Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
457
115.866.868
 
Dịch phẩm cho Lễ Phục Sinh
Nguyễn Hồng Nhung

 

 

 

Năm nay Lễ Phục sinh sẽ rơi vào những ngày đầu tiên của tháng Tư. Chỉ còn nửa tháng nữa thôi, vậy mà tuyết đang rơi, trắng muốt, xiên xiên xối xả như những tia lũ vội vã…

Ngẩn ngơ giữa đất trời lạnh cóng, giữa những búp bông nho nhỏ trăng trắng bay vô tận, ngơ ngác: quái lạ, hôm qua vừa nắng hoe hoe, chưa đủ ấm áp, nhưng cũng khiến những chiếc lá non bé xíu thập thò đâu đây, trên những cành cây khẳng khiu trần trụi…

Vậy mà hôm nay tuyết lại rơi, vùi dập, không thốtnửa lời…

Vội vã quay về với một cái gì an bình vĩnh cửu cứu rỗi…đây rồi, những thủ thỉ linh hồn, những trang sách của bác Hamvas Béla…(NHN)

 

HAMVAS BÉLA

 

 

       1.         TÂM LÝ HỌC CỦA VIỆC NGẮT HOA

 

(Rứt một xiềng xích sắt dễ hơn rứt một vòng hoa- Abbé Constant)

 

Nếu cuối đời đến với Thiên Thần của cái Chết, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không nổi loạn mà lẳng lặng đi theo nàng. Mi có quên gì không? Tôi trả lời: có lẽ không. Nhưng nếu nàng hỏi: mi có tiếc thứ gì để lại đây? Tôi sẽ trả lời: những bông hoa.

Tôi sẵn sàng và dễ dàng từ bỏ mọi thứ có trên thế gian, nhưng hỡi ôi, hoa, những bông hoa!

Thiên Thần nói:mi sẽ thấy thế giới của nhận thức còn giàu hơn thế giới của hình ảnh. Ở đó mi sẽ thấy. Điều này giống như khi mi rơi vào thiền định sâu. Đứt đoạn khỏi trái đất sẽ không có trải nghiệm nào của mi ngoài trạng thái lâng lâng phi vật chất; mi sẽ lơ lửng một cách hạnh phúc và giải thoát trong vô tận.

Trong những khoảng khắc vĩ đại của tình yêu, khi bức tường giữa bên ngoài và bên trong sụp đổ, mi sẽ không bao giờ biết đâu là ngoài và đâu là trong, thân xác thành linh hồn và linh hồn thành thân xác.

Trong những khoảnh khắc vĩ đại của tôn giáo, khi bức tường giữa ở đây và bên kia sụp đổ, mi sẽ không bao giờ biết đâu là đây và đâu là bên kia; mi sẽ sống trong trạng thái ý thức riêng biệt về bản thân chấm dứt, mi sẽ trải qua những mức độ tinh thần hướng về Thượng đế, và sau cùng mi đạt tới Thần, là lúc mi tới đích.

Tôi nói: Hỡi Thiên Thần Thiêng liêng! Trong đời sống của mình  ta đã tham dự vào ân sủng biết tự nguyện cam lòng theo những quy luật của sự sống. Ta cứu vớt mình bằng sự sùng kính, không cần cưỡng ép hoặc thúc dục.

Giờ đây ta cũng ra đi vì cần, bởi ta mừng  đã biết cam lòng, và bởi ta biết, thế giới mà ta sắp bước vào cao hơn thế gian này. Không có gì để đau đớn. Trong tim ta an bình ngự trị. Nhưng những bông hoa, ôi những bông hoa!

 

Khi vẫn còn là trẻ con, tôi nhớ một chân đồi, nơi ra vào một thung lũng lạnh, tôi ngồi trên bức tường cạnh một ngôi nhà đổ nát, trước mắt tôi là những bông cúc tím dại mọc trong bóng râm. Cùng lũ bạn thơ ấu xưa, chúng tôi từng bảo nhau cúc tím dại là lính Hung, còn hoa bồ công anh là quân địch.

Chúng tôi vặt trụi lũ hoa bồ công anh ở những nơi đến, nhưng không bao giờ làm gì với hoa cúc tím dại. Giờ đây, khi ngồi trên bức tường này tôi nghĩ, biết bao lính vệ quốc , cả một tiểu đoàn, đóng trại hoặc chuẩn bị tấn công,  bỏ qua những trận đánh với hoa bồ công anh.Tôi  mừng cho họ và chúc họ thắng trận.

Rồi lúc mười tám tuổi thì phải, có một sự kiện đặc biệt làm tôi nhớ đến. Tại sao con người lại ngắt hoa và lấy hoa để trang trí cho họ? Sự bắt buộc bí ẩn nào xảy ra khi vào tháng ba chúng ta đi dọc suối để ngắt hoa tuyết, còn tháng năm vào rừng hái hoa chuông, và tháng sáu đi hái những bông hoa thuốc phiện dại và hoa lúa mì giữa những luống đất cày?

