi! Viết cho bạn mấy dòng suy nghĩ của tôi. Biết làm gì hơn?

 

Và tặng bạn một bài dịch. Tôi nghĩ rằng tác giả có thể nói thay hộ tôi rất nhiều ý nghĩ khác mà tôi chưa  biết diễn đạt hết cho Từ Huy hiểu. Ý nghĩa của Chữ tuyệt diệu như thế đó, phải không bạn?

 

Tạm biệt nhé, hãy vui tươi để tỉnh táo và vững tâm sống cho tử tế!

Chào Từ Huy.

Nguyễn Hồng Nhung

 

 

DÚL ANTAL

( Giám đốc nxb Medio chuyên xuất bản tác phẩm của Hamvas Béla)

 

GIỜ CỦA NGÀY THỨ SÁU NĂM 2012

 

“ Nếu chúng ta biết chính xác giờ của ngày thứ sáu, lúc tạo hóa kết thúc, chúng ta có thể biết khi nào sẽ đến ngày và năm của bản án cuối cùng. Bởi vì nó sẽ không đến chậm một giây. Điểm tận thế đã được xác định, nhưng đấy là bí ẩn bên trong của vòng quay.”- Jakob Böhme: Bốn mươi câu hỏi về linh hồn, điều 80.

 

Về những gì những cuốn sách thiêng không nói đến, không nên mất thời gian với chúng. Những cuốn sách thiêng bàn về sự tỉnh táo, về sự thức tỉnh và về con đường của con người thượng đế.

 

Tháng Mười hai năm 2012?

 

Ngay từ đầu sự bí ẩn của cái kết thúc đã khiến người ta chú ý. Đây là “trò chơi chuỗi hạt ngọc thủy tinh” đối với những kẻ có khuynh hướng siêu hình-lúc có chút rảnh rỗi-họ đều lôi ra xem xét. Tất nhiên trò vô bổ như thế này hiếm, lúc đó dành thời gian để nghỉ tốt hơn. Trong những lúc trống rỗng như vậy, từ xưa tới nay tôi cũng trầm ngâm tự hỏi về ngày sinh, về cái chết, mà không hề tiến thêm một ly đến gần giải pháp.

 

Một đệ tử của Buddha chắc cũng từng bối rối như thế khi lên tiếng: “Đấng Giác Ngộ không đưa ra câu trả lời với những vấn đề như thế giới vĩnh cửu, thế giới không vĩnh cửu, thế giới vô tận, thế giới không vô tận…. Như vậy không được. Nếu ta không nhận được câu trả lời cho những vấn đề ấy, ta sẽ từ bỏ, không làm học trò của Người nữa. Còn nếu Đấng Giác Ngộ không trả lời được, thì thà nói không biết, không thấy, còn tự trọng hơn.”

 

Nói rồi đệ tử này bước tới gần Buddha và đặt ra các câu hỏi.

-    Ta: khi nào bảo con đến đây nhận câu trả lời của ta về những điều con hỏi?- Buddha thốt lên.

-    Chưa bao giờ, thưa sư phụ

-    Nếu như vậy, con là một kẻ điên khùng muốn giữ đời sống cho riêng mình, và đặt con đường tu học thành sự phụ thuộc.

 

Rồi Buddha tặng cho kẻ phân vân một câu chuyện ngụ ngôn, để đánh thức lòng kiêu ngạo và sự vô lý của môn đệ tự buộc mình vào các điều kiện.

 

Đây là “Câu chuyện mũi tên” nổi tiếng.

 

Đại loại có một kẻ bị trúng một mũi tên tẩm thuốc độc, nhưng khi đưa đến thày thuốc, kẻ này nói: tôi không cho phép rút mũi tên ra khỏi cơ thể tôi, chừng nào tôi chưa biết, ai là người bắn tôi, thuộc đẳng cấp nào, tính tình ra sao, sống ở thành phố nào, sau nữa, họ lấy cây sậy nào làm mũi tên, dùng loại lông chim gì, nội tạng của loài gì để chế biến, và cứ như thế tiếp tục…

 

Lúc kẻ này nhận được ngần ấy câu trả lời, chắc y không còn sống sót.

 

“Có sinh ra, lớn lên, lão hóa, có cái chết, sự đau khổ, lời than van, nỗi đau, những lo lắng, sự hoang mang, những thứ trong cuộc đời, mà ta đã dạy làm thế nào để thắng được chúng…Những gì ta chưa giải thích, hãy để nó vô biện, còn những gì ta đã giải thích rồi, hãy nhận lấy những lời giải thích đó. Kiến thức của ta chỉ có ngần ấy.”

 

Sự suy sụp vật lý là một nhân tố đau đớn nhất, sợ hãi nhất của đời sống tri thức-thân xác. Tất cả chúng ta đều có một tháng Mười hai năm 2012 của riêng mình, nhưng thời điểm này, trong một chừng mực nào đấy chỉ dành cho một cá nhân và chỉ xảy ra một lần,  nhất quyết không gắn với bất cứ thời điểm chung nào.

 

Với tôi, có thể ngay ngày mai tôi phải ra đi, với anh có thể phải đợi ba mươi-bốn mươi năm nữa. Và kể cả khi trong một giây duy nhất cả quả địa cầu này diệt vong, chúng ta cũng vẫn còn lại một mình khi bước qua biên giới ấy, bởi chúng ta không thể có trong cộng đồng số phận.

 

Tôi chỉ có thể là một quan sát viên hồi hộp theo dõi sự đau đớn của anh, tôi có thể nhận biết trán anh đang lạnh dần và da anh từ từ đổi sang màu vàng, nhưng từ phút giây ấy tôi không thể theo tiễn anh được nữa, tôi không thể cùng anh đảm nhận một cộng đồng khác bất lực trong cái chết của anh, như thể tôi chỉ cầu nguyện cho anh và cho tôi, để cả hai chúng ta cùng tìm về đến nhà.

 

Tử thư Ai cập và Tử thư Tây tạng dường như là những kẻ sau cùng thử tìm cách đi theo những người đã ra đi trong thể xác khí êter.

 

Thời gian phủ tinh vi một lớp màng nhện quấn quanh chúng ta, người Hindu nói, chúng ta rờ rẫm, chúng ta cân đo đong đếm, cố gắng thử nhận ra, thử tìm cách tháo gỡ, đọc những ký hiệu từ lớp màng nhện đôi khi lỏng ra, đôi khi căng lên, nhưng không thể giải nghĩa và kinh nghiệm được nó. Lớp màng nhện ngày càng quấn chặt vào cơ thể chúng ta, cho đến chừng con người già cả đến động đậy cũng không thể, sau cùng bị nó bóp chết.

 

Trò chơi chuỗi hạt thủy tinh về mặt chiến thuật có hai con đường. Một con đường như thế này: Ô! nếu tôi có thể biết giờ và phút của thời điểm ấy, tôi sẽ sắp xếp đâu vào đấy và chuẩn bị đến nơi đến chốn cho hơi thở cuối cùng. Tôi không cầu xin từ ân huệ ru ngủ. Tôi muốn biết bệnh tật chết người của tôi, hoặc sự thật về ngày tận thế.- Người ta thường vượt qua điều này bằng hạt ngọc thủy tinh màu trắng. Người ta ngạc nhiên về năm 2012 bằng sự giúp đỡ của những tín hiệu vũ trụ từ những cơ thể đã phân hủy từ lâu của các linh mục người Maja.

 

Tại Nhật bản một thiền sư ngốc ngếch nhưng dễ thương cầu khẩn Niết bàn hãy cho phép chúng ta được biết một cái gì đó chắc chắn về giờ phút chết, ít nhất trước một tuần, để ngày tận thế được đón nhận một cách có chuẩn bị.

 

Platon và Hamvas Béla đều nói đến sự chuẩn bị cho cái chết. Philosophein ouk alla thanatein – thông thái không là gì khác, ngoài việc chuẩn bị cho cái chết.

 

Còn những kẻ chơi với những hạt thủy tinh đen thì nói: Ô! giá mà giờ phút tận thế đến một cách bất ngờ, giá tôi không phải nhìn thấy những tín hiệu đe dọa, và tôi có thể ra đi trong giấc ngủ sâu. Họ muốn bình thản, thỏa mãn, nhưng nhanh chóng, vô thức và không đau đớn” bước qua”. Nếu điều này sự may mắn hoặc số phận tử tế không đem lại cơ hội, thì ít nhất tôi cũng nhận được một mũi tiêm hoặc một viên đạn.

 

Cả hai cách biện minh tiếp nhận này đều sai. Ai muốn biết cái chắc chắn, hãy vứt các cuốn lịch đi, bởi vì” giờ và phút” bằng cả cầu nguyện lẫn bói toán, lẫn tính toán khoa học  đều không nhận được. Ảo ảnh ( májá) không là ảo ảnh nếu đó không phải là một câu đố không cơ phương giải nghĩa. Thời gian không là ảo ảnh, là sự màu nhiệm và ảo tưởng nếu ngày tận thế có thể tính toán được.

 

Ảo ảnh (májá) người Hindu nói, khi con người nhìn thấy ( tiếng Hung: khi bị lộ chân tướng) nó lập tức co thụt lại không để dấu vết.