 Tại sao lũ con gái vui sướng khi được tặng hoa? tại sao có những bình hoa trong phòng và cắm đầy trong đó mai hoa trắng mùa xuân và cúc vàng mùa thu? Tôi chỉ nghĩ đến thế lúc ấy. Và tôi quyết định sẽ nghĩ về điều này, sẽ chỉ yên lòng nếu tìm ra bí ẩn của nó. Tôi sẽ viết về tâm lý học của việc ngắt hoa.

Tất nhiên lúc đó tôi chả biết mảy may gì về tâm lý học. Tôi chỉ hiểu,linh hồn đi ngắt hoa. Tại sao? tận hôm nay tôi cũng không biết. Chắc có một cái gì họ hàng giữa chúng.

Một người nào đấy càng có vẻ linh hồn, càng là hoa. Đàn bà. Đặc biệt là bọn con gái. Thiếu nữ. Trẻ em. Đặc biệt là trẻ sơ sinh. Những cái tên con gái: Iboly (Hoa Tím) Rozsa (Hoa Hồng), và tên đàn ông nữa: Nárcisz (Tóc Tiên)

Từ bấy đến nay đã hai mươi lăm năm trôi qua, nếu nhớ đến đinh ninh thuở nào trên bức tường, tôi lại cảm thấy mình cần phải trả món nợ này.

Việc đầu tiên cần nói đến là tên của hoa. Tên hoa là những từ đẹp nhất. Trong tiếng Hung, cũng như trong tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc Latin. Tôi tiêu khiển nhiều buổi chiều hoặc buổi tối, đặc biệt vào mùa đông, cạnh lò sưởi, bằng việc kiếm tìm các tên hoa trong các từ điển để ngây ngất thưởng thức. Nhiều lần tôi tìm cho chúng những hình ảnh minh họa hoặc cả một câu chuyện.

Tôi chỉ nói một ví dụ. Một lần mùa xuân, tôi tìm thấy trong một xó hướng bắc, một nơi có bóng râm và kín đáo một bông hoa trắng. Dù ngay thời học sinh, cả từ bấy đến nay tôi ưa thích các từ tên hoa, nhưng tôi không biết tên loại hoa này.

 Nó lớn lên giữa những cái lá của hoa chuông, lá của nó có lông tơ, giữa năm, sáu, thậm chí bảy cánh nhung mềm trắnglà một nhị vàng. Hương của nó?Nói thế nào nhỉ? hơi nồng, thoảng, như kiểu hương hoa huệ, nhưng ngọt và nhẹ hơn, tinh tế, tươi tỉnh, như thể không vương tính vật chất. Tên La tin của nó là Anemona, tôi gọi nó là Anemona Trắng.

 Tôi biết một nơi đầy loại hoa này. Giữa tháng Năm tôi đến nơi đó, lần thăm viếng này mang rất ít tính chất trần gian. Tôi cúi đầu xuống bụi hoa có cảm giác năm mười tám tuổi mình đã gặp nàng con gái suốt đời mình mong gặp, người thiếu nữ, thơ ngây như con trẻ, tóc vàng, da trắng như cánh hoa Anemona, chuyện trò với tôi, từ đôi môi thoảng mùi hương dịu. Tình yêu, tôn giáo, cái đẹp, linh hồn hòa hợp, như sự hoàn thiện của một khát vọng không bao giờ thỏa mãn.

Hương và tên hoa này ngay lập tức, cũng từ bấy đến nay làm tôi nhớ đến Léthe, nhớ đến nước của dòng sông „Lú”theo truyền thuyết Hy lạp cổ. Có một quan hệ gì đấy giữa cái tên, hương, màu trắng tinh khiết của hoa Anemona và sự lãng quên: niềm hạnh phúc, có một thức uống bằng sự bí ẩn lạnh giá của nó gột sạch những kỷ niệm của tôi, để tôi có thể lại bắt đầu sống một lần nữa, như thể sinh ra lần đầu.

Mùa thu tôi đến nơi ấy lần nữa, cây hoa bọc trong một khối bông trắng đặc biệt, tôi bắt gặp những đôi mắt nhỏ li ti, như thể từ phôi của nó sản sinh ra một đội quân nhỏ. Cực kỳ mong manh. Tôi cứ bần thần mãi, sao cây hoa có thể quấn những đứa con của mình vào chiếc mền bông trắng, nhẹ nhõm, ấm áp đến thế, để mùa đông đến chui vào đất, chúng không bị lạnh.

Giá có ai hỏi tôi thích sống với ai, tôi muốn trả lời: với nàng con gái Anemona trắng. Nhìn vào nàng, tôi quên hết những gì xung quanh, như thể mặt nước sông Léthe từ đôi mắt, từ sự động chạm với nàng êm như nhung, cần phải bảo vệ nàng như bảo vệ một cách hoa nhung mềm trắng muốt.

Jung gọi người đàn bà mà đàn ông từ khi sinh ra đã mang trong trái tim và thực chất chỉ yêu và vĩnh viễn yêu là Anima. Anima và Anemona. Hoa linh hồn. Hoa hạnh phúc. Bông hoa của trinh nữ vĩnh cửu.

 

Giờ đây khi tôi hỏi: tôi có thể dừng lại mà không ngắt hoa? Không. Trong điều này có gì đó tự thân. Tôi biết, không hay nếu con người giết súc vật và ăn. Không hay nếu chặt cây, dùng cây để xây dựng hoặc đun nấu. Không hay nếu tước quyền sống của các thực thể sống, chỉ để nhồi vào dạ dày hoặc thỏa mãn sự hưởng lạc. Chỉ trừ một điều duy nhất: ngắt hoa.

Không có gì dở nếu tôi ngắt hoa, mang về nhà, cắm vào bình và cứ nửa tiếng ngây ngất ngắm một lần, sao hoa đẹp đến thế. Hoàn toàn bình thường khi con người ngắt hoa, bện thành vòng hoa, cài vào khuy áo hoặc cắm lên mũ. Tại sao?tôi không biết.

Trong cái nhân tố cực kỳ đơn giản là con người ngắt hoa, chứa đựng nhiều bí ẩn. Bọn trẻ con ngắt vô tư, bọn con gái ngắt một cách vui sướng điên rồ, những kẻ đi du lịch ngắt hàng bó lớn, từ các khu vườn người ta cắt hoa từng khóm, như thể hoàn toàn tất nhiên và cần phải như thế.

Thế gian cũng là một thực thể sống và ngắt hoa là một sự giết. Nhưng được phép. Chẳng ai ngăn cản đừng hái Violet tím bên bìa rừng tháng Tư. Một huyền bí lạ kỳ khiến ta bất lực đứng và đưa mắt ngạc nhiên rõi theo.

Trong các cuốn sách tôi đọc lúc rảnh, bao giờ cũng có hoa. Buổi trưa tôi sẵn lòng ngắt hoa rozmaring, hoa sim, hoa muối dại tím, ngắt lá cây vả, cây repkeny. Tôi đem về nhà gần như tất cả những loại hoa gì bắt gặp giữa đường, và thích hái.

Trước kia tôi có nơi sưu tập hoa khô, nhưng rồi tôi bỏ, đấy dành cho viện bảo tàng. Trong sổ tay ghi chép lúc nào tôi cũng mang theo vài nhánh oải hương (levendula) tím. Tôi hái mùa thu năm trước, thỉnh thoảng lôi ra, vo nát và sặc hương.

Có một phương cách duy nhất bảo vệ sự ảnh hưởng của con người, một phương cách duy nhất khiến con người vẫn vô tội khi đã phạm tội. Phương cách duy nhất là còn lại trong đời, nếu chết. Đấy là huyền bí của tôn giáo, tình yêu, nghệ thuât. Và của việc ngắt hoa.

Tất cả đàn ông đều trải qua cảm giác nàng con gái mà họ yêu, khi còn là cô dâu mới dễ thương, nồng ấm làm sao, sau hôn nhânhọ đành phải chịu đựng  những khiếm khuyết  của nàng như  thích chỉ huy, đồng bóng, tầm thường.Và nếu không phải trải qua, họ chắc chắn vẫn sẽ biết, bởi vì kinh nghiệm này là một bến đỗ cần thiết không thể bỏ qua  trong số phận đàn ông.

 Biểu tượng duy nhất dành cho cô dâu: hoa. Bởi vậy cần „hái” cô đem về cùng hoa, và bởi vậy chú rể không thể đón dâu nếu thiếu hoa. Người đàn ông tưởng lấy hoa về làm vợ. Nhưng không. Quan niệm đàn bà có họ hàng với hoa cần bỏ đi, vì sai. Đặc biệt, khi nguồn gốc và cội rễ những đặc tính trong đàn bà như dối trá, giả dối, hư, chọc tức, làm người khác vỡ mộng và chán nản, không phải từ sự ích kỷ.

Tôi cho rằng thế này:nếu bằng những đặc tính trên đàn bà bảo tồn được sự sống riêng và bản thân mình cùng với chúng, họ vẫn có quyền được bảo vệ, kể cảlúc đối đầu với đàn ông đi chăng nữa, khi đó họ vẫn có thể là hoa. Bởi vì tôi không tự ru ngủ mình, số phận của cây cỏ không hề lý tưởng, mà cực kỳ ích kỷ, bởi nó cần phải giải quyết nhiều thao tác khó khăn khổ sở lạ lẫm.