 

Thượng đế không phải là sự bí ẩn, mà bí ẩn là một cái gì đó”bên ngoài” Thượng đế, Hamvas viết.

 

Không phải MỘT là bí ẩn, mà tại sao dường như sự sống bị đứt đoạn làm đôi( không phải advaita-một), thành hiện thực bên ngoài và khách quan. Không phải vĩnh cửu là bí ẩn, mà dường như thời gian là thứ đã trôi qua.

 

Phần lớn nhân loại đại diện cho biến thể - b. Tôi gặp rất ít người thờ ơ với khả năng đau đớn kéo dài. Kẻ trong giây phút nguy kịch nhất vẫn không muốn biết gì hết là kẻ trong ngày đó không ngủ được. Không thể chết một cách quay lưng lại với cái chết. Vô ích uống thuốc ngủ hoặc nhận một mũi tiêm morfium, vẫn cứ phải trải qua khoảng thời gian cuối cùng bằng đôi mắt mở và ý thức tỉnh.

 

Nền tảng của sự tỉnh táo không phải là thân xác vật lý, mà là thân xác eter (thường gọi là linh hồn). Với thân xác eter cái thân xác nặng nề (thế giới vật lý) vô tác dụng, bởi không bị “bỏ bùa”, đạn không xuyên qua nó. Bởi vậy Chúa Jezus nói các ngươi hãy đừng sợ kẻ nào giết thân xác, mà hãy sợ kẻ giết( làm hư hỏng, mê hoặc, bỏ bùa) linh hồn.

 

Có thể tồn tại một giải pháp tốt lành? Trong ván bài này tuyệt đối không có.

Định nghĩa chính xác của Buddha như sau:” Mi đừng hỏi về điều gì sẽ không nhận câu trả lời về bất cứ điều gì, sẽ không quyết định về bất cứ điều gì. Một câu hỏi dở chỉ nhận được một câu trả lời dở. ( Trích:Turija-pitaka. Sưu tập riêng).

 

Mi có một khả năng để thức tỉnh, ngay bây giờ, mà không cần phải đợi đến 2012! Mi có thể trở thành Buddha, thậm chí, mi đang là, cần gì phải kiếm tìm từ những tín hiệu mơ hồ không xuất hiện của một thời gian xa xôi không hiện hữu?

 

Trong kinh Trái tim Buddhisattva nói như sau: Không có chỗ nào để đến, không cần phải đến. Không cần vì sao phải giục giã thời gian, nhưng giữ nó lại cũng vô nghĩa.

 

Ai chạy đua với”thời gian keo kiệt”kẻ đó không bao giờ thắng. Vật lý gọi con đường dẫn đến sự hỗn loạn là entropia. Sự suy thoái. Vô thức là kẻ quan sát bất lực của sự suy thoái này, giống như các thiên thần quằn quại trong đồ họa của Düren. Đây là sự buồn bã u sầu. Trạng thái buồn bã u sầu là khoảnh khắc cuối cùng trước khi thức tỉnh.

 

Nhiều công cụ kỹ thuật, khoa học được phát minh để chạy chữa cái tận thế, nhưng giờ đây đành bất lực. Những nhà bác học chơi trò chơi hạt ngọc thủy tinh và các nhà huyền học đã tuyên bố, mọi tín hiệu cho thấy, cái tận cùng đã đến gần. Nền văn minh này không thể tiếp tục lâu dài. Những trụ cột tư tưởng đã lão hóa. Họ nói, chúng ta đã tạo dựng một vị trí thế giới eschatology mới, tách hẳn với những thời đại thế giới trước, nên giờ đây sự trả giá bắt đầu.

 

Chúng ta làm gì bây giờ? - Người ta hỏi - làm cái gì đó ít ỏi một cách thảm hại.

Chúng ta có thể hãm phanh chút đỉnh sự suy thoái này, nếu thực hiện sự tự chủ bản thân, giảm bớt tiêu thụ, có ý thức hơn về môi trường, thông tin và giáo dục có hiệu quả hơn, và đưa ra các biện pháp xã hội-kinh tế- chính trị thiết thực. Nhiều người cho rằng giờ đây chỉ lời cầu nguyện, thiền quán, cầu xin, cứu giúp được trái đất bị bệnh này.

 

Chúng ta đang sống trong mức độ tri thức hoang tưởng.