 Cứ nghĩ đến công việc của những cái rễ là đủ:không phải trò đùa khi nuôi dưỡng cây. Đấy không phải cuộc tranh đấu lý tưởng khi vẫn cần phải tiếp diễn vì chỗ, vì ánh sáng. Nhưng không sao: sự duy trì mầm sống riêng đã chứng minh cây cần phải tỉnh táo và ích kỷ như thế nào.

Ở đàn bà, những đặc tính làm người khác căng thẳng, mất hứng, suy sụp và sau cùng  cướp đi cái đẹp lớn thứ hai của cuộc đời không nảy sinh từ bản năng duy trì sự sống tự nhiên của đàn bà. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa đàn bà và hoa. Bởi vậy đàn bà không phải là hoa. Cái xấu từ sự ích kỷ trắng trợn luôn luôn có thể tha thứ và tha thứ được. Bởi trong điều ấy chúng ta bình đẳng như nhau, và chẳng làm gì nổi nhau.

Còn cái xấu trong đàn bà thì độc ác, hủy diệt và ma quỷ, một thứ chính thế có thể tầm thường và đê tiện, như một người đàn bà có thể đẹp và quyến rũ, một thứ độc ác vô lý, vô nghĩa, không liên quan gì đến một số phận tự nhiên. Đây không phải thứ nhu cầu cần thiết trong cái Tôi, mà là sự phục vụ của những Quyền lực xấu nằm ngoài bản chất. Tôi không nói nó có thể khác, mà nói, nó là như thế.

Tôi chưa tìm ra kinh nghiệm nào chấn động hơn thế. Không chỉ một lần và đột nhiên nhận ra. Các Thần hộ mệnh của tôi tha cho tôi, bởi biết rằng tôi khó có khả năng chống đỡ. Bởi vì đàn bà đối với tôi, rất tự nhiên, và điều này tất cả đàn ông lập tức hiểu ngay, quan trọng hơn bản thân tôi rất nhiều. Từ từ, sau rất nhiều năm, mỗi một năm chỉ rỏ giọt một giọt, sau cùng khi tôi đã nhìn thấy rằng, tôi có thể chịu được đàn bà, lúc đó trong tôi đã đủ sức mạnh và lợi thế.

Bù đắp cho người đàn bà hiện thực, như người ta nói, trong linh hồn đàn ông phát triển một bóng dáng chân chính. Người ta gọi linh hồn mang chất đàn bà trong người đàn ông là Anima, là người đàn bà mà y đeo trong tim, có thể là một thực thể đã hình thành sau vô vàn đời sống trước đây của y, như ta nói, không hiện thực mà chân chính. Nhiều kinh nghiệm đã chứng minh cho nhiều người thấy, điều này đúng như vậy.

Đối với tôi điều này không nói lên gì mấy, bởi mọi khái niệm dựng lên từ kinh nghiệm đối với tôi đều xa lạ. Có thể, Anima phát triển, trái ngược với người đàn bà hiện thực, để cứu vớt người đàn ông khỏi sự sụp đổ hoàn toàn, và để y duy trì hình ảnh người đàn bà chân chính trong đời và trong sự tỉnh táo.

Shelley cho rằng: nhiều người yêu một nàng Antigone, bởi vậy ít đàn bà trần thế. Ý kiến của Rilke khác: theo chàng cần phải chinh phục người thiếu nữ-linh hồn bên trong, và nàng là nhiệm vụ chân chính của một đời đàn ông để đi chinh phục và sống cùng suốt đời. Nhiều ý kiến, lắm dạy dỗ. Nhưng hai ý kiến thế là đủ.

Cái nổi lên ở đây tôi không cho là vấn đề. Cũng không có ý định giải quyết. Và thực chất ý đồ giải quyết trong những trường hợp tương tự đều không khiêm tốn cho lắm. Tôi chỉ muốn nói đến mối quan hệ giữa đàn bà và hoa.

Chắc mọi người còn nhớ đến một tấm ảnh, người ta mang hoa đến cho một người đàn bà trẻ, và cái tiếp theo: cô gái ôm ghì bó hoa vào ngực, phía trái tim, theo cái cách phù hợp với những điều kiện của sự quyến rũ và làm dấy lên một ảo ảnh hoàn hảo.

Nửa khuôn mặt sát đến cạnh hoa, nàng hít hương thơm, và mỉm cười. Hình ảnh này trong đời ít nhất người ta nhìn thấy đến hai trăm lần, trên ảnh chụp còn nhiều hơn nữa. Tôi chưa bao giờ thấy các cô gái làm khác, cũng như chưa bao giờ tôi nhìn thấy con mèo rửa mặt theo hai kiểu.

Tất cả mọi nơi đều là sự nhẹ dạ và quyến rũ trưng trong tủ kính, đúng nụ cười ấy, cái cách cúi sát mặt vào hoa ấy, đúng sự cảm động giả dối ấy, sự gắn bó với hoa. Tấm ảnh muốn trưng ra, đây là cô gái chân chính, cô gái trong trong linh hồn đàn ông, là bông hoa mà người đàn bà hiện thực chỉ là một hình dạng hư hoại của nó mà thôi.

Nếu nhìn thấy một đàn bà đẹp, tôi luôn luôn say mê nhìn tới nhìn lui, bởi vì tôi bơ vơ không được bảo vệ vĩnh viễn chống lại đàn bà đẹp, nhưng cho dù nàng đẹp lộng lẫy, quyến rũ đến đâu tôi cũng nhìn thấy trong nàng ở đâu có sự ghen tỵ, trả thù và thuốc độc.

Sắc đẹp không đánh lừa được tôi nữa. Nàng không phải hoa. Dù nàng rất muốn. Dù tôi rất mong mỏi. Dù nàng rất mong đợi. Nàng mỉm cười với tôi, nhưng tôi biết bí ẩn của nụ cười này là ressentiment  (oán giận). Tôi không muốn chết già trong ý nghĩ này. Còn khối thứ khác cần hơn.

Tôi không  cùng quan điểm  xấu như của Dante Gabriel Rossetti  về đàn bà, gần như trong sự kính trọng tôn giáo khi nói: đàn bà cần phải tha hóa để cứu vớt sắc đẹp của họ.” Đôi khi em làm như thể em không phải là em, mà chỉ là ý nghĩa của một cái gì có.”

Tôi cũng không tin đàn bà đúng y như hoa, là áo quần sặc sỡ của nữ thần Kali, Magna Mater, là ảo thuật sặc sỡ của Maja. Đàn bà biết rất rõ, vô ích lụa là, nhung gấm, đồ trang sức, phụ tùng tóc, phấn màu, son, chì đen, nụ cười, vô ích toàn bộ phụ tùng hóa trang gây điên rồ, vô ích và vô ích.

Cần tha thứ sự phản bội của đàn bà (ngoài ra cần tha thứ toàn bộ những gì xấu họ làm để chống lại chúng ta), bởi vì dù họ phản bội đàn ông, nhưng số phận của kẻ bị làm hư hỏng lại chính là số phận riêng của họ. Đàn ông thoát. Đàn bà thất bại trong sự hư hỏng đó, xấu đi, già đi trong đó. Đàn bà thất bại chính trong cái mà vì thế họ phản bội: trong sắc đẹp của họ.

Như một quy tắc có thể nói: Nếu một người nói dối người khác, gây tác hại, lừa, làm rút ngắn kẻ khác, có thể, kẻ bị lừa trong thực tế bị cướp. Chưa chắc. Nhưng có thể coi như thế. Điều chắc chắn đàn bà nói dối bản thân bằng sự nói dối, rút ngắn mình bằng sự rút ngắn, lừa bản thân mình bằng sự lừa gạt.Chắc chắn như thế, không có ngoại lệ. Sự phản bội người khác đập lại ngay chính bản thân mình, có trường hợp tránh được , nhưng tôikhông bao giờ.  Kẻ nào rút gươm với người khác, chưa chắc đã đâm được, nhưng chắc chắn đánh mất bản thân mình vì cây gươm.

Tôi cần nói thêm:hoa có quan hệ với người đã chết. Bởi vậy nghĩa địa cần trở nên một khu vườn. Mọi bông hoa đều nằm trong quan hệ với cái chết, nhất là những bông hoa đã ngắt, bó hoa hoặc vòng hoa. Thật đặc thù, đúng không? Cô dâu và người chết nhận bó hoa. Quả thật ai chết, khi tiến hành đám cưới và cái chết giống như đêm tân hôn là thế nào?

Schuler, kẻ chắc chắn đã nghĩ nhiều về điều này (nhưng vĩnh viễn thiệt thòi là chàng viết quá ít), chàng nói: cỏ cây là tượng trưng của sự sống mở. Sự sống mở? cái gì vậy? Một sự sống, tràn qua mọi giới hạn nhìn thấy được của đời sống. Trước tiên thẩm thấu qua sự sống trước và sau cái chết, trước và sau sự ra đời, một sự sống mà giới hạn của đời sống không phải là giới hạn, nó mở, ra phía trước và phía sau, xuống dưới và lên trên. Điều này tất nhiên chỉ nói với những kẻ biết rằng cái chết không phải là sự tiêu hủy.

Cỏ cây sống trong hai thế gian và buộc hai thế gian lại: dưới trần thế, nơi có những kẻ đã chết, nơi có vật chất, và bên trên trần thế, nơi có những linh hồn và các tinh thần. Bởi vậy sự sống của cỏ cây mở, giống như cây cầu hoặc cái cổng, mở ra ngoài và vào trong, mở lên và mở xuống. Sự sống của nó mở hơn của con người, kẻ đã tách rời khỏi đất và bất lực về phía tối tăm dưới lòng đất.