Một đằng” Chúng tôi đang ở trong niềm tin”( câu thường dùng của Hamvas) là chúng ta đủ khả năng- nếu không xây dựng được một thế giới mới, thì ít nhất cũng phá hủy được cái hiện tại. Chúng ta trở nên có khả năng sáng tạo ra cái tiêu cực. Mặt khác chỉ ý nghĩ chống lại tạo hóa thôi cũng đủ làm cổ họng chúng ta nghẹn đắng. Trong thế giới truyền thông (trong các ngành công nghiệp giải trí) sự dọa dẫm có tính cách chuyên nghiệp từ nền tảng khoa học, giả tưởng, huyền bí hay tôn giáo đang phát triển thành các lĩnh vực kinh doanh.

 

Thế giới đang ở trong trạng thái ý thức eschatology, như thời của Chúa Jezus. Không còn nghi ngờ gì nữa, bản thân Chúa Jezus từng kêu lên:” Và bầu trời cùng mặt đất biến mất”. Nhưng sự  nhấn mạnh của Chúa rơi vào câu tiếp theo:” Nhưng những lời nói của ta không bao giờ biến mất.” Đây là những lời có khả năng chiếu sáng giữa những âu lo của chúng ta.

 

Con người là thực thể tạo sự cân bằng của vũ trụ. Bà mẹ trái đất của chúng ta là nạn nhân của rất nhiều thứ khi mang thai, sinh nở và nuôi dạy con người. Con người chịu trách nhiệm về trật tự của vũ trụ, bởi vậy họ dựng vườn, xây nhà cửa, nhà thờ. Không quan trọng là sáu- bảy tỷ người trên trái đất biết điều này. Cũng đủ, nếu một tá người nhận ra. Cũng đủ, nếu ba người và vì họ bà mẹ trái đất tiếp tục dệt tấm voan hy vọng. Thậm chí, một người cũng qúa đủ, nếu “tỉnh táo”.

 

Nhưng cái tiếp theo, giờ đây quan trọng hơn tất cả. Toàn bộ vũ trụ mười bốn tỷ năm đang chờ đợi kẻ thức tỉnh ngay lúc này là Bạn, một cách kiên nhẫn và khiêm tốn. Không giục giã, ở đây không có bất kỳ hình thức giới hạn thời gian nào. Đấy không phải linh mục,nhà bác học, nhà chuyên môn, chính trị gia, bác sĩ, kẻ tin rằng nếu Bạn bỏ quên lỡ giây cần thiết, sẽ mất hết. Không có sự hoảng loạn thời gian. Khoảnh khắc không thể lỡ và thời gian của vĩnh cửu không thể hết.

Đoạn kết:

Tôi nhớ lại, ngày 22 tháng 12 năm 2012. Tôi tỉnh dậy vào một sáng sương mù xám xịt. Xương khớp của tôi kêu răng rắc và đau ê ẩm. Tám giờ, nhưng cứ như chưa bình minh. Tôi lơ mơ ngây người nhìn vào khoảnh không. Vài chỗ trên vỉa hè còn sót lại đám tuyết đóng băng đen bẩn. Một con quạ thành thạo bửa một quả táo đã đóng băng. Những con khác chăm chú rõi nhìn từ những cành cây trơ trụi, trong tư thế sẵn sàng lao xuống.

 

May mắn mình đã thoát được đêm qua, tôi nghĩ, vào năm sáu mưoi bảy tuổi cần biết ơn với từng giây phút sống. Người ta nói chúng ta cần sống sót qua giai đoạn cực từ trường và sóng thần, sau đó sẽ tiếp đến một thời gian dài sự bình thản sương mù với khí hậu nhiệt đới hoặc những thời kỳ băng giá.

Tôi bật radio trong nhà bếp. Nghe nửa tai những chiến tranh, suy thoái kinh tế, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng, thiếu không khí… Tôi xỏ chân vào đôi dép nhồi bông cũ kỹ, mua từ khi tôi còn tốn công ngồi viết mẩu văn châm biếm này. Thật là một giá trị lớn. Vật làm chứng cho thời cuộc của thế gian.

 

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

Bản dịch tặng Nguyễn Thị Từ Huy

( Budapest.2011.07.19)

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2654
Ngày đăng: 24.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tháng Ba Tây Bắc Hoa Ban Nở - Minh Nguyễn
Lan Man Chuyện Qua Tàu... - Hà Thúc Sinh
1 Ngày Của Hắn - Phạm Ngọc Ánh
Nhạc Sĩ Trương Thìn & Dạ Khúc Trăng Thơm… - Mang Viên Long
Một buổi sớm bình minh trên biển vắng. - Klanvy
Chàng thi sĩ viết văn - Lữ Kiều
May mà ta còn có em... và Sài gòn và Thủ Đức - Trần Hoài Thư
Trăng Hát - Khuất Đẩu
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm… - Đỗ Hồng Ngọc
Nghe Trương Thìn hát thơ … Bích Khê - Nguyễn Lê Thu An
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)