 Hoa giống như một bộ phận tinh thần của cỏ cây: một tượng trưng linh hồn. Phần tối tăm, rễ cây là của những người chết, những kẻ thân xác nằm bên dưới; hoa, phần sáng, là của những kẻ đã chết nhưng linh hồn nằm bên trên. Khi con người đặt hoa lên mộ, họ chỉ ra một nạn nhân. Và” con người trong mọi trường hợp, dâng hiến cho cái chỉ ra nạn nhân” Dâng hoa chỉ có nghĩa ngần này, trở thành nạn nhân của hoa. Của linh hồn.

Linh hồn tự dâng hiến mình cho linh hồn. Linh hồn ta bước vào sự tiếp xúc với linh hồn của những người đã chết. Đây là quan hệ họ hàng của cô dâu và kẻ đã chết. Cả hai đều là những tượng trưng của sự sống mở, thông qua họ, sự sống tự do đi lại từ đó tới đây, từ đây ra kia, như trên cây cầu, những kẻ đang ở đây, nhưng thế giới bên kia cũng có, những kẻ mà sự sống của họ vượt qua giới hạn đời sống, và những kẻ vắt kiệt đời sống của mình từ nguồnsiêu trần thế vĩnh cửu, vì đấy là các linh hồn.

 Nơi đời sống mở rộng và vượt qua tính chất trần tục, nơi đó luôn luôn trở nên sáng sủa. Thiên nhiên trở nên sáng sủa như thế với mùa xuân, khi đã bước qúa giới hạn mà vật chất dâng đầy cho nó. Người chết và cô dâu là như thế. Ngắt hoa trên cánh đồng là một nghề nghiệp của thế giới bên kia, là sự hồi hộp phi hiện thực và một cách nguy hiểm.

Linh hồn ngắt đứt với bản thân mình và đi về phía sự sống mở, nơi không có giới hạn. Tự bện bản thân mình vào vòng hoa. Còn vòng hoa, bó hoa là vương miện, là hào quang, là mặt trời, là sự ca ngợi, là sự quay trở lại của linh hồn với cánh đồng hạnh phúc thiên đường, nơi một lần nữa nó biến thành hoa.

Quay trở lại điều nói trên một lần nữa, giờ đây con người hiểu rõ hơn  cô dâu, người mà chú rể phải mang hoa đến rước, tại sao lại có nghĩa là đêm tân hôn, là sự sống mở, nơi đàn ông biến thành đàn bà, và đàn bà thành đàn ông, và như vậy không dừng lại ở giới hạn mà thiên nhiên đã tạo sẵn, theo hình vòng tròn, như thế gian, như mặt trời, như vòng hoa, cái chết và sự sống cùng nhau, đàn ông và đàn bà, như trong tình yêu cùng nhau sự sống vĩnh cửu: sự ra đời, đời sống, cái chết và sự tái sinh.

Hoa là ký hiệu duy nhất chỉ ra ý nghĩa sự sống mở, và hoa chỉ có ý nghĩa ấy, khi người đàn bà nhận hoa, và giơ tay về phía kẻ dâng tặng, nói: chúng ta hãy mở rộng về phía nhau và hãy liên kết mọi sự sống vào với nhau. Thật đặc biệt đêm tân hôn của con người chỉ mở ra cái có ở dưới. Bởi vậy quái vật mới ngoi lên. Quái vật không là gì khác, ngoài cái rễ, chỉ là cái rễ không là gì khác, sống trong bóng tối, trên nó không có hoa.

Tôi đã sống ba năm trong một ngôi nhà vườn, nơi có khóm hoa nhài mọc dưới cửa sổ, và trong vườn nhà hàng xóm bên cạnh có cây ô liu. Cuối tháng Năm khi hoa nhài và hoa ô liu nở, hai tuần liền, xuyên qua cửa sổ để mở lúc nào cũng có hương nhài và hương hoa ôliu.

Nhiều ngày liền tôi như ngất lịm đi theo đúng nghĩa đen bởi mùi hương, tôi ngất ngây cảm nhận sự bốc hơi của những người chết, sức mạnh kinh hoàng của sự sống tràn ngập từ thế giới bên kia. Đặc biệt vào buổi bình minh, lúc yên tĩnh nhất, giữa một đến ba giờ sáng hương thơm mạnh đến mức tôi ngồi bên cửa sổ và thả mình theo những hình ảnh mà trạng thái say ngây ngất này tạo dệt.

Tôi đi dạo trong các công viên lớn, nửa tỉnh nửa mê, nơi có những bụi hoa hồng lớn, giữa những cái gai của chúng, những bông hồng Phục sinh nở rộ. Rồi tôi lang thang ra cánh đồng: bát ngát là hoa thuốc phiện dại đỏ sẫm, hoa cúc vàng và hoa lúa mì xanh. Rồi bước nhẹ nhàng bên viền bờ suối trong vắt, không chạm đất, những cây hoa tóc tiên mọc đầy trên những khoảng trống. Trên đầu tôi những cành hoa mận, hoa anh đào, hoa táo rủ xuống.

Tôi bay trên cao,  tận cùng trong muôn vàn sặc sỡ hoa nở, nhìn thấy hằng hà sa số sự ra đời của các tiên đồng, các con thú, các con bọ, chim, cá và những loài lưỡng thể, như thể từ bên dưới vào lòng đất người ta đào vô vàn lỗ, và từ đấy, từ tối tăm chúng nhao nhác lộ ra ngoài ánh sáng.

Tất cả mọi nơi, mọi cách, mọi khả năng đều đủ để chúng chui ra, không dấu diếm, không xấu hổ, tham lam và đói sống, như nước nguồn nổi bong bóng từ đất sủi lên. Đây là khát vọng ánh sáng vô tận của sự sống tăm tối, và khát vọng linh hồn bướng bỉnh của đất, và từ mơ hồ các loại, các chủng của các thực thể sống trồi lên.

Linh hồn ngắt hoa. Hoa là hình ảnh duy nhất trên trái đất để linh hồn nhận ra bản thân nó. Rễ của ta nằm trong bóng tối, và ta lớn lên về phía ánh sáng. Và khi ta ngắt hoa, bó thành bó hoặc kết thành vòng, gài lên khuy áo hoặc cài lên mũ, ta làm ta nở hoa, ta như một bông hoa. Hương thơm, màu sắc giúp ta sống trải qua phép màu nhiệm không thể hiểu nổi của sự huyền bí. Bởi vì linh hồn có hương thơm, Herakleitos nói: các linh hồn phi vật chất nhận ra nhau ở thế giới bên kia từ mùi hương của chúng- hai psüchai osmontai kat’ Haidén.

Cái gì là bản chất của hoa? Tôi không biết và có lẽ không bao giờ biết. Nhưng khi ngắt hoa, tôi biết, tôi biến thành hoa, và như vậy tựa hồ như linh hồn tôi hút thân xác tôi, để tôi trở thành mùi hương và cái đẹp phi vật chất, như Anima, và điều này chỉ duy nhất một đóa hoa tím gài lên khuy áo cũng đủ chứng minh.

Ngắt hoa chỉ có nghĩa chừng này: nở hoa; và ngần này: đi qua một cánh cổng bước vào xa xôi. Khi tôi ngắt bông hoa, tôi bước lên đi qua cây cầu huyền bí. Đi đâu? Tôi không biết.

Nhưng tôi biết, tôi đang dự phần vào sự tuyệt diệu không thể nào diễn tả nổi, và tôi mở tôi về hướng bí ẩn đến tận giờ đây của sự sống.

( Trích tiểu luận triết học: Sách –Đảo nguyệt quế)

 

 

 

2. THIỀN ĐỊNH TRÊN ĐỈNH NÚI LÚC HOÀNG HÔN

 HAY LÀ SIÊU HÌNH HỌC CỦA HÀNH ĐỘNG NGƯỜI

( Trích tiểu luận triết học: Sách –Đảo nguyệt quế)

 

 

Người ta gọi là đảo phần đất khô mà các mặt của nó đều là biển. Sự xác định này trừu tượng; Thế mà, khi lần đầu tiên tôi đến đảo, trèo lên núi và nhìn thấy khắp nơi chỉ nước là nước, tôi đã kinh ngạc. Đảo khác hẳn sự xác định nó. Tôi bối rối.

Tôi sống ở đó hai tuần, tất cả các buổi chiều, khi nhiệt độ dịu đi, tôi đều leo lên núi. Tôi ngồi lâu trên bậc thang cạnh nhà nguyện, trong hương thơm ngây ngất của hoa rozmaring vàng. Tôi đọc sách, rất nhiều khi đọc to để biển cùng nghe. Và khi ngước nhìn lên, thử vẽ bằng mắt vòng vèo đường viền của bờ, tôi cười và bảo: đảo.

Thành phố nằm ở phía chân trời hướng đông nam.Ban ngày nó biến mất trong làn hơi nước của không khí, chỉ nhìn thấy nó lúc hoàng hôn, khi những ngọn đèn bật lên. Trên đảo có một trăm năm mươi người đánh cá. Tàu một tuần hai lần mang thư từ đến, và thế là quan hệ duy nhất của tôi với thế giới văn hóa là ánh sáng đèn xa xôi.

 Điều này không làm tôi phiền lòng và cũng chả sao; tôi chỉ biết rằng  vẫn có hai chục hoặc vài nghìn người sống và tiếp tục những công việc thường ngày của họ.

Tôi quay về làng chài. Một chiếc xe chở đầy củi dừng lại ở ngôi nhà cuối làng. Một người vác củi lên vai, đi dăm bước rồi đặt xuống. Quay lại, ông đặt mớ củi khác lên vai, mang đi, đặt xuống. Đến tận khi xe rỗng. Lúc đó ông nhặt những thanh củi lên và xếp lên các giá để củi. Ông lấy chiếc cưa từ cái đinh treo trên cửa, đặt nó lên trên thanh củi. Khi đã cưa củi ra thành nhiều mẩu nhỏ, ông lấy tiếp những thanh củi khác, cưa, lấy rìu bổ ,xẻ củi ra thành nhiều mảnh , rồi đặt chiếc rìu xuống, ông nhặt củi cho vào sọt, mang vào nhà.

Tóm lại: lấy ra, mang vào, nhặt lên, đặt xuống, mang đi, lấy ra, mang vào.

Một lần tôi xem, người ta xây dựng những cầu sắt lớn như thế nào, những con đường sắt trên đó xe con, xe tải, người, đội quân sẽ đi. Người công nhân cầm lấy một cái đinh và đóng vào. Anh ta chuyển những tấm thép từ xe xuống, mang lên cầu và đặt xuống. Một người công nhân khác nhận lấy, cầm lên, mang đi, đặt xuống. Anh ta lấy đinh từ gói ra. Cho vào lửa. Khi đinh nóng, anh lấy ra, đặt lên cầu và đóng vào.

 Tất cả chỉ vì thông qua cái cầu, con người chuyển tiếp cái nó lấy ra, đặt vào, đặt xuống, nhận lấy, rồi lại đặt xuống.

Hay tôi nghĩ đến chuyện, tôi làm gì sáng nay, khi tỉnh dậy: rút chân ra khỏi chăn, cởi áo ngủ, cầm lấy bình nước, trút nước ra, đặt bình xuống, cầm bánh xà phòng lên, xoa vào người, té nước rửa ráy, cầm khăn bông lau, đặt xuống, cầm cốc lên, bóp thuốc đánh răng lên bàn chải, cho vào miệng, đánh răng, xong toàn bộ, tôi thay quần áo và đi giày, cho các  đồ dùng cần thiết vào túi áo.

 Tóm lại: tôi cầm lên, tôi đặt xuống, tôi lấy ra, tôi cất đi, tôi mang đi, tôi bỏ xuống.

Những điều này tôi nghĩ đến, trên đỉnh núi, lúc hoàng hôn, không bóng dáng của sự ưu sầu hay bực bội, khi ngắm  những ngọn đèn bật sáng và tôi tư lự, thực ra hàng nghìn  con người làm gì trong một không gian chật hẹp?

 Họ làm gì? Họ tiếp tục những hoạt động người quen thuộc. Và cái gì là những hoạt động người? Xếp củi, xây cầu, hoặc thay quần áo.Hay nói cách khác: đặt xuống, cầm lên,  lấy vào, mang đi. Nhiều khi không còn là thói quen nữa, mà một cách kiên nhẫn, hứng khởi, nghiêm chỉnh, có chủ ý, rút ra nhiều bài học, thuần thục, kiêu hãnh, chính thức, chỉ lấy ra, đặt vào, lấy đi, cầm lên, đặt xuống, mang đi, hái lấy, mang đến.

Khi chúng ta tiếp tục hoạt động này, ta thường cho nó một ý nghĩa. Nếu hoạt động này bị quấy rầy, ta đủ khả năng để bực bội, nếu nó bị chê cười, ta cố gắng học làm cho đúng.

Đứa trẻ nhỏ vắt sữa từ người mẹ, cho vào dạ dày nó, rồi thải ra những thứ thừa. Nó nắm lấy cái chuông rồi đặt xuống. Muộn hơn, trong trường, nó cầm cây bút lên, chấm vào lọ mực, rồi hạ bút xuống trang giấy. Tất cả những điều này đều cực kỳ quan trọng.

Và không hề nhạo báng.

 Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

                                      ( Budapest.2013.03.14)

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2936
Ngày đăng: 31.03.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? - Nguyễn Cung Thông
Du xuân Tà Cú - Phan Chính
HỎA LINH, SỰ THẬT VÀ THẦN THÁNH - Nguyễn Hồng Nhung
BIÊN ĐỘ CỦA THÁNH KINH - Nguyễn Hồng Nhung
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 4. hết - Nguyễn Văn Thành
Nhà Văn Vũ Trọng Phụng Dưới Bút Danh Ngọa Triều - Lại Nguyên Ân
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 3 - Nguyễn Văn Thành
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 2 - Nguyễn Văn Thành
Con Đường Bao Dung - Trong văn hóa và huyền sử Việt Nam 1 - Nguyễn Văn Thành
Mạc Vị Xuân Tàn Hoa Lạc Tận Đình Tiền Tạc Dạ Nhất Chi Mai. - Nguyễn Cẩm Xuyên
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)